Luận bình văn chương

(Tiểu luận – Phê bình của Nguyễn Hữu Sơn, Nxb. Văn học, 2012; 315 trang)

 

 Luận bình văn chương là hợp tuyển 26 bài viết đã công bố trong một số sách, tạp chí và báo trong khoảng mười năm gần đây của tác giả Nguyễn Hữu Sơn. Tập tiểu luận không được tác giả chia thành từng phần riêng rẽ nhưng được trình bày, sắp xếp theo ba chủ điểm chính: Hình dung về đời sống phê bình và một vài vấn đề văn học sử thế kỷ XX - Đọc và điểm sách - Trao đổi với Trần Mạnh Hảo.

Chủ điểm hình dung về đời sống phê bình và một vài vấn đề văn học sử thế kỷ XX bao gồm các bài viết: Thời Thơ mới bàn về Thơ mới; Kể chuyện Thế Lữ dẹp loạn thơ; Ký Việt Nam từ đầu thế kỷ đến 1945; Thể tài du ký trên tạp chí Nam phong (1917-1934); Thể tài du ký và tác gia Nam Bộ viết du ký từ nửa cuối thế kỷ XIX đến 1945; Thực trạng phê bình thơ; Đề cương về văn hoá Việt Nam và vấn đề nhận thức lịch sử văn học dân tộc; Tính phản biện và tranh luận trong nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học; Văn học hiện đại Việt Nam trong tầm nhìn các nhà Việt học.

Chủ điểm đọc và điểm sách gồm các bài viết: Chẳng dùng quyền thế, chỉ dùng ân...; Mai Quỳnh Nam - từ Những sự việc rời rạc đến Phép thử thuật tư biện; Ba người khác của nhà văn lớn Tô Hoài và ba dòng suy ngẫm của một người đọc; Nguyễn Phúc Thành - từ Cõi nhân gian đến Táo vàng tục lụy; Đọc những cách đọc và thử đọc Nguyễn Huy Thiệp; Cho đương thời và hậu thế (Nhân đọc Nhìn lại một chặng đường văn học...); Nguyễn Đăng Mạnh và những chân dung văn học; Vân Long với Những gương mặt, những trang đời; Nguyễn Hoàng Sơn: Từ Tranh luận văn học đến Văn đàn - thời sự và bình luận; Đông La và Biên độ của trí tưởng tượng.

Chủ điểm trao đổi với Trần Mạnh Hảo bao gồm các bài: Bàn về cách đánh giá một công trình lý luận văn học và việc viết sách giáo khoa; Để hiểu bài giảng Truyện Kiều trong sách giáo khoa; Lời kết "Để hiểu bài giảng Truyện Kiều trong sách giáo khoa";  Đọc Phê bình phản phê bình; Nói thêm về Phê bình phản phê bình; Lời kết về một "hiện tượng" phê bình.

 Những bài viết về các vấn đề văn học sử đã đề cập đến mảng du ký (vốn chưa được chú ý nhiều và đúng mức) đầu thế kỷ XX trên tạp chí Nam phong về các vùng văn hoá, danh lam, thắng cảnh của đất nước, đặc biệt là mảng du ký của các tác gia ở Nam Bộ. Những bài viết về Thơ mới (tác giả có nhiều bài viết, nhưng đây chỉ tuyển 2 bài) rất có ý nghĩa học thuật và thời sự trong lúc chúng ta đang kỷ niệm 80 năm phong trào Thơ mới và Tự lực văn đoàn. Việc hướng sự quan tâm sưu tập tư liệu, phục dựng những bước sơ khởi của Thơ mới cho đến lúc toàn thắng là hết sức quan trọng. Lâu nay, việc bình giảng, xem xét đánh giá những thành tựu, tác giả Thơ mới thường dựa trên Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân. Tuy nhiên, thơ mới thực sự không chỉ có thế, điều này chính Hoài Thanh – Hoài Chân cũng đã lưu ý trong lới Nhỏ to… ở cuối sách Thi nhân Việt Nam. Nguyễn Hữu Sơn cho rằng: “Thơ mới vẫn còn ẩn chứa biết bao sự kiện, bao nhiêu khía cạch, bao nhiêu mảng màu và chi tiết thú vị. Một phong trào Thơ mới hẳn sẽ hiện lên một cách hoàn chỉnh, sắc nét, sinh động hơn nữa nếu chúng ta sưu tập được đầy đủ ý kiến của những người trong cuộc, người đồng thời, đương thời - thời Thơ mới bàn về Thơ mới”. Qua thời gian và những biến động lịch sử công việc sưu tập này ngày càng trở nên khó khăn hơn. Điều quan trọng phải làm đối với người nghiên cứu văn học sử là phải tìm về ngọn nguồn Thơ mới, tìm trở lại những tài liệu nguyên gốc, những tiếng nói ban sơ thực sự của “thời thơ mới bàn về thơ mới”. Lúc đó tự bản thân tư liệu sẽ lên tiếng trước khi có những kết luận về học thuật gần với bản chất Thơ mới.

Bàn về thực trạng phê bình thơ, cũng là vấn đề gây bàn luận sôi nổi trong đời sống văn học thời gian qua, tác giả đặt ra nhiều vấn đề: “Thực trạng tình hình phê bình thơ đang diễn ra như thế nào? Liệu có phải chúng ta đang khủng hoảng về lý luận, loạn chuẩn và rối loạn tiêu chí đánh giá? Và bản thân đời sống phê bình thơ đang trong tình trạng “ngái ngủ”, “vũng ao tù” hay thực sự đã diễn ra sôi nổi, khơi gợi tranh luận và tạo được dư luận rộng rãi, cả ở phía giới sáng tác và người đọc?”. Theo tác giả: “Hiện trạng phê bình thơ trước hết phản ánh đặc điểm chất lượng nền thơ, không phải một sớm một chiều đã có ngay “một thời đại thi ca”. Bản thân diện mạo đời sống phê bình thơ trước hết do “giới phê bình” tạo lập nhưng đội ngũ đó cần được hiểu theo nghĩa rộng, không thể phân chia chiến tuyến. Mặt khác, cho dù không ai độc quyền sân chơi chuyên nghiệp song vẫn có những nhà phê bình thơ uy tín, có chuyên môn, chuyên tâm và đạt tới tính chuyên nghiệp cao bên cạnh những cây bút bình thơ “tay trái”, nghiệp dư hạng ba hạng tư. Thêm nữa, trong số những người phê bình thơ cũng xuất hiện nhiều khả năng, thiên hướng: có người thiên về lý thuyết và cung cấp lý thuyết cơ bản; có người thiên về khái quát, tổng kết; có người thiên về thời sự, trực chiến, đọc điểm; có người thiên về cụ thể, trực giác, cảm nhận, bình giảng; có người thiên về hò hét; nhiều người chẳng nói năng gì... Thế mới là phê bình thơ…”.

 Bàn về tính phản biện và tranh luận trong nghiên cứu, phê bình văn học, tác giả cho rằng tiếng nói phản biện sẽ ngày càng có vai trò quan trọng, trở thành phẩm chất và được bình thường hoá trong thực tế đời sống nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học. Tinh thần “phản biện” ở đây không đồng nhất nhưng thống nhất với tiếng nói trung thực và khoa học, với tiếng nói phê phán những cực đoan và trái chiều, với tiếng nói xây dựng và xác lập cái mới, trong đó bao gồm cả ý chí lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng dòng chủ lưu của toàn bộ đời sống văn nghệ và tinh thần xã hội. Khi tiếng nói khách quan, trung thực không được cất lên thì đó thực sự là tai họa cho cả một dân tộc và thời đại. Tác giả cho rằng: “Điều quan trọng trước hết là cần hiểu tinh thần phản biện với ý nghĩa một sự trung thực, một bản lĩnh học thuật vững vàng, một thái độ tích cực đầy trách nhiệm trước hiện tình đời sống văn học và dư luận xã hội. Đây cũng là một phương diện cốt yếu trong công tác hoạt động văn hoá - văn nghệ giữa những người cùng đứng trong đội ngũ, cùng chung sức xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tuyệt nhiên không phải là thứ phê bình chiếu lệ, a dua, hình thức chủ nghĩa hay phê bình nói ngược, nói lấy được, bè phái, vụ lợi”. Tinh thần thần đó cũng đã được tác giả thể hiện nhất quán trong những bài điểm sách hay những bài trao đổi với nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

Với tinh thần thượng tôn tư liệu và sự thật, không chỉ đối với những vấn đề thuộc lịch sử văn học, những tiếng nói của tác giả đối với các hiện tượng văn học đương đại cũng tạo nên những điểm nhấn trong đời sống văn hoá và học thuật. Các bài viết dạng điểm sách không thuần tuý là giới thiệu các tác phẩm văn chương, công trình nghiên cứu, lý luận văn học của nhiều tác giả, mà Nguyễn Hữu Sơn đã “đọc” được tâm thế, tầm văn hoá, sở trường của của họ. Những bài đọc sách phê bình và những bài phê bình sự phê bình (cụm bài về cách đánh giá một công trình lý luận và truyện Kiều trong sách giáo khoa) thực sự góp tiếng nói thúc đẩy đời sống học thuật sôi động, phát triển theo hướng lành mạnh. Đó là một vài lý do khiến Luận bình văn chương trở thành một trong những cuốn sách rất đáng đọc hôm nay.

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website