Thơ văn xướng họa của các tác gia - sứ giả Việt Nam, Hàn Quốc: những thành tựu nghiên cứu về văn bản học

Lý Xuân Chung

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Dẫn nhập

Giao lưu văn hóa Việt - Hàn được mở đầu bằng những sự tích rất đặc biệt là Lý Dương Côn, Lý Long Tường cùng gia quyến vượt biển sang Cao Ly vào thế kỷ XII, XIII, chung sống hòa thuận với người dân bản địa, góp sức cùng dân tộc Hàn chống ngoại xâm, xây dựng đất nước.

Sự khởi đầu tốt đẹp đó đã tạo cơ sở cho những đợt giao lưu văn hóa tiếp theo, trong đó, các cuộc gặp gỡ của sứ thần hai nước ở Bắc Kinh Trung Quốc được coi là đặc biệt.

Trong lịch sử ngoại giao giữa hai nước, các nhà nghiên cứu vẫn chưa phát hiện ra thư tịch nào đề cập tới vấn đề ngoại giao quan phương trực tiếp, bởi thế, thơ văn xướng họa của các tác gia - sứ giả hai nước Việt Nam và Hàn Quốc (sau đây viết tắt là thơ văn xướng họa) hiện còn lưu lại ở hai nước có vị thế quan trọng trong việc nghiên cứu quan hệ bang giao, tình hữu hảo Việt - Hàn.

Do vậy, thơ văn xướng họa cần được khảo sát, đánh giá, khai thác nhằm khẳng định giá trị văn chương, giá trị lịch sử và phát huy những yếu tố tích cực đối với thực tiễn hiện tại, nhất là quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập tới những vấn đề về văn bản.

I.Lịch sử vấn đề nghiên cứu

Từ nhiều năm nay, vấn đề thơ văn xướng họa đã được một số nhà nghiên cứu quan tâm nhưng chưa có một công trình nghiên cứu quy mô nào mà chỉ có những bài viết rải rác trên các sách báo và tạp chí nghiên cứu, trong đó, vấn đề văn học bản chỉ là phần phụ, không được khảo sát kỹ lưỡng.

1. Trước năm 1992

Việt Nam chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và giới nghiên cứu được biết Trần Văn Giáp sang Bình Nhưỡng công tác và đã chép tay một số thơ văn xướng họa rồi mang về nước. Văn bản thơ văn xướng họa đó chưa được công bố và chưa thấy xuất hiện một bài chuyên khảo nào.

Các nhà nghiên cứu trong nước khi nghiên cứu về tác gia, tác phẩm của Phùng Khắc Khoan như Bùi Duy Tân, Tạ Ngọc Liễn, Trần Lê Sáng... đã đề cập tới thơ văn xướng họa giữa Phùng Khắc Khoan với Lý Chi Phong, đặc biệt có Giáo sư Bùi Duy Tân để tâm nghiên cứu văn bản thơ văn xướng họa giữa Phùng Khắc Khoan với Lý Chi Phong và đã có những thành công nhất định. Ở Hàn Quốc, năm 1966, cuốn Quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam của Thôi Thường Thọ do Hội hữu nghị Hàn - Việt xuất bản cũng chỉ chuyển ngữ một số bài thơ xướng họa mà không khảo cứu về văn bản.

2. Sau năm 1992

Các nhà nghiên cứu đã để tâm đến vấn đề này và rải rác xuất hiện bài nghiên cứu trên Tạp chí Hán Nôm và Kỷ yếu các Hội thảo về Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc. Đặc biệt lưu ý là những bài của Bùi Duy Tân, Cho Jae Hyun, Nguyễn Tuấn Thịnh - Nguyễn Kim Sơn, Shi Mi Zu Ta Ro, Nguyễn Minh Tuân, Nguyễn Minh Tường... Năm 1997, cuốn sách Người Việt Nam ở Triều Tiên và mối giao lưu văn hóa Việt - Triều trong lịch sử do Hội khoa học lịch sử Việt Nam xuất bản đã in phần Phiên âm, Dịch thơ của Trần Văn Giáp và một số bài nghiên cứu bước đầu về thơ văn xướng họa...

Song, vấn đề nghiên cứu vănbản thơ văn xướng họa một cách hệ thống vẫn chưa được đặt ra và nghiên cứu thấu đáo. Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã thu thập tư liệu, khảo sát và nhận diện khá đầy đủ các văn bản về vấn đề này. Xin được trình bày cụ thể như sau:

II. Khảo sát văn bản thơ văn xướng họa

1. Phùng Khắc Khoan - Lý Túy Quang, Kim Tiêu dật sĩ

Trước khi khảo sát văn bản, ở từng mục sẽ giới thiệu khái quát lai lịch tác gia - sứ thần, đặc biệt lưu ý đến năm đi sứ.

Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), tự Hoằng Phu, hiệu Nghị Trai, biệt hiệu là Mai Nham Tử. Năm 25 tuổi, ông thi đỗ tam trường, 30 tuổi thi đỗ tứ trường, 53 tuổi thi đỗ Nhị giáp Tiến sĩ.

Năm 1553, Phùng Khắc Khoan vào Thanh Hóa giúp nhà Lê. Khi nhà Lê Trung hưng dựng lại sự nghiệp, ông là người có công, được phong chức lớn, đến năm Ất Mùi (1595), được thăng lên chức Tả Thị lang Bộ Công. Năm 1597 ông được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc xin phong cho vua Lê.

Lý Túy Quang (1563 - 1628) tự Nhuận Khanh, hiệu là Chi Phong. Năm 20 tuổi, ông thi đỗ Tiến sĩ. Năm 28 tuổi, lần đầu được cử đi sứ Trung Quốc. Năm 35 tuổi, được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc chúc thọ vua Minh. Ông vừa là một tác gia lớn vừa là một nhà tư tưởng lớn, là người đầu tiên giương lên ngọn cờ tư tưởng Thực học ở Hàn Quốc.

Mục này đã kế thừa kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Phùng Khắc Khoan như Bùi Duy Tân, Tạ Ngọc Liễn, Trần Lê Sáng... về khảo sát văn bản của Phùng Khắc Khoan và tập trung xem xét hai tập thơ Ngôn chí thi tập, Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập. Qua khảo sát 12 bản ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi xác định được bản VHv.1442 là khả dĩ tốt nhất. Phần dưới thơ văn xướng họa của bản này có ghi: “Xuất Chi Phong tiên sinh tập quyển chi bát” đã chỉ cho chúng tôi xuất xứ của văn bản này.

Khi sang Hàn Quốc, chúng tôi đã tìm được nguyên bản Chi Phong tập, quyển 8 và coi đây là bản A, coi bản VHv.1442 là bản B rồi đối chiếu so sánh. Kết quả cho thấy, chỉ có 4 chỗ khác biệt và sự bổ sung của bản A đã hoàn thiện cho bản B.

Trong số văn bản của Phùng Khắc Khoan ở Việt Nam, chúng tôi còn thấy thơ xướng họa giữa Phùng Khắc Khoan với Kim Tiêu dật sĩ ở 6 văn bản khác nhau (A.2128, VHv.2155, VHv.2156, A.2011, A.241, A.2557) và đã xác định được 14 bài thơ xướng họa giữa Phùng Khắc Khoan với Kim Tiêu dật sĩ.

Như vậy, tổng cộng số thơ văn xướng họa giữa Phùng Khắc Khoan với Lý Túy Quang, Kim Tiêu dật sĩ là 32 bài thơ, 6 bài văn xuôi.

2. Nguyễn Công Hãng - Du Tập Nhất, Lý Thế Cẩn

Nguyễn Công Hãng (1680 - 1732), tự Thái Thanh, hiệu là Tĩnh Am. Năm 1700, ông thi đỗ Tiến sĩ, từng giữ chức Hữu Thị lang, Tả Thị lang Bộ Binh rồi Thượng thư, Tham tụng trong phủ chúa. Năm 1778, ông được cử sang sứ Trung Quốc.

Trong chuyến đi sứ này, Nguyễn Công Hãng đã gặp đoàn sứ bộ Tiều Tiên(1) do Chánh sứ Du Tập Nhất, hiệu là Thủ Huyền cư sĩ, giữ chức Hình bộ Thượng thư cùng với Phó sứ Lý Thế Cẩn, hiệu là Tĩnh Hiên cư sĩ, giữ chức Phán quan dẫn đầu.

Chúng tôi phát hiện ra văn bản Bắc sứ thi tập, VHv.2166, bản viết tay, 72 trang, khổ 26 x 15cm, gồm 2 tập thơ đi sứ của Đào Công Chính và Nguyễn Công Hãng làm trong chuyến đi sứ Trung Quốc năm 1718, Vĩnh Thịnh thứ 14. Thơ văn của Nguyễn Công Hãng duy nhất có cuốn này, trong đó có thơ xướng họa giữa họ Nguyễn với Du Tập Nhất, Lý Thế Cẩn, gồm 12 bài (4 bài thơ xướng của họ Nguyễn và 4 bài họa của Du Tập Nhất, 4 bài họa của Lý Thế Cẩn).

Khi sang Hàn Quốc, chúng tôi tìm thấy tập thơ văn của Lý Thế Cẩn, nhan đề Tĩnh Hiên tập, có 8 bài thơ văn xướng họa giữa Nguyễn Công Hãng với Lý Thế Cẩn.

Chúng tôi coi Bắc sứ thi tập là bản A, Tĩnh Hiên tập là bản B rồi đối chiếu so sánh và có nhận xét:

-Văn bản ở Việt Nam có nhiều hơn văn bản ở Hàn Quốc 4 bài thơ.

-Trong 4 bài thơ của Lý Thế Cẩn trong Tĩnh Hiên tập thì có 2 bài trùng với 2 bài của Du Tập Nhất trong Bắc sứ thi tập.

-Cả hai tác phẩm đều thống nhất một điều là Nguyễn Công Hãng gửi bài xướng và Lý Thế Cẩn họa lại.

-Đối chiếu 8 bài thơ, thấy có đôi chỗ xuất nhập ở bài thứ nhất và bài thứ ba, chúng tôi đã khảo sát và hoàn thiện những chỗ xuất nhập trên.

3. Nguyễn Tông Quai - Lý Bán Thôn

Nguyễn Tông Quai (1693 - 1767) húy là Oản, hiệu Thư Hiên, thụy là Ngạn Túc. Năm 28 tuổi, ông thi đâu Hội nguyên Hoàng giáp, từng giữ các chức Thừa chính Kinh Bắc, Đốc đồng Tuyên Quang, Tả Thị lang Bộ Hình. Ông hai lần được cử đi sứ Trung Quốc, lần thứ nhất vào năm Nhâm Tuất 1742, lần thứ hai vào năm Mậu Thìn 1748.

Trong chuyến đi sứ lần hai, ông có gặp Lý Bán Thôn, tự Thái Lâm, hiệu Hoài Âm và hai bên có trao đổi thơ văn.

Sau khi đối chiếu khảo sát Sứ Hoa tùng vịnh của Nguyễn Tông Quai, bản A.1552 với 5 bản khác (A.2993, A.211, VHv.1404/1, VHv.1998, VHv.1896) đều có một bài Tựa của Lý Bán Thôn, đã xác nhận được bản A.1552 là tốt nhất.

4. Lê Quý Đôn - Hồng Khải Hy, Lý Huy Trung, Triệu Vinh Tiến

Lê Quý Đôn (1726 - 1784), tự Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường. Năm 17 tuổi, ông đỗ Giải nguyên, 26 tuổi đỗ Hội nguyên rồi vào thi Đình cũng đỗ đầu. Ông từng giữ các chức như Hàn lâm viện Thừa chỉ, Đốc đồng Trấn Kinh Bắc, Tư nghiệp Quốc tử giám, Thị lang Bộ Công, Thượng thư Bộ Công... Năm 1760, ông được cử làm Phó sứ sang Trung Quốc.

Trong chuyến đi sứ lần này, ông đã gặp Chánh sứ Hồng Khải Hy, từng thi Đình đỗ Trạng nguyên, giữ chức Sùng lộc đại phu, Lại tào phán thư, Đề học Hoằng văn quán..., Phó sứ Lễ tào phán thư Triệu Vinh Tiến, Thư trạng quan Lý Huy Trung.

Tư liệu về cuộc gặp gỡ này và thơ văn xướng họa được lưu lại khá nhiều trong các tác phẩm của Lê Quý Đôn như Quế đường thi tập, Bắc sứ thông lục, Quần thư khảo biện Kiến văn tiểu lục.

Về văn, Quần thư khảo biện có 1 bài Tựa và 1 Thư ngắn của Hồng Khải Hy, 1 Thư ngắn của Lý Huy Trung; Thánh mô hiền phạm lục có 1 bài Tựa của Hồng Khải Hy, tổng cộng 4 bài.

Về thơ, sau khi đối chiếu và khảo sát hai bản Quế Đường thi tập (VHv.2341 và A.576), đã xác nhận bản A.576 là bản chính, tổng cộng có 7 bài thơ xướng họa.

5. Vũ Huy Đĩnh - Doãn Đông Thăng, Lý Trí Trung

Vũ Huy Đĩnh (1730 - 1789), tự Ôn Kỳ, hiệu Di Hiên, thụy là Văn Trung. Năm 1754, ông thi đỗ Tiến sĩ, từng giữ các chức Binh Bộ Thị lang kiêm Tế tửu Quốc tử giám. Năm 1772, ông được đi sứ sang nhà Thanh.

Trong chuyến đi này, ông có gặp Phó sứ Doãn Đông Thăng và Thư trạng quan Lý Trí Trung.

Lý Trí Trung đỗ Tiến sĩ năm 1761, giữ chức Lại tào phán thư, là cháu của Lý Huy Trung.

Vũ Huy Đĩnh để lại Hoa trình thi tập, 1 bản viết, A.446, có 5 bài thơ xướng họa với Doãn Đông Thăng, Lý Trí Trung. Sau khi khảo sát tư liệu có liên quan như Kiến văn tiểu lục, Quốc triều bảng mục, đã xác định rõ 5 bài thơ trên là thơ xướng họa giữa Vũ Huy Đĩnh với Doãn Đông Thăng, Lý Trí Trung chứ không phải của Nguyễn Tông Quai với hai vị sứ thần Triều Tiên nói trên.

6. Hồ Sĩ Đống - Lý Quang, Trịnh Vũ Thuần

Hồ Sĩ Đống (1739 - 1785), tên ban đầu là Hồ Sĩ Đồng, tự Long Phủ, hiệu là Dao Đình, sau đổi tên là Đống, tự Thông Phủ, hiệu Trúc Hiên. Năm 1772, ông đậu Hội nguyên, Đình nguyên Hoàng giáp.

Năm 1778, làm Phó sứ sang nhà Thanh. Trong chuyến đi này, ông có gặp Lý Quang và Trịnh Vũ Thuần, hai bên có trao đổi thơ văn.

Hoa trình khiển hứng của Hồ Sĩ Đống, A.515, chỉ có một bản viết, 90 trang, khổ 32 x 32cm, chữ chân phương, có chép 5 bài thơ xướng họa của Hồ Sĩ Đống với 3 sứ thần Triều Tiên và Lý Quang, Trịnh Vũ Thuần và một vị khuyết danh.

7. Nguyễn Đề - Lý Nguyên Hanh, Từ Hữu Phòng

Nguyễn Đề (1761 - 1805), vốn tên là Nễ, sau đổi thành Đề, hiệu Quế Hiên, là anh ruột Nguyễn Du. Năm 22 tuổi, ông thi đỗ Cử nhân rồi ra làm quan thời Lê - Trịnh. Sau đó, ông cũng làm quan thời Tây Sơn và lần thứ hai vào năm 1795.

Tư liệu mới chỉ cho biết, một trong hai lần đi sứ đó, ông có gặp Phó sứ Lý Nguyên Hanh, giữ chức Phán thư Bộ Lễ, Phó sứ Từ Hữu Phòng giữ chức Phán thư Bộ Lại, Nội các học sĩ và hai bên có trao đổi thơ văn.

Hoa trình tiêu khiển tập của Nguyễn Đề có 2 tập (tiền tập và hậu tập), bản viết tay, chữ chân phương, rõ ràng, ký hiệu A.1361 có chép 9 bài thơ xướng họa với Lý Nguyên Hanh, Từ Hữu Phòng. Bản VHv.149 có tên Hoa trình thi tập, chữ đá thảo, chép lại hậu tập của bản A.1361 và cũng có đầy đủ 9 bài thơ xướng họa nêu trên. Sau khi đối chiếu so sánh hai bản, đã xác định bản A.1361 là bản chính để nghiên cứu.

8. Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn - Từ Hạo Tu, Lý Bách Hanh, Phác Tề Gia

Phan Huy Ích

Phan Huy Ích (1751 - 1822), thủa nhỏ tên là Duệ, tự Khiêm Thụ Phủ, hiệu Dụ Am, đổi là Công Huệ, tự Chi Hòa, hiệu Đức Hiền. Sau vì kiêng tên Đặng Thị Huệ (vợ chúa Trịnh Sâm) mới đổi thành Huy Ích. Dưới thời Lê - Trịnh, ông thi Hương thi Hội thi Đình đều đỗ đầu và từng giữ các chức Đốc đồng Thanh Hóa, Thiêm sai Tri hình ở phủ chúa, Đốc thị Nghệ An kiêm Tán lý quân vụ Thanh Nghệ.

Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, Phan Huy Ích được tiến cử, giữ chức Tả Thị lang Bộ Lại, tước Thụy Nham hầu. Sau chiến thắng quân Thanh mùa xuân năm 1789, Phan Huy Ích cùng Ngô Thì Nhậm đảm nhiệm công việc ngoại giao với nhà Thanh. Năm 1790, ông là trọng thần hàng văn hộ tống vua Quang Trung giả sang sứ nhà Thanh.

Tinh sà kỷ hành, quyển 9, bản khắc gỗ, VHv.1596 của Phan Huy Ích có ghi 8 bài thơ xướng họa của họ Phan với ba vị sứ giả nêu trên. Thơ văn của Phan Huy Ích còn lưu lại khá nhiều nhưng chỉ có bản này ghi chép thơ xướng họa với sứ thần Triều Tiên.

Khi sang Hàn Quốc, chúng tôi tìm được Yên hành kỷ của Từ Hạo Tu, trong đó có ghi chép hai bài thơ xướng của Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn gửi tặng Từ Hạo Tu. Mọi chi tiết ở tư liệu này đều trùng khớp với Tinh sà kỷ hành, quyển 9.

Đoàn Nguyễn Tuấn

Đoàn Nguyễn Tuấn (1750 - ?) hiệu là Hải Ông. Ông thi đỗ Hương cống dưới triều Lê - Trịnh, nhưng không ra làm quan. Năm 1788, ông ra làm quan với Tây Sơn, giữ chức Trực học sĩ Viện Hàn lâm. Năm 1790, cùng Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn hộ tống nhà vua sang Trung Quốc.

Sau khi đối chiếu và khảo sát 3 bản Hải Ông thi tập A.2603, Hải Yên thi tập A.1167, Hải Phái thi tập A.310 làm bản chính, trong đó có 9 bài thơ xướng họa giữa Đoàn Nguyễn Tuấn với Từ Hạo Tu, Lý Bách Hanh, có tới 6 bài của Đoàn Nguyễn Tuấn.

Vũ Huy Tấn

Vũ Huy Tấn, chưa rõ năm sinh năm mất, hiệu là Nhất Thủy. Ông đỗ kỳ thi Hương năm 1768 cùng khoa với Phan Huy Ích, từng làm quan dưới triều Lê - Trịnh, giữ chức Thị nội văn chức. Dưới thời Tây Sơn, ban đầu làm Hàn lâm Đãi chế, sau thăng Thượng thư Bộ Công, nhiều lần được cử đi sứ nhà Thanh.

Trong chuyến đi năm Canh Tuất (1790), ông cùng với Phan Huy Ích và Đoàn Nguyễn Tuấn đã gặp Chánh sứ Phò mã Hoàng Bỉnh Lễ, Phó sứ Lại tào phán thư Từ Hạo Tu, Thư trạng quan Hoằng Văn Quán và Hiệu lý Lý Bách Hanh.

Chúng tôi sưu tầm được ở Hàn Quốc trong tập Yên hành kỷ của Từ Hạo Tu 1 bài thơ xướng của Vũ Huy Tấn và 1 bài thơ họa của Từ Hạo Tu.

9. Ngô Thì Nhậm

Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) tự Hy Doãn, hiệu là Đạt Niên. Năm 1768, ông đỗ đầu thi Hương, năm 1769 đỗ khoa Sĩ vọng, năm 1775 đỗ Tiến sĩ. Ông từng làm quan dưới thời Lê - Trịnh, giữ chức Đốc đồng Kinh Bắc kiêm Đốc đồng Thái Nguyên. Năm 1788, ông ra làm quan với Tây Sơn, giữ các chức Công Bộ Thị lang, Binh Bộ Thượng thư.

Năm 1792, vua Quang Trung mất, năm 1793, ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong cho vua mới.

Sau khi đối chiếu, khảo sát Yên đài thu vịnh A.1697 của Ngô Thì Nhậm với Tinh sà kỷ hành quyển 9 của Phan Huy Ích, ở đây đã khẳng định có sự nhầm lẫn trong sao chép những bài thơ xướng họa giữa Ngô Thì Nhậm với sứ thần Triều Tiên.

10. Phạm Chi Hương - Lý Du Nguyên

Phạm Chi Hương, không rõ năm sinh, chỉ biết năm mất là 1871, tự Sĩ Nam, hiệu là My Xuyên. Năm 1828, ông đậu Cử nhân, làm quan từ Tri huyện đến Tổng đốc, hai lần sang sứ nhà Thanh. Trong một chuyến đi sứ, ông gặp học sĩ Lý Dụ Nguyên, Thư trạng quan đoàn sứ bộ Triều Tiên.

My Xuyên sứ trình thi tập, 1 bản viết, 68 trang, khổ 28 x 22, ký hiệu A.251 có chép một bài thơ của Phạm Chi Hương đề quạt tặng cho Lý Dụ Nguyên.

11. Nguyễn Tư Giản - Triệu Bỉnh Cảo, Kim Hữu Uyên, Nam Đình Thuận

Nguyễn Tư Giản (1823 - 1890), tên cũ là Nguyễn Văn Phú, tự Tuân Thúc và Hy Bật, hiệu là Vân Lộc và Thạch Nông. Ông thi đỗ Hoàng giáp năm 1844, từng giữ các chức Binh khoa Cấp sự trung, Lại Bộ Hữu Thị lang, Hồng lô tự khanh... Năm 1868, ông được cử làm Phó sứ thứ nhất sang nhà Thanh.

Trong chuyến đi sứ này, ông có gặp Chánh sứ đoàn Triều Tiên Kim Hữu Uyên, hai Phó sứ là Triệu Bỉnh Cảo, Nam Đình Thuận và hai bên có trao đổi thơ văn.

Sau khi khảo sát Yên thiều bút lục, Yên thiều thi thảo Yên thiều thi tập của Nguyễn Tư Giản, có thể nhận thấy Yên thiều thi thảo Yên thiều thi tập là những bản tốt, trong đó có ghi chép khá cụ thể về cuộc tiếp xúc giữa hai đoàn sứ thần cùng hai bài thơ xướng họa.

Qua khảo sát văn bản liên quan đến 13 lần sứ thần hai nước tiếp xúc làm thơ xướng họa, có thể sơ bộ kết luận:

1. Loại bỏ ba lần sứ thần hai bên không có thơ văn xướng họa.

2. Xác định 10 lần sứ thần hai nước gặp gỡ, làm thơ xướng họa, bút đàm.

3. Bước đầu giám định được 92 bài thơ, 11 bài văn xuôi là những đơn vị văn bản tốt.

4. Bước đầu xác nhận 33 sứ giả của hai nước tham gia giao lưu, xướng họa thơ văn (Việt Nam: 12 người; Hàn Quốc: 21 người).

Theo kết quả khảo cứu trên, chúng tôi lập bảng thống kê các tác gia - sứ thần, năm đi sứ gặp gỡ, số lượng tác gia - sứ thần và thơ văn xướng họa như sau:

TT

Tác gia - sứ thần

Năm đi sứ - gặp gỡ

Thơ văn xướng họa

Việt Nam

Hàn Quốc

Thơ

Văn

A. THỜI LÊ TRUNG HƯNG (1533 - 1778)

1

Phùng Khắc Khoan

Lý Túy Quang, Kim Tiêu dật sĩ

1597

32

6

2

Nguyễn Công Hãng

Du Tập Nhất, Lý Thế Cẩn

1718

12

3

Nguyễn Tông Quai

Lý Bá Thôn

1748

1

4

Lê Quý Đôn

Hồng Khải Hy, Lý Huy Trung, Triệu Vinh Tiến

1760 - 1761

5

5

Vũ Huy Đĩnh

Doãn Đông Thăng, Lý Trí Trung

1772 - 1773

5

6

Hồ Sĩ Đống

Lý Quang, Trịnh Vũ Thuần

1778

5

B. THỜI TÂY SƠN (1778 - 1802)

7

Nguyễn Đề

Lý Nguyên Hanh, Từ Hữu Phòng

1789?

1795?

9

8

Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn

Từ Hạo Tu, Lý Bách Hanh, Phác Tề Gia

1790

19

C. THỜI NGUYỄN (1802 - 1945)

9

Phạm Chi Hương

Lý Dụ Nguyên

?

1

10

Nguyễn Tư Giản

Triệu Bỉnh Cảo, Kim Hữu Uyên, Nam Đình Thuận

1868

2

12

21

 

92

11

Trên đây là những văn bản mà chúng tôi trực tiếp nghiên cứu, tìm tòi, đối chiếu so sánh (nếu có dị bản) ở Việt Nam và Hàn Quốc. Tuy nhiên, công việc tìm kiếm và khảo sát vẫn tiếp tục ở phía trước, song rất cần sự hợp tác từ phía các nhà nghiên cứu Hàn Quốc. Cụ thể là Giáo sư Park Hee Byung đã từng tham gia Hội thảo kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt - Hàn ở khách sạn Daewoo Hà Nội năm 2007. Giáo sư có nêu sứ giả hai nước gặp nhau 5 lần ở Bắc Kinh từ cuối thế kỷ XV và để lại thơ văn xướng họa. Chúng tôi đã tra cứu tư liệu ở Việt Nam mà vẫn chưa có kết quả cụ thể. Hy vọng trong tương lai gần, chúng tôi có dịp gặp nhau và trao đổi về vấn đề này, rất mong có sự hợp tác từ các học giả Hàn Quốc, đặc biệt là giáo sư Park.

Kết luận

1. Qua khảo sát hàng trăm đơn vị văn bản, bước đầu đã giám định được 92 bài thơ xướng họa, 11 bài văn xuôi là những đơn vị văn bản tốt, có thể coi là thiện bản để phục vụ cho việc ngiên cứu, đánh giá thơ văn xướng họa của sứ thần hai nước. Đồng thời, bước đầu xác nhận được 33 sứ giả - nhà thơ tham gia giao lưu, xướng họa (Việt Nam: 12 người; Hàn Quốc: 21 người).

2. So sánh số lượng thơ văn xướng họa của sứ thần hai nước, ta thấy số lượng thơ văn của lần gặp gỡ đầu tiên giữa Phùng Khắc Khoan với Lý Túy Quang, Kim Tiêu dật sĩ còn lưu lại đầy đủ nhất, nhiều nhất, có thời gian gặp gỡ giao lưu sớm nhất. Điều đặc biệt là tập thơ Chi Phong tập quyển 8 được lưu giữ cẩn thận ở hai nước. Bản chép lại Chi Phong tập quyển 8 trong Ngôn chí thi tập của Phùng Khắc Khoan tuy đã sao đi chép lại nhưng có độ chính xác rất cao.

3. Số lượng thơ văn xướng họa của sứ thần hai nước tuy không nhiều so với chính thơ văn của họ nói riêng, thơ văn chữ Hán của Nho sĩ thời trung đại ở hai nước nói chung, nhưng so sánh với thơ văn ngoại giao của sứ giả các nước trong khu vực Đông Á với nhau thì không thể nói là ít. Nếu nhìn từ khía cạnh lịch sử ngoại giao thì đây là những vần thơ, bài văn quý hiếm rất có giá trị về văn bản học, là chứng cứ lịch sử ngoại giao của hai nước Việt - Hàn rất đáng được trân trọng. Số lượng thơ văn đó được lưu giữ ở Việt Nam nhiều hơn so với Hàn Quốc.

Chú thích:

(1) Triều Tiên: chỉ triều đại Joseon (1392 - 1910), triều đại phong kiến cuối cùng ở bán đảo Hàn./.

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2009; tr.205 - 218.

Danh mục website