Hiện tượng “sách nhũn”

Lúc sinh thời, trong một bài báo, nhà văn Sơn Nam có sáng chế ra hai chữ “sách nhũn”. Ông dùng hai chữ này đề chỉ hiện tượng những cuốn tiểu thuyết diễm tình lâm li bi đát, với cốt truyện éo le gay cấn, được sáng tác vội vàng đã một thời chiếm lĩnh thị trường sách nhằm phục vụ cho một công chúng tiêu thụ văn chương như dùng thức ăn nhanh. Nhưng rồi sau một thời gian ngắn làm mưa làm gió, giống như bong bóng xì hơn, cuối cùng thì nó “nhũn”, nghĩa là không còn sức lôi cuốn nữa. 

Sách được bán ở vỉa hè- ẢnhQuảng Văn        

Các nhà doanh nghiệp trên lĩnh vực xuất bản dần dần nhận ra rằng loại tiểu thuyết “mì ăn liền” đó một khi đã được cung cấp đầy đủ cho các hiệu cho thuê sách thì hầu như không còn cơ hội được tái bản, thậm chí phải xuống đường nằm trên các chiếu sách đại hạ giá. Trong khi đó, những cuốn sách chất lượng cao, tuy số lượng in lần đầu không nhiều, nhưng sức lan tỏa ngày càng lớn, vì giá trị đích thực của nó sẽ bảo chứng cho những lần tái bản sau. Như vậy là thị trường cũng có cơ chế tự điều chỉnh và cách sàng lọc của nó đối với những sản phẩm tinh thần.

         Trong thị trường sách lâu lâu vẫn rộ lên những đợt “thu hoạch” ngắn ngày, với đề tài này, với thể loại kia. Ở miền Nam trước 1975 có một dạo người ta đua nhau dịch tiểu thuyết kiếm hiệp, dịch sách bàn về tính dục. Sau chiến tranh cũng có những lúc tác giả này lên ngôi, đề tài kia trở thành thời thượng. Vấn đề không phải là kỳ thị một loại sách nào mà là tâm lý đổ xô nhau đề cao những cuốn sách chưa hề được thử thách. Đó là chưa kể lòng tham tiền khiến người ta viết và dịch những cuốn sách mà họ thừa biết là có ảnh hưởng tiêu cực đến phong hóa dân tộc và thị hiếu của bạn đọc.

          Gần đây rộ lên câu chuyện về những dịch phẩm kém chất lượng gây phiền hà không ít cho những bạn đọc yêu sách. Khó có thể nêu lý do về thời gian cấp bách hay mức nhuận bút thấp để biện minh cho sự tắc trách của người làm sách. Một cuốn sách bị chê là sản phẩm thứ cấp có thể kéo theo sự ngán ngại của bạn đọc đối với những cuốn sách khác cùng xuất ra từ một xưởng. Chỉ vì vài cuốn sách tào lao mà một thương hiệu nổi tiếng bỗng giảm sút mức tín nhiệm, phải cố gắng lắm mới vực dậy được uy tín.

          Hiện tượng “sách nhũn” không chỉ diễn ra trên lĩnh vực sáng tác hay dịch thuật mà đang lấn sang cả mảng sách biên khảo. Báo chí nói nhiều đến sách tham khảo dùng trong nhà trường như những sản phẩm được tái chế nhiều lần. Điều đáng buốn là do nhu cầu ôn thi của người học, loại sách dỏm đó đến nay vẫn chưa chịu “nhũn”, thậm chí còn được ấn hành tràn lan và tiếp tục ăn khách.

            Về lâu dài, trong tình hình kinh tế có dấu hiệu chững lại, nếu không nói là bắt đầu suy thoái như hiện nay, thị trường sẽ không có cửa cho những doanh nghiệp làm ăn cẩu thả, tắc trách. Chỉ có sự cạnh tranh lành mạnh bằng việc cho ra đời những sản phẩm chính cấp mới bảo đảm con đường dài cho nhà doanh nghiệp. Những người làm sách chân chính không thể nào trước bạ thương hiệu của mình bằng cách dồn tâm sức cho những hiện tượng văn học nhất thời.

            Tất nhiên, số phận của “sách nhũn” không dễ gì bị định đoạt một sớm một chiều. Trách nhiệm về mặt này chia đều cho cả hai: nhà làm sách và bạn đọc. Thời buổi thắt lưng buộc bụng, mỗi khi móc ví trả tiền cho một cuốn sách, có lẽ bạn đọc cũng nên cân nhắc xem giá trị của nó có xứng đáng đồng tiền bát gạo hay không. Đó cũng là cách vừa bỏ phiếu cho văn hóa đọc, vừa nhắc nhở người làm sách đừng phung phí giấy và mực in cho những tác phẩm sinh non, thiếu tháng.

 

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

 

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website