Lê Ðức Mẫn - người gắn bó với văn học dịch

 

(Dịch giả - Nhà giáo Ưu tú Lê Đức Mẫn, nguồn: Google)

Ðã đi gần hết cuộc đời, đến hôm nay, mỗi khi suy ngẫm lại ông vẫn thấy mình thật may mắn, hạnh phúc. Năm 1960, số phận đã đưa đẩy ông được theo học khóa năm ban tiếng Nga, khoa ngoại ngữ, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, kể từ đó ông đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp này.


Dù sinh ra trong một gia đình nho học, nhưng vừa được làm quen với tiếng Nga, với nền văn hóa Nga vĩ đại, với các tên tuổi lớn như A.Puskin, L.Tolstoi, D. Dostoievsky, M.Solokhov... Lê Ðức Mẫn thấy yêu mến và say mê ngay. Ngày đêm ông miệt mài bên các trang sách Nga học tập và đạt kết quả xuất sắc. Ngay sau khi học năm thứ hai, Lê Ðức Mẫn đã dịch nhiều tư liệu cho các cơ quan, năm thứ ba, dịch hơn 100 bài thơ của các nhà thơ Nga lừng danh, năm thứ tư, mở lớp dạy văn học Nga cho những người yêu thích.

Sau khi tốt nghiệp, được phân công về giảng dạy tiếng Nga ở Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nay là Trường đại học Hà Nội. Gần bốn thập kỷ đứng trên bục giảng, Lê Ðức Mẫn cùng đồng nghiệp của mình đã góp phần hình thành nhiều thế hệ sinh viên tiếng Nga. Với những đóng góp của mình Lê Ðức Mẫn xứng đáng với danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú. Công việc quan trọng thứ hai trong cuộc đời ông là dịch thuật, hơn 20 năm là Trưởng bộ môn dịch thuật khoa tiếng Nga. Ông còn là Phó Giám đốc Trung tâm dịch thuật của trường, Chủ nhiệm câu lạc bộ dịch thuật, nơi hội tụ của nhiều nhà dịch thuật lớn được cả nước biết đến như Vũ Ðình Liên, Phạm Mạnh Hùng, Phan Ngọc, Phan Văn Các, Thúy Toàn...

Ngoài các bài thơ ngắn, ông còn đảm nhận dịch bản Trường ca Ác quỷ của I.U.Lermoltov dài cả nghìn câu. Nhà thơ Nguyễn Ðình Chiến, tác giả trường ca Ðiện Biên Phủ, nhiều lần thừa nhận rằng suốt mấy chục năm nay ông vẫn thuộc lòng trường ca Ác quỷ. Tác phẩm được Tạp chí văn học nước ngoài. Hội Nhà văn Việt Nam tái bản năm 2001.

Lê Ðức Mẫn là cộng tác viên thân thiết của nhiều nhà xuất bản lớn ở trong và ngoài nước. Ông là dịch giả góp phần tích cực vào việc dịch bộ sách Lê-nin toàn tập, Mác - Ăng-ghen toàn tập và nhiều đầu sách văn học như: Ngọn cờ trên tháp của Macarencô, Liễu chẳng khóc buồn của Alexev (cùng với Vũ Ðình Bình), Nơi đây bình minh yên tĩnh của Vaxilev... Ðặc biệt cuốn Những người thích đùa và một số truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nexin được ông cùng Thái Hà dịch từ tiếng Nga với ngòi bút hết sức tinh tế đã gây tiếng vang lớn trong giới dịch thuật Việt Nam và được tái bản nhiều lần.

Trong nghề dịch, ông là người cẩn trọng, trau chuốt từng câu, từng chữ, cố gắng tìm đến "cái hồn" của nguyên bản và vận dụng hết "nội lực" của tiếng mẹ đẻ để truyền đạt. Trong lời tự bạch của mình ở cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại (Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội, 2007), ông viết: "Về phần người dịch cần suốt đời nâng cao trình độ ngoại ngữ và tiếng mẹ đẻ, liên tục học hỏi để làm giàu phông văn hóa. Tôi mong các dịch giả trẻ ngoài việc thông thạo ngoại ngữ, còn phải thường xuyên trau dồi tiếng Việt thật nghiêm túc cả về lý thuyết lẫn thực hành". Khi hỏi ông về quan niệm của mình trong dịch thuật, ông nhắc lại một câu nói của nhà dịch thuật đàn anh đã quá cố Phạm Mạnh Hùng: "Một tác phẩm dịch ra đời là một sự kiện văn hóa và nếu đó là tác phẩm hay thì đó là cái duyên của cả một dân tộc". Lê Ðức Mẫn đã miệt mài vươn tới những cái duyên đó.

Trong hai năm 2006 - 2007, ông đã cùng cây đại thụ trong làng tiếng Nga Bùi Hiền và một số chuyên gia tiếng Nga khác hoàn tất việc biên soạn cuốn Từ điển giáo khoa Việt - Nga dày hơn 2.000 trang, hiện đang được in tại NXB Giáo dục. Ðó là một công việc thầm lặng và có thể nói là cực nhọc nhưng rất đáng tự hào. Lê Ðức Mẫn đã góp một viên gạch xây đắp mối tình hữu nghị truyền thống Việt - Nga.

 

Nguồn: http://www.baobackan.org.vn/channel/1042/200710/nguoi-gan-bo-voi-van-hoc-dich-7529/

Danh mục website