Tà áo lụa giữa những cánh sen

               (Nguyên tác : Un lembo di seta tra i fori di loto)

                                  Bản dịch của Trương Văn Dân

Không khí ngạt thở bởi giao thông trong các thành phố lớn. Đó là cảm giác đầu tiên khi ghé thăm một đô thị lớn dù là Á hay Âu, ngạt thở vì hơi nóng, bụi bặm, khí thải từ các phương tiện giao thông,  khó chịu vì tiếng ồn ào của xe cộ và tiếng còi xe. Tôi nhận ra là sống trong điều kiện ấy, dần dà người ta phát triển được khả năng thích ứng, giống như một sự cam phận.

Người ta làm quen và chịu đựng tất cả mọi thứ, dù lúc ban đầu không thể nào chấp nhận, thế mà về sau lại xem những vấn nạn đó như là điều hiển nhiên trong thế giới này. Nghĩa là tôi cũng quen dần với những tiếng ồn ào của xe cộ, với những phố xá đông người. Khi trở về Ý, ở một thị trấn nhỏ yên tĩnh hơn,  thật là vô lý, tôi lại thấy thiếu vắng đám đông người, thiếu vắng những tiếng động và mùi vị của Sài Gòn. Rồi khi trở lại Việt Nam, những thứ mà tôi cảm thấy “nhớ” kia lại xuất hiện và hằng ngày vây bủa lấy tôi.

Ở Ý, bạn bè rất nhiều người tò mò hỏi tôi là Việt Nam như thế nào, một đất nước xa xôi, khác biệt về khí hậu, ngôn ngữ và tập quán. Thường thì tôi nói về đời sống vô cùng khác biệt trong các thành phố lớn như Hà nội hay Sài Gòn so với các thôn xóm nằm giữa ruộng đồng bát ngát, khuất sau những luỹ tre xanh và các hàng dừa cao. Tôi luôn nói thêm là tôi rất nhớ màu xanh của lúa, các màu sắc của đồng quê, đây đó nổi lên một ngôi mộ cổ hay hiện lên một mái chùa, những ngôi nhà tranh có đàn gà cục tác hay các ao hồ có đàn vịt bình yên bơi lội. Nhưng cũng có lúc tôi nói với các bạn về sự giao thông hỗn loạn, rất giống nhau giữa các thành phố lớn, như Napoli ở Ý thì  chẳng khác Hà Nội là bao!

Ở Ý, hầu như suốt cuộc đời tôi luôn luôn là một cuộc chạy đua với thời gian. Đời sống hối hả, lúc nào cũng cuống cuồng: đi học, đi dạy, đi làm, tiếp xúc với mọi người trong cái nạn kẹt xe khốn khổ, nhiều khi ngồi bất lực một mình trong xe hơi, xung quanh được bao vây bởi những chiếc xe bất động khác. Chiếc đồng hồ trên tay tôi luôn được chỉnh nhanh hơn 15 phút để tránh việc đến nơi hẹn trễ. Luôn luôn “xung kích” , không bao giờ ngừng nghỉ.

Về sống ở Việt Nam có làm chậm tốc độ sống phần nào, nhất là thời gian đầu, nhưng sau này nhịp sống hối hả cũng bắt đầu xâm nhập ở nơi đây rồi!

Một buổi chiều, sau khi xong giờ dạy ở trường đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, vừa bước vào nhà thì chồng tôi nhắc:

-        Tối nay mình còn phải đi gặp các bạn nữa đó!

Chỉ có một ít thời gian để thay quần áo và chúng tôi đã ngồi lên xe máy. Sự giao thông thường lệ vào buổi chiều… rồi đây, chúng tôi sắp đến, rẽ qua một con hẻm nhỏ sau lưng Đài Truyền Hình thành phố và dừng lại trước một bảng hiệu có ánh đèn.

Tôi chẳng biết điều gì đang xảy ra: có một điều gì đó khác thường! Chỉ mới vừa lách qua một con hẻm mà tôi đã thấy như mình đã ở rất xa phố thị.

Ngồi trên căn gác có thành chắn làm bằng gỗ tre, những người bạn mời chúng tôi đi lên. Chỉ khi ngồi xuống chiếc băng dài làm bằng gỗ màu nâu sậm tôi mới nhận biết là mình đang ở đâu: một trà quán; trên các bức tường có treo các bức thư pháp viết trên các nan tre, nội dung về thiền trà và Phật giáo. Khi nhìn bức tượng Phật thật lớn đang ngồi kiết già thiền định ở trước mặt lòng tôi bỗng cảm thấy bình yên.

Người bạn mời chúng tôi đến đây là nhà văn Nhật Chiêu, hiện đang giảng dạy văn học ở trường Đại Học KHXH và Nhân Văn, người rất nổi tiếng về những tác phẩm văn chương và các công trình nghiên cứu về văn học Nhật và Anh. Đó là một nhà văn uy tín có tài năng nhưng rất khiêm tốn. Có lẽ nhờ bản tính hiền hậu nên ông được bạn bè ái mộ và có nhiều sinh viên quý mến.

Từ nhiều năm Nhật Chiêu là người bạn rất chân tình của chúng tôi và tôi tin không phải là một sự tình cờ mà hôm nay chúng tôi gặp gỡ ở đây. Bằng sự minh triết và ôn hoà, dường như ông muốn giới thiệu với tôi những điều tôi chưa biết.

Chính Nhật Chiêu đã giới thiệu tôi với bà Viên Trân bà chủ thiền trà, mà mới đầu tôi tưởng là một nữ đạo sĩ. Đó là một thiếu phụ có khuôn mặt dịu hiền, trong sáng và bình an. Bà mặc một chiếc áo dài bằng lụa mỏng có hai tà áo bay lất phất và thướt tha. Rất nhiều năm đã sống ở Việt Nam nhưng tôi không lúc nào không hâm mộ chiếc áo dài  truyền thống của đất nước này. Nhiều năm trước, lúc mới quen chồng tôi, khi đó là một chàng sinh viên mới sang Ý du học, anh đã kể cho tôi nghe rất nhiều điều: Nhiều lần lấy xe máy chạy ra cổng trường nữ trung học lúc tan trường để chờ các nữ sinh: Một biển người thướt tha trong chiếc áo dài tinh khôi, hai tà áo trắng cùng với mái tóc huyền tung bay theo gió. Một hình ảnh đến giờ vẫn còn làm tôi xúc động là khi nhìn thấy các  cô gái mặc áo dài trắng, thong thả dắt chiếc xe đạp trước cổng trường.

Chồng tôi rất thích nhìn phụ nữ mặc áo dài. Anh nói  thoạt nhìn trông nó cũng tương tự như các loại trang phục của các đất nước Á châu khác, thế nhưng khi trời có gió hay người mặc nó chuyển động, hai tà áo ve vẩy phất phơ  làm bước đi của người đàn bà  thanh thoát và uyển chuyển.

Tôi cũng có chiếc áo dài đầu tiên của mình khi về Việt Nam lần đầu để tổ chức đám cưới vào năm 1985. Mấy năm sau, đi dự đám cưới của hai người bạn Ý ở Milano, tôi cũng thấy cô dâu mặc áo dài mà cô đã  rất thích và đặt may trong một chuyến du lịch ở Việt Nam. Đó là kiểu áo, mà như tôi đã nói, người phụ nữ  nào có cơ hội mặc nó sẽ cảm thấy mình là một bà hoàng. Dù nó chỉ có một màu hay có được thêu những hoa văn  tuyệt đẹp hay không, nó vẫn luôn lịch sự và quyến rũ.

Và chiếc áo dài mà bà Viên Trân đang mặc cũng thế: được may bằng lụa có pha những sợi tơ óng ánh, bà còn lịch sự quàng một chiếc khăn trên cổ, nút thắt hờ, làm nổi bật màu xanh da trời của tơ lụa. Giọng nói của bà nhẹ nhàng, ngọt ngào và thanh thoát như tiếng đàn tranh của một cô gái  mảnh mai đang gẩy cùng với một thầy dạy đàn tranh, nhà thơ Lê Mộng Thắng. Ông ngồi  xếp bằng trên chiếc chiếu đặt trên nền nhà với nhạc cụ của mình. 

Tôi ngồi quan sát các cử chỉ thành thạo và điệu nghệ của bà Viên Trân lúc pha trà. Mỗi loại trà được chọn lựa tuỳ theo khoảnh khắc thích hợp chứ không phải tình cờ.

Bà Viên Trân giải thích là bà đang chọn trà tẩm hương sen, rồi thông cảm với vẻ tò mò của khách, bà đưa cho tôi một búp sen có những cánh vừa hé mở, bên trong có một nhúm trà và đỉnh hoa được cột lại bằng một sợi vải. Bằng cách đó, sau một thời gian trà sẽ được tẩm hương sen và toả ra trong bình trà lúc được pha nước nóng. Trong lúc quan sát các cử chỉ thành thạo của bà từ lúc châm nước sôi vào bình trà, bỏ trà vào, châm thêm nước sôi rồi sau một lúc, đổ đi. Sau hai lần như vậy bà mới châm nước sôi vào bình trà, đậy nắp và đặt giữa những chiếc tách nhỏ đã chuẩn bị từ trước.

Căn phòng lúc này thoang thoảng hương sen. Không gian yên tĩnh và thanh thoát còn thú vị hơn từ những lời trò chuyện nhẹ nhàng, từ  tiếng cười đầy tính bạn bè được đệm bằng tiếng nhạc êm dịu của hai chiếc đàn tranh. Cả thầy và trò cùng dạo nhạc và có một lúc, nhà thơ Lê Mộng Thắng còn cao hứng buông đàn để ngâm Kiều và mấy bài cổ thi, giọng ngâm ấm áp của ông được cô học trò điểm nhẹ bằng vài tiếng đàn tranh.

Trước khi uống trà, bà Viên Trân rót cho mỗi người một chén rượu nhỏ rất thơm. Bà nói đó là thứ rượu sen do mà bà tự làm, theo một công thức từ đời Trần, cách nay mấy thế kỷ. Tôi không quen uống rượu, nhưng vì tò mò và không muốn mất một chút gì trong giây phút đặc biệt nầy nên cầm lấy chén rượu nhỏ bà đưa. Hơi nóng của rượu lan khắp toàn thân lúc tôi nhấp những giọt cuối trên môi.

Chỉ sau khi mọi người uống cạn chén rượu sen bà Viên Trân mới bắt đầu chiết trà ra các tách nhỏ đang đặt thành vòng tròn trên mặt bàn. Tia nước từ vòi của ấm trà như đang vẽ một đường cong liên tục trong không gian, lên xuống nhịp nhàng từ tách đầu đến tách cuối. Bằng một động tác thật thuần thục, cổ tay thon mềm của bà chuyển động nhẹ đến nỗi như không thể nào nhận biết, bà chiết đầy trên tất cả các tách trà. Tôi có cảm giác là thời gian đã ngưng lại trong khoảnh khắc đó: Chẳng quan trọng là mình đang ở đâu, đang làm gì, ở đây không có chỗ cho quá khứ với những muộn phiền mà cũng chẳng còn chỗ cho tương lai với bao ẩn số.

Không. Chỉ còn lại khoảnh khắc vô tận này, khi tôi ấp tách trà nóng ngào ngạt hương sen giữa hai lòng bàn tay. Tôi cảm nhận được tất cả những cảm giác của mình. Một niềm xúc động sâu xa, có mang theo hậu vị thơm ngon từ chén rượu sen vừa nhấp. Hơi nóng của trà lan khắp toàn thân, và đó là một điều gì rất lạ, tuy rất “vật lý”, bên ngoài mà hình như đã mang lại cho tôi một sự bình an ở bên trong. Đó chính là niềm vui khi nhận một món quà không mong đợi, một thứ hơi ấm của tình người, có những người bạn quây quần bên nhau.

Biết bao điều tôi học được trong tối ấy! Tôi nhớ là sau đó bà Viên Trân đã mang ra mấy chiếc bánh đậu xanh mà chúng tôi nhâm nhi lúc uống trà.

Tôi còn gặp những người bạn quý và bà Viên Trân vào những lần khác trong quán trà, chúng tôi đã trao đổi rất nhiều chuyện quanh ấm trà làm khép lại những cánh hoa sen và tách trà ngào ngạt hương thơm, thế nhưng lần nào tôi cũng đều sống lại và cảm nhận cái không khí thân tình và thanh thoát đó.

Sự hài hoà của âm nhạc, của lời nói thân tình, sức nóng và mùi vị đặc biệt của rượu sen được đưa lên khi tiếp xúc với trà nóng, chiếc bánh đậu xanh, tiếng xào xạc và màu sắc quyến rũ của những tà áo dài, sự thanh thản của giây phút sống bên cạnh nhà văn Nhật Chiêu, bà Viên Trân cùng các người bạn khác như nhà thơ Lê Mộng Thắng, nhà báo Ngân Hoa... chính là lý do làm tôi rất yêu mến đất nước này. Dù đã nhiều năm sống ở đây nhưng với tôi, lúc nào tôi cũng cảm thấy là còn nhiều điều cần phải khám phá. Và kinh ngạc.

Elena Pucillo Truong

 Saigon 7-2012

 

Nguồn: Tập san Quán Văn số 009, tháng 10-2012

Thông tin truy cập

60534443
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15936
10018
60534443

Thành viên trực tuyến

Đang có 319 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website