19042024Fri
Last updateFri, 19 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Quan niệm của trường phái thi pháp lịch sử về motif như là một đơn vị nghiên cứu truyện kể dân gian

Thi pháp học là bộ môn khoa học giải quyết các vấn đề về cấu trúc ngôn từ và thi pháp lịch sử thực chất là một lý thuyết xây dựng trên cơ sở nghiên cứu so sánh lịch sử về văn học. Nghiên cứu thi pháp về phương diện lịch sử đòi hỏi xem xét các phương thức cảm nhận và đánh giá cuộc sống trong văn học căn cứ vào hoàn cảnh ra đời và phát triển của chúng trong những trường hợp cụ thể - lịch sử nhất định. Đồng thời nó nghiên cứu các hình thức ấy trong mối quan hệ với nhau cũng như trong tiến trình lịch sử. Thi pháp lịch sử của folklore là những quy luật chung nhất và những quá trình nảy sinh, phát triển của các hình thức nghệ thuật, các phương pháp và phương thức miêu tả, biểu hiện, những cách cấu tạo đề tài, cốt truyện và những phương pháp xây dựng hình tượng con người. Nghiên cứu thi pháp lịch sử folklore là nghiên cứu bản thân cái cấu trúc bên trong của tác phẩm folklore, nghiên cứu nghệ thuật ngôn từ của folklore, nghiên cứu văn hóa. Thi pháp lịch sử xem folklore như là một bộ phận của dân tộc học và muốn nghiên cứu folklore phải dựa vào dân tộc học, từ hướng nghiên cứu ấy có thể thấy được sự biểu hiện của folklore đối với thực tại. Người khởi xướng lý thuyết thi pháp lịch sử  trong nghiên cứu folklore là nhà ngữ văn học người Nga A.N.Veselovski (1838 – 1906) vào đầu thế kỷ XX, ông là người đứng đầu trường phái văn học lịch sử so sánh, là người đặt nền móng và cũng là người đại diện lớn nhất của nó. Phương pháp này được vận dụng trong nghiên cứu truyện kể dân gian với sự kế thừa có bổ sung của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu folklore sau này mà tiêu biểu là V.Ia. Propp và E.M.Meletinski.

1.                  A.N. Veselovski - Motif là một công thức sơ khởi, một đơn vị trần thuật đơn giản nhất không thể chia cắt được

Alexander Veselovsky 

Mục tiêu của Veselovski khi khởi xướng ra lý thuyết này là do ông muốn nâng môn lịch sử văn học lên tầm của một môn khoa học chuyên ngành, và muốn thực hiện được việc đó thì phải có một phương pháp tiếp cận mang tính lịch sử trong việc xem xét tất cả những giai đoạn phát triển của thi ca, kể từ thời xa xưa nhất. Ông đặt ra nhiệm vụ cho việc nghiên cứu văn học của mình là phải “thu thập tài liệu cho môn phương pháp luận của lịch sử văn học, để hình thành nên thi pháp quy nạp, tức là thi pháp loại bỏ những hệ thống lý luận tư biện, để tìm ra bản chất của thi ca – từ lịch sử của nó”[1](1).  Cương lĩnh nghiên cứu này của ông được trình bày lần đầu tiên trong bài phát biểu ở trường tổng hợp Saint – Peterburg “Bàn về phương pháp và nhiệm vụ của lịch sử văn học như một môn khoa học” (1870). Trong công trình nghiên cứu quan trọng  Thi pháp học lịch sử,  ông cho rằng nhiệm vụ của thi pháp lịch sử là nghiên cứu sự tiến hóa của ý thức nghệ thuật và cả những hình thức của ý thức nghệ thuật nhằm xác định những nét loại hình, những điểm chung trong cách thể hiện của ý thức nghệ thuật thuộc các hệ thống nghệ thuật khác nhau, từ đó khám phá mối liên hệ về nguồn gốc phát sinh hoặc những quy luật chung trong sự vận động của ý thức nghệ thuật của nhân loại trên thế giới...  Đối tượng khảo sát chính trong công trình của Veselovski là các loại thể và thể loại văn học, phong cách và cốt truyện. Đối với lĩnh vực folklore học, Veselovski đã dành nhiều công sức để nghiên cứu những cốt truyện di chuyển, những motif giống nhau về loại hình, những công thức thi ca cố định (những tính ngữ ẩn dụ, những điệu ngữ tự sự và phép song hành, trong sáng tác thi ca truyền miệng và trong thơ ca thành văn). Ông coi folklore như là một hiện tượng nghệ thuật và ông khảo sát folklore trong mối liên hệ lịch sử với văn học thành văn để giải quyết những vấn đề của thi pháp học lịch sử.

Đối với Veselovski, một người đang cố gắng giải thích lịch sử văn chương như một quá trình được quyết định, thì ở đây, cái chủ yếu trong việc nghiên cứu nội dung là tìm sự lặp lại của những thành tố vì chỉ có những cái bền vững trong các hiện tượng mới phù hợp với quy luật của chúng. Những thành tố được lặp lại ấy được ông gọi là motif và định nghĩa nó từ nhiều khía cạnh khác nhau và đã xác định được một loạt những đặc điểm quan trọng của chúng. Trước đây thuật ngữ “motif” thường được hiểu theo hai nghĩa. Trong các chỉ dẫn về loại hình truyện cổ tích, truyền thuyết, nói chung là cốt truyện văn học dân gian thì khái niệm “motif” thường được sử dụng theo nghĩa “hạt nhân của cốt truyện” và “công thức sinh ra cốt truyện”. Vì lí do này mà khái niệm “motif”  và “cốt truyện” thường rất khó phân biệt.  Tuy nhiên sau đó vai trò mang tính cấu trúc và nội dung của motif trong việc hình thành cốt truyện folklore (trong đó có anh hùng ca) được công nhận kể từ khi A.N.Veselovski đưa ra sự phân biệt mang tính nguyên tắc giữa motif và cốt truyện và đưa ra định nghĩa cũng như đặc trưng của hai khái niệm này vào khoảng cuối thế kỷ XX. Veselovski định nghĩa motif từ những khía cạnh khác nhau, trong đó ông đã xác định được một loạt đặc điểm quan trọng của đơn vị motif trong truyện kể dân gian. Ông viết: “Tôi hiểu motif như một công thức, vào thuở ban đầu của xã hội loài người, trả lời cho những câu hỏi mà giới tự nhiên ở mọi nơi đặt ra đối với con người, hoặc ghi nhận những ấn tượng về thực tại đặc biệt mạnh mẽ, quan trọng và lặp lại nhiều lần”([2]); “Tôi hiểu motif như một đơn vị trần thuật đơn giản nhất, bằng hình tượng, giải đáp những vấn đề khác nhau mà tâm trí nguyên thủy hoặc những sự quan sát trong đời sống nguyên thủy đặt ra”([3]). Những định nghĩa này của Veselovski dựa vào một nguyên tắc cho rằng motif là những công thức đơn giản nhất, nghĩa là những công thức có thể được sinh ra một cách độc lập trong những môi trường bộ lạc khác nhau từ sự quan sát thiên nhiên của con người thời xưa. Bằng những tư duy và kinh nghiệm nguyên thủy, con người có thể đưa ra những nhìn nhận và đánh giá của mình về giới tự nhiên, về những điều gây ấn tượng hết sức mạnh mẽ, đôi khi nằm ngoài khả năng lý giải của họ. Những câu hỏi đó, những ấn tượng đó được lặp lại liên tục trong đời sống con người cùng với những lý giải nguyên thủy của con người dần dần hình thành nên những công thức sơ khởi – là những đơn vị trần thuật đơn giản nhất. Trong khi nghiên cứu lối sống trong lịch sử, Veselovski đã tìm cách giải thích rằng trong nhận thức của người tiền sử, trên cơ sở phản ánh điều kiện sống của họ có thể sinh ra những motif nào. Bằng cách nghiên cứu so sánh lối sống thời tiền sử với những công thức motif phản ánh trong những di tích thi ca cổ nhất, Veselovski muốn chiếu rọi ánh sáng lên lịch sử chuyển biến của các motif thành những kết hợp phức tạp hơn, kéo dài cho đến tận thời hiện đại.

Veselovski khẳng định motif là yếu tố cố định (hay yếu tố bất biến), nó không chỉ xuất hiện trong một truyện cổ tích mà có khả năng di chuyển hoặc được bảo lưu trong một số truyện cổ tích khác nhau, thậm chí, trong rất nhiều truyện cổ tích. Đồng thời ông cũng cho rằng không thể xây dựng được chỉ một lý thuyết về sự du nhập trên cở sở là các motif  vì sự lặp lại của một motif trong kho tàng truyện kể các dân tộc khác nhau có thể là kết quả của giao lưu văn hóa và vay mượn song cũng có thể bằng con đường nội sinh do sự đồng nhất về điều kiện sống và các quá trình tâm lý tích tụ trong bản thân của mỗi dân tộc. Xa hơn nữa, khi khẳng định motif là những yếu tố cố định, bất biến Veselovski không chỉ dừng lại trong giới hạn folklore mà ông cho rằng chính những phương tiện biểu hiện nghệ thuật cố định, lặp đi lặp lại đó là vật liệu xây dựng cho các nhà văn ở các thời đại khác nhau và các trào lưu khác nhau. Ông viết “lẽ nào sáng tác thi ca không bị giới hạn bởi những công thức xác định nào đó, những motif cố định mà một thế hệ này tiếp nhận của một thế hệ trước, thế hệ trước tiếp nhận của thế hệ trước nữa, còn nguyên mẫu của những công thức và motif ấy thì chúng ta nhất định sẽ gặp thấy trong thời đại anh hùng ca và xa hơn nữa vào giai đoạn thần thoại, trong những xác định cụ thể của từ ngữ nguyên thủy? Mỗi thời đại thi ca mới lẽ nào không sử dụng hình tượng đã được truyền lại từ xa xưa và bắt buộc phải xoay quanh những giới hạn của chúng, chỉ tự cho phép mình thực hiện những kết hợp mới của các hình tượng cũ và chỉ bổ sung những hình tượng cũ bằng quan niệm mới về cuộc sống, quan niệm này thật ra tạo thành sự tiến bộ của thời đại đó đối với quá khứ”([4])

Về quan hệ giữa motif và đề tài - cốt truyện, Veselovski cho rằng trong tất cả các mối quan hệ và trên tất cả các thang bậc thì motif bao giờ cũng là cái gì đó có trước và đề tài là cái có sau, motif luôn luôn sơ đẳng hơn, đơn giản hơn đề tài. Motif, một mặt là một phần, một mắc xích của đề tài, mặt khác là hình thức phôi thai, là hạt nhân của đề tài, tính hai mặt – hai vai trò của motif như đã nói ở trên vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay. Vai trò là một “mắt xích” của motif được thể hiện theo khía cạnh hình thái học, còn ở vai trò thứ hai khi motif là “hạt nhân” của đề tài là thể hiện ở khía cạnh lịch sử - di truyền. Theo ông, motif là yếu tố nhỏ nhất cấu tạo nên type, nghĩa là motif ở trong type và type bao trùm lên motif. Motif với vai trò khởi thủy như là các công thức đầu tiên, từ đó hình thành nội dung đề tài, đề tài đã là một hành động sáng tạo, một sự kết hợp. Do đó cần thiết trước hết là nghiên cứu motif chứ không phải nghiên cứu đề tài. Đồng thời phải tách các vấn đề về motif ra khỏi các vấn đề về đề tài. Bởi các lý do, motif có thể là hạt nhân của cốt truyện, trải qua một quá trình gia tăng, nối dài, phát triển, nó sẽ trở thành cốt truyện, trường hợp này Veselovski cho rằng cốt truyện như là sự tiến hóa tất yếu của motif hay motif phát triển thành cốt truyện. Như vậy có nghĩa là rõ ràng không phải cốt truyện là sự cộng gộp đơn giản của những motif tạo ra nó. Và lúc này bên trong motif sẽ xuất hiện những tính chất mới, có những đặc trưng, khả năng và quy luật riêng của mình. Theo ý nghĩa đó thì motif có thể được định nghĩa như là những khái quát hóa đơn giản nhất, theo thời gian có thể tạo nên những khái quát hóa phức tạp hơn.

Cũng trong nghiên cứu về mối quan hệ giữa motif và cốt truyện, Veselovski phát hiện ra rằng, giữa type và motif có mối quan hệ biện chứng với nhau. Chúng có thể chuyển hóa cho nhau. Trong trường hợp cốt truyện chỉ bao gồm một motif thì motif này đã chuyển hóa thành type; ngược lại, một cốt truyện đang thuộc về một type, có thể di chuyển vào một cốt truyện phức tạp hơn và chỉ là thành phần của cốt truyện phức tạp này. Nó đã trở thành motif  chứ không phải là type nữa. Khi nghiên cứu sự phát triển của type và motif trong truyện cổ tích, Veselovski coi đó là sự phản ánh của điều kiện sống và sự phát triển của thế giới quan.Vì vậy việc nghiên cứu thi pháp của truyện cổ tích chính là tiền đề cho sự nghiên cứu lịch sử về truyện cổ tích.

Veselovski còn cho rằng, vì motif là một thành phần của cốt truyện, một thành phần của hệ thống cốt truyện nên motif vận hành như là một thành phần của hệ thống, nó có một vị trí xác định, một nội dung cụ thể trong hệ thống đó. Cùng với các motif khác nó tạo ra hệ thống. Mọi motif đều liên quan đến cốt truyện và liên quan đến các motif khác trong cốt truyện, nghĩa là liên quan đến các thành phần trong cái toàn thể. Như thế nghĩa là tồn tại một số bình diện liên hệ giữa các motif bên trong cốt truyện và mỗi bình diện như thế đều đáng được chú ý. Tuy nhiên về cơ bản A.N.Veselovski chủ yếu xem xét quan hệ giữa cốt truyện và motif trên bình diện di truyền học và motif có thể coi là hạt giống của cốt truyện. Khi một công thức nào đó vẫn còn là sơ đồ của một thành phần mang tính hình tượng thì đấy là motif, công thức đó phát triển lên thì trở thành cốt truyện. Điều đó giải thích vì sao trong tác phẩm của Veselovski những công thức mẫu của truyện cổ tích và anh hùng ca khi thì là công thức – motif, lúc thì là sơ đồ của cốt truyện. V.M. Girmunski nhận xét rằng trong tác phẩm của Veselovski chúng ta thấy “khái niệm rộng rãi về tính giai đoạn của sự phát triển motif - cốt truyện”([5]). Thuật ngữ motif – cốt truyện chuyển tải một cách thành công nhận thức của Veselovski về quan hệ giữa các thành tố của nó trên bình diện di truyền học.

Một trong những đặc trưng của cốt truyện như là một hệ thống có tính năng động nội tại của nó là bên trong cốt truyện luôn có sự vận động không ngừng của các sự kiện theo không gian và thời gian. Sự chuyển động được thực hiện thông qua một loạt các motif, nghĩa là có thể coi motif như là những khoảnh khắc vận động của cốt truyện. Đặc tính thứ hai của cốt truyện là khả năng thay đổi nội tại của nó, thay đổi có hai loại. Một loại không làm thay đổi cốt truyện, chỉ dẫn đến những biến thể dị bản. Loại thứ hai làm xuất hiện những cốt truyện mới. Motif đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong những thay đổi nội tại này. Các biến thể mới có thể xuất hiện là vì motif có thể thay đổi, biến hóa và tham gia vào những mối quan hệ mới với một loạt các motif khác trong chuyển động của cốt truyện. Motif có vai trò quan trọng như thế là do chúng có sự độc lập tương đối, là thành phần của một hệ thống phức tạp hơn là cốt truyện nhưng chính bản thân motif cũng là một hệ thống nhỏ, có cấu trúc, đặc điểm và chức năng riêng của mình.

Bên cạnh đó, Veselovski coi cốt truyện như là một tổ hợp của những motif, trong đó các mối quan hệ giữa chúng hoàn toàn thuần túy về mặt số lượng, một tỉ lệ phần trăm lớn các motif lặp đi lặp lại được ông giải thích là do có sự vay mượn, du nhập. Cốt truyện với tính chất là một sơ đồ phức tạp được hình thành từ một loạt motif, trong đề tài có sự dịch chuyển của nhiều motif khác nhau, đồng thời sự kết hợp có thể sẽ diễn ra tương đối phức tạp và không phải là sự tiến hóa của một vài công thức đơn giản ban đầu. Sự kết hợp của các motif càng phức tạp thì chúng càng ít có tính lôgic, các thành phần motif càng nhiều thì càng khó có thể nghĩ rằng chúng xuất hiện bằng con đường tự thể hiện về mặt tâm lý trên cơ sở các quan niệm và điều kiện sống giống nhau giữa các dân tộc. Trong trường hợp này có thể cho rằng sự giống nhau giữa các motif truyện kể dân gian giữa các dân tộc là do con đường vay mượn trong một giai đoạn lịch sử nào đó, cốt truyện được hình thành tại một nơi nào đó và được truyền đến các vùng dân tộc khác.

Với quan niệm của Veselovski về vai trò di truyền của motif , B. N. Putilop nhận xét “ý kiến cho rằng vai trò khởi thủy của motif như là các công thức đầu tiên, từ đó hình thành cốt truyện, tức là đầu tiên có motif sau đó mới có cốt truyện của Veselovski không phải là không gây tranh cãi”([6]). Trong các khảo cứu về lịch sử cốt truyện, trong các trước tác mang tính so sánh, motif thường được hiểu là một thành tố của cốt truyện, một phần của cốt truyện. Các nhà folklore học đã không theo sát quan điểm của Veselovski về việc coi motif như là một công thức, nghĩa là một thành phần nữa. Đối với đa số các nhà folklore học thì motif trong một tác phẩm folklore là một thành phần tương đối độc lập, hoàn chỉnh và tương đối đơn giản của cốt truyện. Đồng thời những thiếu sót và tính sơ lược trong quan điểm của Veselovski đã bộc lộ rõ trong các nghiên cứu kết cấu – hình thái học của folklore, trước hết là từ thể loại anh hùng ca. Trong khi đó chính cách tiếp cận kết cấu – hình thái học mở ra khả năng phát hiện hàng loạt các quy luật và tính chất nội tại của motif anh hùng ca như là đơn vị cấu thành cốt truyện, đến lượt nó cho phép tìm ra những đặc điểm quan trọng, các phương pháp và con đường hình thành cốt truyện anh hùng ca. Tuy nhiên cho đến nay người ta vẫn không thể phủ nhận được tầm quan trọng của việc nghiên cứu tác phẩm folklore bắt đầu từ motif. Đặc biệt đối với các tác phẩm folklore hiện đại, các nhà nghiên cứu đều phải công nhận rằng muốn hiểu cốt truyện tác phẩm nói chung thì phải hiểu các motif cấu tạo nên nó và người ta đã cố gắng tìm ra một loạt những thủ pháp làm việc với motif. Song song đó, các quan điểm truyền thống xuất phát từ Veselovski vẫn tiếp tục giữ thế thượng phong trong việc tiếp cận với motif như là một đơn vị cấu thành nội dung.

2.                  V.Ia.Propp – Motif là những đơn vị còn có thể phân chia được và là những thành phần được tạo nên từ các chức năng của nhân vật hành động. 

Quan niệm về motif truyện kể dân gian như là một đơn vị trần thuật đơn giản nhất không thể chia cắt được của Veselovski về sau đã bị V.Ia.Propp bác bỏ, Propp chỉ ra rằng motif không phải là sơ đẳng và cũng không chỉ bao gồm một thành phần mà motif là một đơn vị còn có thể phân chia được nhỏ hơn. Theo Propp trong truyện cổ tích nếu phân tích kỹ thì còn có những yếu tố nhỏ hơn motif và chúng không tồn tại theo một lôgich độc lập. Và tất cả những yếu tố đó cần phải được nghiên cứu ở bản thân chúng một cách độc lập đối với việc áp dụng vào một truyện cổ tích này hay một truyện cổ tích khác. Trong công trình  Hình thái học truyện cổ tích của mình, V.Ia.Propp tránh dùng thuật ngữ motif và cho rằng chính các chức năng hành động của nhân vật chính mới là những thành phần sơ đẳng nhất tạo nên cấu trúc truyện cổ. Đấy không phải những giá trị bất biến mà là những thành tố thường biến có liên quan đến nhân vật cho dù nó lặp lại thường xuyên trong nhiều cốt truyện khác nhau. Những thành tố thường biến này có thể kết hợp với nhau để tạo nên các thành phần – có thể dùng để thay thế cho thuật ngữ motif của Veselovski. Trong tương quan nghiên cứu về cấu trúc của truyện cổ tích thần kỳ, Propp cho rằng cấu trúc của truyện cổ tích thần kỳ hình thành do sự kết hợp của các chức năng của nhân vật hành động còn cốt truyện được tạo nên từ sự kết hợp của các motif và motif chính là những chất liệu làm nên sự diễn biến của cốt truyện.

Về vấn đề này Alan Dundes – nhà folklore người Mỹ, trong công trình Hình thái học truyện cổ tích người da đỏ ở Bắc Mỹ  của mình đã đưa ra sự phân định giữa motif và chức năng, theo ông, motif là cấu hình khái quát của chủ đề, giữ vị trí nhất định trong hệ thống phân loại còn chức năng là đơn vị thực thi các hành động trong motif. Nói một cách khác motif là cái có sẵn của truyền thống, và nếu chức năng hoàn toàn thuộc về công việc nghiên cứu khoa học, là kết cấu do trí não làm ra thì motif là cái có sẵn từ lâu đời trong tác phẩm văn học dân gian, nó chính là đơn vị mà truyền thống sử dụng để tạo ra cốt truyện. Có thể nói thêm rằng nếu chức năng là phạm trù của phân tích khoa học thì motif là thành tố của tư duy văn học dân gian([7]).

Để chứng minh cho những luận điểm của mình, Propp đưa ra một số thí dụ về một motif gồm có nhiều thành phần và những thành phần đó của motif có thể tự biến đổi trong những cốt truyện khác nhau. Đồng thời chính sự biến đổi đó của các thành phần đã làm nảy sinh sự hoán cải các câu truyện cổ tích và dẫn đến sự biến thiên của các đề tài. Trong tác phẩm của mình, V.Ia.Propp đã trình bày một cách thuyết phục rằng đặc trưng của truyện cổ tích thần kỳ thể hiện không phải ở các motif mà là trong các đơn vị cấu trúc nào đó mà xung quanh chúng các motif được nhóm lại với nhau

Về quan điểm motif truyện cổ tích còn có thể phân chia được, Propp đưa ra ví dụ về motif Sự phái đi và motif này bao gồm các phần nhỏ hơn được kết hợp lại như (1) người phái đi + (2) việc phái đi + (3) người được phái đi + (4) mục đích của việc phái đi + (5) hành động ra đi tìm kiếm của nhân vật được phái đi. Trong các thành phần này theo ông chỉ có hai chức năng của nhân vật hành động là sự phái đisự ra đi tìm kiếm là những đại lượng bất biến, luôn luôn có mặt trong bất kỳ một cấu trúc truyện cổ tích thần kỳ nào. Bên cạnh nó, những đại lượng còn lại thì thường biến và có thể biến đổi trong nhiều cốt truyện khác nhau. Thí dụ như người phái đi có thể là nhà vua, cô chị gái, người thợ rèn, mụ dì ghẻ.... Hay người được phái đi có thể là chàng Ivan, cậu em trai, cô con riêng của chồng, người thợ học việc... Mục đích của việc phái đi có thể là để tìm công chúa, tìm vật lạ, tìm thuốc chữa bệnh, tìm lửa, tìm con bò... Và những đại lượng thường biến này có thể biến đổi và chuyển hóa không ngừng trong nhiều cốt truyện khác nhau xoay xung quanh hai chức năng bất biến của nhân vật là sự phái đi và sự ra đi tìm kiếm.

Khi nghiên cứu về các thành phần tạo nên cốt truyện cổ tích, Propp đặc biệt nhấn mạnh đến việc tìm kiếm nguồn gốc xa xưa của motif , tức là tìm kiếm hình thức cơ bản nhất của motif trước khi nó được biến đổi và chuyển hóa, sự biến đổi này có thể rất khó nhận ra vì “trong truyện cổ tích mỗi thành phần đều có thể biến đổi mà không bị phụ thuộc hoặc gây ảnh hưởng gì tới các thành phần khác”([8]). Những biến đổi này có thể tạo nên các hình thức phát sinh trong truyện cổ tích và là kết quả của sự xâm nhập của thực tại vào trong truyện cổ tích. Các hình thức sinh hoạt xã hội của các thời kỳ có vai trò hết sức to lớn trong sự chuyển hóa motif truyện cổ tích, tuy nó không đủ sức phá hủy cấu trúc chung của truyện cổ tích nhưng nó cung cấp chất liệu cho sự thay hình đổi dạng của các motif với những kiểu biểu hiện hết sức đa dạng. Và việc đi tìm những hình thức cơ bản nhất của motif truyện cổ tích chính là cách tiếp cận nguồn gốc lịch sử trong nghiên cứu truyện kể dân gian của trường phái dân tộc học về sau này.

 Để chứng minh cho sự chuyển hóa đa dạng của motif truyện cổ tích, Propp đưa ra motif về ngôi lều của Yaga với hình thức cơ bản là một Ngôi lều dựng trên chân gà ở trong rừng và có thể xoay quanh được, Propp dẫn ra đến 20 hình thức (đánh số từ 1 đến 20)  được cho là có thể biến đổi được của motif trên. Sự chuyển hóa bằng cách giảm bớt (1) của motif đó có thể diễn ra theo trình tự như sau: Ngôi lều trên chân gà trong rừng -> Ngôi lều trên chân gà -> Ngôi lều trong rừng -> Ngôi lều -> Rừng, rừng thông và cuối cùng là Không nói đến nhà ở nữa. Đối lập với trình tự đó là phương pháp chuyển hóa motif bằng cách mở rộng (2) và từ hình thức cơ bản ban đầu, motif trên có thể trở thành Ngôi lều trên chân gà trong rừng có cột nướng bằng bánh xèo và mái che bằng bánh nướng. Bên cạnh đó nếu chuyển hóa bằng cách làm biến dạng (13) hình thức cơ bản ban đầu thì motif trên có thể trở thành Ngôi lều đứng trên sừng dê hay trên chân cừu...

3.  E.M.Meletinski – Motif là hạt nhân của hành động, cốt truyện được hình thành từ sự kết hợp của loại motif cổ xưa và motif sinh hoạt xã hội

Đến lượt mình, nhà nghiên cứu folklore người Nga E.M.Meletinski trong công trình nghiên cứu Nhân vật truyện cổ tích thần kỳ - nguồn gốc hình tượng (1958) đã tiếp nối quan niệm về chức năng của nhân vật hành động của Propp, ông đề nghị coi motif là hạt nhân của hành động, theo ông  rõ ràng là không chỉ có hành động đòi hỏi phải được thực hiện bởi nhân vật này hay nhân vật khác mà từ một quan niệm khác thì ý nghĩa của chức năng lại phụ thuộc rất nhiều vào hành động của nhân vật và cách nhân vật hành động phụ thuộc rất nhiều vào việc anh ta là người như thế nào…

Đồng thời khi xem xét định nghĩa của Veselovski về motif như là công thức sơ khởi trả lời cho những câu hỏi về giới tự nhiên của người nguyên thủy, E.M.Meletinski cho rằng, vô tình Veselovski cũng giống như Lang và Mak Kalok (các nhà nghiên cứu thuộc trường phái nhân chủng học) đã coi đề tài cổ tích là tàn dư đặc thù của các quan hệ thời nguyên thủy, chưa đánh giá đúng đặc thù của hình thức nghệ thuật. Theo ông truyện cổ tích là một loại hình nghệ thuật đặc thù, có những hình thức phản ánh hiện thực một cách đặc biệt chứ không phải truyện cổ tích “sinh ra là để thể hiện một cách trực tiếp tâm lý, tín ngưỡng và lối sống của người nguyên thủy, và theo quán tính nó vẫn tiếp tục tồn tại như thế sau khi các quan hệ thời tiền sử đã đi vào dĩ vãng”([9]). Đối với ông phần lớn các nghiên cứu viết về cội nguồn của truyện cổ tích đều có chung một khiếm khuyết chủ yếu là quy cái mới thành cái cũ, cái phức tạp thành cái đơn giản, quy những hiện tượng mỹ học về những tác nhân phi văn học đã mất hết giá trị thực tiễn của đời sống cổ đại.

Về phần mình, E.M.Meletinski thấy cần phải đặt vấn đề nghiên cứu cội nguồn truyện cổ tích theo một cách nào đó để sao cho có thể nhìn thấy hiện tượng đang được nghiên cứu trong tiến trình phát triển, để thấy rõ được thành tố nào đang chết dần và thành tố nào đang lớn lên. Và tất nhiên việc tìm kiếm gốc rễ của truyện cổ tích cũng cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của các yếu tố dân tộc học. Vì thế bên cạnh việc đề nghị coi motif là hạt nhân của hành động nhân vật truyện cổ tích, trong công trình nghiên cứu của mình, Meletinski cũng đã đưa ra một khái niệm về motif dân tộc học, đó là “những motif cổ xưa có nguồn gốc từ những khía cạnh sinh hoạt và thế giới quan của xã hội trước giai cấp đã hình thành nên chủ đề cốt truyện của truyện cổ tích”. Theo ông, “những motif sinh hoạt xã hội thường tạo nên chủ đề, trong khi các motif cổ xưa, những motif dân tộc học tạo thành hạt nhân cốt lõi của chủ đề đó”([10]). Và ông chứng minh rằng về mặt thể loại nói chung, sự hình thành kết cấu đề tài cốt truyện của truyện cổ tích là sự kết hợp của hai loại motif : motif sinh hoạt xã hội và motif cổ xưa. Các motif sinh hoạt xã hội phản ánh sự tan rã của chế độ công xã nguyên thủy, còn các motif cổ xưa thì có nguồn gốc ở các mặt sinh hoạt khác nhau và ở thế giới quan của xã hội trước khi có giai cấp. Trong sự kết hợp này, các motif cổ xưa là cái cốt lõi, còn các motif sinh hoạt thì thường làm thành đường viền, thành cái khung của cốt truyện([11]). Ta thấy quan niệm này của E.M.Meletinski có những nét tương đồng với lý thuyết của Veselovski về mối quan hệ giữa motif và cốt truyện rằng motif là đơn vị đầu tiên sơ khởi, là khái quát hóa đơn giản nhất, theo thời gian nó liên tục chuyển đổi, gia tăng, nối dài, được đắp thêm những tình tiết trong sinh hoạt thực tại của xã hội và cuối cùng là chuyển hóa thành cốt truyện.

Trong  tác phẩm Nhân vật truyện cổ tích thần kỳ - nguồn gốc hình tượng của mình, Meletinski chú ý đến hình tượng chàng mồ côi nghèo (người em út ngốc nghếch, cô con gái riêng) như là một motif cổ xưa phản ánh sự tan rã của chế độ công xã nguyên thủy. Số phận của nhân vật mồ côi, những cuộc săn đuổi không đáng có mà nhân vật phải chịu đựng .. phản ánh tiến trình xã hội đang diễn ra một cách phức tạp có tính chất khái quát hóa, điển hình hóa chứ không phải có tính “tự nhiên chủ nghĩa” hay “tượng trưng chủ nghĩa”. Xung đột trong truyện phản ánh sự tan rã của chế độ tộc trưởng lỗi thời, sự chuyển tiếp từ bộ tộc sang gia đình, sự tan rã của gia đình lớn được khái quát hóa thành sự hiềm khích trong gia đình nhỏ mà điển hình là sự phản bội của người anh đối với người em…

Về quan niệm motif có thể phát triển thành cốt truyện và cốt truyện của truyện cổ tích là sự kết hợp của hai loại motif : motif sinh hoạt xã hội và motif cổ xưa, ta thấy ở Việt Nam đã có một số công trình nghiên cứu cụ thể có chạm đến vấn đề này như Đinh Gia Khánh với công trình Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám (1968). Trong công trình này tác giả đã nhắc tới hình tượng chiếc giày, xuất hiện trong hầu hết các bản kể khác nhau thuộc kiểu truyện Tấm Cám trên toàn thế giới như là một motif cốt lõi đầu tiên để từ đó thâm nhập các đặc điểm sinh hoạt xã hội của từng thời kỳ như mối quan hệ mẹ ghẻ con chồng, sự tranh công nảy sinh do bất bình đẳng trong quan hệ sản xuất hay chi tiết trả thù ở cuối truyện với chủ đề đấu tranh xã hội có liên quan đến mâu thuẫn gia cấp...  để cuối cùng phát triển thành một kiểu truyện về người con riêng trong kho tàng văn học dân gian thế giới. Hay như sự phân tích của Nguyễn Thị Bích Hà trong Thạch Sanh và kiểu truyện dũng sĩ trong truyện cổ Việt Nam và Đông Nam Á (1998)  ta có thể thấy rằng hình tượng người dũng sĩ diệt quái vật cứu cô gái đẹp trong kiểu truyện này xuất hiện như một motif cốt lõi của toàn bộ các cốt truyện thuộc kiểu chuyện này. Và các motif chính còn lại như sự ra đời thần kỳ của nhân vật chính (vì là dũng sĩ thực hiện những công việc phi thường nên dân gian cần cho nhân vật một xuất thân kỳ lạ không giống người bình thường), motif diệt rắn ác và motif diệt đại bàng (sự triển khai của motif diệt quái vật), motif cứu công chúa hay sự vô tình trở thành vật thế thân và chiến đấu để tự cứu mình (như là sự chuyển hóa của motif cứu nạn nhân là cô gái đẹp – có nguồn gốc từ nghi lễ hiến tế ở một số bộ lạc nguyên thủy xa xưa), motif đi xuống thủy cung, motif niêu cơm thần... như là những motif sinh hoạt xã hội làm thành đường viền, thành cái khung cho kiểu truyện dũng sĩ ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Ngoài hai công trình nghiên cứu kể trên còn có thể kể đến những nghiên cứu văn học dân gian theo hướng này ở Việt Nam như Người anh hùng làng Gióng của Cao Huy Đỉnh, Về cái chết của mẹ con dì ghẻ của Chu Xuân Diên, Đọc lại truyện Tấm Cám của Nguyễn Tấn Đắc…

KẾT LUẬN:

Như vậy nghiên cứu truyện kể dân gian theo hướng tách motif ra, chia cốt truyện thành những motif tạo ra nó, nghiên cứu motif  từ quan điểm di truyền học, quan điểm của đời sống và lịch sử, sự phát triển, biến đổi và đặc biệt là quan hệ nghệ thuật đối với cái toàn thể, tức là đối với cốt truyện hiện tại được coi là một bộ phận bắt buộc và quan trọng của việc phân tích folklore theo trường phái thi pháp lịch sử. Từ việc nghiên cứu bản thân cấu trúc bên trong của tác phẩm folklore có thể thấy được sự biểu hiện mối quan hệ của folklore đối với thực tại. Tất nhiên việc nghiên cứu lịch sử và nguồn gốc truyện cổ tích không thể thay thế cho việc nghiên cứu truyện cổ tích với tư cách là một hiện tượng nghệ thuật đối với thực tại, khía cạnh này thuộc lĩnh vực tri giác khoa học và truyện cổ tích. Do đó việc nghiên cứu thi pháp lịch sử của truyện cổ tích sẽ không dừng lại ở chỗ nghiên cứu cấu trúc không thôi mà phải tiếp tục khảo sát về sự nảy sinh và sự biến đổi trong lịch sử của những yếu tố thi pháp và của toàn bộ hệ thống thi pháp truyện cổ tích mà điển hình là các đơn vị motif và cốt truyện. Về sau những quan niệm về motif cùng cách tiếp cận motif truyện kể dân gian của trường phái thi pháp lịch sử bắt đầu với A.N.Veselovski và tiếp tục với V.Ia.Propp và E.M.Meletinski đã tạo nên hướng nghiên cứu tìm kiếm nguồn gốc dân tộc học của các motif truyện kể dân gian, tạo thành một trong những lĩnh vực nghiên cứu quan trọng nhất của trường phái thi pháp lịch sử Nga nổi tiếng trong folklore  học thế giới.

 

Chú thích:

(1). S.Iu.Nekliudov (1984); “Bàn về một số khía cạnh trong việc nghiên cứu motif văn học dân gian”; Tuyển tập folklore và dân tộc học (bản tiếng Nga); NXB Khoa học, Lêningrat  (Phạm Nguyên Trường dịch, Chu Xuân Diên hiệu  đính)

 (2),(3). Chu Xuân Diên (2001); Mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại; NXBGD; HCM

(4). M.B.Khrapchenco (2002); Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học; NXBĐHQGHN, tr.164

(5), (6). B.N.Putilov (1975); “Motif như là thành tố của sự hình thành cốt truyện” trong Tuyển tập Nghiên cứu loại hình lịch sử về folklore (bản tiếng Nga); NXB Khoa học Matxơcơva; (Phạm Nguyên Trường dịch, Chu Xuân Diên hiệu  đính)

(7). S.Iu.Nekliudov (1984);  Tài liệu đã dẫn

(8). V.Ia.Propp (2004); “Sự chuyển hóa của truyện cổ tích thần kỳ” trong Tuyển tập V.Ia.Propp tập 2, NXBVHDT

(9),(10), (11). E. M. Mêlêtinxki (1958); Nhân vật truyện cổ tích thần kỳ - nguồn gốc các hình tượng; NXB Văn hóa Phương Đông, Xô Viết (bản dịch đánh máy của Viện văn học)

 

SUMMARY

The school of historical poetics represented by Russian folklore researcher A.N.Veselovski has played an important role in the history of folklore research with the concept of motif as an element to create a plot. According to this school, the motif is a narrative unit with the original role as the first formula to form type, type is a creativity. Motif is a part, on the one hand, a link of type and a first form, on the other hand, an initial form, a seed of subject.  And the structure of the plot is the combination of two types of motifs: ancient motif and social activity one ... Veselovski’s method was applied in folklore research with the additional reception from inheritance of some generations of later folklore researchers, particularly such as V.Ia. Propp and E.M.Meletinski

 

 

 

TÓM TẮT

Trường phái thi pháp lịch sử với đại diện là nhà folklore học người Nga A.N. Veselovski đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử nghiên cứu truyện kể dân gian với quan niệm về motif như là một thành tố tạo ra cốt truyện. Theo trường phái này thì motif là một đơn vị dẫn truyện với vai trò khởi thủy như là các công thức đầu tiên, từ đó hình thành nội dung đề tài,  đề tài đã là một hành động sáng tạo. Motif, một mặt là một phần, một mắc xích của đề tài, mặt khác là hình thức phôi thai, là hạt nhân của đề tài. Và cấu trúc của cốt truyện là sự kết hợp của 2 loại motif : motif cổ xưa và motif sinh hoạt xã hội…. Phương pháp này của Veselovski được vận dụng trong nghiên cứu truyện kể dân gian với sự kế thừa có bổ sung của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu folklore sau này mà tiêu biểu là V.Ia. Propp và E.M.Meletinski.

 

Nguồn:  Thông báo văn hóa 2011-2012, Viện hàn lâm KHXHVN, Viện NCVH, NXB Tri thức