Khám phá người đọc

       Từ khi sáng tác văn học được lưu giữ bằng chữ viết, người đọc đã xuất hiện. Vậy mà khoa lý luận, phê bình văn học lại cho rằng vào nửa cuối thế kỷ 20 người đọc mới thực sự được khám phá. Sở dĩ nói như vậy là vì trước đây người đọc vẫn hiện hữu, nhưng chỉ được nhìn nhận một cách thụ động như là đối tượng để văn học chỉ giáo, chẳng khác nào trang giấy trắng chờ được viết lên những bài học.

       Như một sự bừng tỉnh, dưới ánh sáng của lý thuyết tiếp nhận, khoa nghiên cứu văn học phát hiện rằng người đọc không đơn thuần là người cảm thụ, thưởng thức mà còn là nhân tố tích cực làm chuyển biến đời sống văn học. Người đọc là chủ thể phát huy vai trò năng động không chỉ trong quá trình tiếp nhận tác phẩm mà cả trong quá trình sáng tác. Hiện diện thầm lặng mà liên tục, người đọc chi phối cả công việc của nhà văn, người biên tập, nhà phê bình, cơ quan quản lý, xuất bản và phát hành sách.

       Đọc văn là một cách thế để con người mở rộng chiều kích tồn tại của mình, sống thêm nhiều cuộc đời khác, thông qua những mối tương giao tinh thần với nhân loại. Đọc tác phẩm là mở tâm hồn mình ra, là nỗ lực khắc phục nỗi cô đơn, là bộc lộ nhu cầu được giao tiếp, trao đổi, giãi bày và thông cảm với tha nhân. Văn học là nhịp cầu cho sự giao lưu đó, là cánh cửa của đối thoại. Vì vậy, về bản chất, văn học đích thực mâu thuẫn với sự phong bế, đóng kín và những rào cản.

       Đồng thời, đọc tác phẩm cũng là công việc mang tính sáng tạo và điều này phụ thuộc vào môi trường lịch sử, xã hội cũng như tâm thế của người đọc khi tiếp xúc với tác phẩm. Ngay ở một con người, sự tiếp nhận một tác phẩm cũng thay đổi từ tuổi thơ, tuổi trẻ đến tuổi già, tùy vào tình cảm, kinh nghiệm sống, sự lịch lãm… Đọc là góp phần sản sinh ra ý nghĩa của tác phẩm. Và mỗi lần đọc là một lần khám phá ra thế giới nghệ thuật ở chiều sâu như nguồn nước không ngưng tuôn trào của nó. Đó thực chất là một cuộc đối thoại giữa lịch sử và hiện đại, giữa thế hệ hôm qua và hôm nay, giữa một nền văn hóa này với một nền văn hóa khác.

       Người đọc có vai trò quan trọng đối với đời sống tinh thần của xã hội, nên xét trên phạm vi cả nền văn học, vừa có thể nói “văn học nào, người đọc ấy”; lại vừa có thể nói “người đọc nào, văn học ấy”. Vì người đọc có thị hiếu tầm thường nên có văn học tầm thường. Vì người đọc khắt khe, nghiệt ngã, nên có văn chương quanh co, nói bóng nói gió. Và dĩ nhiên, khi người đọc bao dung, cởi mở, đồng cảm thì sẽ có văn học phóng khoáng, tự do.

       Lịch sử văn học từng chứng kiến những trường hợp tác phẩm bị lãng quên trong quá khứ, nằm im dưới lớp bụi thời gian, một ngày nào đó bỗng có cơ duyên được người đọc của một thời đại sau phát hiện, đánh thức dậy, lau lại lớp bụi mờ và làm rực sáng lên ý nghĩa của nó. Tác phẩm như một người đẹp ngủ trong rừng được hoàng tử cứu ra khỏi cơn mê dài để trở về với đời sống. Tìm hiểu và cắt nghĩa những nguyên nhân xã hội và tâm lý dẫn đến sự phục sinh này là điều hết sức thú vị.

       Có thể nói số phận lịch sử của tác phẩm văn học phụ thuộc rất lớn vào sự tiếp nhận của người đọc. Qua sự tiếp nhận đó, các thế hệ người đọc đã thổi sức sống của thời đại mình vào tác phẩm, làm cho nó không bao giờ già cũ mà luôn luôn mới mẻ. Đọc tác phẩm là mở rộng những giới hạn của văn bản và đưa nó vào những mối quan hệ mới với bối cảnh và tâm lý của người tiếp nhận. Cả tác phẩm và người đọc đều được hưởng lợi từ mối quan hệ đó. Như vậy, đọc là khám phá, sáng tạo lại tác phẩm và cũng đồng thời là khám phá, sáng tạo chính bản thân mình.

 

                                                                                                                                                                 HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

 

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website