Đầu năm hành hương về miền đất Thủ

Hành hương đầu năm là nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta ở mọi miền đất nước. Với người dân Việt Nam, hành hương còn là dịp để cầu mong bình an, no đủ, thịnh vượng và rất đỗi thiêng liêng. Miền đất Thủ Dầu Một thuộc tỉnh Bình Dương là địa chỉ quen thuộc của người dân Sài Gòn và các khu vực lân cận như Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu,....đến hành hương đầu năm. Đất lành thì chim đậu. Thủ Dầu Một nổi tiếng với nhiều chùa chiền, đền miếu cùng với con người ở đây vốn hiền hòa kính Phật đã thu hút du khách bốn phương tìm về. Hành hương về miền đất Thủ không chỉ để hòa mình vào không khí vừa thiêng liêng vừa rộn ràng, nô nức mà còn là dịp để hiểu thêm về những giá trị văn hóa của tiền nhân đã lưu lại nơi đây. Hay nói cách khác, đó là cơ hội để con người tự thanh lọc tâm hồn và lắng mình để được bồi đắp phù sa từ cội nguồn văn hóa ông cha trong không khí xuân về trên những nẻo đường.

Chùa Bà Bình Dương

Ngày thường, đất Thủ vốn thanh bình và yên ả, nay lại có dịp mở rộng vòng tay đón hàng vạn người nô nức về dự lễ hội Chùa Bà Bình Dương. Lễ hội diễn ra vào ngày rằm tháng giêng, nhưng thực ra từ khoảng mùng 10 âm lịch các ngã đường xung quanh chợ Thủ đã đông nghịt người xe cùng hàng quán bày bán lễ vật. Miếu Thiên Hậu, dân gian hay gọi là Chùa Bà Bình Dương, được người Hoa địa phương thành lập vào giữa thế kỷ XIX, nằm trên bờ rạch Hương Chủ Hiếu. Năm 1923, miếu được di dời về vị trí hiện nay- số 4, đường Nguyễn Du, phuờng Phú Cường. Qua năm tháng, cộng đồng người Hoa đã  ra sức giữ gìn, trông nom, tôn tạo cho ngôi miếu ngày một khang trang. Khách thập phương đến Chùa Bà Bình Dương cầu mong Thiên Hậu Thánh Mẫu ban tài lộc, công danh, sức khỏe và tình duyên,....Ngay ở cổng miếu, người đã chật ních, hớn hở chen nhau vào bên trong để cầu khấn và dâng hoa quả, nhang đèn cho Bà. Nhiều người còn xin lộc, vay tiền về để trong nhà lấy hên đầu năm, mong cả năm được mua may bán đắt, mọi sự hanh thông. Nhưng thông thường, người ta hay thỉnh một cây nhang lớn để cầu phước lộc, rước sự may mắn, hạnh phúc về gia đình đi dập dìu trên đường. Phía ngoài chùa Bà, hàng ăn quán nước được dịp ra sức phục vụ du khách. Chợ Thủ được trang trí lồng đèn sáng rực cả đêm như chia vui cùng bạn bè bốn phương hội tụ về trong những ngày này. Khách đến viếng Chùa Bà trước rồi qua lễ Chùa Ông gần đó. Chùa Ông có tên Thanh An Cung là nơi thờ Quan Công-một trong những vị thần quan trọng phù trợ cho bà con người Hoa. Tại đây, bên cạnh việc cúng bái, xin lộc, du khách còn chen nhau để sờ và chui qua tượng ngựa Xích Thố ở ngoài sân. Họ tin rằng điều này sẽ mang lại sự khỏe mạnh, mắn con và hạnh phúc chuyện gia đình. Vào ngày rằm tháng giêng, tức ngày chánh lễ, sau khi cử hành nghi lễ tế Bà của các bang người Hoa, sẽ diễn ra buổi đấu thầu lồng đèn. Mười hai chiếc lồng đèn to đẹp tượng trưng cho mười hai tháng trong năm và biểu hiện cho sự may mắn về phước lộc sẽ thuộc về ai chịu bỏ tiền nhiều nhất. Người đấu thầu được lồng đèn luôn tin rằng mình sẽ có được nhiều niềm vui, thành công trong năm đó, nhưng hơn hết là niềm vinh dự trước cộng đồng. Những năm gần đây, số tiền thu được từ đấu thầu lồng đèn lên đến hàng trăm triệu đồng và được dùng vào các họat động từ thiện, công ích. Người dân địa phương cùng du khách còn chờ đợi Lễ rước kiệu Bà-một nghi thức quan trọng của Lễ hội Chùa Bà Bình Dương. Trưa ngày rằm, đám rước kiệu Bà bắt đầu khởi hành từ sân miếu rồi đi vòng quanh Thủ Dầu Một, sau đó quay về vào cuối buổi chiều. Lễ rước kiệu Bà được tổ chức trang nghiêm nhưng không kém phần náo nhiệt, rất đông người tháp tùng. Đi đầu là đoàn múa hẩu của Bang Phước Kiến nhằm để mở đường cho kiệu Bà, theo sau là thầy trò Đường Tăng và các đội múa lân, sư, rồng ở nhiều địa phương về tham gia. Nhưng nổi bật và trông đẹp mắt là các đội thiếu nữ gánh hoa. Các cô ăn mặc đẹp, tóc thắt bím rất duyên dáng, mỗi người gánh hai lẵng hoa vừa đi vừa nhún trông thật nhẹ nhàng. Chiếc kiệu Bà-trung tâm của đám rước được thiết kế công phu với màu vàng đỏ lộng lẫy. Khiêng kiệu là tám chàng trai khỏe mạnh, mặc đồng phục màu đỏ thẫm. Đi phía sau kiệu Bà là Ban Quí tế. Họ thỉnh những cây nhang cháy dở để phân phát cho bà con hai bên đường. Theo những con phố có người Hoa sinh sống là các bàn hương án ở trước cửa nhà để nghênh Bà. Đám rước đi đến đâu là tiếng trống kèn, phèn la rộn rã đến đó. Vào mùa lễ hội năm 2011, người ta tổ chức đưa kiệu Bà đi đến Thành phố Mới của Bình Dương để cầu mong Bà độ trì cho dân chốn này sẽ được an cư, lạc nghiệp. Nghe đâu trong tương lai  nơi này sẽ có một ngôi miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Lễ hội Chùa Bà Bình Dương là một trong những lễ hội đầu năm lớn nhất ở vùng đất Nam bộ, phản ánh mối quan hệ giao lưu văn hóa sâu sắc giữa cộng đồng người Việt, người Hoa ở đây và đáp ứng nhu cầu tâm linh, khát vọng trong cuộc sống đời thường của hàng vạn con người ở mỗi dịp xuân về.

Nhưng ai chỉ viếng Chùa Bà Bình Dương thôi sẽ là một thiếu sót lớn. Xưa cũng như nay, người dân Thủ Dầu Một rất kính Phật trọng Tăng, nên đây có nhiều ngôi chùa và các nhà sư nổi tiếng. Ngoài Chùa Bà Bình Dương, khách hành hương thường tìm đến Chùa Hội Khánh và Chùa Tây Tạng. Hai ngôi chùa này nằm cách Chùa Bà không xa mấy. Hội Khánh là ngôi cổ tự của đất Bình Dương, nằm trên đường Chùa Hội Khánh, thuộc phường Phú Cường. Được biết, chùa do nhà sư Đại Ngạn sáng lập vào năm 1741và được xây cất lại như hiện nay sau khi bị Pháp phá hủy lúc chúng đánh chiếm năm 1861. Chùa Hội Khánh nằm trong một khuôn viên rộng rãi, cảnh trí thoáng mát và rợp bóng cây cổ thụ hơn trăm tuổi. Với phong cách của ngôi chùa cổ Nam bộ, mái chùa thấp theo dạng ngói âm dương cùng nhiều lớp nhà nối tiếp nhau sẽ cho du khách cảm nhận cảm giác thâm nghiêm và nhiều điều khám phá ở bên trong chùa Hội Khánh. Ở gian chánh điện chùa có nhiều bộ tượng khá đẹp và đều được sơn son thếp vàng như Thập Bát La Hán, Thập điện Minh Vương và tượng Hộ Pháp,Tiêu Diện, Địa Tạng có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX. Một điểm nhấn quan trọng khác là nội thất chùa có nhiều hoành phi, câu đối, bao lam được trang trí bằng nhiều hoa văn công phu, sắc sảo, đậm tính thiên nhiên như dây nho, hoa phù dung, tứ linh, cửu long,....Chùa còn được biết đến là nơi lưu trữ nhiều di sản Hán Nôm của tỉnh Bình Dương như mộc bản in kinh, sách địa lý, y học, thơ văn rất có giá trị. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng tá túc ở đây trong thời gian 1923-1926. Vì vậy, chùa được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa-kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1993. Gần đây, dân Bình Dương còn gọi Chùa Hội Khánh là Chùa Phật Nằm. Do vào năm 2008, chùa khởi công xây dựng tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 49m. Sau khi hoàn tất, tượng này được công nhận kỷ lục tượng Phật dài nhất Việt Nam. Vì vậy, chùa trở nên một địa chỉ quen thuộc của du khách mỗi khi hành hương về đất Thủ. Chùa Tây Tạng được xem là danh lam của miền đất Bình Dương. Nằm thong thả trên ngọn đồi có nhiều bóng mát cây xanh trên đường Thích Quảng Đức, phường Chánh Nghĩa, nên chùa có cảnh trí đẹp, thoáng mát, tĩnh lặng trước cảnh náo nhiệt của phố phường. Nét nổi bật nhất là chùa được xây dựng theo kiến trúc của một ngôi tự viện Phật giáo Tây Tạng, đặc biệt trên tầng thượng là tượng Ngũ Trí Như Lai theo bố cục Mandala- biểu tượng của Phật giáo Mật tông. Chỉ có ngày rằm, mồng một hoặc dịp lễ lớn, nhà chùa mới mở cửa cho du khách lên tầng thượng để chiêm bái Ngũ Trí Phật.  Nếu du khách đi vào bên trong chánh điện thì chắc chắn sẽ không khỏi ngạc nhiên với nhiều bức họa sặc sỡ bằng nhiều màu sắc khác nhau được treo chung quanh. Mỗi bức họa là hình ảnh của các vị phật, bồ tát và tổ sư của Phật giáo Tây Tạng. Vì vậy, Chùa Tây Tạng ở Bình Dương được xem là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, mang màu sắc của Mật tông và khác hẳn với nhiều ngôi chùa khác ở Việt Nam. Đến viếng chùa Tây Tạng, khách hành hương còn được nghe kể lại câu chuyện nhà sư Minh Tịnh đi tham bái Ấn Độ, Tây Tạng vào những năm 1935-1937. Sau khi đi viếng những thắng tích của Phật giáo ở Ấn Độ, ông bất kể hiểm nguy, khó nhọc đã vượt núi rừng Hi Mã Lạp Sơn để đến được kinh đô Lhasa của Tây Tạng thời đó. Tại đây, được cho là nhà sư Việt Nam đầu tiên đặt chân đến miền xứ tuyết với một ý chí bền bĩ hiếm có, nên ông được tiếp đón niềm nở và thọ truyền pháp tu của Phật giáo Tây Tạng. Cuộc hành trình này được ông ghi lại trong quyển Nhật ký tham bái Ấn Độ-Tây Tạng khá dày và hiện còn lưu giữ trong chùa. Vào dịp đầu năm, chùa Tây Tạng có nhiều người lui tới, nhưng đông nhất là tối ngày mùng tám tháng giêng vì chùa tổ chức lễ cúng sao giải hạn, cầu an cho bá tánh thập phương. Nếu đến chùa vào buổi sáng hoặc lúc chiều, thỉnh thoảng du khách còn được thấy Sư Tịch Chiếu- người kế thừa sự nghiệp của Hòa thượng Minh Tịnh, năm này tuổi đã ngòai trăm, vẫn thong dong tự tại dạo quanh sân chùa. Mỗi dịp đầu năm, hai kiểng chùa Hội Khánh và Tây Tạng mở rộng cửa từ bi đón khách lễ phật, để giúp cho tâm mỗi người được bình an, hướng thiện.

 Về đất Thủ hành hương, khách thường đi theo quốc lộ 13. Bởi vậy, con đường này dập dìu với đủ lọai phương tiện xe cộ, không khí nhộn nhịp hẳn lên, nhất là vào buổi tối. Nhưng dễ thấy là xe máy, người ngồi trước kẻ ngồi sau, tay cầm nhang, đèn, hoa quả đi lễ Chùa Bà Bình Dương. Dân Sài Gòn cố cựu hay những kẻ có máu đi phượt lại chọn hướng khác. Họ đi theo đường Nguyễn Oanh (Quận Gò Vấp), qua cầu vượt Quang Trung (Quận 12) rồi thẳng hướng đến Thị Trấn Lái Thiêu. Vùng Lái Thiêu xưa là nơi thuận tiện về giao thông cả thủy lẫn bộ, chốn lập nghiệp khá sớm của người Việt và người Hoa, cho nên phố xá ở đây đông đúc, rộng rãi. Đọan từ Thị trấn Lái Thiêu đến Thị xã Thủ Dầu Một là một con đường đẹp với nhiều nhà vườn ẩn mình dưới cây trái, thấp thoáng bên sông là những ngôi nhà ba gian mộc mạc, chân quê cạnh hàng cau tươi tắn, thẳng tấp. Ai chịu quan sát còn mê mẫn với sông rạch dọc đường màu xanh ngắt, lâu lâu có đám lục bình chầm chậm trôi, bất chợt có những làn gió nhẹ thổi mát lòng người. Tất cả như gợi lại hình ảnh của văn minh miệt vườn Lái Thiêu xưa sao thanh bình, yên ả đến không ngờ. Nguyễn Liên Phong, trong Nam kì phong tục nhơn vật diễn ca, đã viết về Lái Thiêu như sau: “Tốt thay phong cảnh Lái Thiêu

                                    Bông hoa cây trái vật đều món ngon

                                         Cây cao trên nổng thon thon

                                       Bóng im gió mát hoa bon tư bề

Đến đây, du khách như trút bỏ bao thứ ồn ào, vội vàng của thành thị để hòa mình cùng cây cỏ, sông nước nơi đây, rồi tâm hồn tĩnh lặng lúc nào không biết. Nhưng thỉnh thỏang có chàng trai bất chợt xôn xao trước vẻ đẹp mặn mà, duyên dáng của người con gái miệt vườn xứ này. Với dân Sài Gòn, tiếng đồn con gái Lái Thiêu đã có từ lâu:

                        “Tháng giêng mười sáu trăng treo

                  Anh sắm giường lèo cưới vợ Lái Thiêu” 

  Đất Thủ làm quyến luyến du khách bằng nhiều món ăn ngon và  đặc sản làm quà mang về. Dọc hai bên đường có nhiều quầy bán củ sắn-món quà tháng giêng gửi tặng khách phương xa. Sắn ở đây có củ nhỏ, bên trong trắng tinh, ăn vào có vị ngọt mát, cảm giác giòn tan, thật đúng với câu: “ Trên đất Thủ không nhờ củ thì cũng nhờ khoai”. Để có được mùa sắn này, người trồng phải một nắng hai sương gần ba tháng trời trên những cánh đồng để cho kịp dịp Lễ hội Chùa Bà Bình Dương. Miệt vườn Lái Thiêu còn nổi tiếng với nhiều loại trái cây ngon như mít, dâu, xòai, mận, chôm chôm,...nhưng có tiếng nhất là măng cụt và sầu riêng. Măng cụt, sầu riêng ở đây ngon khỏi chê đâu được. Sầu riêng Lái Thiêu thơm nức, ngọt ngào, vị béo ngậy nơi đầu lưỡi, đậm đà hơn xứ khác. Còn ai đã từng ăn măng cụt thì không thể quên được dáng vẻ bên ngòai màu nâu tròn bóng, cuốn trái to, còn ruột bên trong lại trắng nõn, ăn vào chua chua ngọt ngọt, thấy thèm lúc nào không biết. Nghe đồn con gái Lái Thiêu có làn da trắng hồng là nhờ ăn nhiều trái măng cụt này. Ngày nay, hai thứ quả này không còn, để lại nhiều nuối tiếc cho những người từng yêu mến miệt vườn Lái Thiêu xưa. Ngoài việc hành hương lễ bái, khách còn được thưởng thức nhiều món ăn ngon của Bình Dương. Dân sành ăn tìm đến quán cơm thố Tây Hồ giữa lòng chợ Thủ. Cơm đựng trong thố nhỏ bằng sành, trông thật lạ mắt. Thức ăn ngon đã đành, nhưng ý nghĩa nhất là những thố cơm vừa dẻo vừa thơm như lẫn cả tình đất tình người nơi đây muốn gửi đến ai dù chỉ một lần ghé qua. Bánh bèo bì Mỹ Liên là món ăn danh tiếng hơn nửa thế kỷ, nên ai đến xứ này mà chưa từng thưởng thức là một điều đáng tiếc. Quán bánh bèo Mỹ Liên nằm ở chợ Búng, cách Thủ Dầu Một không xa. Mấy ngày này, khách đến ăn nườm nợp, quán chật cứng từ sáng chiều. Bánh bèo được làm từ lọai gạo ngon, có màu trắng tinh, giữa trét mỡ hành và đậu xanh, phía trên là bì xắt nhuyễn cùng rau sống. Món bánh bèo ăn kèm nước mắm được chế biến rất ngon, khách vừa ăn vừa lua chừng như líu cả lưỡi. Chợ Lái Thiêu có nhiều quán mì, hủ tiếu, hòanh thánh của người Hoa, lúc nào cũng sẵn sàng đón khách.

Đất Thủ, miền đất của hành hương, miền đất của văn hóa, của thiên nhiên ưu đãi đã dâng trọn tấm lòng cho bạn bè bốn phương. Ai đã từng đến đây chắc không thể không lưu luyến, bâng khuâng khi chia tay với miền đất hiền hòa, mến khách và cùng hẹn gặp lại vào mùa hành hương năm sau. Khách sao quên cho được đêm hội ở Chùa Bà Bình Dương sáng rực ánh đèn lồng cùng với tiếng chuông êm ả của ngôi chùa Hội Khánh trầm mặc, những giây phút yên bình trong khuôn viên chùa Tây Tạng và cả tình đất tình người nơi đây lắng đọng lại thành những hạt phù sa bồi đắp cho tâm hồn con người được mát mẻ, trong lành để tận hưởng một mùa xuân mới đang về.

Nguồn: Bản tin Xã hội Nhân văn số Xuân Quí Tỵ 2013

 

Danh mục website