Alice Munro, nhà văn Canada đoạt Nobel Văn học 2013

 

             Sinh ra và lớn lên trong một khu nghèo nàn ở Canada, Alice Munro lấy việc đọc - và sau này là viết – làm lối thoát khỏi cảnh sống khó khăn của gia đình. Được mô tả như một người đàn bà “nội trợ e dè” khi bà nhận được giải thưởng đầu tiên, từ đó đến nay bà được so sánh với Chekhov, và bây giờ (2003), ở tuổi 72, được coi là người viết truyện ngắn hay nhất trong những người còn sống.


             VCV giới thiệu bài viết của Aida Edemariam trên tờ The Guardian, cách đây 10 năm. 

             Aida Edemariam 

             The Guardian, Thứ Bảy, 4 Tháng 10, 2003 

             Bà viết về việc giết mổ gà tây và nuôi cáo, về những cây gỗ bị đốn trong rừng hoang Ontario, về những trường học nông thôn khắc nghiệt và những căn bệnh dai dẳng, về bạo lực gia đình và nỗi nhục nhã thầm kín, và trên hết, bà viết về cuộc đời những cô gái và những người phụ nữ. Trong khi những chuyện này có vẻ làm cho bà kém nổi tiếng hơn là bà đáng được thế, thì bà đã bị ném đá như ta có thể đoán trước, rằng bà chỉ quan tâm những chuyện nhà cửa nhỏ mọn, hẹp hòi, địa phương và cũ kĩ, rằng bà chỉ viết truyện ngắn, những câu chuyện của bà chỉ nói về thắng lợi đối với những định kiến vụ vặt như thế. Trong một thời gian dài Alice Munro được so sánh với Chekhov; John Updike còn kể thêm Tolstoy, và A S Byatt thì nói đến Guy de Maupassant và Flaubert. Munro thường được gọi là nhà viết truyện ngắn bằng tiếng Anh hay nhất trong số những người còn sống; các từ “truyện ngắn” thường xuyên được nhắc đến. 

             Người ta thường ngạc nhiên sao con người Munro bình thường đến thế. “Các nhà văn thường cảm thấy phải có vẻ ngoài thế nào đó để tỏ ra là người của công chúng. Nhưng bà hoàn toàn tự xóa bỏ cá nhân mình một cách tự nhiên,” Claire Tomalin, người từng là giám khảo giải Booker những năm 1980 thuyết phục để đưa bà vào danh sách sơ khảo và đã gặp bà vào thời gian đó nói. Nhưng trong cuộc sống bà trung thành với giọng điệu những sáng tác của bà, tiết chế, quan sát tinh tường, không khoa trương, thẳng thắn và trung thực. Bà rất hay cười, những tiếng cười của bà vui vẻ và..chết người. 

             Alice Laidlaw sinh ngày 10 tháng Bảy 1931, nơi giáp Wingham, Ontario; thành phố này và vùng ngoại ô của nó thường xuyên xuất hiện trong tác phẩm của bà (được đổi tên thành Jubilee, hay có thể là Hanratty). “Tôi mê say phong cảnh nơi đây, mê say những cách đồng bằng phẳng, những đầm lầy, rừng cây lá rộng, mê cái khí hậu lục địa với những mùa đông quá quắt của nó”, bà viết trong lời giới thiệu Tuyển tập Truyện ngắn (1996). “Tôi thấy thoải mái với những ngôi nhà gạch, những nhà kho sập xệ, những trang trại thời vụ có hồ bơi và máy bay, những công viên đầy dây leo và những nhà thờ cũ kĩ nặng nề, Walt-Mart, và đồ trang sức Canada. Tôi nói ngôn ngữ ấy.” Nhưng nó cũng đem đến một phong cảnh đặc biệt xúc động. “Tôi thật như lớn lên trong thế kỉ 19” bà nói. “Cách người ta sống những cuộc đời của họ, cách họ đánh giá mọi sự, hoàn toàn là thế kỉ 19, và mọi vật không thay đổi trong một thời gian dài. Như vậy có một kiểu ổn định, và có cái gì đó về cuộc sống mà một nhà văn có thể nắm bắt khá dễ dàng”. Tây Ontario chỉ bắt đầu có người ở từ những năm 1800, vào các tôn giáo mà những người di cư đem đến cùng với họ - Giáo hội Trưởng lão Scottland, Giám lý Anh, (được biết đã làm cho thành phố có vẻ ngoài khô khan, theo nghĩa khắc khổ), Giáo hội Anh, Thiên Chúa Ai Len – hay sau đó được phát triển từ những hội đoàn và những chi nhánh của các đạo gốc. Niềm tin có vẻ đông cứng thành sự tuân phục đơn giản và tính chuyên cần, một sự chính trực xơ xác và đáng ngờ. Nó “thủ cựu khủng khiếp, như một chiếc thòng lọng, khi tôi nghĩ về nó.” 

             Cha của Munro, Robert Laidlaw – một hậu duệ trực hệ của James Hogg, tác giả cuốn “Những kí ức riêng tư và những lời Thú tội của một Tội nhân đã bị buộc tội có căn cứ” – là một người ẩn dật, một thợ săn và bẫy thú, và khi Alice, người con lớn trong ba đứa con của ông ra đời, thì ông là một chủ trại nuôi cáo lông bạc. Nhưng ông khởi nghiệp quá muộn, với số vốn quá ít ỏi, và trại rơi vào lụn bại. 

             Mẹ của bà, thuộc dòng dõi Ai Len và từ miền Đông Ontario đến, lại hoàn toàn khác; dịu dàng, có tham vọng xã hội, nhưng lại mù tịt về những vấn đề giai cấp và kì vọng vào cái thành phố mà nhà Laidlaw từ một khu nghèo khó dọn đến ở. “Chúng tôi không sống ở thành phố mà cũng không ở nông thôn. Chúng tôi sống trong khu ổ chuột (ghetto) này, nơi ở của tất cả những người bán rượu lậu, gái điếm và những kẻ ăn bám” như Munro sau này viết. “Tôi có nhiều xung đột với mẹ tôi,” bà viết, “từ khi tôi còn là một con bé rất bé, vì bà có một lí tưởng về phẩm hạnh. Bà muốn con gái bà thành công, nhưng bà cũng muốn chúng tôi thanh khiết về mặt tình dục. Và có phong thái tiểu thư, phong thái tiểu thư là rất quan trọng. Bà muốn tôi tỏa sáng theo cái cách mà tôi chưa được chuẩn bị để như thế.” Khi Alice lên 10, mẹ của bà được chẩn đoán bị một dạng Parkinson rất bất thường, và “tất nhiên từ lúc đó toàn bộ cuộc đấu tranh trở nên rất khó khăn, bởi vì bạn phải đấu tranh với một người bệnh, là người rất mẫn cảm mà lại nắm trong tay tất cả các quân bài.”. 

             Cuộc đào thoát đầu tiên của Alice là vào đọc sách. “Với tôi sách dường như ma thuật, và tôi muốn đằm mình vào ma thuật ấy.” Bà đọc đi đọc lại những tác phẩm ưa thích, đặc biệt là Đồi gió hú, “Và sau một thời gian thấy thế không đủ, tôi bắt đầu tạo ra một loại truyện tương tự lấy bối cảnh ở Canada – nó có vẻ kì quái nhưng nó không làm tôi chán. Nó như một kiểu đền bù vì không vào thẳng được thế giới của sách. Sách hết sức quan trọng đối với tôi. Chúng quan trọng hơn cuộc sống nhiều.” Nhưng ở Wingham, những khuynh hướng như thế “không thêm vào thân phận của tôi như một con người bình thường hay như một người phụ nữ hấp dẫn. Tôi học cách cố làm ra một con người khác trên nét mặt, mặc dầu điều đó không thật sự thành công. Người ta thấy có gì không ổn trong đó.” 

             Cuộc đào thoát thứ hai là vào trường Đại học Tây Ontario, vì muốn ngụy trang ý định viết tiểu thuyết của mình, bà đăng kí vào khoa báo chí (nhưng cái vỏ của bà bị thổi bay khi bà cho đăng truyện ngắn đầu tay “Những kích thước của một cái bóng” trong tạp chí của trường). Là một sinh viên sống bằng học bổng, bà cố gắng hết sức để kiếm thêm chút ít tiền, đi bán máu, nhặt những sucker từ thuốc lá, làm thủ thư, nhưng sau hai năm bà thôi không làm nữa và bà đối mặt với một lựa chọn khắc nghiệt: hoặc lấy chổng – ứng viên là một bạn sinh viên – hoặc làm điều được mong đợi: về nhà và chăm sóc mẹ. Sự thúc bách của sinh tồn đã thắng thế nhưng với cái giá của một mặc cảm tội lỗi kéo dài. “Cuộc đời của mẹ tôi rất buồn, và nếu tôi là một người khác thì tôi đã có thể làm cho nó trở thành khá hơn. Tôi muốn nói rằng lẽ ra tôi phải luôn luôn nhận ra điều đó. Nếu tôi là một người đàn bà khác, bộc lộ một tình cảm ấm áp hơn chứ không phải bừng bừng một ngọn lửa bên trong như thế này, thì có lẽ tôi đã có ích hơn cho bà – không phải theo nghĩa vật chất, mà là ngày ngày tâm tình trò chuyện, thay vì bỏ mặc bà một mình cô độc.” 

             Alice và Jim Munro chuyển đến Vancouver, nơi Jim làm quản lí ở Eaton, một cửa hàng bách hóa, và Alice trở thành một bà nội trợ tốt của những năm 1950, ít nhất ngoài mặt là như thế, bà nói. Họ có ba con rất gần nhau (bé thứ hai, Catherine, sinh ra không có thận đã chết hai ngày sau khi sinh); một bé gái thứ tư sinh chín tháng sau. Sheila, cô con gái đầu, viết văn; Jenny là họa sĩ, cô út, Andrea, là thày dạy yoga. Họ có bốn cháu. Trong hôn nhân ngay từ đầu đã có những bất ổn tiềm tàng, và đã được tái hiện lại đến một mức độ nào đó qua những câu chuyện của Alice: nhân vật Jim từ một gia đình đặc quyền, quí tộc và có ý thức giai cấp, nghiêng về cánh hữu trong khi bà thiên tả, đúng theo cái cách mà bà không thể làm được, đôi khi quá hống hách theo cách mà bà không chịu nổi. Nhưng ông cũng cho bà tình yêu tuyệt đối và giúp đỡ, cả về cảm xúc và vật chất; nghĩa vụ của họ trong các vai trò truyền thống có nghĩa là “tôi thoát được một áp lực lớn, vì tôi không phải kiếm tiền”. 

             Và bà đang đọc “mọi thứ tôi đã từng nghe nói đến, hầu như tất cả những cuốn sách lớn của thế kỉ 20”, khám phá William Maxwell, Carson McCullers, Flannery O'Connor, Eudora Welty, Sherwood Anderson, Ethel Wilson, Willa Cather; “Tôi cho rằng khi tôi bắt đầu đọc các nhà văn Mỹ tôi đã học được ít nhiều tính thẳng thắn trong giọng điệu”. Nhưng bà cũng đã bị đe dọa. “Việc viết lách của tôi đã làm tôi kiệt sức, thật quá tệ.” Bà sợ cái mùi nhếch nhác của bà mẹ con mọn, và bám chặt vào cái mà bà gọi là cuộc sống hai mặt” – nguệch ngoạc vội vàng khi bọn trẻ chợp mắt; viết từng mẩu ngắn vì tập trung lâu dài là quá khó; cảm thấy có lỗi vì đã lấy bớt thời gian dùng cho gia đình để viết – và ghét những vùng ngoại ô Vancouver, nơi bà cảm thấy bị cách biệt khỏi mọi loại văn hóa viết. 

             Dù ở Canada vào thời gian ấy không có cái gì thật sự như những chuyện này; những người muốn viết – như Mavis Gallant, Mordecai Richler, Margaret Laurence – đã bỏ đi hết. “Bạn không thể tưởng tượng có sự trống rỗng đến thế nào, nó khó khăn như thế nào,” Margaret Atwood, một người bạn lâu năm nói. “tất nhiên, khởi đầu tất cả chúng tôi đều công bố trên một chương trình truyền thanh, Hợp tuyển, do Robert Weaver tập hợp.” Munro tin tưởng rằng Weaver là thần hộ mệnh của bà, luôn giữ cho bà vững bước khi bà định bỏ cuộc. Ông viết động viên bà ngay cả khi bà không có gì để gửi, và khi ở thành phố ông đưa bà đến các buổi tiệc tùng, ông nhận xét: tại đó “bà ấy không hoàn toàn được khâm phục hay mến mộ”, đặc biệt bởi các nhà văn nữ. Bà từ miền đông Canada đến (trong lịch sử miền đông bị miền tây ghét), đẹp, và tất nhiên, có tài. “Tôi nghĩ người ta ghen với bà”. Gần 50 năm sau kể lại chuyện này, Munro cười rũ. 

             Một vấn đề khác là mức độ tham vọng của bà, “Tôi lúc đó khoảng 29, suốt hai năm tôi không viết nổi một câu. Đấy là thời gian thất vọng kinh khủng, về những gì tôi có thể làm được so với những gì tôi muốn làm.” Và điều bà muốn làm là viết một cuốn tiểu thuyết lớn. Một kiệt tác, hy vọng có thể đối chọi với “Trái tim là Tay thợ săn cô độc” và “Các con và những Người Tình”. Tôi vẫn chưa thể nào viết được. Và, tin tôi đi, tôi luôn luôn cố [viết tiểu thuyết, trong khoảng thời gian] giữa những quyển sách mà tôi đã in” Có 10 tập truyện ngắn, 12 trong những Tuyển tập và hợp tuyển xuất bản ở Canada trong năm nay (2002). “Tôi nghĩ, đã đến lúc nên đi vào những thứ nghiêm túc. Đôi khi, tôi nhìn những cuốn tiểu thuyết và thấy người ta có thể viết ngắn như thế nào. Nếu tôi có thể dàn trải một câu chuyện ra đến 60 trang [Tình yêu của một người đàn bà tốt, 1998] chắc chắn điều ấy không phải là quá khó. Không có kết quả.” Đấy là một thời điểm nhức nhối, những người đại diện cho bà và những người biên tập không nhắc đến nó. 

             Nhưng sau đó, năm 1959, mẹ của bà chết. Munro viết một truyện tên là “Sự thanh thản của Utrecht” về một người phụ nữ trở về nhà sau khi mẹ chị chết vì một chứng bệnh giống như Parkinson và cảm thấy có lỗi, ngang ngạnh đối mặt với người em gái vẫn ở lại nhà (trong thực tế em gái của Munro cũng đã đi khỏi nhà, vào học trường Mỹ thuật). Đó là một đột phá: sự đối mặt với thực tế của mẹ bà đã thả bà vào hư cấu tự truyện (hay “những câu chuyện riêng tư” như bà gọi chúng) vào giọng điệu và chất liệu đặc biệt của bà, mặc dầu nó không gỡ bà ra khỏi mẹ của bà, người vẫn còn hiện diện tràn đầy. “Vấn đề, vấn đề duy nhất, là mẹ của tôi” bà viết trong “Thung lũng Ottawa” trước đó hơn một thập niên. “Và tât nhiên bà là người mà tôi cố gắng đạt tới, chính là để đạt tới bà mà tôi đã thực hiện toàn bộ cuộc hành trình này. Vì mục đích gì? Để làm nổi bật, để mô tả, để soi sáng, để tôn vinh, để giải thoát khỏi bà; nhưng không kết quả, vì bà quá gần, như lúc nào cũng thế. (Năm 2001, Sheila đã xuất bản một hồi kí/tiểu sử rất dễ thương , Cuộc đời của những Bà Mẹ và những người Con gái. Nhưng nó cũng chứa cả những cơn giận dữ quái ác. “Có cái gì đó quá cỡ khi có Alice Munro là mẹ của tôi,” cô viết “[Bà ấy] là một thần tượng… Ta có thể làm gì với một tượng thần ngoài việc tôn sùng nó, hay phớt lờ nó, hay đập tan nó thành từng mảnh?” 

             Năm 1963 Jim thôi làm quản lí và chuyển đến thành phố Victoria thuộc tỉnh British Columbia nằm ở ven biển nhỏ hơn, xinh đẹp hơn, tại đây anh mở một hiệu sách – Sách Munro. Lúc này nằm trong một tòa nhà đẹp và thoáng đãng trong khu phố thương mại sầm uất, nó đã trở thành một dấu mốc văn chương Canada, nổi tiếng vì chất lượng của nó và vì nó kiên trì bám trụ đối mặt với cả những chuỗi cửa hàng lơn. Alice làm việc trong cửa hiệu. Năm 1968, bà cho xuất bản số truyện viết trong 15 năm, trong đó có “Sự thanh thản của Utrecht”. Atwood, người mua quyển sách ngay khi nó vừa ra, nhớ lại câu chuyện về cái tên sách “Điệu nhảy của những cái Bóng Hạnh phúc”. “Khiến tôi phát khóc, vì nó hay quá”. Cuốn sách nhận được sự tán thưởng cao nhất Canada, giải thưởng của Toàn quyền. 

             Họ gọi bà là “bà nội trợ khiêm nhường” khi bà nhận giải. Nó khiến bà ấy phát điên lên.” Jim Munro nói, ông thấy bản thân được chúc mừng vì chịu đựng giỏi. “Tôi nghĩ bà ấy đã cố sống khiêm nhường như vậy từ lâu rồi. Bà đã sớm phát hiện ra rằng không chỉ ở Wingham mà thành tích này và tính ham đọc sách mới bị coi một cách nghi ngở. “Là nhà văn nữ vẫn có vẻ giống như là một người dị hợm.” Nhưng Munro vẫn luôn quyết tâm kiên trì với chủ nghĩa nữ quyền của bà, cũng như giữ vững tham vọng của bà. 

             Cuốn tiếp theo của Munro, “Những cuộc đời đàn bà và thiếu nữ” (1971) được gọi là tiểu thuyết nhưng không hoàn toàn như thế, nó mở đầu như một câu chuyện đến-tuổi-trưởng-thành khá giản dị, nhưng miêu tả những cố gắng lớn nhất của Munro, “nó không có sức sống. Nó không có sức mạnh. Trong nó có cái gì yếu đuối, ủy mị” Do đó bà tách nó ra thành những câu chuyện liên kết với nhau về một cô gái tên Del, đến tuổi trưởng thành trong một thành phố tên gọi Jubilee. “Tôi đọc Những cuộc đời ..như một khám phá về ranh giới giữa hư cấu và hiện thực,” Atwood nói, “bởi vì trong mỗi câu chuyện cô gái trẻ lấy một kiểu hư cấu hay một câu chuyện – đôi khi là một tiểu thuyết cô lấy từ thư viện, đôi khi nó là một loại báo Điều tra tội phạm khủng khiếp, có lúc là một người bà con đang viết một câu chuyện thực xảy ra ở địa phương. Trong mỗi câu chuyện này cô có cách nhìn khác nhau về cuộc sống và so sánh chúng với những gì bản thân cô quan sát và trải nghiệm và cố khớp chúng với nhau – mà không thành công – và cuối cùng khi kết thúc câu chuyện thì thường là về cố gắng viết của chính cô. Đó là sự học tập của một nghệ sĩ – chân dung của nhà văn viết truyện ngắn là một cô gái trẻ.” 

             Đoạn cuối này cũng là một thứ tuyên ngôn – hoặc là gần nhất với Munro, một nhà văn hoàn toàn không giáo điều, có thể đạt đến. “Cuộc sống của người ta ở Jubilee hay ở nơi nào khác, là buồn tẻ, đơn giản, thích thú, bí hiểm, những hang sâu bọc bằng vải sơn lót sàn bếp. Chắc chẳng khi nào tôi khao khát đến Jubilee…điều tôi muốn là mọi sự việc cuối cùng, mọi lớp nói và nghĩ, một vệt sáng trên da hay trên tường, mọi mùi, hang hốc, nỗi đau, vết nứt, ảo giác, được giữ im và được kết với nhau, rực rỡ, mãi mãi..” Đối tượng của bà – hay những người mà bà tin là đối tượng của bà, những người dân Wingham – không biết đánh giá. Họ viết những xã luận gây tổn thương và những bức thư giận dữ, cố đòi cấm dạy văn bà trong nhà trường; thậm chí còn dọa giết bà. 

             Nhưng cuối cùng bà là một nhà văn đã được in sách và được hoan nghênh ở Canada. Gia đình bà đã chuyển đến “một ngôi nhà sau cùng và lớn nhất, mà tôi vào ở với linh cảm về thảm họa”, như bà mô tả trong “Điều Tôi Muốn Kể với Bạn” (1974), một tập sách mà bà nói với Sheila “khai thác nguồn cảm hứng nông cạn hơn”. Munro bồn chồn. Và bà đang dội lại một nỗi bồn chồn rộng hơn, hứa hẹn về giải phóng phụ nữ. Câu chuyện của bà thường xuyên quay trở lại với những lựa chọn của phụ nữ, những khó khăn trong việc hòa giải bản chất tự nhiên với tham vọng, hôn nhân và độc lập, những điều đã đạt được và những gì chưa. “Không có hoàn cảnh nào là hoàn toàn thỏa mãn,” bà nói một cách luyến tiếc. “Nhưng có thời gian trong những năm 1970, người ta đã nghĩ rằng với thiện chí – từ đàn ông – và sức mạnh trong bản thân chúng ta, chúng ta có thể làm được điều đó. Chúng ta có thể có cả hai thế giới này.” Bà và con gái thường thích gọi Jim (vẫn còn oán hận) là MCP (con lợn đực sô vanh); họ mặc váy ngắn, hút thuốc lá, và trong năm 1973 cuộc hôn nhân 22 năm của bà, một trong nhiều mối liên kết của những năm 50 đã chấm dứt, báo trước năm năm thay đổi triệt để. 

             Tác dụng đầu tiên và trực tiếp nhất là “dùng việc viết lách để giúp cho bản thân bà kiếm được nhiều tiền hơn”, như Robert Thacker một học giả người Mỹ viết tiểu sử Munro nói. Munro dùng những công việc dạy cách viết sáng tạo, ở British Columbia và sau đó ở Ontario. Ở đây, bà gặp một người đàn ông bà đã biết khi ở trường đại học, Gerry Fremlin, một nhà địa lý, và sau ba chầu rượu martini – hay câu chuyện kể thế – họ quyết định sống với nhau. Mẹ của ông ta ốm và cần người chăm sóc, do đó họ chuyển đến Clinton, Ontario, không xa Wingham. 

             Bà đã nghĩ không bao giờ muốn quay trở lại. Wingham, 2.600 dặm, xa đã 22 năm, đã hiện lên sự rõ ràng bí hiểm của trí nhớ. Và “tôi đã viết về nó và tôi tận dụng nó”, bà viết trong một tự truyện không đưa vào tuyển tập, “Nhà”(1973). Vẫn những nhà băng ấy và những hiệu cắt tóc ấy, và tòa tháp nhà thị chính, nhưng tất cả những bí mật những thông tin dồi dào của chúng đã trôi tuột đi đâu mất”. Thacker cho rằng, việc bà trở về bắt buộc phải gắn bó trở lại với chỗ này, và với vai trò người lớn mà bà đã trở thành. Một trong những bức thư giận dữ từ Wingham đã hỏi, “Bà tưởng bà là ai?” và những câu chuyện sau đó đã gián tiếp trả lời câu hỏi này. (Mặc dầu đây không phải là kỹ thuật bà thường dùng, Bà tưởng bà là ai? (1978) giống như Những cuộc đời đàn bà và thiếu nữ là một chuỗi những câu chuyện liên kết với nhau bởi nhân vật trung tâm). “Rose là một diễn viên,” Atwood nói. “Bởi vậy cô chuyển sang cuộc đời nghệ thuật. Và Munro cũng đưa cô ta đi xa hơn đến một tuổi nhất định – cô lớn lên và kết hôn, thế rồi sau đó mọi việc không suôn sẻ, và tất cả chuyện này bật lên từ tính cách Flo, kẻ có cái nhìn cực kì mỉa mai khinh đời và tỉnh lẻ Ontario của cô, và về cuộc sống và mọi thứ khác”. Bởi thế nó là về cố gắng kịch hóa, nếu bạn muốn, cái khuynh hướng thổi phồng quá đáng chống lại cái khuynh hướng hạ giá trị. Chẳng hạn trong “Những Trận đòn cuồng nộ” (Royal Beatings) Rose là sự thổi phồng quá đáng còn Flo là hạ giá. 

             “Royal Beatings - Những Trận đòn cuồng nộ”, trong đó xung đột giữa một cô con gái (Rose) và mẹ kế (Flo) tìm được một kiểu lối thoát khi người cha đánh đòn Rose vì sự táo tợn của cô, là một câu chuyện đột phá khác. Câu chuyện này dựa trên chính những trận đòn mà cô nhận từ cha cô, và được viết sau khi cha chết, nó đánh dấu một thay đổi trong tầm với của Munro. Cô được Virginia Barber, một đại lí người Mỹ thuê làm, và bán “Royal Beatings” cho tờ the NewYorker. William Maxwell, biên tập tiểu thuyết trong 40 năm, vừa mới nghỉ việc, và tờ the NewYorker đang tìm kiếm những giọng văn trẻ trung, tươi mới hơn. “Chúng tôi muốn chắc chắn rằng chúng tôi không vớ phải những hạng tầm tầm,” Charles McGrath lúc đó là một biên tập viên tiểu thuyết trẻ của tờ tạp chí, hiện nay là biên tập cho mục Điểm sách của tờ the New York Times, nói, “và Munro chắc chắn là một điểm xuất phát tốt. Bà ấy xử lí cảm xúc ở một mức độ nguyên sơ và trực tiếp mà chúng tôi chưa hề thấy trước đó.” 

             Từ đó Munro đăng hàng chục truyện ngày càng dài và phức tạp trên tờ New Yorker cũng như nhiều tạp chí khác, và cứ ba hay bốn năm lại ra một tập. “Tôi nghĩ bà ấy đã dính líu vào một nhà văn hay hơn nhiều,” Mc Grath nói. “Tôi nghĩ những cái bà ấy viết gần đây – và tôi không muốn nói điều này theo cái cách hậu hiện đại ngớ ngẩn – luôn luôn đi gần đến chính bản chất của việc kể chuyện.” Daniel Menaker, người kế tục Mc Grath làm biên tập tiểu thuyết của New Yorker và hiện nay là tổng biên tập Random House Hoa Kỳ, nhất trí. “Bà ấy là nhà văn rất hiện đại và tìm tòi thực nghiệm dưới cái vỏ ngoài của một nhà văn cổ điển. Giống như William Trevor, qua nhiều chuyện kể đôi khi bà đã thâm nhập một cách chính xác đến chính những sự kiện và những chủ đề ấy, và bà hé mở tấm màn che cho bạn nhìn vào bên trong đến khi bạn thấy được điểm cốt lõi của những gì bà ấy đang kể. Bạn có cái cảm giác mà bà cố gắng giúp bạn có được, tại điểm bừng sáng tâm lí cảm xúc đích thực, nhưng cái đó luôn luôn có hình thức như một sự đầu hàng về mặt triết học đối với điều không thể biết trong những động cơ và tính cách của con người, một sự không chắc chắn mang tính hiện sinh trong những gì khiến con người hành động. Và đối với tôi điều này dường như rất quan trọng và rất trừu tượng – nhưng không đánh gía đúng tính phong phú sinh động của các nhân vật của bà”. 

             Trong “Lũ trẻ ở lại” (tập “Tình yêu của người đàn bà tốt”, 1998) một người phụ nữ từ bỏ cuộc hôn nhân tuy nhàm chán nhưng ổn định, để đến với một đạo diễn sân khấu đầy kích động. “Như vậy đời chị ta đang lao về phía trước,” bà nghĩ. “Cô ta đang trở thành một trong những người bỏ chạy. Một người đàn bà từ bỏ tất tật mọi thứ một cách gây chấn động. Vì tình, những người trông thấy sẽ mỉa mai. Có nghĩa là vì tình dục. ” 

             “Alice là nhà văn duy nhất tôi có thể nghĩ đến,” nhà tiểu thuyết Audrey Thomas, một người bạn thân, “người đã khảo sát tình dục phụ nữ một cách thật sự, đích thực. Và đó là một trong những điểm mạnh tuyệt vời của bà. Tôi nghĩ bạn khó có thể gặp nó thường xuyên.” Sự phát cuồng vì tình dục, đặc biệt “là một chủ đề hết sức khó,” Tomalin nói. “Bà không viết một cách dung tục. Bà đơn giản chỉ viết ra – tôi nghĩ bất kì người đàn bà nào đọc những truyện của bà đề cập đến chuyện này sẽ nhận thấy chúng hoàn toàn trung thực.” Thận trọng, trực tiếp, Munro truyền đạt cái trạng thái ngấy ngây đến quên mất bản thân, nỗi tủi hổ và niềm hoan lạc, và cái nhu cầu bức bách, Thomas nói thêm. “bây giờ điều đó có vẻ như một tuyên bố lạc thời, và một tuyên bố phản nữ quyền – nhưng tôi không chắc rằng nó như thế. Tôi tin mọi người đều cần những mối quan hệ. Đàn ông và đàn bà làm những cuộc dàn xếp.” 

             “Có lẽ nên yêu cầu tất cả đàn ông phải đọc Munro”, Mc Grath nói. Nhưng, ông vội vã nói thêm, “Tôi nghĩ bạn có thể thổi phồng quá đáng thứ chính trị tình dục. Tôi có thể chứng minh rằng bà ấy còn viết rất hay về gia đình, về những mối quan hệ, và trong chừng mực bà ấy làm thế, là có ám chỉ đàn ông. Tại nhiều điểm khác nhau trong thế giới của Munro, đàn ông là những kẻ áp bức, hay cố kìm hãm các nhân vật nữ, chắc chắn người ta thấy điều này. Nhưng bà không phải là nhà văn chính trị, bà không có thiên hướng.” 

             Munro đã từng nói phụ nữ kể chuyện về cuộc đời họ khác với đàn ông, và AS Byatt cho rằng những câu chuyện của bà diễn tả những bước chuyển và những cơn xoáy lốc, những khúc quanh gấp và sự phát lộ đột ngột của trí nhớ. “Những khoảng thời gian nổi bật lên như những mảng rõ rệt trong cuộc đời là thế nào – và ta phải làm gì với nó?” Trudy, nhân vật chính trong “Vòng tròn Kinh cầu nguyện” (1985) tự hỏi. “Chúng không hứa hẹn gì cụ thể cả. Khoảng nghỉ xả hơi. Chỉ có thế thôi ư?” Trudy đang nghĩ về hai điểm: tuần trăng mật của cô, và cái buổi sáng chồng cô bỏ cô ra đi; những khoảnh khắc ấy – bỏ đi, như Munro đã làm, không chung thủy, lựa chọn không thể thay đổi được – cứ xảy ra lặp đi lặp lại, và là điều then chốt. Trong “Điều gì được nhớ” (2001), chẳng hạn, một người đàn bà không chung thủy, nhưng quyết định ở lại, để sử dụng điều cô đã làm không phải như một sự phá hoại, một sức mạnh kịch tính, mà như một “bí mật kéo dài”, một cách để sống còn – như Munro diễn tả trong “Ôi có ích gì” (1990). Và bí mật đó tất nhiên cũng là một sự kiện khó khăn, dễ đổ vỡ, được bảo vệ mãnh liệt, sự kiện là một nghệ sĩ. 

             Mặc dầu gần đây Munro và Fremlin đã sống qua những mùa đông ở Comox, British Columbia, (tại đó ông trượt tuyết), Munro đã sống ở Clinton gần 30 năm nay, trong một ngôi nhà khiêm tốn với mảnh sân rộng thoai thoải xuống đường sân ga xe lửa, mỗi buổi sáng bà viết từ hai đến ba tiếng, trước khi “cuộc sống thật sự lôi mạnh tôi đi”. Bà cùng với Fremlin đi dạo nhiều dặm qua cánh rừng Ontario – mà Munro hết sức muốn bảo vệ khỏi sự bành trướng của các nông trại tập thể – nhưng bà cũng rất vui vẻ chuyện trò (“chúng tôi cười váng lên” khi đi ra ngoài để ăn tối, Atwood nói. “Chúng tôi là những kẻ gây rối công cộng”.) “Một trong những điều ở Alice mà tôi thật sự thích là bà không thay đổi. Bà không làm ra vẻ bất cứ điều gì,” Thomass nói. 

             Nhưng Munro cũng đang ngày càng ý thức về cái chết đang lấn tới. Năm 2001 bà đã trải qua phẫu thuật bắc cầu (cha bà chết năm 1976 sau một ca mổ tim), và khi bà không cười trông bà xanh xao hơn người ta nghĩ, mệt mỏi hơn. “Đôi khi tôi cảm thấy mất hết sức lực. Nhưng tôi không chắc chắn về điều ấy. Có lẽ vì tôi bị ốm mấy năm qua. Hay có lẽ điều ấy là thật. Người ta có thể cân bằng lại, nếu cảm thấy yếu, có thể cân bằng lại cách nào đó.” 

             Sau khi tôi viết quyển sách cuối cùng, tôi nghĩ tôi sẽ thôi không viết nữa, bởi vì tôi có ý nghĩ rằng cuối cùng tôi đã trở thành một người đàn bà thật sự.” Chuyện gì vậy? “Có nhiều người đến ăn tối,” bà lại cười, đáp, “tôi sẽ là một người bình thường dễ thương. Việc đầu tiên tôi làm là trang trí lại nơi chúng tôi sống, và hưởng thụ điều đó – nhưng tôi đang ở đây, một lần nữa bị cuốn vào viết mọi thứ, và tự hỏi, đây có phải cái việc thích hợp để làm vào tuổi tôi không?” 

             Đại diện và các nhà xuất bản của bà có thể làm bà yếu dần, nhưng “tôi đã quyết định sắp tới không làm thêm một quyển sách nào nữa. Tôi nghĩ sẽ có thứ để xuất bản sau khi chết, nhưng tôi không chắc tôi có xuất bản nữa hay không. Trước khi phẫu thuật tim tôi đã viết lại mọi thứ chưa được xuất bản, sao cho nó sẽ xuất hiện trong một phiên bản tốt hơn, và bây giờ tôi đã viết lại một số truyện thêm một lần nữa. Tôi đang thật sự vạch ra những gì sẽ ở đây khi tôi không còn ở đây nữa. Như thể điều đó quan trọng – nhưng đúng là nó quan trọng thật. Nó quan trọng đến mức độ nào đó.” 

             Cuối cuốn “Nhà” bà vẽ ra một cảnh tượng đáng yêu về người cha trong câu chuyện đang vắt sữa một con bò, ngồi trong một vùng sáng nhưng bị bao quanh bởi “những vòng tối của những đêm thôn quê này…Bạn có nhìn thấy cảnh ấy không, bạn có thấy nó được vẽ ra yên bình thế nào, sự bình an kì diệu và buồn tẻ được giữ ngắn ngủi cho chúng ta, máy quay lùi xa, xa nữa, cảnh này co lại, bóng tối. Vâng. Đó là hiệu quả. Tôi không muốn thêm hiệu quả nào nữa, tôi bảo bạn, tôi đang nói dối đấy. Tôi không biết tôi muốn gì. Tôi muốn làm việc này một cách trung thực nếu tôi thật sự có thể.” 


             Tiểu sử Alice Munro 

             Sinh: 10 tháng Bảy, 1931, tại Wingham, Ontario. 

             Học: 1949-51 Đại học Tổng hợp Western Ontario. 

             Kết hôn: 1951, James Munro, li hôn. 76 (3 con gái: Sheila 1953, Jenny 1957, Andrea 1966); 

             1976, Gerald Fremlin. 

             Xuất bản: 1968: Điệu nhảy của những cái Bóng Hạnh phúc, 1971: Những cuộc đời đàn bà và thiếu nữ, 1974: Điều Tôi đã Định Kể với Bạn, 1978: Bà tưởng bà là ai??, 1983: Những Mặt trăng của Jupiter, 1986: Sự tiến triển của Tình yêu, 1990: Người bạn thời trẻ của tôi, 1994: Những bí mật để ngỏ, 1996: Tuyển tập truyện ngắn, 1998: Tình yêu của một người đàn bà tốt, 2001: Ghét, Kết bạn, Tán tỉnh, Yêu, Cưới. 

             Giải thưởng: 1968, '78 and '86 Giải thưởng của Toàn quyền; '72 Giải thưởng của Sách bán chạy Canadian; '77 Giải thưởng Văn học Canada-Australia; '95 Giải thưởng WH Smith; '99:Giải thưởng của Giwois phê bình Văn học Quốc gia và Giải thưởng Giller. 


             Nguồn:https://sites.google.com/site/vanhocviet2013/phe-binh-van-chuong/dhoi-song-van-chuong/-hiutn-alice-munro-nh-vn-canada-ot-nobel-vn-hc-2013

 

Danh mục website