Đề thi môn Văn: Không còn nguồn tác phẩm để ra đề ?

Hầu như năm nào đề thi tuyển sinh đại học cũng có chuyện để bàn. Và trong các môn thi, môn Văn vẫn thường thu hút sự chú ý nhiều hơn cả. Một mặt, văn chương gắn với ngôn từ, có tính phổ quát, nên không nhất thiết phải dạy văn mới có thể lên tiếng về đề văn. Mặt khác, đặc trưng của văn chương là hình tượng, đa nghĩa, nên cách hiểu của mọi người cũng không trùng khít với nhau. Bao năm đề vẫn cũ!

 

Thí sinh thi môn Văn vào ĐH KHXH-NV TP.HCM năm 2007 - Ảnh: Đ.N.T

 

Từ khi Bộ GD-ĐT thực hiện "ba chung" trong tuyển sinh đại học vào năm 2002 đến nay, cấu trúc đề thi môn Văn luôn ổn định gồm ba câu theo tỷ lệ điểm: 2-5-3. Mỗi năm phải ra hai đề cho khối C và khối D, tổng cộng là sáu câu, không kể đề thi dự bị. Đối với chương trình chưa phân ban, tất cả các câu xoay quanh năm tác gia và 33 tác phẩm mà học sinh đã học và được cho biết trước trong giới hạn ôn thi. Vì vậy, việc trùng lặp trong nội dung đề thi giữa các năm là khó tránh khỏi, chẳng hạn về Xuân Diệu (2005, 2007), Tuyên ngôn Độc lập (2005, 2007), Tràng giang (2003, 2007), Đời thừa (2003, 2005), Vợ nhặt (2002, 2005), Tiếng hát con tàu (2003, 2004), Sóng (2002, 2006). Tất nhiên, cùng một tác phẩm, nhưng mỗi đề thi có thể khai thác một khía cạnh khác nhau về nội dung và nghệ thuật. Dù sao, nếu nghiên cứu kỹ, có thể dự đoán được rằng câu 1 và câu 2 sẽ nằm trong phần giao nhau của hai chương trình (chưa phân ban và phân ban), nghĩa là giới hạn trong năm tác gia và 19 tác phẩm thôi. Còn câu 3 là phần tự chọn, dành cho tác phẩm chỉ có riêng trong mỗi chương trình.

Kiểu đề thi như trên lâu nay thường được gọi là đề "tự luận". Thật ra nên gọi đó là những câu hỏi giáo khoa. Nói tự luận, vì đối với câu 2 và câu 3, đáp án bao giờ cũng đòi hỏi phải có nhập đề (giới thiệu tác giả, tác phẩm), thân bài và kết luận như một bài văn hoàn chỉnh. Nhưng thật sự thì làm sao thí sinh có thể "tự luận" được, khi mà chỉ trong vòng 180 phút, phải làm cả một câu tái hiện kiến thức và hai bài văn độc lập như vậy? Những bài thi viết hơn 10 trang giấy như bài văn đạt điểm 10 năm ngoái, thực chất là nhờ thí sinh học thuộc các ý nằm trong sách giáo khoa và các sách luyện thi rồi tái hiện lại trên trang viết, chứ đâu còn thì giờ để suy nghĩ, sáng tạo? Thử hỏi, một giáo sư hay một nhà phê bình văn học được giao cho một đề tài để suy nghĩ và viết 10 trang trong vòng ba tiếng, liệu ông ta có xoay xở kịp hay không?

Việc ra đề thi gồm có ba câu nhỏ được lý giải là vì cần phải kiểm tra toàn diện kiến thức và năng lực của học sinh, cả ở chương trình lớp 11 và lớp 12, cả về văn học trước và sau cách mạng, cả về cảm thụ, phân tích và bình luận... Cũng có thể còn một ẩn ý này nữa: Tuy đây là một cuộc thi tuyển, nhưng việc đặt những câu hỏi thiên về tái hiện kiến thức là cần thiết để cho ra một biểu đồ kết quả "tương đối đẹp", nghĩa là không quá chênh lệch với kết quả tốt nghiệp THPT, khiến dư luận không thể nghi ngờ về chất lượng đào tạo đại trà ở bậc học này!

Có cần học gì thi nấy?

Bản thân chúng tôi, từ lâu, trên mặt báo và trong hội nghị, đã phản bác chủ trương ra đề thi tuyển sinh môn Văn theo kiểu "học gì thi nấy". Tại sao đã học tác gia Hồ Chí Minh về tư tưởng, phong cách và sự nghiệp văn học, trong đó có Nhật ký trong tù, nhưng khi ra đề thì năm nào cũng chỉ giới hạn trong ba bài thơ Chiều tối, Giải đi sớm Mới ra tù tập leo núi mà thôi? Lẽ ra học sinh cần được đánh giá về cách hiểu và cảm những tác phẩm tiêu biểu của một tác gia, chứ  không phải chỉ vài ba bài thơ cố định trong chương trình, những bài vốn được các lò luyện thi "cày xới" không biết bao nhiêu lần.

Một số người bi quan cho rằng cách ra đề thi và đáp án môn Văn như hiện nay chỉ có lợi cho những học sinh trung bình và thiệt thòi cho những học sinh giỏi. Tôi không hoàn toàn đồng ý như vậy. Có điều tôi biết chắc rằng những học sinh thông minh, muốn đạt được điểm cao, thì phải biết cách "nhập gia tùy tục". Chẳng hạn, đáp án năm nào cũng đưa ra kiểu nhập đề là "giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm", thì tốt nhất là đừng tìm cách nhập đề sáng tạo cho phiền phức, mà hãy cứ bắt đầu bằng "Huy Cận là một nhà thơ xuất sắc..." hay "Nguyễn Khải là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu..." cho chắc ăn! Nếu nói khác đi, chưa thấy hay ở đâu, chỉ thấy không khớp với đáp án, có nguy cơ bị trừ điểm.

Tôi cũng không thuộc vào số những người hoài nghi về năng lực ra đề của các thầy giáo, cô giáo có trách nhiệm. Nước ta có biết bao chuyên gia văn học xuất sắc, tư duy và kiến văn không thua kém ai đâu. Những đề thi tuyển sinh môn Văn ở một nước láng giềng mà báo chí ta khen ngợi, có gì "ghê gớm" đâu mà chúng ta không soạn được. Điều quyết định là phải có một chủ trương và lộ trình thống nhất cũng như sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý, những người biên soạn sách giáo khoa, những người ra đề và cả dư luận xã hội nữa. Nếu không thì ngay cả những chuyên gia bậc thầy cũng chẳng thể làm gì khác được. Do chịu nhiều áp lực, để bảo đảm hệ số an toàn, người ta đành phải chấp nhận khuôn mẫu đã định, "thà dở còn hơn là sai". Tình trạng chỉ có thể cải thiện khi người ta ý thức được rằng dở cũng tác hại chẳng kém gì sai. Bởi lẽ, trong văn chương, "đúng"  nhưng mà phải hay thì mới gọi là đúng được!

Cho nên, thiết nghĩ, bao lâu chúng ta còn duy trì cách học văn, dạy văn và thi cử như hiện nay, thì bấy lâu cách ra đề và chấm thi môn Văn chưa thể thay đổi gì đáng kể.

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200729/201230.aspx 

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website