Ý nghĩa và tổ hợp từ của một số chữ Hán có nghĩa “nhà”: gia, thất, ốc, xá, đường

    (Nguyễn Đông Triều(*), Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, SỐ 13 (67), THÁNG 9 NĂM 2013) 

TÓM TẮT

“Nhà” trong tiếng Việt có thể được thể hiện bằng nhiều chữ Hán và từ Hán Việt khác nhau với những nét nghĩa riêng. Bài viết này nhằm mục đích giải thích ý nghĩa của một số chữ Hán và từ Hán Việt thông dụng liên quan đến khái niệm “nhà”, đồng thời đưa ra một số tổ hợp từ, cách dùng chủ yếu của chúng để mọi người tham khảo và sử dụng cho đúng.

*

Khái niệm “nhà” trong tiếng Việt có thể được thể hiện bằng nhiều chữ Hán và từ Hán Việt khác nhau. Đương nhiên, ngoài nghĩa chung đó, mỗi chữ mỗi từ còn có nét nghĩa riêng cần phân biệt rõ để sử dụng cho đúng. Bài viết này nhằm mục đích giải thích ý nghĩa của một số chữ Hán và từ Hán Việt thông dụng liên quan đến khái niệm “nhà”, đồng thời đưa ra một số tổ hợp từ (được dùng trong ngôn ngữ, thư tịch cổ của Trung Quốc, Việt Nam) và cách dùng chủ yếu của chúng để mọi người tham khảo.

            1. Chữ gia . Đây là chữ thường dùng và dễ hiểu nhất. Xét theo góc độ từ nguyên thì chữ gia gồm có hai bộ phận: bộ miên ở phía trên nghĩa là “mái lợp trùm nhà ngoài với nhà trong” và bộ thỉ ở phía dưới nghĩa là “con lợn”. Chữ này có nguồn gốc như sau: Theo Thuyết văn giải tự 説文解字, trong chữ gia , thỉ vốn viết đầy đủ là gia , cũng có nghĩa là “con lợn” hoặc “con lợn đực”, về sau viết nhầm hoặc tỉnh lược thành thỉ, tuy nhiên ý nghĩa vẫn không thay đổi. Thời xưa, nhiều dân tộc thuộc các nước vùng Á Đông có tập quán nuôi lợn trong nhà hoặc xây chuồng nuôi lợn bên cạnh nhà, tạo nên nét đặc trưng về nơi cư trú, và đó cũng chính là nguồn gốc cho sự ra đời của chữ gia (nhà).

Có một cách giải thích khác về chữ này. Ngày xưa, các bậc vương tôn quí tộc khi chết có miếu để thờ, còn dân thường không được dựng miếu nên phải bày lợn, hay một số loài gia súc khác, thường là trâu, bò, heo, dê… dưới mái hiên nơi mình ở để cúng. Từ đó tạo ra một đơn vị văn tự với sự kết hợp hai bộ phận trên để chỉ “nơi ở” nói chung. Dù giải thích theo cách nào thì chữ gia cũng thể hiện rõ cách tạo chữ đặc trưng của loại văn tự biểu ý như chữ Hán.

Chữ gia hiện được sử dụng rất nhiều trong tiếng Việt. Ví dụ: gia cảnh: tình cảnh trong nhà; gia chủ: chủ nhà; gia cụ: đồ dùng trong nhà; gia súc: súc vật nuôi trong nhà, trong chuồng; tư gia: nhà riêng; gia nhân: người cùng một nhà, về sau có thêm nghĩa nữa là đầy tớ, Truyện Kiều 金雲翹新傳 có câu “Dọn thuyền lựa mặt gia nhân, Hãy đem dây xích buộc chân nàng vào”… Trong đó, tư gia vốn xưa Trung Quốc dùng chỉ nhà của những người từ Đại phu trở xuống, trong Lễ ký 禮記 có nói “Miện biện binh cách, tàng vu tư gia, phi lễ dã 冕弁兵革藏于私家非禮也” (= Mũ miện, binh khí tàng trữ ở nhà các Đại phu là không đúng với lễ). Nay cả Trung Quốc và Việt Nam đều dùng tư gia với nghĩa là “nhà riêng”.

Ngoài ý nghĩa cụ thể là “nhà”, gia còn được dùng với một số nghĩa mở rộng liên quan đến “nhà”:

- Người, nhóm người trong một nhà nào đó. Đại gia: nhà giàu có, người giàu có; thân gia, thông gia: gia đình có quan hệ gần gũi, sui gia; danh gia: gia đình có danh tiếng, người có danh tiếng (còn dùng chỉ một trường phái triết học Trung Quốc thời xưa chủ trương lấy chính danh định nghĩa sự vật); nông gia: nhà nông, Nhị độ mai diễn ca 二度梅演歌 có câu “Điền viên vui thú nông gia, Tiện con đèn sách ấy là lẽ nên.”

- Quê hương. Gia hương: quê nhà, Truyện Kiều có câu: “Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương, Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê”.

- Dòng họ. Thế gia: dòng dõi quyền quý; gia phong: tập quán, giáo dục trong dòng họ, nền nếp gia đình; gia thanh: danh dự, tiếng tăm của cha ông đã tạo ra và để lại cho dòng họ, “Địch Kiêm Mô truyện 狄兼謨傳” trong Cựu Đường thư 新唐書 có câu “Khanh, Lương Công hậu, đương tự gia thanh, bất khả bất thận 卿,梁公後,當嗣家聲,不可不慎” (= Khanh là hậu duệ của Lương Công, phải kế thừa gia thanh, không thể không thận trọng).

- Đôi khi gia dùng chỉ riêng nhà của vua quan. Gia thần: người thân tín của vua quan, Lục Vân Tiên truyện 陸雲僊傳 có câu “Lục ông từ tạ lui chân, Kiều Công sai kẻ gia thần đưa sang”.

Người Trung Quốc còn dùng chữ gia với ý là “riêng của nhà mình”, như nói Gia thiên hạ 家天下 (= Ông vua lấy thiên hạ làm của riêng nhà mình); hoặc “người thân”, như nói “Ly gia cát ái 離家割愛” (= Tu sĩ Phật giáo buông bỏ mọi tình cảm thường tình với người thân). Không những thông dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, gia còn được sử dụng trong thành ngữ: “Gia đồ tứ bích 家徒四壁” (= Nhà chỉ có trơ trơ bốn vách tường - chỉ cảnh bần cùng); “Gia thường tiện phạn 家常便飯” (= Thức ăn thường ngày trong nhà), thường dùng chỉ những sự việc thấy nghe hàng ngày.

Trong số những từ Hán Việt ghép với chữ gia có hai từ thông dụng đáng chú ý về mặt nguồn gốc:

- Gia thất: Ngày xưa, người con trai và người con gái sau khi cưới nhau thường phải về ở nhà chồng, nên mới có tục làm dâu, nhưng người vợ chỉ được ở “nhà dưới” hay “nhà nhỏ” chứ không được tự do đi lại những nơi khác trong nhà như “nhà trên”, từ đường. Từ đó mới phân biệt thành gia là nhà lớn, chỉ người chồng và thất là phòng của người vợ, chỉ người vợ (xem thêm chữ thất ở mục 2). Trong Tả truyện 左傳 - “Hoàn thập bát niên 桓十八年 có câu “Nữ hữu gia, nam hữu thất 女有家男有室” (= Nữ thì có gia, nam thì có thất). Lời sớ giải thích: “Thất gia ý nói là vợ chồng”. Về sau dùng từ gia thất, thất gia để chỉ hai người cưới nhau về ở cùng một nhà, tức đã là vợ chồng, cho nên hiện nay chúng ta nghe người nữ hoặc người nam hô chồng hoặc vợ mình với người khác bằng đại từ “nhà tôi”, “nhà em”. Mạnh Tử 孟子 cũng có câu “Trượng phu sinh nhi nguyện vị chi hữu thất, Nữ tử sinh nhi nguyện vị chi hữu gia 丈夫生而願為之有室女子生而願為之有家” (= Sinh con trai muốn cho nó có vợ, sinh con gái muốn cho nó có chồng), ý nói các bậc cha mẹ đều mong muốn con mình được yên bề gia thất. Trong bài thơ Tặng nội 贈內 (Viết tặng vợ), Bạch Cư Dị có dùng từ đồng thất chỉ vợ chồng “Sinh vi đồng thất thân, Tử vi đồng huyệt trần 生為同室親死為同穴塵” (= Sống nguyện kết tình chồng vợ, Chết nguyện thành bụi chung mồ). Ngày nay, khi lo việc dựng vợ gả chồng cho con cái, chúng ta hay nói là “lo bề gia thất”, “thành gia lập thất”. Cũng nên biết rằng, từ này ra đời từ rất sớm, trước thời kỳ nhà Chu (thế kỉ XI TrCN), vì nó xuất hiện trong một tác phẩm được xem là mở đầu cho nền văn học viết của Trung Quốc là Kinh Thi 詩經 do Khổng Tử sưu tầm và san định: “Chi tử vu qui, nghi kì thất gia 之子于歸宜其室家” (= Cô gái ấy về nhà chồng, hòa hợp với gia đình nhà chồng). Lục Vân Tiên cũng có câu “Tới đây thì ở lại đây, Cùng con gái lão sum vầy thất gia”.

- Gia đình: Thông thường chúng ta hiểu gia đình là “Tập hợp người cùng sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và huyết thống”. Bài Trưng Sĩ tụng 徵士頌 của Cao Duẫn thời Nam Bắc triều có câu “Di di côn đệ, mục mục gia đình 怡怡昆弟穆穆家庭” (= Con cháu vui vầy, gia đình hòa thuận). Nhưng tại sao gọi tập hợp đó là gia đình? Chữ đình vốn có nghĩa là ngôi nhà lớn để làm việc công, tức là làm việc quan, việc nhà nước. Nơi đó nhất định phải có vẻ uy nghiêm và có một người đứng đầu, như nơi quan làm việc gọi là phủ đình; nơi xử án gọi là pháp đình, tụng đình, có người đứng đầu là quan toà. Tục ngữ Việt Nam có câu “Vô phúc đáo tụng đình, tụng đình rình vô phúc; trên trời có “Ông Trời” đứng đầu nên gọi là thiên đình. Vì vậy, gia đình ngoài nghĩa là “một tập hợp…” còn có ý nói là trong tập hợp đó phải có một người uy nghiêm nhất và có quyền lớn nhất, đó chính là người đàn ông hay người chồng, tức là người chủ gia đình. Một điều đáng chú ý là, nhiều khi những người không cùng huyết thống cũng được xem là người trong gia đình, như dâu, rể hoặc con nuôi…, đương nhiên những người đó cũng phải đối xử và được đối xử giống như những người khác trong gia đình.

            2. Chữ thất . Theo sách Thích danh 釋名, thiên “Thích cung thất 釋宮室”, chữ này vốn có nghĩa là “cái nhà có chứa nhiều thứ: người, đồ đạc, của cải…”, như nói nhà của vua chúa là cung thất. Ngoài ra, chữ thất còn được dùng với một số nghĩa sau:

            - Nhà nói chung. Tư thất: giống như tư gia, nghĩa là nhà riêng; thạch thất:  nhà bằng đá; thất nữ: cô gái còn ở nhà cha mẹ, chưa theo chồng, ý nói con gái còn trinh. Trong Thạch hào lại 石壕吏 của Đỗ Phủ có câu “Thất trung cánh vô nhân, Duy hữu nhũ hạ tôn 室中更無人惟有乳下孫” (= Trong nhà chẳng bóng người, Chỉ có cháu còn bú).

            - Phòng ốc, buồng. Với ý nghĩa giống như “nhà”, thất được dùng chỉ những nơi để ở nhưng nhỏ hơn nhà hoặc một phần của căn nhà: giáp thất: nhà để cất thần chủ ở hai bên chánh đường trong miếu; ngục thất: nhà giam, bài thơ tuyệt mệnh của liệt nữ Lê Thị Đàn có câu “Thê lương ngục thất mệnh chung thời, Hải khoát sa không khốc tự tri 凄凉獄室命終時海闊沙空哭自知” (= Lạnh lùng ngục thất giữa lúc mệnh chung, Biển rộng đồng không tự khóc nơi lòng). Từ đó, thất lại được dùng với nghĩa phái sinh là “một ngăn của một bộ phận cơ thể”: tâm thất: buồng dưới của tim.

            - Người thân. Hoàng thất, tông thất: dòng họ của vua; người Trung Quốc dùng từ thất nhân với nghĩa giống với gia nhân (người nhà), Kinh Thi có câu: “Vương sự thích ngã, Chính sự nhất tỳ ích ngã, Ngã nhập tự ngoại, Thất nhân giao biến trích ngã 王事適我政事一埤益我我入自外室人交徧謫我” (= Việc vua cứ đến ta, Chính sự dồn dập vào ta, Ta từ ngoài bước vào, Người nhà đều chỉ trích ta), ý nói việc chính trị lao nhọc mà nhà lại quá nghèo khó, người nhà không lấy gì sống được nên cùng chỉ trích nhưng “ta” vẫn hết lòng vì nhiệm vụ.

            - Vợ. Chính thất: vợ lớn; kế thất: vợ kế; con trai tới tuổi trưởng thành cưới vợ nói là thụ thất. Nguồn gốc thụ thất được chép trong Lễ ký, chương “Giao đặc sinh 郊特牲”: “Cữu cô giáng tự tây giai, phụ giáng do tộ giai, thụ chi thất dã 舅姑降自西階婦降由阼階授之室也” (= Cha mẹ chồng bước xuống từ thềm tây, nàng dâu bước xuống từ thềm đông, [cha mẹ chồng] giao phó việc nhà [cho nàng dâu]). Ngày xưa, khi chủ khách tiếp đãi nhau, khách ở thềm tây, chủ ở thềm đông. Câu trên ý nói cô gái về nhà chồng làm dâu là trở thành người chủ quỹ và quán xuyến mọi việc trong nhà.

            - Người phụ nữ nói chung. Kinh Lễ có câu “Phụ thuận giả, thuận vu cữu phụ, hòa vu thất nhân 婦順者順于舅婦和于室人” (= Người phụ nữ biết thuận tòng là hiếu thuận với cha mẹ chồng, ôn hòa với thất nhân), thất nhân là những người phụ nữ đồng trang lứa bên chồng.

Trong chữ Hán, thất cũng được dùng trong một số thành ngữ: “Thất nhĩ nhân viễn 室邇人遠” (= Nhà gần nhưng người thì xa). Câu này xuất xứ từ Kinh Thi “Kỳ thất tắc nhĩ, kỳ nhân thậm viễn 其室則邇其人甚遠” (= Nhà chàng thì gần, mà chàng thì xa xôi quá). Về sau được dùng để chỉ cảnh mong nhớ người yêu nhưng không được gặp mặt; “Thất nộ thị sắc 室怒市色” (= Giận từ trong nhà, trút giận ngoài phố = Giận cá chém thớt).

Đặc biệt, chữ thất còn được người Trung Quốc dùng với nghĩa là “ngôi mộ”. Kinh Thi “Bách tuế chi hậu, quy vu kỳ thất 百歲之後歸于其室” (= Sau cuộc sống trăm năm, về cùng mộ với chàng). Người phụ nữ chờ chồng đi quân dịch trở về trong vô vọng, cũng có thể không còn gặp lại nhau, phải chờ đến “sau cuộc sống trăm năm” để cùng theo nhau. Người sống trên cõi đời có nhà để ở, thì ngôi mộ cũng là “ngôi nhà” để người chết nương thân. Điều này phần nào thể hiện quan điểm “sinh ký tử quy”, xem cái chết là sự trở về, con người có một cuộc sống khác sau khi đã chết.

3. Chữ ốc . Chữ này vốn cũng có nghĩa là “nhà” như chữ gia, như nói ốc lư 屋廬 là nhà ở nói chung. Trong chữ Hán, c còn được hiểu là “nóc nhà”. Kinh Thi có câu “Thùy vị tước vô giác, Hà dĩ xuyên ngã ốc? 誰謂雀無角何以穿我屋?” (= Ai nói chim sẻ không sừng, nó lấy gì xoi nóc nhà của em?) Từ nghĩa này, ốc lại được dùng chỉ những vật có tác dụng che đậy bên trên: “Hoàng ốc tả đạo 黃屋左纛” (= Mui xe vàng, cờ tiết mao cắm bên trái), đây là loại xe dành riêng cho đấng Thiên tử.

Chữ ốc được dùng trong rất nhiều câu thành ngữ của Trung Quốc. Người xưa có câu “Bạch ốc khởi công khanh 白屋起功卿” (= Nhà nghèo mà dựng được nghiệp công khanh), ý nói từ hai bàn tay trắng mà tạo lập nên sự nghiệp lớn. Sách Thượng thư đại truyện 尚書大傳 có câu “Ái nhân giả kiêm kỳ ốc thượng chi ô 愛人者兼其屋上之烏” (= Thương ai thì thương cả con quạ trên nóc nhà người ấy), nên về sau xuất hiện câu thành ngữ “Ái ốc cập ô 愛屋及烏” (= Vì thương nóc nhà mà thương đến con quạ), ý nói tình thương lây, thương một người thì thương cả những thứ hoặc những người liên quan đến người ấy). Thế thuyết tân ngữ 世說新語 cũng có câu thành ngữ “Ốc hạ giá ốc 屋下架屋” (= Dưới mái nhà lại dựng thêm mái nhà), chỉ việc làm vô ích.

Hiện nay, trong tiếng Việt, chúng ta thấy chữ này ít khi được dùng với nghĩa là “nhà” đơn thuần mà thường được dùng với hai ý sau:

- Nói về những ngôi nhà có qui mô lớn. Cao ốc: tòa nhà cao; phòng ốc: nhà cửa rộng rãi ngăn nắp; kim ốc: nhà vàng, cung điện, Cung oán ngâm khúc 宮怨吟曲 của Nguyễn Gia Thiều có câu “Tay Tạo hóa cớ sao mà độc, Buộc người vào kim ốc mà chơi”. Tình cảnh của người cung nữ là vậy, dù sống trong “kim ốc” nhưng khi bước vào đó là bắt đầu chuỗi ngày chôn mình giữa chốn thâm cung tuyệt vọng. Trong số những từ chỉ những ngôi nhà có quy mô lớn nêu trên, riêng từ phòng ốc cũng dùng chỉ nhà nhỏ hẹp (như nói “Phòng ốc sao mà chật hẹp quá”) nhưng khi dùng từ này người ta cũng muốn chú ý đến qui mô lớn nhỏ của nó.

- Nói về những nơi thực thi công quyền, có một quyền hạn nhất định. Nhà Trắng (nơi Tổng thống Mỹ ở và làm việc) thì người Trung Quốc gọi là tòa Bạch Ốc. Người Việt Nam gọi những nơi có quyền đứng ra giải quyết vấn đề nhà đất cho dân là Sở địa ốc, nơi dạy học và khảo thí tuyển chọn người làm quan gọi là trường ốc, trong Ngôn chí 言志 bài 6, Nguyễn Trãi có dùng từ trường ốc “Trường ốc ba thu uổng mỗ danh, Chẳng tài đâu xứng chức tiên sinh”.

4. Chữ . Chữ này vốn có nghĩa là “nhà cho khách trọ qua đêm”, “nhà ven đường cho khách lữ hành nghỉ chân”. Chu thư đại tụ giải 周書大聚解 có ghi “Nhị thập lý hữu xá 十二里有舍” (= Cách hai mươi dặm có một nhà nghỉ chân). Từ đó, trong chữ Hán, còn có nghĩa là “nghỉ”, “dừng chân”. Quốc sách 國策 - “Tề sách 齊策” có câu “Xá chi thượng xá 舍之上舍” (= Cho nghỉ ở nhà trên). Kinh Thi có câu “Nhĩ chi an hành, Diệc bất hoàng xá, Nhĩ chi cức hành, Hoàng chi nhĩ xa 爾之安行,亦不遑舍,爾之亟行,遑脂爾車” (= Ngươi đi an nhàn cũng không rảnh để [vào nhà] nghỉ ngơi, Ngươi đi gấp rút thì đâu rảnh rang vô dầu mỡ cho xe!), ý nói [Tô công?] trách mắng đứa tiểu nhân [Bạo công?] đi ngang cửa mà không vào gặp mặt.

Thời Nguyên còn dùng chữ với nghĩa là “kỷ viện” hoặc “chốn ăn chơi”. Hồi thứ 2 của Thủy hử toàn truyện 水滸全傳 có câu “Mỗi nhật tam ngõa lưỡng xá, phong hoa tuyết dạ 每日三瓦两舍,風花雪夜” (= Mỗi ngày đến đôi ba kỷ viện, tìm vui tuyết nguyệt phong hoa).

vốn có nghĩa là nơi tạm dừng chân, nên xét theo kiểu chữ Tượng hình của chữ Hán, thì được vẽ rất đơn giản chỉ gồm mái nhà, cột nhà, rui nhà và nền đá. Cũng chính vì thế, chúng ta thấy chữ thường được dùng trong ba trường hợp sau:

- Chỉ những nơi ở bình thường, đơn giản. Nơi nghỉ ngơi bên đường có bán đồ ăn thức uống gọi là quán xá, Lục Vân Tiên truyện có câu “Đồng rằng: ‘Chốc nữa khỏi rừng’, Tìm nơi quán xá sẽ dừng nghỉ ngơi”; nơi ở tập thể của sinh viên gọi là túc xá (người Việt gọi là ký túc xá); nhà ở tập thể gọi là cư xá; nơi khám chữa bệnh ở xã hoặc ở cơ quan, trường học gọi là y xá, bệnh xá. Ở Trung Quốc thời Chiến quốc, các môn khách dưới trướng của vương công quý tộc còn được gọi là Xá nhân, chỉ người mưu giúp cho nhà mình hoặc cho riêng mình, như Lý Tư là Xá nhân của Lã Bất Vi. Các triều đại sau cũng đặt chức Xá nhân với cương vị cao thấp khác nhau.

- Chỉ nơi mình ở với ý khiêm xưng. Để chỉ nhà mình thì gọi là xá hạ, hàn xá, tệ xá, đều có nghĩa là “nhà nghèo”, tỏ ý khiêm nhường là nhà mình không bằng nhà người khác, bản thân mình kính trọng người khác, Trường Sinh điện 長生殿 - “Đàn từ 彈詞” có câu “Khuất đáo xá hạ tạm trú, tế tế thỉnh giáo hà như 屈到舍下暫住,細細請教何如” (= Dám mời tạm đến nơi xá hạ, có điều muốn thỉnh giáo riêng, được chăng?) Hiện nay trong tiếng Việt chỉ dùng từ tệ xá, hàn xá: “Mời anh đến tệ xá của chúng tôi”; trang web violet.vn do một nhóm giáo viên đến từ nhiều tỉnh thành lập nên được đặt tên là Trúc lâm hàn xá. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, hàn xá không thông dụng bằng tệ xá.

- Những nơi cần sự thanh tịnh để tu hành gọi là tinh xá, tịnh xá hay tĩnh xá. Ở Trung Quốc, tinh xá 精舍 vốn chỉ trường học, có chỗ ăn ở cho học sinh, giống “học xá” ở Việt Nam. “Bao Hàm truyện 包咸傳” trong Hậu Hán thư 後漢書 chép “Hàm vãng Đông Hải, lập tinh xá giảng thụ 咸往東海,立精舍講授” (= Bao Hàm đến Đông Hải, dựng tinh xá dạy học). Trong Phật giáo, tinh xá (Việt Nam thường gọi là tịnh xá), dịch từ tiếng Phạn là Vihara, còn là tên gọi các công trình kiến trúc nhà cửa theo phong cách Phật giáo dành cho những người tu hành nghỉ ngơi, cầu nguyện, thiền định.

Một vài câu thành ngữ:

- “Bạch vân thân xá 白雲親舍”, có khi nói “Mộ vân thân xá 暮雲親舍” (= Dưới mây trắng là nhà cha mẹ). Địch Nhân Kiệt đời Đường khi làm quan ở xa, một lần lên Thái Hành Sơn, nhìn thấy đám mây trắng trôi đơn độc mới nói với tùy tùng rằng: “Ngô thân xá kỳ hạ 吾親舍其下” (= Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây đó), nói rồi buồn bã nhìn một hồi lâu, đến khi đám mây trôi khuất mới thôi. Về sau dùng câu thành ngữ này chỉ lòng nhớ thương cha mẹ.

- “Cầu điền vấn xá 求田問舍” (= Tìm hỏi mua ruộng vườn nhà cửa). “Trần Đăng truyện 陳登傳” trong Tam quốc chí 三國誌 có câu “Vọng quân ưu quốc vong gia, hữu cứu thế chi ý, nhi quân cầu điền vấn xá, ngôn vô khả thái 望君憂國忘家,有救世之意,而君求田問舍,言無可采” (= Mong ông quên việc nhà lo việc nước, có chí cứu đời, nhưng ông chỉ lo tậu nhà mua ruộng, lời nói chẳng có chỗ dùng), ý nói chỉ lo tư lợi, không màng vận nước.

- “Đông lân tây xá 東鄰西舍” hoặc “Tả lân hữu xá 左鄰右舍” (= Nhà đông quán tây). Chỉ nhà cửa quán xá đông đúc ở xung quanh. Nữ canh điền hành 女耕田行 của Đới Thúc Luân đời Đường có câu “Đông lân tây xá hoa phát tận, Cộng tích dư phương lệ mãn y 東鄰西舍花發盡,共惜餘芳淚滿衣” (= Nhà đông quán tây hoa đã nở hết, Cùng tiếc chút hương lệ đẫm khăn).

Một điều khá thú vị là, khi chữ từ chữ Tượng hình được chuyển thành nét thì có tự dạng gồm bộ nhân ở phía trên là “người” và bộ thiệt ở phía dưới là “cái lưỡi” (dùng để nói). Như vậy có thể giải thích nghĩa gốc của chữ này (nhà trọ hoặc nhà ven đường cho khách nghỉ chân) theo kiểu Hội ý: những người  đi đường () mệt mỏi cùng nghỉ chân ở những ngôi nhà ven đường, họ cùng nhau nói chuyện ( + ) để quên đi mệt nhọc, sau đó tiếp tục cuộc hành trình.

5. Chữ đường . Chữ này cũng có nghĩa là “ngôi nhà lớn”, “gian nhà chính”. Người Trung Quốc có câu “Tứ đại đồng đường 四代同堂” (= Bốn đời cùng ở chung một nhà). Đây là một trong những nét đẹp trong văn hóa gia đình truyền thống Trung Quốc, khác biệt hoàn toàn với văn hóa phương Tây, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa những người cùng huyết thống: con cháu kính trọng, phụng dưỡng ông bà cha mẹ; ông bà cha mẹ thương yêu, dạy dỗ con cháu nên người. Gần gũi với văn hóa Trung Quốc, người Việt Nam cũng dễ dàng tiếp thu nét đẹp ấy: báo Phụ nữ Việt Nam ngày 21/5/1975 có câu “Cụ có con, có cháu, có chắt thế là tứ đại đồng đường, rất quý.”

Một điều vô cùng đặc biệt, trang thông tin điện tử Nguyễn Du Meseum & Resourse Center ngày 16/7/2012 cho biết, Bảo tàng Hà Tĩnh vừa phát hiện bức biển Ngũ đại đồng đường 五代同堂 (Năm đời cùng ở chung một nhà) tại nhà thờ họ Nguyễn Duy thuộc khu phố 2, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc. Bức biển làm bằng gỗ quý, sơn son thếp vàng, dài: 1.3m, rộng: 0.80m, dày: 0.5cm. Ở giữa chạm nổi theo hàng ngang 4 chữ Hán Dịch diệp diễn tường 奕葉衍祥 (Phúc thọ đời đời), phía dưới chạm 7 dòng chữ Hán theo chiều dọc, có nội dung như sau: Sắc tứ - Nguyễn Duy Phiên, Nghệ An trấn, Hà Hoa phủ, Thạch Hà huyện, Trảo Nha xã nhân, thọ đăng bách tuế, ngũ đại đồng đường. Đặc tứ quải quán, dụng biểu thăng bình nhân thụy. Minh Mệnh thất niên thập nguyệt cát nhật (Ban cho Nguyễn Duy Phiên, người xã Trảo Nha, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An lên tuổi thọ 100 tuổi, một nhà đủ 5 đời. Đặc biệt ban cho tấm biển này treo ở bản quán để biểu dương đời thăng bình thịnh vượng, người hưởng phúc lành. Năm Minh mệnh thứ 7, tháng 10 [11-1826], ngày tốt). Bức biển trên được xem như là báu vật truyền đời của dòng họ Nguyễn Duy ở Can Lộc - Hà Tĩnh (Theo Quỳnh Việt). Điều này cho thấy, truyền thống văn hóa gia đình ở Việt Nam xưa không thua kém gì Trung Quốc.

Chữ đường cũng gắn liền với đạo hiếu qua một câu nổi tiếng trong Luận ngữ 論語 “Phụ mẫu tại đường, bất khả viễn du 父母在堂,不可遠遊” (có bản viết “Phụ mẫu tại, bất khả viễn du”, “Phụ mẫu tồn, bất khả viễn du”), nghĩa là cha mẹ còn ở trong nhà (còn sống) thì người con không được đi đâu xa. Đây là câu nói về đạo hiếu của con cái đối với đấng sinh thành, khi cha mẹ còn tại thế thì phải ở bên cạnh để sớm thăm tối viếng, “đông ôn hạ sảnh” (mùa đông hầu giúp cha mẹ ấm, mùa hè hầu giúp cha mẹ mát).

Người Trung Quốc dùng từ đường ốc với nghĩa là nhà ở, “Thuần Vu Trí truyện淳于智” trong Tấn thư 晉書 có câu “Đường ốc ngũ gian, lạp nhiên nhi băng 堂屋五間,拉然而崩” (= Năm gian nhà lớn đổ vỡ tan tành); cao đường: nhà lớn, Thục đô phú 蜀都賦 của Tả Tư có câu “Trí tửu cao đường, dĩ ngự gia tân 置酒高堂,以御嘉賓” (= Bày tiệc rượu ở cao đường thết đãi khách quý). Cao đường thường dùng làm nơi hầu bậc tôn quý. Đạo làm người, bậc tôn quý nhất không ai hơn cha mẹ, nên về sau “cao đường” thường được dùng chỉ cha mẹ. Tống Trương Tú tài tòng quân thi 送張秀才從軍詩 của Lý Bạch có câu: “Bão kiếm từ cao đường, tương dịch Hoắc quán quân 抱劍辭高堂,將役霍冠軍” (= Cầm gươm từ giã cao đường, cùng Hoắc Tướng quân xông trận). Có thể thấy rõ, chữ đường trong câu “Phụ mẫu tại đường…” nói trên trong Luận ngữ được dùng rất đắc, chỉ một chữ đã thể hiện rõ vị trí tối cao của cha mẹ trong lòng những người con chí hiếu. Tôn kính cha mẹ mình thì cũng phải tôn kính cha mẹ của người, nên có những từ tôn đường, lệnh đường gọi mẹ của người khác.

Ngoài ra, đường cũng có nghĩa khác là “nhà để làm lễ”. Với ý nghĩa đó, đương nhiên nó phải to đẹp và trang nghiêm. Chúng ta thấy nó thường được dùng chỉ những nơi tôn nghiêm, như nơi thờ phụng trong nhà gọi là gia đường; nhà thờ tổ tiên hoặc nhà thờ họ của người dân gọi là từ đường hay tông đường; nhà thờ tổ tiên của vua gọi là miếu đường. Đôi khi miếu đường còn được chỉ chung chốn tôn miếu triều đường, cung điện, nơi vua tôi bàn mưu lập kế, đưa ra chính sách đối nội đối ngoại… Truyện Kiều có câu “Đã hay thành toán miếu đường, Chấp công cũng có lời nàng mới nên”. Thành toán miếu đường nghĩa là mưu chước đã được định sẵn nơi tôn miếu triều đường; thời nhà Thanh gọi nơi Thiên tử tế Thổ thần, Cốc thần là đường tử (堂子); khi đạo Thiên chúa du nhập vào Trung Quốc và Việt Nam, các tín đồ đạo Thiên chúa lập nên các nhà thờ gọi là giáo đường. Tất cả đều chỉ những ngôi nhà to, trang nghiêm, đẹp đẽ dùng cho việc thờ phụng.

Bên cạnh đó, nội hàm của đường còn được mở rộng với những nghĩa sau:

- Nền móng. Xây nhà quan trọng nhất là nền móng phải thật vững chắc, vì thế chữ đường được dùng với nghĩa bóng là “nền móng”. Thượng thư 尚書 có câu “Nhược khảo tác thất ký để pháp, quyết tử nãi phất khẳng đường, thẩn khẳng cấu 若考作室旣底法,厥子乃弗肯堂,矧肯構” (= Cha dựng nhà đã trao lại khuôn phép, con không chịu xây nền, nói gì lợp mái). Về sau nói gọn thành một câu thành ngữ “Khẳng đường khẳng cấu” chỉ con cháu kế thừa được tổ nghiệp.

- Gần gũi với từ cao đường chỉ cha mẹ, chữ đường với ý nghĩa tôn quý còn được dùng chỉ quan lại, như đường thượng: quan phụ mẫu, đây là những người ở nhà to, ngồi ở vị trí cao quý, mọi người phải kính trọng, vâng lời, ví như con cái phải kính trọng, vâng lời cha mẹ. Đường cũng được dùng chỉ bậc tôn quý nhất là vua. Trung Quốc có từ đường bệ vốn nghĩa là “nhà và bậc thềm”, nghĩa bóng là “vua với bề tôi”. Từ này xuất hiện trong câu nói của Giả Nghị (thời Hán) “Thiên tử như đường, quần thần như bệ, chúng thứ như địa 天子如堂,群臣如陛,眾庶如地” (= Thiên tử ví như nhà cao, bề tôi ví như bậc thềm, lê dân ví như đất thấp). Đây vốn là câu nói mang hàm ý phân vị vua tôi theo quan điểm Nho giáo. Nếu hiểu theo quan điểm tiến bộ, đúng quy luật hiện nay, nhà dù cao đến mấy nhưng không có bậc thềm thì không thể nào bước lên được, cũng như không có đất thì không có chỗ dựng nhà. Vì vậy, giai cấp thống trị phải xem dân là nền tảng dựng nước, có như vậy, ngôi vị mới lâu bền, đất nước được trường cửu. Ngoài ra, trong tiếng Việt, từ Hán Việt đường bệ có nghĩa là dáng vẻ chững chạc, uy nghi.

- Nơi ở, nơi sinh sống nói chung. Thiên đường: nơi ở sung sướng, an lành của những linh hồn siêu thoát theo quan điểm của đạo Thiên chúa. Về sau, thiên đường còn được dùng chỉ nơi sung sướng, hạnh phúc nói chung: “Núi rừng là thiên đường của loài muông thú”; Truyện Kiều có câu “Lĩnh lời nàng mới theo sang, Biết đâu địa ngục thiên đàng là đâu”.

- Những người cùng huyết thống. Anh em cùng một tổ gọi là đồng đường huynh đệ gọi tắt là đường huynh đệ (thời nhà Đường tỉnh lược chữ đồng), cùng một cụ gọi là tụng đường (從堂), cùng một kị gọi là tái tụng đường; anh em cùng tổ với cha (chú, bác) gọi là đường thúc bá.

Một số thành ngữ:

- Đường thượng nhất hô, giai hạ bách nặc 堂上一呼,階下百諾 (= Người trên nhà cao hô to một tiếng, kẻ dưới bệ thềm vâng dạ trăm lời). Về ý nghĩa tương tự một câu ngắn gọn hơn là Nhất hô bách ứng 一呼百應” (= Một người kêu gọi, trăm người hưởng ứng).

- Yến tước xử đường 燕雀處堂” hoặc “Yến tước xử ốc 燕雀處屋 (= Chim én chim sẻ ở yên trong nhà cao), ý nói ở trong cảnh yên định mà không biết phòng bị, tai họa tới gần nhưng không hề hay biết.

- Thùy đường chi giới 垂堂之戒 hoặc “Tọa giới thùy đường 坐戒垂堂” (= Tránh ngồi dưới mái hiên nhà, ý nói phải biết tránh những chỗ có thể xảy ra nguy hiểm, có khi dùng làm lời cảnh giới người khác không được làm điều xấu có thể gây ra tai họa.

Trở lên là 5 chữ Hán có nghĩa là “nhà” thông dụng trong chữ Hán và tiếng Việt. Những ý nghĩa, nhất là những tổ hợp từ chúng tôi đưa ra có thể chưa phản ánh đầy đủ tính phong phú, linh động, phát triển của văn tự và ngôn ngữ, nhưng cũng phần nào thể hiện được vai trò đắc dụng của mỗi chữ và khả năng biến hóa cho phù hợp với hoàn cảnh, đáng ứng nhu cầu truyền thông của con người. Ngoài 5 chữ trên, trong chữ Hán còn một số chữ khác cũng khá thông dụng, nhưng do khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi sẽ trình bày thêm ở một bài viết khác nếu có điều kiện.

 

Tài liệu tham khảo

1. Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển giản yếu, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005.

2. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999.

3. 古代漢語詞典編冩組編,«古代漢語詞典»,商務印書館,北京, 2006.

4. 新編實用漢語詞典編輯委員會,«新編實用漢語詞典»,上海辭書出版社,1989.

5. 舒新城 (cùng nhiều người chủ biên)«辭海» (2 ),中華書局印刷所,上海,中華民國五十六年八月印刷.

 

THE MEANINGS AND CONSTRUCTIONS OF SOME SINO WORDS MEANING “HOUSE”: GIA (), THẤT (), ỐC (), XÁ (), ĐƯỜNG ()

Abstract

The article introduces some Sino words meaning “house”. In addition, the writer provides some typical extended meanings of each word and illustrates them by examples of Sino or Sino-Vietnamese compound words related to each meaning. Most of these examples are extracted from the Chinese and Vietnamese bibliographies.



(*) ThS - Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Danh mục website