Tính nguyên hợp trong văn hóa dân gian và kỉ niệm lần đầu gặp GS Đinh Gia Khánh

 

Năm 1998, lần đầu tiên tôi bước chân vào Viện Văn hóa dân gian, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) với bước chân ngập ngừng của một sinh viên cao học. Cảm giác đầu tiên của tôi thật khó tả về một nơi làm việc cũ kỹ, chật chội nhưng những con người mà tôi gặp ở đó thật ấn tượng. Một trong những người gây ấn tượng nhất đối với tôi lúc đó là GS. Đinh Gia Khánh. Chính ấn tượng với con người của ông đã tạo nên cái “duyên” để tôi gắn bó và làm việc tại Viện Văn hóa dân gian. Cái duyên đưa tôi đến nơi này và gặp những con người ở đấy tạo nên cái “nghiệp” của cuộc đời tôi sau này. GS. Trần Quốc Vượng (là người thầy hướng dẫn luận văn của tôi sau này) gọi đó là “duyên nghiệp.” Cái duyên nghiệp ở đây không giống với cái duyên “kỳ ngộ” – gặp gỡ - mà là cái duyên gặp gỡ để rồi tạo nên cái nghiệp của cả cuộc đời.

Giống như bao thanh niên thời “mở cửa” tôi cũng thích xe phân khối lớn, điện thoại di động, internet-không dây,… những thứ được cho là hiện đại, văn minh và thời thượng. Vì vậy, hai chữ dân gian dường như là một cái gì đó cũ kỹ, lạc hậu, tầm thường hay đã thuộc về quá khứ. Nhưng rồi nhận thức của tôi đã thay đổi hoàn toàn khi được nghe GS. Đinh Gia Khánh giảng giải về những đặc trưng của văn hóa dân gian qua những bài học “vỡ lòng” về lĩnh vực này. Lần đầu tiên tôi được biết rằng văn hóa dân gian vô cùng quan trọng bởi đó chính là nền tảng của văn hóa Việt Nam. Lần đầu tiên tôi biết rằng những gì gắn bó với con người từ thuở ấu thơ như lời ru ầu ơ… của mẹ, đến điệu nhạc tiễn đưa linh hồn con người về nơi “chín suối” qua điệu Lưu thủy chính là những thành tố của văn hóa dân gian. Lần đâu tiên tôi biết rằng từ những câu tục ngữ, ca dao mà ông-bà-cha-mẹ tôi thường dạy đến những áng sử thi hùng tráng đều là những sản phẩm của văn hóa dân gian,… Lần đầu tiên tôi biết rằng nếu không có văn hóa dân gian thì chắc chắn văn hóa Việt Nam đã bị đồng hóa từ lâu cùng các dân tộc Bách Việt vào nền văn minh Trung Hoa hàng nghìn năm trước. Điều này sau đó đã được GS. Trần Quốc Vượng đúc kết bằng khái niệm giải Hán hóa hay giải Hoa hóa.

Lời giảng của ông thôi thúc tôi tìm tòi và đọc những cuốn sách về văn hóa dân gian có trong thư viện của Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian. Càng đọc, tôi càng vỡ ra nhiều điều từ các tác phẩm của Nguyễn Đổng Chi, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Đức Từ Chi, Trần Quốc Vượng,… bên cạnh những cuốn sách “gối đầu giường” của Đinh Gia Khánh. Từ cuốn "Trên đường tìm hiểu văn hoá dân gian" (1989) cho tới "Văn hoá Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á" (1993) là chặng đường đầu tiên giúp tôi thấu hiểu và yêu quý văn hóa dân gian Việt Nam. Trong vô số nét đặc sắc của văn hóa dân gian Việt Nam, qua bài giảng của GS. Đinh Gia Khánh, tôi nhận ra một đặc tính quan trọng xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam, đó là tính nguyên hợp. Theo GS. Đinh Gia Khánh tính nguyên hợp là “đặc điểm cơ bản của văn hóa dân gian” (Đinh Gia Khánh, 1989, tr.12). Chínhđặc điểm cơ bản này đã cuốn hút óc tìm tòi, khám phá của tôi, rồi gắn cuộc đời với một cái nghề nhọc nhằn, khổ ải nhưng đầy đam mê: Nghiên cứu văn hóa.

Tính nguyên hợp (syncretism) hay còn gọi là thuyết hổ lốn (cách gọi này dường như thiếu tính học thuật) là sự kết hợp của những niềm tin khác nhau đôi khi có vẻ mâu thuẫn với nhau về tư tưởng, đặc biệt là những tư tưởng của con người trong giai đoạn sơ khai. Trong các tư tưởng thần học và thần thoại của các tôn giáo, tính nguyên hợp cho thấy một sự thống nhất cơ bản và cho phép một cách tiếp cận toàn diện cho mọi loại hình tôn giáo tín ngưỡng. Trong xã hội đương đại, tính nguyên hợp được thể hiện rõ nét qua các thành tố nghệ thuật dân gian. Đặc tính này dường như ngày càng bị thu hẹp trong các xã hội phát triển cao của phương Tây (duy lý) nhưng lại có xu hướng bảo tồn / bảo thủ trong các xã hội phương Đông (duy tình). Chẳng hạn, các tín đồ Thiên chúa giáo hay Hồi giáo thường khó chấp nhận một tín ngưỡng sơ khai gắn với tôn giáo độc thần của mình, bởi họ coi đó là dị giáo. Theo Keith Fernando, đó là một sự thỏa hiệp gây tổn hại cho tính toàn vẹn của tôn giáo.[1] Trong khi đó, đạo Cao Đài, Hòa Hảo cũng như sự tích hợp Phật giáo với Đạo giáo (hay Lão giáo) và tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam lại đang diễn ra một cách hết sức sôi động ngay trong xã hội hiện đại. Dường như các quan điểm mang tínhtất định luận (determinism) về tôn giáo hiện nay đang gặp bế tắc khi nhiều hiện tượng thế tục hóa tôn giáo có xu hướng mở rộng. Vì vậy, các hướng tiếp cận “cận nguyên hợp” khác như thế tục hóa (secularization) hay thị trường tôn giáo (religious commodification) đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.

Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, tính nguyên hợp là một đặc tính xuyên suốt các thành tố văn hóa căn bản, đặc biệt là các thành tố văn hóa dân gian. Theo GS. Ngô Đức Thịnh, văn hóa dân gian Việt Nam bao gồm các lĩnh vực sau:

Ngữ văn dân gian bao gồm: Tự sự dân gian (thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, ngụ ngôn, vè, sử thi, truyện thơ… Trữ tình dân gian (ca dao, dân ca); Thành ngữ, tục ngữ, câu đố dân gian.

Nghệ thuật dân gian bao gồm: Nghệ thuật tạo hình dân gian (kiến trúc dân gian, hội họa dân gian, trang trí dân gian…); nghệ thuật biểu diễn dân gian (âm nhạc dân gian, múa dân gian, sân khấu dân gian, trò diễn…).

Tri thức dân gian bao gồm: Tri thức về môi trường tự nhiên (địa lý, thời tiết, khí hậu…); tri thức về con người (bản thân): y học dân gian và dưỡng sinh dân gian; tri thức ứng xử xã hội (ứng xử cá nhân và ứng xử cộng đồng); tri thức sản xuất (kỹ thuật và công cụ sản xuất).

Tín ngưỡng, phong tục và lễ hội: Các lĩnh vực nghiên cứu trên của văn hóa dân gian nảy sinh, tồn tại và phát triển với tư cách là một chỉnh thể nguyên hợp, thể hiện tính chưa chia tách giữa các bộ phận (ngữ văn, nghệ thuật, tri thức, tín ngưỡng phong tục…), giữa hoạt động sáng tạo và hưởng thụ trong sinh hoạt văn hóa, giữa sáng tạo văn hóa nghệ thuật và đời sống lao động của nhân dân.[2]

Các lĩnh vực nói trên luôn có sự gắn kết, đan xen với nhau, hòa quện lẫn nhau, vì vậy, muốn tìm hiểu văn hóa dân gian Việt Nam thì một điều không thể bỏ qua là phải nghiên cứu các đối tượng đó dưới một góc nhìn tổng thể. Theo đó, “để nghiên cứu văn hóa dân gian với tư cách là một chỉnh thể nguyên hợp chúng ta cần phải có một quy phạm nghiên cứu tổng hợp… Văn hóa dân gian là một thực thể sống, nảy sinh, tồn tại và phát triển gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng của quần chúng lao động. Vì vậy, khi nhận thức và lý giải các hiện tượng văn hóa dân gian phải gắn liền với môi trường sinh hoạt văn hóa của nó, tức là các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, trong đó cộng đồng gia tộc, cộng đồng làng xã giữ vai trò quan trọng.”[3] Những nội dung căn bản mà GS. Ngô Đức Thịnh đã tóm tắt trên đây, cũng như hướng tiếp cận nghiên cứu văn hóa dân gian từ một “chỉnh thể nguyên hợp”, tôi đã phải đọc đi đọc lại nhiều lần trong hai cuốn sách của GS. Đinh Gia Khánh: Văn hóa dân gian: Những lĩnh vực nghiên cứu Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian trong những ngày đầu làm công việc nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam.  

Có thể nói, những kiến thức căn bản nhất về văn hóa dân gian đã tiếp thu được từ GS. Đinh Gia Khánh trong những ngày đầu tiên làm việc tại Viện văn hóa dân gian đã giúp cá nhân tôi “thắp” lên niềm đam mê nghiên cứu. Những gì tôi đã trải qua, đã làm được và những gì đang “trên đường tìm hiểu” tiếp, dường như đều có dấu ấn từ “cú hích” ban đầu của GS. Đinh Gia Khánh. Chính ông là người đã truyền cảm hứng cho tôi, và GS. Trần Quốc Vượng là người đã dìu dắt tôi bước đi những bước đầu tiên trên con đường “tìm hiểu văn hóa dân gian.” Có thể những kiến thức này không còn xa lạ với các nhà nghiên cứu hiện nay nhưng với bản thân tôi cách đây 13 năm quả là một sự định hướng cực kỳ quan trọng. Đó là tiền đề để tôi mạnh dạn bước đi trên con đường khoa học đầy gian khổ hôm nay.[4] Cá nhân tôi không coi đây là một bản báo cáo khoa học trong cuộc hội thảo này mà chỉ xin được ghi lại một vài cảm nhận về một người thầy, một người đồng nghiệp, một người đã giúp tôi mở cánh cửa để khám phá thế giới kỳ diệu của văn hóa dân gian Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

George D. Chryssides, "Unificationism: A study in religious syncretism", Chapter 14 in Religion: empirical studies, Editor: Steven Sutcliffe, Ashgate Publishing, Ltd., 2004.

Đinh Gia Khánh, Trên đường tìm hiểu văn hoá dân gian, Nxb Khoa học xã hội, 1989.

Đinh Gia Khánh, Văn hoá Việt Nam trong bối cảnh văn hoá Đông Nam Á, Nxb Khoa học xã hội, 1993.

Đinh Gia Khánh, Văn hoá Việt Nam với sự phát triển của xã hội Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1995.

Đinh Gia Khánh, Văn hóa dân gian: Những lĩnh vực nghiên cứu. Nhà xuất bản khoa học xã hội 1989

Đinh Gia Khánh,Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian. Nhà xuất bản khoa học xã hội 1993

Durkheim, Emile.  1965[1915].  The Elementary Forms of the Religious Life.  New York: Free Press. 

Gay, Peter.  1995.  The Enlightenment: The Rise of Modern Paganism.  New York: W. W. Norton & Company.

Stark, Rodney and William Sims Bainbridge.  1985.  The Future of Religion: Secularization, Revival, and Cult Formation.  CA: University of California Press.

Wilson, Bryan.  1982.  Religion in Sociological Perspective.  New York: Oxford University Press.

Ngô Đức Thịnh,Văn hóa dân gian và văn hóa dân tộc, trong: http://thienthubinh.wordpress.com



[1] Xem: http://arnulfo.wordpress.com/2012/12/10/syncretism/

[2] Ngô Đức Thịnh,Văn hóa dân gian và văn hóa dân tộc, trong: http://thienthubinh.wordpress.com

[3] Ngô Đức Thịnh, bđd.

[4] Thực tế của bản thân tôi cũng như các nhà khoa học trẻ khác là mức lương tập sự từ 310.000đ/tháng của năm 2000 đã tăng đến 3.150.000đ/tháng hiện nay nhưng thực chất vẫn chỉ là ¾ chỉ vàng, khoảng bằng 1/3 thu nhập của các cậu bé đánh giày trước trụ sở 27-Trần Xuân Soạn. Đó chính là “con đường gian khổ” mà mọi nhà nghiên cứu đều phải chấp nhận nếu muốn dấn thân.

 http://www.vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/tinh-nguyen-hop-trong-van-hoa-dan-gian-va-ki-niem-lan-dau-gap-gs-dinh-gia-khanh

 

Danh mục website