Một người thầy lớn đã ra đi

Hôm trước nghe tin thầy Hoàng Như Mai nhập viện vì bị gãy xương, tôi cùng mấy người bạn chạy vội vào thăm. Hôm ấy thầy còn tỉnh táo lắm. Ai ngờ đâu, đến 3 giờ rưỡi chiều qua (27.9), thầy đã trút hơi thở cuối cùng.

Một người thầy lớn đã ra đi
GS Hoàng Như Mai 

Vậy là một người thầy lớn, người thầy của nhiều thế hệ học trò đã ra đi!

Giáo sư Hoàng Như Mai sinh ngày 6.8.1919 tại Bắc Giang. Quê quán ở thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông xuất thân trong gia đình truyền đời nho học, thân phụ làm quan đến chức tuần phủ. Thuở nhỏ học tiểu học ở Bắc Giang, lớn lên một chút vào học Trường Bưởi (Trung học Bảo hộ) ở Hà Nội. Đỗ tú tài năm 20 tuổi, sau đó vào học Trường CĐ Y khoa Đông Dương. Chán học, chuyển sang học Trường CĐ Luật khoa, rồi bị bệnh phải nghỉ học. Sau khi bình phục, theo lời mời của một người bạn, ông chuyển sang làm giáo viên cho Trường trung học tư thục Đông Hải (thị xã Hải Dương). Thời gian này ông bắt đầu tìm hiểu chủ nghĩa Mác, và viết sách nhập môn về chủ nghĩa cộng sản. Sách của ông được Nhà xuất bản Hàn Thuyên in hàng loạt như: Thặng dư giá trị, Đời sống thợ thuyền trong xã hội tư bản, Lê-nin và Cách mạng tháng 10…

Từ năm 1948, ông gắn bó với ngành giáo dục đến trọn đời. Năm 1959 ông chuyển về giảng dạy ở Khoa Văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội phụ trách phần văn học Việt Nam hiện đại. Năm 1980, ông công tác tại Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (nay là Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM). Năm 1982, ông được nhà nước phong chức danh Giáo sư. Năm 1990, ông được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Nhiều thế hệ sinh viên rời ghế Khoa Văn Tổng hợp ra trường hàng mấy chục năm vẫn còn nhớ mãi phong thái ung dung, tác phong nghệ sĩ và nhất là lời giảng hào hùng, giọng đọc thơ ru hồn của Giáo sư Hoàng Như Mai. Người nghe bị cuốn hút bởi cách phân tích sắc sảo, tinh thần học thuật tự do và nhất là bởi cái tình với văn chương. 

Ông là một trí thức đa tài, từng thử bút ở nhiều lĩnh vực khác nhau, và lĩnh vực nào cũng để lại dấu ấn sâu sắc. Về kịch, ông là tác giả của nhiều vở kịch nổi tiếng như Tiếng trống Hà Hồi (1948), Dòng sông biên giới (1957), Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (1982)… Về thơ, có tập thơ Trao cho nhau cuộc đời. Về nghiên cứu sân khấu, ông có: Nhà soạn kịch cải lương Trần Hữu Trang (1968), Nhận định về cải lương (1986), Giới thiệu sân khấu cải lương (1986). Về nghiên cứu văn học, ông là người đầu tiên biên soạn giáo trình văn học Việt  Nam hiện đại (Văn học Việt Nam 1945 - 1960)…

Học trò yêu quý Giáo sư Hoàng Như Mai bởi tính cách nghệ sĩ của thầy. Thầy nghệ sĩ trong giờ giảng, trong những trang viết, trong cả những bài, những công trình nghiên cứu. Học trò và những người cầm bút lớp sau yêu quý thầy bởi tư duy trẻ trung và tấm lòng chân thành nâng đỡ cho lớp trẻ. Thầy trẻ trung vì luôn ủng hộ cho cái mới, kể cả cái mới còn đang dang dở, chông chênh. Thầy không bao giờ dùng kinh nghiệm quá khứ, dẫu là của một người từng trải và hiểu biết rất rộng, để làm tiêu chuẩn đánh giá hiện tại và định hướng cho tương lai.

Học trò và những người từng tiếp xúc với thầy yêu quý thầy còn vì phong thái đĩnh đạc, ung dung chỉ thấy nhiều ở những trí thức lớp trước. Khó khăn không ít, nhưng chưa bao giờ người ta thấy thầy than thở.

Và vượt lên trên tất cả là tình yêu thương của thầy đối với học trò.

Cho đến nay với 94 năm cuộc đời, thầy đã có hơn 60 năm cầm bút và cầm phấn. Người ta thường tôn xưng Giáo sư Hoàng Như Mai là một nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu, một nhà hoạt động văn hóa lớn. Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng trên hết tôi nghĩ, giáo sư là một người Thầy - một vị “Sư biểu” của ngành giáo dục đất nước ta.   

Đoàn Lê Giang
(Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130928/mot-nguoi-thay-lon-da-ra-di.aspx 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website