Trương Chi – từ truyện cổ đến bi kịch tự ý thức của kiếp người

Họ và tên SV: Trần Phượng Linh

Lớp Cử nhân tài năng khóa 2009 - 2013 

              Huyền thoại hóa và giải huyền thoại là một trong những xu hướng nổi bật nơi những sáng tác truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Ở đấy, tâm thế đối diện và đối thoại với huyền thoại trở nên rất rõ rệt, với các sắc thái biểu hiện khác nhau. Với Trương Chi, Nguyễn Huy Thiệp đã tiếp nối nguồn cảm hứng từ nhiều thế hệ, với hình tượng và số phận này, để kể câu chuyện của riêng mình. Đó là câu chuyện về tình yêu, nỗi buồn thân phận và sự ý thức bản thể sâu sắc. Thông qua việc so sánh đối chiếu liên văn bản, những lớp hàm ngôn của tác phẩm có thể được bóc tách và nhìn nhận một cách tinh tế.

              Nếu xem liên văn bản là một thuộc tính của văn học thì đúc kết qua truyện ngắn này, có thể thấy, nó mang tổng hòa những dấu vết từ một số văn bản đã tồn tại trước đó. Lấy tác phẩm làm trung tâm, thì những văn bản kia là lớp trầm tích bao bọc xung quanh chứa nguyên liệu tạo nên câu chuyện. Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp phảng phất bóng dáng từ truyền thuyết với các dị bản khác nhau, với truyện thơ Nôm dân gian. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi đi vào so sánh đối chiếu truyện ngắn Trương Chi với truyền thuyết Trương Chi Mỵ Nương, trên bình diện bảo lưu và sáng tạo.

              Có thể thấy, ngay từ tên gọi, Trương Chi đã gợi đến một tín hiệu liên văn bản. Đó là sự tái hiện hình bóng nhân vật huyền thoại, để biến thành con người mang hơi thở hiện đại, thậm chí hậu hiện đại. Trong truyền thuyết, Trương Chi được phác họa với những nét khá đơn sơ và khái quát, còn Nguyễn Huy Thiệp lại biến đấy thành nhân vật trung tâm đặc sắc chi phối toàn bộ mạch truyện. Tựa đề Trương Chi báo hiệu cho màu sắc huyền thoại ở đây, đồng thời cũng khiến người ta phải phân vân giữa việc xác định cái thiêng hóa và sự giải thiêng truyện cổ.

              Tuy vậy, sự phân vân đó được xác tín rất sớm, ngay từ các chi tiết đầu tác phẩm. Bằng việc viện đến thủ pháp cắt dán, Nguyễn Huy Thiệp dùng hai câu thơ Nôm lưu truyền trong dân gian làm lời đề từ. Nó vừa mang tính giới thiệu, vừa như sự nối dài từ cảm thức truyền thống đến nhãn quan hiện đại. Hai câu thơ đã phục dựng lại Trương Chi ở một số nét chính yếu, theo chọn lựa của Nguyễn Huy Thiệp. Và các chọn lựa này đã được biểu hiện xuyên suốt trong tác phẩm, cho thấy bi kịch của nhân vật, theo đó, bắt nguồn từ sự chênh lệch giữa các phạm trù giá trị: “xấu” – “hay”, sang – hèn, v.v. Từ đấy, tác giả đã bộc lộ một cách mạnh mẽ và dứt khoát tư duy của mình khi tái hiện lại Trương Chi trong khát vọng sáng tạo riêng.

              Nói cách khác, việc xác lập cảm hứng thiêng hóa hay giải thiêng được biểu hiện ngay từ những chi tiết đầu câu chuyện. “Chàng trật quần đái vọt xuống dòng sông”, một tình huống khá trần trụi và khác biệt. Không gian mặt nước, dòng sông là hiện thân cho toàn bộ đời sống của Trương Chi, chàng tồn tại trên nó và sống nhờ vào nó. Hành động dữ dội đầu tiên nọ như một sự làm mới huyền thoại lập tức, để bộc lộ cảm thức phản kháng về kiếp sống tầm thường u uẩn, cũng là bắt đầu đi vào giải huyền thoại. Và Nguyễn Huy Thiệp, từ chi tiết nọ, đã thể hiện nhãn quan này bao quát tác phẩm. Đó là việc ứng dụng xu hướng liên văn bản dưới ánh sáng hậu hiện đại.

              Trong tương quan đối sánh với truyền thuyết Trương Chi, Mỵ Nương, tác giả đã tái sử dụng khá nhiều yếu tố và xem đó là khung nền hình thành cốt truyện. Như thế, với những cảm thức sẵn có từ nguồn văn hóa dân gian, câu chuyện này với thân phận này, hẳn sẽ tạo nên một miền liên tưởng rộng và sâu cho người tiếp nhận. Đồng thời, nó càng làm nổi bật tính đối thoại của câu chuyện, xuyên thời gian, không gian và tư tưởng, để buộc con người phải tự tra vấn, tự tư duy và khơi gợi nhận thức cho riêng mình.

              Nhìn chung, các yếu tố được bảo lưu thuộc về khía cạnh nền tảng và căn bản. Đó là nhân vật, hoàn cảnh và định hướng chung cho câu chuyện. Với việc dựng lại những chi tiết này, Nguyễn Huy Thiệp đã bước đầu đi vào một huyền thoại, để rồi dẫn đến xu hướng giải huyền thoại. Trong chuyện, đối tượng vẫn là Trương Chi và Mỵ Nương với các thuộc tính cơ bản truyền thống: xấu xí, nghèo khổ, hát hay hoặc sang trọng, xa vời, v.v, cũng như các mối quan hệ và không gian sống đi từ dân gian vào đó. Tuy nhiên, có thể thấy, lớp vỏ bên ngoài đã được tác giả viết lại và viết kỹ hơn so với truyền thuyết, nhằm tạo lập thế giới nghệ thuật chủ đạo cũng từ truyền thuyết ấy sinh ra. Và trên cái nền vững chãi được xây nên, Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu cuộc đối thoại táo bạo của mình.

              Ở đây, Trương Chi, Mỵ Nương không đơn thuần là những nhân vật dân gian nữa, mà đã trở thành con người thân phận, đặc biệt là Trương Chi. Tính thân phận là đặc trưng nổi bật khiến chàng mang một tư tưởng, một tư duy, một nhận thức về bi kịch. Trương Chi chính thức trở thành con người cá nhân với cả ánh sáng lẫn bóng tối tâm hồn. Nguyễn Huy Thiệp đã sáng tạo và bồi đắp cho nhân vật một thế giới quan phong phú của nội tâm, ý nghĩ và cái nhìn riêng biệt. Đấy là những yếu tố chủ đạo trong việc xác lập con người thân phận với cảm tưởng về cá nhân sâu sắc. Bi kịch, theo đó, biến thành vấn đề nội tại, được tri nhận từ bên trong, chứ không bất khả tri trong dòng lịch sử như truyện cổ. Cũng vì thế mà nó trở nên day dứt và dữ dội hơn nhiều lần.

             Trương Chi, qua điểm nhìn của Nguyễn Huy Thiệp, hiện lên với diện mạo thô ráp và trần trụi. Đó không phải là hình bóng của người nghệ sĩ lãng đãng in bóng lên dòng sông, mà là dáng dấp của con người trần tục thức tỉnh ý hướng chân thiện mỹ bằng tiếng hát. Dĩ nhiên, tiếng hát cũng chỉ là một hình thức biểu đạt khác của dòng chảy tâm hồn, mà ở đây được tác giả dùng đến như một biểu tượng. Khi Trương Chi hát, tức là chàng đang ý thức và tra vấn về đời sống, số kiếp, bằng chính giọng điệu từ lòng mình. Ở Trương Chi, hai khía cạnh u tối và cao thượng hiện lên rõ nét, đan xen lẫn nhau. Một mặt, chàng thường xuyên văng tục và cay đắng, mặt khác, lại gửi gắm những cảm thức triết mỹ sâu sắc qua tiếng hát – thanh âm của tâm hồn. Điều này gắn bó với tương quan trong truyện cổ, đó là sự đối lập giữa giọng hát và vẻ ngoài của chàng đánh cá, nhưng Nguyễn Huy Thiệp biến cái xấu xí của dung mạo thành sự thô tháp, trần tục trong đời sống và hành động. Đấy là sự đào sâu của tác giả nhằm biểu hiện cái bi kịch sâu xa hơn của kiếp người, sâu xa hơn vấn đề mối quan hệ giữa bề ngoài và tài năng.

              Trương Chi bây giờ là con người cá nhân với ý thức u hoài và cay đắng về thân phận. Bằng việc thay đổi một số chi tiết cốt lõi, toàn bộ bi kịch tình yêu này được lật lại, để trở thành bi kịch tuyệt vọng của sự nhận thức bản thể. Ngày xưa, Trương Chi chết vì bế tắc trong mối tình câm, ngày nay, chàng cũng chết, nhưng vì bế tắc trong việc vượt thoát khỏi số phận. Đấy là sự trưởng thành trong ý thức con người hiện đại, so với nhãn quan dân gian, bắt nguồn từ bối cảnh thời đại. Vấn đề bây giờ được mở rộng thành nỗi đau buồn của kiếp người, khi nhìn nhận quá rõ rệt về cuộc đời trần trụi. Từ khi gặp Mỵ Nương, Trương Chi biết đời mình không còn nghĩa lý gì để tiếp tục sống. Sự ám ảnh của cái đẹp hoàn mỹ đã thôi thúc người ta tự tra vấn và thức tỉnh chân giá trị cuộc đời. Bi kịch của Trương Chi chính bởi, đời chàng là một vũng tù đọng bấy lâu bất khả tri, giờ đã được lôi ra trần trụi trong ánh sáng. Trương Chi không thể sống tiếp vì những mối dây nối chàng với hiện thực đã đứt gãy trầm trọng, đã tiến gần về bờ hủy diệt. Nói cách khác, nhờ sự thấu đáo nghiệt ngã của mình, chàng phải chọn lựa khước từ hiện thực. Mỵ Nương trở thành biểu tượng cho cái đẹp tuyệt đối, nhưng chỉ thuộc về phạm trù khát vọng thôi, nên mãi mãi mơ hồ xa vắng. Bi kịch dân gian đã trở thành bi kịch chung của nhân loại, khi được thay đổi động lực của vấn đề.

              Xuyên thấm trong câu chuyện là sự ứng dụng thủ pháp dòng ý thức. Đấy là phương cách chủ đạo để Nguyễn Huy Thiệp bồi đắp cho thế giới nội tâm của nhân vật, biến đấy thành nhân vật của tâm lý và triết lý. Qua những cuộc tái hiện và độc thoại nội tâm (chủ yếu bằng tiếng hát), Trương Chi mang một bề sâu của lương tri và sự tự nhận thức. Nó vượt qua các biểu hiện thô ráp, dữ dội bên ngoài, để làm nên vẻ đẹp cho nhân vật bi kịch. Hơn nữa, chính cái thô ấy, kết hợp với những suy tư triết lý, tạo nên hai mặt biện chứng mà thống nhất cho nhân vật này, đưa chàng thành hiện thân cho tâm thức nhân loại, tâm thức tự nhiên nói chung. Bằng hơi hướng dòng ý thức, toàn bộ các diễn biến phức hợp và tinh tế của tâm tư đã bồi đắp trọn vẹn cho Trương Chi, tô đậm hơn nét thân – phận – cá – nhân của hình tượng.

              Về kết thúc câu chuyện, Nguyễn Huy Thiệp vẫn để Trương Chi chết, nhưng với một tâm thế hoàn toàn khác. Ở đấy không có sự day dứt ân hận của Mỵ Nương, mà chỉ có những lời văng tục cay đắng cuối cùng, và cảm thức về sự tàn nhẫn phi lý. Phi lý của có lý, bởi: “Lẽ đời là thế.” Câu chuyện kết thúc bằng sự phủ định kết thúc dân gian về niềm tin “tuyệt diệu và cảm động” bằng cái nhìn quyết liệt và trần trụi nhất. “Lẽ đời là thế”, là bất công và phi lý tự sâu xa.

              Cái kết này liên quan đến nước mắt của Mỵ Nương. Cuối cùng Mỵ Nương không khóc vào lúc ấy, mà theo Nguyễn Huy Thiệp, đã dành những “giọt nước mắt long lanh” khi nghe Trương Chi hát về tình yêu. Có lẽ đấy là sự đền bồi chân thiện mỹ trọn vẹn hơn cả, theo góc nhìn riêng của tác giả. Và ở đây, Trương Chi cũng khóc: “Chàng khóc. Không có nước mắt. Chàng cắn vào ngón tay. Một đốt ngón tay đứt trong miệng chàng.” Cái dữ dội trong tiếng khóc của Trương Chi là hiện thân cho toàn bộ nỗi buồn sâu rộng của kiếp người, có vượt ra ngoài thể xác và lý tính. Nó là nỗi buồn truyền kiếp cho những nhận thức về lẽ tồn tại.

              Có thể nói, bằng cảm quan hậu hiện đại, Nguyễn Huy Thiệp đã đối thoại với truyện cổ bằng ý thức giải huyền thoại và thời sự hóa. Trương Chi, với dòng tư tưởng và bi kịch cá nhân, đã cất lên tiếng nói cho những trăn trở của ngày hôm nay, của thời đương đại. Đó là con người bất ổn trong sự tồn tại, luôn có ý thức về thân phận nhưng đồng thời đi đến tuyệt vọng trong khao khát chạm tới cái đẹp tuyệt đối. Đó cũng là biểu hiện của kiếp người lạc lõng với thời cuộc và xa lìa với đám đông. Các nhân vật đám đông được bổ sung vào câu chuyện, phụ họa, phán xét, ép buộc Trương Chi hát, chính là biểu tượng cho áp lực và sự hỗn loạn nơi cộng đồng. Nói cách khác, đấy là sự phản kháng quán – tính – bầy – đàn, một đặc điểm của văn học phi lý, đã được Nguyễn Huy Thiệp vận dụng để lý giải cho góc nhìn thời đại. Một góc nhìn cay đắng, u uẩn nhưng cũng rất tự nhiên, chân thật và thấu suốt.

              Tựu trung lại, thông qua việc vận dụng và sáng tạo những chất liệu từ truyền thống dân gian, đặc biệt là truyền thuyết Trương Chi, Mỵ Nương, Nguyễn Huy Thiệp đã thực hiện quá trình giải huyền thoại khéo léo nhằm tạo lập nhãn quan và thế giới quan riêng biệt. Kể lại một câu chuyện, với ông, chính là cuộc đối thoại công bằng với cội nguồn văn hóa lịch sử, nhằm khơi gợi ý thức tra vấn, để hướng đến quan niệm chân thiện mỹ giữa thực tiễn cuộc đời.

Danh mục website