Họa tăng Hư Cốc

 

Thập chỉ tham thành hương sắc vị

Nhất quyền đả phá khứ lai kim

(Mười ngón nảy sinh hương với sắc, Một tay xung phá cổ cùng kim)

Đó là lời khen tặng mà danh họa Ngô Xương Thạc thời Thanh dành riêng cho người bạn tri giao của ông: họa tăng Hư Cốc.

Cuộc đời của Hư Cốc (1824 – 1896) ẩn giấu nhiều điều bí ẩn, vì thân thế ông gần như không thấy sách vở nào ghi lại. Vậy nên người ta phải cố lần theo hành tung của Hư Cốc thông qua tác phẩm ông để lại cùng các tài liệu về những người đương thời mà ông từng giao du như các danh sĩ Hồ Công Thọ, Nhậm Bá Niên, Ngô Xương Thạc… Từ đó, ngày nay chúng ta mới biết đôi điều về một thiên tài kỳ, đại biểu kiệt xuất bậc nhất của hội họa Hải phái sống vào cuối thời Thanh.

Hư Cốc vốn họ Chu, tên Hoài Nhân, quê ở An Huy, sau di cư đến sống tại Giang Tô. Ông từng làm tham quân trong quân đội nhà Thanh, sau đó, vào khoảng năm 30 tuổi, thế phát quy y, pháp danh Hư Bạch, tự Hư Cốc, hiệu Tử Dương Sơn Dân. Điều khác thường là, hòa thượng Hư Cốc tuy khoác tăng y, song không ăn chay không niệm Phật, không sống trong tự viện, mà lang thang khắp nơi, từ Thượng Hải đến Tô Châu, Dương Châu bán tranh độ nhật. Ông từng nói về cuộc sống của mình qua hai câu thơ:

Nhàn trung tả xuất tam thiên bức

Hành khất nhân gian tác phạn tiền

(Thừa nhàn tranh vẽ ba nghìn bức, Xin đổi nhân gian chút gạo tiền)

Thế nhưng thực tế Hư Cốc chỉ vẽ và bán tranh sao cho đủ sống qua ngày, mà ông tự hạn định 500 đồng mỗi năm không hơn, thời gian còn lại dành cho những cuộc vân du bất tận.

Hư Cốc rất ít sáng tác những tác phẩm có quy mô lớn, phần nhiều là loại tiểu họa nhỏ gọn như khuôn khổ của một chiếc quạt cầm tay. Đề tài trong tranh Hư Cốc chỉ có một số ít về nhân vật, còn tập trung chủ yếu ở các loại động vật nhỏ như cá vàng, sóc, mèo, hạc cùng các loại hoa trái như cúc, tỳ bà, mai, lan, trúc, tùng, hồ lô, đào…

Phong cách đặc trưng của tranh Hư Cốc được thể hiện qua các kỹ thuật tiểu bút, khô bút, nghịch bút, trắc phong, khát mặc tạo nên những nét vẽ sắc như dao khắc, mạnh mẽ rõ ràng song cũng rất mềm mại thanh thoát, bố cục tranh ông trông thật đơn giản mà cũng thật tinh tế, có vẻ đẹp hư tĩnh thanh kỳ thoát tục mà cũng rất giàu cá tính. Cố Hạc Dật bình: “Sơn thủy của Hư Cốc rõ mà không khô, chặt mà không loạn”.

Mọi cuộc sáng tạo đều bắt đầu từ kế thừa. Xem tranh Hư Cốc, người ta cũng thấy được dấu ấn kế thừa truyền thống từ các họa sư tiền bối: Bát Đại, Tân La, Kim Nông, Nam Điền, Đông Tâm, Hoằng Nhân… Song các thiên tài không khi nào chịu dừng bước ở sự mô phỏng, mà luôn vươn tới những đỉnh cao tân kỳ với những khám phá và sáng tạo độc đáo. Sự cách tân của Hư Cốc đạt đến cảnh giới khiến người ta ngờ rằng kỹ thuật trong tranh của ông không giống với kỹ thuật tranh sơn thủy truyền thống Trung Quốc, mà có dấu vết của kỹ thuật thấu thị trong hội họa phương Tây. Thậm chí có những người còn thấy Hư Cốc hiện đại và mới mẻ đến đỗi rất gần với các danh họa cùng thời ở phương Tây như Monet, Van Gorgh, nhất là Paul Cézanne – “người cha của hội họa hiện đại” phương Tây – trong việc đặc biệt chú ý đến cảm giác không gian vật thể.

Ngoài hội họa, Hư Cốc còn nổi tiếng về thư pháp (chữ Hành, Lệ), lại giỏi cả thơ ca, có Hư Cốc hòa thượng thi tập.

Ông giã từ cõi nhân gian vào một ngày nào đó không ai nhớ rõ của năm 1896 trong miếu Quan Đế ở phía tây thành phố Thượng Hải, sau đó linh cữu được đưa về an táng ở Tô Châu. Hiện tại tranh của Hư Cốc còn lưu giữ được ở con số hơn một trăm tác phẩm và ngày càng có giá cao nên dẫn đến hiện tượng xuất hiện nhiều ngụy tác.

Hai tác phẩm giới thiệu trên đây, thứ nhất là bức Cúc hoa đồ (145.1 x 80.9cm) giấy bản mực màu vẽ một khóm cúc 14 đóa mãn khai bên giậu tre, 7 đóa ở tầng trên là hoàng cúc, 7 đóa tầng dưới là bạch cúc và một cụm hoa trắng nhỏ bên dưới, tác phẩm này hiện được lưu giữ tại bảo tàng Thượng Hải. Thứ hai là bức thủy mặc Tiểu kiều lưu thủy đồ (83 x 50cm), được đoán định là vẽ cảnh một góc quê nhà của Hư Cốc, hiện được lưu giữ trong bảo tàng mỹ thuật đại học quốc gia Singapore.

Nguồn: Tạp chí Hương Thiền, số Xuân 2012.

 

 

Danh mục website