Thư viện nước Úc từ góc nhìn du lịch và văn hoá

                  Nước Úc, đất nước của sa mạc và thảo nguyên bao la đang là một trong những điểm đến du học hàng đầu thế giới hiện nay. Tuy tuổi còn rất trẻ, nhưng cũng như nước Mỹ, Úc sở hữu một nền tảng tri thức khoa học đáng nể nhờ là con đẻ của người khổng lồ châu Âu. Những tri thức ấy được gìn giữ rất cẩn thận và phát huy giá trị rất hiệu quả trong các hệ thống thư viện rất hoành tráng của quốc gia này. Cũng như bảo tàng, nhiều thư viện của Úc có thể được xem như một điểm đến du lịch nhờ vào kiến trúc và nội dung triển lãm của thư viện, cũng như các hoạt động văn học, văn hoá được tổ chức thường xuyên tại đây. Trong cẩm nang du lịch của một số thành phố nước Úc vẫn thường hay đưa vào danh sách các thư viện. Và nếu nhìn sâu hơn một chút vào tài liệu, tổ chức và hoạt động của những thư viện ở Úc, người ta có thể thấy được phần nào chân dung của đất nước này.

                 1. Thư viện lớn lên cùng đất nước

                 Liên bang Úc chính thức thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1901, nhưng thư viện đầu tiên của xứ sở này ra đời từ năm 1826, chỉ 38 năm sau khi thực dân Anh đặt gót giày lên châu Úc (1788). Công cuộc định cư lần thứ nhất ấy mà người Úc gọi là First Fleet đã mang đến cho châu lục này những quyển sách đầu tiên và ý tưởng chia sẻ nguồn tri thức mà họ có. Thư viện đầu tiên ấy có tiền thân là những tủ sách tư nhân của thực dân Anh và có tính phí mượn sách. Đến năm 1869, vì làm ăn thất bại nên thư viện được chính quyền bang New South Wales mua lại, đổi tên thành Thư viện thành phố Sydney và hoàn toàn miễn phí. Sau khi nhà nước liên bang thành lập, thư viện một lần nữa được đổi tên thành Thư viện bang New South Wales năm 1975. Toà nhà thư viện xây dựng theo kiến trúc cổ điển châu Âu ốp đá sa thạch màu nâu vàng với một toà chính cao vút và hai toà phụ (gọi là hai cánh) nối liền với toà chính đổ dài ra hai bên, xây vào ba thời điểm khác nhau. Bên trong toà chính là một phòng đọc rộng mênh mông, có chiều cao bằng ba tầng nhà. Trần nhà cong thành vòm như một thánh đường tạo cảm giác cổ kính và phảng phất không khí thiêng liêng, nhưng lại được thiết kế bằng kính hứng ánh sáng mặt trời nên phòng đọc chan hoà ánh nắng chứ không gây ấn tượng nặng nề thường thấy ở các toà nhà có kiến trúc cổ điển. Cùng với nhà hát con sò và những màn pháo hoa lộng lẫy trên cầu Habour lừng danh, thư viện tiểu bang mang đến cho thành phố Sydney nét thâm trầm và trí tuệ.

                 Sau Thư viện bang New South Wales, nhiều thư viện lớn khác cũng ra đời trước khi nhà nước liên bang thành lập như Thư viện Đại học Sydney (1851), Thư viện bang Victoria (1854), Thư viện bang Tây Úc (1889), Thư viện bang Queensland (1896)… Trong số đó, toà nhà Thư viện bang Victoria là một công trình kiến trúc rất đẹp, được đặt hòn đá đầu tiên cùng thời điểm với Đại học Melbourne năm 1856. Đến nay, công trình phức hợp hoàn chỉnh của Thư viện bang Victoria gồm một toà nhà hình bát giác mái vòm bao bọc bởi bốn dãy nhà khép kín thành hình vuông ngăn cách với toà nhà chính bằng những bãi cỏ rộng. Bốn dãy nhà phụ đều có trục chính và hai cánh đổ sang hai bên, với điểm nhấn là những hàng cột trang trí tiểu tiết tinh tế. Trong khuôn viên thư viện có nhiều bức tượng đồng đen sinh động. Phòng đọc xây dựng đầu tiên có tên gọi là Phòng đọc Nữ hoàng, sau nhiều lần tu bổ được chuyển thành Đại sảnh Nữ hoàng. Phòng đọc La Trobe là phần lõi của toà nhà bát giác với tường quét sơn trắng và trần nhà cao vút choáng ngợp. Bàn thủ thư cũng có hình bát giác đặt giữa căn phòng, tám dãy bàn dài dành cho độc giả lấy bàn thủ thư làm tâm và toả đều ra các phía, các bàn nhỏ hơn xen kẽ giữa các bàn dài. Nhìn từ trên cao, tổ hợp bàn ghế tạo thành hình dáng một bông hoa tuyết, tương ứng với bông hoa tuyết cách điệu trên trần nhà. Khu vực triển lãm của thư viện này được xem là một trong những trung tâm triển lãm có diện tích lớn nhất thế giới.

                 Đến nay, Úc đã sở hữu một hệ thống thư viện đáng ngưỡng mộ, gồm có thư viện trường học và thư viện công cộng. Thư viện trường học, đặc biệt là thư viện đại học là nơi lưu trữ tri thức chuyên môn sâu, đồng thời đảm nhận vai trò kết nối tri thức. Thư viện các trường đại học lớn như thư viện Đại học Quốc gia Úc, Đại học Melbourne, Đại học Sydney, Đại học Queensland… thường phân thành rất nhiều thư viện ngành như thư viện về khoa học xã hội, luật, kinh tế, kỹ thuật, sinh học, y khoa, nghệ thuật… Thư viện công cộng gồm có Thư viện Quốc gia Úc có chi nhánh ở các bang, thư viện trung tâm của bang có chi nhánh ở các thành phố, và thư viện thành phố có chi nhánh ở các quận và rất nhiều những thư viện chuyên ngành khác. Đến bất cứ thành phố nào của Úc cũng có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều thư viện thuộc các cơ quan quản lý khác nhau. Theo thống kê của Hiệp hội Thông tin và Thư viện của Úc[1], hơn một nửa dân số đất nước hiện đang là thành viên của một thư viện công cộng nào đó.

                 Bên cạnh đó, thư viện công cộng còn là nơi tập trung các hoạt động văn hoá, văn học của địa phương. Lễ hội nhà văn Queensland tổ chức hai năm một lần tại thư viện của bang, tụ họp tất cả những người viết văn trong và ngoài tiểu bang. Lễ trao giải văn học, các lễ hội văn hoá của cộng đồng thiểu số, các buổi triển lãm, trình diễn nghệ thuật… cũng tổ chức ở thư viện. Thư viện và bảo tàng trung tâm của nhiều thành phố được đặt khá gần nhau, thậm chí có khi còn được đặt trong cùng một khuôn viên sân hay một toà nhà, chẳng hạn như Thư viện bang Queensland và Bảo tàng thành phố Brisbane. Sự kiện tổ chức tại thư viện thường được cập nhật trên website thư viện và gửi thông báo đến độc giả của thư viện qua e-mail hay phát tờ rơi quảng cáo rất rầm rộ.

                 Ra đời chẳng bao lâu sau khi nhà nước tiểu bang đầu tiên được thành lập, và lớn hơn tuổi của nhà nước liên bang đến gần một thế kỷ, thư viện đã lớn lên cùng với nước Úc qua nhiều chặng đường lịch sử, chứng kiến và lưu lại những thăng trầm không quên: những cuộc đổ xô tìm vàng huyền thoại, những vụ xung đột sắc tộc đầy đau đớn, những trận thiên tai kinh người (chi nhánh South Brisbane của Thư viện bang Queensland đã bị trận lũ lịch sử năm 1974 phá huỷ đến 80% kho sách), sự phát triển đáng ngưỡng mộ của khoa học kỹ thuật, sự vươn vai mạnh mẽ của nền kinh tế, và việc nước Úc trở thành một trong những điểm đến mơ ước của thế giới hôm nay.

 

                 2. Sự cởi mở và tinh thần kết nối của một quốc gia đa văn hoá

                 Nhìn lướt qua nội dung tài liệu của các thư viện sẽ thấy ngay đặc trưng đa văn hoá của đất nước này. Thư viện công cộng ở Úc luôn có tài liệu bằng rất nhiều thứ tiếng khác nhau phục vụ người đọc phổ thông, với tất cả các thể loại tiểu thuyết và phi tiểu thuyết như sách cẩm nang sống, sách lịch sử, sách dạy nấu ăn, sách về y học thường thức và cả các loại sách cho thiếu nhi như truyện tranh, đồng dao, sách song ngữ cùng các dạng tài liệu khác như băng, đĩa, báo chí đa ngôn ngữ... Tài liệu của mỗi ngôn ngữ có thể được xuất bản trên nước Úc, hoặc xuất bản ở quốc gia sử dụng ngôn ngữ ấy và được thư viện đặt mua hoặc do độc giả mang từ quê nhà sang tặng thư viện. Trung tâm Dịch vụ đa văn hoá (Multicultural Service Centre) của Thư viện bang New South Wales lưu trữ tài liệu của hơn 40 ngôn ngữ khác nhau. Thư viện bang Queensland có 22 Trung tâm Kiến thức bản địa (Indegenious Knowledge Centres) rải đều trên khắp tiểu bang do thành viên của những tộc người vốn là chủ nhân đầu tiên của lục địa Úc Châu quản lý. Website của Thư viện thành phố Melbourne có phần giới thiệu và hướng dẫn bằng năm thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh là tiếng Indonesia, tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Hindi. Thư viện thành phố Brisbane phân bố tài liệu của các ngôn ngữ ngoài tiếng Anh khá hợp lý: tài liệu viết bằng một ngôn ngữ nào đó sẽ được lưu trữ chủ yếu ở chi nhánh địa phương nơi cộng đồng dân cư nói ngôn ngữ đó tập trung đông nhất. Chẳng hạn như tài liệu tiếng Việt lưu trữ chủ yếu ở chi nhánh West End và Inala, hai nơi tập trung đông người Việt nhất ở thành phố Brisbane. Tuy nhiên, người đọc ở địa phương khác có thể yêu cầu thư viện chuyển sách đến chi nhánh gần nơi họ ở và sách sẽ đến tay họ trong vòng từ một đến ba ngày tuỳ vào khoảng cách di chuyển.

                 Tính đa văn hoá của các thư viện công thể hiện rất rõ nét ở những nguồn tài liệu dành cho thiếu nhi. Nhìn vào tài liệu thư viện có thể thấy được triết lý giáo dục đa văn hoá của quốc gia này: họ dạy cho trẻ con biết sống hoà hợp với những người có màu da và tiếng nói khác mình, đồng thời tôn trọng văn hoá của người khác. Có thể thấy nhiều nhất là các sách viết bằng tiếng Anh dạy về văn hoá. Các quyển truyện tranh in rất đẹp và sinh động kể lại những câu chuyện đời thường của những đứa trẻ gốc Phi, Tiểu Á hay Đông Á tìm cách dung hoà sự khác biệt giữa văn hoá nguồn cội mà chúng tiếp xúc trong gia đình và văn hoá chung mà chúng trải nghiệm ở nhà trường. Qua những mẩu chuyện rất dễ thương, trẻ con của những cộng đồng thiểu số nước Úc học được cách hoà nhập với dòng văn hoá chủ lưu, đồng thời trẻ con của cộng đồng đa số học được cách thông cảm với bạn bè mình. Chung quy lại, chúng đều được dạy cách nhìn vượt lên sự khác biệt để tìm thấy điểm chung.

                 Thực ra, tư tưởng đa văn hoá chỉ đến với nước Úc sau một thời gian dài đau đớn vì kỳ thị chủng tộc. Mãi đến 1973 thì chính sách “Nước Úc da trắng” (White Australia Policy) với nội dung hạn chế người da màu nhập cư mới được bãi bỏ. Hiện nay, chính sách chống kỳ thị chủng tộc của Úc rất rõ ràng và nghiêm ngặt, phần nào cứu vớt được danh tiếng của Úc trên con đường đấu tranh vì tiến bộ nhân loại. Tuy nhiên, tâm lý kỳ thị vẫn chưa thể gỡ bỏ được khỏi suy nghĩ của nhiều người Úc da trắng, thậm chí ở cả một số trí thức như nhà khoa học hay giáo sư đại học, những người đã ủng hộ cho chính sách “Nước Úc da trắng”. Việc gỡ bỏ một quan niệm và cảm xúc đi cùng quan niệm ấy không thể đơn giản như gỡ bỏ một đạo luật hay chính sách. Hiện nay, Úc thể hiện rất rõ quyết tâm giáo dục một thế hệ mới bao dung, không để cho tư tưởng phân biệt chủng tộc và văn hoá có cơ hội xâm nhập vào đầu óc trẻ nhỏ. Điều này ta có thể thấy ngay được ở kho sách của các thư viện công và thư viện trường học. Trên bức tường của Thư viện Quốc gia Úc có vẽ bức tranh hai bàn tay bị xích và câu “White Australia has a black history” (Nước Úc trắng có một lịch sử đen), nhắc nhớ ký ức không quên về việc người châu Âu da trắng đàn áp đẫm máu người da đen bản địa trong công cuộc khai phá và bình định của họ tại Úc Châu hơn 200 năm trước. Đó như một lời xin lỗi của cộng đồng gốc Âu dành cho những dân tộc bản địa, để cho các thế hệ hiện tại và mai sau tránh lặp lại sai lầm của lịch sử. Câu này đã trở nên rất nổi tiếng và được sơn vẽ ở nhiều nơi khác nhau, từ đường phố, ga xe lửa đến trường đại học.

                  Nếu thư viện công cộng thể hiện rõ nét tính dung hợp văn hoá thì thư viện đại học của Úc lại rất ý thức được vai trò kết nối tri thức khoa học của mình. Là một trong những quốc gia phát triển về khoa học, kỹ thuật và giáo dục, Úc có hệ thống thư viện đại học không ngừng phát triển kho lưu trữ thông tin, xác lập vai trò của mình trong hàng ngũ dẫn đầu cống hiến cho kho tri thức nhân loại. Thư viện Đại học Queensland có cả một phương châm “Làm giàu nền học thuật quy mô toàn cầu” (Enriching world-class scholarship). Việc kết nối thư viện với các kho thông tin lớn trên thế giới mang đến lợi ích trước mắt cho sinh viên của trường, sau đó là lợi ích chung cho những nhà khoa học và sinh viên của những đơn vị nghiên cứu khác. Đại học Queensland thậm chí có cả Thư viện Fryer lưu giữ bản thảo chưa xuất bản. Học tập và làm việc ở các trường đại học của Úc, người học chỉ có thể tự trách mình chưa đủ năng lực và cố gắng, chứ khó mà đổ lỗi cho sự thiếu thốn trang thiết bị và đặc biệt là tài liệu nghiên cứu.
 

                 3. Thư giãn với tri thức

                 Là một nơi lưu trữ tri thức, thư viện nước Úc không tạo ra một không khí nặng nề bởi sách vở, mà ngược lại, tạo được một môi trường hết sức dễ chịu và thoải mái. Từ kiến trúc, trang thiết bị, quản lý, đến phục vụ đều tạo điều kiện để người đọc đến được với tri thức trong một trạng thái thư giãn và vui vẻ.

                 Hai điều nổi bật ở tất cả các thư viện của quốc gia này, và có lẽ cũng là điểm chung của thư viện các nước phát triển, là tư duy phục vụ và tự phục vụ. Về lĩnh vực phục vụ, thư viện có rất nhiều kênh để giao tiếp với độc giả: thông tin hướng dẫn trên giấy, bàn hướng dẫn trực tiếp có nhân viên thư viện trực, thông tin hướng dẫn trên website… Thậm chí, website Thư viện Đại học Queensland còn có nhân viên trả lời trực tuyến câu hỏi của sinh viên trong giờ hành chính. Các thư viện cung cấp những loại dịch vụ đa dạng để hỗ trợ độc giả tiếp cận tài liệu một cách tốt nhất. Thư viện thành phố Brisbane cho phép người đọc “gọi” một quyển sách từ chi nhánh xa đến chi nhánh gần nhà để tiện việc mượn, trả. Thư viện thành phố Melbourne có thể mượn sách từ các thư viện khác hộ người đọc của mình. Sách mượn từ các hệ thống thư viện khác nằm trong thành phố Melbourne sẽ không bị tính phí. Tuy hoạt động mượn và trả sách của thư viện đã được tự động hoá, nhưng thư viện luôn có nhân viên túc trực để giúp đỡ độc giả thao tác với máy móc. Mục đích chính của việc tự động hoá hoạt động thư viện không phải để tiết kiệm nhân lực cho thư viện, mà là để chăm sóc tối đa sự tự do của khách, để họ cảm thấy thoải mái nhất khi đến với các dịch vụ công cộng như thế này.

                 Sự tự do chỉ có thể đạt được khi người ta không phải lệ thuộc vào ai, cho dù sự lệ thuộc đó chỉ là cảm giác làm phiền một ai đó. Đây chính là lý do của việc phát triển việc tự phục vụ của thư viện. Ở các thư viện của Úc, hoạt động mượn và trả tài liệu đều thực hiện thông qua máy móc. Khách sử dụng sau khi tìm kiếm tài liệu trên website của thư viện sẽ tự đến lấy tài liệu ấy ở khu vực lưu trữ và làm thủ tục mượn sách ở máy mượn sách tự động. Khách chỉ cần quét thẻ thư viện qua bộ phận đọc thẻ và sau đó quét mã vạch của từng tài liệu cần mượn là đã hoàn thành thủ tục mượn sách. Khi trả tài liệu, khách chỉ cần bỏ tài liệu vào khe trả lài liệu lắp trên tường thì máy quét lắp đặt ở khe cũng sẽ tự động thao tác và xoá tên tài liệu khỏi danh sách mượn trong tài khoản của khách. Khe trả sách này thường được lắp đặt ở hai nơi: bên trong thư viện để phục vụ khách trả sách trong giờ thư viện hoạt động, và bên ngoài cổng thư viện để phục vụ khách trả sách khi thư viện đã đóng cửa. Các hoạt động in ấn, photocopy, scan tài liệu hay sử dụng Internet đều do khách tự thực hiện và được thanh toán qua thẻ thư viện của khách. Các thiết bị kỹ thuật không ngừng được nâng cấp để chăm sóc tốt nhất nhu cầu tự phục vụ của khách. Người viết bài này đã chứng kiến việc Thư viện thành phố Brisbane nâng cấp toàn bộ hệ thống máy mượn tự động vào tháng 8/2011 chỉ để tiết kiệm vài giây thao tác của người sử dụng. Hệ thống máy cũ yêu cầu khách phải quét mã vạch của từng tài liệu. Với tính năng mới của máy, khách chỉ cần ôm một chồng tài liệu đứng vào vùng quét của máy thì tên các tài liệu lập tức hiện ra trên màn hình. Đối với khách mượn vài chục tài liệu một lần thì đây là một sự nâng cấp đáng kể. Thư viện Đại học Queensland đã cập nhật thêm chức năng in biên nhận cho máy trả sách tự động vào tháng 9/2011, để tránh tình trạng sách đã nhét qua khe trả nhưng vì lý do nào đó mà hệ thống không cập nhật vào tài khoản thư viện của sinh viên.

                 Sự tự do của con người chỉ có thể đạt được khi họ không xâm phạm tự do của người khác, vì vậy mà thư viện nơi đây luôn đề cao tinh thần tôn trọng mọi người. Đa phần tài liệu thư viện được miễn phí cho tất cả các khách thuộc đối tượng phục vụ của họ, nhưng tài liệu trễ hạn sẽ bị phạt, mức độ nặng nhẹ tuỳ vào tính chất tài liệu và quy định của từng thư viện. Kho tài liệu của Thư viện Đại học Queensland được phân loại rất hợp lý, phục vụ được các nhu cầu đa dạng của tất cả mọi người. Một tựa sách phổ biến có thể có các loại sau: loại mượn một tháng, có thể gia hạn hai lần, mỗi lần được thêm một tháng nữa, loại mượn bảy ngày, loại mượn ba ngày, loại mượn hai giờ, và loại đọc tại chỗ. Tựa sách ít phổ biến hơn có thể không có loại mượn một tháng hay loại mượn bảy ngày. Loại mượn càng ngắn ngày, khi trễ hạn bị phạt càng nặng. Đối với các bản sách mượn một tháng, nếu có một độc giả khác yêu cầu được mượn quyển sách này thì người đang giữ nó phải hoàn trả lại trong vòng bảy ngày kể từ ngày nhận thông báo đòi sách của thư viện, nếu trễ cũng sẽ bị phạt rất nặng. Chính sách này đảm bảo không ai giữ một tài liệu quá lâu trong khi có nhiều người muốn đọc nó, lại cũng đảm bảo sách luôn nằm trong tay độc giả, luôn trong tình trạng được sử dụng thay vì nằm tại nơi lưu trữ của thư viện. Người sử dụng thư viện cư xử vì người khác như một quy tắc. Cũng giống như trong nhiều hoạt động khác, khách đến thư viện luôn luôn xếp hàng chờ đến lượt: ở máy mượn sách, máy trả sách, máy in, máy photo, và khu vực sử dụng máy tính. Nhiều tân sinh viên châu Á của Đại học Queensland đã rất ngạc nhiên khi thấy trước những phòng máy tính của thư viện, sinh viên xếp hàng dài dằng dặc, mặc dù thời gian sử dụng máy tính cho mỗi lượt không hề bị giới hạn. Người ta kiên nhẫn chờ đợi người trước dùng xong để đến lượt mình, dù có khi chẳng biết bao giờ họ mới xong. Bên cạnh đó, vẫn có những khu vực máy bị quy định thời gian sử dụng: máy dùng 5 phút dùng để in ấn, máy dùng 15 phút dùng để kiểm tra e-mail hay thời khoá biểu… Điều này cho thấy thư viện hết sức nhấn mạnh đến tinh thần chia sẻ, vì chia sẻ mang đến sự công bằng và cảm giác thoả mãn cho tất cả mọi người.

                 Sự tự phục vụ đi kèm với tinh thần tự giác và ý thức trung thực. Hệ thống thư viện nói riêng và các hệ thống công cộng khác như siêu thị, bảo tàng, cửa hàng nói chung luôn thể hiện sự tôn trọng khách khi không bao giờ yêu cầu khách phải gửi lại túi xách khi vào khu vực tự chọn. Điều này đòi hỏi khách phải có ý thức tự tôn trọng mình, không bao giờ tơ hào đến của chung. Tất nhiên, thư viện, cũng như những nơi công cộng khác, luôn có máy quét lắp đặt ở cổng để báo động khi có tài sản của khu vực bị đưa ra ngoài một cách trái phép, nhưng máy móc không phát hiện ra được mọi trường hợp. Thiết bị duy nhất kiểm soát sách ra ngoài trái phép chỉ là máy quét gắn ở cửa thư viện. Bản thân người viết bài này đã có lần sơ ý mang nhầm sách của thư viện ra ngoài nhưng máy vẫn không phát hiện ra. Ngày hôm sau, quyển sách ấy đã được trả về vị trí cũ. Thư viện ở Úc không phân chia khu vực lưu trữ sách đọc tại chỗ và sách mượn về nhà. Người đọc sau khi lấy sách ra khỏi kệ có thể ngồi đọc ngay tại các khu bàn ghế trang bị gần đó, hoặc mang đến máy mượn sách làm thủ tục rồi đưa sách ra ngoài. Thế nên camera lắp đặt trong thư viện không thể phát hiện được người đọc trộm sách. Vì vậy, chỉ có lòng tự trọng của người sử dụng mới là công cụ kiểm tra chính xác nhất, và thư viện đặt lòng tin vào khách của họ.

                 Thiết kế của thư viện cũng tập trung vào phục vụ việc thư giãn của độc giả. Người Úc nói chung và sinh viên ở Úc nói riêng đến thư viện không chỉ để đọc sách, mà ngay cả khi họ đọc sách thì thư viện cũng cố gắng làm cho sự căng thẳng và mệt mỏi giảm đến mức tối thiểu. Thiết kế thư viện không chỉ là những phòng ốc khô khan mà thực sự là những công trình nghệ thuật, đầy ắp cây xanh và ánh sáng tự nhiên. Chi nhánh Ispwich của Thư viện Đại học Queensland được thiết kế thơ mộng như một quán cà phê với dãy cây xanh và dòng suối nhỏ. Bên cạnh thư viện là cantin. Thư viện cũng cho phép mang vào một số thứ ăn, thức uống theo quy định. Để phục vụ nhu cầu và sở thích của người dùng, thư viện thiết kế nhiều khu vực khác nhau với mục đích sử dụng khác nhau. Thư viện trường đại học thường có khu vực bàn học cá nhân bình thường, khu vực bàn học cá nhân có khoá để người dùng có thể cất đồ đạc khi đi ra ngoài, phòng làm việc cá nhân có trang bị máy tính, bàn làm việc nhóm, phòng làm việc nhóm có máy tính, máy chiếu, khu vực yên lặng lặng tuyệt đối và khu vực có thể trò chuyện ở mức độ vừa phải, khu học tập 24/24 giờ… Thư viện công cộng thường có khu vực triển lãm, khu vực đọc sách, khu vực sinh hoạt tập thể, khu vực dành cho thiếu nhi với nhiều sách vở và đồ chơi có tính giáo dục, khu vực dành cho cha mẹ vui chơi và dạy dỗ trẻ nhỏ dưới 2 tuổi… Trẻ con đến thư viện được dạy thái độ tôn trọng người khác, biết giữ trật tự, biết sắp xếp đồ đạc sau khi dùng xong, chơi xong. Chi nhánh Indooroopily của Thư viện thành phố Brisbane có khu vực chơi cờ vua, với bàn cờ khắc hẳn vào mặt bàn và quân cờ được sắp xếp rất ngăn nắp trên bàn cờ. Trẻ con vào chơi cờ rất nhiều nhưng không quân cờ nào bị mất, cho thấy trẻ dù lớn hay nhỏ đều được dạy dỗ tử tế và kiểm soát tốt.

                 Có thể thấy thư viện đóng một vai trò quan trọng trong nước Úc tri thức, góp phần vào việc đưa đất nước vào danh sách các quốc gia dẫn đầu về học thuật và khoa học của nhân loại, đồng thời tạo nên một thói quen đọc sách và tận hưởng tri thức của dân chúng. Người Úc rất thích đọc sách. Có thể dễ dàng bắt gặp họ đọc sách ở bất cứ nơi đâu, trong thư viện, trong trường học, ngoài công viên, ở quán cà phê, sân bay, nhà ga hay trên phương tiện giao thông công cộng... Thư viện là nơi đọc sách lý tưởng nhất của họ, cũng là nơi giúp họ thư giãn và dành thời gian cho bạn bè, người thân. Sinh viên thích gặp nhau ở thư viện. Từ cách trang bị, tổ chức, phục vụ… có thể thấy được tinh thần tự giác cao độ của người Úc. Nội dung thư viện cho thấy sự chung sống hoà bình giữa các nền văn hoá trong một quốc gia, đồng thời thể hiện vai trò kết nối học thuật mạnh mẽ của một cường quốc giáo dục và khoa học. Một số thư viện còn là những công trình kiến trúc tráng lệ, là chứng nhân lịch sử đi cùng nước Úc từ trước cả ngày lập quốc. Đi qua những thư viện nước Úc, tuỳ mức độ chiêm ngưỡng và tìm hiểu nông hay sâu mà người ta thấy được chân dung nước Úc hào nhoáng hay sâu sắc, dù sự sâu sắc này là sự kế thừa và phát triển từ Châu Âu bác học và tài hoa.

 

   Hình 1: Phòng đọc La Trobe của Thư viện bang Victoria. Tác giả: Tim Collins. Nguồn: Wikipedia.

 

Hình2: Thư viện bang New South Wales. Tác giả: Athena Lao. Nguồn: Wikimedia Commons

Tài liệu tham khảo

1.      Bundy, J. (2001). (2nd ed.) Australian library and information professionals, Auslib Press, Adelaids.

2.      www.nla.gov.au

3.      www.sl.nsw.gov.au

4.      www.melbourne.vic.gov.au

5.      www.library.uq.edu.au


 

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website