Giao hảo và cạnh tranh: về cuộc hội ngộ giữa sứ thần Đại Việt và sứ thần Joseon trên đất Trung Hoa năm 1766 - 1767


 

Nguyễn Thanh Tùng [i]

TÓM TẮT

Bài viết giới thiệu một cuộc hội ngộ mà từ trước đến nay ít người biết đến giữa các sứ thần Đại Việt, dẫn đầu là Nguyễn Huy Oánh, và các sứ thần Joseon - dẫn đầu là Lý Huyễn (Yih-won), vào năm 1766 - 1767 trên đất Trung Hoa với một số tư liệu quý hiện còn được lưu giữ tại Việt Nam. Qua phân tích các tư liệu, bài viết chỉ ra sự tiếp nối và duy trì truyền thống gặp gỡ, giao hảo dựa trên ý thức “đồng văn”, “đồng cảnh” và “tứ hải giai huynh đệ” và giữa sứ thần hai nước trên “xứ người” vốn đã được vun đắp từ lâu bởi các sứ đoàn hai bên. Bên cạnh sự giao hảo, bài viết cũng khẳng định, có một sự cạnh tranh, tự khẳng định mình của sứ thần hai nước nhằm mục đích hoàn thành tốt sứ mệnh bang giao, nâng cao quốc thể của mỗi bên trong con mắt của người nước ngoài. Bài viết cũng gợi mở hướng đi tìm những tư liệu có liên quan từ các thư tịch của Hàn Quốc. Tóm lại, bài viết góp phần làm rõ hơn mối quan hệ bang giao không chính thức Việt Nam - Hàn Quốc trong quá khứ.

 

FRIENDSHIP AND COMPETITION: ON THE MEETING BETWEEN THE DELEGATION OF DAI VIET’S ENVOYS
 AND THE DELEGATION OF JOSEON ’S ENVOYS
IN 1766-1767 IN CHINA

NGUYEN THANH TUNG[ii] 

ABSTRACT

The paper introduces a little known meeting between the delegation of Dai Viet’s envoys led by Nguyen Huy Oanh and an unidentified delegation of Joseon’s envoys led by Yih-won in 1766-1767 in China, given the treasured materials stored in Vietnam. Through analysis, the paper indicates a continuation of a traditionally friendly affair between two foreign envoys based on similarities of cultures, context and the spirit of brotherhood. The paper confirms that although the two envoys are on a friendly terms, they also compete and define themselves to accomplish their special missions which are expected to improve their national images in the eyes of foreigners. Additionally, the paper suggests a new direction to collect related documentation among the letters from Korea. In short, the paper attempts to further explain the unofficial relations between Vietnam and Korea in the past.

-----***----

1. Mở đầu

Sự giao lưu, tiếp xúc giữa người Việt Nam và Hàn Quốc đã có từ lâu đời. Theo các thư tịch hiện còn, hiện tượng này chí ít bắt đầu từ thế kỉ XII và ngày càng phát triển. Trong đó, riêng ở thời trung đại, sự giao lưu, tiếp xúc diễn ra dưới 2 hình thức: giao lưu, tiếp xúc trực tiếp trên lãnh thổ 2 nước (qua con đường di cư - tị nạn chính trị, giao thương, và thậm chí do thiên tai, hoạn nạn,…); giao lưu, tiếp xúc gián tiếp trên lãnh thổ nước thứ ba (chủ yếu là ở Trung Quốc, qua con đường bang giao của các sứ thần hai nước)(1). Các hình thức tiếp xúc đó ít nhiều đã gia tăng sự hiểu biết, sự gần gũi, thiện cảm, tương trợ giữa nhân dân và các chính thể (triều đại) của hai nước dựa trên những mối tương đồng (thậm chí dẫn đến sự gia nhập của công dân nước này vào nước kia kéo theo đó là sự truyền bá, tiếp biến, trao đổi văn hoá,…). Các cuộc tiếp xúc đó cũng ít nhiều thúc đẩy sự cọ xát, so sánh và cả cạnh tranh giữa hai nước trên một số phương diện như: chính trị, văn hoá, giáo dục, ngoại giao,… Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một cuộc tiếp xúc giữa sứ thần hai nước còn chưa được nhiều người biết đến. Đó là cuộc cuộc tiếp xúc giữa sứ đoàn Đại Việt sang nhà Thanh năm 1766-1767 do Nguyễn Huy Oánh 阮輝瑩(2) dẫn đầu và sứ bộ Triều Tiên (Joseon) do Lí Huyễn 李烜 (Yi Won)(3) dẫn đầu sang nhà Thanh cùng năm. Cuộc tiếp xúc này thể hiện cả hai mặt ý nghĩa mà chúng tôi vừa đề cập (sự gần gũi, hiểu biết và sự ganh đua, cạnh tranh) và vì vậy trở thành một trường hợp khá điển hình cho quan hệ bang giao “nửa chính thức” giữa các nước có nhiều điểm tương đồng như Việt Nam và Hàn Quốc thời trung đại.

2. Nội dung

2.1. Theo thông lệ bang giao theo kiểu “tuế cống” giữa Việt Nam và Trung Quốc trong quá khứ, đầu năm 1765, sứ bộ nhà Lê (Trung hưng) của Đại Việt do Nguyễn Huy Oánh dẫn đầu được giao nhiệm vụ sang sứ Đại Thanh. Về sứ mệnh, chuyến đi này có lẽ cũng không có gì đặc biệt ngoài việc duy trì định lệ và chúc thọ Hoàng đế Càn Long (1711 - 1799). Nhìn chung lúc bấy giờ tình hình Đại Việt cũng như Trung Quốc đều tương đối ổn định, quan hệ bang giao cũng không có sự cố gì lớn. Bởi vậy, đây là một chuyến đi sứ thường tình, có tính “kì cuộc”. Đó là chưa kể những nhiệm vụ bí mật hoặc tế nhị mà vì như thế chúng ta ngày nay khó lòng biết được. Về nhân sự, ngoài Chánh sứ Nguyễn Huy Oánh còn có 2 phó sứ là Lê Doãn Thân 黎允伸(4), Nguyễn Thưởng  阮賞(5) và các “hành nhân” (thông thường khoảng trên dưới 20 người). Vì tính chất “lặng lẽ”, không mấy hệ trọng như vậy nên hầu hết các bộ sách sử đều không chép sự kiện này. Duy nhất sách Đại Việt sử kí tục biên (bản A.1210) có chép một dòng ngắn ngủi: “Ất Dậu [Cảnh Hưng] năm thứ 26 [1765] (Thanh, Kiền Long thứ 30) […] sai chánh sứ Nguyễn Huy Oánh, phó sứ Lê Doãn Thân, Nguyễn Thưởng đi sứ sang nhà Thanh”(6). Như vậy, sử chính thống của Đại Việt không có nhiều thông tin. Những gì chúng ta biết được về chuyến đi này là thông qua các tư liệu cá nhân mà ở đây là qua ghi chép của vị Chánh sứ và hậu duệ của ông. Toàn bộ diễn biến của chuyến đi sứ này được Nguyễn Huy Oánh ghi chép lại trong cuốn Phụng sứ Yên đài tổng ca (tính Nhật kí) và Thạc Đình di cảo. Ngoài ra, qua các ghi chép của hậu duệ Nguyễn Huy Oánh, một số thông tin về chuyến đi sứ cũng được bổ sung. Theo đó, sứ bộ xuất phát ngày mùng 9 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 27, Bính Tuất (1766), vượt qua ải Nam Quan (Lạng Sơn), đến Yên Kinh vào tháng Mười Hai năm đó. Tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 28, Đinh Hợi (1767), sứ bộ lên đường trở về nước, tháng Mười Một cùng năm về đến Thăng Long hoàn thành chuyến đi sứ. Trong đó, ngoài những sự kiện bang giao với Trung Hoa, sứ bộ Nguyễn Huy Oánh cũng có cơ hội một vài lần tiếp xúc với các sứ thần Cao Ly (Joseon) và Nhật Bản. Việc này được ghi chép trong cuốn Phụng sứ Yên Đài tổng ca (tính Nhật kí). Ngoài ra, trong cuốn di cảo thơ văn của ông (Thạc Đình di cảo), chúng ta cũng thấy có một bài thơ ông tặng sứ thần Joseon(7) (và một bài thơ tặng sứ thần Nhật Bản).

Về phía sứ thần nước Joseon năm 1765, chúng tôi khảo sát được một vài thông tin cơ bản sau đây. Về nhân sự, ngoài Chánh sứ Yi-Won, còn có Phó sứ Kim Thiện Hành 金善行 (Kim Sun-heng)(8) , Thư trạng 書狀 Hồng Ức  洪檍 (Hong Eok)(9), các tuỳ viên: Lý Đức Mậu 李德懋 (Yi Deok-mu)(10), Hồng Đại Dung 洪大容 (Hong Tae-yong)(11),v.v… Đây là sứ đoàn “tạ ân” (đi tạ ơn) kiêm “Đông chí” (đi vào tiết Đông chí) theo phân loại của nước Joseon đối với các sứ đoàn của họ sang Trung Hoa. Mục đích của chuyến đi sứ này là dâng biểu chúc thọ Hoàng đế Càn Long, mừng tiết Đông chí và Nguyên đán, dâng đồ tuế cống và sản vật địa phương (theo định lệ).  Hoạt động của sứ đoàn Joseon chủ yếu được ghi chép lại trong cuốn Trạm Hiên Yên kí của Hồng Đại Dung. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm các sách như: Yên hành lục tuyển tập, Đồng văn vựng khảo,v.v... Theo đó, sứ đoàn Joseon đến Bắc Kinh vào ngày 27 tháng Mười Hai năm Bính Tuất (1766), tiến hành nhiều hoạt động bái lễ, thăm hỏi, tham quan, học tập… ở Bắc Kinh. Cuối tháng Hai năm Đinh Hợi (1767), sứ đoàn lên đường về nước hoàn thành chuyến đi sứ. Như vậy, sứ đoàn Joseon đến Bắc Kinh có muộn hơn và cũng về nước muộn hơn một chút so với sứ đoàn Đại Việt. Mặc dù vậy, hai bên cũng đã có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với nhau đôi lần. Hiện chúng tôi chưa có điều kiện khảo về sự ghi chép của sứ thần Joseon về sự tiếp xúc, giao lưu này. Ngoài ra, mảng tư liệu của Trung Hoa cũng là một đối tượng cần lưu tâm khi có điều kiện triển khai sâu hơn vấn đề này.

Có thể nói, việc gặp gỡ giữa sứ thần các nước ở Trung Quốc không phải là đơn giản. Điều này đã được đề cập đến trong Vấn đáp lục của sứ thần Joseon Lí Toái Quang 李晬光 (Yi Su-gwang)(12): “Mỗi người ở một nhà riêng, cấm không được đi lại cùng nhau. Chỉ ngày triều hội mới được gặp mặt nhau một đôi lần”(13). Sứ thần Joseon (Hồng Khải Hy 鴻啟禧, Triệu Vinh Tiến 趙榮進, Lý Huy Trung 李輝忠) trong những bức thư gửi sứ bộ Đại Việt năm 1760 - 1761 cũng hai ba lần nói về sự “bó buộc” của thể lệ khiến sự gặp gỡ giữa sứ thần hai nước không hề dễ dàng: “Việc mong có một lần đến quý quán, để lại được chiêm ngưỡng tôn dung, chúng tôi há lại không có bụng nghĩ như thế hay sao? Nhưng vì thể lệ bó buộc, hai bên chúng ta cũng như nhau, thật là đáng tiếc”(14); hoặc: “Tôi muốn đến ngay quý quán, bộc bạch ra ngòi bút đầu lưỡi, để biết văn hiến phương Nam, nhưng bó buộc về thể lệ, lại vừa lúc việc công bận rộn, thành ra không thoả mãn được ý định của tôi…”(15). Tuy nhiên, trong những tư liệu mà Lê Quý Đôn 黎貴敦(16) còn lưu giữ được cũng cho biết rằng, dù không được phép tiếp xúc trực tiếp bên ngoài những nghi lễ bang giao của triều Mãn Thanh nhưng hai bên cũng có cơ hội “thư từ lặt vặt trao đổi lẫn nhau”, tặng sản vật địa phương, tặng thơ, nhờ nhau đọc sách và viết lời tựa, lời bình cho tác phẩm của nhau,… Cuộc tiếp xúc giữa sứ bộ Nguyễn Huy Oánh và sứ thần Joseon hẳn cũng đã diễn ra trong những điều kiện ngặt nghèo như thế. Do vậy, không có nhiều sự kiện diễn ra, cũng không có nhiều tư liệu ghi chép lại. Tuy nhiên, qua một vài chi tiết ít ỏi, một số vấn đề trong quan hệ khu vực giữa hai nước, hai dân tộc cũng đã được bộc lộ với tình thế: giao hảo trực tiếp nhưng cạnh tranh gián tiếp.

2.2. Theo Phụng sứ Yên đài tổng ca (tính Nhật kí), sứ thần Việt Nam và sứ thần Joseon cùng được vào triều cận một ngày (ngày mồng một Tết năm Ất Hợi - 1766). Có lẽ trong dịp này, Nguyễn Huy Oánh có dịp gặp gỡ, trao đổi với sứ thần Joseon dưới hình thức “bút đàm” và “xướng hoạ” thơ văn,… Chắc hẳn, hai bên đã có trao đổi với nhau một số thông tin. Tiếc rằng, hiện chúng ta chưa tìm thấy tài liệu ghi chép nào để lại. Tuy nhiên, Nguyễn Huy Oánh có một bài thơ tặng sứ thần Joseon làm bằng chứng cho sự tiếp xúc, trao đổi giữa hai bên. Nó cũng thể hiện tình giao hảo giữa hai sứ đoàn, hai dân tộc mà có lẽ không có phương tiện nào nói hay bằng thơ ca - một phương tiện ngoại giao khá phổ biến trong khu vực thời trung đại. Bài thơ có tên Tặng Cao Ly(17) quốc sứ được chép trong cuốn Thạc Đình di cảo như sau: “Vũ trụ đồng bao quát/ Cơ tâm tự bức viên/ Thành Thang quân viễn tổ/ Viêm Đế ngã gia tiên/ Đảo tự phân chư quốc/ Tinh hà cộng nhất thiên/ Dục thông tiêu tức vấn/ Tu trượng dịch âm truyền/ Văn đạo tiền lai sứ/ Hàm xưng quý giới hiền/ Văn chương đa cảnh bạt/ Nghĩa lí cánh âm huyền/ Hữu hạnh tương phùng trụ/ Ân cần tặng nhất thiên(18) (Vũ trụ này bao trùm tất cả/ Cõi lòng tự tu dưỡng cho tròn đầy/ Thành Thang(19) là ông tổ xa của ngài/ Viêm Đế(20) là tổ tiên của tôi/ Đảo lớn nhỏ phân ra thành các nước/ Nhưng đều cùng dưới một trời sao này/ Muốn thăm hỏi tin tức của nhau/ Phải nhờ vào người phiên dịch/ Nghe nói, các sứ giả trước đến đây/ Đều được tiếng là người hiền của quý quốc/ Văn chương phần nhiều nổi trội/ Nghĩa lí càng tinh vi diệu huyền/ May mắn được gặp ngài ở đây/ Trân trọng gửi tặng một bài thơ).

Đây là một bài thơ “bang giao”, “thù tạc” đầy tính nghi thức, đầy sáo ngữ và những lời tụng ca. Tuy nhiên, bài thơ cũng cho thấy một nỗ lực tìm ra “tiếng nói chung” giữa sứ thần hai nước mặc dù có những ranh giới tự nhiên tạo ra sự khác biệt: nguồn gốc, ngôn ngữ, phong tục, vị trí địa lí, cương vực tự nhiên,... Đó là sự tương đồng về: vị thế văn hoá, tính chất “đồng văn”, chung một vòm trời, chung một nguồn “nghĩa lí”, “văn chương”,v.v… Quan điểm này thường xuất hiện trong thơ văn xướng hoạ giữa sứ thần hai nước nói riêng và các nước “đồng văn” nói chung (đặc biệt là các nước bị Trung Hoa coi là “phiên quốc” như: Joseon, Nhật Bản, Lưu Cầu, Đại Việt). Chẳng hạn, sứ thần Phùng Khắc Khoan 馮克宽(21) đã từng bày tỏ với sứ thần Lưu Cầu (Rykyiu): “Sơn xuyên phong vực tuy vân dị/ Lễ nhạc y quan thị tắc đồng (Núi sông, phong vực tuy nói là khác nhau/ Nhưng lễ nhạc, áo mũ thì lại giống hệt) [Đạt Lưu Cầu quốc sứ](22); hay với sứ thần Joseon Lí Toái Quang: “Bỉ thử tuy thù san hải vực/ Uyên nguyên đồng nhất thánh hiền thư” (Đấy đây tuy khác nhau về biển, núi/ Nhưng nguồn sâu vẫn cùng sách vở thánh hiền) [Đáp Triều Tiên quốc sứ Lí Toái Quang](23). Đáp lại, các sứ thần Joseon cũng thể hiện quan điểm tương tự. Chẳng hạn, Lí Toái Quang bày tỏ quan điểm với Phùng Khắc Khoan: “Hưu đạo y quan thù chế độ/ Khước tương văn tự cộng thi thư” (Chớ nói chuyện chế độ hai nước áo mũ khác nhau/ Hãy lấy điểm chung ở chữ nghĩa và Thi Thư) [Tặng An Nam quốc sứ thần, bài 2](24)

Trở lại bài thơ của Nguyễn Huy Oánh, ngoài nội dung trên, tác phẩm còn chia sẻ niềm tự hào dân tộc của cả hai bên: về nguồn gốc tiên tổ, về văn hiến, về nhân tài,... Bên cạnh đó, bài thơ cũng nêu lên một quan điểm của tác giả về cương vực, về chủ quyền của các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt là từ câu: “Đảo tự phân chư quốc” (Đảo lớn, đảo nhỏ phân ra thành các nước) có nhà nghiên cứu đã đặt ra nhận định khá thú vị: “Không biết vấn đề hải đảo dạo đó đã được đặt ra chưa, nhưng ở đây là một con mắt nhìn xa trông rộng. Có thể dưới vòm trời ta cùng chung sống hoà hữu, nhưng đường biên thì đã vạch rõ từng hòn đảo”(25). Theo đó mà suy, vị thế các nước là bình đẳng, ngang hàng. Đó là động thái tự đề cao của các sứ thần “phiên quốc” ở Trung Hoa mà như có lần chúng tôi đã khẳng định, thực chất đó là cách để các sứ thần phiên quốc ngầm nói với trí thức “thiên triều” rằng họ “không kém gì Trung Hoa” (26). Đây cũng lại là sự tương đồng về mặt tâm lí xuất pháp từ sự đồng cảnh, đồng vị thế mà cả hai bên cùng chia sẻ. Tuy nhiên, ngay ở đây, trong sự khẳng định về sự tương đồng, sự “không kém” ta đã thấy ý thức ganh đua, ý thức truy cầu một sự bình đẳng, ngang hàng giữa các nước. Ta hãy đọc lại hai câu này: “Thành Thang là ông tổ xa của ngài/ Viêm Đế là tổ tiên của tôi”. Trong khi đề cao tổ tiên dân tộc bạn, Nguyễn Huy Oánh cũng không quên khẳng định nguồn gốc cao quý của dân tộc mình. Điều đó xác lập tư thế đối thoại đồng đẳng,  đồng cấp giữa hai sứ thần, hai sứ bộ và cao hơn là hai dân tộc. Thế mà trong thực tế bang giao lúc bấy giờ, vẫn tồn tại một sự đối xử không bình đẳng. Vì vậy, sứ thần Đại Việt đã nỗ lực đấu tranh để xác lập quyền bình đẳng ấy. Có thể coi đây là một sự cạnh tranh gián tiếp.

2.3. Không có nhiều chi tiết cụ thể được hé lộ từ những tư liệu về các sứ mệnh ngoại giao của các bên, cũng không thấy nhiều dấu hiệu của những mâu thuẫn, đối lập về lợi ích giữa các “nước phên dậu” (phiên quốc) được đem ra bàn bạc trên lãnh thổ Trung Hoa, nhưng ít nhất về mặt vị thế ngoại giao, thể diện quốc gia, cũng đã có những sự cạnh tranh, ganh đua nhất định theo chuẩn mực và ý chí hạn hẹp, thiên lệch nhưng phổ biến đương thời (sự thừa nhận, “ban phát” của Trung Hoa)(27). Trong chuyến đi sứ này, có 1 chi tiết cho thấy điều đó được Nguyễn Huy Oánh ghi lại trong một dòng nhật kí: “Ngày 23 tiến biểu, ngày 29 đến Hồng Lô tự [bộ Lễ] để diễn tập lễ nghi. Sứ thần [chúng tôi] đề đạt mong muốn cùng [tiến hành lễ] một thể với sứ thần Cao Ly. Quan Lễ Tả thị ưng thuận cho, báo cho biết rằng: Hãy đợi chỉ”(28).

Điểm lại các cuộc gặp của sứ thần hai nước trước đó, ta cũng thấy địa điểm thường được nhắc đến là “Hồng Lô tự” của bộ Lễ - nơi diễn lễ chung. Chẳng hạn, Lê Quý Đôn cho biết: “Mùa đông năm Canh Thìn [1760], tôi cùng Trần Huy Mật, Trịnh Xuân Thụ đến Yên Kinh, hôm trừ tịch được gặp sứ thần nước ấy là Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiến và Lí Huy Trung ở Hồng Lô quán, trải chiếu mời nhau ngồi, dùng giấy bút để nói chuyện, tình hiếu trở nên gắn bó với nhau”(29). Hay lời phúc đáp của sứ thần Joseon cũng bày tỏ: “Mới rồi vừa được ngồi chung chiếu ở Hồng Lô tự, thực vượt ra ngoài ý tưởng, tuy lúc đầu chưa quen thuộc mà trong bụng rất kính mến. Khi tan cuộc nói chuyện, người theo hầu có trao cho tôi bức giấy nhỏ, về sứ quán mở ra xem, có thể rõ được ý tứ trịnh trọng trong lúc đông người”(30). Theo Trạm Hiên Yên kí, sứ đoàn Joseon đã đến “diễn lễ” ở Hồng Lô tự vào ngày 28 tháng Mười Hai, trước sứ đoàn Đại Việt một ngày. Sách cũng cho biết cùng thời gian này, sứ thần Joseon cũng gặp và diễn lễ cùng sứ thần nước Lưu Cầu tại đây(31). Có lẽ trước tình hình đó, Nguyễn Huy Oánh đã nảy ra ý tưởng và nêu lên đề xuất trên.

Kết quả là sứ thần Đại Việt và Joseon được bệ kiến hoàng đế nhà Thanh vào cùng một ngày, đứng cùng một hàng. Sự việc này tiếp tục được Nguyễn Huy Oánh miêu tả lại trong hai dòng ngắn trong một đoạn văn dài tường thuật về lễ triều kiến hoàng đế nhà Thành ngày mồng một tết Nguyên Đán năm Đinh Hợi (1767): “Giờ Tí ngày mồng một tháng Giêng năm Đinh Hợi niên hiệu Càn Long thứ 32, [dậy sớm] nấu cơm [ăn], vẫn đốt tro nóng cho vào lò xách tay [để chống lạnh]. Phu xe đứng chờ ngoài cửa, có sáu chiếc xe. Đầu canh năm vào chầu, đến phía Tây dưới Trường An môn, xuống xe đi bộ qua Thiên An môn, vào trong Đoan môn thì men theo phía hữu Bạch Thạch kiều (cầu đá trắng) đến ngoài cửa Ngọ môn, quan Đại sứ dẫn đoàn vào hành lang bên phải, đợi đến chính giữa năm tiếng trống thì xe Hoàng đế ngự đến điện Thái miếu đi ra, bèn bày kiệu ở phía bên trái đường, nghe tiếng chuông liên tiếp thì khấu đầu [sát đất], quỳ xuống bên phải đường, xa giá Hoàng đế đi qua lại đứng dậy. Được một lúc nghe vẳng lại tiếng trống, tiếng nhạc, lại quỳ xuống đón xa giá. Lúc ấy, quan Đề đốc vâng chỉ cho sứ ta đến Tứ Phẩm sơn đứng, cùng sứ Cao Li bái lễ (chúng tôi nhấn mạnh - NTT). Đợi đến sáng thì theo cửa bên phải của Ngọ môn vào đến Thái Hoà môn, chuyển hướng sang phải theo Trinh Độ môn vào đến đan trì (thềm son) đứng. Giờ Thìn nghe nhạc khí rung ba tiếng, Hoàng đế thăng điện, trăm quan chia ban [đứng chầu], dâng biểu hành lễ. Thoái triều, bọn Hồng Lô Thiếu khanh Phú Côn dẫn sứ ta đến thềm son, lệch về bên phải [so với chính giữa]. Cùng sứ Cao Li đứng theo hàng ngang (chúng tôi nhấn mạnh - NTT)”(32).

Không phải ngẫu nhiên, giữa bộn bề những chi tiết, sự kiện (chủ yếu là nghi thức hành lễ rất phức tạp, phiền toái của nhà Thanh), việc cùng “bái kiến” hoàng đế nhà Thanh và đứng cùng một với sứ thần Joseon được Nguyễn Huy Oánh nhắc đi nhắc lại tới 2 lần (không kể việc trước đó ông đã ghi chép lại kiến nghị của mình). Dường như, có một niềm phấn khích, tự hào, hoan hỉ vì thành công của kiến nghị nêu trên. Đó là một thắng lợi ngoại giao dù nhỏ nhưng cũng góp phần nâng cao quốc thể. Lưu ý rằng, các sứ thần Đại Việt nhiều thế hệ đã phải đấu tranh “từng li từng tí” với rất nhiều biểu hiện bất bình đẳng, ngạo mạn, coi thường nước nhỏ của “thiên triều”. Chẳng hạn, trước đó không lâu Lê Quý Đôn đã phản đối mạnh mẽ việc các quan lại nhà Thanh thường dùng chữ “Di sứ”/ “Di quốc sứ” (sứ thần mọi rợ/ nước mọi rợ) để gọi sứ thần Đại Việt(33). Và sau đó cũng không lâu, Lí Văn Phức rồi Nguyễn Tư Giản cũng phản đối mạnh mẽ nhà Thanh với nội dung tương tự(34),v.v... Những việc làm đó đã khiến vua quan nhà Thanh phải kiêng nể và ít nhiều thay đổi thái độ, cách hành xử. Vậy thì, việc làm tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lại không nhỏ chút nào. Sau này, các hậu duệ của Nguyễn Huy Oánh khi ghi chép hành trạng của tổ tiên nhà mình, đặc biệt là về chuyến đi sứ năm 1765, đều có những lưu ý, bình luận, chú thích về sự việc này, qua đó  thể hiện rõ niềm tự hào và sự đánh giá cao thành công ngoại giao ấy. Nguyễn Huy Vinh 阮輝榮 (1770 - 1818), cháu nội Nguyễn Huy Oánh, khi viết hành trạng của ông nội có viết: “Vừa đến Yên Kinh, hoàng đế nhà Thanh mến mộ tài học, lễ nghi có phần ưu ái, cho phép tiếp kiến ở long trì, chuẩn cho cùng với sứ Cao Ly sánh vai tướng văn tướng võ. Trong việc vâng mệnh đi sứ từ trước tới nay, chưa hề có được sự ưu đãi tôn sùng như thế với hàng đi sứ”(35). Nguyễn Huy Chương 阮輝璋 (1903 - 1950), cháu 7 đời của Nguyễn Huy Oánh, còn cung cấp thêm nguyên nhân dẫn đến thành công của kiến nghị như sau: “Theo lệ, cống sứ nước ta kém sứ Cao Li một bậc, ông trực tiếp tâu lên rằng: Thiên triều lập nước, bản quốc đến cống trước cả Cao Li, lại giúp Thiên triều tiễu bình đảng giặc ở Vân Nam. Vì vậy, [sứ thần ta] vâng được phê chuẩn cho lên Tứ Phẩm sơn, cùng hàng với sứ Cao Li mà bái kiến [hoàng đế nhà Thanh]”(36).

Mặc dù những ghi chép, bình luận của hậu duệ Nguyễn Huy Oánh có phần “tụng ca” tổ tiên theo phong cách của gia phả, tộc phả (“phương diện gia tộc”), nhưng chúng vẫn cho thấy cách nhìn của người trung đại về một “thắng lợi ngoại giao” quan trọng của sứ đoàn Nguyễn Huy Oánh trên “phương diện quốc gia” khi phá bỏ được một tiền lệ không mấy tốt đẹp với thể diện nước nhà. Quả vậy, ngược dòng lịch sử, theo thông lệ, sứ thần nước Joseon (và kể cả các tiểu quốc trước nó) thường khi tiến triều diện kiến vua Trung Hoa thường đứng trên sứ Đại Việt. Điều mà Nguyễn Huy Chương cung cấp được ghi chép của Lí Toái Quang trong Vấn đáp lục chứng thực: “Khi triều hội, sứ thần nước ta đứng hàng đầu, sứ thần An Nam đứng hàng sau. Khi giao tiếp thường có ý kính nể lẫn nhau”(37).

Một chi tiết nhỏ nhưng thể hiện cách nhìn nhận khác nhau của Trung Hoa đối với Joseon và Đại Việt(38). Trên thực tế, không chỉ hơn trong nghi thức ngoại giao, và sự đối xử của các triều đại Trung Quốc, ít nhất là từ thời Minh, với quốc vương hai nước cũng có sự hơn kém. Chẳng hạn, theo lệ, các vua An Nam hay Joseon, qua các chuyến đi sứ của sứ thần, thường được ban áo mũ. Nếu vua Joseon được ban “áo cổn, mũ miện” (trang phục đế vương) như một ông vua thực sự (phân biệt với thân phận bề tôi) thì vua An Nam chỉ được ban triều phục như một bề tôi bình thường mặc dù về mặt tước hiệu vẫn được phong tước là [An Nam] “quốc vương” như “quốc vương” nước Joseon. Điều này làm vua tôi Đại Việt hết sức bất bình. Và theo ghi nhận của Minh thực lục thì hầu như sứ bộ nào của An Nam khi sang Yên Kinh cũng đều nêu yêu cầu cần đối xử một cách công bằng với An Nam như đối với Joseon. Nhưng thường là nhà Minh không chấp nhận điều đó và viện dẫn nhiều lí do khác nhau để từ chối(39). Sự sắp đặt nghi lễ ngoại giao cho các sứ thần 2 nước cũng dựa trên quan điểm trên. Nhà Thanh kế thừa nhà Minh quan điểm này (và chỉ sau này sang thế kỉ XVIII thì vị thế đó mới từng bước được khôi phục vì sự suy yếu của nhà Mãn Thanh và sự mạnh lên về mọi mặt của các vương triều ở Đại Việt cũng như sự tranh đấu khôn khéo, bền bỉ, không ngừng của các sứ thần(40). Trong chuyến đi sứ của mình, Nguyễn Huy Oánh cũng đã có nỗ lực đấu tranh cho vị thế ngoại giao của triều đại và đất nước mình bằng rất nhiều hành động (sáng tác thơ văn trao đổi với giới học thức Trung Hoa, đến thăm Văn Miếu Khổng Tử, tấu trình những điều bất hợp lí lên triều đình nhà Thanh,…) trong đó có việc nâng cao vị trí của sứ thần Đại Việt lên ngang hàng với sứ thần Joseon. Ngược lại, trong tâm lí của sứ thần Joseon cũng không phải không có tâm lí ganh đua hơn kém. Lí Chi Phong là một ví dụ. Trong câu trích dẫn ở trên, ta thấy mặc dù Chi Phong biểu hiện một thái độ kính trọng với sứ thần Đại Việt (ông cũng nói rõ rằng: “trong giao tiếp, thường có ý kính nể lẫn nhau”) nhưng không phải ông không ngầm tự hào, kiêu hãnh khi cho biết: “Khi triều hội, sứ thần nước ta đứng hàng đầu, sứ thần An Nam đứng hàng sau”. Sự kiêu hãnh đó, suy cho cùng cũng xuất phát từ niềm tự hào dân tộc và ý thức về “quốc thể” mà các sứ thần là người đại diện cao nhất khi “đem chuông đi đánh xứ người”. Hiện thời, chúng tôi không có tư liệu về các động thái, phản ứng của sứ đoàn Joseon năm 1765 với sứ đoàn Đại Việt cũng như với nhà Thanh, nhưng nếu có thì hẳn nó cũng không đi ra ngoài truyền thống bang giao đã có từ trước: hữu hảo bằng tình cảm và nhận thức về sự đồng cảnh, đồng văn; cạnh tranh một cách lành mạnh bằng nội lực, năng lực vốn có. Đó là niềm tin được đúc rút, được củng cố từ nhiều cuộc giao lưu, tiếp xúc giữa sứ thần hai nước trước và sau cuộc tiếp xúc này.

3. Thay lời kết

            Lịch sử giao lưu tiếp xúc giữa Việt Nam và Hàn Quốc thời trung đại là như vậy, khá tốt đẹp: cơ bản là hữu hảo, thân thiện, hoà bình; nếu có cạnh tranh thì cũng cạnh tranh gián tiếp, ngấm ngầm trong sự tôn trọng lẫn nhau vì một sự bình đẳng, một vị thế cao hơn, xứng đáng hơn của quốc gia trong quan hệ khu vực mà thôi. Trường hợp hai sứ đoàn năm 1765 là một ví dụ có tính biểu tượng cho tình hình đó. Những cuộc giao lưu, tiếp xúc giữa hai dân tộc trong trường kì lịch sử thời trung đại cũng cho thấy rõ bức tranh đó. Đây là một sản phẩm của lịch sử: Việt Nam và Hàn Quốc thời trung đại, do vị trí địa lí và tiến trình lịch sử, chưa bao giờ lâm vào một sự va chạm, một cuộc cạnh tranh trực diện, sinh tử. Ở thời hiện đại, tình hình có khác khi mà thế giới trở nên nhỏ bé hơn trước sự phát triển của nền văn minh nhân loại và quá trình toàn cầu hoá (globalization). Hai nước có cơ hội tiến gần nhau hơn, tiếp xúc, hiểu biết nhiều hơn nhưng va chạm, cạnh tranh cũng lớn hơn, gay gắt hơn. Thực tiễn quan hệ thăng trầm giữa hai dân tộc mấy chục năm qua đã cho thấy điều đó. Vậy thì bài học gì sẽ được rút ra từ lịch sử nếu lịch sử đó có ích cho hiện tại. Theo chúng tôi, đó có thể là: một mặt, phải cố gắng tìm ra nhiều điểm tương đồng hơn nữa giữa hai dân tộc để xây dựng một tình hữu nghị bền vững, và mặt khác, phải xử lí, giảm thiểu những điểm khác biệt, va chạm, mâu thuẫn giữa hai dân tộc trên quan điểm bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ, cùng nhau hướng về không gian rộng lớn, yên bình và tốt đẹp hơn chứ không phải cùng trói chân nhau trên một mảnh đất nhỏ bé, bất ổn dưới sự chi phối bởi những định kiến, những lí thuyết, chủ nghĩa hẹp hòi nào đó./.

Chú thích

(1) Về quan hệ giao lưu, tiếp xúc giữa Việt Nam - Hàn Quốc, xin xem: Sở Cuồng Lê Dư, Cháu 22 đời vua Lí Anh Tông (1138 - 1175) hiện ở Cao Ly, Tạp chí Tri tân, số báo Xuân/1942; Ch’oe Sang Su (崔常壽), Han’gukkoa Weolnamgoaeui Kwan’gye (Seoul: Hanweolhyeophoe, 1966); Trần Văn Giáp (1970), Một số tư liệu về việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Triều Tiên, Tài liệu chép tay, Thư viện Quốc gia Hà Nội, kí hiệu: Vv.1005/70; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Người Việt Nam ở Triều Tiên và mối giao lưu văn hóa Việt - Triều trong lịch sử, Hà Nội, 1997; Bùi Duy Tân, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Nxb Hà Tây, 2000; Toàn Huệ Khanh (Jeon Hye Kyung), Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kì Hàn Quốc - Trung Quốc - Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004; Nguyễn Minh Tuân, Thêm bốn bài thơ xướng hoạ giữa Lê Quý Đôn và sứ thần Triều Tiên, Tạp chí Hán Nôm, số 4/1999; Bùi Duy Tân, Theo dòng khảo luận văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005; Nguyễn Minh Tường, Một số cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Việt Nam và sứ thần Hàn Quốc thời trung đại, Tạp chí Hán Nôm, số 6/2007;  Nguyễn Đức Nhuệ, Cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Việt Nam Lưu Đình Chất và sứ thần Trung Hoa Lí Đẩu Phong đầu thế kỉ XVII, Tạp chí Hán Nôm, số 5/2009; Nguyễn Minh Tường, Cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Đại Việt Lê Quý Đôn và sứ thần Hàn Quốc Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiến, Lí Huy Trung tại Bắc Kinh năm 1760, Tạp chí Hán Nôm, số 1/2009; Lí Xuân Chung, Nghiên cứu, đánh giá thơ văn xướng hoạ của các sứ thần hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, LATS Ngữ văn, Thư viện Quốc gia Hà Nội, 2009;  / Phan Huy Lê, Kim Yong Deok, Yu Insun, Nguyễn Minh Tường.. , Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong lịch sử: Kỷ yếu hội thảo lần thứ nhất, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2009. Phan Huy Lê, Ro Myoung-ho, Jeong Jae-jeong.. Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong lịch sử: Hậu Choson và triều Nguyễn Việt Nam thách thức, chuyển biến và các mối quan hệ khu vực, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2009; Trịnh Khắc Mạnh, Nguyễn Đức Toàn, Thơ xướng hoạ của sứ thần Đại Việt - Hoàng giáp Nguyễn Đăng với sứ thần Joseon - Lí Đẩu Phong, Tap chí Hán Nôm, số 3/2012;v.v…

(2) Nguyễn Huy Oánh (阮輝瑩): tên là Xuẩn , tự Kính Hoa 鏡華, hiệu Lựu Trai 榴齋 và Thạc Đình 碩亭, quê làng Trường Lưu, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là làng Trường Lưu, xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), đỗ Thám hoa năm Mậu Thìn (1748), làm quan đến chức Thượng thư, tước Thạc Đình bá. Ông là một nhà thơ, nhà văn, nhà khảo cứu, nhà giáo dục có tiếng ở thế kỉ XVIII với rất nhiều trước tác như: Bắc dư tập lãm, Phụng sứ Yên Đài tổng ca, Sơ học chỉ nam, Quốc sử toản yếu, Huấn nữ tử ca, Dược tính ca quát, Thạc Đình di cảo,v.v…

(3) Yi-Won (이훤 1708 - ?): chưa rõ tiểu sử, là một nhà Nho cuối thời Joseon, còn gọi là Thuận Nghĩa Quân (順義君). Ông là một học giả, một thư pháp gia có tiếng của Hàn Quốc thời trung đại.

(4) Lê Doãn Thân (1720-1773): quê xã Đại Mão, huyện Siêu Loại (nay là thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), đỗ Tiến sĩ năm Mậu Thìn (1748), làm quan đến chức Thừa chính sứ, Đốc trấn, tước Tú Xuyên bá.

(5) Nguyễn Thưởng (? - ?): chưa rõ tiểu sử, hành trạng.

(6) Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du,... Đại việt sử kí tục biên (1672 - 1789), Ngô Thế Long, Nguyễn Kim Hưng dịch, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2011, tr.293.

(7) Chi tiết hơn về chuyến đi sứ này xin xem: Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Huy Oánh - nhà ngoại giao, trong Kỉ yếu hội thảo khoa học Danh nhân văn hóa Nguyễn Huy Oánh, Lại Văn Hùng chủ biên, Viện Văn học, Sở văn hóa, thể thao và du lịch Hà Tĩnh, 2008, trang 172 - 190. Trong bài Một số cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Việt Nam và sứ thần Hàn Quốc thời trung đại (Tlđd), Nguyễn Minh Tường có nhắc đến sự tiếp xúc giữa Nguyễn Huy Oánh và sứ thần Triều Tiên, nhưng không cho biết chi tiết.

(8) Kim-Sun-Heng (김선행, 1716 - ?): một nhà Nho cuối triều đại Joseon, quê ở An Đông, làm quan trải các chức Hàn lâm viện Hiệu lí, Hàn lâm viện tu soạn, Ti gián kiêm Phụ đức, Đô thừa chỉ, Thuỷ Nguyên (Suwon) phủ sứ, làm Phó sứ sang nhà Thanh năm 1765, trở về được bổ chức Lễ tào Tham phán. Không rõ ông mất khi nào.

(9) Hong Eok (홍억, 1722 - 1809): chính trị gia nổi tiếng của nước Joseon giai đoạn cuối. Ông là chú ruột của học giả nổi tiếng Hồng Đại Dung.

(10) Yi Deok-mu (이덕무, 1741 - 1793), một nhà văn, học giả theo phái thực học của Joseon, được xem là “tứ đại gia” của phái thực học đương thời, tự Mậu Quan 懋官, hiệu Quýnh Am 炯庵, Nhã Đình 雅亭, Thanh Trang Quán (靑莊館), quê Toàn Châu 全州 ( 내의) . Tác phẩm của ông có Thanh Trang Quán toàn thư, Nhập Yên kí,… Có sách nói ông sang sứ Trung Hoa năm 1778 chứ không phải 1766. Chưa rõ thuyết nào đúng, tạm tồn nghi.

(11) Hong Tae-yong ( 대용, 1731 - 1783), là một nhà triết học, nhà khoa học tự nhiên theo phái thực học của Joseon, được xem là “thi đàn tứ đại gia” đương thời. Ông tự Đức Bảo , hiệu Trạm Hiên , người Hán Thành (Seoul ngày nay), làm quan trải các thực Thế tôn dực vệ ti thị trực, Huyện giám, quận thú,… Sang sứ Trung Hoa năm 1765-1766, sau thoái ẩn, chuyên sâu nghiên cứu khoa học, tinh thông thiên văn, địa lí, lịch sử, toán học, binh pháp, âm nhạc,… Tác phẩm của ông có: Trạm Hiên thư, Y Sơn vấn đáp, Trù giải nhu dụng, Trạm Hiên Yên kí,… Hồng Đại Dung được xem là một nhân vật quan trọng trong sự giao lưu văn hóa Hàn Quốc - Trung Quốc. Ông có một nhận xét về An Nam trong Trạm Hiên Yên kí như sau : « Nước An Nam sáu năm sang cống Trung Hoa 2 lễ » [Dẫn theo bài 韩(朝)越关系史, URL:http://zh.wikipedia.org]

(12) Yi Su-qwang (이수광, 1563 - 1628) là một nhà chính trị, quân sự, ngoại giao lớn dưới triều Joseon. Ông đã nhiều lần đi sứ Trung Hoa và làm thơ xướng hoạ, giao lưu với sứ thần các nước lân cận, trong đó có sứ thần Việt Nam Phùng Khắc Khoan.

(13) Yi Su-qwang, Chi Phong văn tập. Dẫn theo Trần Văn Giáp, Tlđd.

(14) Lê Quý Đôn. Kiến văn tiểu lục, Thiên chương, trong Lê Quý Đôn toàn tập  (1977), tập 2, Phạm Trọng Điềm dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.225.

(15) Lê Quý Đôn (1977), Tlđd, tr.225.

(16) Lê Quý Đôn 黎貴敦 (1726 - 1784), tự Doãn Hậu (允厚), hiệu Quế Đường (桂堂), là nhà chính trị, ngoại giao, nhà văn và là nhà "bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến". Ông nổi tiếng thần đồng, đỗ Bảng nhãn năm 1752. Ông được cử đi sứ nhà Thanh năm 1760 và có giao lưu với các sứ thần Hàn Quốc như Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiến, Lí Huy Trung,v.v…

(17) Cao Li (Cao Lệ): tên cũ của Hàn Quốc ngày nay. Tên này ban đầu chỉ nước Cao Cú Lệ (Koguryo) (bên cạnh các nước Bách Tế - Baekche và Tân La - Sinla) nhưng sau này khi ba nước nhập làm một thì tên này được dùng một cách ước lệ để chỉ nước Triều Tiên nói chung. Cái tên Korea ngày nay cũng bắt nguồn từ tên này.

(18) Nguyễn Huy Vinh (biên tập). Thạc Đình di cảo, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm kí hiệu A.3135, tờ 87a. Bài thơ này cũng đã được Lại Văn Hùng giới thiệu, công bố trong cuốn Tuyển tập thơ văn Nguyễn Huy Oánh, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2005.

(19) Thành Thang: vị vua sáng lập triều Thương. Theo truyền thuyết, người Cao Li (Korea) là con cháu ông Cơ Tử (dòng dõi nhà Thương). Khi nhà Chu diệt nhà Thương, Cơ Tử không chịu khuất phục nhà Chu, bỏ qua đất Liêu Đông ẩn dật. Chu Vũ Vương phong cho đất ấy làm đất Cao Li, Cơ Tử nối dòng làm tước tử tại đó.

(20) Viêm Đế: ông vua trong truyền thuyết Trung Hoa và Việt Nam. Theo Đại Việt sử kí toàn thư (phần Ngoại kỉ), tổ tiên nước Việt ta là dòng dõi Viêm Đế, họ Thần Nông, truyền qua các đời đến Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân rồi Hùng Vương,…

(21) Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), tự Hoằng Phu (弘夫), hiệu Nghị Trai (毅齋), Mai Nham Tử (梅岩子), tục gọi là Trạng Bùng, là nhà chính trị, nhà văn, nhà ngoại giao Việt Nam thế kỉ XVI-XVII. Ông có chuyến sang sứ nhà Thanh năm 1597 và có giao lưu, xướng hoạ thơ văn cùng sứ thần Hàn Quốc Lí Toái Quang.

(22) Phùng Khắc Khoan. Sứ hoa bút thủ trạch thi, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.2011 tờ 16b.

(23) Bùi Huy Bích , Hoàng Việt thi tuyển, Quyển V.

(24) Yi Su-qwang, Chi Phong văn tập, quyển 8. Ảnh ấn, in trong Lí Xuân Chung (2009), Tlđd.

(25) Lại Văn Hùng. “Lời giới thiệu”, Tuyển tập thơ văn Nguyễn Huy Oánh, Tlđd, tr 29.

(26) Xem Nguyễn Thanh Tùng, Thơ bang giao Việt Nhật - Diện mạo và đặc điểm, trong Kỷ yếu Hội thảo Văn học Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á, Trường ĐHKHXH&NV Tp Hồ Chí Minh tháng 12 năm 2011,  tr.369-383.

(27) Trong lịch sử, hiện tượng so sánh (từ đó mà có sự “ghen tị” nhất định giữa trí thức hai nước) không phải không có. Chẳng hạn, Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục [Tlđd, tr.224] khi nhắc đến nước Cao Ly có nhận xét đầy ngưỡng mộ và thậm chí cả ganh tị như sau: “Nước Cao Ly về thời nhà Đường gọi là An Đông đô hộ phủ, đến đời Thạch Tấn, Vương Kiến mới khôi phục được và dựng thành một nước, kiêm tính cả Tân La và Bách Tế, trải qua các triều đại Tống và Nguyên đến đầu đời Minh Thái Tổ, triều đại do Vương Kiến dựng lên mới mất. Họ Lí lên thay, quốc hiệu vẫn theo như cổ gọi là Triều Tiên, trải qua từ đời nhà Đại Minh đến triều đại hiện nay. Thế là trong khoảng chín trăm năm, trong nước mới có 2 lần thay đổi triều đại. Về điểm này, Trung Quốc cũng đáng lấy làm hổ thẹn”. Mặc dù Lê Quý Đôn chỉ so sánh Hàn Quốc với Trung Hoa nhưng chúng ta không thể không thấy ông ngầm ý nói đến cả Đại Việt (mà ông tế nhị lảng tránh nói đến) với sự hổ thẹn và ganh tị với sự ổn định của nước này. Các tư liệu truyền thuyết của Việt Nam cũng thường nói đến những cuộc đua tài căng thẳng giữa sứ thần Đại Việt và sứ thần Joseon trên đất Trung Hoa. Chẳng hạn như cuộc tranh tài làm văn giữa Mạc Đĩnh Chi và sứ thần Cao Ly trong triều đình nhà Nguyên;v.v…

(28) Nguyễn Huy Oánh, Phụng sứ Yên Đài tổng ca (tính Nhật kí), Thư viện Quốc gia Hà Nội, R.1375, tờ 42a.

(29) Lê Quý Đôn (1977), Tlđd, tr.224.

(30) Lê Quý Đôn (1977), Tlđd, tr.225.

(31) Xem Yên hành kí tuyển tập, sách 1, trang 297-298, tài liệu internet.

(32)  Nguyễn Huy Oánh, Tlđd, tờ 42b - 43a. Sách Yên hành lục tuyển tập (sách 1, trang 297-298) cũng xác nhận: ngày Mồng Một tháng Giêng năm (1766), sứ đoàn Joseon “yết kiến Hoàng đế”. Tlđd.

(33) Xem Lê Quý Đôn, Bắc sứ thông lục, bản dịch của Trịnh Ngữ (Ngô Thế Long hiệu đính), tài liệu viết tay, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu Bt.19 và Bt.85

(34) Nguyễn Đổng Chi, Lí Văn Phức: Cây bút luận chiến ngoại giao cứng cỏi, trong Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1981, tr.537.

(35) Nguyễn Huy Vinh (biên tập). Nguyễn thị gia tàng, bản 1791, tờ 45a.

(36) Nguyễn Huy Vinh, Nguyễn Huy Chương (biên tập), Nguyễn thị gia tàng, bản 1943, tờ 42b.

(37) Yi Su-qwang, Chi Phong văn tập, quyển 8. Ảnh ấn, in trong Lí Xuân Chung (2009), Tlđd.

(38) Tình hình trước đó có thể khác. Chẳng hạn, sứ thần Joseon là Kim Vĩnh Trinh 金永贞 và An Xứ Lương có ghi chép rằng, trong chuyến đi sứ năm 1500, họ đã “cùng 3 vị sứ thần An Nam đứng ngang hàng trên điện” [韩(朝)越关系史, Tlđd]. Có thể lúc bấy giờ, vị thế của nhà Lê sơ (thời Lê Hiến Tông) trong mắt nhà Minh vẫn còn cao, nên mới có sự sắp đặt bình đẳng như vậy. Nhưng đến năm 1597, tình hình đã rất khác, vì lúc bấy giờ Phùng Khắc Khoan mới sang nhà Minh “cầu phong” cho vua Lê [Trung hưng] với rất nhiều khó khăn, thử thách sau khi mới đánh thắng quân Mạc. Sau chuyến đi đó, nhà Minh cũng chỉ phong cho vua Lê chức “Đô thống sứ”, kém hẳn trước đây; mãi về sau vua Lê mới được phong trở lại là “Quốc vương”, nhưng sự ứng xử vẫn còn đầy sự khinh khi, chèn ép, thiên lệch. Sự sắp xếp có phần “hạ thấp” đó hẳn đã kéo dài cho đến tận thời Nguyễn Huy Oánh. Và như vậy, thực chất Nguyễn Huy Oánh đã đòi lại vị thế vốn có của Đại Việt mà thôi.

(39) Xem Trần Văn Nguyên 陈文源. Nguyên Minh thời kì An Nam cống vật “đại thân kim nhân” khảo thuật (Khảo thuật về cống vật ‘người vàng thay thế người thật’ của An Nam thời Nguyên Minh), Tạp chí Xã hội khoa học, số 6/2006 (Thượng Hải), tr.174-175.

(40) Đặc biệt đến thời Tây Sơn và Nguyễn, vị thế của Đại Việt trong bang giao với triều Thanh càng tăng cao nhờ những thắng lợi về văn quân sự, chính trị, kinh tế… của Đại Việt trước nhà Thanh.



[i] TS, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

[ii] Dr., Faculty of Literature, Ha Noi University of Education

-------------------------------------------------

Nguồn: Tham luận đăng trong kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai” (International Conference on Vietnam - Korea Relationship in the past, the present and the future) do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM tổ chức dưới sự tài trợ của Viện Nghiên cứu văn hóa trung ương Hàn Quốc (The Academy of Korean Studies) vào ngày 1.12.2012.

 

Danh mục website