Về cấu trúc bài giảng theo hướng khai thác giá trị nghệ thuật của tác phẩm

                                               (Nguyễn Phước Bảo Khôi, Tạp chí ĐH Sài Gòn, Bình luận văn học, niên giám 2012)

 

1.Kiến thức cơ bản về môn Lí luận văn học đã chỉ ra cho nhiều thế hệ sinh viên - giáo viên Ngữ văn về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong chỉnh thể tác phẩm. Chúng ta đều hiểu rõ “trong tác phẩm văn học có giá trị, nội dung và hình thức cũng luôn thống nhất chặt chẽ với nhau, chúng sẽ không tồn tại và không thể có ý nghĩa thực sự khi có cái này mà không có cái kia(1).Có một thực tế không thể phủ nhận là từ rất lâu đã tồn tại khuynh hướng giảng dạy văn học tách rời với ngôn ngữ, chú ý đến giá trị nội dung nhiều hơn là giá trị nghệ thuật. Không biết có phải vì đề cao quan niệm “nội dung bao giờ cũng đóng vai trò chủ đạo, (...) là cái có trước, thông qua ý thức năng động và tích cực của chủ quan nhà văn, bao giờ nó cũng sẽ tìm ra một hình thức phù hợp nhất để bộc lộ đầy đủ nhất và rõ ràng nhất bản chất của nó. Nói cụ thể hơn, vai trò quyết định nhất là ở nội dung khái quát, nội dung tư tưởng của tác phẩm” (2) mà nhiều năm nay giáo viên đã hướng việc khai thác, giảng dạy tác phẩm văn học nhấn mạnh vào nội dung ý nghĩa; phần nghệ thuật thường không được chú trọng, nếu có cũng chỉ là những nhận xét sơ lược ở phần tổng kết.

Trong cách tiếp cận, khai thác tác phẩm, người nghiên cứu và giảng dạy văn học không thể chỉ khai thác mặt nội dung và quên đi hình thức. Chúng ta cần phải “chú ý đến tính độc lập tương đối của hình thức. Hình thức không hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung và trong sự vận động của mình, hình thức cũng rất năng động và tích cực. Hình thức có logic phát triển của riêng nó, logic ấy có ảnh hưởng đến nội dung, nhiều khi làm thay đổi ý nghĩa của nội dung”(3).

Hêghen từng nói :“Một tác phẩm nghê thuật mà thiếu một hình thức thích đáng thì như vậy nó không phải là một tác phẩm nghệ thuật thật sự, tức là tác phẩm chân thực; và đối với nhà nghệ sĩ thực sự thì nó chỉ là một bằng chứng tồi, nếu nói rằng xét về nội dung, thì tác phẩm của anh ta tốt (hay thậm chí là tuyệt vời), nhưng lại thiếu một hình thức cần thiết. Chỉ có tác phẩm nghệ thuật nào mà nội dung và hình thức của chúng đồng nhất với nhau mới là tác phẩm nghệ thuật thực sự”(4). Do vậy, cần nhắc lại một điều đã cũ đó là khi phân tích – giảng dạy một tác phẩm phải có sự cân đối về cả hai mặt nội dung và nghệ thuật.

Thời gian gần đây, cách ra đề thi đã có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh những đề văn nghị luận xã hội được ra theo hướng mở, sát hợp hơn với thực tế đời sống; phần nghị luận văn học – nội dung chiếm nhiều điểm nhất trong đề thi - cũng yêu cầu học sinh phải có năng lực phân tích tác phẩm sâu hơn và dành sự quan tâm đúng mức đến nghệ thuật của tác phẩm.

Từ những điều ấy, chúng tôi xin đặt ra vấn đề không mới nhưng cần thiết, đó là việc cấu trúc bài giảng theo hướng khai thác giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

 

2.Trong thực tế giảng dạy, chúng tôi nhận thấy có một số văn bản có thể tiến hành cấu trúc bài giảng theo hướng khai thác nhấn mạnh những nét đặc sắc nghệ thuật.

2.1 Hồ Chí Minh là một tác giả có phong cách sáng tác đa dạng. Trong chương trình THPT, ngoại trừ truyện ngắn Vi hành và bài thơ Lai Tân thuộc phạm vi đọc thêm và hướng phân tích bài thơ Chiều tối có những điều khó khăn riêng thuộc về thể loại, Tuyên ngôn độc lập là một tác phẩm ta có thể khai thác theo hướng làm rõ nghệ thuật viết văn chính luận của Người. Cách dạy phổ biến nhất đối với tác phẩm này là tổ chức phần đọc hiểu theo ba ý: cơ sở pháp lí (gắn với việc trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mĩ), cơ sở thực tế (tố cáo tội ác của thực dân Pháp) và lời tuyên bố độc lập. Khai thác theo bố cục tác phẩm, giáo viên giúp học trò làm rõ được hai câu hỏi Người đặt ra trước khi sáng tác:“Viết cho ai ?”, “Viết để làm gì ?” nhưng chưa thể hiện được câu hỏi “Viết cái gì ?” và nhất là “Viết như thế nào ?”. Chúng ta luôn đề cao tác phẩm này là một áng văn chính luận xuất sắccủa tác giả Hồ Chí Minh nhưng lại ít khi giảng dạy theo hướng làm rõ vấn đề này. Trong khi đó hướng khai thác theo nghệ thuật viết văn chính luận chính là một trong những cách thức giúp khắc sâu, lí giải rõ thêm về phong cách của Người về thể loại này.

Để chứng minh Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận xuất sắc, chúng tôi cho rằng nên tổ chức nội dung phần đọc hiểu với những ý sau: bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, dẫn chứng xác đáng và ngôn ngữ chính luận điêu luyện, sắc sảo.

Có thể thấy rằng với những mục đích đã đề ra (thông qua việc tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta suốt 80 năm qua và tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, xoá bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam nhằm bẻ gãy âm mưu trở lại của Pháp, chống trả quyết liệt luận điệu “Bảo hộ – Khai hoá – thuộc địa” của Pháp; đồng thời chính thức tuyên bố trước quốc dân, trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và khẳng định ý chí của cả dân tộc Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc); Người đã bố cục bản tuyên ngôn rất cụ thể với ba phần như đã nêu trên. Nhưng trong cách tổ chức văn bản ấy, chúng ta nhận ra độ dài của đoạn văn tố cáo tội ác của thực dân Pháp trong 80 năm và trong 5 năm cuối cùng khá tương đương nhau. Như vậy tác giả muốn hướng người đọc chú ý đến đoạn văn trong 5 năm cuối cùng vì ở đó Người đã nhấn mạnh sự hai mặt của Pháp: một mặt đứng về phe đồng minh chống phát xít, mặt khác tại một nước thuộc địa nhỏ bé lại hèn hạ đầu hàng, hợp tác với Nhật. Do vậy giá trị tố cáo cũng trở nên sâu sắc hơn.

Về phương diện lập luận, có thể thấy Người đã nêu ra những cơ sở pháp lí vững chắc cho nền độc lập của Việt Nam, đã đưa ra những lí lẽ sắc bén và dẫn chứng xác đáng để đập tan luận điệu xảo trá của thực dân Pháp. Pháp kể công khai hoá, Người dẫn chứng việc chúng bóc lột ta về kinh tế, đàn áp dã man về chính trị; Pháp kể công bảo hộ, Người chỉ ra trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật, Pháp còn khủng bố Việt Minh chống Nhật, “thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”; Pháp cho rằng Đông Dương vẫn là thuộc địa của chúng, Người chỉ ra :“Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa”, “Khi Nhật hàng đồng minh, thì nhân dân ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”“Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải là từ tay Pháp. Từ đó, Người đã nhân danh chính nghĩa và nhân đạo tố cáo thực dân Pháp và ca ngợi cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc chống thực dân phát xít giành độc lập, có đầy đủ cơ sở để khẳng định nền độc lập.

Trong văn bản này, Người cũng đã sử dụng ngôn ngữ chính luận rất điêu luyện, sắc sảovới những câu văn uyển chuyển, linh hoạ, những cấu trúc trùng điệp tăng tính thuyết phục; sử dụng nhiều từ quan hệ, cụm từ liên kết“thế mà”, “bởi thế cho nên”, “vì những lý do trên” và những yếu tố trùng điệp theo chiều hướng tăng tiến ở nhiều cấp độ. Đặc biệt, cách hành văn của Người rất giàu hình ảnh ấn tượng như “thẳng tay chém giết” , “tắm trong những bể máu”, “bóc lột đến tận xương tuỷ”, “xơ xác tiêu điều”, “ngóc đầu lên”, “quỳ gối đầu hàng” và giọng điệu thay đổi linh hoạt nhưng lúc nào cũng nồng nhiệt, đầy tâm huyết, khi khách quan nhưng đầy thâm thuý, lúc đau đớn, căm phẫn, lúc lại sung sướng, tự hào với những chiến công và đanh thép, hùng hồn khi khẳng định quyết tâm sắt đá  bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc.

Cách giảng dạy này vẫn bám sát được bố cục văn bản, nhưng cũng sẽ giúp học sinh hiểu kĩ hơn về phong cách văn chính luận của Hồ Chí Minh thể hiện qua một tác phẩm cụ thể, giúp các em nhìn nhận tác phẩm thật sự là một tác phẩm có giá trị về mặt văn học chứ không chỉ là một văn bản mang tính chính trị. Không phải vô tình mà GS. Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận xét : “Tài nghệ ở đây là dàn dựng một lập luận chặt chẽ, đưa ra những luận điểm, những bằng chứng không ai chối cãi được. Và đằng sau những lí lẽ ấy là một tầm tư tưởng, tầm văn hoá lớn, đã tổng kết được trong một văn bản ngắn gọn, trong sáng, khúc chiết, kinh nghiệm của nhiều thế kỉ đấu tranh giành độc lập, tự do, vì nhân quyền, dân quyền của dân tộc, nhân loại”

2.2 Với đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích tiểu thuyết Số đỏ - Vũ Trọng Phụng), cách dạy đơn giản nhất là tổ chức bài giảng theo đúng bố cục văn bản, gồm bốn phân cảnh: không khí chuẩn bị đám tang, cảnh đám tang ở nhà, cảnh đưa tang trên đường và cảnh hạ huyệt. Nhưng bố cục bài dạy này sẽ bộc lộ điểm hạn chế lớn nhất đó là không thể nêu bật được tài năng trào phúng bậc thầy của nhà văn – điểm chính yếu làm nên diện mạo của Vũ Trọng Phụng qua tác phẩm Số đỏ nói chung và đoạn trích nói riêng. Từ đó, chúng tôi cho rằng nên dạy văn bản này theo hướng phân tích nghệ thuật trào phúng của tác giả, được biểu hiện cụ thể qua những phương diện sau: xây dựng tình huống độc đáo, khắc họa những chân dung hài hước đặc sắc và ngôn ngữ châm biếm sắc cạnh.

Sự độc đáo của Vũ Trọng Phụng là qua một đoạn trích ngắn ngủi, ông đã xây dựng được một tình huống đầy nghịch lí để bật lên tiếng cười – đó là tình huống tang gia có hạnh phúc. Tình huống này phần nào đã được khơi gợi từ nhan đề rất ngược đời.Không ai hạnh phúc được trước cái chết của con người, đặc biệt là cái chết của người thân, là sự ra đi của đấng sinh thành. Thế mà tang gia này lại hạnh phúc thật sự, “nhiều người sung sướng lắm”, “ai cũng vui vẻ cả”. Vẻ bề ngoài của một đám tang thật “gương mẫu”, “to tát” không che đậy được sự bạc bẽo, vô tình của đám con cháu, những kẻ vô nhân tính thực sự đã xem “ông cụ già” như một của nợ vì cứ sống dai, mãi đến tận bây giờ mới chịu chết thật. Vì thế mà nhà văn khéo léo tạo ra và phóng to cho người đọc nhận thấy sau nhan đề ấy là mâu thuẫn giữa thật và giả. Bọn cháu con, một mặt muốn mau chóng thoả mãn những toan tính ích kỉ của mình, muốn cho cụ Tổ, một ông già hơn tám mươi tuổi, sớm chết để chia chác tiền tài, danh vọng; nhưng mặt khác, lại cố tỏ ra là một tang gia chí tình, chí hiếu bằng cách tổ chức một đám tang thật to, thật nổi đình nổi đám. Cho nên đám ma mà như đám rước, đám hội; mọi cố gắng của tang gia làm cho đám ma càng to, càng phô bày sự nhố nhăng, bát nháo, rởm đời. Tác giả đã rất tài tình khi lật tẩy những cái giả đang nhân danh cái thật. Cả đám tang như một màn kịch, một trò diễn lớn đầy giả dối, nham hiểm của những con người hám danh, hám lợi trong gia đình phong kiến tư sản này.

Khi miêu tả từng nhân vật trong đám tang ấy, nhà văn đã xây dựng rất thành công những bức chân dung biếm họa ấn tượng. Đi từ nhà ra phố, từ người thân trong gia đình đến những người ngoài đến viếng tang, đưa tang, tác giả cho ta thấy những gương mặt đang mê mải với hạnh phúc có thật giấu sau vẻ đau buồn thương tiếc giả dối. Có sự thể hiện cái chung và cái riêng trong niềm hạnh phúc của tang gia này. Cái chung ở đây là niềm hạnh phúc chung cho cả tang gia, không ngoại trừ một ai. Điều này toát lên từ không khí và bức tranh toàn cảnh của đám tang, đặc biệt là những lời bình, những nhận xét chung như “Cái chết kia làm cho nhiều người sung sướng lắm” hay “tang gia ai cũng vui vẻ cả”… được sử dụng khá dày đặc trong đoạn trích. Cái riêng là niềm hạnh phúc riêng, có phần sâu kín hơn của từng con người. Mỗi thành viên trong gia đình tùy tham vọng, mục đích riêng mà có niềm vui sướng, hạnh phúc riêng, không ai giống ai.Sự kết hợp những sắc thái chung và riêng ấy cũng là sự kết hợp miêu tả cái toàn cảnh, viễn cảnh với cái cụ thể, cận cảnh có tác dụng làm cho bức tranh hiện thực càng sinh động, hài hước và ý nghĩa phê phán càng sâu sắc.

Hơn thế, cũng cần dành sự chú ý cho lời văn đậm chất trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong đoạn trích.Chẳng hạn đó là cách đặt tên nhân vật, gọi tên đồ vật, ví von hài hước; cách diễn đạt vừa vô lý, vừa có lý và đan xen vào đó là những lời nhận xét, bình luận hài hước, những lối nói ngược thâm thúy.

Nói đến Vũ Trọng Phụng, không thể không nói đến nhãn quan vô nghĩa lí của ông, không thể không đề cập đến giọng điệu rất riêng của ông trong sáng tác. Từ những yếu tố đã tiếp cận như trên, chúng tôi tin rằng sẽ giúp học sinh nhận diện được gương mặt độc đáo của nhà văn này trong chương trình nói riêng và giai đoạn văn học 1930 – 1945 nói chung.

            2.3 Với truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, chúng tôi cũng lưu ý và tìm hiểu khá nhiều giáo án và nhận ra ít giáo viên tổ chức phần đọc hiểu theo những nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm. Về nguyên tắc, chúng ta hoàn toàn có thể triển khai bài dạy theo bốn vấn đề cơ bản là tình huống truyện, hai nhân vật Huấn Cao và quản ngục cùng cảnh cho chữ. Thế nhưng bên cạnh việc xây dựng tình huống độc đáo, truyện ngắn này còn có những nét đặc sắc về nghệ thuật khác cần lưu tâm để thể hiện những nét riêng của truyện ngắn theo khuynh hướng lãng mạn cũng như đặt trong mối liên hệ so sánh với những truyện ngắn khác thuộc giai đoạn 1930 – 1945 trong chương trình.

Nhắc lại về tình huống truyện, ta thấy nhà văn đã tạo nên tình huống gặp gỡ vừa hợp lí vừa éo le Éo le ở chỗ họ lại gặp nhau trong hoàn cảnh đặc biệt: một bên là kẻ phản nghịch của xã hội đương thời, lĩnh án tử hình, sắp đến ngày phải rơi đầu trước pháp trường (Huấn Cao) và một bên là những người thực thi pháp luật, có nhiệm vụ cai quản nhà tù, quản lí tù nhân (quản ngục và thầy thơ lại). Nhưng nó lại ợp lí vì là cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao – người có tài viết chữ rất nhanh, rất đẹp, là người nghệ sĩ sáng tạo nên cái đẹp và viên quản ngục, thầy thơ lại – những người thích chơi chữ, biết yêu cái đẹp và kính trọng người tài.Trên bình diện xã hội, họ ở hai phía đối lập nhau. Nhưng trên bình diện nghệ thuật, họ là những tri âm tri kỉ của nhau – một bên sáng tạo cái đẹp, một bên nâng niu, gìn giữ, trân trọng. Sự gặp gỡ của những con người này tạo nên một tình huống kịch tính và chính tình huống này đã khiến cho nhân cách, nhân phẩm của mỗi nhân vật được thể hiện một cách rõ nét, tự nhiên. Đồng thời, những nhân vật đó đã bổ sung cho nhau, cùng tô đậm chủ đề tác phẩm.

Chúng ta cũng không thể quên thủ pháp đối lập tương phản - một trong những phương thức sáng tác quen thuộc của khuynh hướng lãng mạn - được khai thác triệt để trong đoạn trích.  Trong cách xây dựng nhân vật, nhà văn đã tạo nên đối lập giữa hoàn cảnh và tính cách khi đặt Huấn Cao vào thân phận tử tù, anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang, đầy tài hoa, rất vị tha trong nghịch cảnh; quản ngục dù là quản lí nhà giam, hằng ngày chung đụng cùng xấu xa, “cặn bã”nhưng biết yêu cái đẹp, kính trọng người tài và rất lương thiện. Khi miêu tả sự vật, Nguyễn Tuân đã khắc họa rất chi tiết cảnh buồng giam chật hẹp, dơ bẩn, thời gian đêm tối trong khi cảnh cho chữ ngời sáng ý nghĩa thẩm mĩ  - nhân văn.

            Một yếu tố rất quan trọng khác của tác phẩm này chính là nghệ thuật tạo không khí cổ kính khi tác giả đã tạo được những câu văn, đoạn văn có nhịp điệu rất từ tốn, chậm rãi và sử dụng dày đặc, chính xác hệ thống từ cổ một cách phong phú, chọn lọc, đảm bảo sự chính xác.Bên cạnh đó, tác giả miêu tả những nhân vật trôi vào quá vãng bằng những chi tiết chọn lọc thường chỉ thấy ở thời xa xưa, từ tên gọi (ngục quan, thầy thơ lại, ngục tốt, thằng thập…) đến việc làm (“Thầy thơ lại rút chiếc hèo hoa ở giá gươm, phe phẩy roi, đi xuống phía trại giam tối om”), lối cư xử trong cuộc sống thường nhật và cách họ giao tiếp với nhau…Ngoài ra, nhà văn cũng tìm được những chi tiết, những hình ảnh đích đáng để khắc họa chính xác thần thái cảnh vật của một thời đã qua, chẳng hạn như: “Nơi góc án thư đã nhợt, son đã mờ, đĩa dầu sở trên cây đèn nến vơi lần mực dầu. Hai ngọn bấc lép bép nổ, rụng tàn đèn xuống tập giấy bản đóng dấu son ti Niết”.Nhưng điều đáng nói nhất chính là ở việc nhà văn đã “phục chế” không khí cổ xưa bằng kĩ thuật hiện đại. Chẳng hạn, người đọc có thể bắt gặp trong tác phẩm không ít những chi tiết tả thực  hay những đoạn miêu tả tâm lí nhân vật. Và tất cả những thủ pháp vừa nêu không chỉ là sự lựa chọn từ ngữ, chi tiết công phu, chính xác mà còn chứng tỏ sự hiểu biết cặn kẽ về nhiều mặt cũng như tấm lòng trân trọng của tác giả đối với lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc.

3. Những điểm chúng tôi nêu ra ở trên không mới lạ mà chính là việc khai thác triệt để hơn sách giáo viên, sách bài tập Ngữ văn dành cho học sinh. Phối hợp và tận dụng tốt những tài liệu cơ bản này, kết hợp cùng với việc định hình tổ chức bài giảng theo một hướng hợp lí, chúng tôi tin rằng hiệu quả giảng dạy sẽ được nâng cao. Chúng tôi không có ý chê trách cách khai thác bám sát bố cục tác phẩm và cũng nhận ra hướng khai thác theo đặc sắc nghệ thuật phù hợp với những văn bản tự sự, chính luận, kịch hơn là văn bản trữ tình. Tất yếu còn một số tác phẩm khác cũng có thể khai thác theo hướng này, cũng như có nhiều cách để làm mới cấu trúc bài giảng sao cho đáp ứng được cả hai yêu cầu đặt ra : vừa mang tính sư phạm vừa phân tích văn bản văn học theo đúng đặc trưng nghệ thuật ngôn từ. Vấn đề đặt ra ở đây chính là trước thực trạng sáo mòn, khuôn mẫu đang bị cả xã hội lên án của môn Văn trong nhà trường, hơn lúc nào hết giáo viên cần đổi mới cách thức giảng dạy của mình. Chấp nhận một lối mòn, đi lại con đường quen thuộc là thất bại.GS. Ken Bain trong chuyên luận bàn về nghề giáo viên đã nhận định như sau về một trong những phẩm chất làm nên một nhà giáo ưu tú :“Tôi ngờ rằng một phần những thành công mà họ được hưởng bắt nguồn từ thái độ sẵn sàng đương đầu với những yếu kém và thất bại của mình”(5).

Hiện nay có nhiều phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học hiện đại giúp giáo viên có thể tổ chức tiết dạy của mình tốt nhất, tích cực nhất. Thế nhưng những điều đó cũng chỉ là hỗ trợ, cái chính vẫn là chất lượng bài giảng thể hiện qua nội dung đọc hiểu văn bản.

James H. Strongekhi hệ thống những phẩm chất cần có của người giáo viên hiệu quả đã nhấn mạnh vai trò của việc thực hành chiêm nghiệm: “Người giáo viên hiệu quả không ngừng thực hành chiêm nghiệm, tự phê bình và xem đó như là những công cụ học tập.(...) Họ không ngừng cải thiện bài giảng, trăn trở để tiếp cận một nhóm học sinh nhất định, tìm kiếm và thử nghiệm những cách tiếp cận mới trong lớp học để đáp ứng nhu cầu người học tốt hơn”(6). Tuổi nghề của chúng tôi chưa nhiều, quá trình học hỏi và tích lũy còn rất dài với nhiều khó khăn đang chờ; nhưng chúng tôi luôn tâm niệm một điều : một giáo viên muốn dạy tốt tác phẩm văn học trước hết và nhất thiết phải là một người biết khai thác tác phẩm thế nào cho hay, cho sâu sắc, thu hút và mới mẻ. Dẫu rằng đây không phải điều dễ dàng; nó cần một sự suy nghĩ, đầu tư nghiêm túc và cả sự nhạy cảm thẩm mĩ của từng cá nhân.Từ bài viết này, chúng tôi mong nhận được sự chia sẻ từ những đổi mới thực sự ý nghĩa của các đồng nghiệp thân quí.

NPBK.

________________

 

(1) (2) (3) Hà Minh Đức (chủ biên), Lí luận văn học, Nxb. Giáo dục, H.,1999, tr.114 -115

(4) G.N.Pôxpêlôp (chủ biên), Lí luận văn học, Nxb. Giáo dục, H.,1998, tr.368– 369

(5) Ken Bain, Phẩm chất của những nhà giáo ưu tú (Nguyễn Văn Nhật dịch), Nxb. VHSG, 2009, TpHCM, tr.50

(6) James H. Stronge, Những phẩm chất của người giáo viên hiệu quả (Lê Văn Canh dịch), Nxb. Giáo dục, H., 2011, tr.49

Danh mục website