Dạy - học văn trong thời khủng hoảng

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, GS Trần Đình Sử, GS Phan Trọng Luận, GS Nguyễn Minh Thuyết đồng chủ trì phần thảo luận chung tại Hội trường

Đoàn Lê Giang
(Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM)

    Mấy hôm trước Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM chủ trì một hội thảo về chính tả. Còn hôm qua và hôm nay ở Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại chủ trì hội thảo quốc gia về “Dạy học ngữ văn ở trường phổ thông”. Thế mới thấy việc dạy và học ngữ văn đang có rất nhiều vấn đề. Cả xã hội quan tâm đến môn ngữ văn cũng phải vì dạy-học ngữ văn là dạy cách nói, cách viết, là dạy tri thức và hơn nữa là dạy làm người.

   Quan trọng là thế, nhưng đến nay dường như người ta đã chán không muốn nghe nữa về chất lượng dạy-học môn ngữ văn. Tại sao không ít cử nhân, thạc sĩ ngữ văn viết không ra câu và hiếm người chịu nghiền ngẫm các tác phảm lớn như ngày xưa? Tại sao có rất ít sinh viên chọn thi khối C, nhất là khối C sư phạm? Dẫu không muốn nghe nữa nhưng vấn đề đặt ra vẫn còn nguyên và không thể lẩn tránh! Nguyên nhân bao trùm nhất của tình trạng sa sút trong việc dạy-học ngữ văn đó là chúng ta đang dạy và học văn trong thời “đại khủng hoảng của sư phạm-nhân văn”. Chưa bao giờ thi vào sư phạm, nhất là sư phạm về các ngành nhân văn dễ như bây giờ, vì đại học thành phố nào, tỉnh nào cũng đua nhau mở cửa hết cỡ để tuyển cho nhiều sinh viên! Chưa bao giờ cơ hội làm thầy cô giáo lại dễ như bây giờ: học sư phạm ở những thành phố lớn đã đành, mà học đại học, cao đẳng ở các tỉnh, rồi học các hệ tại chức, dân lập, tư thục, liên kết, liên thông ở đâu cũng có thể làm giáo viên được. Nhưng cũng chưa bao giờ tìm được chỗ dạy khó như bây giờ, vì thành phố hết chỗ dạy mà đến vùng sâu vùng xa cũng không còn chỗ nữa! Và chưa bao giờ nghề giáo lại bạc bẽo như bây giờ: thu nhập của giáo viên vào loại thấp nhất trong xã hội và thấp nhất so với các đồng nghiệp trên thế giới! Nói chúng ta đang dạy-học văn trong thời “đại khủng hoảng” là như thế: khủng hoảng về chất lượng, khủng hoảng dư thừa! Trong khi đó các trường vẫn rất thiếu các thầy cô ngữ văn giỏi, các cơ quan công ty vẫn “khát” những người có tư duy sáng sủa và biết cách viết cho đúng cho hay…

Bức tranh trên đã phần nào nói lên nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng. Đó là do tình trạng bành trướng vô tội vạ của các loại đại học; là do sự buông lỏng quản lý ngành sư phạm; đó là do những khuyết tật trong việc học, việc thi các môn xã hội trong trường phổ thông; đó là do cách ra đề quái lạ trong tuyển sinh đại học môn văn chỉ nhằm vào học vẹt; đó là do những bất cập trong việc tổ chức học và đánh giá chất lượng các môn KHXH ở đại học. Đó là do chúng ta đã lựa chọn và duy trì mô hình một nền giáo dục bao cấp quá lâu trong khi thực lực không thể bao cấp nổi...

Để giải quyết vấn đề nhức nhối đó chúng ta phải làm gì và bắt đầu từ đâu?

Tất cả các chính sách đúng đắn đều phải bắt đầu từ con người và kết thúc ở con người. Chúng ta phải bắt đầu từ câu hỏi: làm sao cho các thầy cô giáo của mình có thể sống được đàng hàng và có vị trí cao trong xã hội như ở nước ta trước 1945, ở miền Nam trước 1975, như các đồng nghiệp của họ ở các nước khác, trước hết là Trung Quốc, Đông Nam Á…Cùng với nó và sau nó là câu hỏi: làm sao chọn lựa được những giáo viên có năng lực và phẩm chất thực sự để tương xứng với sự đãi ngộ đó. Muốn vậy thì chúng ta phải học theo mô hình các nền giáo dục tiên tiến, tức là phải thay đổi nền giáo dục. Mà sự thay đổi về giáo dục, trong đó có dạy-học môn ngữ văn muốn có hiệu quả là phải thay đổi một cách hệ thống: chuyển từ mô hình bao cấp sang mô hình mới tiên tiến hơn mà các nước phát triển đang áp dụng. Muốn làm được việc ấy phải có quyết tâm cao, tầm nhìn xa rộng, nhưng phải thực hiện từ từ từng bước.

Nếu không kiên quyết làm, không thay đổi mạnh mẽ thì vấn đề đặt ra trong hội thảo hôm nay cũng sẽ lại là chủ đề của những hội thảo năm sau, hay năm mười năm sau nữa, trong khi đó các nước khác đã tiến vùn vụt qua mặt chúng ta hết cả rồi!

ĐLG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ ngày 6-1-2013, mục “Cà phê chủ nhật”

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website