Nhân vật nữ trung tâm và những chấn thương tinh thần trong truyện ngắn Lỗ Tấn

 

Nếu coi “mỗi truyện ngắn là một chương của cả đời văn tác giả” (Chế Lan Viên) thì 25 truyện ngắn trong hai tập Gào thét Bàng hoàng của Lỗ Tấn thực sự là một cuốn tiểu thuyết xôn xao nhiều giọng nói của cả một thời kỳ biến động của nước Trung Hoa nửa đầu thế kỷ XX.

Trung Quốc thời cận đại, vấn đề “quốc dân tính” được đề xuất trước ảnh hưởng của tư tưởng khải mông phương Tây và phong trào Minh Trị duy tân của Nhật Bản song song với nguy cơ dân tộc ngày một trầm trọng. Lương Khải Siêu là người bàn bạc sớm nhất về quốc dân tính, ông nhấn mạnh trong Tiểu thuyết cứu quốc: “cái tôi trọng yếu hôm nay là chế tạo Trung Quốc hồn”. Ông cho rằng tân dân chính là phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, hấp thụ ưu điểm của văn hóa ngoại lai. Những tư tưởng của Lương Khải Siêu đã có tác dụng gợi ý và ảnh hưởng đến Lỗ Tấn- nhưng độ sâu của sự mổ xẻ “liệt căn tính quốc dân”( liệt: xấu, căn: cơ bản, tính xấu cơ bản của quốc dân) cũng như tinh thần thực tiễn đem việc cải tạo quốc dân tính kết hợp với cách mạng dân chủ thì Lương Khải Siêu lại không bì kịp. Xuất phát từ quan điểm nghệ thuật mang đậm chất nhân văn “văn học cải tạo quốc dân tính”đó, Lỗ Tấn đã “vung cây roi quật vào sống lưng quốc dân lâu ngày nằm ỳ không nhúc nhích , chính là để kích thích thân thể gần như bại liệt, đôn đốc nó tiến lên”(1). Mục đích sáng tác của ông là: “ chọn những người bất hạnh trong xã hội, với mục đích là lôi hết bệnh tật của họ ra, làm cho mọi người chú ý tìm cách chạy chữa” (2). Hầu hết nhân vật của ông là những nhân vật bệnh tật, hay nói cách khác, đó là những nhân vật mang những chấn thương tinh thần khó hàn gắn.

            Nói đến các nhân vật phụ nữ, ngay từ những nghiên cứu đầu tiên về Lỗ Tấn, Đặng Thai Mai đã nhận xét “vấn đề phụ nữ” như “những vấn đề hết sức thiết tha với tiền đồ xã hội Trung Quốc”(3) hay nhắc đến “ khuôn mặt tủi hổ của một thím Tường Lâm bị vùi dập dưới tiếng cười khắc bạc của cõi người” (4).

            Bài viết này muốn góp thêm một cái nhìn về nhân vật nữ trung tâm và những chấn thương tinh thần trong truyện ngắn của Lỗ Tấn.

 

I.VẤN ĐỀ PHỤ NỮ.

 

Mức độ phát triển của một xã hội được đánh giá qua mức độ giải phóng phụ nữ. Vấn đề phụ nữ đặc biệt bức thiết đối với phương Đông, vì ở đó người phụ nữ gánh chịu nhiều thiệt thòi, bất công. Trung Quốc là cái nôi của đạo Khổng- Khổng giáo là triết học và tôn giáo mang tính chất đặc trưng như một “căn cước phương Đông”- đặc biệt khe khắt với người phụ nữ. Không thể kể ra hết những quan niệm, ràng buộc, tục lệ oái ăm trói buộc cuộc đời người phụ nữ. Vì thế mà đến thời Ngũ Tứ, cách mạng dân chủ mới đã nêu yêu cầu cao hơn về vấn đề giải phóng phụ nữ như một đòi hỏi cấp bách của xã hội Trung Quốc bấy giờ trong bối cảnh chung của nhân loại. Lương Khải Siêu trước đó từng dâng sớ “ vạn ngôn thư “ đòi cải cách, trong đó yêu cầu lập trường học cho phụ nữ, khuyến khích phụ nữ bỏ bó chân …

            Lỗ Tấn có khi khiêm tốn nhận rằng “ chưa từng nghiên cứu về vấn đề phụ nữ “ ( Về chuyện giải phóng phụ nữ – Nam xoang Bắc điệu ) nhưng thật ra ông đã đưa ra rất nhiều ý kiến mang đậm tính duy tân về vấn đề người phụ nữ trong xã hội Trung Quốc hiện đại .

            Có thể thấy thuyết tiến hóa mà hệ quả là mong muốn xây dựng những con người mới, phát triển, tiến lên phía trước của Lỗ Tấn đã cùng một dòng hệ thống khi ông phân tích những vấn đề phụ nữ. Ông đánh giá việc hạ thấp vai trò của người phụ nữ trong xã hội Trung Quốc :” người đàn bà làm mẹ ở Trung Quốc vẫn bị hết thảy những người đàn ông, ngoài con mình đẻ ra, khinh rẻ “ (Về chuyện giải phóng phụ nữ – Nam xoang Bắc điệu ), hay đả kích tục bó chân, ông mỉa mai “ dân tộc Trung Hoa chúng ta tuy thường tự cho là dân tộc thích “ trung dung “ và thực hành “trung dung”, kỳ thực chúng ta không khỏi là những người quá khích (…) nhất là chân phụ nữ, đó là một chứng cứ rất vững, không nhỏ thì thôi, nhỏ thì chỉ cần có` ba tấc, không đi được, cứ uốn uốn, éo éo “ ( Từ bàn chân phụ nữ - Nam xoang Bắc điệu ).

            Lỗ Tấn còn chỉ ra những nhược điểm trong tính cách của người phụ nữ nảy sinh do hoàn cảnh xã hội như tính nhịn nhục, cam chịu, nhẫn nại bằng một ví dụ trong Thập tứ hiếu, đó là Hiếu nữ Tào Nga truyện:”Cổ kim có rất nhiều người con có hiếu, gặp cướp, gặp lửu, gặp hổ, gặp bão, nhưng cái cách ứng phó thì chín phần mười là “khóc” và “lạy”, Trung quốc đến khi nào mới hết khóc và lạy nhỉ ? “ ( Ghi sau – Nhặt cánh hoa tàn)

            Lỗ Tấn không ngần ngại hào hứng xây dựng hình ảnh người phụ nữ mới của Trung Quốc tương lai độc lập, tự tin, không lệ thuộc vào người khác, có quyền làm chủ vận mệnh của mình; “ … không ngừng đấu tranh để giải phóng tư tưởng, giải phóng kinh tế, giải phóng xã hội cũng là tự giải phóng cho mình . Nhưng tất nhiên cũng cần phải đấu tranh để tháo những xiềng xích trói buộc người phụ nữ …” (Về chuyện giải phóng phụ nữ – Nam xoang Bắc điệu ). Ông còn tỉnh táo chỉ ra sự thay đổi cải lương, người phụ nữ ra ngoài xã hội mà không có quyền làm chủ về kinh tế thì cũng vô dụng, vì họ biết làm gì để sống “ Cho nên bất kỳ người phụ nữ nào, nếu không có quyền kinh tế ngang người đàn ông thì tôi cho rằng tất cả mọi tên gọi đẹp đẽ đều suông cả “ (Về phụ nữ – Nam xoang Bắc điệu ).

            Lỗ Tấn dành sự khâm phục đối với những người phụ nữ tiến bộ, đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, cho sự phát triển của xã hội. Đó là những người phụ nữ tham gia các phong trào tiến bộ và hy sinh mà Lỗ Tấn đã có dịp trực tiếp giảng dạy ở trường Đại học Nữ sư phạm Bắc kinh :”Đối với chị tôi phải dâng cả tấm lòng đau thương và kính mến của tôi, chị không phải là học sinh của “thằng tôi sống lay lắt đến ngày hôm nay”, chị là thanh niên của Trung quốc, vì Trung Quốc mà hy sinh” ( Kỷ niệm chị Lưu Hòa Trân – Hoa cái).

            Sở dĩ chúng tôi dừng lại hơi sâu về vấn đề phụ nữ vì chính từ những suy nghĩ trên, những suy nghĩ của Lỗ Tấn đã thăng hoa thành những hình tượng mà ở chương hai chúng tôi sẽ đề cập đến. Có thể thấy rất rõ vấn đề nổi bật của nhân vật chị Tường Lâm trong Cầu phúc là vấn đề tiết liệt và vấn đề nhịn nhục, cam chịu, ù lì; vấn đề giải phóng hôn nhân, bình đẳng nam nữ thể hiện rất rõ trong Ái – Ly hôn, vấn đề giải phóng cá tính, hôn nhân phải đi đôi với giải phóng về kinh tế trong hình tượng Tử Quân –Tiếc thương những ngày đã mất … Có như vậy, sẽ thấy hệ thống nhân vật nữ trung tâm của một Lỗ Tấn – nhà văn thể hiện rất nhất quán những suy tư mà ông – nhà tư tưởng đã chiêm nghiệm.

 

II.NHÂN VẬT NỮ TRUNG TÂM.

 

Khảo sát trong hai tập truyện ngắn Gào thétBàng hoàng (25 truyện), chúng tôi nhận thấy 13/25 truyện xuất hiện hình ảnh người phụ nữ (52%), bao gồm cả nhân vật trung tâm và nhân vật phụ, trong đó 10/13 truyện (77%), nhân vật phụ nữ là người mẹ. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến các nhân vật nữ trung tâm (4/13 truyện:gần 30%), đó là: chị Tư Thiền (Ngày mai), chị Tường Lâm (Cầu phúc), Ái (Ly hôn) và Tử Quân (Tiếc thương những ngày đã mất).

            Tổng cộng Lỗ Tấn có bốn nhân vật nữ trung tâm bên cạnh mười bốn nam nhân vật trung tâm (5). Như vậy số lượng nam nhân vật trung tâm nhiều gấp 3,5 lần số nhân vật nữ trung tâm. Con số này biểu hiện sự khập khiễng âm (nữ) dương (nam). Dẫu ít chiếm vị trí trung tâm bằng các nhân vật nam nhưng các nhân vật nữ ấy vẫn khẳng định được vị trí của mình trong sáng tác của Lỗ Tấn mà điểm đáng chú ý nhất là bốn nhân vật này đã hình thành nên một hành lang nhân vật với các cấp bậc phát triển tư tưởng theo hoàn cảnh lịch sử và xã hội. Đó là:

            A, Loại phụ nữ khuất nhục, không ý thức được vị trí của mình (nhân vật chị Tư Thiền và chị Tường Lâm)

            B, Loại phụ nữ bước đầu có tư tưởng phản kháng nhưng tự phát (Ái trong Ly hôn)

            C, Loại phụ nữ mang tư tưởng tiến bộ dân chủ tư sản (nàng Tử Quân trong Tiếc thương những ngày đã mất).

            Cho đến bây giờ, Lỗ Tấn vẫn là nhà văn Trung Quốc thiết tha nhất và hiểu sâu sắc nhất cuộc sống của lớp người dưới đáy xã hội. Ông thường đề cập đến trạng thái bi kịch trong tâm hồn những người cùng khổ mà không dừng lại ở nỗi đau thể xác. Hình ảnh chị Tư Thiền và chị Tường Lâm đều là chân dung những người phụ nữ nông dân bất hạnh nhất trong văn học hiện đại Trung Quốc: chồng chết, ở vậy nuôi con, con chết, họ cô đơn ngay giữa đồng loại của mình vì không tìm được sự cảm thông. “Hạnh tai lạc họa”, cái chết của con trai chị Tư Thiền còn là một cơ hội bị kiếm chác, lợi dụng. Còn cuộc đời chị Tường Lâm là một chuỗi dài những đau khổ không dứt. Người ta có thể kêu rên về nỗi đau thể xác như chị: đi ở, bị đánh, bị bắt cóc, đi xin… thế nhưng Lỗ Tấn muốn nhấn mạnh đến gánh nặng tinh thần do xã hội áp đặt mà chị vác trên vai lê suốt cả đời mình nhưng không nhận ra để quẳng xuống: “Chế độ này đã ép họ trở thành nô lệ, dưới mọi hình thức, rồi còn đổ trên đầu họ bao nhiêu là tội lỗi.” (Về phụ nữ- Nam xoang Bắc điệu).

Điều Lỗ Tấn “nộ kỳ bất tranh” (giận họ không đấu tranh), và bi kịch của hai người phụ nữ này mang đậm màu sắc tố cáo hơn là vì họ đều không nhận ra hoàn cảnh của mình mà cứ tình nguyện lao đầu vào tròng, tự nguyện hòa hợp với phong kiến trong từng hơi thở. Họ cũng là một con bệnh của phép thắng lợi tinh thần mà sau này trong AQ Chính truyện Lỗ Tấn đề cập rõ hơn.

            Mục đích của Lỗ Tấn khi đưa ra loại nhân vật khuất nhục này là muốn “chấn hưng dân khí”, mà điểm quan trọng đầu tiên của khẩu hiệu này là buộc con người phải ý thức được vị trí đích thực của mình trong xã hội. K. Marx khi phê bình sự lạc hậu của dân Đức so với dân châu Au thế kỷ XIX đã nhấn mạnh: “Vấn đề là không được để cho người Đức có lấy một chút ảo tưởng và nhẫn nhục nào cả. Phải làm cho sự áp bức hiện thực trở nên nặng nề hơn bằng cách thêm vào đó ý thức về sự áp bức. Phải làm cho sự nhục nhã trở thành nhục nhã hơn bằng cách công bố nó… phải làm cho nó biết sợ bản thân mình để làm cho họ mạnh dạn hơn”. Chính sự miêu tả tự ý thức của Lỗ Tấn đã thêm một vết khắc vào quá trình hình thành con người Trung Quốc toàn diện.

            Với loại nhân vật phụ nữ này, nhất là nhân vật Tường Lâm, Lỗ Tấn đã cùng với Tào Ngu (qua nhân vật thị Bình trong Lôi vũ) tạo nên hình ảnh những nhân vật phụ nữ đau khổ nhất, hiện thực nhất và đầy tình nhân bản của văn học Trung Quốc hiện đại.

            Đến nhân vật Ái (Ly hôn), đây lại là loại phụ nữ tiêu biểu cho những người bị áp bức nhưng biết vùng dậy đấu tranh.

Ái là người phụ nữ mạnh mẽ, đốp chát và triệt để. Người đọc nhớ mãi hình ảnh một cô Ái nhảy xổ lên trang viết khát khao đòi quyền lợi, lẽ phải. Cô quyết tâm đi tìm lẽ công bằng cho cuộc hôn nhân đã tan vỡ của mình. Cô là hình tượng phụ nữ đầu tiên của Lỗ Tấn dám đứng lên chống lại sự bất công, áp bức của lễ giáo phong kiến, sự đè nén vô nhân đạo, sự tôn vinh chế độ nam quyền. Thế nhưng sự vùng dậy tự phát của Ái có nhiều hạn chế, cô chỉ biết những kẻ áp bức mình trực tiếp mà chưa hiểu nguyên nhân sâu xa quyết định số phận của mình, những kẻ cầm cân nảy mực nơi công đường cũng chính là những người bảo vệ đạo đức phong kiến mà không bênh vực quyền lợi của người dân thấp cổ bé họng. Không chỉ bị hạn chế bởi nhận thức mà trong quá trình đấu tranh, tư tưởng của Ái cũng có sự phân tâm. Cô bị choáng ngợp trước uy quyền to lớn, bộ mặt hung thần của vị quan huyện. Thì ra nỗi sợ hãi cố hữu kết đọng hàng nghìn năm trong vô thức còn mạnh hơn tư tưởng phản kháng của Ái, làm tiêu ma hết ý chí đấu tranh của cô.

            Tiếng kêu vươn mình của Ái cũng là tiếng thét vùng dậy của một giai tầng người trong xã hội mà họ gần như đã nhận ra vị trí của mình, muốn đứng lên tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ái là hình ảnh tương lai của Tư Thiền, Tường Lâm- không biết mình khổ, không dám đấu tranh. Thế nhưng Ái vẫn thất bại, cam chịu khuất phục dù sức phản kháng trong cô có thừa. Và như vậy thì Ái vẫn chưa là mẫu nhân vật lý tưởng có thể vực dậy một nước Trung Hoa trở trăn trên đường phát triển.

            Tiếp theo nhân vật Ái là Tử Quân (Tiếc thương những ngày đã mất), một trí thức mới tiến bộ mang tư tưởng thanh niên thời Ngũ tứ.

            Trong cơn biến động xã hội bấy giờ, trí thức đóng vai trò quan trọng trên vũ đài chính trị-lịch sử. Lỗ Tấn đã phân tích những đặc điểm của người trí thức Trung Hoa: ôm ấp nhiều mộng đẹp, có lý tưởng, cầu tiến nhưng khi gặp thất bại thì dễ bi quan, chán nản, dao động, cuối cùng dần trở nên cô độc, phản lại lý tưởng của mình rồi chết dần chết mòn. Tử Quân trong Tiếc thương những ngày đã mất là một nhân vật với những đặc trưng như trên.

            Tử Quân là một nữ sinh tắm mình trong không khí sôi nổi đổi thay của thời Ngũ Tứ : Khổng giáo bị liệng qua cửa sổ, phụ nữ được tự do yêu đương, được lập trường Luật khoa, Y khoa … Cô cùng Quyên Sinh yêu nhau và tự tạo lập một gia đình riêng nhưng cuối cùng tổ ấm đó cũng tan vỡ do những nguyên nhân nội tại và khách quan.

            Tử Quân là một hiện tượng trí thức “sống thừa”, qua đó Lỗ Tấn chỉ ra nguyên nhân xã hội và đặc biệt là nguyên nhân tính cách trong bi kịch của cuộc đời họ. Cô là con người trong xã hội tư sản mà ở đó cô vừa là nạn nhân –kẻ bị tha hóa trên đường phát triển, vừa là thủ phạm gây ra bi kịch bản thân mà cô không nhận thức được. Tử Quân cố gắng vươn lên, thoát khỏi những định kiến xã hội để sống hợp với nguyện vọng chính đáng của mình, nhưng cách chống đối hiện thực của cô là thoát ly gia đình lớn rồi lao vào một gia đình nhỏ cũng tủn mủn như vậy mà thôi, cô lại không có đủ dũng khí và lòng quyết tâm để theo lý tưởng đến cùng. Hơn nữa, vai trò người phụ nữ trong xã hội thới này chưa phải được giải phóng hoàn toàn, nhất là về mặt kinh tế. Xã hội vẫn là một xã hội của đàn ông, tương tự như Ibsen khi nói về “bi kịch hiện đại” của Nora ( Gia đình búp bê-Ibsen) :” Người phụ nữ không thể đứng độc lập trong xã hội ngày nay, một xã hội đặc quyền của đàn ông, với luật pháp được đặt ra bởi đàn ông và một hệ thống pháp lý đánh giá những hành vi của phụ nữ trên quan điểm của họ”(6). Tử Quân và Nora đều thoát ly gia đình, ra xã hội, với yêu cầu được tự do phát triển như một thành viên độc lập và hữu trách. Đó là quá trình ” người trí thức bung mình khỏi nền tư duy cổ truyền”(7) nhưng vấn đề chưa hẳn đã được giai quyết vì họ không có một chút địa vị kinh tế độc lập nào thì con đường phát triển chưa hẳn đã rộng thênh thang. Trong Nora đi rồi thì ra sao ? ( Tạp văn), Lỗ Tấn đã phân tích vận mệnh của người phụ nữ nếu thoát ly gia đình mà không được độc lập về kinh tế, về xã hội thì cũng không có con đường phát triển. Nếu trong Cô dâu (Tsekhov) và Gia đình búp be người phụ nữ bỏ nhà ra đi, câu chuyện kết thúc, sân khấu hạ màn, thì vận mệnh bi thảm của Tử Quân sau khi xây dựng một gia đình mới đã nói hết với thanh niên trí thức tư sản mọi sự thật cay đắng sau đó. Chỗ “dừng bút” của Tsekhov và Ibsen chính là cỗ “tíêp bút” của Lỗ Tấn.

             Một cách chiếu ứng mới trong quan hệ người-người là trong tình yêu. Tiếc thương những ngày đã mất là truyện víêt về tình yêu duy nhất của Lỗ Tấn, nhưng lại già dặn và đầy chất thơ, thể hiện vốn hiểu bíêt sâu sắc của nhà văn. Cái hay của Lỗ Tấn là lồng bi kịch tình yêu riêng tư vào một vấn đề chung của xã hội mà không hề thô thiển, gượng ép. Tử Quân và Quyên Sinh yêu nhau, nhưng khi tìm được hạnh phúc rồi thì Tử Quân lại quên rằng “tình yêu phải được đổi mới luôn, lớn dần lên và phải sáng tạo”. Hơn 200 năm trước, T.Corneille đã kết luận :”Tình yêu khi đã thỏa mãn thì sự hấp dẫn không còn nữa”. Tử Quân chìm ngập trong cái mà cô cho là” đích của hạnh phúc”, cô không còn “cùng nhìn về một hướng” với Quyên Sinh nữa, cô trở thành người theo sau anh:” Trên con đường mưu sống đó thì cần phải hoặc nắm tay cùng đi, hoặc một mình can đảm bước tiến lên. Còn như chỉ biết nắm lấy vạt áo mà đi theo thì dù người kia là một chiến sĩ đi nữa, cũng khó mà chiến đấu cho được. Rốt cuộc cả hai sẽ bị tiêu diệt”(8). Và khi người này trở thành gánh nặng cho người kia, thì lúc đó tình yêu biến mất. Lối thoát duy nhất của Tử Quân chỉ là con đường quay về nhà trong nỗi tủi nhục, ê chề vì thất bại của mình, tồn tại vô nghĩa, cái chết đối với cô là tất yếu, và đó là cái chết bi kịch nhất trong hệ thống thi pháp cái chết trong truyện ngắn của Lỗ Tấn.

            Qua hình tượng Tử Quân, Lỗ Tấn nêu ra một vấn đề mang ý nghĩa thời đại sâu sắc : yêu cầu giải phóng cá tính và tự do hôn nhân không thể giải quyết đơn độc tách rời yêu cầu giải phóng xã hội. Thế nhưng khi bày tỏ sự không đồng ý việc theo đuổi hạnh phúc cá nhân ảo tưởng của Tử Quân, Lỗ Tấn chưa chỉ ra được đâu là lối thoát chân chính cho những thanh niên trí thức tiểu tư sản.

 

III. NHÂN VẬT VỚI NHỮNG CHẤN THƯƠNG TINH THẦN.

 

Cuộc đời của những nhân vật phụ nữ trung tâm luôn đa đoan, không trọn vẹn, không một cuộc tình êm ả, đối với gia đình thì tan fác, chia lìa, không một kết thúc nguyên vẹn, tròn trịa, ngay ngắn. Dường như truyện của Lỗ Tấn viết về người phụ nữ được xây dựng trên nỗi ám ảnh về cái tàn lụi, tan rã.

             Hạ Tế An, một nhà nghiên cứu về Lỗ Tấn ở Mỹ nhận xét :” Lỗ Tấn là một thiên tài bệnh hoạn,… trong tác phẩm của ông, hy vọng và linh cảm cùng tồn tại với tối tăm. Xem ra Lỗ Tấn rất rỏ mô tả sự chết chóc … Tang ma, nghĩa địa, hành hình, nhất là chém đầu, lại còn cả ốm đau, bệnh tật, những đề mục ấy đều thu hút trí tưởng tượng sáng tạo của ông “ (9)

            Hiểu cái chết của nhân vật có hai cách: cái chết thực (nghĩa đen) và cái chết ảo (nghĩa bóng). Cái chết là vật xác định cụ thể để kiểm tra thái độ và năng lực chịu đựng của con người. Cái chết thể hiện triết lý của Lỗ Tấn về thời đại, vê thân phận con người…

            Tường Lâm chết rụi giữa tiếng pháo cầu phúc của những nhà giàu sang mà không gặt được một giọt nước mắt của người đời. Tử Quân chết thảm một cách cô đơn lặng lẽ đến không cùng trong “cái cõi người không có tình yêu”.

            Có những cái chết ảo (chết tinh thần) do cô đơn, do tuyệt vọng… Cuộc đời chị Tư Thiền từ nay mòn mỏi trôi đi sau khi bé Bảo- linh hồn cuộc sống của chị không còn nữa. Cuộc đời nhục nhã của cô Ái sau khi gánh chịu sự tan vỡ của cuộc sống hôn nhân, lại thêm sự thất bại sau lần hăm hở đi kiện, và sự dèm pha, dè bỉu ác ý của người xung quanh.

Chị Tường Lâm thực sự chết tinh thần trước khi cái chết thể xác tự đến. Chị bị tuyên án tử hình khi nghe nói chết đi sẽ bị chia làm hai cho mỗi người chồng một nửa. Sự băn khoăn “người chết có linh hồn hay không?” của chị chính là nỗi sợ hãi, ray rứt đó. Thì ra không phải chỉ có đói khát, giá lạnh mà nguyên nhân gây ra cái chết còn là nỗi lo sợ bị trừng phạt, đọa đày. Tường Lâm đã bị bốn sợi dây: chính quyền, thần quyền, tộc quyền và nam quyền xiết cổ một cách êm ái mà chị không hề hay biết.

Tử Quân còn bi kịch hơn, tâm hồn nàng thực sự đã chết sau khi nhận ra tình yêu lớn của nàng đã chết. Nỗi đau của nàng sâu sắc hơn vì bản thân nàng là môt trí thức. Khi người ta khổ mà không biết mình khổ, người ta còn có thể sống được. Tử Quân lại ý thức rõ về nỗi bất hạnh của mình. Khả năng của người trí thức là “dấn thân”, là đi đến tận cùng, gặm nhấm tận cùng cảm giác, nỗi đau của mình, vì thế mà họ đau hơn người khác. Nhưng logic phát triển tự thân của nhân vật không cho phép Tử Quân chết ngay lúc đó (vì lúc này tính cách nàng đã thay đổi: bạc nhược, yếm thế.. tự tử là điều không dễ dàng. Hầu như tất cả nhân vật của Lỗ Tấn không ai dám tự tử), mà phải để nàng sống lần mòn, chết lần mòn…

Đàn bà trong thế giới của Lỗ Tấn là những nhân vật không hoàn toàn tích cực, được như Ái và Tử Quân thì đến phút cuối cũng xao lòng, thay đổi, và vận mệnh vì thế cũng xoay chiều ngả nghiêng. Họ dường như không làm chủ được cuộc đời mình mà như những con tốt trong một xã hội đầy phong ba. Nỗi bất hạnh cao nhất là không thực hiện được thiên chức phụ nữ của mình, gây dựng một gia đình hạnh phúc với chồng con. Đàn bà không phải là đàn bà, thiên chức phụ nữ của họ đã bị hủy hoại, triệt tiêu bởi chính những tác động của xã hội. Có thể nói, qua những nhân vật nữ bị những sang chấn về mặt tinh thần, mức tố cáo xã hội, phủ nhận xã hội của những trang văn Lỗ Tấn đạt hiệu quả cao hơn. Lỗ Tấn đau xót vì điều này. Ông từng nói có hai loại người ông không bao giờ chĩa mũi dùi châm biếm, đó là phụ nữ và trẻ em. Đọc những trang văn về chị Tư Thiền, chị Tường Lâm, Ái, Tử Quân, ta nhận ra điều đó.

An giấu bên dưới những trang văn xuôi cực kỳ giản dị, cô đúc, lạnh lùng, đôi khi bỡn cợt là trái tim sục sôi, rướm máu của ông trước cuộc đời, là bức chân dung tinh thần của một con người mà khi mất đi, hơn 6000 sinh viên- học sinh đã kính cần nghiêng mình trước quan tài thêu ba chữ “dân tộc hồn”- không chỉ vì ông đại diện cho “linh hồn dân tộc”, mà còn vì ông là người đã phác thảo, vẽ nên chân dung con người, linh hồn dân tộc Trung Hoa thời hiện đại một cách chân thực nhất, sâu sắc nhất.

 

CHÚ THÍCH

(1)     Trần Thấu Du- Lỗ Tấn ở Đài Loan- Sách Lỗ Tấn, tác phẩm và tư liệu- NXB Giáo dục 1997.

(2)     Lỗ Tấn- Vì sao tôi viết tiểu thuyết- Tạp văn Lỗ Tấn- NXB Giáo dục 1999.

(3)     Đặng Thai Mai- Lược sử văn học hiện đại Trung Quốc- NXB Sự thật HN 1958.

(4)     Đặng Thai Mai- Lỗ Tấn, thân thế, văn nghệ- NXB Thời đại HN 1959.

(5)     14 nhân vật nam trung tâm trong các truyện: Nhật ký gười điên, Khổng At Kỷ, Mẩu chuyện nhỏ, Cố hương, AQ Chính truyện, Tết Đoan Ngọ, Luồng ánh sáng, Trong quán rượu, Miếng xà phòng, Trường minh đăng, Cao phu tử, Một người cô độc, Tiếc thương những ngày đã mất, Anh em.

(6)     The Introduction in Six Plays by H. Ibsen- Modern Library- Newyork.

(7)     Bjorn Hemmer- Nhà soạn kịch H. Ibsen nổi tiếng của Na Uy- TC Văn học 12.1997.

(8)     Truyện ngắn Lỗ Tấn- Trương Chính dịch- NXB Văn hóa HN 1994.

(9)     Mặt tối tăm trong sáng tác của Lỗ Tấn – Đại học Michigan xuất bản năm 1964.

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website