Ngôn ngữ và văn học làm chúng ta thành người Nga

          Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị văn học Nga diễn ra vào ngày 21 tháng 11 năm 2013 tại Đại học Hữu nghị các dân tộc ở Moskva. Hội nghị đã thu hút hơn 500 đại biểu của các ngành nghề khác nhau, bao gồm các nhà văn, các nhà sản xuất phim, các nhà nghiên cứu văn học và các dịch giả, các giảng viên đại học và giáo viên văn học, các cán bộ thư viện và bảo tàng, các nhà hoạt động sân khấu… của Nga và nước ngoài. Dưới đây là bài diễn văn của ông Putin tại hội nghị.

          Tôi chân thành chào mừng quý vị tham gia hội nghị văn học Nga tại Moskva. Một hội nghị đại biểu như thế này đã lâu không được tiến hành, nếu như từng được tiến hành khi nào đó, thì tôi thậm chí không biết đến. Có lẽ đây là lần đầu tiên các nhà văn, nhà sư phạm, các dịch giả, nhà xuất bản, thư viện, các họa sĩ, nói chung là tất cả những ai có quan hệ với sách vở, với hiện tượng thực sự rộng khắp là văn học, đã tập hợp lại với nhau.

          Hết sức quan trọng là việc đến tham dự ở đây có các chuyên gia cả từ các nước khác, các chuyên gia về văn học Nga của cả thế giới. Tôi muốn được nói với khán phòng: chúng ta hãy đặc biệt chào mừng họ và cảm ơn họ vì đã quan tâm đến sự nghiệp của chúng ta.

          Đó còn là những người đồng bào của chúng ta, và những người bạn từ hải ngoại, gần gũi hay xa xôi. Thống nhất chúng ta ở đây không chỉ là tình yêu đối với di sản văn học Nga, mà còn cả sự hiểu biết sâu sắc về giá trị giáo dục, thẩm mỹ và đạo đức của nó, về ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển của văn minh thế giới và văn hóa thế giới. Tôi tin rằng trong một khán phòng chuyên nghiệp, vô tư như vậy, chúng ta có thể đưa ra đánh giá khách quan về tình trạng hiện tại của nền văn học nước nhà, một cách thẳng thắn và khách quan thảo luận những vấn đề đang tồn đọng và chỉ ra những nhiệm vụ cho tương lai.

          Điều mà tôi tin rằng là mối quan tâm chính và chung nhất – đó là sự giảm sút mối quan tâm đến sách hiện nay, đặc biệt là ở giới trẻ. Đất nước chúng ta từng là một đất nước đọc nhiều nhất thế giới, đã không thể kỳ vọng có được danh hiệu vinh quang đó nữa. Theo thống kê, – mà có lẽ, chúng ta cũng đã nói về điều này ở các hội nghị  bàn tròn – các công dân Nga chỉ dành trung bình 9 phút một ngày đêm cho việc đọc sách, hơn nữa còn có xu hướng giảm xuống ít hơn cả 9 phút đó.

          Tình hình đó được xem là hậu quả của sự phát triển bùng nổ công nghệ kỹ thuật số, và sách mất đi vị trí hàng đầu trong việc chứa đựng thông tin và tri thức.  Con người trước kia tìm thấy câu trả lời cho những vấn đề họ quan tâm chính ở trong sách, còn bây giờ có những khả năng khác. Trước kia hầu như chỉ ở sách người ta mới học cách tư duy, phân tích, cảm xúc, và dĩ nhiên học nói năng cho đúng, bởi ngôn ngữ sống và được tạo thành chính trong văn bản văn học. Minh chứng cho việc sách thôi không còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội là sự xuống cấp của văn hóa chung, và rất tiếc là phải nói về điều này, đó là sự pha trộn, lệch lạc các định hướng giá trị và sự nghèo nàn của ngôn ngữ nói đương đại.

          Ngôn ngữ văn học cổ điển, hay bản sắc dân tộc phong phú nhất hiện nay được tiếp nhận đôi khi như sự ngoại lệ, còn sự cẩu thả đối với các quy tắc của tiếng mẹ đẻ lại trở thành chuẩn mực, rất tiếc là trong số đó có cả ở các phương tiện truyền thông đại chúng, và trong công nghệ điện ảnh.

          Đương nhiên, thật may mắn là tiếng Nga hết sức vĩ đại, khó có thể phá vỡ những truyền thống của nó. Nhưng, tôi xin nhắc lại, chúng ta ngày càng thường xuyên hơn vấp phải cả sự dốt nát lẫn sự sơ lược. Nhiều người trẻ tuổi rất khó khăn mới diễn đạt được một cách rõ ràng thậm chí là ý tưởng của chính mình. Tình trạng này tất nhiên cần phải sửa chữa, dù thế nào đi chăng nữa, cũng cần phải cố làm điều đó, và trước hết là xem lại chương trình giảng dạy văn học và tiếng Nga, đặc biệt ở các lớp lớn. Ngày nay, những môn học này được dành rất ít thời gian so với với ý nghĩa của chúng.

          Tuy nhiên, chỉ đơn giản tăng thêm số giờ học trong tuần thì dĩ nhiên không thể giải quyết được vấn đề. Đóng vai trò to lớn là cá nhân nhà sư phạm, tài năng của anh ta, khả năng động viên, thúc đầy trẻ em đến với việc nghiên cứu sự giàu có của tiếng Nga. Cách đây không lâu ở Moskva diễn ra hội nghị sáng lập Hiệp hội toàn Nga các nhà giáo tiếng Nga và văn học Nga. Chúng ta trông chờ hoạt động của nó sẽ giúp hồi phục uy tín của các nhà giáo ngữ văn và giúp bản thân các nhà giáo chuyển tới được học sinh ý nghĩa vĩ đại của tiếng Nga và tác động của nó đối với việc tạo ra cho mình bản sắc, văn hóa ngôn từ, khả năng giao tiếp.

          Và còn một đề tài quan trọng nữa. Tiếng Nga luôn đóng vai trò thống nhất mạnh mẽ nước Nga đa dân tộc, hình thành bối cảnh văn hóa chung và bối cảnh nhân văn của đất nước. Và ở đây rất cần nhớ rằng chính nhờ tiếng Nga mà cả thế giới biết đến Chingis Aitmatov, Yuri Rytkheu, Alexei Adamovich và Rasul Gamzatov. Truyền thống đó không được mất đi. Nhưng cũng thật tiếc mà phải nói rằng, nó cũng đang mất đi.

Ở Nga không hiếm những tác giả trẻ sáng giá, viết bằng các ngôn ngữ dân tộc của mình. Trong sáng tác của họ phản ánh đặc trưng và vẻ đẹp của đất nước đa dân tộc chúng ta. Và chúng ta ngày nay cần phải đưa vào trong tiến trình dịch thuật sang tiếng Nga những lực lượng văn học giỏi nhất.

          Phát triển thị hiếu đọc và mối quan tâm đến văn học hay dĩ nhiên cần phải từ thuở bé – và không chỉ qua những tác phẩm kinh điển đã được thời gian kiểm chứng. Cần phải làm cho những người đọc nhỏ tuổi nhận ra được cả những tên tuổi mới, những nhân vật mới. Và chính để hỗ trợ những tác giả đương thời, giải thưởng Tổng thống Liên bang Nga trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật dành cho các tác phẩm viết cho thiếu nhi và thanh niên đã được lập ra. Nó sẽ bắt đầu được trao từ năm 2014, là năm mà như quý vị đã biết, được tuyên bố là “Năm Văn hóa”, và dĩ nhiên, sẽ bao gồm trong đó cả loạt các hoạt động gắn với văn học Nga. Đặc biệt, một trong các sáng kiến là việc bổ sung quy chế nhà nước cho chương trình hỗ trợ đọc sách của quốc gia. Tôi cho rằng nên nghĩ đến việc tuyên bố năm 2015 ở Nga là “Năm Văn học”. Dĩ nhiên, trong thế giới hiện đại có thể xuất hiện câu hỏi: nói chung làm thế để làm gì, thị trường sẽ vẫn điều phối tất cả? Nhưng, có lẽ, đây là lĩnh vực mà thị trường không thể điều phối, hoặc ít nhất phải điều phối theo cách cần phải có. Dĩ nhiên, những cuốn sách và các tác giả có thể tự tìm đường cho mình, nhưng cần phải thừa nhận rằng văn học thiếu nhi, những ấn bản hàn lâm, những hợp tuyển tác phẩm của các nhà văn kinh điển không phải lúc nào cũng đạt được chất lượng. Nhà nước cần phải ủng hộ văn học còn bởi vì chính trong văn học luôn đưa ra tiên đoán chính xác nhất về tình trạng xã hội và chỉ ra những điểm huyệt đạo của nó. Và còn một phương diện quan trọng nữa: Một nước được xem là đất nước của văn học như Nga có lẽ trên thế giới không đâu có, dù cho có những vấn đề mà tôi đã nói tới, và có vấn đề suy giảm mối quan tâm với sách. Nhưng thậm chí nếu như sự quan tâm đến đọc và đến sách suy giảm là một xu hướng chung toàn thế giới, thì chúng ta cũng không có quyền thỏa hiệp với nó. Chính chúng ta, không nói quá lời, sẽ phải gánh trách nhiệm trước toàn bộ nền văn minh là phải bảo tồn văn học Nga, giữ gìn nó, giữ gìn tiềm năng nhân văn toàn diện của nó.

          Nhiệm vụ của chúng ta là thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội tới văn học nước nhà, làm cho văn học Nga, tiếng Nga trở thành nhân tố hùng mạnh của ảnh hưởng tư tưởng Nga trong thế giới. Đồng thời ở trong nước, chúng ta cần phải tạo ra một môi trường, trong đó học vấn, sự uyên bác, tri thức văn học cổ điển và hiện đại trở thành nguyên tắc ứng xử tốt. Và dĩ nhiên, việc tập trung sức lực để giải quyết những vấn đề trọng yếu của lĩnh vực văn học là rất quan trọng. Đó là việc xây dựng những điều kiện cho sáng tạo của các nhà văn và cho sự phục sinh những truyền thống phê bình văn học, vạch ra chính sách xuất bản ổn định và sử dụng tích cực những khả năng của các thư viện, các bảo tàng văn học, các nhà tưởng niệm các nhà văn. Nhìn chung chúng ta cần một hệ thống dài hạn, cân nhắc kỹ lưỡng những biện pháp hỗ trợ văn học nước nhà. Tôi biết rằng những vấn đề đó và những vấn đề khác mà tôi đã nói tới, quý vị đã bàn luận ở các hội nghị bàn tròn của mình.

          Để kết luận tôi muốn nói điều sau. Chúng ta đã nói đến phương diện vật chất của vấn đề, điều này liên quan đến cả các nhà giáo. Tôi đã nói rồi và không lặp lại nữa. Theo quan điểm của tôi, chúng ta bắt đầu những bước đi nhất định để cải thiện tình hình, và nó thực sự đang được cải thiện, mặc dù một trong những vấn đề - dĩ nhiên, đó là vấn đề nhà ở đối với giáo chức, cũng như đối với cả giới y tế, đặc biệt với tầng lớp giữa, và đặc biệt ở làng quê. Chúng ta có rất nhiều vấn đề.

          Ở đây các đồng nghiệp đã phát biểu, đã nói rằng: “Rồi sẽ thế nào sau cuộc gặp của chúng ta?” Chúng ta gần đây mới họp Hội đồng văn hóa, và các vị đã viết là đã thông qua quyết định (ở đó cũng đã thảo luận việc này) về việc sẽ đưa trở lại trường phổ thông việc thi môn văn học. Nghĩa là tôi muốn nói rằng các cuộc gặp gỡ tương tự của chúng ta dù sao cũng có ý nghĩa và có sự tiếp tục trong việc thông qua những quyết định cụ thể, được thảo luận trong các sự kiện như vậy.

          Sự kiện hôm nay chắc chắn là đặc biệt trên phương diện thành phần tham dự. Ở đây, tôi xin nhắc lại, có cả các nhà giáo, cả các chuyên gia, cả các nhà phê bình, và dĩ nhiên là cả các doanh nhân. Nhưng kinh doanh ở đây không phải là dầu, là khí, không phải là công nghiệp luyện kim. Người ta nói: 6 triệu doanh thu. Dạng như: ôi, nhiều thế! Nhưng trên thực tế, để đối với kinh doanh thì thế cũng không phải là doanh thu lớn.

          Nói chung, có thể nói, ở đây tập hợp những con người trung thành với sự nghiệp của mình. Mà sự nghiệp của chúng ta – đó là tiếng Nga và văn học Nga, đó là làm người Nga thật sự là Nga. Đó là điều tạo nên thế giới Nga rộng lớn, đa dạng, đa dân tộc, và giữ vững vị thế của nó. Tất cả những điều đó nói chung được tạo ra trong những điều kiện khá khiêm tốn và vì một sự tưởng thưởng vật chất khiêm tốn, đôi khi hầu như không có tưởng thưởng. Giờ đây tôi nhớ đến Mikhail Yurevich Lermontov, ông tổ vĩ đại của chúng ta, nhà thơ vĩ đại của chúng ta, và nhớ rằng tôi đã sử dụng những lời của ông trong chiến dịch tranh cử của mình. Giờ đây, may là không có một cuộc vận động tranh cử nào, nhưng tôi muốn kết thúc cuộc gặp gỡ của chúng ta cũng bằng những lời của ông. Quý vị có nhớ ông đã nói trong một  bài thơ nổi tiếng: “Tôi yêu Tổ quốc, nhưng bằng một tình yêu kỳ lạ!”? Đó là tại sao? Bởi vì nơi mỗi chúng ta đều có một nước Nga của mình, nhưng nước Nga của chúng ta chỉ có một. Cảm ơn quý vị vì sự phụng sự nước Nga!

Trần Thị Phương Phương dịch từ nguyên bản tiếng Nga.

Nguồn: Báo Văn học, số 47, ngày 27/11/2013)

 

Đăng trên: Tạp chí Hồn Việt, số 77, tháng 12 năm 2013

Danh mục website