Lan man một đôi điều (đọc lại An Ni Bảo Bối)

 “Có những tổn thương phải trả giá. Nhưng tình yêu mãi là một khát khao êm ả của con người, như nỗi khát khao của một linh hồn cần nơi cập bến.

 Tuy nhiên, linh hồn cứ mãi lang thang. Lang thang nên cứ bất an thường trực. Tìm sự tĩnh tại rất dễ dàng, mà cũng rất không…

Đọc An Ni Bảo Bối giống như lật giở từng trang nhật kí, vừa suy tư, vừa xót xa dằn vặt… Như đọc ghi chép những cơn trái gió trở trời của tâm trạng, những nỗi day dứt thường hằng không sao thoát ra nổi. Và người ta nói đúng: Đừng đọc Hoa bên bờ. Nếu bạn sợ cô đơn và tuyệt vọng.

Thực ra, tôi đọc An Ni từ lâu lắm rồi. Ba bốn năm về trước. Đã từng viết một cái tiểu luận nộp cho môn Văn học Trung Quốc. Chiều nay thu dọn sách vở, phát hiện những dòng chữ đỏ tô trên cuốn Hoa bên bờĐảo tường vi. Dòng chữ đã mờ, không cưỡng được, lại lật giở những trang sách trĩu nặng, sà vào những thứ lan man mình đã ngẫm nghĩ từ bốn năm trước.

Truyện An Ni Bảo Bối có lẽ không thật nhiều tình tiết, cũng không mới lạ ở cốt chuyện. Vẫn là những cuộc tình, chớm nở rồi phai phôi. Vẫn là những nỗi cô đơn xưa nay cắn xé văn học, có chăng chỉ là đẩy lên đỉnh điểm của chúng, đến mức lạc lõng và bế tắc. Sức lay cảm nằm ở cách An Ni xoáy sâu vào tâm khảm, nhấn chìm chúng ta trong nỗi buồn và sự cô độc triền miên. Nhân vật của An Ni Bảo Bối là một kiểu rất riêng, lẩn quất trên nhiều thiên truyện: Một phụ nữ viết văn, tài hoa và cô độc. Họ phức tạp và đa cảm đến độ không thể tìm thấy cho mình một cách sống bình ổn trước cuộc đời. Họ không thể thu xếp khoảng trống trong lòng mình. Họ kiêu hãnh rút sâu vào trong, che chắn bằng vẻ lãnh cảm, sự thất bại và trốn chạy.

Sự nghiệp, gia đình và tình yêu đều không thể là nơi trú ngụ cho một tâm hồn bất ổn và thương tổn như Kiều, Nam Sinh hay Tiểu Chí…. Không một người đàn ông nào đủ để sẻ chia và lấp khoảng trống rỗng trong lòng họ. Viết văn, chìm trong khói thuốc, men rượu và những hành trình. Đi và đi. “Đi chỉ để thấy mình đang đi”. Đi đến những miền đất mới, để thấy mình không thể dừng, không thể dừng được. Đó là biểu tượng cho một cuộc hành trình không có đích đến... Vì rằng nhân vật nữ của An Ni kiếm tìm một đóa hoa bên bờ, mọc ở một nơi mà người ta không thể nào với tới. Kiều, Nam Sinh hay “tôi” là những người phụ nữ không thể xóa bỏ quá khứ, không thể sống yên ổn cùng một người đàn ông, một cuộc sống làm vợ, làm mẹ bình thường…  

            Người ta thường nghĩ rằng An Ni Bảo Bối xây dựng theo kiểu nhân vật “nổi loạn” của các nhà văn Ling Lei: Sống khác người, tách biệt gia đình và bạn bè, xem tình dục như một phương tiện khuây khỏa… Nhưng thực ra, sự “nổi loạn” của nhân vật An Ni, như Linh Thoại nhận xét, là nhẹ nhàng và đằm thắm, là tĩnh lặng và kiềm chế hơn nhiều. Họ là nạn nhân của một tình yêu đổ vỡ, một tâm trạng lang thang và bất an thường trực. Họ không có khả năng chấp nhận, cũng không có khả năng chống đỡ, họ chỉ bảo vệ chính mình bằng cách ra đi, mỗi khi dự cảm một tổn thương sắp đến. Trong ham muốn, họ tìm thấy sự khuây khỏa. Trong khuây khỏa, họ lại tìm thấy sự chán chường…

Nhân vật An Ni hiểu rõ và đau đớn với cái lý vô thường. Họ lựa chọn một khoảnh khắc rực sáng của cuộc tình, trốn chạy trước khi nó kịp tắt. Rồi nuôi dưỡng nó trong ký ức và nỗi đau. Không có tình yêu trọn vẹn, không sự tĩnh tại yên lành.

Khai thác cho đến ranh giới sâu xa của những mâu thuẫn ấy, An Ni dường như chạm rất gần tâm trạng đa phức của chính cô, của chính chúng ta. Đọc An Ni Bảo Bối, người ta như trút dần những nỗi đau vốn được giấu chặt, hoặc những mặc cảm thường cố tình lảng tránh. Được khóc và vật vã với chính mình… Chúng ta không hoàn toàn là Kiều, là Nam Sinh… Nhưng chúng ta từng là họ khi muốn bứt ra khỏi cuộc sống này. Rất nhiều lần ta muốn đi thật xa. Rời bỏ công việc này, rời bỏ thành phố này, rời bỏ những con người này…

Cuối cùng thì vẫn ở lại. Chẳng đi đâu cả. Không thể dễ dàng vứt bỏ mọi thứ. Bởi không đảm đương nổi những hệ lụy, không đủ dũng cảm và sự trơ lỳ cảm xúc để thực hiện. Tiểu thuyết cũng chỉ là tiểu thuyết. Tiểu thuyết không thể là đời thường. Và đọc An Ni Bảo Bối, có chăng để thỏa những chuyến đi mộng tưởng, những cuộc tình hư ảo đau thương?

Nếu ai từng nuôi trong lòng một thú đau thương, một khoái cảm thường trực với sự cô độc và lìa bỏ, sẽ dễ dàng đồng cảm với những trang viết này.

Có điều, tôi vẫn tự hỏi rằng. Giữa một cuộc sống bình yên (và đôi khi nhàn nhạt) với những chuyến lên đường say mê, cô độc và bất an, chúng ta sẽ lựa chọn cách sống nào? Liệu tình yêu, tình dục và cả những chuyến đi có phải là giải pháp? Hay giữa trời đất này, chỉ có việc trở về với ngày thường, cầm cuốn Kinh Thánh và bài kệ Thiền lên. Đọc, đọc, và tìm lại niềm an ủi.

Chúng ta, mỗi ngày vẫn chạy xe đi làm, về nhà, ăn uống, nói chuyện, yêu thương… Một cách bình lặng và bình tĩnh…. Đó là cuộc sống đời thường, ta buộc phải chọn và nên- chọn.

 Tôi không nghĩ An Ni Bảo Bối qua tác phẩm của mình cổ xúy cho một lối sống lạc loài, đơn độc. Chính tác giả vừa bị cám dỗ, vừa muốn chối từ cách sống đó. Chính tác giả trong khi mải miết cùng những cơn đau, đã tỉnh táo giải tỏa chứng bệnh của nhân vật mình.

Tôi thích An Ni Bảo Bối hơn Miên Miên, hơn Bì Bì và Trương Duyệt Nhiên… ở cách cô giãi bày điềm tĩnh và sâu sắc. Không phải ai cũng thích An Ni Bảo Bối, nhưng nếu mẫn cảm một chút, hoang mang một chút, mỏi mệt một chút… sẽ đồng cảm với câu chuyện này.

 “Mọi thứ sinh ra là để mất đi. Điều càng ngọt ngào, càng đau xót”. Và hạnh phúc  là thứ hoa mọc ở bên bờ kia. May mắn thay!

Điều này, đã lẩm nhẩm nhiều lần rồi, sao vẫn cứ không nhớ?                                                                                          

Danh mục website