Xu hướng và thành tựu dịch văn học Nhật Bản ở Việt Nam từ cuối thế kỷ XX đến nay

            Trần Thị Thục

(ĐHKHXHNV – ĐHQG Hà Nội)

TÓM TẮT

Vào thời kì cổ - trung đại, hầu như nước ta và Nhật Bản không có sự giao lưu về văn hóa. Cuộc tiếp xúc văn hóa đầu tiên của nước ta với Nhật Bản phải kể đến công lao của Phan Bội Châu những năm đầu thế kỉ XIX khi ông tổ chức phong trào Đông Du cho học sinh Việt Nam đi du học tại Nhật Bản. Nhiều sách, báo yêu nước đã được ông truyền bá về trong nước. Nhưng cũng phải đến tận những năm đầu thế kỉ XX, một số lượng ít ỏi các tác phẩm văn học Nhật Bản mới bắt đầu được dịch và giới thiệu ở nước ta

Pháp và Mỹ xâm chiếm Việt Nam. Văn hóa Tây Âu thâm nhập. Bẵng đi một thời gian cho đến những năm trong và sau chiến tranh thế giới thứ hai thì văn học Nhật Bản mới tiếp tục được độc giả Việt Nam biết đến. Tuy nhiên văn hóa Nhật lúc ấy mới chỉ xuất hiện qua một số tờ tạp chí như Đông Dương tạp chí, tạp chí Tây Á… Phải đến sau giải phóng miền Nam (1975) trở đi, văn học Nhật Bản mới được dịch và giới thiệu rộng hơn và sâu hơn ở nước ta.

Văn học Nhật Bản đến với độc giả nước ta khá muộn và chủ yếu được độc giả đón nhận từ những năm cuối thế kỉ XX. Các nhà dịch thuật văn học, tuy hầu như không trực tiếp dịch tác phẩm từ ngôn ngữ nguyên bản tiếng Nhật mà phải qua chuyển ngữ (từ tiếng Anh, tiếng Nga…) sang tiếng Việt, nhưng cũng đã có nhiều cố gắng và nỗ lực. Hàng loạt các tác phẩm văn học Nhật Bản nổi tiếng từ cổ chí kim được tuyển dịch, giới thiệu ở nước ta: từ Kojiki, Genji monogatari cho đến thơ Haiku với đỉnh cao là Basho và hàng loạt tác phẩm của các tác giả nổi tiếng trong nền văn học cận - hiện đại sau này. Cho đến nay, tác phẩm của các tác giả đương đại cũng được chú trọng chuyển dịch như của Haruki Murakami, Yoshimoto Banana... nhưng hầu hết vẫn là chuyển từ tiếng Anh, Pháp sang chứ rất ít tác phẩm được dịch trực tiếp từ tiếng Nhật.

Việc dịch văn học Nhật Bản đã đạt được những thành tựu cơ bản, giúp cho độc giả Việt Nam có một cái nhìn khá bao quát về nền văn học đặc sắc này. Vai trò của các nhà nghiên cứu cũng rất quan trọng trong việc định hướng tiếp nhận cho độc giả khi tiếp cận với nền văn học Nhật Bản.

Danh mục website