Nguyễn Trọng Văn - chứng nhân buổi giao thời

Thầy Nguyễn Trọng Văn dạy lớp chúng tôi môn triết học vào năm cuối bậc trung học.

Trong xã hội miền Nam thời chiến tranh, mọi việc đều bị chính quyền kiểm soát ngặt nghèo, vậy mà ông hiệu trưởng là người theo “chủ nghĩa quốc gia” lại tuyển dụng một nhà văn, nhà phê bình thuộc khuynh hướng thiên tả, thân cộng như Nguyễn Trọng Văn, tác giả những bài viết phê phán xã hội gay gắt trên Đất Nước, Đối Diện, Văn Mới...

Xen giữa những giờ giảng khô khan, thầy Văn luôn khai ngộ cho chúng tôi về thực trạng đất nước lúc đó. Ngay trong thời gian loạt bài của thầy khiến tạp chí Đối Diện bị tịch thu và đưa ra tòa, một hôm thầy vào lớp, giọng nói chắc nịch, báo tin với chúng tôi: hôm qua miền Bắc bắn rơi hai máy bay B52!

Nhà nghiên cứu, phê bình Nguyễn Trọng Văn sinh năm 1940 tại Hà Nội, theo gia đình vào Nam năm 1952, thạc sĩ triết học, nguyên giảng viên Trường đại học Văn khoa Sài Gòn - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Ông mất ngày 23-6-2013, quàn tại nhà T6 Hồng Lĩnh, cư xá Bắc Hải, quận 10, động quan lúc 13g ngày 25-6-2013, hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Lên Đại học Văn khoa, chúng tôi gặp lại thầy Văn và hiểu thêm tính cách của ông. Ông là trợ giảng của giáo sư Trần Thái Đỉnh ở chứng chỉ lịch sử triết học Tây phương, nhưng lại viết bài nêu ra những hạn chế trong công trình Triết học hiện sinh của thầy. Vậy mà trong buổi học đầu tiên, chính thầy Đỉnh đưa thầy Văn đến lớp giới thiệu với sinh viên bằng những lời rất ưu ái và nồng nhiệt. Cung cách hành xử đó cho thấy tấm gương của những người trí thức luôn coi trọng sự độc lập về tư tưởng và khát vọng về chân lý.

Sau ngày hòa bình, thầy Nguyễn Trọng Văn tiếp tục làm việc ở khoa triết học Trường đại học Tổng hợp. Vừa giảng dạy và nghiên cứu, vừa tham gia sinh hoạt ở Hội Trí thức yêu nước, thầy không nguôi thao thức, băn khoăn về thời cuộc. Năm 1980, thầy lại có một bài thuyết trình gây chấn động: “Diễn biến tư tưởng của trí thức tại chỗ sau 1975”. Với sự nhạy cảm, tác giả đã nói rất sớm những mâu thuẫn của xã hội buổi giao thời mà người trí thức luôn là chứng nhân trung thực. Dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, thầy vẫn không rời bục giảng cho đến ngày về hưu. Chín năm nay, sau một cơn tai biến, sức khỏe sa sút, hằng ngày thầy vẫn ngồi trước máy tính, lên mạng kết nối với người thân, bạn bè.

Tính cách tạo nên số phận, Nguyễn Trọng Văn là hình ảnh của người trí thức mang trong mình những nghịch lý của xã hội và văn hóa. Cuộc đời ông là một chuỗi những chọn lựa dấn thân, đúng sai cần có thời gian để phân định, nhưng bao giờ cũng xuất phát từ sự trung thực của lòng mình. Người rất say mê triết học hiện sinh của Jean - Paul Sartre đó cũng là người chỉ trích không tiếc lời thái độ “làm dáng”, bàng quan trước số phận đất nước và con người, qua hình ảnh “những người con hoang” của văn học hiện sinh.

Năm ngoái ông có photocopy tặng tôi những bài viết mới, cùng với đề cương những nghiên cứu mà ông dự định thực hiện. Nay thì mọi thứ đều dang dở. Nhưng có ai trên đời này không thấy đời mình dang dở? Cuộc đời là toàn bộ những gì ta đã làm, đã nói, đã viết, những điều hay và điều dở ta đã đem lại cho người khác và cho chính mình mà nhiều khi ta ân hận thì đã muộn.

 Nguồn: m.tuoitre.vn/tin-tuc/Giao-duc/256639,Nguyen-Trong-Van-chung-nhan-buoi-giao-thoi.ttm

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website