“Hương xuân” – hương hoa từ Phong trào Thơ mới

(Hà Minh Châu , Tạp chí ĐH Sài Gòn, Bình luận văn học, niên giám 2012)

Ra mắt bạn đọc khi Phong trào Thơ mới vừa khép lại thời kì vàng son, tập thơ Hương xuân không chỉ có ý nghĩa khẳng định sự góp mặt của các nhà thơ nữ mà còn khẳng định tiếng thơ riêng của các nhà thơ nữ tiêu biểu trong dòng chung Thơ mới.

Chuyen chua ke ve Nguyen Tuan va nu si Van Dai      

                                              Từ trái sang: Hằng Phương, Vân Đài,  Mộng Tuyết, Anh Thơ

Xuất bản năm 1943 tại Hà Nội, Hương xuân được xem là tuyển tập thơ nữ bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Trang bìa tập thơ in rõ: Hương xuân - Những vần thơ hay của mấy nữ thi sĩ – Vân Đài – Hằng Phương – Mộng Tuyết – Anh Thơ”. Rõ ràng, trong hành trình chuyển động mạnh mẽ với không ít thăng trầm để chiếm lĩnh đời sống và phát triển rực rỡ của Phong trào Thơ mới, dẫu các nhà thơ nữ không là những vầng sao toả sáng để người đọc ngưỡng vọng như nhiều nhà thơ nam cùng thời nhưng họ đã ghi dấu son bằng những vần thơ gây ấn tượng với một tuyển tập thơ riêng mang sắc thái mới, cùng những giãi bày xúc cảm rất riêng…

Phong trào Thơ mới được khởi xướng từ phương Nam và trở thành một sự kiện văn học sử. Trong cuộc khẩu chiến và bút chiến về cái hay, cái dở của thơ cũ và thơ mới cách đây tám mươi năm, việc nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh đăng đàn diễn thuyết về Thơ mới, tranh luận hùng hồn về Thơ mới, góp phần gây dựng Phong trào Thơ mới bằng những cuộc diễn thuyết và bằng những bài thơ mang sắc thái mới đã trở thành một hiện tượng đặc biệt trong làng báo và trên văn đàn miền Nam thập niên ba mươi của thế kỉ hai mươi.

Hành trình đến với Thơ mới của nữ sĩ Manh Manh không lẻ loi, đơn độc giữa đông đảo những nhà thơ nam. Bởi lẽ, dù không phải tức thì nhưng sau Manh Manh không lâu, các nhà thơ cùng giới đã xuất hiện với những bài thơ được gọi là Thơ mới. Nếu như trước đó, Đoàn Thị Điểm, Lê Ngọc Hân, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan… viết văn, làm thơ bày tỏ nỗi lòng trong hoàn cảnh xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ nặng nề thì những năm ba mươi, các nhà thơ nữ làm thơ trong bối cảnh thuận lợi hơn: văn hoá phương Tây và văn chương Pháp được truyền bá; ý thức cá nhân, tình cảm cá nhân được đề cao và đặc biệt, ý thức nữ quyền được khơi dậy. Họ làm thơ chẳng phải để cạnh tranh hòng chứng tỏ thơ họ bằng thơ nam giới, mà là để khẳng định chính mình từ khát khao được giãi bày như các nhà thơ nữ của thời kì xã hội phong kiến và từ ý thức về sự đổi mới của thơ. Phong trào Thơ mới trở thành thửa đất ngọt ngào cho Thơ mới của nữ giới bén duyên.

Sự xuất hiện tiếp nối nhau của các cây bút nữ tuy không gây bất ngờ trên thi đàn những năm ba mươi, bốn mươi, tuy không khiến độc giả sửng sốt nhưng đã trở thành hiện tượng khiến làng thơ rộn ràng. Bởi lẽ không kể là người sinh ra và ngụ ở đất Bắc hay ở trời Nam, từ Nguyễn Thị Manh Manh, Mộng Tuyết đến Đạm Phương, Trần Kim Phụng, Trần Ngọc Lầu, Anh Thơ, Ngân Giang, Vân Đài, Hằng Phương… tất cả họ đều đã hội nhập với phong trào bằng tâm hồn, cảm xúc và giọng thơ mang hương sắc riêng, ăm ắp thiên tính nữ. Trong số đó, những gương mặt thơ nữ góp phần tạo nên sự khởi sắc của Thơ mới nữ giới như Vân Đài, Hằng Phương, Ngân Giang, Mộng Sơn, Anh Thơ, Mộng Tuyết thuở ấy được coi là những tài nữ của phong trào. Sau này, chính Anh Thơ đã khẳng định sự đóng góp của thơ họ cho Phong trào Thơ mới: “Một Anh Thơ chân tình mộc mạc, một Mộng Tuyết trong trẻo, hồn nhiên, một Ngân Giang tài hoa, cổ kính, một Hằng Phương đằm thắm, ngọt ngào, một Vân Đài duyên dáng dịu nhẹ…và bấy nhiêu thôi cũng đủ góp phần cho cung đàn thơ ca Việt Nam thêm đa dạng về âm sắc và giọng điệu” [4, tr.463].

Ngay khi thời đại Thơ mới – “một thời đại vừa chẵn mười năm” – vừa khép lại, Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân xuất hiện (1942). Một năm sau (1943), Nhà xuất bản Nguyễn Du (Hà Nội) cho ra mắt bạn đọc tập thơ Hương xuân. Thi nhân Việt Nam được xem là sự khám phá và đánh giá đầu tiên đối với Thơ mới. Đó là một hợp tuyển gồm tiểu luận nghiên cứu phê bình, những bài giới thiệu 46 nhà thơ kèm phần bình thơ và tuyển chọn hơn 160 bài thơ từ góc nhìn tinh tế và từ sự cảm thụ sâu sắc của nhà phê bình. Riêng Hương xuân thuần tuý là thơ tuyển. Vì thế, tập thơ được xem là tuyển tập thơ nữ bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam.

Nếu như trong Thi nhân Việt Nam, thơ của bốn nữ sĩ được chọn đưa vào thật ít ỏi (Anh Thơ có bốn bài, Mộng Tuyết hai bài và Vân Đài, Hằng Phương mỗi người chỉ một bài) thì trong Hương xuân, các bài thơ được tuyển đủ cho thấy được lối thơ, giọng thơ, ý thơ và tình thơ mà các nhà thơ đã đặt vào trong đó. Vân Đài, Hằng Phương, Mộng Tuyết, Anh Thơ vốn là bốn trong số sáu tài nữ của phong trào. Hơn nữa, Anh Thơ đã từng nhận được giải khuyến khích trong cuộc thi văn chương do Tự lực văn đoàn tổ chức năm 1939 với tập thơ Bức tranh quêMộng Tuyết nhận được bằng khen về thơ cũng trong cuộc thi ấy với tác phẩm Phấn hương rừng. “Những vần thơ hay” được tuyển chọn trong Hương xuân ắt hẳn xuất phát từ chính giá trị của chúng và từ nhu cầu thưởng thức của người yêu thơ. Vì thế, lẽ đương nhiên, tập thơ có ý nghĩa là hương hoa, hương xuân của Phong trào Thơ mới.

Thoát khỏi sự lệ thuộc lối thơ Đường với “khuôn phép tỉ mỉ”, lối thơ cũ gò bó, các nhà thơ của Phong trào Thơ mới đã tìm đến lối thơ Pháp và làm mới các thể thơ truyền thống bằng nhiều sáng tạo để phơi trải ý tình. Không nổi bật, đặc sắc như các nhà thơ nam cùng thời với những cách tân táo bạo, những liên tưởng dồi dào hay cách thể hiện cuồng nhiệt với tình yêu tận hưởng, quằn quại trong tình yêu tan tác…,  Hương xuân là một hương sắc bình dị, khiêm nhường của các nhà thơ nữ. Tuy nhiên, chính sự bình dị, nhẹ nhàng, khiêm nhường nữ tính ấy đã trở thành những đặc trưng của thơ họ, khó có thể tìm thấy ở thơ của các nhà thơ nam. Từ góc nhìn của một nhà phê bình nam, tác giả của Thi nhân Việt Nam đã cảm nhận và phát hiện nét chung này của thơ nữ. Nhận định về thơ Vân Đài, Hoài Thanh cho rằng: “Lời thơ bao giờ cũng nhẹ nhàng êm ái. Ít khi tiếng Nam có vị ngọt ngào như thế” [3, tr.249]. Với Hằng Phương, ông khẳng định: “Thơ Hằng Phương cùng một giọng êm dịu, ngọt ngào như thơ Vân Đài” [3, tr.328] và “lời thơ thực yểu điệu dễ thương”. Thơ Mộng Tuyết, theo Hoài Thanh, là “những lời tuy bình dị mà có một vẻ yêu kiều riêng tưởng ngòi bút đàn ông khó có thể viết ra được” [3, tr.323]. Đó cũng là nét riêng biệt và tiêu biểu của thơ nữ so với thơ nam.

Trong Hương xuân, các nhà thơ hầu như sử dụng các thể thơ dân tộc quen thuộc như thơ năm chữ, bảy chữ, lục bát, thơ tám chữ. Sự tìm tòi, đổi mới của thơ họ thể hiện ở việc gia tăng các khổ thơ, câu thơ hoặc thay đổi nhịp thơ, vần điệu, từ ngữ… Sự đổi mới ấy tuy không đặc biệt nhưng cho thấy ít nhiều nét sáng tạo. Sự đổi mới ấy cho thấy ý thức và nỗ lực kiếm tìm cách thức để làm mới thơ nhưng nó vẫn không làm thay đổi lối thơ trong sáng, chân thành; giọng thơ uyển chuyển, êm đềm của các nhà thơ nữ.

Trong Hương xuân, cảm hứng thổ lộ, giãi bày khơi nguồn cho mạch thơ của các nhà thơ nữ.

Những bài thơ của Vân Đài được tuyển chọn hầu như gắn với mạch cảm xúc hồi tưởng về những kỉ niệm đã xa hiện ra trong hoài niệm của nhà thơ. Uyên ương, Người đi, Đêm ấy, Mộng xưa, Mười năm qua là thế giới của nỗi nhớ được tái hiện trong lời tình tự của tác giả ở nhiều bối cảnh khác nhau. Đó là hồi ức của người chị, người bạn, người vợ về người em, người bạn và người chồng khi “nhớ lại ngày còn bé” hay “thuở yêu nhau quấn quýt nhau”  (Uyên ương), “nhớ lại khi còn tóc chấm vai” (Mộng xưa), nhớ “buổi ấy rừng cây trĩu ánh trăng” (Người đi), nhớ “một tối nào” (Đêm ấy) “dưới gốc me ngày nào” (Mười năm qua)… gắn với trình tự của những câu chuyện, cảnh vật cụ thể. Những nhớ thương không mãnh liệt, da diết nên phù hợp với giọng thơ nhẹ nhàng, đều đặn. Nhưng sự nhẹ nhàng, đều đặn ấy không nhạt nhẽo, đơn điệu mà lại truyền cảm, gợi cảm giác man mác, bàng bạc những nhớ nhung về gia đình, bè bạn – những tình cảm tự nhiên và quen thuộc của mỗi người.

Cũng như thơ Vân Đài, thơ Hằng Phương trong Hương xuân có nhiều bài là sự hồi tưởng đầy xúc cảm của tác giả về quá khứ. Đó là những ngày Tết thuở bé (Tết xưa), là hình ảnh người mẹ thương yêu đã mất (Nhớ mẹ), là quê nhà đã xa (Tư cố hương, Thu nhớ nhà, Chiều hè đứng bên sông). Từ những ấn tượng về cảnh sắc của thiên nhiên, Hằng Phương đã tô nên những sắc hương đậm đà cho các bài thơ tả cảnh. Ba bài thơ tả cảnh vật ở ba thời khắc khác nhau trong ngày (Bình minh, Trăng lên, Tịch mịch) là kết quả của sự nhạy cảm trong quan sát, cảm nhận và sự mạnh mẽ trong cảm xúc trước những ấn tượng nhận được từ thiên nhiên. Sương đọng trên cành như “rưng rưng hạt ngọc long lanh”, cánh hồng khoe tươi “dường như mới gặp được người tình xa”, chuông chùa đồng vọng “theo làn ánh bạc lọt qua song cài” hay đêm tịch mịch nặng nề trôi qua “dường như vũ trụ thở ra nghẹn ngào”… là những hình ảnh liên tưởng thấm đẫm cảm xúc và cảm giác của nhà thơ. Phong phú, sống động về đề tài và cách thể hiện, da diết, dào dạt trong lời thơ, giọng thơ – những đặc điểm đó đã làm nên sức quyến rũ lắng sâu của thơ Hằng Phương.

Năm bài thơ của Anh Thơ (Xuân quê, Đêm ba mươi tết gửi Ái Mai, Nàng tiên, Sớm hè, Nắng) được tuyển chọn trong Hương xuân tuy khá khiêm tốn so với số lượng thơ của tác giả nhưng thể hiện những đề tài khác nhau (cảnh vật, gia đình, chốn thị thành, nàng tiên trong tưởng tượng), không chỉ là cảm hứng với cảnh vật đồng quê như người ta thường nghĩ, nhất là từ khi tập Bức tranh quê của nhà thơ đoạt giải. Nổi trội nhất ở các bài thơ này là dụng ý sử dụng từ láy và khả năng sử dụng từ láy của Anh Thơ khi miêu tả cảnh vật, dáng vẻ và tâm trạng con người. Nó cho thấy sự đa dạng về đặc điểm, tính chất của cảnh và mức độ cảm xúc của con người. Và nổi trội ở các bài thơ còn là cảm xúc vui tươi, yêu đời với những câu thơ nhịp nhàng, hình ảnh sinh động, khoáng đãng. Đó là những điều dễ khiến người yêu thơ vui và thích thú.

So với thơ của ba nhà thơ nữ kể trên trong Hương xuân, thơ Mộng Tuyết có nhiều đổi mới và sáng tạo hơn hết, tiêu biểu là ở mặt phá cách về số chữ trong câu thơ và sự đổi nhịp trong câu thơ, đoạn thơ. Những bài thơ của Mộng Tuyết trong Hương xuân (Em không là thi nhân, Xấu hổ, Chơi vơi, Trả thù, Hương rừng, Ngấn yêu, Lời hoa dại, Đêm sóng gió) đều là những bài thơ về tình yêu. Đó là tình yêu trong sáng, chân thành của một trái tim yêu hồn nhiên, ngây thơ được thể hiện trong dòng cảm xúc dạt dào, nồng nàn nhưng lời thơ rất đỗi đằm thắm, dịu dàng.

Trong Hương xuân, hiển hiện trong thơ của mỗi nhà thơ là giọng điệu, tình ý riêng của mỗi người. Qua Hương xuân, dẫu có bài chưa hay, chưa gợi cảm xúc nhưng người yêu thơ không khó nhận ra vẻ đẹp chung của tập thơ từ những bài thơ cụ thể: cảm hứng thổ lộ, giãi bày; cảm xúc chân thành, đằm sâu và  giọng thơ uyển chuyển, nhẹ nhàng thủ thỉ… Hương xuân là tiếng nói bình dị, khiêm nhường nhưng lạ và riêng trong Phong trào Thơ mới.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     

các công trình nhìn lại và đánh giá về Phong trào Thơ mới như Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân, Thơ mới những bước thăng trầm của Lê Đình Kỵ, Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca do Huy Cận – Hà Minh Đức chủ biên, Văn học lãng mạn Việt Nam (1930 – 1945) của Phan Cự Đệ…, các nhà nghiên cứu không đặt ra vấn đề về thơ nữ của thời kì này và cũng không có những nhận định, đánh giá chung. Hầu như chỉ một vài người trong số họ được nhắc đến cùng với  hàng loạt nhà thơ nam, nhiều nhất có Anh Thơ, thỉnh thoảng có Mộng Tuyết hay Vân Đài, Hằng Phương. Với Hương xuân, các nhà thơ nữ đã cho người đọc cảm nhận được những gì họ có được và làm được cho Phong trào Thơ mới.

HMC

 

Tài liệu tham khảo

1.      Huy Cận, Hà Minh Đức (1993), Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca (60 năm Phong trào Thơ mới), Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

2.      Vân Đài, Hằng Phương, Mộng Tuyết, Anh Thơ (1943), Hương xuân, Nxb. Nguyễn Du, Hà Nội.

3.      Hoài Thanh, Hoài Chân (2011), Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội.

Viện Văn học (2002), Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Danh mục website