Tuyển sinh Đại học 2013: Điểm môn văn có thể không "đẹp", nhưng...

PN - Một mùa thi tú tài và tuyển sinh đại học (ĐH) vừa kết thúc. Từ nhiều năm nay, hầu như năm nào, sau mỗi kỳ thi, dư luận xã hội cũng có ý kiến về đề thi, nhất là đề thi môn Ngữ văn. Năm nay, lần đầu tiên đề thi môn Ngữ văn được dư luận khen ngợi, đặc biệt câu nghị luận xã hội trong kỳ thi tú tài, và cả ba câu trong kỳ thi tuyển sinh ĐH khối C lẫn khối D.

Trước hết, có thể thấy, những người ra đề vẫn không thoát khỏi giới hạn nguồn tác phẩm cố định giảng dạy trong nhà trường. Không phải ngẫu nhiên mà sau kỳ thi tú tài vừa rồi, nhà văn Phạm Thị Hoài than: “Muôn thuở Vợ chồng A Phủ”! Bản thân chúng tôi, sáu năm trước, trong một bài báo, cũng cảnh báo là cách ra đề như vậy cho cảm tưởng văn học Việt Nam không còn tác phẩm nào xứng đáng để ra đề thi. Lần này, tình hình vẫn vậy: không Vợ chồng A Phủ thì vẫn là Hai đứa trẻ, Đời thừa, Người lái đò sông Đà, Chiếc thuyền ngoài xa. Không Đất nước thì vẫn là Vội vàng, Tây tiến…

Từ khi có kỳ thi “ba chung”, những tác phẩm ấy không biết đã được khai thác để ra đề biết bao nhiêu lần! Lẽ ra, khi học sinh đã học Nam Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu… như những tác giả có tư tưởng và phong cách độc đáo, thì có thể chọn ra đề từ những tác phẩm khác của các nhà văn ấy, nhờ đó mới đánh giá được khả năng cảm thụ của học sinh và tránh được cách làm bài theo văn mẫu. Tuy nhiên, nếu đột ngột ra đề theo tinh thần sáng tạo như vậy thì chắc chắn nhiều học sinh sẽ bó tay.

Thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2013. Ảnh: Tiêu Hà.

Vì vậy, cách tốt nhất để tìm sự đồng thuận của xã hội là cải tiến cách ra đề thi ngay trong khuôn khổ nội dung những tác phẩm mà nhà trường đã dạy. Đề thi tuyển sinh vừa ra cách đây hai hôm đã cho thấy sự “cựa quậy” đó. Câu 1 (2 điểm) ở cả hai khối đều có tính chất thuộc bài nhằm dành điểm cho các học sinh trung bình, nhưng không đơn giản là liệt kê đặc điểm một hiện tượng văn học mà đã chọn khía cạnh gây ấn tượng nhất làm nên chất văn của tác phẩm để thí sinh (TS) tái hiện (hình ảnh Hà Nội trong tâm hồn đứa trẻ; tính nết sông Đà như một “cố nhân”).

Cả hai câu 3a và 3b (5 điểm) ở đề thi khối C và D đều thể hiện rõ cách đặt vấn đề khiến TS phải động não, không còn khẳng định một chiều, mà đã trình bày những cách nhìn đa dạng, khai thác những khía cạnh nghịch lý của văn học. Không còn kiểu đề thi đưa ra một khổ thơ rồi yêu cầu TS phân tích, bình giảng vốn in đầy trong các sách luyện thi. Các bài thơ Vội vàng, Tây tiến cũng như truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa không còn được đánh giá theo quan điểm độc tôn mà cho thấy có nhiều cách hiểu khác nhau, hoặc đối nghịch, hoặc bổ sung cho nhau, đòi hỏi TS phải chọn lựa. Việc so sánh hai nhân vật nữ trong Đời thừa và Chiếc thuyền ngoài xa cũng phần nào chạm đến chỗ tinh tế của tính cách.

Điều thú vị nhất trong hai đề thi nằm ở câu 2 (3 điểm), dạng nghị luận xã hội, khi TS được yêu cầu bình luận về ý kiến của nhà nghiên cứu uy tín Trần Đình Hượu (khối C) và một người Việt Nam ở nước ngoài (khối D), cả hai đều nói về nhược điểm trong tính cách và lối sống của dân tộc ta. Càng thú vị hơn nữa khi đáp án chấp nhận “TS có thể đồng tình, không đồng tình hoặc chỉ đồng tình phần nào với ý kiến của Tran Hung John” rằng “phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động…”. Đáp án còn ghi rõ: “TS được tự do bày tỏ quan điểm sống của mình, nhưng cần phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, cầu tiến”.

Dù việc ra đề chỉ đổi mới một bước như vậy, nhưng chúng tôi cho rằng, đề thi năm nay chắc chắn sẽ làm lúng túng không ít TS, nhất là những em quá lệ thuộc vào bài giảng và các sách luyện thi. Đáp án của Bộ Giáo dục và đào tạo đã cẩn trọng lưu ý: “TS có thể làm bài theo những cách khác nhau, chấp nhận cả những cách khác đáp án, nhưng phải đảm bảo yêu cầu về kiến thức”.

Thế nhưng, đáp án vẫn quy định 17 cột điểm mà một bài thi hoàn thiện phải đáp ứng và các giám khảo phải ghi vào bảng điểm thống kê cũng như ngay trên chính bài thi để đếm ý trước khi cho điểm toàn bài. Đây là một khó khăn đặt ra cho các giám khảo nếu họ chấp nhận một bài thi làm theo cách khác với đáp án. Chẳng hạn, nếu có TS, bằng những dẫn chứng cụ thể lấy từ đời sống xã hội, bày tỏ quan điểm cho rằng thái độ “không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo” là hoàn toàn tiêu cực, chỉ dẫn đất nước đến tình cảnh tụt hậu, thì sao? Điều này đòi hỏi giám khảo phải hết sức linh hoạt, không thể quy kết một cách đơn giản là sai kiến thức.

Theo dự đoán của chúng tôi, với cách ra đề thi có cải tiến như vậy, những bài thi hay của năm nay không thể nào viết dài được. Nó đòi hỏi TS phải suy nghĩ, cân nhắc cẩn trọng trước khi đặt bút viết, chứ không còn lấy sẵn các ý trong đầu như lấy đồ chơi xếp hình ra xếp. Đồng thời, phổ điểm môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay chắc sẽ không “đẹp” và sẽ không tương ứng với phổ điểm kỳ thi tú tài. Tuy nhiên, cả hai điều đó đều không đáng lo mà đáng mừng, bởi cách ra đề như năm nay sẽ tập dần cho học sinh tư duy độc lập, biết tự mình suy nghĩ và phán xét các hiện tượng văn học và đời sống. Đó là bước chuẩn bị cần thiết để dần thay đổi cách học văn thụ động ở trường phổ thông.

 HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

 

Nguồn:http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/giao-duc/diem-mon-van-co-the-khong-dep-nhung-/a97188.html

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website