Con số 9 biểu trưng

                         Vì 9 là chữ số cuối cùng trong  hệ thống đếm thập phân ( sau 9 là số 10 lại là sự kết hợp của 1 và 0) nên số 9 biểu trưng cho  sự sung mãn, sự trọn vẹn. Nhà triết học Hy Lạp Parménide (544 – 450, trước Công nguyên) nói số 9 chứa đựng các sự vật tuyệt đối. Đây là căn cứ cho hàng loạt lễ nghi tôn giáo, tập tục, tổ chức hành chính từ Đông sang Tây.

           Sự trọn vẹn này được thấy ở quan niệm về cách tu luyện: Muốn thành tiên phải qua 9 lần biến hóa, muốn có thuốc tiên cũng phải qua 9 lần luyện thuốc được gọi là cửu chuyển công thành. Cũng có khi như nấu thần sa, củ cây thục địa, lại phải theo phép  cửu  chưng cửu sái (9 lần nấu, 9 lần phơi). Sự trọn vẹn này cũng thấy ở các thể chế quốc gia.  Vua Hạ Vũ đúc 9 cái vạc làm biểu tượng cho 9 châu trong nước. Xưa Trung Hoa có 9 châu, về sau thành 18 tỉnh thì cũng vẫn là 9 ´ 2. Các đời vua sau  dùng 9 cái vạc đó làm đồ quốc bảo nên được gọi là cửu bảo. Vua  Vũ vương hỏi đạo nơi ông Cơ Tử, ông này nêu 9 đạo lý để trị thiên hạ gọi là cửu trù. Ngũ kinh  và Tứ thư  lập thành cửu kinh cũng được  nhà vua dùng làm sách trị thiên hạ.

Với 9 châu, nhà vua đặt ra 9 cấp quan khanh cai trị  được gọi là  cửu khanh như  Tư đồ, Tôn bá, Tư mã, Thiếu sư… Các đời Hán, Minh, Thanh dùng các tên gọi khác nhau cho 9 chức khanh này. Nơi  vua ở gọi là thâm cung hay chốn thâm nghiêm vì từ đó ra tới ngoài phải qua 9 lần cửa, gọi là cửu trùng.

           Trong nhà trường  cần học  cửu chương toán pháp , còn gọi là  cửu số,  gồm 9 kiểu loại tính toán trong đạc điền, thương mại, cước phí, bình phương… rồi lại có 9  học phái thời Chiến quốc được gọi là Cửu lưu. Trong các nghi lễ xã hội người ta đựt ra cửu lễ, như hôn lễ, tang lễ, triều lễ, sính lễ,…rồi cả hương lễ, ẩm lễ, tửu lễ nữa. Công lao cha mẹ đối với con cái được ghi nhận thành 9 chữ cửu tự cù lao. Quan hệ họ hàng, gia tộc được xếp thành cửu tộc.

           Con số 9 biểu trưng sự trọn vẹn, hoàn hảo. Vậy nên, đối tượng nào có 9 bộ phận giống nhau sẽ rất quí và do đó rất hiếm. Đó là đặc sản con sò biển vỏ có 9 lỗ gọi là cửu khổng. Tới đây các bạn sẽ không ngạc nhiên khi Sơn Tinh, Thủy Tinh muốn được kết duyên cùng Mỵ Nương, con gái vua Hùng, đã phải nhận lời thách cưới kiếm cho ra những con  vật thật quí: voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao… Từ sự trọn vẹn mà hình thành  ý nghĩa  tuyệt đối  cho số 9: mạnh tuyệt đối, cao tuyệt đối, và … đau khổ cũng tuyệt đối.  Thế cửu ngưu nhị hổ (9 trâu, 2 hổ) là thế mạnh lắm. Buồn rầu tột độ là “Khi tựa gối, khi cúi đầu//Khi vò 9 khúc, khi chau đôi mày” (Kiều) và đau đớn tột độ là “ruột đau chín chìu”. Cùng ý nghĩa ấy là câu của Tư Mã Thiên “nhất nhật cửu hồi trường” (một ngày ruột quặn đau 9 lần). Thời kỳ mang thai, mang nặng đẻ đau, của người phụ nữ cũng gắn với số 9:  9 tháng 9 ngày mang thai và một ngày sinh. Biểu trưng cho sự trọn vẹn nên số 9 cũng  là con số biểu trưng cho đỉnh cao của những cố gắng đi tới kết quả, đi tới hạnh phúc trong những thần thoại, tín ngưỡng của các dân tộc khác ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ.

           Déméter, vị thần trồng trọt trong thần thoại Hy Lạp, đã đi khắp thế gian trong 9 ngày để tìm con mình là nàng  Perséphone. Léto – người tình của thần Zeus – đã quặn đau trong 9 ngày 9 đêm mới sinh hạ được cặp song sinh Apollon và Artémis. Nhà thơ thiên tài người Ý Dante (1265 – 1321) cho rằng 9  là con số  biểu trưng Thượng đế,  nhưng cũng là con số biểu trưng cho tình yêu, vì Dante đã gặp gỡ, gắn bó và hình thành một tình yêu lâu bền với Béatrice Portinari (1265 – 1290) ngay từ khi mới 9 tuổi và Beatrice là nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao sáng tác của Dante.

           Với người da đỏ Aztèques ở bắc Mêhicô, vua Tecoco đã xây một ngôi đền 9 tầng tượng trưng cho 9 tầng trời và cũng là 9 con đường mà linh hồn phải trải qua để tới nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Điều này giống hệt ở phương Đông: Thế giới thiên đàng là 9 phương trời (cửu thiên), gồm tâm, tứ phương và tứ ngung (4 góc). Đối lập lại, âm phủ là nơi 9 suối (cửu nguyên    hoặc cửu tuyền). Trong Nhị Độ Mai có câu “Sa cơ một phút ra người cửu nguyên”. Trong niềm tin của người da đỏ Aztèques, số 9 cũng còn biểu trưng cho các loài vật sinh sống về đêm trên trái đất và các âm thần. Số 9 cũng biểu trưng cho mặt trăng vì trăng mọc  về đêm. Địa ngục gồm 9 cánh đồng và chư thần của nó gồm 9 vị do Diêm vương đứng giữa – ở vị trí thứ năm – cai quản. Trong vũ trụ quan của phần lớn các tộc người da đỏ châu Mỹ, thế giới âm phủ có 9 vùng. Trong nghệ thuật chạm đá của người da đỏ Maya, Bolon Tiku, nữ thần thứ chín là nữ thần trăng tròn. Nếu người phương Đông nói “tâng bốc nhau lên 9 tầng mây” với nghĩa là tâng bốc nhau lên cao hết mức, lên tận trời, còn dìm xuống 9 lần vực sâu (cửu uyên) là dìm xuống đáy sâu nhất, tới tận âm phủ thì người Hy Lạp cổ đại cũng coi “9 ngày 9 đêm” là thời gian để đo khoảng cách xa nhất, tức là giữa thiên đàng và trái đất hoặc giữa trái đất và âm phủ. Theo sách Théogonie của nhà thơ Hy Lạp Hésiode (khoảng giữa thế kỷ thứ tám trước Công nguyên), có một cái giá chuông rơi từ thiên đàng , sau 9 ngày 9 đêm thì chạm đất. Lại rơi hết 9 ngày 9 đêm  nữa thì tới Tartare (âm phủ). Trong thế giới thần linh Hy Lạp, thần nào phạm lỗi bị trừng phạt thì phải xa đỉnh núi Olympe trong 9 năm trường. Trong quan niệm Hồi giáo, con số 9 trọn vẹn, linh thiêng biểu trưng cho những con đường giao lưu của con người với  thế giới bên ngoài vì   người ta có 9 lỗ đi vào bên trong thân thể ( hai ở mắt, hai ở tai, hai ở mũi một ở mồm, một ở đường tiểu tiện  và một ở đường đại tiện).

            Con số 9 cũng đóng một vai trò cao siêu, trong thần thoại cũng như trong các nghi lễ đạo Saman của các dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ. Với người Mông Cổ, 9 con của ông Trời thành 9 ngôi sao chia bầu trời thành 9 cung, giống như cửu tinh trong phép bói lục giáp quen biết của chúng ta. Người Tchouvaches ở Volga đã chia các thần linh của họ thành các nhóm 9.  Quan sát các nghi lễ nơi này, ta thấy thường có nhóm 9 thầy tế, 9 vật tế thần… Người Tchéfémisses (còn gọi là Mariis) cũng ở lưu vực sông Volga, khi tế trời cũng dâng 9 chiếc bánh, 9 bình mật ong... Thành viên Hồi giáo ở Syrie cũng tổ chức giới tăng lữ  của họ theo 9 lớp, là 9 vòng tinh tú.

                                                                                                                                                  

       *    

           Trong thế giới các số tự nhiên, 2 và 3 là hai số nguyên tố đầu tiên. Chúng đặc biệt có nhiều biểu trưng. Trong tư duy của con người xuất hiện rất nhiều   bộ ba. Mà 9 =  3 ´ 3  nên 9 cũng là con số đặc biệt: 

 con đường thứ hai hình thành các ý nghĩa biểu trưng của 9 liên quan tới  3 bộ ba.

           Theo một văn bản khuyết danh ở Hy Lạp vào khoảng thế kỷ thứ  5 – 6 (có một thời người ta tưởng là văn bản của Denys  l’Aréopagite) thì thế giới thiên thần chia thành 9 bậc, gộp theo 3 bộ ba là “sự hoàn thiện của hoàn thiện”, “sự trật tự trong trật tự” và “sự thống nhất trong  thống nhất”.

           Mỗi thế giới được biểu trưng bằng một tam giác, tức là bằng một bộ ba: Thiên đàng – Dương  thế - Âm phủ. Vậy 9 là tổng thể của 3 thế giới.

           Sự khai tâm của đạo Orphée  cũng chấp nhận 3 bộ ba biểu trưng các nguyên lý tạo thành 9 phương diện vũ trụ , là:

1.      Đêm tối – Bầu trời – Thời gian

2.      Không trung (éther) – Ánh  sáng – Các tinh tú

3.      Mặt trời – Mặt trăng – Thiên nhiên

Trong đạo Thiện Mazdéisme ở Iran cổ xưa có sách thần Avesta, ở đó có hàng loạt nghi thức liên quan tới 3 bộ ba, như quần áo của người chết phải tẩy rửa 9 lần : 3 lần với nước tiểu (urine), 3 lần với  đất cát và  3 lần với nước…

Cái chết của Chúa Jésus  cũng xảy ra theo một  bộ ba 3 giờ:  bị đóng đinh câu rút lúc 3 giờ, sau đó 3 giờ, tức lúc 6 giờ thì hấp hối. Và sau 3 giờ nữa tức 9 giờ thì tắt thở.

* Cuối cùng, tôi thấy cần đính chính một chi tiết trong bài viết của tác giả P. Phú Phong  khi viết “không cần dùng số 9 để kiểm nghiệm các phép tính”.  Trong thực tế học đường, số 9 được dùng dể kiểm nghiệm các phép tính mà nhiều người còn nhớ khi học trong trường  phổ thông thời trước. Trong bộ Bách khoa thư Larousse của Pháp cũng ghi rõ qui tắc về cách thử phép nhân bằng số 9  (La preuve de la multiplication par neuf) và có chỉ dẫn qua một ví dụ cụ thể: khi nhân số 24 350 với số 148 được số 20 478 350 thì ta có thể thử lại như thế nào? (Tôi không trình bày những chi tiết liên quan tới phép thử này ở đây). Có điều, cần nói rõ là phép thử này chỉ kiểm tra điều kiện cần  của một phép nhân đúng mà thôi. 

(Một số cứ liệu trong mục này được dẫn từ (J. Chevalier & A. Gheerbrant, Dictionnaire  des symboles: mythes, rêves, coutumes, gestes, formes, figures, couleurs,  nombres, vol. III, trang 261 – 264,  Paris, Seghers, 1973 – 1974)

Danh mục website