Ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp và vấn đề ngôi, số trong tiếng Việt (khảo sát qua lớp từ xưng hô)

         

         Trong các ngôn ngữ châu Âu như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, từ được dùng để xưng hô trong giao tiếp, trong hội thoại, thường là các đại từ nhân xưng, do đó, nói chung, việc xác định, việc hiểu nghĩa ngôi và số của chúng cũng như các nét nghĩa khác, có phần độc lập với ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp hơn so với tiếng Việt. Như chúng ta biết, trong tiếng Việt, ngoài các từ được nghiên cứu thống nhất gọi là đại từ nhân xưng (có số lượng và tần số sử dụng không lớn so với những từ khác được dùng cùng chức năng), người Việt còn sử dụng một lớp từ hết sức phong phú, đa dạng, tinh tế, uyển chuyển – thể hiện một phần bản sắc văn hoá – xã hội, độc đáo của dân tộc Việt – đó là các danh từ chỉ quan hệ thân tộc và danh từ riêng. Vốn bản chất của danh từ không mang nghĩa ngôi. Trong tiếng Việt, nghĩa số của danh từ không được thể hiện trong chính các danh từ, mà phải nhờ đến một phương tiện khác trợ giúp – các hư từ. Chính vì vậy, muốn xác định, muốn hiểu trước hết là các nghĩa ngôi và sau đó là nghĩa số của các từ xưng hô trong tiếng Việt, nhất thiết phải dựa vào ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp.

          Bài viết này của chúng tôi sẽ đi vào phân tích tính quyết định, tính chi phối của ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp trong việc xác định nghĩa ngôi và nghĩa số của các từ xưng hô trong phát ngôn. Và với nhiều lý do khác nhau, bài viết này chủ yếu tập trung phân tích tính phụ thuộc vào ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp trong việc xác định nghĩa ngôi của từ xưng hô, còn nghĩa số chỉ mới dùng lại như một sự điểm qua. Một điều cần nói thêm là, với mục đích như đã trình bày ở trên, bài viết của chúng tôi không có ý định đưa ra ý kiến bàn luận về phạm vi của từ xưng hô trong  tiếng Việt, mà nhất trí thừa nhận rằng, trong tiếng Việt, ngoài những từ được gọi là đại từ Nhân xưng, người Việt còn sử dụng một lớp từ phong phú khác nữa cũng với chức năng xưng hô – đó là các danh từ, trong đó chủ yếu là các danh từ chỉ quan hệ thân tộc, danh từ riêng.

          Trước khi đi vào vấn đề, chúng tôi xin trình bày sơ lược khái niệm ngữ cảnh – một khái niệm liên quan trực tiếp đến vấn đề nghiên cứu ở đây. Trong tác phẩm “Language and Context: A Functional linguistic theory register” (1), sau khi phân tích các quan điểm của các tác giả như Halliday và Hasan (2), Lemke (3), Givon (4) về ngữ cảnh, về vai trò, tác dụng của ngữ cảnh trong việc xác định, tiếp nhận nghĩa của văn bản, L.T. Helen đã khẳng định rằng ngữ cảnh là tất cả các điều kiện nằm trong và cả nằm ngoài ngôn ngữ cho phép tiếp nhận, cho phép hiểu một phát ngôn cụ thể trong bối cảnh giao tiếp cụ thể. Theo Helen, ngữ nghĩa của văn bản được xác định, được tạo nên bởi ngữ cảnh; nghĩa thật – nghĩa thực tế (actual – occurrence meaning), nghĩa thông dụng (use – meaning), nghĩa văn bản (text meaning) đều xác định chỉ ở trong ngữ cảnh. Tác giả đã tổng kết lại 3 mức độ ngữ cảnh, đó là ngữ cảnh văn hoá (Context of Culture), ngữ cảnh tình huống (Context of Situation) và ngữ cảnh văn bản (Textual Context). Ngữ cảnh văn bản lại bao gồm hai tiểu loại, đó là ngữ cảnh liên văn bản (Intertextual Context) và ngữ cảnh trong văn bản (Intertextual Context).

          Sau đây chúng tôi sẽ đi vào phân tích vấn đề.

          I.TÍNH PHỤ THUỘC VÀO NGỮ CẢNH, BỐI CẢNH GIAO TIẾP TRONG VIỆC XÁC ĐỊNH, VIỆC HIỂU NGHĨA NGÔI CỦA TỪ XƯNG HÔ, VÀ TỪ ĐÓ, TRONG VIỆC TIẾP NHẬN NGHĨA CỦA PHÁT NGÔN.

          Như đã nói, trong tiếng Việt, lớp từ xưng hô có diện mạo và đặc điểm hết sức độc đáo, thú vị và điều đó đã tạo nên sự phong phú, đa dạng, tinh tế, uyển chuyển trong giao tiếp, trong ứng xử xã hội. Điều đặc biệt, độc đáo một phần được thể hiện ở chỗ nghĩa ngôi của từ xưng hô, và từ đó là nghĩa của toàn bộ phát ngôn được xác định hoàn toàn phụ thuộc vào ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp, và vì vậy, có thể nói, nếu thoát ly ngữ cảnh thì khó có thể xác định một cách đúng với thực tế nghĩa ngôi của từ xưng hô trong các phát ngôn này. Chúng  ta sẽ xem xét điều này qua một số khả năng biểu hiện nghĩa ngôi của từ xưng hô sau đây:

          1.a.Trong những ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp khác nhau, cùngmột từ xưng hô có thể diễn đạt nhiều nghĩa ngôi khác nhau.

          Xét các ví dụ sau:

          1.a.1.Con cho bố về quê nhé !

          1.a.2.Chú cho chị vay tiến

          1.a.3.Em là au, cô gái hay nàng tiên

                   Em có tuổi hay không có tuổi?

                                                (Tố Hữu)

          Trong phát ngôn 1.a.1, nghĩa ngôi của 2 từ xưng hô con, bố có thể được hiểu theo 4 cách khác nhau, từ đó có nghĩa của toàn phát ngôn cũng có thể hiểu theo 4 cách khác nhau trong 4 ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp khác nhau:

-Cách 1: Con ngôi 1, bố ngôi 2 (nếu ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp cho biết con là người phát ngôn, bố là người nhận)

-Cách 2: Con ngôi 2, bố ngôi 1 (con là người nhận, bố là người phát).

-Cách 3: Con ngôi 1, bố ngôi 3 (con là người phát, người nhận là người mẹ hoặc một người bậc trên cùng vai với người mẹ, con là người nhận, bố là người không tham gia trực tiếp vào hội thoại).

-Cách 4: Con ngôi 2, bố ngôi 3 (người phát ngôn là người mẹ, hoặc một người bậc trên cùng vai với người mẹ, con là người nhận, bố là người thứ 3 không tham gia trực tiếp vào hội thoại).

          Như vậy, nếu xem xét phát ngôn trên đây tách rời ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp, cụ thể không biết ai là người phát ra phát ngôn này, ai là người nhận trực tiếp phát ngôn, ai là người thứ 3 xuất hiện trong phát ngôn nhưng không tham gia trực tiếp vào hội thoại, thì việc hiểu, việc xác định nghĩa ngôi trong trường hợp trên sẽ bị đảo lộn, dẫn đến việc hiểu nghĩa của toàn bộ phát ngôn cũng bị đảo ngược. Trong trường hợp thứ nhất, nếu người phát ngôn này là người con (thể hiện ở từ tự xưng là con), người nhận là người bố (thể hiện ở từ hô là bố), thì có thể xem đây là lời đề nghị, ướm hỏi của người con đối với người cha mình; Trong trường hợp thứ 2, nếu người nhận lại là con và người phát ngôn là bố thì phát ngôn này được hiểu đây là yêu cầu của người cha đối với con mình; Trong trường hợp 3, lại hiểu đây là lời đề nghị của người con đối với cha mình, nhưng không phải là lời đề nghị trực tiếp mà là gián tiếp thông qua người mẹ (hoặc một người bậc trên khác), và có thể đó là một sự “thăm dò” thái độ của người mẹ về đề nghị, quyết định của mình trước khi cho người cha biết quyết định đó; Trường hợp 4: lúc này ta lại hiểu đây là đề nghị của người mẹ đối với con về chồng mình, hoặc đây là lời đề nghị của người cùng vai với người mẹ về bố của người con này. Trong 4 trường hợp trên, do chỗ người phát ngôn, người nhận và người thứ 3 khác nhau nên tính chủ động về nội dung  phát ngôn thuộc về 4 người khác nhau (ở đây chỉ xét dựa trên ngôn ngữ chứ không dựa vào các yếu tố khác): trường hợp 1: người con (người con đưa ra lời đề nghị này); trường hợp 2: người cha (người cha đưa ra lời đề nghị này); trường hợp 3: người con (nhưng đã có giảm mức độ, do đây là yêu cầu gián tiếp thông qua một người khác, chứ không phải là đề nghị trực tiếp với người bố); trường hợp 4: người mẹ (người mẹ đưa ra yêu cầu này đối với người con về người chồng mình), hoặc đây là yêu cầu của một người cùng vai với người mẹ đối với người con về bố của người này).

          Như vậy, với 4 cách hiểu như trên, có thể nói rằng đó hoàn toàn không phải là 4 phát ngôn đồng nghĩa, mặc dù đứng từ góc độ ký hiệu ngôn ngữ, 4 phát ngôn này trùng nhau về vỏ ký hiệu, mà những vỏ ký hiệu này không phải là các ký hiệu đồng âm. Cụ thể hơn, có thể nói, chúng ta là 4 phát ngôn giống nhau về các phương diện ngữ âm, từ vựng, cấu trúc ngữ pháp. Nhưng như đã phân tích ở trên, chúng là 4 phát ngôn khác nhau về nghĩa. Quyết định sự khác nhau về nghĩa này chính là ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp.

          Trong phát ngôn 1.a.2, việc xác định nghĩa ngôi và từ đó là xác định nghĩa của toàn phát ngôn lại càng khó khăn hơn, khi mà có nhiều khả năng nhận diện hơn nghĩa ngôi của từ xưng hô. Ở trường hợp này, có thể có hơn 7 cách hiểu nghĩa ngôi, dẫn đến có thể có hơn 7 cách hiểu nghĩa của toàn phát ngôn. Đó là:

-Cách 1: Chú ngôi 1, chị ngôi 2 (chú là người phát, chị là người nhận)

-Cách 2: Chú ngôi 2, chị ngôi 1 ( chú là người nhận, chị là người phát).

-Cách 3: Chú ngôi 3, chị ngôi 1 (chú là người không tham gia trực tiếp vào hội thoại, chị là người phát, người nhận có thể là người em của chị này).

-Cách 4: Chú ngôi 2, chị ngôi 3 (chú là người nhận, chị là người không tham gia trực tiếp vào hội thoại, người phát có thể là một người em của chị  này).

-Cách 5: Chú ngôi 1, chị ngôi 3 (chú là người phát, chị là người không tham gia trực tiếp vào hội thoại, người nhận có thể là một người em của chị  này).

-Cách 6: Chú ngôi 3, chị ngôi 2 (chú là người không tham gia trực tiếp vào hội thoại, chị là người nhận, người phát có thể là một người em của chị  này).

-Cách 7: Chú ngôi, chị ngôi 3 (cả chú và chị đều không tham gia trực tiếp vào hội thoại, người phát có thể là một người cháu của chú này và là người em của chị này; người nhận là một người em khác).

          Như vậy, cùng một phát ngôn giống nhau về mặt ngữ âm, từ vựng, cấu trúc, ngữ pháp, trong 7 ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp khác nhau của từ xưng hô, nên khi tiếp nhận câu thơ trên đây của nhà thơ Tố Hữu (câu 1.a.3), phải chăng, co thể có hai cách tri nhận nghĩa ngôi của từ em, nếu chúng ta không biết được một cách đích xác ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp của phát ngôn này. Cụ thể là, nếu ta không biết rằng phát ngôn này có phải là lời tâm tình, trò chuyện, lời thủ thỉ trực tiếp của nhà thơ với người nữ anh hùng Trần Thị Lý hay không, thì ta không thể quả quyết ngôi của từ em trong câu đó là ngôi 2 được; mặt khác, nếu chúng ta cho rằng đây là lời thán phục, cảm phục của nhà thơ trước chúng ta, với chúng ta về người nữ anh hùng này, thì lúc này chúng ta tri nhận từ em ở ngôi thứ 3. Và chính vì vậy, khi mà ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp đã hoàn toàn xác định thì chúng ta mới xác định được cách chính xác nghĩa ngôi cũng như là nghĩa của toàn phát ngôn. Chẳng hạn, trong trường hợp sẽ dẫn tiếp sau đây, nghĩa ngôi của từ anh được xác định là ngôi 3:

          Anh ngã xuốn đường băng Tân Sơn Nhất,

          Nhưng anh gượng đứng lên tì súng vào xác trực thăng.

          Và anh chết trong khi đứng bắn,

          Máu anh phun như lửa đạn cầu vồng

                                      (Lê Anh Xuân)

          Nhưng, cũng ở bài thơ này, nếu ta đọc tiếp một câu thơ khác, thì có lẽ nghĩa ngôi của từ anh đã không còn như trường hợp các câu thơ trên nữa: lúc này nghĩa ngôi của từ anh là ngôi 2:

          Anh tên gì, hỡi anh yêu quý?

          Đây là một phát ngôn hỏi của nhà thơ dành cho chính người chiến sĩ giải phóng quân (dù người chiến sĩ đã trở thành “bức thành đồng”). Có thể tri nhận như vậy. Cũng tương tự như khi ta đứng trước bàn thờ tổ tiên, cha ông, ta vẫn dùng phát ngôn trực tiếp để “mời”, để trò chuyện, giải bày tâm tư, tình cảm với họ. Chẳng hạn, ta có thể nói: “Hôm nay là ngày giỗ cha, cha ơi, chúng con mời cha…”. Vậy, trong hội thoại, người ta có thể trực tiếp nói chuyện với một người nào đó, dù người đó không thể nghe được, người đó thực ra là không hiện diện (người đã khuất làm sao mà hiện diện được !) trong hội thoại. Vì vậy, có lẽ, ngôi của từ xưng hô dành cho người đó có thể được tri nhận là ngôi 2. Và phải chăng, ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp có tác dụng quyết định cách hiểu nghĩa ngôi của phát ngôn cụ thể sau đây:

          Nói với em bằng lời cây sáo trúc:

          Tiếng sáo thân quen, dìu dắt như điệu dân ca

                                                (Lời một bài hát)

          Nếu người đọc, người nghe, người nhận tự cho rằng đây là lời của người yêu mình đang nói với mình thì nghĩa ngôi của từ em lúc này là ngôi 2; còn nếu người nhận coi rằng đây là một lời tâm tình nói chung của “ai đó”, dành cho người yêu chẳng hạn, thì từ em lúc này có thể tri nhận là ngôi 3. Lúc này có thể diễn đạt câu trên thành là: “Nói với người yêu bằng lời cây sáo trúc…”

          Có lẽ cũng chính vì vậy mà trong tục ngữ, ca do, dân ca Việt Nam, chúng ta thấy xuất hiện không ít lối sử dụng một danh từ mang nghĩa ngôi “vô định” – từ ai – trong phát ngôn, để tuỳ vào từng ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp khác nhau mà người nói và người nghe có thể tự do “liên hệ”, “vơ vào” mình một cách dễ dàng nhất:

          -Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,

          Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai !

          -Biết ai còn nhớ ai chăng?

          -Đèn thương nhớ ai mà đèn không tắc

          Mắt thương nhớ ai mà mắt không khô?

          Việc xác định nghĩa ngôi của từ xưng hô lại càng phụ thuộc vào ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp, hơn nữa khi mà phát ngôn có chứa 3 hoặc hơn 3 xưng hô, đặc biệt là những từ xưng hô vốn là danh từ riêng chỉ người – tên người. Trong các ngôn ngữ châu Au, những câu có chứa danh từ riêng chỉ người như vậy, có lẽ chủ yếu là những câu miêu tả, câu tường thuật, và lúc đó, từ xưng hô đó thường thì được hiểu là ngôi thứ 3. Trong khi đó, ở tiếng Việt, những phát ngôn như vậy không chỉ là những phát ngôn miêu tả mà còn có cả những phát ngôn trực tiếp trong hội thoại, vì vậy, nghĩa ngôi của từ xưng hô ở đó không chỉ được hiểu là ngôi 3.

          Xét các ví dụ sau:

          1.a.5.Mẹ cho Ngọc đi Hà Nội với Phúc.

          1.a.6.Cô cho Lan 8 điểm và cho Minh 7 điểm thôi !

          Hai phát ngôn trên, trong những ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp khác nhau, có thể tiếp nhận nghĩa ngôi của từ xưng hô, và từ đó là nghĩa của toàn bộ phát ngôn khác nhau. Chẳng hạn, ở phát ngôn 1.a.5., trong 12 ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp khác nhau, sẽ có 12 cách hiểu nghĩa ngôi và sau đó là nghĩa của toàn bộ phát ngôn khác nhau. Và đó chưa phải đã là tất cả:

-Cách 1: Mẹ ngôi 1, Ngọc ngôi 2, Phúc ngôi 3 (Mẹ là người phát, Ngọc là người nhận, Phúc là người không tham gia trực tiếp vào hội thoại.)

-Cách 2: Mẹ ngôi 2, Ngọc ngôi 1, Phúc ngôi 3 (Mẹ là người nhận, Ngọc là người phát, Phúc là người tham gia trực tiếp vào hội thoại).

-Cách 3: Mẹ ngôi 3, Ngọc ngôi 1, Phúc ngôi 2 (Mẹ là người không tham gia vào hội thoại, Ngọc là người phát, Phúc là người nhận).

-Cácgh 4: Mẹ ngôi 1, Ngọc ngôi 3, Phúc ngôi 2 (Mẹ  là người phát, Ngọc là người không tham gia vào hội thoại, Phúc là người nhận).

-Cách 5: Mẹ ngôi 2, Ngọc ngôi 3, Phúc ngôi 1 (Mẹ là người nhận, Ngọc là ngươi không tham gia trực tiếp hội thoại, Phúc là người phát).

-Cách 6: Mẹ ngôi 3, Ngọc ngôi 2, Phúc ngôi 1 (Mẹ là người không tham gia trực tiếp hội thoại, Ngọc là người nhận, Phúc là người phát).

-Cách 7: Mẹ ngôi 1, Ngọc ngôi 2, Phúc ngôi 3 (Mẹ là người phát, Ngọc + Phúc là những người không tham gia trực tiếp vào hội thoại).

-Cách 8: Mẹ ngôi 2, Ngọc + Phúc ngôi 3 (Mẹ là người nhận, người phát không xuất hiện trong phát ngôn, Ngọc + Phúc không tham gia trực tiếp vào hội thoại).

-Cách 9: Mẹ ngôi 3, Ngọc + Phúc ngôi 2 (Mẹ là người không tham gia trực tiếp vào hội thoại, Ngọc + Phúc là người nhận, người phát ngôn là người khác).

-Cách 10: Mẹ + Phúc ngôi 2, Ngọc ngôi 3 (Ngọc là người không tham gia trực tiếp vào hội thoại, Mẹ + Phúc là người nhận, người phát là một người khác).

-Cách 11: Mẹ + Ngọc ngôi 3, Phúc ngôi 2 (Mẹ + Ngọc không  tham gia trực tiếp vào hội thoại, Phúc là người nhận, người phát là một người khác).

-Cách 12: Mẹ + Phúc + Ngọc ngôi 3 (Mẹ + Phúc + Ngọc đều không tham gia trực tiếp vào hội thoại, người phát là một người khác, người nhận là một người khác nữa).

          Như vậy, có thể nhận thấy rõ ràng, cùng một phát ngôn có sử dụng từ xưng hô, ta có thể có các cách hiểu nghĩa của phát ngôn khác nhau khi mà ngữ cảnh giao tiếp khác nhau. Từ đó có thể khẳng định: ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp là nhân tố quyết định việc hiểu nghĩa ngôi, sau đó là nghĩa của toàn bộ phát ngôn có chứa từ nhân xưng.

          1.b. Trong những ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp khác nhau, một từ xưng hô có thể diễn đạt nhiều nghĩa ngôi khác nhau, do khả năng có thể dùng cặp từ xưng hô “lệch pha”.

          Trong tiếng Việt, trong quá trình giao tiếp hội thoại, còn có hiện tượng hết sức độc đáo, thú vị khác nữa, đó là hiện tượng trong phát ngôn có sử dụng từ xưng hô “lệch pha”, tức là từ “xưng” không tương ứng với từ “hô”, từ “xưng” thì đúng vai, còn từ “hô” thì “lệch vai” – “thế vai”. Xét các ví dụ sau:

          1.b.1. Chị cho mẹ lên Hà Nội chơi mấy hôm.

          1.b.2.Cô không hiểu thì anh cũng phải chịu.

          1.b.3.Bác đã nói thật mà em không tin.

          Có lẽ, khi cần chuyển dịch những câu đại loại như trên trong tiếng Việt ra một ngôn ngữ châu Au nào đó, người dịch sẽ dừng lại đôi chút để xác định ngôi của cặp từ xưng hô. Và người ta sẽ nhận ra một điều tưởng như phi lý là trong cặp từ xưng – hô này có một sự “lệch pha”. Bởi vì, trong các câu trên, nếu từ “xưng” là chị thì từ “hô” là em, từ “xưng” là cô thì từ “hô” phải là “cháu”… nhưng trong 3 ví dụ trên không có sự tương ứng đó giữa cặp từ xưng – hô. Vậy đây là hiện tượng gì? Chúng tôi gọi hiện tượng trên là sự xưng hô thế vai, và do sử dụng cách xưng hô này nên đã dẫn đến sự “lệch pha” trong cặp xưng – hô. Và điều muốn nói ở đây là, chính sự xưng hô thế vai – lệch pha này càng tăng thêm vai trò quyết định của ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp khi xác định ngôi của từ xưng hô.

          Trong ví dụ 1.b.1, từ chị được sử dụng theo lối thế vai: người mẹ gọi con mình theo vai của người con khác – em của chị này. Trong 2 ví dụ sau cũng có cách sử dụng từ xưng hô theo lối thế vai như vậy. Và với bối cảnh, ngữ cảnh đó thì các từ xưng hô, chị, cô, bác được hiểu là ngôi thứ 2, các từ mẹ, anh, em được hiểu là ngôi thứ 1. Trong khi đó với ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp khác, tình hình không còn như vậy nữa. Lúc này, 3 từ chị, cô, bác lại có thể được hiểu là ngôi thứ 1, còn từ thể hiện ngôi thứ 2 và ngôi thứ 3 cũng thay đổi… Và lúc đó, nghĩa của phát ngôn cũng hoàn toàn thay đổi so với nghĩa của chúng trong các ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp ban đầu.

          Ngoài ra, cũng chính ở trường hợp này, chúng ta còn nhận thấy một điều thú vị nữa là trong giao tiếp, người phát có thể dùng từ “tự xưng” về mình theo cách gọi của người nhận, ngược lại, người phát sẽ dùng từ “hô” theo cách mà người nhận tự xưng về mình trước người phát. Điều này dẫn đến 2 khả năng sau đây:1/ Cùng một hình thức thể hiện của từ xưng hô có thể diễn đạt nhiều nghĩa ngôi; 2/ Nhiều hình thức thể hiện lại chỉ cùng diễn đạt một nghĩa ngôi. Chúng tôi sẽ trình bày 2 khả năng này bằng sơ đồ như sau:

          Sơ đồ 1: Nhiều hình thức thể hiện – 1 nghĩa ngôi.

                   Bố

                   Mẹ

                   Anh

                   Chị                                                    Ngôi 1

                   Em 

                   Cháu

          Sơ đồ 2: 1 hình thức thể hiện – nhiều nghĩa ngôi

                                                          Ngôi 1

                   Bố                                  Ngôi 2

                                                          Ngôi 3

          Như vậy, khả năng đa dạng, về hình thức biểu hiện cho cùng một nghĩa ngôi và khả năng diễn đạt đa dạng nghĩa ngôi của cùng một từ xưng hô đã làm cho bức tranh về từ xưng hô trong tiếng Việt thêm phần sinh động, đa màu. Và muốn hiểu chính xác bức tranh đó thì không thể tách rời chúng khỏi ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp.

          1.c.Trong những ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp khác nhau, từ xưng hô có thể diễn đạt nhiều nghĩa ngôi khác nhau, do khả năng có thể dùng từ xưng hô “tráo ngôi”.

          Đây cũng có thể coi là một hệ quả của hai hiện tượng vừa phântích trên đây. Và, chúng tôi gọi tất cả những trường hợp dùng từ xưng hô không đúng với bản chất vốn có của nó là hiện tượng tráo ngôi. Xét các ví dụ sau:

          1.c.1.Người ta nói em xấu, sao anh cứ yêu em hoài?

                                                (Lời một bài hát)

          1.c.2.Cậu cho người ta mượn cái thước nào !

          Trong phát ngôn 1.c.1, người ta được xác định là từ nhân xưng ngôi 3, và đây là nghĩa ngôi thường có của từ này. Những,ở phát ngôn 1.c.2, trong một ngữ cảnh khác, từ người ta ở đây mang nghĩa ngôi 1. Ý nghĩa ngôi 1 của từ này còn gặp trong ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp khác nữa, ví dụ:

           1.c.3.Người ta không thích anh chàng đó.

          Lúc này, người nói tự xưng mình là “người ta”.

          Ngoài ra, chúng ta còn gặp một số trường hợp khác nữa, ví dụ như trường hợp từ mình. Từ mình này cũng được dùng theo lối tráo ngôi. Xét các ví dụ:

          1.c.4.Mình về ta gửi về quê

          Thuyền nâu, trâu mộng với bề nứa mai.

                                                (Tố Hữu)

          1.c.5. Mình rất thích thể thao.

          Trong phát ngôn 1.c.4, nghĩa ngôi của từ mình là ngôi thứ 2. Ngược lại, nghĩa ngôi của từ này trong phát ngôn 1.c.5 đã bị tráo đi: ngôi thứ 1,bởi vì đây là từ tự xưng của người phát trong phát ngôn này.

          Như vậy, trong những phát ngôn có sử dụng từ xưng hô “tráo ngôi”, việc hiểu nghĩa của từ xưng hô cũng như nghĩ của toàn bộ phát ngôn cần phải dựa vào ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp.

          2.TÍNH PHỤ THUỘC VÀO NGỮ CẢNH, BỐI CẢNH GIAO TIẾP TRONG VIỆC XÁC ĐỊNH NGHĨA SỐ CỦA TỪ XƯNG HÔ TRONG TIẾNG VIỆT.

          2.a. Một từ xưng hô có thể biểu hiện nhiều nghĩa số.

          Xét các ví dụ:

          2.a.1. Mình đi mình nhớ quê nhà

                   Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

                                                          (Ca dao)

          2.a.2. Mình đã thi đỗ đại học.

          2.a.3. Thầy u mình với chúng mình chân quê

                                                          (Nguyễn Bính)

          2.a.4.Nhà mình nghèo, chúng ta không nên đua đòi với chúng bạn.

          Trong các phát ngôn trên đây, từ mình biểu thị 2 nghĩa về số: ở phát ngôn 2.a.1 và 2.a.2: số ít; ở phát ngôn 2.a.3 và 2.a.4: số nhiều. Như vậy, việc hiểu nghĩa số của từ xưng hô là số ít hay số nhiều rõ ràng là phụ thuộc vào ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này hơn, khi phân tích tiếp ví dụ sau đây:

          2.a.5.Nhà mình nghèo lắm !

          Trong phát ngôn này, nghĩa về số của từ mình lại là số ít, bởi vì, ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp lúc này cho biết đây là lời thanh minh, lời than thở, kể lể của một người với một người bạn. Ta còn gặp ở các trường hợp sau đây nữa:

          2.a.6.Ta là đứa con bất hiếu với cha mẹ

          2.a.7.Ta đã làm gì được cho đời?

          2.a.8.Ta đã thắng rồi các bạn ơi !

          2.a.9.Quân ta đã về, quân ta đã về !

                                                (Lời một bài hát)

          Ở 2 phát ngôn 2.a.2 và 2.a.7, nghhĩa số của từ ta được xác định trong ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp này là số ít, bởi vì đây là lời tự phán về mình của một người. Nhưng ở 2 câu còn lại, ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp cho biết nghĩa số của từ ta lúc này lại là số nhiều.

          2.b.Từ xưng hô có thể diễn đạt nghĩa số nhiều, khi không có từ số nhiều đi kèm.

          Thông thường, trong tiếng Việt, khi cần biểu thị sự đối lập về nghĩa số, người ta phải diễn đạt như sau:

          -Số ít:

                   +Thưa đồng chí Nguyễn Văn A !

                   + Thưa anh (chị, ông, bà) !

                   +Ơi cô gái chưa một lần gặp mặt, có lẽ nào anh lại yêu em?

                                                                             (Phạm Tiến Duật)

          -Số nhiều:

                   + Thưa các đồng chí !

                   + Thưa các anh (chị, ông, bà) !

                   + Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường !

                                                (Lời một bài hát)

          Hoặc

          -Số ít:

                   Bạn đã giúp chúng tôi nhiều.

          -Số nhiều:

                   Các bạn đã giúp chúng tôi nhiều.

          Nhưng trong thực tế giao tiếp, chúng ta lại bắt gặp nhiều cách nói biểu thị nghĩa số nhiều của từ xưng hô mà không cần các hư từ trỏ số nhiều (các hoặc những). Chẳng hạn:

                   +Thưa quý khách !

                   + Thưa quý vị đại biểu !

                   + Xin tạm biệt quý vị khán thính giả.

                                                (Đài FM)

          Như vậy, trước các từ xưng hô trong các ví dụ này không có hư từ biểu thị nghĩa số nhiều. Tuy nhiên, trong các trường hợp này, để biểu thị nghĩa số ít, ta không thể nói:

                   +Thưa vị đại biểu !

                   + Xin tạm biệt thính giả !

                   + Thưa khách !

          mà, muốn cho phát ngôn được bình thường, cần phải thêm một định nghĩa nào đấy vào sau từ xưng hô, chẳng hạn như:

                   +Thưa vị đại biểu cao tuổi nhất của hội nghị !

                   + Thưa vị khách danh dự của buổi lễ hôm nay !

                   + Xin tạm biệt (vị) khán giả đặc biệt của chương trình “SV 2000”.

          Có thể nhận thấy nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đa ngôi, đa số của từ xưng hô trong tiếng Việt như trên là do các từ xưng hô là danh từ, mà danh từ thì không mang nghĩa ngôi trong bản thân nó, còn nghĩa số  thì phải bao giờ cũng được thể hiện nhất quán. Điều này đã thể hiện trong các sự kiện như phân tích trên đây trong một đơn vị từ đơn lập điển hình là tiếng Việt.

          Tóm lại, có thể nhận thấy rằng ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp là một yếu tố  quan trọng, thậm chí quyết định việc hiểu và tiếp nhận nghĩa ngôi và số của từ xưng hô trong tiếng Việt. Hay nói cách khác, không thể hiện được đích xác nghĩa ngôi và số của từ nếu tách rời các phát ngôn khỏi các điều kiện cho phép – đó là ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Nguyễn Văn Khang (chủ biên). Ứng xử ngôn ngữ trong giao tiếp gia đình người Việt. NXB VH – TT, 1996.

2.     Như Ý. Lý thuyết vai và tính chất quyết định của vai xã hội trong việc lựa các phương tiện ngôn ngữ NN – 2/ 1990.

3.     Hoàng Anh Thi: Một số đặc điểm văn hoá Nhật – Việt qua việc khảo sát hệ thống từ xưng hô. NN – 3/ 1995.

4.     Bùi Minh Yến:

a.Xưng hô giữa vợ và chồng trong gia đình người Việt. NN – 3/ 1990.

b.Xưng hô giữa anh, chị, em trong gia đình người Việt. NN – 3/ 1993.

c.Xưng hô giữa ông bà và cháu trong gia đình người Việt. NN 3/1994.

d.Ngôn ngữ xưng hô bạn bè trong nhà trường hiện nay (Khảo sát trên địa bàn Hà Nội). NN – 3/ 1999.

5.     Nguyễn Phú Phong. Đại danh từ nhân xưng trong tiếng Việt. NN –1/1996.

6.     Stankevich N.V. Cần tìm hiểu thêm cách xưng hô trong tiếng Việt. Trong: Những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá. Hội NNHVN, ĐHNN Hà Nội, 1993.

7.     Đinh Văn Đức. Ngữ pháp tiếng Việt, NXB ĐH –THCN, 1986.

8.     Nguyễn Đức Dân.

a.Tiếng Việt. NXB Giáo dục, 1998.

b.Câu sai và câu mơ hồ (đồng tác giả: Trần Thị Ngọc Lang). NXB Giáo dục, 1992.

9.     Kasevich V.B. Những yếu tố cơ sở của ngôn ngữ học đại cương. NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.

10.  Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán. Đại cương ngôn ngữ học, tập II. NXB Giáo dục, 1993.

11.  Cao Xuân Hạo. Tiếng Việt – Mấy vấn đề về ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa. NXB Giáo dục, 1998.

12.  Helen L-T. (Ed.by David Birch), Language and Context: A funtional linguistic Theory of Register Pinter, London – New York,1995.

13.  Clark H. H, Bly B., Pragmatics and Discourse (P.371 –410), In: E.C.Carterette and M.P.Friedman (Ed.), Speech, Language, and Communication (Handbook of perception and cognition, 2nd Ed.)San Diego – New York – Boston – London – Sydney – Tokyo –Toronto. Academic Press, 1995.

14.  Horn l.r toward a new taxonomy for pragmatic inference: q – based and r – based implicature. In: d. schiffrin (ed.), meaning, form and use in context: linguistic application. Washington D.C., Georgetwn University Press, 1984.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website