Giới thiệu, phiên dịch Yên Đài anh thoại khúc của Bùi Quỹ

              (VH-NN) – Khóa luận GIỚI THIỆU, PHIÊN DỊCH YÊN ĐÀI ANH THOẠI KHÚC CỦA BÙI QUỸ của SV Phan Thị Diễm (SV chuyên ngành Hán Nôm hệ Cử nhân tài năng khóa 2009-2013, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) do TS. Lê Quang Trường hướng dẫn, đã được bảo vệ tại Trường ĐH KHXH và Nhân văn tháng 6 năm 2013 vừa qua. Khóa luận được Hội đồng đánh giá loại giỏi (9.5 điểm). VH-NN xin giới thiệu một phần Chương 1, một vài bài thơ trong Yên Đài anh thoại khúc của Bùi Quỹ, cùng Mục lục của khóa luận.

1.1. Tác giả Bùi Quỹ

Bùi Quỹ (1796- 1861), tên hiệu là Bùi Ngọc Quỹ, tên tự là Hữu Trúc, quê ở xã Hải Thiên, huyện Tiên Lữ, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam, tỉnh Nam Định, (nay là xã Hải Triều, huyện Tiên Lữtỉnh Hưng Yên). Ông của ông là Vinh Thận, đỗ hương cống đời Lê. Đời vua Minh Mệnh năm thứ 10 (1829), Bùi Quỹ đỗ tiến sĩ, từ Hàn lâm viện biên tu, được bổ làm Tri phủ Triệu Phong, rồi đổi làm Viên ngoại lang Bộ Công, trải thăng đến Lang trung.

Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), cất bổ làm Án sát sứ ở Quảng Trị, rồi triệu về làm Biện lý Bộ Công, thăng lên Hữu thị lang, sau đó lại chuyển sang Bộ Hình.

Đầu năm Thiệu Trị (1841), ông giữ chức thự Hình bộ hữu tham tri.

Tự Đức năm thứ 1 (1848), đổi làm Lễ bộ hữu tham tri, sung làm chánh sứ đi sang Yên Kinh. Năm sau, Trung triền sách phong sứ là Lao Sùng Quang tới đô thành Phú Xuân, Quỹ cũng từ Yên Kinh về tới. Được bổ làm Tả phó đô ngự sử ở viện Đô sát. Khi tại chức, giữ phong hóa pháp độ, thường dâng sớ tham hặc các đại thần, lại tâu xin cho hiệu chính bộ “Đại Việt sử ký”, sửa lại bộ “Đại Nam nhất thống chí” và quảng tập “Đại Nam phong nhã thống biên” để sáng tỏ việc văn trị. Các lời trình bày ý kiến, phần nhiều đều được thi hành. Rồi sau có việc phải giáng làm Sử quán biên tu.

Tự Đức năm thứ 4 (1851), thự Án sát sứ ở Tuyên Quang, rồi bổ Hồng lộ tự khanh sung Sử quán toản tu, nhiều lần thăng đến Hàn lâm viện trực học sĩ, thăng Lại bộ tả tham tri, sung chức như cũ.

Tự Đức năm thứ 12 (1859), sung đi công cán, khi từ Sơn Tây trở về có dâng tờ mật sớ trình bày về các công việc như đề phòng ngăn giữ, và từ Quảng Trị trở ra Bắc, các quan lại hay hay dở, những đồn ở cửa biển nào hiểm hay dễ, nói rất rõ ràng đầy đủ. Vua cho là lời nói thẳng các quan lấy đó làm răn.

Cũng vào năm ấy, đổi làm Tuần phủ hộ lý Tổng đốc Bình Phú. Tỉnh Bình Định gặp luôn mấy năm mất mùa. Bùi Quỹ đến nhận chức thung dung vỗ về.Tự Đức năm thứ 14 (1861), Bùi Quỹ bị ốm và chết ở chỗ làm quan, thọ 66 tuổi, được truy thụ chức Tổng đốc.

Cuộc đời của tác giả Bùi Quỹ nằm trong giai đoạn nhà Nguyễn, rõ nhất là thời Vua Tự Đức – vị hoàng đế thứ 4 của nhà Nguyễn trong triều đại phong kiến Việt Nam. Ở mỗi thời đại đều có nhiều sự kiện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, … Đây cũng là một giai đoạn với nhiều biến cố. Có thể nói, dưới thời Tự Đức chế độ phong kiến tại Việt Nam đã có nhiều biến chuyển, phần lớn quan lại có cái nhìn hủ bại của hàng nghìn năm trước. Vì thế, nhiều nhà tư tưởng đã chọn cách sang nước ngoài để giao lưu, học tập để thực hiện những cuộc cải cách cho đất nước, tiêu biểu nhất là Nguyễn Trường Tộ. Thời Tự Đức là thời kỳ có nhiều giặc giã và là một thời rất loạn lạc ở xứ Việt như Lê Duy Phụng, Đoàn Hữu Trưng, …. Do đó, triều đình khá chú trọng vào vấn đề quân sự đặc biệt là những dấu hiệu xâm chiếm của phương Tây (Pháp). Bên cạnh đó, vấn đề xã hội cũng đặt ra nhiều áp bức cho người dân, chẳng hạn như chính sách thuế má, lao dịch,… rồi những trận thiên tai, lũ lụt cũng đã ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến cư dân lúc bấy giờ.

Trước thời đại với nhiều những bức bách, mỗi nhà Nho có một cách ứng xử riêng. Với Bùi Quỹ, ông vẫn là một nhà Nho hành đạo thực sự. Có lẽ do Bùi Quỹ ở sứ chức lâu ngày, noi theo phép thánh hiền hay sửa đổi đi, càng để ý tìm tòi. Đồng thời, tính tình chất phác mộc mạc không thích bóng bẩy bề ngoài nên đã kết giao nhiều bạn bè và được mọi người kính trọng. Thường nói: “Học giả trước hết cốt phải có lòng thành thực làm đầu”, được nhiều sĩ phu khen ngợi. Khi đi sứ có trước tác tập“Yên Đài anh thoại”

Bùi Quỹ có hai người con là Chúc, đỗ tú tài, Liêm làm quan đến tòng lục phẩm[1].

Sự nghiệp thơ ca để lại gồm có các tác phẩm: Hữu Trúc thi tập, Yên hành khúc, Yên hành tổng tái, Sứ trình anh thoại khúc, Bùi tiên sinh thi tập, Yên Đài anh ngữ.

Ngoài ra, Bùi Quỹ có thơ văn trong các sách: Cao Bằng thành hãm sự ký, Chí Hiên thi thảo, Chiếu biểu phú nghĩa cựu văn tạp lục, Đại Nam bi ký thi trướng bảo tập, Đại Nam Huỷ hạ văn tập, Hoàng triều văn tuyển, Thi tập.

1.2. Tác phẩm Yên Đài anh thoại khúc

1.2.1.  Văn bản tác phẩm Yên Đài anh thoại khúc

Tác phẩm của Bùi Quỹ, hiện nay được lưu trữ chủ yếu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, nhưng chúng tôi chưa có điều kiện để tiếp cận các tác phẩm của Bùi Quỹ đang lưu trữ tại Thư viện Hán Nôm.

Tác phẩm Yên Đài anh thoại khúc chúng tôi hiện có là bản chép tay, được lưu trữ tại Thư viện Khoa học Xã hội, ký hiệu HNv.249 và nay đang được lưu trữ dưới file pdf tại Phòng Nghiên cứu Hán Nôm, Khoa VH&NN, Trường ĐH KHXH&NV-TP.HCM. Sách gồm 33 trang chưa kể trang bìa.

Ở trang bìa có ghi bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán do người sau thêm vào (xem phần phụ lục đính kèm), cho biết: Hình Bộ hữu tham tri Bùi Quỹ tức Bùi Ngọc Quỹ đi sứ sang nhà Thanh cùng với Giáp phó sứ Lễ bộ Hữu thị lang Vương Hữu Quang, Ất phó sứ Quang Lộc tự khanh Nguyễn Thu nguyên giữ chức Sử quán toản tu.

Yên Đài anh thoại khúc là tập bút ký xen lẫn thơ, viết theo thể thất ngôn trên giấy dó, gồm nhiều đoạn. Sau khi tìm hiểu và khảo sát, chúng tôi nhận thấy, tác phẩm gồm có 58 bài thơ. Mỗi bài thơ gồm 4 câu, xen lẫn các chú thích. Nội dung ghi lại những điều suy nghĩ, chiêm nghiệm, mắt thấy tai nghe trên suốt cuộc hành trình đi sứ.

Đây là văn bản chép tay, chữ viết hành khải, pha chữ thảo, hơi khó đọc, có nhuận sắc (một phần). Các ký hiệu trong văn bản này như sau:

- Đối với trường hợp chữ viết sai, muốn bỏ chữ đó đi, người viết sẽ thêm ba dấu chấm liên tục về bên trái của chữ.

- Đối với trường hợp đảo chữ, chữ sau được đưa về trước và ngược lại, thì dùng ký hiệu dấu móc như chữ z. Tiêu biểu như các địa danh, ở trang số 5 của bản chép tay: 寜明城州(Ninh Minh thành châu) được sửa lại bằng cách dùng kí hiệu dấu móc ở giữa hai chữ để ta biết tại đoạn này phải được sửa lại là 寧明州城 (Ninh Minh châu thành) cho đúng về ngữ nghĩa. Hoặc ở trang số 28 của bản chép tay có viết 西華武神 (Tây Hoa Vũ Thần) cũng đã sử dụng kí hiệu dấu móc để sửa lại: 西華神武 (Tây Hoa Thần Vũ). Cũng ở trang 28 cũng đã sử dụng kí hiệu này để chỉnh ra phải đổi vị trí của các chữ là: 道光 元年 (Đạo Quang nguyên niên) chứ không phải là: 道光年元 (Đạo Quang niên nguyên). Đây cũng là một kí hiệu khá phổ biến để khi gặp trường hợp như thế, ta hiểu rằng cần phải sửa lại khi đọc và dịch.

- Đối với danh từ riêng, dùng kí hiệu dấu gạch thẳng đứng đậm màu (cũng có thể gọi là nét sổ) để chúng ta biết được đó là những địa danh, niên hiệu, chức tước... Dễ thấy nhất là ở trang số 16 của bản chép tay: 長沙府 (Trường Sa phủ),湘潭 (Tương Đàm),湖南 (Hồ Nam),…  các thời đại 隋 (Tuỳ), 唐 (Đường), 宋 (Tống), 元 (Nguyên), 明 (Minh), 清 (Thanh)…

- Đối với tên người, ký hiệu thường được dùng đó là chấm vào khoảng giữa các chữ với nhau. Ví dụ ở trang 1, 王有光có các dấu chấm ở giữa để cho ta biết tên người là Vương Hữu Quang.

- Bản chép tay Yên Đài anh thoại khúc có 33 trang, trong đó từ trang số 1 cho đến trang số 17 có sử dụng các kí hiệu ngắt câu, còn từ trang 18 về sau thì không.

- Ngoài ra, trong văn bản này người viết viết khá nhiều chữ thảo, lược nét khiến cho việc đọc tác phẩm gặp khó khăn. Một số chữ Hán được viết lược nét như chữ: 德 (đức), 關 (quan), 過 (qua), 龍 (long), 樂 (lạc), 胡 (hồ), 留 (lưu), 議 (nghị), 問 (vấn), 侯 (hầu), 慶 (khánh), 臨 (lâm),舊 (cựu),  … Nhìn chung, những chữ này được lặp lại khá nhiều trong tác phẩm. Cũng có một số chữ được người sau ghi chú một bên, nhờ thế mà dễ dàng nhận biết được chữ. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm, vì thế, phần lớn việc đọc chữ cũng khá khó khăn.

1.2.2.  Sơ lược về tác phẩm Yên Đài anh thoại khúc

Hoàn cảnh ra đời:

Hiện nay, trong các tài liệu, công trình trong văn học không hề nhắc đến thời gian ra đời cũng như hoàn cảnh cụ thể của tác phẩm Yên Đài anh thoại khúc. Nhưng căn cứ theo Thực lục Chính biên Đệ tứ kỷ thì có đề cập đến đôi chút. Bùi Quỹ viết Yên Đài anh thoại lúc đi sứ sang nhà Thanh, bấy giờ ông đang giữ chức Hữu tham tri.

Nội dung chủ yếu:

Tác phẩm Yên Đài anh thoại khúc là tập bút ký bằng thơ xen lẫn văn xuôi, ghi lại cuộc hành trình đi sứ của Bùi Quỹ trên đất Yên Kinh. Tác phẩm được viết theo thể thất ngôn trường thiên, được viết một cách khá rõ ràng, chặt chẽ với một bố cục rành mạch.

Nội dung Yên Đài anh thoại khúc xoay quanh là những lời thơ tả cảnh, vịnh về danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên đường đi từ Việt Nam sang đất Trung Quốc như: thành Thăng Long, bến Ninh Minh, cảnh đẹp ở Quế Lâm,  miếu Phục Ba, lầu Nhạc Dương, chùa Long Hưng, thư viện Nhạc Lộc,  … những sự kiện liên quan đến chính trị giữa nước ta và Trung Quốc như phân chia bờ cõi đất đai, cuộc chiến tranh qua các triều đại đã có từ nhiều đời về trước, tên gọi hay sự thay đổi của các địa danh trong lịch sử Trung Quốc khởi đi từ những buổi đầu đến thời điểm hiện tại nhà Thanh. Bên cạnh đó còn ca ngợi những con người ưu tú, nổi danh trong lịch sử. Những con người ấy đã tạo nên được những chiến công vẻ vang và hiển hách trong lịch sử của hai nước. Tên tuổi của các bậc tướng tài ba được Bùi Quỹ giới thiệu khúc chiết nhưng rất xác thực và dễ nắm bắt. Cuộc đi sứ đến Yên Kinh là cơ hội để ngòi bút cũng như tứ thơ được thể hiện một cách tinh tế những lời chân thực, hồn nhiên của tác giả.

 

1. (tr.1)

嗣德初元歲戊申,

燕臺使命逢新春,

阊門拜稽鳴騶出

洸洸武夫護行塵。

Tự Đức sơ nguyên tuế Mậu Thân,

Yên Đài sứ mệnh phùng tân xuân,

Xương Môn bái khể minh sô xuất,

Quang quang võ phu hộ hành trần.

Dịch nghĩa:

Đầu năm Mậu Thân, Tự Đức năm thứ nhất,

Phụng mệnh đi sứ sang phương Bắc (Yên Đài) gặp tiết xuân,

Ở Xương Môn bái lạy, lính tráng hô lên đường,

Những người lính dũng cảm hộ tống trên đường đi.

 

 

2. (tr.1)

龍城打點舒公幹

粉鄉省謁伸私款,

夏初先向諒山城

諒城暇日尋幽玩。

Long thành đả điểm thư công cán,

Phần hương tỉnh yết thân tư khoản, 

Hạ sơ tiên hướng Lạng Sơn thành,

Lạng thành hạ nhật tầm u ngoạn.

Dịch nghĩa:

Ở thành Thăng Long tính việc sứ, thư thả việc công,

Về quê hương viếng thăm bày tỏ mối tình riêng.

Đầu mùa hạ, ta lên trước thành Lạng Sơn,

Ở thành Lạng Sơn, ngày rảnh rỗi, dạo chơi tìm cảnh đẹp.

 

3. (tr.2)

南風啟鑰拂行旌,

到處塘兵劍佩迎,

步步雲山新客眼,

朝發幕府暮降城。

Nam phong khải thược phất hành tinh,

Đáo xứ đường binh kiếm bội nghênh.

Bộ bộ vân sơn tân khách nhãn,

Triêu phát Mạc phủ mộ Hàng Thành.

Dịch nghĩa:

Mở cửa quan, gió nam thổi, cờ bay phấp phới,

Lính canh đeo kiếm ở hai bên đường đón tiếp.

Mỗi bước chân, núi mây thêm lạ trước mắt khách,

Sớm ra đi từ Mạc phủ, tối đến Hàng Thành.

 

5. (tr.4)

寧明津次上陽船,

旌影光揺水色妍。

両岸奇山看不厭,

鬼神刓鏊信天然。

Ninh Minh tân thứ thướng dương thuyền,

Tinh ảnh quang diêu thuỷ sắc nghiên.

Lưỡng ngạn kỳ sơn khan bất yếm,

Quỷ thần ngoan tạc tín thiên nhiên.

Dịch nghĩa:

Ghé bến Ninh Minh, lại lên thuyền tây,

Bóng cờ khua động lấp loáng, màu nước thêm đẹp,

Hai bên bờ núi non kỳ lạ nhìn mãi không chán,

Mới tin là thiên nhiên do quỷ thần đẽo tạc nên.

 

7. (tr.5)

太平石壁倚山扉,

筆硯雙排境致奇

半空寶塔橫波面,

絕嶺飛泉響水湄。

Thái Bình thạch bích ỷ sơn phi,

Bút nghiễn song bài cảnh trí kỳ,

Bán không bảo tháp hoành ba diện,

Tuyệt lĩnh phi tuyền hưởng thuỷ mi.

Dịch nghĩa:

Tường vách thành Thái Bình dựa vào núi mở ra,

Giá Bút, Nghiễn Mực bày xếp song song, cảnh trí đẹp lạ.

Toà bảo tháp ở lưng chừng trời nằm ngang mặt sóng,

Trên đỉnh cao một dòng suối bay, tiếng vang cả bến sông.

 

 

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU.. 4

1. Lý do chọn đề tài 4

2. Lịch sử nghiên cứu của đề tài 4

3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài 5

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. 5

5. Phương pháp nghiên cứu. 6

6. Cách thức trình bày khoá luận. 6

CHƯƠNG 1. 8

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ BÙI QUỸ VÀ TÁC PHẨM YÊN ĐÀI ANH THOẠI KHÚC.. 8

1.1. Tác giả Bùi Quỹ. 8

1.2. Tác phẩm Yên Đài anh thoại khúc. 9

CHƯƠNG 2. 12

ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT TRONG YÊN ĐÀI ANH THOẠI KHÚC.. 12

2.1.  Đặc điểm nội dung. 12

3.2. Đặc điểm nghệ thuật 24

CHƯƠNG 3. 29

PHIÊN DỊCH, CHÚ THÍCH YÊN ĐÀI ANH THOẠI KHÚC CỦA BÙI QUỸ.. 29

1. (tr.1). 29

2. (tr.1). 30

3. (tr.2). 31

4. (tr.3). 33

5. (tr.4). 38

6. (tr.5). 38

7. (tr.5). 40

8. (tr.6). 40

9. (tr.6). 41

10. (tr.7). 42

11. (tr.7). 43

12. (tr.8). 44

13. (tr.8). 45

14. (tr.8). 46

15. (tr.9). 47

16. (tr.9). 48

17. (tr.10). 50

18. (tr.11). 52

19. (tr.11). 53

20.(tr.12). 54

21. (tr.12). 56

22. (tr.13). 57

24. (tr. 14). 60

25. (tr.15). 61

26. (tr.15). 62

27.  (tr.16). 64

28. (tr.17). 65

29.  (tr.17). 67

30. (tr.18). 68

31. (tr.18). 68

32. (tr.18). 70

33. (tr.19). 71

34. (tr.19). 72

35. (tr.20). 73

36. (tr.20). 74

37. (tr.21). 75

38. (tr.21). 76

39. (tr.21). 77

40. (tr.22). 79

41. (tr.22). 80

42. (tr.23). 81

43. (tr.23). 81

44. (tr.24). 82

45. (tr.24). 83

46. (tr.24). 84

47. (tr.25). 85

48. (tr.27). 86

49. (tr.28). 88

50. (tr.29). 91

51. (tr.29). 92

52. (tr.30). 93

53. (tr.30). 94

54. (tr.31). 94

55. (tr.31). 95

56. (tr.31). 95

57. (tr.32). 96

58. (tr.33). 97

KẾT LUẬN.. 99

THƯ MỤC THAM KHẢO.. 101

PHỤ LỤC.. 103

 



[1][1] Trích theo  Đại Nam liệt truyện, tập 4, chính biên nhị tập của Quốc sử quán triu Nguyễn, Viện sử học Việt Nam, Nhà xuất bản Thuận Hoá xuất bản, tr 110-111.

Danh mục website