Cuộc du hành không ngơi nghỉ

(Đọc Trăm năm là cuộc lãng du của Nguyễn Khuê, Nxb Văn Nghệ, 2005)

Đó là cuộc lãng du giữ thực và mộng, quá khứ và hiện tại. Nó là dấu ấn trong hành trình thơ và cuộc đời Nguyễn Khuê. Chính những cảm nghiệm sâu sắc cuộc sống cộng với một tâm hồn nghệ sĩ khiến Nguyễn Khuê đến với thơ rất đỗi thiết tha và tự nhiên. Thơ ông dễ nhận được sự đồng cảm, dễ lay động người đọc là vì vậy.

Thơ là sự đánh thức phức cảm. Đến với thơ là đến với ánh mắt rực sáng và nhận lấy nụ cười hòa điệu.

Cành hoa và nụ cười

Tâm diệu ngộ tuyệt vời

Cái mỉm cười im lặng

Đáp cành hoa không lời

(Diệu ngộ)

Nụ cười đưa ta vào sự vi diệu của đời sống. Đời có thể như mơ, nhưng hoa kia, nụ cười ấy thì vĩnh cửu. Như Đức Thế Tôn niêm hoa. Như Ca Diếp vi tiếu. Như cái nhìn bình thản trong cuộc bể dâu. Một tâm thế an nhiên. Như Nguyễn Khuê từng viết trong Cõi trăm năm: “Trên tường đêm thấy bóng mình / Mừng vui… bóng cũng là hình đấy thôi”. Phải chăng, bóng là cái duy nhất thuộc về con người, tri kỉ của ta. Mọi thứ khác: danh vọng, quyền lực, tuổi trẻ, sắc đẹp lần lượt rồi sẽ rời ta. Thế giới muôn hình muôn thể với bao cái bóng. Ta cũng là một cái bóng trong thế giới những cái bóng. Suốt đời lãng du, chỉ có ánh mắt và nụ cười ấy mới giúp Nguyễn Khuê mê mải bước chân trong cuộc dâu bể.

Cuộc lãng du trăm năm của một thân phận. Người đồng điệu bắt gặp thân phận của con đò, người lái đò cần mẫn đưa khách qua sông. Dù bình thản, đôi lúc cũng có chút buồn xót xa.

Một chiếc đò ngang mấy chục năm

Đôi bờ đưa khách vẫn âm thầm

Giờ đây ván nát đò tơi tả

Sào cắm sông trăng lặng lẽ nằm

(Đò ngang)

Nguyễn Khuê ví nghề dạy học, cái nghiệp ông mang, giống như thân phận của con đò. Con đò đó nay đã cũ nát sau hơn nửa thế kỷ cần mẫn, cắm sào trên sông lạnh và … lặng lẽ nằm. Nhưng đó không phải là sự rút lui, ngơi nghỉ. Đó là khoảnh lặng của cuộc lãng du chưa bao giờ nghỉ. Một chút ngưng đọng để nhìn lại chặng đường qua. Quãng đường qua với “bao thứ chắt chiu khó xách đi”, là “vô thường” và “quán trọ”, hành trang chỉ còn là “nghiệp” cho cuộc lãng du mới. Điểm kết thúc là một khởi đầu.

Sẽ về tịnh độ Di Đà

Hay là vẫn chốn ta bà tái sinh?

Về đâu? – duyên nghiệp minh minh

Luân hồi cõi thế lại xin đưa đò.

(Về đâu)

Trong hành trang Nguyễn Khuê mang theo cuộc lãng du có nhiều tâm sự, kí thác. Nhiều thân phận lịch sử đi vào hồn thơ ông với sự đồng cảm và tiếc nuối quá vãng. Nguyễn Khuê nhìn thấy trong sự vật giản đơn ẩn chứa cả vũ trụ, nhân sinh như: hoa súng, hoa sen, tranh Sư tổ Đạt Ma quảy dép về Tây, tranh tùng hạc dưới trăng. Đó là tình cảm thiết tha ông dành cho người bạn đời của mình, cho người cha thân yêu ở nơi xa. Có thể bắt gặp cảm giác ông sắp có sự mất mát lớn trong đời là cha; ông đang đứng thức canh cha, đang âm thầm khóc cho ngày tiễn biệt. Một thiên đường sẽ mất, một cái thiện tuyệt đối mà ông cố nắm giữ…

Huế với Sài Gòn mấy nước non

Tay cha quờ quạng nắm tay con

Tình sâu biết nói sao cho xiết

Nhợt nhạt cười trên mặt héo hon

(Về thăm cha)

Với hồn thơ thuần hậu, Nguyễn Khuê đã gửi gắm nhiều tâm sự. Nhưng theo ông, cuộc sống muôn màu, nhiều điều không thể nói hết bằng lời, bằng thơ. Những du tử trên cuộc cuộc hành trình của mình sẽ cùng (thay) ông đi và viết tiếp…

Đời muôn màu muôn vẻ

Nhiều điều chưa nói ra

Ai người sau tri kỷ

Xin nói tiếp thay ta

(Thơ)

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website