Nghĩ về văn học địa phương

          Trong thời đại toàn cầu hóa, người ta đang nói đến hội nhập văn hóa, đến văn học thế giới. Vậy mà nay nói chuyện văn học địa phương thì xem chừng như hơi bị lạc hậu, cổ lỗ.

          Thế nhưng nghĩ kỹ thì thấy có những giá trị văn học toàn nhân loại lại xuất phát từ cái nôi của một vùng đất, một quê hương bé nhỏ. Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez tái hiện làng Macondo hẻo lánh như một sản phẩm hư cấu nghệ thuật được xây dựng từ chất liệu làng quê Atacarata của tác giả. Tuổi thơ của Pablo Neruda gắn liền với những cánh đồng và những khu rừng ở Temulco, miền cực Nam Chi-lê và ông nói: “Temulco là cái phong cảnh của tôi, là nét chính yếu của thơ tôi”. Còn Quê hương tan rã của Chinua Achebe thì được khơi nguồn cảm hứng từ làng Ogidi ở vùng hạ lưu sông Niger, nơi bộ lạc Ibo sinh sống và nơi nhà văn chào đời.

 

Hồ Biểu Chánh - nhà văn tiêu biểu của Nam bộ 

          Trong một công trình nghiên cứu văn học xuất bản vào đầu thế kỷ 19, bà De Stael đã chỉ ra rằng văn chương các địa phương miền Bắc có những đặc điểm khác với văn chương các địa phương miền Nam mà khí hậu, phong thổ là nguyên nhân chủ yếu. Các nhà văn ở miền Bắc thường quan tâm đến những nỗi đau khổ của con người và tác phẩm của họ có chất liệu xã hội phong phú. Còn các nhà văn ở miền Nam thường nói đến sự mát mẻ, khoáng đạt qua hình ảnh những cánh rừng, ngọn núi, những con sông nhỏ trong sạch.

           Nước Việt Nam của chúng ta là một dải đất hẹp kéo dài từ “từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”, “từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước” (Tố Hữu). Tình cảm thống nhất đất nước không bao giờ phai nhạt, trong trái tim người đi trên con đường thiên lý vẫn mang theo tâm tình từ miền Bắc: “Tôi theo người vượt quan san, vẽ lối mòn gìn giữ quê hương ngăn đường giặc Hán”, như Phạm Duy viết trong trường ca Con đường cái quan.

           Nhưng tính thống nhất đó không xóa nhòa hay bào mòn tính đa dạng của văn hóa vùng miền. Trong văn học, tác phẩm của Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Đoàn Giỏi… ở miền Nam khác với tác phẩm của Võ Hồng, Quách Tấn, Nguyễn Văn Xuân… ở miền Trung, với tác phẩm của Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Bùi Ngọc Tấn… ở miền Bắc không chỉ về nội dung thể hiện mà cả về phong cách kể chuyện, ngôn ngữ và giọng điệu.

          Không có gì khó hiểu khi từ ngày hòa bình đến nay, cùng với việc xây dựng một nền văn học nghệ thuật thống nhất trên cả nước, các hội văn học nghệ thuật ở địa phương cũng được đầu tư để phát huy lực lượng văn nghệ sĩ tại chỗ nhằm tạo ra những tác phẩm sinh sắc nói lên được tiếng nói của từng vùng đất. Điều đáng tiếc là bên cạnh những thành tựu nghệ thuật không thể phủ nhận, sinh hoạt văn nghệ địa phương cũng gây ra những tai tiếng không đáng có, và đôi khi cuộc tranh giành chức vị, danh phận làm cho người ta xao lãng đi nhiệm vụ sáng tạo.

          Dù sao, những tài năng tiềm ẩn ở các địa phương như những hạt giống của tương lai văn học, đến một lúc nào đó sẽ bừng nở thành những hoa trái văn chương khi có điều kiện thuận lợi. Muốn được vậy, những tài năng đó cần có những khoảng không gian cho sáng tạo, cần được thấu hiểu và lắng nghe trong cái môi trường văn hóa nhiều khi chật hẹp của họ. Mặt khác, bản thân họ cũng phải tự mình vượt qua những rào cản về tâm lý, nhất là tâm lý tình lẻ, để từ chỗ đứng của mình mà suy tưởng và tái hiện về những vần đề lớn lao của đất nước và con người.

           Văn học địa phương, như vậy, là một tài sản tinh thần vô giá của nhân dân. Nhân dân tự hào về giới trí thức sáng tạo của họ, những người cũng biết chăm vườn tưới cây, cũng ăn bắp ngô và khoai lang như họ, nhưng biết cách nói lên nỗi đau và niềm thao thức của đồng bào chung quanh đang sống trong tình cảnh vất vả và lắm khi bất hạnh. Chương trình văn học và sách giáo khoa dạy trong nhà trường phổ thông cần dành một vị trí thích đáng cho văn học địa phương, ít ra là giúp cho thanh thiếu niên biết được quê hương mình từng sản sinh ra những nhà văn, nhà thơ, những tác phẩm có giá trị và lấy đó làm niềm vinh dự.

           Là người nghiên cứu văn học, chúng tôi nuôi một dự định sẽ tập hợp và tuyển chọn những bài thơ hay nhất viết về quê hương mình, không chỉ của những người đồng hương mà của những ai đã từng yêu mến mảnh đất nghèo khó ấy, rồi vận động những mạnh thường quân tài trợ ấn hành để phổ biến rộng rãi, trước hết là tặng cho các trường học trong tỉnh để thế hệ trẻ thêm gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Thật đẹp biết bao nếu như trong hành trang đi xa khắp năm châu bốn bể của mỗi người đều có một tập thơ như vậy.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

 

 

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website