Khi triết học đi vào cuộc đời

Trò chuyện triết học của Bùi Văn Nam Sơn (NXB Tri Thức - Công ty Sách Thời Đại- Báo Sài Gòn Tiếp Thị liên kết xuất bản, quý II/21012) không hẳn là một cuốn sách nhập môn triết học cũng không hẳn là lịch sử triết học, nhưng lại có đủ yếu tố của hai loại sách đó.

 

Trước đây, không kể các sách bằng ngoại ngữ, riêng sách tiếng Việt, bạn đọc trong nước có thể tiếp cận với Triết học nhập môn của Karl Jaspers (Lê Tôn Nghiêm dịch), Câu chuyện triết học của Will Durant (Thích Nữ Trí Hải dịch), Đưa vào triết học của Nguyễn Văn Trung, Đường vào triết học của Lê Thành Trị, Hành trình đi vào triết học của Trần Văn Toàn… Nhưng những cuốn sách đó chủ yếu hướng đến độc giả trong nhà trường, có phần chọn lọc. Với Trò chuyện triết học, Bùi Văn Nam Sơn muốn truyền thông đến đông đảo bạn đọc hơn, như một triết học “đi vào cuộc đời”.

Muốn làm được điều đó, trước hết phải có một cách viết thu hút, gợi mở, khéo léo lôi cuốn người đọc vào thế giới sâu xa của triết học. Có khi tác giả mở đầu hay đưa đẩy bài viết bằng cách trích dẫn những câu thơ Kiều. Có khi ông dựng lên một cuộc “giao lưu trực tuyến” giả tưởng với các triết gia cổ điển. Ông thường liên hệ triết học với những chuyện đời thường nhật mà ai cũng quan tâm: chuyện bán phở và quán phở, chuyện người thợ hớt tóc và máy gặt đập liên hợp, chuyện gai nhọn và hoa hồng… Ngay những tiêu đề gây ấn tượng cũng cho thấy triết học gần gũi với thơ ca: Cổ thụ ngàn năm hay chậu kiểng một mùa? Sáng như tơ mà chiều đã như sương, Sáng mai xõa tóc thả thuyền ta chơi, Như ong ăn mật, Từ tiếng hát nhân ngư, Quà tặng của thánh thần…

Cách tiếp cận thì nhẹ nhàng, nhưng những vấn đề đặt ra của cuốn sách thì đầy sức nặng. Tinh hoa triết học 25 thế kỷ được tác giả huy động để bàn luận và lý giải những chủ đề vừa có giá trị vĩnh cửu vừa có ý nghĩa thời sự, quan thiết đến xã hội và con người: khoa học và giáo dục, con người tự nhiên văn hóa, kỹ thuật và công nghệ. Chẳng hạn, tuyến bài về triết lý khoa học trong mối liên quan với triết lý văn hóa có thể gợi nhiều suy nghĩ cho con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước hiện nay, để tránh sự trả giá quá đắt vì việc khai thác thiên nhiên vô độ và những ứng xử phi nhân đối với con người.

Đọc Bùi Văn Nam Sơn, người đọc cũng có thể tìm câu trả lời cho câu hỏi về sự tiến bộ trong đời sống vật chất và tinh thần. Dù ông không đề cập điều này một cách trực diện và cũng không lý giải một chiều nhưng cuốn sách có thể củng cố niềm tin rằng sự tiến bộ là điều có thật, rằng dù lịch sử có phải trải qua nhiều ghềnh thác, nhiều khúc quanh, thậm chí những bước thụt lùi thì xu hướng chung của nó vẫn là vận động và phát triển. Nếu không, lịch sử, kể cả lịch sử triết học, chỉ là điều vô nghĩa.

Một lần trao đổi với bạn đọc, Bùi Văn Nam Sơn có viết: “Một kết luận rốt ráo và rõ nghĩa là lý do tồn tại của triết học. Nhưng nó cũng là một chân trời, càng đến gần, càng lùi xa”. Là nhà triết học thuần thành và khiêm cung, Bùi Văn Nam Sơn bao giờ cũng xem cuộc trò chuyện của mình là cuộc đối thoại theo tinh thần Socrates và không bao giờ xem những kiến giải ở đây như những chân lý sau cùng. Vả chăng, cuốn sách này mới dừng lại ở việc giới thiệu tri thức triết học thế kỷ XIX. Điều quan trọng là những cuộc đối thoại dọc theo hành trình lịch sử triết học đã được trình bày qua lăng kính của một người trí thức Việt Nam ở đầu thế kỷ XXI luôn thao thức trước số phận của đất nước, văn hóa và con người.

 

 

Thông tin truy cập

60427880
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8855
6820
60427880

Thành viên trực tuyến

Đang có 241 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website