Đưa tiễn Thầy Hoàng Như Mai

1.

          Năm 1993, vào dịp giáo sư Hoàng Như Mai 75 tuổi, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh có xin Thầy cho phép công bố những bài thơ Thầy viết từ mấy chục năm qua - những bài thơ vừa như lời tâm sự của một người trí thức vừa như lời chứng cho một thế hệ, mà nhiều lớp sinh viên chỉ được truyền nhau qua các trang sổ tay chứ hầu như chưa đọc trực tiếp trên giấy in.

GS-NGND Hoàng Như Mai và tác giả bài viết (người ngồi phía sau) 

            Được Thầy Mai đồng ý, giáo sư Nguyễn Lộc giao cho tôi chuẩn bị bản thảo và biên tập. Nói biên tập chứ thật ra chỉ là sắp xếp lại và đối chiếu thật kỹ với bản gốc của Thầy. Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng khi đọc lại toàn bộ bản thảo, cảm nhận một nỗi buồn thế sự thấm đẫm những trang thơ, cả Thầy Lộc và tôi đều hơi băn khoăn. Dẫu lúc này Đổi mới đã bảy năm, cái buồn đã được “cấp quota”, nhưng là quà tặng trong một ngày vui, liệu có nên để “mật độ” cái buồn dày quá không. Dù nghĩ vậy, nhưng Thầy Lộc và tôi không nói gì với Thầy Mai, chỉ đưa bản thảo cho Thầy đọc lại lần cuối trước khi in. Không ngờ, là người nhạy cảm, nhìn thấy ở trang mục lục có mấy bài đánh dấu + bên cạnh nhan đề, Thầy Mai hiểu ngay nỗi băn khoăn của chúng tôi và đã viết cho tôi một lá thư mà bây giờ tôi vẫn còn giữ đây. Thầy giải thích cặn kẽ hoàn cảnh ra đời của từng bài thơ và chủ ý của tác giả. Nhận được thư, tôi đến ngay nhà Thầy và không nhớ thầy trò tôi đã nói những gì với nhau để rồi cuối cùng tập thơ đã không ấn hành với đầy đủ các bài thơ như tôi tập hợp ban đầu.

          Vậy mà hôm tập thơ ra mắt ở nhà văn hóa Lao Động, có ý kiến nói rằng tác giả viết rất nhiều bài thơ lạc quan, phấn chấn, nhưng người biên tập chỉ giữ lại những bài thơ buồn! Lúc đó cả Thầy Mai và tôi đều thấy không cần thiết phải giải thích gì nữa, vì tập thơ đã ra đời rồi, nó sẽ tự giải thích cho chính nó. Riêng tôi, trong tâm trạng ray rứt và hối tiếc, tôi đã kịp làm photocopy những bài không đưa vào tập để lưu lại trước khi trả cho Thầy bản gốc.

           Mới đó mà 20 năm đã trôi qua! Bây giờ ngồi đọc lại cả tập thơ Trao cho nhau cuộc đời và những bài chưa in, thú thật tôi cũng không lý giải được tại sao thầy trò tôi đã thận trọng đến nhường ấy. Phải chăng vì Thầy Mai là người của công chúng, những gì Thầy nói và viết ra phải thật “mẫu mực”, không nên gây ra hiểu lầm… Nhưng thật sự thì dù được viết trong những thời điểm khác nhau, những bài thơ ấy đều có mạch cảm xúc nhất quán của một kẻ sĩ ưu thời mẫn thế. Bài Giã từ Hà Nội, viết đầu năm 1980, in trong tập, có đoạn: Tạo hóa cơ cầu đến thế ư?/ té ra mình cũng phải di cư/ áo xanh đã hận cùng Tư Mã/ đầu bạc còn ghen với Tố Như/ thực tế mỉa mai người lý tưởng/ áo cơm hành hạ khách thi thư/ bốn mươi năm ấy vinh và nhục/ xáo động tâm tư lúc giã từ…

        Và bài Tết Nhâm Tuất (1982) không đưa vào sách: Nghĩ mình xuân hết tự bao giờ/ hỏi có xuân gì khai bút thơ/ Hòn ngọc Viễn Đông chồng thất thểu/ Hà thành hoa lệ vợ bơ phờ/ Cha là hàn sĩ con còn khổ/ Ông chỉ thường dân cháu mất nhờ/ Năm mới toan tìm phương kế mới/ nhớ ra tuổi đã sáu mươi tư.

        Thêm một bài thơ lục bát Thầy viết năm đó cũng phải gác lại: Từ lâu rượu uống chẳng say/ buồn thay việc nước, buồn thay nỗi mình/ đã qua trăm thác ngàn ghềnh/ mà nay thế sự lênh đênh nổi chìm/ Hẳn là chưa cạn máu tim/ nhưng đường chân lý mắt nhìn phương nao/ lẽ đâu xương trắng máu đào/ biển đông xe cát công lao dã tràng/ Tưởng rằng lịch sử sang trang/ qua cơn giông tố lại hoàn trang xưa!

        Đó là những năm hậu chiến hằn dấu vết gian khổ trong cuộc sống của từng người, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, và thầy Mai đứng trước một quyết định khó khăn: chuyển một nửa gia đình vào sống và làm việc ở Sài Gòn.

 

2.

        Thầy Hoàng Như Mai vào dạy ở Sài Gòn lần đầu năm 1976, ngay sau khi chúng tôi học xong chương trình chính trị dành cho sinh viên vùng mới giải phóng, chuẩn bị bước sang học chuyên môn. Đó là một lớp học khá đặc biệt: gần 320 người đang học dở dang các ban Triết học, Việt văn, Ngữ học, Hán văn, Báo chí… của các Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, Vạn Hạnh, Đà Lạt, Minh Đức… được chuyển về chung một lớp gọi là Ngữ văn bổ túc. Mọi cái ban đầu đều mới mẻ, xa lạ. Trong khi những thầy giáo cũ bận học chính trị và phải mấy năm sau một ít trong số đó mới được phép lên lớp, nhà trường cho chúng tôi học với những thầy giáo, cô giáo có uy tín trong ngành ngữ văn ở miền Bắc, mà nay nhiều thầy đã ra người thiên cổ: Trần Đình Hượu, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Đức Nam, Hoàng Tuệ, Nguyễn Hàm Dương, Đỗ Hữu Châu, Phan Cự Đệ… Cả Hoài Thanh và Chế Lan Viên, mỗi vị cũng đến dạy một chuyên đề 30 tiết.

         Thầy Mai dạy văn học chống Pháp 1945-1954 là học phần có nhiều tác phẩm lạ lẫm đối với sự tiếp nhận của chúng tôi, nhưng với giọng nói hào sảng và giọng đọc thơ truyền cảm của mình, Thầy đã chinh phục tất cả. Hơn ba trăm người ngồi kín giảng đường 2, nơi ngày xưa Đông Hồ, Thanh Lãng từng giảng bài, bây giờ im phăng phắc nghe Thầy Mai. Chúng tôi đã yêu Màu tím hoa sim, Mắt người Sơn Tây; Thầy làm cho chúng tôi yêu thêm Núi Đôi, Tây Tiến, Bên kia sông Đuống. Thầy biết chúng tôi chờ đợi những gì trong giai đoạn chuyển đổi còn nhiều hoang mang ấy. Có lần, trong giờ giải lao, Thầy nói: Tôi tưởng các nữ sinh trong này ăn mặc đẹp lắm, vậy mà các bạn ăn mặc giản dị chẳng khác nào nữ sinh Hà Nội. Tôi cười trả lời: Có lẽ các bạn cũng muốn “hòa nhập” với xã hội mới, và phần nào cũng ngại các thầy “thành kiến” nữa. Trước khi Thầy trở ra Hà Nội, nhớ những câu Thầy nhận xét rất đẹp về tuổi trẻ Sài Gòn, tôi đã mang đến lớp tặng Thầy tập Chết mới được ra lời của Nhất Chi Mai.

         Chỉ một năm sau, tôi được gặp lại Thầy ở Hà Nội. Nhà trường cho một nhóm chúng tôi ra học tiếp ở Đại học Tổng hợp để hoàn tất chương trình ngữ văn. Hai năm ở đây, Thầy Mai là cái cầu nối quan trọng giúp chúng tôi hiểu miền Bắc, hiểu Hà Nội. Thầy đưa chúng tôi đến các tạp chí, nhà xuất bản, thư viện… Thầy sắp xếp cho chúng tôi tiếp xúc với Xuân Diệu, Huy Cận, Quang Dũng, Như Phong, Huyền Kiêu, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Hà Minh Tuân… Biết chúng tôi xa nhà, buồn, ngày nghỉ thầy đưa Ý Nhi, Lại Nguyên Ân đến thăm.

         Có hôm Thầy đi bộ một mình đến ký túc xá Trung Tự, ngồi trên cái giường hai tầng của chúng tôi nói chuyện mãi tới 10 giờ tối. Cả phòng tôi cùng tiễn Thầy về đến tận nhà ở góc đường Nguyễn Du – Quang Trung. Đêm mùa đông Hà Nội năm đó lạnh thấu xương, giá cuộc sống khá giả như bây giờ chắc thầy trò chúng tôi đã kéo nhau vào một quán phở nào đó. Chúng tôi đi qua những hàng cây bằng lăng ở khu Kim Liên, đi dọc đường Nam Bộ nghe tiếng còi tàu trên đường sắt và tiếng gió rít trong công viên Bảy Mẫu bên kia, rẽ về phía hồ Thiền Quang. Vừa đi, Thầy vừa kể tiếp cho chúng tôi nghe những câu chuyện đời, tuổi thơ và tuổi trẻ của Thầy, cuộc kháng chiến mà Thầy đã trải qua, chuyến Nam tiến vào đến Phú Yên rồi phải đi bộ vượt rừng trở ra miền Bắc, những ngày Mỹ ném bom Hà Nội và nhiều nhất vẫn là chuyện văn chương. Bên con đường ven hồ, trong đêm lạnh giá, những bà cụ trùm khăn ngồi co ro bên cái thúng hàng bán nước chè, kẹo lạc, thuốc lá dưới ánh sáng ngọn đèn dầu leo lét. Nhà Thầy Cô ở số 52 Nguyễn Du là một ngôi biệt thự cũ kỹ, nền đã trũng xuống, nơi cư trú của mấy hộ dân dùng chung một khu vệ sinh rất bất tiện. Sau này, lúc kinh tế khó khăn, khi đã về hưu, cô Phạm Kim Trang mở một quán nước chè bình dân ở góc sân nhà ấy.

3.

         Quả thật chúng tôi cũng không ngờ là hai năm sau, ngay trong năm đầu tiên ra trường, mấy anh em bạn cùng khóa được may mắn làm việc với Thầy Mai ở cùng một khoa, cùng một bộ môn. Bao nhiêu thăng trầm của một đời dạy văn, chưa thể nói là mình đã nếm đủ; nhưng trong những giờ phút khó khăn, ngả lòng, chúng tôi luôn có Thầy bên cạnh. Trước kia tôi chỉ thấy ở Thầy một người nghệ sĩ ẩn bên trong một nhà giáo, nay tôi nhận ra ở Thầy một nhà hoạt động văn hóa và xã hội nhạy bén, khoan hòa và mẫn tiệp.

          Ngay cả khi đã về hưu, Thầy vẫn là điểm tựa, là tâm điểm thu hút mọi người, vượt qua những cách biệt về nguồn đào tạo, về quan điểm học thuật, cùng ngồi lại bên nhau vì sự nghiệp ngữ văn. Khi mới vận động thành lập Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học, Thầy đích thân đến mời giáo sư Thanh Lãng tham gia ban chấp hành. Thầy giữ mối thâm tình tri kỷ với giáo sư Giản Chi, ni sư Huỳnh Liên, nhà văn Võ Hồng, nhà báo Thượng Sỹ… Thầy quan tâm đến gia đình các nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng. Khoảng giữa những năm 90, ngành Hán Nôm èo uột, có năm không mở lớp được vì không có sinh viên theo học. Tôi đến xin ý kiến Thầy, nhờ Thầy cùng Thầy Nguyễn Khuê chủ trì cuộc hội thảo tìm giải pháp vực dậy bộ môn này. Khi soạn lời tổng kết hội thảo, để thực hiện chủ trương cải tiến chương trình và phương pháp, đào tạo lực lượng giảng viên trẻ, miễn học phí và cấp học bổng cho sinh viên, xây dựng phòng tư liệu…, tôi viết: “duy trì bộ môn Hán Nôm…”. Thầy xem và sửa lại ngay: “củng cố và phát triển bộ môn Hán Nôm”. Sau 15 năm, bây giờ về chất lượng đào tạo và đội ngũ kế thừa, có lẽ đó là một trong những bộ môn vững vàng nhất của trường.

        Cách đây tám năm, khi viết bài về Tuyển tập của Thầy do giáo sư Trần Hữu Tá biên soạn, nhớ câu “hối nhân bất quyện” của Khổng Tử, tôi đặt nhan đề là “Hoàng Như Mai – hành trình không mệt mỏi”. Thật ra đó chỉ là một cách nói. Đường dài, khó nói ai không cảm thấy chồn chân.  Hồi 74 tuổi, Thầy viết: Qua bảy ba rồi sang bảy tư/ mắt mờ răng rụng sức đà hư/ Ngựa dù nghìn dặm còn khi mỏi/ Đời hết xuân hè phải đến thu/ Muốn mọi ước mơ thành hiện thực/ thì muôn năm sống vẫn phù du/ Huống chi tuổi đã xưa nay hiếm/ thế sự coi như chuyện tạc thù.

        Nhưng những ai ở gần thầy Mai đều luôn có cảm giác được xốc dậy về tinh thần. Chính Thầy cũng thường đặt ra cho mình những cột mốc mới ở phía trước. Thầy nói về 20 năm hoạt động bền bỉ của Hội mà như nói với chính mình: Đêm thanh mới biết hương nhài/ Ngựa hay thử sức đường dài mới hay. Nhiều lần đến thăm Thầy, thấy cảnh nhà đơn chiếc, tuổi Thầy ngày càng cao, tôi thầm muốn xin Thầy giảm bớt công việc, dành thì giờ viết hồi ký.

        Lần gần đây nhất chúng tôi được ngồi nói chuyện lâu với Thầy là khi một cô giáo ở Phú Yên vào Sài Gòn bảo vệ luận án về văn học miền Nam. Giữa lúc mọi người nhắc đến những nhà văn thời chiến, tôi kể một chuyện từ lâu định nói với Thầy mà chưa có dịp: tôi được nghe giọng nói của Thầy lần đầu không phải khi Thầy vào Sài Gòn dạy học, mà còn lâu hơn nữa, trên sóng chương trình “Phát thanh vào Nam”, sau này đổi là “Các thành thị miền Nam” của Đài Hà Nội. Lần đó Thầy phân tích với nhiều đồng cảm tập tản văn Căn nhà của Mẹ của Thế Uyên, xuất bản ở Sài Gòn. Thầy ngạc nhiên lắm: “Anh nhớ lâu vậy à? Con gái tôi rất thích cuốn sách đó, vẫn còn giữ đến bây giờ”.

         Là người nhập thế, người của công chúng, nhưng vài hôm nữa, Thầy Mai sẽ yên nghỉ một mình ở nơi rất xa căn nhà tuổi thơ của Thầy, để lại sau lưng tất cả những phù du, những chuyện tạc thù…

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website