Nguyễn Đình Chú tuyển tập

Mới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa phát hành công trình “Nguyễn Đình Chú tuyển tập” với 1100 trang. Đây là sách tham khảo chất lượng cao, nhằm hướng tời kỷ niệm 55 năm thành lập Nhà xuất bản Giáo dục. GS. NGND Nguyễn Đình Chú đã viết hàng trăm bài về các lĩnh vực: văn học, văn hoá, giáo dục, tư tưởng; và nhiều công trình nghiên cứu khác. Ở công trình này,  người làm sách chỉ tuyển chọn 79 bài viết của giáo sư về văn học trong hơn nửa thế kỷ qua. Công trình gồm ba phần: Phần 1. Mấy vấn đề chung về lịch sử văn học Việt Nam (8 bài); Phần 2. Về văn học trung đại Việt Nam (38 bài); Phần 3. Về văn học cận – hiện đại Việt Nam (33 bài). Công trình do PGS.TS. Nguyễn Công Lý tuyển chọn, giới thiệu. Trang web Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP. HCM xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Tuyển tập trên  cùng với hai bài viết: bài tự bạch của GS.NGND. Nguyễn Đình Chú và bài giới thiệu Tuyển tập của PGS.TS. Nguyễn Công Lý.

 

CÁI DUYÊN KHÔNG HẸN MÀ GẶP

(Thay lời tự bạch)

                               GS. NGND. NGUYỄN ĐÌNH CHÚ

 Tôi sinh năm Kỷ Tỵ (1929). Tính theo tuổi ta năm nay đã tám ba. Vậy mà nhiều khi tôi vẫn tự hỏi sao mình lại có mặt ở cuộc đời này để rồi gần như suốt đời gắn bó với văn chương? Nghĩ thế là bởi nếu như bốn ông anh trai con mẹ cả tôi không hai người chết yểu, hai người đã có vợ, có người đã có hai con gái, cả hai đã Hương thí trúng nhất trường, nhị trường nhưng rồi rủ nhau về chầu tổ tiên cả mà chưa có cháu trai để nối dõi tông đường, thì chắc gì đã có chuyện bố tôi phải lấy vợ hai để sinh ra tôi lúc năm cụ đã sáu ba tuổi. Bố tôi sinh năm 1866 mất năm 1954, bạn học với các cụ Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc… tại trường học của cụ Nguyễn Thức Tự. Khoa Mậu Ngọ (1894), cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Cử nhân thì bố tôi đậu Tú tài. Bố tôi là một nho sĩ thuần Nho, đặc Nho. Lại là hậu duệ của Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí, một vị tướng kiệt xuất trong phong trào khởi nghĩa Lam Sơn, bản thân cũng từng ra Nhã Nam theo Đề Thám, sau đó hưởng ứng Đông Du… cho nên bố rất ghét Pháp. Ghét Pháp, bố ghét luôn cả chữ Pháp, kể cả chữ quốc ngữ, bố cũng chẳng coi là chữ nước mình. Bố từng nói học tiếng Pháp toàn phát hơi ra nên tổn thọ trong khi tôi là con hiếm. Từ các lẽ đó mà mặc dù ngày ấy, ở làng tôi đã có trường tiểu học Pháp Việt chung cho cả tổng, nhưng bố vẫn nuôi trong nhà lần lượt hai thầy đồ để dạy tôi gần năm năm chữ Hán, học sách thánh hiền đã đành, còn học sách Từ hàn là sách dạy cách làm văn khế tậu ruộng, bán nhà, và học viết văn khấn giỗ... Một không khí thật là thiêng liêng với tuổi thơ của tôi. Đã bảy mươi bảy năm rồi mà tôi vẫn nhớ như in cái buổi bố cho người nhà khiêng hương án, lễ vật lên lưng chừng núi Kỳ Sơn để làm lễ khai tâm cho con và lúc tôi quỳ xuống để nghe bố khấn với trời đất là lúc trăng rằm vừa nhô lên ở biển Đông cách làng tôi hơn một cây số đường chim bay. Đến nay tôi vẫn chưa hiểu ngày đó bố tôi đã định hướng tương lai tôi vào đâu. Không chừng, vẫn là một người chỉ chăm lo mấy mẫu ruộng ngoài việc thờ phụng tổ tiên hoặc thêm chút việc làng việc xã như ai đó. Nhưng rồi tôi cũng được học trường Pháp Việt và nhờ có nhảy lớp nên trước ngày Cách mạng tháng Tám cũng đã bắt đầu vào bậc trung học, để sau đó học tiếp và năm 1952 thì tốt nghiệp cấp ba, được cử đi học Sư phạm cao cấp về Khoa học Xã hội ở Nam Ninh (Trung Quốc) nhưng không thành vì không có thầy. Kế đó lại được cử đi học Liên Xô. Nhưng giấy triệu tập lên đường lại về đúng lúc cuộc phát động giảm tô đã rất sục sôi, gia cảnh nhà tôi đã bị đảo ngược. Còn tôi tưởng là cánh diều đã gặp gió nhưng lúc này giây diều cũng đã bị cắt. May là sau đó mấy tháng thì có Hiệp định Gienève (Giơnevơ), nửa nước hòa bình, thủ đô Hà Nội được giải phóng, tôi lại được chính quyền địa phương cho đi học. Tôi có mặt tại Hà Nội sau một tháng giải phóng trong tâm trạng như người vừa chết đi mà được sống lại nên chỉ có một ước mơ rất khiêm tốn:  học trường Đại học Nhân dân một năm rồi sau đó được phân công đi đâu làm nghề gì cũng là thoả mãn. Ăn mày đâu dám đòi xôi gấc. Nhưng Đại học Nhân dân từ chối, bảo tôi là diện được học đại học chính quy. Bấy giờ Hà Nội chỉ có trường Đại học Y Dược (chưa tách), trường Đại học Sư phạm Khoa học Tự nhiên và trường Đại học Sư phạm Văn khoa mà trong mấy tháng đầu còn chung Văn Sử Địa. Tôi thi vào Đại học Sư phạm Văn khoa cũng trong tâm trạng chim sợ cành cong nhưng thật bất ngờ lại ngáp được cái thủ khoa. Và như thế là “cái quay búng sẵn trên trời” trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều đã quay cuộc đời tôi vào ngả đường văn chương từ đó đến nay và mong là còn nữa. Vào học khoa Văn Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội, tôi có quyết tâm, nói rằng lớn cũng đúng mà nhỏ cũng đúng, là chỉ mong sao trở thành một thầy giáo Văn cấp ba được học sinh yêu quý. Điều may mắn, có thể nói là một đi không trở lại, không chỉ với tôi mà còn là với cả thế hệ sinh viên Văn Đại học Sư phạm khóa 1954 - 1957 ngày đó, là được học với những bậc đại sư xứng đáng là những ông trùm văn hóa không chỉ của miền Bắc mà của cả nước, tên tuổi vẫn vang dội cho tới hôm nay. Đó là Trần Đức Thảo, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Hoài Thanh… Riêng tôi, bước chân vào cõi văn chương, ngay từ ngày đầu đó, vẫn nghĩ rằng ông trời đã có phần dè xẻn không cho mình nhiều năng khiếu bằng một vài bạn cùng trang lứa. Nên phải tìm cách khắc phục hạn chế bằng cách cố gắng học Triết để học Văn. Tôi quan niệm văn là người. Muốn hiểu văn trước hết phải hiểu người. Mà để hiểu người thì không gì bằng Triết, phải có Triết, chứ lý luận văn chương cũng chưa đủ. Phương pháp xã hội học lại càng chưa đủ. Có được ý thức này là bởi tôi đã gặp may là ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 vừa thành công thì được dự một lớp học về Mácxit hơn 40 ngày. Sau đó, vào năm 1948, ở huyện Nghi Lộc quê tôi thành lập Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác thì tôi là ủy viên thư ký. Kế nữa, lúc học cấp ba, tôi đã được đọc các sách Vũ trụ quan, Biện chứng pháp, Duy vật lịch sử của Trần Văn Giàu, Chủ nghĩa nhân văn dưới thời phục hưng của Đặng Thai Mai, Triết học phổ thông của Politzer… Các bạn trẻ sinh viên hôm nay hẳn là không hình dung nổi cái tâm thế của thế hệ chúng tôi ngày đó khi tiếp xúc với loại sách này. Nó mới mẻ lắm. Nó hấp dẫn, cuốn hút lắm. Bởi nó đến với chúng tôi trong không khí rạo rực tưng bừng của cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, tiếp nữa là khí thế hào hùng của dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược. Đúng là với tôi ngày đó nhờ đã võ vẽ được đôi chút Mácxit, nhất là vào năm thứ nhất lại được chính thức học về triết học Mácxit với giáo sư Trần Văn Giàu từng được dư luận coi là người dạy triết học Mácxit hay nhất cả nước, kế đến hai năm nữa lại được học lịch sử triết học thế giới với giáo sư Trần Đức Thảo mà theo giáo sư Trần Văn Giàu đó là triết gia duy nhất của Việt Nam, cho nên tôi càng thấy rõ tác dụng của việc học Triết để học Văn, ít ra là với tôi. Không dấu gì quý vị, không chỉ thi vào mà cuối năm thứ nhất thi lên lớp, rồi thi tốt nghiệp, tôi đều ngáp được cái thủ khoa. Và cũng nhờ được cái khe hở của lịch sử là không khí sửa sai cải cách ruộng đất mà tôi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của nhà trường. Đặc biệt lại còn được làm trợ lý cho giáo sư triết gia Trần Đức Thảo về lịch sử tư tưởng, tiếc là chưa gì đã giữa đường đứt gánh, nhưng lại được giáo sư học giả Đặng Thai Mai thương yêu vẫn gọi lại cho làm trợ lý về văn học Việt Nam trung cận đại. Với tôi, thầy nào tôi cũng quý trọng và biết ơn. Nhưng ảnh hưởng sâu sắc nhất suốt đời  tôi là Trần tiên sinh và Đặng tiên sinh. Với  Trần tiên sinh, đó là một năng tư duy trừu tượng khoa học trong đó có tư duy triết học mà thú thật đến nay trên đất nước ta, tôi chưa thấy người thứ hai. Tôi hiểu tư duy trừu tượng khoa học (không phải là trừu tượng tư biện) là năng lực tư duy chiếm lĩnh sự vật không chỉ ở cấp độ hiện tượng mà quan trọng hơn là ở cấp độ quan hệ giữa các hiện tương vốn dĩ rất phức tạp và cũng rất trừu tượng nhưng đã là khoa học thì nhất định phải có. Khác với tư duy cụ thể thì chủ yếu chỉ nhận thức sự vật ở cấp độ hiện tượng hoặc quan hệ giữa các hiện tượng ở mức đơn sơ. Tư duy trừu tượng khoa học là cần thiết cho sự phát triển sự sống nói chung, cho mọi lãnh vực mà loài người cần nhận thức trong đó có văn chương. Các nhà lý luận văn chương, các nhà phương pháp dạy Văn thường nói nhiều đến năng lực cảm  thụ văn chương. Điều đó rất đúng nhưng cảm thụ văn chương mà thiếu sự hỗ trợ của tư duy trừu tượng khoa học, của tư duy triết học thì bấp bênh, nông cạn cũng là điều thường gặp. Với giáo sư học giả Đặng Thai Mai, bài học lớn nhất mà Thầy dạy tôi là tình thương, là sự cưu mang học trò đặc biệt là học trò giỏi mà gặp khó khăn. Tôi thực sự chân thành nói rằng sẽ không có cảnh lúc này đây tôi đang ngồi viết những lời tự bạch này nếu cách đây 53 năm trước không có chuyện bậc sư phụ đại tôn đại kính này của tôi khăng khăng cứ gọi tôi về làm trợ lý cho Thầy trong khi không ít bạn tôi đã bị chuyển về phổ thông hoặc đi công tác khác. Và với Thầy, điều còn để mãi trong tôi là niềm khát khao hiểu biết rộng. Bạn đọc nào có để ý đến ngòi bút của tôi, nhất là vài chục năm gần đây, nếu thấy có chút gì đó mang màu sắc triết học và không chỉ thuộc phạm vi văn học mà còn là tư tưởng, văn hóa, giáo dục, kể cả sử học, gia phả học… dù ít dù nhiều, hẳn sẽ nhìn thấy dấu ấn của hai vị đại sư, ân sư đó để lại trong tôi. Cũng phải nói thêm rằng trường Đại học Sư phạm Hà Nội mà tôi có may mắn được làm cán bộ giảng dạy hơn nửa thế kỷ nay dù đã nghỉ hưu, ngay từ buổi đầu, dưới sự lãnh đạo của vị Hiệu trưởng tài ba xuất sắc là giáo sư Sử học Phạm Huy Thông đã đề ra phương hướng mà mọi cán bộ giảng dạy phải thực hiện, phải phấn đấu là: kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học. Mà nghiên cứu khoa học là phải có thành quả thể hiện bằng văn bản, bằng công trình khả dĩ trình làng. Không biết với các chuyên ngành khác thì thế nào, chứ với ngành Ngữ văn của chúng tôi thì từ chỗ hiểu mà chưa viết ra được đến chỗ viết ra để được dư luận thừa nhận vẫn là một khoảng cách rất lớn. Chẳng phải vì thế mà khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội của tôi trong vòng nửa thế kỷ qua đã từng là một trung tâm lớn nhất của cả nước không chỉ về mặt đào tạo giáo viên Ngữ văn cho bậc trung học phổ thông, cho các trường Cao đẳng Sư phạm, Trung cấp Sư phạm mà còn là với nhiều khoa Văn trong các trường đại học ở khắp cả nước. Nơi đây cũng từng xuất hiện nhiều cây bút hàng đầu về nghiên cứu Ngữ văn, về văn học Việt Nam, văn học thế giới.

Câu chuyện của tôi đến với văn chương đúng là một cái duyên không hẹn mà gặp và môi trường văn chương của tôi là thế. Tính từ những trang viết giáo trình về văn học Việt Nam cận đại để dùng cho sinh viên hai khoa Văn: Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc đã có hai trường nhưng vẫn chung khoa vào năm học 1958 - 1959 cho đến nay đã hơn nửa thế kỷ cầm bút lúc khoan lúc nhặt và gần đây thì có phần nhặt hơn, tôi cũng đã có một chút gì đó để góp mặt với bạn bè cùng nghề nghiệp. Nay nhìn lại tự thấy mình thua kém một số bạn ở chỗ không tổ chức được những công trình đồ sộ. Và những gì đã viết ra trước kia thì cũng có chỗ này chỗ khác chẳng thích thú gì với chúng nữa. Tất nhiên, những hạn chế đó là do mình còn non nớt nhưng cũng có thứ là hạn chế chung của một thời mà mình khó vượt qua. Với tôi, trên đường học tập nghiên cứu văn chương, không biết từ lúc nào mà có mấy điều này là tự giác. Trước hết, tôi ý thức sâu sắc rằng nghiên cứu khoa học là đúng như thuật ngữ của Pháp đã nêu lên là recherche tức là công việc tìm đi tìm lại, có nghĩa là ở đây khó có tiếng nói cuối cùng. Bạn đọc ai đó thấy tôi có chỗ trước nói khác, sau này nói khác thì xin hãy thông cảm cho tôi do có quan niệm như thế, bởi khoa học nào thì chưa biết chứ khoa học văn chương thì càng phải thế, do không đâu mà lại có quy luật cộng hưởng trong tiếp nhận vô cùng biến huyễn như ở thế giới văn chương. Điều thứ hai là một khi đã tự thấy mình bất lực ở hướng quy mô đồ sộ thì lại rất cố gắng đi theo hướng  quý hồ tinh bất quý hồ đa, quý cái tinh hơn quý cái nhiều. Tôi vẫn nghĩ ăn một bát phở ngon để nhớ đời hay ăn một bữa cỗ lắm món nhưng sau đó nặng bụng, ta chọn đàng nào? Và trong thế giới nghệ thuật của nhân loại, vẫn có hai quy luật kết tinh đấy chứ. Bên cạnh Tấn trò đời đến gần trăm tập của H. de Balzac chẳng đã có những bài thơ tứ tuyệt thuộc Đường thi Trung Quốc xưa chỉ trên dưới vài chục chữ mà bất hủ đó sao. Bên cạnh những Kim Tự Tháp của Ai Cập, Ăngco Thom và Ăngco Vat của Campuchia vẫn có chùa Một Cột của Việt Nam kia mà. Cuộc sống chính là vậy. Bên cạnh quy luật “dĩ cường thắng cường” còn quy luật “dĩ nhược thắng cường”. Bên cạnh từ đa vẫn có từ tinh… Hình như tôi đã ngụy biện cho cái chỗ yếu kém của mình rồi. Nhưng sự thật là tôi đã tin vào điều minh nghĩ, mình đeo đuổi như thế. Cho nên viết gì tôi cũng muốn có ý riêng, không muốn lặp ai, không muốn nói lại những điều nhiều người đã biết. Để phấn đấu theo yêu cầu này, tôi có thói quen trước khi viết về vấn đề gì thì cũng cố gắng tìm hiểu xem người trước đã kết luận thế nào và quan trọng hơn là cách họ đi đến kết luận như thế nào để từ đó mong tìm ra cách đi khác/mới, một công cụ khác/mới để có kết luận khác/mới. Có một điều nữa ở tôi không biết nên coi là ưu điểm hay nhược điểm là thích nghĩ những vấn đề lớn, những vấn đề ở tầm vĩ mô, kể cả những vấn đề đang có sự bất đồng trong giới học thuật mà mình cũng muốn có ý riêng. Do đó ít nhiều tôi cũng đã tham gia vào một số cuộc đối thoại mà ở buổi đầu thì cũng không ít hung hăng nhưng về sau thì thay đổi với dụng ý muốn tạo ra một phong cách đối thoại riêng là lấy sự thuyết phục chứ không phải sự thắng thua làm đầu. Đặc biệt là phải tránh xa sự mạt sát nhau để độc giả khỏi phiền lòng. Tôi cũng là người muốn lấy chữ tình, chữ nghĩa làm lẽ sống ở đời. Do đó mà thích viết vế tình thầy nghĩa bạn bằng thể loại chân dung, kể cả văn ai điếu khi có thầy này bạn nọ qua đời. Cuối cùng, với tôi, có lẽ điều này là thiêng liêng nhất trong ngòi bút là làm sách để góp phần tri ân, thờ phụng tổ tiên, xây dựng họ tộc, với nội tộc của tôi đã đành mà còn với họ tộc phía nhà vợ. Truyền thống gia phong gia đạo Việt Nam xưa dạy tôi và cho tôi cảm hứng trịnh trọng để làm điều đó. Và cũng từ việc làm riêng này mà tôi đã ít nhiều cố gắng đẩy lên thành vấn đề chung của cả đất nước trong tâm thế một người muốn làm khoa học.

Bạn đọc kính mến!

Những gì tôi trình bày trên đây chủ yếu thuộc phương hướng phấn đấu dưới ngòi bút của tôi, chứ tôi chưa dám nhận mình đã được những gì. Phần đánh giá xin nhờ ở quý bạn đọc.

Ở đây, tôi xin đặc biệt cảm ơn Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, cụ thể là các ông Tổng giám đốc, Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, cùng ban Văn thuộc Nhà xuất bản với vai trò điều khiển của Tiến sĩ Nguyễn Đức Khuông và người trực tiếp biên tập là Tiến sĩ Nguyễn Trí Sơn đã giúp đỡ tạo điều kiện cho tôi để có được bộ sách Tuyển tập trình làng sẽ gồm ba tập: Tập I: Văn học; Tập II: Tư tưởng, Văn hóa, Giáo dục và Văn học (tiếp theo); Tập III:  Chân dung và phụ lục.

Riêng với PGS.TS. Nguyễn Công Lý là người chủ công trực tiếp tổ chức bản thảo cho tôi và TS. Trần Văn Toàn, TS. Trần Thị Hoa Lê, ThS. Nguyễn Đức Can đã tham gia sưu tầm các bài viết, thì tôi chỉ muốn nói một câu: Cám ơn Thượng đế đã ban thưởng các em cho tôi.                                                              

Mạnh Xuân Tân Mão (2011)

Đầu năm khai bút

 

THẾ BÚT VÀ VĂN BÚT CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN ĐÌNH CHÚ

NGUYỄN CÔNG LÝ [1]

1. Đến nay, Giáo sư Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú đã đi qua 83 mùa Xuân, đã có 54 năm đứng trên bục giảng ở các bậc đại học, sau đại học và nghiên cứu văn học, văn hoá, tư tưởng. Dù đang ở tuổi thượng thượng thọ, đã nghỉ hưu gần mươi năm nay, nhưng hiện giáo sư vẫn còn rất “trẻ tráng”, bút lực vẫn sung mãn, thậm chí, còn sung mãn hơn, nếu so với khoảng mươi năm trước, lúc ông chưa nghỉ hưu. Giáo sư vẫn xông xáo trên các diễn đàn khoa học và vẫn tiếp tục sự nghiệp trồng người, vẫn trực tiếp đứng lớp giảng dạy các chuyên đề cho Cao học, Nghiên cứu sinh và đánh giá các luận văn, luận án ở khắp ba miền của Tổ quốc. Tuy tuổi đã cao, nhưng cái tâm, cái trí, cái nhìn của giáo sư vẫn không bị quy luật nghiệt ngã của thời gian làm cho “mòn” đi, mà trái lại vẫn minh mẫn, vẫn sắc sảo, vẫn bén nhạy, vẫn luôn luôn mới và tự làm tươi mới mình khi nhìn nhận vấn đề dù ở cấp độ vi mô hay vĩ mô, mà thường là nhìn ở cấp vĩ mô, hệ thống, toàn cục. Có được cái nhìn tinh anh ấy, ngòi bút sắc bén ấy, có lẽ là nhờ giáo sư đã nhận thức vấn đề, nhìn nhận tác phẩm văn chương dưới góc độ của tư duy trừu tượng khoa học và tư duy triết học. Thiết nghĩ, tất cả có thể gọi đó là bút lực của Nguyễn Đình Chú, hay thế bút và văn bút của Nguyễn Đình Chú.

Giáo sư Nguyễn Đình Chú tự nhận là ông trời đã có phần dè xẻn năng khiếu văn chương với ông và việc ông đến với văn chương là một “cái duyên không hẹn mà gặp”. Trong khi số đông bạn bè đồng nghiệp, đặc biệt là các môn đệ của ông thì thấy cái duyên văn chương ở ông là một cái duyên ra duyên, một cái duyên thắm, duyên nồng không dễ có nhiều. Tiếc là hiện không có lại mấy bài văn thi đầu vào và thi tốt nghiệp của anh sinh viên Nguyễn Đình Chú tại trường Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội khóa đầu tiên sau ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954) để biết xem năng lực văn chương của vị giáo sư này ngày đó là thế nào mà thi vào, thi ra đều đỗ thủ khoa cả. Chắc là ông trời đã không quá dè xẻn năng khiếu văn chương với giáo sư. Tốt nghiệp thủ khoa, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, lúc đầu là ở bộ môn Lịch sử tư tưởng dưới sự dìu dắt, hướng dẫn của giáo sư triết gia Trần Đức Thảo. Nhưng chưa gì thì sau đó đã quay lại văn chương trong tư cách trợ lý của giáo sư học giả Đặng Thai Mai. Mà chỉ mấy tháng sau, đã cùng với một bậc đàn anh là Lê Trí Viễn, viết chung giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam từ 1858 đến 1930 (bấy giờ được gọi là cận đại), dùng cho sinh viên hai Khoa Văn của hai trường: Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội trong năm học 1958-1959. Để hôm nay, đọc lại những trang viết của ông về Thơ văn trào phúng nửa sau thế kỷ XIX; Thơ văn Trần Tế Xương; Thơ văn Đông Kinh nghĩa thục; Thơ văn Phan Bội Châu; Thơ văn Nguyễn Thượng Hiền; Thơ văn Tản Đà; Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, cũng dễ hình dung được phần nào năng lực văn chương của vị thủ khoa kép này.

Giáo sư cũng thường tự nhận mình không có khả năng tổ chức những công trình học thuật quy mô đồ sộ, cho nên đành phấn đấu đi theo quy luật quý hồ tinh bất quý hồ đa một cách tự giác rằng trong sự sống nói chung, trong nghệ thuật nói riêng, kể cả trong học thuật, vẫn có hai quy luật kết tinh: quý ở sự đồ sộ và quý ở sự tinh túy. Lý lẽ về quy luật quý hồ tinh bất quý hồ đa đã được giáo sư trình bày khá bài bản và có sức thuyết phục khi ông viết bài“Một phương diện phong cách nghệ thuật văn chương của Hồ Chủ tịch: sự ngắn gọn”. Và với ông thì dù đi theo quy luật nào, muốn có thành tựu, điều quan trọng nhất vẫn là phải có một năng lực tư duy tối ưu, bởi theo ông, chỉ có loài người mới có tư duy. Với loài người, kết quả cao thấp của mọi hành vi từ đơn giản đến cao siêu, phức tạp, xét đến cùng đều do trình độ tư duy quyết định. Bài Nâng cao phẩm chất tư duy: cái gốc của mọi vấn đề viết trước đây đã lâu và bài Trí thức và vấn đề tư duy viết gần đây của giáo sư, đã cho thấy rõ độ tự giác sâu sắc và nổi trội của ông về vai trò của tư duy trong sự sống nói chung, trong nghiên cứu văn chương nói riêng là thế nào. Và trên đường học thuật của ông, sự phấn đấu trước hết là ở phương diện rèn luyện năng lực tư duy để từ đó tạo nên thế bútvăn bút của ông có phần riêng biệt giữa đông đảo đội ngũ nghiên cứu văn chương của nước nhà.

2. Trong quá trình nghiên cứu những vấn đề chung của văn học sử Việt Nam, giáo sư thường nhìn nhận chúng ở tầm vĩ mô nên đã có cái nhìn toàn cục, hệ thống với một loạt tiểu luận có ý nghĩa cơ bản và xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam, điều mà người đọc đã thấy ở hầu hết các công trình văn học sử trước đây dù đã có trong các bài khái quát nhưng còn ở mức sơ sài, rời rạc, thiếu tính hệ thống. Loạt vấn đề đó là: Cấu trúc tổng thể của lịch sử văn học Việt Nam; Phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam (tổng kết và đề xuất); Quan hệ giữa nền văn học dân gian với nền văn học viết trong lịch sử văn học dân tộc; Ảnh hưởng của các học thuyết, các tôn giáo, các tín ngưỡng dân gian trong lịch sử văn học Việt Nam; Những khuynh hướng lớn trong tiến trình vận động của lịch sử văn học Việt Nam; Con người Việt Nam nhìn từ lịch sử văn học Việt Nam; Công tác văn học sử  với vấn đề bốn ngàn năm của lịch sử dân tộc. Cùng các bài viết: Nâng cao phẩm chất tư duy: cái gốc của mọi vấn đề; Khoa Văn học sử Việt Nam trong Việt Nam học, Nghiên cứu văn hoá trong tiến trình vận động và phát triển của lịch sử văn học; Nhận thức về con người qua văn học Việt Nam; Vấn đề “ngã”, “phi ngã” trong văn học Việt Nam trung cận đại; Hiện tượng văn - sử - triết bất phân trong văn học Việt Nam trung cận đại; Một phương diện nâng cao chất lượng giảng dạy văn học Việt Nam hiện đại; Sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trên phương diện văn hoá tinh thần truyền thống; Sức công phá bên trong của đạo đức nhân dân đối với đạo đức Nho giáo ở một tác phẩm cụ thể: Lục Vân Tiên; Cần nhìn nhận đúng văn học thời kỳ 1930-1945; v.v..

Muốn đổi mới nghiên cứu văn học, đổi mới phương pháp giảng dạy văn học, đổi mới cách chiếm lĩnh văn học, theo giáo sư Nguyễn Đình Chú, bản thân nhà nghiên cứu, người giáo viên dạy Văn cần phải “làm cuộc cách mạng tư duy”, cần rèn cho mình, nâng cao cho mình trình độ năng lực tư duy trừu tượng khoa học và tư duy triết học. Hai phẩm chất tư duy đó có liên quan, gắn bó nhau nhưng không phải là một. Chúng rất cần không chỉ cho nghiên cứu và giảng dạy văn học mà còn cho mọi ngành khoa học, cho hoạt động tư tưởng của con người. Theo ông, Năng lực tư duy trừu tượng khoa học xét về bản chất là đối lập với cái thường bị lên án và rất cần lên án là tư biện (spéculatif). Bởi cùng là tư duy trừu tượng nhưng một bên dựa trên sự nhận thức khách quan về bản chất sự vật, cuộc sống; còn một bên là thứ trừu tượng mang tính chất chủ quan, phi hiện thực. Đáng tiếc là ở nước ta xem ra không ít người đã lầm lẫn đi đến đồng nhất hai trạng thái tư duy trừu tượng vốn rất khác nhau về bản chất đó để hậu quả là coi thường tư duy trừu tượng nói chung. Điều này đã gây bất lợi không nhỏ cho yêu cầu nâng cao trình độ tư duy của xã hội trong đó có người nghiên cứu và giảng dạy văn học. Năng lực tư duy trừu tượng khoa học là năng lực nhận thức sự vật không chỉ ở cấp độ hiện tượng mà quan trọng hơn với nó là nhận thức về mối quan hệ vốn dĩ trừu tượng và vô cùng phức tạp, chằng chịt của các hiện tượng. Nó khác năng lực tư duy cụ thể thông thường của mọi người là sự nhận thức chủ yếu ở cấp độ hiện tượng. Nếu là quan hệ thì cũng chỉ là quan hệ đơn giản, trực tiếp. Xét phẩm chất tư duy của người Việt Nam ta, tôi muốn nói cái mạnh là tư duy cụ thể, cái chưa mạnh là tư duy trừu tượng. Hiện tượng tiếng Việt rất giàu từ ngữ cụ thể nhưng lại nghèo từ ngữ trừu tượng đã nói lên điều đó”[2]. Với bộ môn nghiên cứu văn học, do thiếu tư duy trừu tượng khoa học mà dẫn đến việc phân tích văn học không ít có hiện tượng cái chính thì cho là phụ, cái phụ thì cho là chính, trình bày vấn đề thiếu hệ thống lôgic, thiếu tính khái quát, thiếu chiều sâu.

Chúng ta đều biết từ năng lực tư duy trừu tượng khoa học này mà có năng lực tư duy khái quát, tư duy hệ thống, tư duy tích hợp, tư duy lựa chọn, tư duy so sánh, tư duy phát hiện… đạt kết quả khoa học cao hơn hẳn so với năng lực tư duy cụ thể. Kết quả nghiên cứu văn chương nói riêng, nghiên cứu khoa học nhân văn nói chung của giáo sư Nguyễn Đình Chú cho thấy điều đó. Ví như, cũng là nói đến cấu trúc tổng thể của nền văn học Việt Nam, hầu hết các công trình văn học sử từ trước tới nay đều chỉ căn cứ trên một bình diện là phương thức tồn tại của văn học là truyền miệng và thành văn để có văn học dân gian và văn học viết. Nhưng với giáo sư Nguyễn Đình Chú thì vấn đề trên được ông nhìn từ nhiều bình diện: trước hết là từ thực tiễn đất nước, bởi Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, do đó ngoài văn học của người Kinh được coi là chủ lực, còn có văn học của các dân tộc ít người, trong đó có vài dân tộc anh em có thành tựu văn học độc đáo mà văn học của người Kinh không có. Riêng trong văn học viết, ngoài văn học viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ mà thông thường vẫn nói, ông còn nói đến văn học bằng Pháp ngữ, Anh ngữ của người Việt thuộc quy luật đa ngữ của văn học hiện đại trong khu vực. Kế đến, ông có cái nhìn thông thoáng và rộng mở khi nói về văn học viết thời Bắc thuộc, xem đó là mầm mống, là tiền đề cho văn học viết của nước nhà sau khi giành được tự chủ, độc lập từ đầu thế kỷ thứ X, hoặc nhìn nhận về văn học ở miền Nam trước năm 1975 hay về văn học của người Việt ở hải ngoại và một phần văn học chữ Hán chưa được khám phá [3]. Đúng là qua cách nhìn đa diện của ông, cái gọi là cấu trúc tổng thể của nền văn học dân tộc được nhận thức đầy đủ hơn, điều rất cần cho những ai, đặc biệt là với người nước ngoài muốn biết qua về diện mạo văn học Việt Nam.

Về tư duy triết học, giáo sư đã viết: “Để có một định nghĩa đầy đủ thế nào là tư duy triết học, tôi xin nhờ các nhà triết học. Ở đây nói đơn giản thì chính nó là năng lực nhận thức về những vấn đề phức tạp nhất, sâu kín nhất, thậm chí còn bí hiểm trong sự sống con người được phản ánh bằng ý thức, vô thức, trực giác trong văn chương mà năng lực phân tích cảm thụ văn chương thông thường và phổ biến hiện nay chưa thể chiếm lĩnh được ở độ cần có. Với những người chỉ quen nhận thức văn chương theo phương pháp xã hội học dung tục lại càng bất cập”[4]. Theo giáo sư, muốn hiểu văn chương, trước hết phải hiểu con người. Bởi Văn là người mà con người là một thực thể sống động, đa dạng và phức tạp, kể cả bí hiểm. Để hiểu con người, đã có nhiều ngành khoa học, nhưng không gì bằng triết học. Tiếc rằng ở nước ta chưa có truyền thống triết học đúng theo nghĩa nghiêm ngặt của nó. Cho nên, cần phấn đấu.

Chẳng hạn, bài Vấn đề “ngã” và “phi ngã” trong văn học Việt Nam thời trung đại. Đây là một vấn đề có vấn đề ở chỗ giới nghiên cứu văn học Việt Nam trung đại đều ít nhiều đã nói tới nhưng chưa ai nói đến nơi đến chốn, và do đó ít nhiều có thể gây ngộ nhận về văn học trung đại. Chỉ đến lượt giáo sư Nguyễn Đình Chú thì vấn đề mới được phanh phui một cách tường tận từ góc nhìn triết học trước hết là về sự sống của con người trong đó có sự sống của con người - cá thể (l’individu) mà trình độ nhận thức về nó đã có sự khác nhau cao thấp, sớm muộn giữa phương Đông (trong đó có Việt Nam ta) và phương Tây. Riêng Việt Nam ta, đã rất chậm chạp và cũng còn rất thô sơ, kể cả sai lầm trong sự nhận thức về con người - cá thể này. Từ cách nhìn nhận vấn đề bằng triết học về con người - cá thể trong sự sống của con người như thế, giáo sư nhìn tiếp “Hiện tượng “ngã” và “phi ngã” trong văn học Việt Nam trung đại” một cách rất thuyết phục. Có người kể rằng khi đọc bài viết “ngã” và “phi ngã” này cùng bài viết “Hiện tượng văn sử triết bất phân trong văn học Việt Nam trung đại” của giáo sư Nguyễn Đình Chú, giáo sư lão thành Lê Trí Viễn đã nói với một vài vị giáo sư đàn em rằng: ông Chú đã dạy lại chúng ta những điều này.

Trình độ tư duy triết học đối với người nghiên cứu và giảng dạy văn học là hết sức cần thiết như thế. Trong một bài khác, ông còn viết: “Mọi hoạt động tinh thần của con người dù mang tính xã hội sâu sắc đến đâu cũng liên quan đến thuộc tính tự nhiên, tính cá thể! Bỏ qua vai trò của trực giác và vô thức là chưa hiểu nghệ thuật. Trực cảm giúp chúng ta tiếp cận chân lý”. Cách đây khoảng gần hai mươi năm mà trong khoa học, ông đã đề cao tính tự nhiên, tính cá thể nơi bản thể của con người quả thật là táo bạo và dũng cảm, ông lại còn coi trọng vai trò của trực giác, của vô thức trong sáng tạo nghệ thuật với sự xác quyết không thể lay chuyển được, thì lại thêm táo bạo và quả cảm! Xét đến cùng, những vấn đề trên, ai cũng biết đó là những điều mấu chốt trong tư duy nghệ thuật, rất đúng đắn và rất cần được thấu triệt, không chỉ vào lúc này mà còn cho mãi mãi... Nhưng chỉ những người có uy tín khoa học vững vàng như giáo sư Nguyễn Đình Chú thì mới dám nói và nói khẳng khái, dõng dạc như vậy.

Hay như bài viết Cần nhìn nhận đúng văn học thời kỳ 1930-1945” in trong tập Nhìn nhận lại một số hiện tượng văn học, có thể xem đây như là một chuyên san gộp từ số 27 đến số 31 ra tháng 7-1989 của Báo Người giáo viên nhân dân, ông nêu lên cái quy luật cộng hưởng nghệ thuật. Ông viết: “Phải cảm ơn Thời gian, cảm ơn cái quy luật cộng hưởng nghệ thuật vốn là lạnh lùng nhưng có đủ bản lĩnh sắt đá và khả năng biến chuyển khôn cùng để vượt lên trên mọi hoàn cảnh, mọi thứ ấu trĩ, thô thiển, đơn giản hóa thị hiếu văn chương”. Tiếp theo, đây là những đoạn văn đầy tinh thần thức tỉnh - điều tối cần thiết đối với những người dạy và học văn: “Ở đây cũng chưa vội trách các nhà nghiên cứu… Nói riêng trong nhà trường thì một câu nói khi giới thiệu thơ Tố Hữu: ‘Giữa bao ngọn cờ sai lạc, lá cờ anh là lá cờ Đảng’, một đoạn thơ trong bài “Người đi tìm hình của nước”: ‘Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp, Giấc mơ con đè nát cuộc đời con. Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp, Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn… Lòng ta thành con rối, Cho cuộc đời giật dây…’ của Chế Lan Viên đã một thời chi phối khá đậm thầy trò trong cách nhìn nhận văn chương ‘tiền chiến’ không cách mạng này”[5].

Từ đó, ông đề xuất hai vấn đề, mà theo tôi (và có thể nhiều người nữa sẽ đồng ý) là rất hợp tình, hợp lý, thấu đáo: “Một là, phải xử lý đúng mối quan hệ giữa quan điểm chính trị và quan điểm văn chương trong nghiên cứu, phê bình và giảng dạy văn chương; Hai là, phải từ một năng lực nhận thức sâu sắc về giá trị nhân bản, về thế giới tâm linh vốn dĩ là rất phong phú, rất kỳ diệu của con người để có năng lực nhận thức và đánh giá các hiện tượng văn chương một cách hợp lý, khoa học hơn”[6].

Đồng thời, theo ông, “muốn hiểu sâu hơn về con người để hiểu sâu hơn về văn học thì không chỉ đơn thuần nghĩ đến nó trong phạm vi nhà trường mà còn là cả trong phạm vi xã hội. Để có được một cách nhìn nhận mới và cao hơn về vấn đề con người (trước hết là con người Việt Nam) nhất thiết phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ba quan điểm: dân tộc, hiện đại thế giới. Chỉ có quan điểm dân tộc mà không có quan điểm hiện đại, dễ thường sẽ bảo thủ. Chỉ có quan điểm hiện đại mà thiếu quan điểm dân tộc thì phiêu lưu mất gốc là điều khó tránh. Có quan điểm dân tộc và hiện đại mà không có quan điểm thế giới thì cũng khó sáng tỏ vấn đề”[7].

Bên cạnh rèn luyện hai phẩm chất tư duy trên, theo ông, người nghiên cứu trong khi nhận thức chiếm lĩnh giá trị văn chương, cần phải đi kèm theo khả năng tạo ra những khái niệm công cụ hữu hiệu tối ưu. Chẳng hạn, với khái niệm “nhân đạo chủ nghĩa” (hoặc giá trị nhân đạo, hoặc nội dung nhân đạo…) vốn đã rất quen thuộc với công việc nghiên cứu văn học Việt Nam trung đại, ông viết: “Với khái niệm công cụ này, thực tế đã có hai cách tiếp cận dẫn đến hậu quả cao thấp, nông sâu khác nhau trong nhận thức văn chương. Một là cách tiếp cận đạo đức học. Với cách này, khi nói đến nội dung nhân đạo trong văn chương thường chỉ nói đến những tình cảm, thái độ, hành vi mang ý nghĩa đạo đức của con người thuộc các quan hệ xã hội của nó được văn chương phản ánh, thể hiện. Nếu có đụng đến những điều gì có ý nghĩa triết học thì cũng không tự giác. Cách tiếp cận đó dĩ nhiên đã đưa đến nhiều kết quả bổ ích, nhưng quả thật chưa đủ. Bằng việc bổ sung vào đó cách tiếp cận triết học, chắc chắn sẽ có nhiều điều bổ ích hơn, sâu sắc hơn, cũng có thể nói bản chất hơn. Bởi nhân đạo chủ nghĩa không chỉ là những giá trị đạo đức mà còn bao gồm tất cả những gì làm nên giá trị người (trong đó có giá trị đạo đức) với tư cách là một động vật cao cấp nhất trong muôn loài. Nó bao gồm cả hai phương diện tự nhiên sinh học và xã hội của con người mà với cách tiếp cận đạo đức học (kể cả xã hội học), nhiều giá trị lớn hơn đã bị bỏ quên. Ví như cái đẹp cơ thể sinh học của con người (nhất là phụ nữ) mà ở phương Tây đã trở thành một nguồn cảm hứng nhân văn - thẩm mỹ lớn để từ đó có một nền nghệ thuật khỏa thân tuyệt diệu trong hội họa, điêu khắc, nặn tượng, được nhân loại bao đời nay chiêm ngưỡng sùng bái. Trong khi ở Việt Nam ta thì ngày trước là né tránh, còn gần đây bắt đầu làm quen lại trong tình trạng có phần lộn xộn vì thiếu một cơ sở nhận thức triết học tường minh. Ví như sắc đẹp con gái mà nhân loại từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ cụ Khổng cho đến mọi người, chỉ trừ ai mất trí, quen thói đạo đức giả, bị cơm áo đè quá nặng, còn lại không ai không thích thú, thèm thuồng. Rồi nữa là trí tuệ tài năng, là năng lực này năng lực khác… mà không ít trường hợp đã trở thành đối lập với đạo đức nhưng trong bản chất vẫn thuộc giá trị người rất quý mà chỉ với một khái niệm công cụ nhân đạo chủ nghĩa đã được xác lập vừa có nội hàm đạo đức vừa có nội hàm triết học, mới thu gom hết được để từ đó hiểu văn chương sâu sắc hơn, triệt để hơn”[8].

Ông còn thay thuật ngữ “nhân đạo” bằng thuật ngữ “nhân bản”, và khái niệm công cụ này được ông giới thuyết như sau: “Tinh thần nhân bản không chỉ là tình thương con người, đặc biệt là con người đau khổ, thiệt thòi trong cuộc sống, mà còn là sự khám phá, biểu dương tất cả mọi giá trị làm nên vẻ đẹp con người trong mối quan hệ với vũ trụ, với tự nhiên, với xã hội, với gia đình, với chính nó trong hành động và trong tâm linh”[9]. Nhân bản là bao gồm tất cả những gì làm nên giá trị người vốn vừa là sản phẩm tự nhiên vừa là sản phẩm xã hội trong đó có giá trị đạo đức, nhưng cũng có loại giá trị nằm ngoài đạo đức”[10]. Bài Gặp lại con Kiều đẹp nhất nước Nam của giáo sư viết nhân dịp kỷ niệm 240 năm sinh Nguyễn Du (2005) là một dẫn chứng có thể nói là xuất sắc trong việc sử dụng khái niệm công cụ là nhân bản vào việc nhận diện vẻ đẹp đa diện của nàng Kiều mà giáo sư đã đúc kết thành luận điểm khoa học rằng: Trong lịch sử văn học Việt Nam, về nhân vật nữ thì không đâu có được sự hội tụ nhiều giá trị nhân bản như nàng Kiều mặc dù ở Kiều có thể còn thiếu điều này điều khác. Quả thật trong lịch sử phê bình đánh giá Thúy Kiều dù đã có không biết bao nhiêu lời hay ý đẹp nhưng đến giáo sư Nguyễn Đình Chú mới có một cách nhìn hoàn chỉnh và hệ thống, có lý lẽ, mang tính chất triết học như thế. Nói thế, không biết có quá lời không?

Việc phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam cũng vậy. Từ ngày có bộ môn Văn học sử Việt Nam ra đời cho đến nay đã có rất nhiều cách phân kỳ bằng cách hoặc là dựa trên các bình diện: vương triều phong kiến; thời gian; theo từng thế kỷ, hoặc là dựa theo những mốc lớn của lịch sử, hoặc là muốn dựa trên các chặng đường phát triển thuộc quy luật tự thân của văn học. Đến lượt giáo sư Nguyễn Đình Chú, trên cở sở tổng kết đầy đủ các cách phân kỳ đã có, ông đề nghị bổ sung thêm khái niệm công cụ nữa cho việc phân kỳ là phạm trù văn học được ông xác lập nội hàm một cách hệ thống và chặt chẽ  bao gồm ba bộ phận:

1) Những yếu tố gián tiếp chi phối văn học là: Hình thái xã hội; Hình thái văn hóa của xã hội; Ý thức hệ của thời đại.

2) Những yếu tố trực tiếp liên quan tới văn học là: Lực lượng sáng tác; Công chúng văn học; Phương tiện văn học (chữ viết, kỹ thuật in ấn, báo chí); Phương thức lưu hành văn học (chưa thành hàng hóa, đã thành hàng hóa).

3) Những yếu tố thuộc chính bản thân nền văn học: Cơ cấu của một nền văn học; Hệ thống quan điểm văn học; Phong cách ngôn ngữ văn học; Hệ thống thể loại văn học và bút pháp thủ pháp của mỗi thể loại văn học; Những quy luật đặc thù của văn học[11].

Từ việc bổ sung thêm khái niệm công cụ là phạm trù văn học khi phân kỳ lịch sử văn học dân tộc, giáo sư đi đến kết luận: lịch sử văn học Việt Nam gồm ba thời kỳ (như cách phân kỳ hiện hành) và hai phạm trù: trung đại và hiện đại. Thêm khái niệm phạm trù văn học, việc nhận thức về quá trình vận động của lịch sử văn học dân tộc nói chung, việc nhận thức về tác gia tác phẩm cụ thể của mỗi phạm trù văn học hẳn sẽ được nâng cao rõ rệt.

Với giáo sư Nguyễn Đình Chú, ông không chỉ coi trọng việc rèn luyện năng lực tư duy trừu tượng khoa học và tư duy triết học cùng việc xác lập khái niệm công cụ tối ưu để nâng cao hiệu quả nghiên cứu văn chương mà trong việc nghiên cứu văn chương cũng cần rèn luyện cả năng lực nghiên cứu bản thân tư duy nghệ thuật, bởi tư duy này vốn dĩ là thiên hình vạn trạng và liên quan trực tiếp đến thể loại đa dạng của văn chương và quan trọng hơn nữa là cá tính sáng tạo của từng tác gia, điều mà giới nghiên cứu dường như ít có mấy ai chú ý tới. Cách giáo sư viết về văn học của các dân tộc ít người, đặc biệt là với thể loại sử thi của các dân tộc ở Tây Nguyên, truyện thơ của dân tộc Thái ở Tây Bắc là những ví dụ đích đáng trong việc nghiên cứu tư duy nghệ thuật dẫn đến tác phẩm nghệ thuật.

Nhờ nhận thức vấn đề bằng tư duy trên mà ông đã chỉ ra tường minh các mối liên hệ hữu cơ, vị trí đặc thù giữa khoa văn học sử Việt Nam trong ngành Việt Nam học; chỉ ra hiện tượng giao lưu văn hoá trong tiến trình vận động và phát triển của lịch sử văn học; phân tích thuyết phục vai trò làm nền của văn học dân gian đối với văn học viết của dân tộc; nhận rõ cấu trúc tổng thể của lịch sử văn học Việt Nam… hay nêu ra cụ thể rất có sức thuyết phục về cái sức công phá bên trong của đạo đức nhân dân đối với đạo đức Nho giáo qua một hiện tượng văn học, mà truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu là một ví dụ điển hình; hoặc nêu lên sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trên phương diện đời sống văn hoá và tinh thần truyền thống[12] và khẳng định một cách chắc chắn rằng sự áp đảo này là có thật, v.v.. Tất cả được ông trình bày rõ ràng, lý giải cặn kẽ, lôgic, với những nội dung sắc sảo, có đóng góp mới, được nhiều chuyên gia bậc thầy đánh giá cao. 

3. Với văn học sử Việt Nam thời trung đại và cận hiện đại, ông nhìn vấn đề vừa ở tầm vĩ mô, hệ thống lại vừa ở tầm vi mô, cụ thể.

3.1 Về văn học trung đại Việt Nam, có thể kể những thành tựu của giáo sư khi viết về các tác gia tác phẩm: văn thơ Lý - Trần, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Dữ, Ngô Trí Hòa, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Xuân Ôn, Vũ Phạm Khải, Bùi Văn Dị, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Chu Mạnh Trinh, Vũ Phạm Hàm, Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Thiện  Kế…

Ở đó, tác giả văn học được giáo sư dành nhiều bút lực và nhiệt tình, tập trung hơn cả là Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Tú Xương.

Với Nguyễn Du, giáo sư có các tiểu luận và bài viết: Nguyễn Du trong thời đại Hồ Chí Minh; Gặp lại con Kiều đẹp nhất nước Nam; Về lời dịch “Độc Tiểu Thanh ký”; Nguyễn Du viết “Độc Tiểu Thanh ký” vào lúc nào?;  Đọc “Chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du trong Truyện Kiều” của Lê Đình Kỵ;  Trao duyên; Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều; Một vài cảm nghĩ về “Đoạn trường tân thanh” (Đối chiếu chữ Nôm - Quốc ngữ); Một con người đáng quý – một việc làm đáng trọng (Giới thiệu sách “Truyện Kiều hướng về nguyên tác”); Lời giới thiệu sách “Con người Nguyễn Du qua thơ chữ Hán”; Học giả Đặng Thai Mai chọn câu Kiều hay nhất; Thăng Long trong hồn thơ của chú cháu Nguyễn Du

Với Nguyễn Đình Chiểu, giáo sư có các tiểu luận và bài viết: Quan điểm văn chương của Nguyễn Đình Chiểu; Từ lý tưởng nhân nghĩa đến chủ nghĩa yêu nước; Sức công phá bên trong của đạo đức nhân dân đối với đạo đức Nho giáo ở một tác phẩm cụ thể: Lục Vân Tiên (Hay là một cách nhìn hiện tượng Nho giáo ở nước ta; Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc; Chạy Tây; Xúc cảnh; Thà đui mà giữ đạo nhà; Chuyện thật như đùa hay là đùa với chuyện thật; Từ thực tiễn giảng dạy trong nhà trường nghĩ thêm về nghệ thuật văn chương Nguyễn Đình Chiểu

Với Tú Xương, giáo sư có các tiểu luận và bài viết: Thơ văn Trần Tế Xương (1958); Tú Xương nhà thơ lớn của dân tộc; Thương vợ; Năm mới chúc nhau; Khoa thi Đinh Dậu; Mùng hai Tết viếng cô Ký

Cùng với những thành quả vừa nói là những tiểu luận có nội dung khái quát chung hoặc bộ phận thuộc phạm vi văn học trung đại Việt Nam: Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX: thành tựu và  đặc điểm;  Hiện tượng văn sử triết bất phân trong văn học Việt Nam trung đại; Vấn đề “ngã” và “phi ngã” trong văn học Việt Nam thời trung  đại; Trở lại vấn đề ảnh hưởng của Nho giáo đối với nền văn học Việt Nam thời trung đại; Cha ông ta nói chuyện văn chương đuổi giặc; Đề tài chống phong kiến phương Bắc trong văn học Việt Nam; Nghĩa tình Bắc Trung Nam qua một số thơ văn nửa sau thế kỷ XIX; Chung quanh vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lịch sử văn học Việt Nam (thời kỳ trước chủ nghĩa hiện thực phê phán 1930-1945); Văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX; Tác gia văn học Việt Nam, tập I (chủ biên); Đề cương tư tưởng và học thuật (cho công trình Văn học sử Quốc gia giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX)…

Có thể dẫn dụ vài bài viết tiêu biểu như: Nghĩ thêm về truyện “Người con gái Nam Xương”; Nguyễn Du trong thời đại Hồ Chí Minh; Gặp lại con Kiều đẹp nhất nước Nam; Nhà văn Đặng Thai Mai chọn câu Kiều hay nhất; Nguyễn Công Trứ: sự lên ngôi của cái tôi cá thể; Nguyễn Khuyến với thời gian...

Ở bài Nghĩ thêm về truyện “Người con gái Nam Xương”, bằng tư duy trừu tượng khoa học và tư duy triết học mà ông đã đưa ra cách hiểu nội dung tư tưởng tác phẩm hoàn toàn khác với cách hiểu, cách cảm lâu nay. Chuyện người con gái Nam Xương là một truyện ngắn vào loại hay nhất của Truyền kỳ mạn lục nên từ lâu đã được chọn dạy ở nhà trường các cấp từ phổ thông đến đại học. Riêng ở phổ thông, trước là ở bậc phổ thông trung học, nay là ở bậc phổ thông cơ sở. Và các sách giáo khoa cũng như sách giáo viên đều nói về chủ đề tư tưởng của tác phẩm là nỗi khổ của phụ nữ do chế độ nam nữ bất bình đẳng và chiến tranh gây nên. Từ góc nhìn triết học, thực chất là giáo sư không thừa nhận cách nhận thức về chủ đề tư tưởng của tác phẩm như thế, nhưng vốn quen lối sống hòa nhã, ông nói đó mới chỉ là giá trị lộ thiên chứ chưa phải là giá trị chìm sâu của tác phẩm. Theo giáo sư, chủ đề tư tưởng của tác phẩm chính là nói về “sự mong manh, vô cùng mong manh đối với hạnh phúc của người đàn bà, bởi sự sống vốn có những thứ ma quái, trớ trêu muôn đời chẳng liên quan gì đến hình thái xã hội, đến chiến tranh”. Nam nữ có bình đẳng bình quyền đến đâu, anh chồng Trương Sinh không đi chiến trận mà đi đâu về, mà bé Đản không nhận cha lại bảo cha là người khác, mẹ ngồi đâu cùng ngồi với mẹ, mẹ đi đâu cùng đi với mẹ thì chuyện gì đã xảy ra với Vũ Nương vẫn có thể xảy ra. Theo ông, sự tan nát hạnh phúc gia đình của Vũ nương là bắt đầu từ cái bóng của chính Vũ nương - một chi tiết nhỏ trong câu chuyện. Cái bóng của Vũ nương là một biểu tượng cho sự đồng nhất mình với chồng. Nàng đã lấy cái bóng của mình để nói với con đó là cha của Đản. Đây cũng là một cách nói “sơn cùng thuỷ tận” về chữ “đồng” trong đạo vợ chồng: “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Nhưng từ đấy mà đời Vũ nương tan nát. Rồi tham gia phá nát hạnh phúc của đời nàng lại là đứa con ngây thơ hồn nhiên trong trắng do chính nàng đứt ruột đẻ ra! Rồi, rồi nữa là cái máu ghen mà tạo hóa đã chơi khăm loài người, cùng một lúc ban tặng cho hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc vợ chồng nồng thắm ngây ngất đến là thế nhưng lại ban nốt cho cái máu ghen mang tính người trong quan hệ đực - cái để rồi như đặt sẵn mìn dưới giường hạnh phúc của lứa đôi mà nổ lúc nào không biết. Oái oăm, trớ trêu, ma quái đến thế là cùng! Từ đó, ông cho rằng truyện Người con gái Nam Xương có ý nghĩa triết học sâu hơn, cao hơn Truyện Kiều, là bởi nó đã chạm vào được cái sự ma quái có thực trong cuộc sống của người đàn bà muôn nơi, muôn thuở[13]. Bài viết của giáo sư Nguyễn Đình Chú về Chuyện người con gái Nam Xương được nhiều người thích thú là nhờ có cách nhìn triết học và mới mẻ như thế.

Bài Nguyễn Công Trứ: sự lên ngôi của cái tôi cá thể (viết tháng 11 năm 2008 nhân kỷ niệm 150 ngày mất của danh nhân - thi hào Nguyễn Công Trứ) là thêm một lần được giáo sư nói rõ hơn về con người - cá thể, và khẳng địnhmột hiện tượng nổi trội, hiếm lạ so với lịch sử đương thời, kể cả với hôm nay, vẫn còn nhiều điều làm chúng ta phải suy nghĩ trước vấn đề: CON NGƯỜI LÀ GÌ vốn là vấn đề lớn nhất của triết học, dù đã có bao nhiêu sự khám phá, nhưng vẫn mãi mãi không bao giờ có sự chấm dứt khám phá”[14]. Bài viết là một sự vận dụng thành công quan điểm triết học của giáo sư về con người - cá thể vào một trường hợp cụ thể và điển hình là Nguyễn Công Trứ. Những ai đã theo dõi về lịch sử nghiên cứu Nguyễn Công Trứ hẳn sẽ thấy cách nhìn mới mẻ của giáo sư Nguyễn Đình Chú về nhà nho tài tử Nguyễn Công Trứ từ góc nhìn triết học.

3.2 Về văn học cận – hiện đại Việt Nam, có thể kể những thành tựu của giáo sư khi viết về các tác gia tác phẩm: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Ngô Đức Kế, Lê Đại, Đặng Nguyên Cẩn, Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Hoàng Ngọc Phách, Dương Quảng Hàm, Đào Trinh Nhất, Đạm Phương nữ sử, Ngân Giang nữ sĩ, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Trương Tửu, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh… Trong đó, dày công hơn là với Phan Bội Châu, Tản Đà và Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Với Phan Bội Châu, giáo sư có các tiểu luận và bài viết: Văn thơ Phan Bội Châu (1958); Phan Bội Châu cái tên đẹp nhất một thời (1967); Phan Bội Châu (2004); Tìm hiểu quan niệm anh hùng của Phan Bội Châu; Phan Bội Châu: vấn đề và hướng nghĩ; Văn tế Phan Châu Trinh; Xuất dương lưu biệt; Bài ca chúc tết thanh niên; Thơ văn Phan Bội Châu trong thời kỳ Đông Du; Với Phan Bội Châu tiên sinh đôi điều xin được bàn lại

Với Tản Đà, giáo sư có các tiểu luận và bài viết: Thơ văn Tản Đà (1958); Tản Đà có yêu nước hay không?; Tiếp tục tìm hiểu bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà; Tống biệt; Dì gió; Thăm mả cũ bên đường; Đến với Tản Đà; Trời sinh ra bác Tản Đà…

Với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, giáo sư có các tiểu luận và bài viết: Thời kỳ sáng tác thứ nhất của Hồ Chủ tịch; Vai trò khai sáng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với nền văn học Việt Nam hiện đại; Một phương diện phong cách văn chương của Hồ Chủ tịch: sự ngắn gọn; Incognito; Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu; Lời than vãn của Bà Trưng Trắc; Thơ Bác Hồ trên quê hương cách mạng Cao Bằng; Cần nâng cao chất lượng nghiên cứu thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Cùng với thành quả nghiên cứu tác gia tác phẩm là các tiểu luận khái quát chung hay từng bộ phận thuộc thời kỳ văn học cận hiện đại, có thể kể như: Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến tháng 8 năm 1945: thành tựu và đặc điểm; Văn học Việt Nam 30 năm đầu thế kỷ XX; Văn học Việt Nam những năm 20 của thế kỷ XX; Sức sống của một thời đại; Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục; Thực chất cuộc đấu tranh chung quanh vấn đề Truyện Kiều giữa Ngô Đức Kế và Phạm Quỳnh; Báo chí và văn chương qua một trường hợp: Nam Phong tạp chí (viết chung với Trịnh Đình Long); Cần nhìn nhận đúng văn học thời kỳ 1930-1945; Thử tìm nguyên nhân tồn tại của thơ Đường luật Việt Nam trong thế kỷ XX (viết chung với Trần Thị Lệ Thanh); Cuộc tranh luận về quan điểm nghệ thuật thời kỳ 1935-1939; Đề cương tư tưởng và học thuật (cho công trình Văn học sử Quốc gia về giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến 1930), Đề cương tư tưởng (cho công trình Văn học sử Quốc gia giai đoạn từ 1930 đến 1945). Tác gia Văn học Việt Nam, tập II (viết chung), Vấn đề hiện đại hóa văn học Việt Nam  ở nửa đầu thế kỷ XX, Từ công cuộc hiện đại hóa văn học Việt Nam nghĩ thêm đôi điều về sự tương đồng và tương dị giữa Việt Nam và Nhật Bản trong công cuộc hiện đại hóa văn học…

Với bài Ý nghĩa khai sáng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với nền văn học Việt Nam hiện đại, ông đã tạm chia sự nghiệp sáng tác của Bác thành ba thời kỳ (cũng có thể gọi là ba chặng đường): 1. Từ những năm 20 đến 1930; 2. Từ 1930 đến 1945; 3. Từ 1945 đến 1969. Theo giáo sư, muốn xác định vai trò lịch sử của những sáng tác đó, nhất là những sáng tác ở thời kỳ đầu, nhằm rút ra một kết luận khoa học là “khẳng định ý nghĩa khai sáng của Bác đối với nền văn học Việt Nam hiện đại” thì cần giải quyết cho tường minh hai vấn đề cốt tuỷ nhất: Một là, vai trò của ý thức hệ, của triết học, của lý tưởng xã hội trong sáng tác văn học; Hai là, quy luật vận động của lịch sử văn học dân tộc nửa đầu thế kỷ XX và vai trò lịch sử của những sáng tác trong thời kỳ thứ nhất của Bác.     

Bài Cuộc tranh luận về quan điểm nghệ thuật thời kỳ 1935-1939, sau gần hai phần ba thế kỷ, giáo sư Nguyễn Đình Chú đã có dịp nhìn nhận lại cuộc tranh luận đó bằng một cái nhìn khoa học và khách quan, với sự khảo cứu công phu, phân tích xác đáng và chứng minh cụ thể, thấu tình đạt lý, nhằm mục đích nhận chân lại vấn đề, đồng thời “chiêu tuyết” cho nhà phê bình Hoài Thanh một thời đã từng bị ai đó “quy chụp” là đứng trên lập trường quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh”! (dù việc này, chính bản thân Hoài Thanh cũng đã có viết bài tự phản tỉnh vào năm 1960 trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học). Ông đã lý giải lại hiện tượng này rất thuyết phục bằng cách phân tích cặn kẽ năm vấn đề sau đây:

- Trước hết, phải thấy cho hết độ phức tạp của chuyện văn chương.

- Hai là phải đi sâu hơn vào việc tìm hiểu nội hàm khái niệm cơ bản đã được đặt ra trong cuộc tranh luận.

- Ba là phải tôn trọng đúng mức hiện tượng tâm lý (tức là tâm thế) của  những người tranh luận trong khi tìm hiểu nội dung tranh luận.

- Bốn là phải coi trọng tính hệ thống trong khi đi tìm bản chất của các quan niệm.

- Năm là phải đặt cuộc tranh luận vào bối cảnh chính trị xã hội đã đành mà còn là bối cảnh văn học (trong đó có quan niệm văn học) của đương thời để có cách phân giải hợp lý.

Việc giáo sư vận dụng tư duy triết học và tư duy trừu tượng khoa học để nghiên cứu văn học, không riêng gì trong những vấn đề khái quát, mà ở các tác phẩm văn học cụ thể cũng vậy. Chẳng hạn như với bài thơ Đây thôn Vĩ Giạ của Hàn Mặc Tử “mà thông thường vẫn cho là bài thơ nói về vẻ đẹp của xứ Huế, của mối tình với cô gái Huế” thì với ông, bằng tư duy trừu tượng theo đó là cách nhìn từ nhiều bình diện: hoàn cảnh sáng tác hẹp là lúc nhà thơ đã bị tử thần điểm danh (bệnh hủi), hoàn cảnh sáng tác rộng là chuyện nhà thơ đã có những năm tháng sống với Huế đẹp và thơ, có mối tình với cô gái Huế (không kể là đơn phương hay không đơn phương), hệ thống ngôn từ văn bản, trong đó có đến mấy câu hỏi: Sao anh không về thăm thôn Vĩ ? (chứ không là Tôi đã về đây thăm thôn Vĩ); Có chở trăng về kịp tối nay ? (chứ không là: Đã chở trăng về kịp tối nay); Ai biết tình ai có đậm đà? (đậm đà hay không sao lại không biết). Có hình ảnh Gió theo lối gió mây đường mây (sao gió mây lại thế mà không khác); Có chuyện Mơ khách đường xa, khách đường xa (sao lại không khách đường gần); Có hình ảnh Áo em trắng quá nhìn không ra (sao trắng quá lại nhìn không ra)”. Từ cái nhìn tích hợp như thế, giáo sư đi đến kết luận bài thơ không phải là nói vẻ đẹp của xứ Huế, của mối tình với cô gái Huế mà là nuối tiếc vẻ đẹp của xứ Huế, của mối tình với cô gái Huế “mà nay tất cả đã chuồi, đã tuột khỏi mình rồi”. Nói vẻ đẹp và nói nuối tiếc vẻ đẹp, với tư duy dễ dãi thông thường thì chẳng khác nhau gì đáng kể. Nhưng với yêu cầu nghiêm ngặt của tư duy khoa học thì khác nhau không nhỏ chút nào. Bởi nó là hai tâm thế rất khác nhau.

4. Ở giáo sư Nguyễn Đình Chú, bên cạnh rèn luyện hai phẩm chất tư duy trên cùng xác định khái niệm công cụ là thái độ hết sức trung thực, khách quan và thực sự cầu thị, bởi cái chất, cái tạng của con người ông vốn gốc Nho gia: trung thực, thành thực với đời và với bản thân mình. Điều này, cách đây khoảng ba mươi năm, nhà phê bình văn học lão thành, giáo sư Trương Chính có lần nói với chúng tôi - các học viên lớp Cao học Văn khóa 4 (1979-1981) và khóa 5 (1980-1982) - rằng: “Trong những người đồng nghiệp, mình trọng anh Chú nhất, mặc dù trước kia có lúc ông ấy viết cả bài chống mình, nhưng anh ấy không thuộc người bảo thủ, cố chấp, bởi anh ấy thành thực với đời và với bản thân mình. Theo tôi đấy mới là người biết sống. Vì thế, mình còn vào cả Đồng Xa leo gác 5 thăm ông ấy. Chúng mình rất trọng nhau. Thế hệ chúng mình, mấy ai không lận đận, nhưng phải tìm cho được cái tốt của nhau thì sống mới hay”[15].

Chính vì nhờ thái độ trung thực khách quan, thực sự cầu thị trong khoa học và cách sống thành thực với đời, với bản thân mình mà khoảng hơn mươi lăm năm trở lại đây, ông thường chú ý nhìn lại một số gương mặt trí thức thời trước mà cho tới hiện giờ ít nhiều vẫn còn bị định kiến bởi thời tiết tâm lý xã hội, mà cuộc đời của các vị ấy bị nhiều thứ thiệt thòi, hay trước đây nhận định về họ chưa thật khách quan và công bằng, chẳng hạn như về các bậc tiền bối: Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Hoài Thanh, v.v.. thì giờ đây ông có dịp nói lại với cách nói thành thật và chân tình, khách quan. Qua các bài viết này, người đọc mới thấy rõ và thấy hết sự trung thực trong nhân cách khoa học của giáo sư Nguyễn Đình Chú.

Trường hợp Phan Bội Châu chẳng hạn. Bài Phan Bội Châu: mấy vấn đề xin được bàn lại, ông cho rằng:“nhận thức chân lý phải là một quá trình, phải từ chân lý tương đối mà đi gần tới chân lý tuyệt đối và cũng chẳng có chân lý tuyệt đối. Hay nói theo thuật ngữ của Pháp: nghiên cứu khoa học là recherche, tức là tìm đi tìm lại, cứ thế mà tìm mãi. Không ai có thể tự cho đây là tiếng nói cuối cùng”. Từ suy nghĩ đó, ông đã bàn lại một số vấn đề đã và đang thành vấn đề đối với Phan tiên sinh, con người mà cả dân tộc Việt Nam ta, không một ai không tôn vinh, riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong truyện ngắn “Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu” (1925) thì đã suy tôn cụ Phan là “một bậc anh hùng, một vị thiên sứ, đấng xả thân cứu nước được hai mươi triệu đồng bào sống trong vòng nô lệ tôn kính”. Cụ thể, ông bàn lại ba vấn đề sau: Một là, vấn đề “bạo động để cứu nước”; Hai là, vấn đề “Phan Bội Châu với công cuộc Đông Du”; Ba là, vấn đề “Phan Bội Châu với chủ trương Pháp Việt đề huề”. Đúng là qua theo dõi các công trình nghiên cứu có bàn về những vấn đề trên thì thấy rằng: trong tâm lý người đời, không phải lúc nào các chủ trương đó của cụ cụ Phan xứ Nghệ cũng được tán thành hoan nghênh, mà có lúc đề cao, có khi hạ thấp. Sự đánh giá của người đời về vấn đề trên cũng giống như sự đánh giá về chủ trương “cải lương” của cụ Phan Chu Trinh xứ Quảng vậy. Trên cơ sở tiếp cận thêm tư liệu cùng với nhìn nhận vấn đề bằng tư duy triết học, cuối cùng, ông đi đến kết luận rằng: “Những vấn đề vừa trình bày trên chính là nhằm lý giải hiện tượng Phan Bội Châu từ bỏ bạo động để chủ trương Pháp Việt đề huề trong trạng thái vừa chao đảo, vừa dứt khoát như trên đã nói. Và tôi muốn kết luận rằng: chuyện đề huề của cụ Phan là chuyện nằm trong sự phức tạp của đời sống chính trị xã hội như thế. Không thể lấy cái đơn giản, phiến diện trong nhận thức mà lên án cụ một cách nặng nề như từng có. Để rõ thêm vấn đề, tôi xin phép được nói thêm rằng: ngay ở Hồ Chí Minh, vốn là vị lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc bằng đường lối vũ trang bạo động và thắng lợi vẻ vang thì cũng không hề cứng nhắc, cực đoan trong chủ trương bạo động. Không phải không có lúc Người đã có chủ trương thuộc về quy luật phụ thuộc lẫn nhau để rồi bị kẻ thù của mình bù lu bù loa, cho là Người bán nước, nhưng nhân dân, lịch sử thì lại biểu dương, ngợi ca là thiên tài chính trị. Đó là việc Người ký Hiệp ước sơ bộ 6-3 và Hiệp ước Phôngtenbờlô (1946) tạm chấp nhận Việt Nam đứng trong Liên hiệp Pháp. Vậy sao không lấy chuyện cụ Hồ để nghĩ về cụ Phan” [16]. Rõ ràng, kết luận rút ra và đề xuất của ông khi nhìn nhận lại về cụ Phan xứ Nghệ đã nêu trong bài viết trên thật là hợp lẽ, thấu tình, khó lòng biện bác và bắt bẻ cho được !

Hay như trường hợp Phạm Quỳnh, trong một bài viết về học giả Phạm Quỳnh khoảng mười năm trước, bài Thượng Chi bàn về tiểu thuyết trên tạp chí Nam Phong, ông có nói công khai với đại ý rằng trước kia, cũng theo cái trào lưu chung, bị cái nhãn quan giai cấp luận nó chi phối mà ông đã phê phán cụ Phạm Quỳnh hung hăng quá mức, bây giờ nghĩ lại thấy có phần day dứt. Giờ đây, với tư duy triết học và trong điều kiện thời điểm mới, ông có dịp xin nói lại, bằng cách lược thuật qua những ý kiến của Thượng Chi bàn về tiểu thuyết, rồi khẳng định: “trước Thượng Chi chưa có ai bàn về thể loại tiểu thuyết một cách có hệ thống và phong phú như thế”, để đi đến kết luận: “Thượng Chi tuy không phải là một tiểu thuyết gia - nhưng là một người đạo diễn buổi đầu trong việc hình thành nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, vốn được coi là thể loại chủ công của nền văn học Việt Nam hiện đại chính thức có mặt từ những năm 20 của thế kỷ XX” [17].

Bài Với Hoài Thanh tiên sinh: đôi điều tôi muốn nói, trong không khí đổi mới của đất nước hôm nay, đặc biệt là trên cơ sở tư liệu được phát hiện thêm, đọc kỹ thêm, vấn đề quan điểm nghệ thuật của Hoài Thanh và cũng là vấn đề thực chất của cuộc tranh luận, bút chiến giữa cái gọi là “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” đã bước vào một trạng thái mới trên con đường khoa học mà bản chất là sự tìm lại (recherche) về chân lý, ông đã giải đáp ổn thoả hai vấn đề: Một là, mối quan hệ giữa cảm tính và lý tính, giữa tình cảm và nhận thức ở Hoài Thanh, nhà phê bình lỗi lạc là thế nào ?; Hai là, sự mặc cảm tội lỗi mang tính chất ngoại nhập và nỗi nhọc nhằn của một tài năng. Ở đó, ông đã chiêu tuyết cho nhà phê bình lỗi lạc nhất thế kỷ XX, bởi lẽ, đương thời Hoài Thanh chưa bao giờ và cũng không bao giờ có chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Chính nhà văn Nguyễn Khải khi đọc lại Tiểu thuyết thứ bảy hồi bấy giờ, đã phân tích rõ trắng đen, nhận chân được ngọc đá, rồi đi đến kết luận xác quyết rằng: “Hoài Thanh đâu phải là người chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật”[18].

Với nhà văn - nhà phê bình - giáo sư Trương Tửu thì giáo sư Nguyễn Đình Chú đã có bài Điếu văn[19] đọc lúc tiễn đưa vị giáo sư khả kính về với Tổ tiên, về với thế giới người Hiền. Riêng với bài Xin được nói lại đôi điều về cuốn sách “Tương lai văn nghệ Việt Nam” của nhà văn Trương Tửu mà chúng tôi đã chọn đưa vào Tuyển tập này, có thể nói chính cuốn sách này đã một thời gây khổ nạn cho tác giả, thậm chí có người đã cho là “giao rắc nọc độc” và quy kết tác giả của nó là “phản động” như Bùi Huy Phồn đã từng lên án. Nhưng giờ đây, trong tâm thế của thời đại mới với không khí mới, giáo sư Nguyễn Đình Chú đã đọc lại cuốn sách, giới thiệu nội dung của nó, thuật lại những ý kiến phê bình về cuốn sách, cuối cùng đã khẳng định: “té ra bài phê bình “Tương lai văn nghệ Việt Nam” của GS. Đặng Thai Mai đối với GS. Trương Tửu lại không chỉ là phê bình mà còn là một sự biểu dương nồng thắm một khi đã có những dòng chữ trong phần ba như sau:

“Tôi rất vui lòng nhận thấy trong tập sách ‘Tương lai văn nghệ Việt Nam’ những lời nói chan chứa nhiệt tình đối với văn học và nghệ thuật, những cảm tình tha thiết đối với một giai tầng dân chúng, và sự tin tưởng đối với tương lai văn hoá dân tộc. Ông Trương Tửu đã từng sống những giờ băn khoăn, những đêm “mắt cay, cay cả đến tâm hồn”. Ông đã bất mãn với thực tế với hiện tại văn nghệ, vì ông thấy rằng “cảm thông đã đứt đoạn giữa đại chúng và nghệ sĩ”… “nhưng ông Trương Tửu không hề thất vọng. Ông đã “mang nặng trong tâm hồn cái nguyện vọng tốt đẹp của một nhà văn hoá đối với tiền đồ văn hoá. Hơn nữa, ông cũng “muốn tích cực tham gia” vào công cuộc gây dựng nền văn hoá mới”…“Thiên kết luận của tập sách là một “tiếng gọi bạn” chan chứa nhiệt tình. Nếu như tôi đã phê bình khá ráo riết tập sách ông Trương Tửu về phần lý luận và cả phần thực hành nữa thì ở đây, tôi cũng rất vui lòng và thành thực nhận rằng: trong tâm hồn nhà lý luận Trương Tửu, một thi sĩ vẫn luôn luôn nhí nhỏm và lắm lúc thổ lộ được những câu trữ tình khá lâm ly… ngòi bút ông Trương Tửu vẫn còn nhiều hứa hẹn với tương lai…”[20].

Với bài viết này, âu cũng là một cách mà giáo sư Nguyễn Đình Chú thêm một lần nữa đã “chiêu tuyết” cho người Thầy khả kính của mình, mà sinh thời, có lúc đã gặp phải những chuyện không may trên cõi đời!

Còn với các vị khác như Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh v.v.. ông cũng có thái độ và nhìn nhận lại một cách khách quan theo quan điểm lịch sử cùng nhận thức mới với tư duy mới. Ở đó, đứng trên lập trường dân tộc và quan điểm nhân dân, ông đã chỉ ra rất cụ thể cái “công” và “tội” của các vị ấy, mà thường là cái công và những đóng góp thì nhiều hơn, qua cách lập luận, biện giải từng vấn đề một cách rõ ràng chặt chẽ với giọng văn nhỏ nhẹ, mà thuyết phục người đọc.

Thiết nghĩ, với tuổi tác, uy tín về nhân cách và khoa học của mình, nếu ông không nói lại những điều ấy, chắc cũng chẳng mấy ai biết. Bằng sự trung thực và lòng dũng cảm, không ít trường hợp, ông đã nhận lỗi về mình, tự phản tỉnh, tự phê bình mình một cách đàng hoàng, công khai. Ý kiến này, trước đây PGS.TS. Ngô Văn Giá đã có lần trao đổi với tôi và tôi cũng đã rất đồng tình với anh. Bởi nhận thức của con người có khi đúng và cũng có lúc sai, bởi nhận thức là một quá trình. Điều quan trọng là dám dũng cảm nhìn nhận cái sai đó và phải biết sửa sai một cách thành thực. Đó là một thái độ rất đáng kính trọng, mà không phải nhà nghiên cứu nào ở ta cũng có được cách ứng xử đẹp đẽ và rất văn hoá như thế. Nhìn lại các nhà khoa học thuộc thế hệ ông và sau ông một chút, có những người trước đây nói sai, viết sai, đến giờ không khi nào tự mình nhắc lại hoặc thừa nhận cái sai ấy; có người lại bất nhất, trước nói thế này, sau lại nói thế khác và nghĩ rằng những cái sai đó là thuộc về người khác, còn mình thì vô can, như chưa từng bao giờ nói điều sai quấy ấy. Nhưng với giáo sư Nguyễn Đình Chú thì không phải như thế. Chỉ cần đọc vài đoạn văn sau đây trong bài “Đến với Tản Đà” viết cách đây 22 năm (1989) nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày mất của Tản Đà thì biết nhân cách khoa học của ông ở phương diện này là thế nào (dù trước đây đã lâu, từ năm 1958, giáo sư đã viết một chương sách về Tản Đà trong bộ giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam, tập 4 B):

“...Dẫu chưa là gì nhưng thời gian tôi lẽo đẽo đi theo cụ Tản Đà cũng đã không ít nữa, 30 năm rồi... Đúng là tôi cũng đã cố gắng tìm hiểu nhiều điều về Tản Đà. Nhưng thú thật, từ lâu, đặc biệt là trong đà đổi mới tư duy nghiên cứu văn chương gần đây, tôi tự thấy, dù mình rất yêu Tản Đà nhưng với Tản Đà mình vẫn khó tiếp cận, khó nắm bắt quá. Tôi có tâm trạng vừa tin, vừa không tin vào những điều mình đã viết về Tản Đà. Tôi cứ ngờ ngợ không chừng mình là tri kỷ gượng của Tản Đà (...)

Quả là như vậy. Tản Đà thì quá phức tạp; còn tôi lại quá giản đơn. Tản Đà là “cái mù mờ của những đam mê khát vọng” (Xuân Diệu); còn tôi lại quen đong đếm đam mê khát vọng. Tản Đà vừa hữu thức vừa vô thức, vừa lý vừa phi lý; còn tôi lại chỉ quen nhận biết cái hữu thức, cái lý hơn cái vô thức, cái phi lý. Tản Đà là bảy sắc cấu vồng; còn tôi chỉ quen năm màu: xanh, đỏ, vàng, trắng, đen. Tản Đà là ánh trăng mát dịu; còn tôi lại thường quen ánh điện trong nhà... Nghĩ cho cùng ở tôi là một sự nghèo nàn trong năng lực nhận thức, chiếm lĩnh thế giới nhân bản, đặc biệt là thế giới tâm linh vốn vô cùng phức tạp, vô cùng huyền diệu trong lĩnh vực văn chương...).

5. Bên cạnh nghiên cứu về văn học Việt Nam, giáo sư còn có những thành tựu ở các lĩnh vực khác: viết giáo trình, sách giáo khoa; viết về văn hóa, giáo dục; viết về chân dung các nhân vật lịch sử, thầy và bạn; viết về quê hương xứ Nghệ; viết tộc phả v.v..

Giáo sư Nguyễn Đình Chú là cán bộ giảng dạy của trường Đại học Sư phạm Hà Nội vốn được coi là “cỗ máy cái” của nền giáo dục Việt Nam đào tạo cán bộ giảng dạy cho các trường từ Đại học Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm, Trung học Sư phạm và giáo viên Ngữ văn cho các trường Trung học phổ thông. Vì thế, giáo sư đã có vai trò và đóng góp không nhỏ trong việc biên soạn giáo trình, sách giáo khoa, sách giáo viên của các bậc học đó. Ông từng là đồng tác giả giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1858-1930 dùng trong các trường Đại học và Cao đẳng và Trung học Sư phạm; là chủ biên sách Văn 10, Văn 11 (gồm sách giáo khoa và sách giáo viên) thí điểm, cải cách, phân ban, chỉnh lý và hợp nhất của bậc trung học phổ thông, chủ biên phần Văn của sách Ngữ Văn 6, Ngữ văn 7 của bậc trung học cơ sở (gồm sách giáo khoa, sách giáo viên, sách bài tập); cũng là đồng tác giả trong các sách Để dạy tốt sách Văn 10, Để dạy tốt sách Văn 11 và nhiều bài viết khác như: Để nâng cao chất lượng giảng dạy văn học Việt Nam trung cận đại; Bàn thêm về phương pháp dạy văn; Để dạy tốt các tác phẩm trữ tình trung đại trong sách Giáo khoa Ngữ Văn 7; Để dạy tốt văn học Việt Nam hiện đại; Nâng cao phẩm chất tư duy: cái gốc của mọi vấn đề [21]...

Tuy giáo sư không phải là một chuyên gia về khoa học giáo dục, nhưng ông lại có nhiều suy nghĩ và viết nhiều bài về nền giáo dục của đất nước chủ yếu ở cấp độ vĩ mô. Đó là các bài: Với nền giáo dục hiện thời của đất nước điều cần nói nhất (viết chung với PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa); Hợp âm đa thanh và hai điều ước; Về chất lượng giáo dục phổ thông cơ sở; Nhìn nhận giáo dục: rất cần một năng lực tư duy trừu tượng khoa học; Nhân có bức thư của tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân; Cần khẩn trương dạy lại chữ Hán trong nhà trường phổ thông; Thấy gì từ trường Đông Kinh Nghĩa Thục… Đặc biệt, gần đây, trong khi nhiều bậc thức giả có tên tuổi nêu vấn đề cần có triết lý cho nền giáo dục của nước nhà thì giáo sư Nguyễn Đình Chú lại muốn đặt vấn đề ở tầm vĩ mô hơn, có khả năng bao trùm lên cả vấn đề triết lý là vấn đề Khoa học xã hội và nhân văn với (cho) nền giáo dục  hiện thời của đất nước. Từ cách đặt vấn đề như thế, giáo sư đã cho ra mắt bạn đọc bốn bài viết: Bài I: Đặt vấn đề; Bài II: Những vấn đề cụ thể (về khoa học xã hội và nhân văn trực tiếp liên quan đến giáo dục); Bài III: Trí thức và vấn đề tư duy; Bài IV: Tản mạn đôi điều trên đường đi tìm triết lý cho giáo dục của nước nhà [22].

Ngòi bút của giáo sư Nguyễn Đình Chú đã không dừng lại ở phạm vi nghiên cứu văn học và giáo dục vốn gắn bó với trách nhiệm chủ yếu của mình trước xã hội, mà còn vươn rộng ra ở một số lĩnh vực khác trong đó có những vấn đề thuộc về tư tưởng, văn hóa của lịch sử, của đất nước. Có thể kể một số bài viết như: Sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trên phương diện văn hóa và tinh thần truyền thống; Hôm nay với Nho giáo; Mối quan hệ cân đối giữa  sự giàu có và đạo lý: một bài toán khó của văn hóa Việt Nam ở thế kỷ 21; Giao lưu văn hóa trong thời hội nhập; Để hòa nhập mà không hòa tan; Văn hóa triều Nguyễn: vấn đề và cách nghĩ…[23]. Ông cũng đã có một số bài viết giàu sức hấp dẫn về một số nhân vật văn hóa tiêu biểu nhất của đất nước. Đó là các bài: Đệ nhất minh triết Trần Nhân Tông; Đệ nhất minh quân Lê Thánh Tông: nhà văn hóa lớn của đất nước Đại Việt; Nguyễn Công Trứ: sự lên ngôi của cái tôi - cá thể; Nguyễn Trường Tộ: nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở nửa sau thế kỷ 19; Phan Bội Châu nhà văn hóa lớn; Con đường Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở thành nhà văn hóa tương lai; Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với Nho giáo. Ông còn là ủy viên biên soạn các sách: Tự điển Bách khoa Việt Nam, Danh nhân Nghệ Tĩnh, Từ điển Nhân vật Nghệ Tĩnh. Có nhiều người viết sách đã nhờ giáo sư viết lời giới thiệu sách cho mình thuộc nhiều lĩnh vực: văn học (trung, cận hiện đại), Hán Nôm, Trung Quốc học…

Giáo sư Nguyễn Đình Chú là người đa cảm, sống tình nghĩa. Do đó mà trong ngòi bút của ông, phần viết về trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nơi ông gắn bó suốt đời - về quý thầy, về các bạn đã là một hiện tượng hiếm. Ông là chủ biên sách Đại học sư phạm Hà Nội một nửa thế kỷ dày gần 600 trang mà không lấy một xu nhuận bút. Phần Lịch sử Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 50 năm cũng là do giáo sư chấp bút. Riêng viết về quý vị Ân sư thì giáo sư đã có các bài: Viết về học giả Đặng Thai Mai: Nguồn hấp dẫn lớn ở Đặng Thai Mai; Đặng Thai Mai với khoa xã hội sử Trung quốc; Thế bút Đặng Thai Mai với nền văn học Việt Nam thời trung đại; Đặng Thai Mai với dòng văn thơ yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX (viết chung với Trịnh Thu Tiết)...; Viết về triết gia Trần Đức Thảo: Triết gia Trần Đức Thảo, Triết gia Trần Đức Thảo những năm tháng ấy; Viết về học giả Cao Xuân Huy: Sự im lặng của núi; Cao Xuân Huy và Cao Xuân Hạo: cha như thế và con như thế; Viết về giáo sư Nguyễn Lương Ngọc: Người lập đức trước khi lập công; Về trí thức: thức và tự thức; Viết về giáo sư Trương Tửu: Điếu văn  (đọc tại nhà hoàn vũ); Xin được nói lại đôi điều về cuốn “Tương lai văn nghệ Việt Nam” của nhà văn Trương Tửu; Viết về nhà thơ - viện sĩ Phạm Huy Thông: Thương tiếc thầy Phạm Huy Thông; Viết về giáo sư Nguyễn Mạnh Tường: Thầy tôi: GS Nguyễn Mạnh Tường; Viết về giáo sư Nguyễn Lân: Điếu văn (viết cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đọc tại lễ tang); Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân: một nhân cách lớn [24], v.v.. Giáo sư không chỉ viết về các thầy dạy đại học mà còn viết về các vị thầy dạy hồi còn học trung học: Nguyễn Huy Tý, Nguyễn Đức Bính, Nguyễn Văn Bàng. Ngoài ra, ông còn có các bài viết về các bậc đàn anh trong nghề như Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn, Nguyễn Trác, Bùi Văn Nguyên, Hoàng Thiếu Sơn, Trương Chính, Đinh Xuân Vịnh, Vũ Như Canh, Nguyễn Đức Nam, Hoàng Triều…; viết về các bạn như Vũ Ngọc Khánh, Ninh Viết Giao, Chương Thâu, Phan Trọng Luận, Hoàng Thiệu Khang, Lê Văn Trinh, Tôn Gia Các, Đoàn Xuân Mượu, Phan Hữu Dật, Cao Xuân Hạo… Tất cả đều đã được giáo sư viết với hình thức thể loại chân dung, hoặc giới thiệu sách, có mấy trường hợp là điếu văn, thắm đậm nghĩa tình [25]. Thiết tưởng cũng không thể không nói đến những gì mà giáo sư đã viết về quê hương xứ Nghệ, quê hương huyện Nghi Lộc của mình. Với xứ Nghệ, trong số các bài viết, có bài được dư luận rất chú ý và nể phục là bài Từ di tích đền Cờn nghĩ về đời sống tâm linh trên đất Nghệ quê ta với nội dung vừa rất tự hào về xứ Nghệ của mình, vừa thẳng thắn bày tỏ nỗi xót xa về tình trạng không đâu như ở đây đã phá đền phá chùa, làm hao hụt đời sống tâm linh một cách nặng nề mà nay xem ra vẫn chưa thật tỉnh ngộ. Với huyện Nghi Lộc quê hương, tiểu luận về Văn chương Nghi Lộc cũng tỏ ra rất dày công và tình nghĩa. Riêng với Hà Nội là nơi giáo sư và sau đó cả gia đình đã sinh sống từ cuối năm 1954 đến nay, nơi ông coi là sinh địa và thánh địa của mình, thì cuốn sách Ngàn năm bái tạ đất Thăng Long (Người Nguyễn Đức viết về Hà Nội) do giáo sư khởi xướng và làm chủ biên, viết tiểu luận giới thiệu, xuất bản trong dịp kỷ niệm một nghìn nămThăng Long, đã cho thấy rõ ông yêu ông quý Hà Nội biết chừng nào!

Với giáo sư Nguyễn Đình Chú, có một phần mà tự ông cho là thiêng liêng và có ý nghĩa nhất với cuộc đời mình chính là phần viết về vị Thủy Tổ và họ tộc. Giáo sư vẫn cho rằng mình có hạnh phúc lớn nhất là có được vị Thủy Tổ Nguyễn Xí, một bậc anh hùng dân tộc, “Người hai lần khai quốc” [26] để tộc họ được tự hào, noi gương. Từ đó ông cố gắng đền ơn tiên tổ bằng nhiều hoạt động trong đó có việc viết sách, viết bài để lưu truyền trong họ tộc và với người đời. Ông là chủ biên sách Cương Quốc Công Nguyễn Xí: Tộc phả - Di huấn - Phụ lục dày non 100 trang in năm 1993, được con cháu trong họ tộc và nhiều người tìm đọc, nay đang được ông chủ biên để tái bản và nâng cấp lên khoảng bảy tám trăm trang. Ngoài ra, còn nhiều bài viết khác trong đó có các bài: Người có công đầu trong việc dựng lên vương triều Lê Thánh Tông; Nguyễn Xí trong sự tôn vinh của dân tộc, của lịch sử; Tiểu sử tóm tắt Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí (văn bản để các chi phái trong đại tộc đọc trong ngày giỗ Tổ của các chi phái)Tại bàn thờ gia tiên của gia đình, giáo sư có viết câu đối chữ Hán: “Thượng Xá cố hương, tiên tổ tài bồi phúc lộc thụ; Thăng Long thánh địa, tử tôn chức kết nghĩa tinh hoa.” (Thượng Xá quê nhà, tiên tổ vun trồng cây phúc lộc; Thăng Long đất thánh, cháu con thêu dệt đóa ân tình). Không chỉ với họ tộc của mình mà với họ tộc bên phía vợ, giáo sư cũng dành một phần bút lực không nhỏ với việc đề xuất biên soạn và chủ biên cuốn sách Tuyển tập Văn thơ họ Nguyễn Đức trên 550 trang; viết bài về sự nghiệp cách mạng rất mực bi tráng của cụ Nguyễn Đức Công (tức Hoàng Trọng Mậu): ông nội của vợ; viết bài về vị nhạc phụ: Nguyễn Đức Vân vốn là một dịch giả Hán văn nổi tiếng [27] và là nhân vật chủ công trong việc cùng với cụ Đào Phương Bình “hoàn thành bước đầu” bộ sách đồ sộ Văn thơ Lý - Trần ba tập (mặc dù công trình sưu tầm và dịch thuật này đã bị người sau sang tên hầu hết); viết bài giới thiệu trường ca Hà Nội của cụ Nguyễn Đức Bính là chú vợ; viết bài về giáo sư - nhà nghiên cứu văn học Nguyễn  Đức Đàn là anh vợ… Gần đây nhất là đã khởi xướng và chủ biên cuốn sách Ngàn năm bái tạ đất Thăng Long (Người Nguyễn Đức viết về Hà Nội) mà trên đây đã có nói tới… Rõ ràng, giáo sư là người thấm nhuần sâu sắc và sống theo nguyên lý “vật bản hồ thiên, nhân sinh do tổ” thuộc quan niệm nhân sinh của tiền nhân. Điều đáng nói là với giáo sư, từ việc nghiên cứu và viết để tri ân Tổ tiên, để xây dựng họ tộc đã được đẩy lên thành việc nghiên cứu và viết về vấn đề họ tộc chung trong đời sống của đất nước mà ở đây đã có những bài viết được nhà Nghệ Tĩnh học Ninh Viết Giao rất mực đề cao, coi như đặt cơ sở lý thuyết cho ngành gia tộc học, qua các bài viết: Vấn đề dòng họ từ những nét chung đến một trường hợp cụ thể: họ Cương Quốc Công Nguyễn Xí tại Nghi Lộc Nghệ An; Vai trò của gia tộc trong sự phát triển văn hóa dân tộc; Vấn đề gia phong nhìn từ đất Nghệ quê ta [28]

 Văn bút của giáo sư Nguyễn Đình Chú là thuộc thể loại chính luận học thuật. Ông vẫn nói với bạn bè và môn đệ là mình không có khả năng về thơ ca. Tuy thế, với mấy bài thơ của giáo sư: Mai ơi (khóc người con xấu số chết yểu và bị mất mồ); Khóc anh (khóc cụ Nguyễn Huy Tý vừa là thầy học, vừa là thông gia); Nằm lại nơi đây nghe em (viết nhân dịp tìm được mộ người em là liệt sĩ chống Pháp, sau gần nửa thế kỷ); Gửi anh Thoại đôi vần, Thơ tự vịnh I, II… đã có người nói giáo sư có thể làm thơ được đấy. Nhưng giáo sư thì vẫn nói lại: với thơ ca đừng có dại mà đùa! Ông còn có hàng chục bài thơ tứ tuyệt, câu đối bằng chữ Hán viết tặng các nghiên cứu sinh của mình và của bạn trong ngày bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Chẳng hạn, câu đối tặng Tiến sĩ Hoàng Đức Khoa khi bảo vệ luận án với đề tài “Truyện và Tự truyện của Phan Bội Châu”: Phan tiên sinh vị quốc vong thân, lưu tặng giang sơn tâm huyết bút; Hoàng hậu tử lao tâm khổ học, tả thành luận án lý tình văn. Bài thơ tứ tuyệt tặng Tiến sĩ Trần Văn Đức khi bảo vệ luận án với đề tài “Thể loại ngâm khúc: diện mạo và đặc điểm”: Tích nhân trường đoạn thành ngâm khúc / Hậu tử trí cường hóa luận văn / Thí vấn hoàng thiên hà hữu sự / Bi hoan tương dữ diệc tương phân, v.v.. Lại còn có một số câu đối chữ Hán viết để treo ở nhà chùa hoặc nhà thờ do có yêu cầu. Giáo sư vốn con trai một của cụ Tú túc Nho đỗ khoa Giáp Ngọ (1894) trường thi Nghệ An, lại được học chữ Hán nhiều năm thời niên thiếu nên ông viết chữ Hán (thể chân) khá đẹp. Một số người từng đến xin chữ của giáo sư. Và ông từng là một trong số sáng lập viên Câu lạc bộ thư pháp của Unesco tại Hà Nội.

6. Nói đến văn nghiệp, đến thế bútvăn bút của giáo sư Nguyễn Đình Chú, không thể không nói đôi lời về văn phong của ông mà nhiều người đã nhận xét là càng về già càng có sự kết hợp khá hài hòa giữa chất trí tuệ sắc sảo và chất tình cảm đậm đà nổi trội. Gần đây, không ít người (trong đó có người ở hải ngoại) đã dùng hai chữ “thâm hậu” để nói về văn phong Nguyễn Đình Chú. Nói thế, nhưng cũng thấy trong thời gian đầu, ngòi bút của ông chưa được như thế. Bởi văn bút của ông lúc ban đầu sắc sảo thì đã có nhưng ít nhiều vẫn thô cứng. Chính ông đã từng tự nhận như vậy. Nhiều lần giáo sư nói với bạn bè và các thế hệ môn đệ rằng: “giờ đọc lại một số bài viết ngày trước mình cảm thấy ngượng, mặc dù ngày đó đã được khen là viết khá tốt”. Ông có chỗ mạnh trong khi viết chân dung về thầy, về bạn bè đồng nghiệp: ngắn gọn mà thắm tình, dễ gây ấn tượng cho người đọc. Còn về văn nghiên cứu thì nhờ ông nhìn nhận đối tượng được nghiên cứu bằng tư duy triết học và tư duy trừu tượng khoa học nên vấn đề nêu ra luôn luôn có cái mới, nhìn hệ thống, toàn cục, ở cấp độ vĩ mô, mà ở trên có dịp nói đến. Về văn bút chiến tranh luận khoa học thì có mấy trường hợp ông tham gia trong buổi đầu lúc mới vào nghề xem ra cũng có phần “hung hăng” (từ của chính ông tự nói) nhưng sau này thì vừa sâu sắc lại vừa dịu dàng, rất xa lạ với hiện tượng hiếu thắng, đao to búa lớn hay mạt sát (như thường thấy ở một vài người khác), mà ông cốt ở sự thuyết phục lẫn nhau hơn là sự thắng thua. Có người đã nói văn bút chiến, tranh luận, đối thoại của ông Chú thuộc loại “lạt mềm nhưng cột chặt”[29], là một kiểu cách văn hóa tranh luận đáng được tham khảo với những ai thích bút chiến, thích tranh luận.

* *  

Bạn đọc kính mến!

Đến đây, tôi không thể không thưa thật với quý vị, tôi - người viết những lời giới thiệu Tuyển tập trên đây - chính là học trò nhỏ của giáo sư Nguyễn Đình Chú. Được viết về người thầy rất mực kính yêu của mình, dĩ nhiên với tôi là điều rất vinh hạnh, nhưng không giấu gì quý vị, ít nhiều vẫn có đôi chút băn khoăn: Băn khoăn về sự bất cập; Băn khoăn về sự chủ quan. Chỉ mong được quý vị cao minh cao kiến chỉ bảo thêm cho. Bên cạnh viết bài giới thiệu, tôi còn làm công việc tổ chức biên soạn Tuyển tập của giáo sư Nguyễn Đình Chú với ý định sẽ gồm ba tập. Tập I: Tuyển tập Văn học. Tập II: Tuyển tập Văn hóa - Giáo dục - Văn học, trong đó có văn học trong nhà trường. Tập III: Tuyển tập Chân dung nhân vật lịch sử, Thầy và Bạn cùng Phụ lục.

Những bài viết, những công trình của giáo sư Nguyễn Đình Chú được tuyển chọn đưa vào Tuyển tập (Văn học) này được chúng tôi sắp xếp theo từng cụm vấn đề, từng nội dung và theo tiến trình phát triển của lịch sử văn học. Phần một là những bài viết có khái quát chung về văn học sử. Phần hai là những bài viết về một số tác gia, tác phẩm văn học trung đại (thế kỷ X – hết thế kỷ XIX). Phần ba là những bài viết về một số tác gia, tác phẩm văn học cận hiện đại (thế kỷ XX).

Có được Tuyển tập này là nhờ ở sự nhiệt tình tạo điều kiện tối đa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cụ thể là các ông Tổng Giám đốc, Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập và các vị ở Ban Ngữ văn trong đó có Tiến sĩ Nguyễn Đức Khuông, Tiến sĩ Nguyễn Trí Sơn và một hai biên tập viên khác. Đồng thời còn có sự cộng tác của các bạn: Tiến sĩ Trần Thị Hoa Lê (ĐHSP HN), Tiến sĩ Trần Văn Toàn (ĐHSP HN), Thạc sĩ Nguyễn Đức Can (ĐHQG HN) đã ít nhiều giúp tôi trong việc sưu tầm tập hợp văn bản. Xin chân thành cảm ơn tất cả. Riêng với tôi, xin được coi bộ Tuyển tập này là món quà dâng tặng vị Ân sư nhân dịp 83 xuân, với “Ước mong thầy vượt trăm năm, Và lòng sáng mãi trăng rằm tháng Giêng” để vui cùng Đất nước, gia đình và các thế hệ học trò.

Xin trân trọng giới thiệu Nguyễn Đình Chú tuyển tập đến với quý vị độc giả xa gần.

TP. Hồ Chí Minh, Quý hạ Tân Mão (7-2011)

NGUYỄN CÔNG LÝ

 



[1] PGS.TS, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH và NV – ĐHQG TP. HCM.

 

[2] Nâng cao phẩm chất tư duy: cái gốc của mọi vấn đề, Hội thảo khoa học: Đổi mới phương pháp giảng dạy Văn học – Tiếng Việt trong trường Đại học, Trường ĐHSP TP. HCM tổ chức, 2003.

[3] xin xem các bài viết trên trong Tuyển tập này, đặc biệt là bài “Cấu trúc tổng thể của lịch sử văn học Việt Nam”.

[4] Nâng cao phẩm chất tư duy:  cái gốc của mọi vấn đề, Hội thảo khoa học: Đổi mới phương pháp giảng dạy Văn học – Tiếng Việt trong trường Đại học, Trường ĐHSP TP. HCM tổ chức, 2003.

 

[5] bài: Cần nhìn nhận đúng văn học thời kỳ 1930-1945, báo Người giáo viên nhân dân, tháng 7-1989.

[6] bài: Cần nhìn nhận đúng văn học thời kỳ 1930-1945, báo Người giáo viên nhân dân, tháng 7-1989.

[7] bài: Nhận thức con người qua văn học Việt Nam, trong sách Dạy sách giáo khoa thí điểm trung học chuyên ban lớp 10 môn Văn, phần Văn học Việt Nam, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, Vụ Giáo viên, Bộ GD&ĐT, HN, 1994.

[8] Bài: Nâng cao phẩm chất tư duy: cái gốc của mọi vấn đề, Hội thảo “Đổi mới phương pháp giảng dạy Văn – Tiếng Việt trong trường Đại học” do trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức 2003.

[9] Nguyễn Đình Chú, Dạy sách giáo khoa thí điểm trung học chuyên ban lớp 10 môn Văn, phần Văn học Việt Nam, bài Nhận thức về con người qua văn học Việt Nam, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, Vụ Giáo viên, Bộ GD&ĐT, HN, 1994.

[10] Xem chú thích số 6.

[11] Phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam – Tổng kết và đề xuất, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 7-2008.

[12] xem bài viết đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số 3-1995; sẽ in trong Tuyển tập, tập 2.

[13] Xin xem bài Nghĩ thêm về truyện người con gái Nam Xương, Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ ; có in trong Tuyển tập này.

[14] xin xem: Nguyễn Công Trứ: sự lên ngôi của cái tôi cá thể, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 3-2009 ; có in trong Tuyển tập này.

[15] Lời của GS. Trương Chính, dẫn lại: Trần Mạnh Tiến, Thầy Nguyễn Đình Chú trong sách Nguyễn Đình Chú: Tim đèn thắp sáng mãi, Nxb ĐHQG HN, 2010, tr. 87.

 

[16] xin xem: Về Phan Bội Châu tiên sinh: mấy vấn đề xin được bàn lại, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 4-2008.

[17] xem Thượng Chi bàn về tiểu thuyết trên tạp chí Nam Phong, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 4-2004.

[18] Nguyễn Khải, Đọc lại Tiểu thuyết thứ bảy, Báo Văn nghệ số ngày 8-5-1999.

[19] những bài này sẽ in ở Tuyển tập, tập 2 (Chân dung nhân vật lịch sử, Thầy và bạn).

[20] Xin xem: bài Xin được nói lại đôi điều về cuốn sách “Tương lai văn nghệ Việt Nam”  của nhà văn Trương Tửu.

[21] Những bài viết này sẽ in ở Tuyển tập, tập 2 (Văn hóa – Giáo dục – Văn học trong nhà trường).

[22] Những bài viết này sẽ in ở Tuyển tập, tập 2 (Văn hóa – Giáo dục – Văn học trong nhà trường).

[23] Những bài viết này sẽ in ở Tuyển tập, tập 2 (Văn hóa – Giáo dục – Văn học trong nhà trường).

[24] Những bài viết này sẽ in ở Tuyển tập, tập 3 (Chân dung nhân vật lịch sử, Thầy và bạn).

[25] Những bài viết này sẽ in ở Tuyển tập, tập 3 (Chân dung nhân vật lịch sử, Thầy và bạn).

[26] Nhan đề bộ phim về Nguyễn Xí của Đài Truyền hình Việt Nam  trong chương trình Danh nhân đất Việt.

[27] Cụ Nguyễn Đức Vân đã được Đài Truyền hình Việt Nam làm phim với nhan đề Dịch giả Nguyễn Đức Vân.

[28] Những bài viết này sẽ in ở Tuyển tập, tập 2 (Văn hóa – Giáo dục – Văn học trong nhà trường).

[29] Chữ dùng của giáo sư Sử học Chương Thâu khi viết và nói về giáo sư Nguyễn Đình Chú.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website