Vai trò của trật tự từ trong tiếng Việt

 

 

Tiếng Việt dùng trật tự từ ngữ để tạo câu. Nhà nghiên cứu Lê Văn Lý dùng 5 từ nó, bảo, sao, không, đến để tạo ra hơn 40 câu khác nhau: Nó bảo sao không đến?  Nó bảo không đến sao? Bảo nó sao không đến? Bảo nó đến sao không? Bảo nó sao đến không? Sao đến không bảo nó? Nó đến bảo không sao? Nó đến bảo sao không? Nó đến không bảo sao? Đến nó bảo không sao.  Nó đến sao không bảo? Không đến bảo  nó sao?...

            Như vậy, thay đổi trật tự từ là thay đổi nghĩa của câu, làm một câu đơn giản thành rắc rối, làm một câu đúng thành câu sai hoặc ngược lại …Có thể thay đổi trật tự từ nhằm đạt một dụng ý.

            Hai câu dưới đây rất đơn giản tưởng như không khác nhau  gì:

-         20 con vịt vẫn còn.

-         Vẫn còn 20 con vịt.

            Thực ra,  có thể hiểu câu thứ nhất là thật may đàn vịt  20 con  không bị mất mát gì trong vụ dịch cúm gia cầm vừa qua chẳng hạn. Còn  ở câu thứ hai lại được hiểu là trong vụ dịch cúm gia cầm vừa qua chẳng hạn, đàn vịt  trước đây có nhiều, nay vẫn còn 20 con. Vậy là vẫn còn may, đàn vịt không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đôi khi đảo trật tự làm thay đổi sắc thái rất tinh tế nên người nói có thể mắc những sai lầm đáng tiếc. Quảng cáo dầu xả C. trên truyền hìnhCòn đâu 5 mùi khó chịu’ đã gợi ra nỗi niềm nhớ nhung, luyến tiếc. Bạn có thể liên hệ điều này với lời một bài hát của Văn Cao: ‘Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều/Bên đèo tiếng  suối reo, ngàn thông réo…Chiều buồn nhớ núi rừng.’ Giá mà sửa là ‘Đâu còn 5 mùi khó chịu’!

Trên báo chí không ít  cách dùng những trật tự gây hiểu lầm hoặc khó hiểu

            ‘Truy tố tổng giám đốc lừa dự án’ (Tít báo, 19.12.2011). Lẽ ra: Truy tố tổng giám đốc dự án lừa. ‘VN chí ít cũng phải xấp xỉ, thế nên ra sức đòi phấn đấu. Thành ra thời gian qua nhiều trường mới mở ra như thế.’ (b., 19.12.2011). Lẽ ra ‘…Thành ra thời gian qua mới mở ra nhiều trường như thế.’; ‘Ai sinh ông ra, ai nuôi ông lớn?’. (b.,16.12.2011)  Lẽ ra ‘Ai sinh ra  ông, ai nuôi ông lớn?’; ‘Trong báo VN […] có in bài ‘Những cột mốc sống’ phỏng vấn, trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng nhà báo, nhà văn Hà Nguyên Huyến’. Ai ‘trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa’? Lẽ ra: Trong báo VN […] có in bài trò chuyện ‘Những cột mốc sống’ giữa nhà thơ Trần Đăng Khoa  với nhà báo, nhà văn Hà Nguyên Huyến’.

            Lại nữa: ‘…đàn  ông thường xuyên tập thể dục nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt giảm so với người không có hoạt động thể chất.’ (b., 04.12.2010) Người Việt không nói  nguy cơ mắc bệnh giảm…’ (khiến người đọc nhanh, mới đọc tưởng là ‘có nguy cơ mắc bệnh…’) mà đảo lại trật tự ‘giảm nguy cơ mắc bệnh’:  ‘…đàn  ông thường xuyên tập thể dục giảm  nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt …’

Đánh tráo trật tự mệnh đề trong câu ghép để làm thay đổi nghĩa

            Xưa có người điều tra  vụ án tố cáo một người mắc tội tham nhũng. Vì điều tra không ra chứng cứ, khó có kết  luận khách quan, nên ông quan thanh liêm điều tra phê: ‘Điều tra không có chứng cứ thực, nhưng sự việc nảy sinh tất có nguyên nhân’. Câu này có thể được hiểu là không tìm được chứng cứ xác thực, nhưng sự việc này chắc chắn có nguyên nhân. Có thể là thủ phạm đã xoá hết dấu vết chăng?

            Người ta bèn cử người khác đến thụ lý vụ án thay viên quan  này. Nhưng người mới thay là một quan tham, ăn rất nhiều bèn đảo lại lời phê: ‘ Sự việc nảy sinh tất có nguyên nhân, nhưng  điều tra không có chứng cứ thực’. Vậy là người đọc sẽ hiểu: Cái sự việc nảy sinh (tố cáo người ta tham nhũng) tất có nguyên nhân, nhưng kết quả điều tra cho thấy không có chứng cứ thực nào cả. Thế là người bị tố cáo tham nhũng đã thoát tội.

Thay đổi trật tự, một ý hay lại trở thành câu sai

            ‘Để chính khách trở thành nghề vất vả’ (Tít báo,  19.4.2013) Ý trong tít báo này hay, nhưng tít  lại  sai. ‘Chính khách’ là danh từ chỉ một hạng  người, giống như những danh từ ‘thủ tướng’, ‘bác sĩ’, ‘kỹ  sư’, ‘nhà văn’, ‘chị lao công’ …Đó không phải là những nghề mà là những người. Vậy đây là một tít sai. Muốn đúng, chỉ cần đảo lại trật tự ‘Để nghề chính khách trở thành vất vả.  Tuy nhiên, tôi rất đồng tình với quan điểm của bài báo này,  làm chính khách hay làm thủ tướng là hành nghề chính khách, hành nghề thủ tướng.  Khác nhiều nghề bình thường, chính khách phải có tầm. Những người dân bình thường có thể  than vãn ‘bệnh viện giống như một trại tị nạn’, ‘trường học giống như một cái chợ mua bán bằng cấp’…nhưng chính khách phải cao tầm hơn thế, phải đề ra những giải pháp, những quyết  sách…Nếu không vậy, cả chục  nghìn người  có thể làm bộ trưởng.  Tôi rất vui vì tác giả PDN đã chia sẻ với tôi quan niệm chính trị  là một nghề.  Cách đây 19 năm, một tiểu mục tôi viết trên tạp chí Kiến thức ngày nay  (số 156, 10.11.1994, t.39 – 43)  Nghề tổng thống (profession président).  Trong mục này tôi viết: ‘Vậy thì, con người ta ai cũng như ai. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật (ít nhất cũng trên phương diện hình thức). Nếu như quét rác là một nghề thì tổng thống cũng là một nghề thôi... Người nào có một cương vị cao thì phải xứng đáng với cương vị ấy. Nếu không, chiếc ghế của ông ta sẽ bay mất ngay trước dư luận xã hội và trước sự phê phán công khai của phe đối lập. Uy tín của những nhân vật tai to mặt lớn luôn luôn được triềng lên mặt báo qua những vụ việc mà người đó chịu trách nhiệm và qua những  tỷ lệ phần trăm tín nhiệm trong các cuộc điều tra xã hội. Ở Pháp, việc gì lớn cũng được đưa ra thăm dò dư luận. Cho nên muốn trở thành chính khách, ở đất này, không ai dám bất chấp dư luận.’   Nay tôi viết thêm: Ở ta, có những việc trọng đại, sửa đổi Hiến Pháp chẳng hạn, sao không  được đưa ra thăm dò dư luận?

 

                                                                                                                                          GS. TS Nguyễn Đức Dân

Danh mục website