Vụ chìm tàu Oai Lợi ở Nam Kỳ năm 1933 và bài văn tế của Phan Bội Châu

Hình ảnh Bài báo

Đêm 22 rạng 23 Janvier, 1933 (nhằm ngày 27 tháng chạp năm Nhâm Thân), cách nay tám mươi năm, ở Nam Kỳ đã xảy ra một vụ tai nạn đường thuỷ hết sức thương tâm: gần 100 người về quê ăn tết đã thiệt mạng. Tàu Oai Lợi trên đường từ Sài Gòn đi Trà Vinh đã gặp nạn ở ngả sông Ba Lai. Vụ tai nạn được báo chí Nam Kỳ đưa tin. Nhật báo Đuốc nhà Nam(1) đã đưa tin vụ tai nạn nơi trang nhất liên tục 3 kỳ: Nạn chìm tàu Hoai Lợi, số 813, 1 Février, 1933; Cũng nói về tàu “Oai Lợi” chìm(2), số 814, 2 Février, 1933; Bọn chủ tàu “Oai Lợi” không lo, số 815, 3 Février, 1933.

Qua các bài đưa tin, điều tra của Đuốc nhà Nam cho thấy tàu Oai Lợi vốn là tàu cũ được tân trang để chạy tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho. Oai Lợi gặp nạn là do chở quá trọng tải cho phép vì sự hám lợi của chủ tàu và sự bất cẩn, thiếu kinh nghiệm  của tài công: “Có lẽ chết non một trăm người chớ không ít - Những người còn sống sót nói rằng tại tàu chở quá nặng - Nhiều xác còn nổi lình bình ba bữa tết chưa vớt lên (…) Tối bữa đó là 27 tháng chạp, hành khách là những nữ sanh bãi học, những gia quyến các thầy, lật đật trở về Lục tỉnh ăn tết, kéo nhau xuống tàu Hoai Lợi đông lắm. Theo các tin bữa tàu mới chìm, thì nơi trên tàu chỉ có 149 người, chưa quá số được phép chở, nhưng mà mấy người sống sót về thuật chuyện rằng chuyến tàu ấy họ chở hàng hoá đồ vật không biết bao nhiêu, còn số hành khách họ giấu bớt đi, chớ sự thiệt có tới hai trăm người hay hơn là ít, trên tàu hàng hoá và hành khách chất thôi ngổn ngang không có đường đi lại nữa lận. Có lẽ tới số đó, vì sau khi tàu nhổ neo ở Sài Gòn chạy ra một lúc thấy có mấy chục hành khách dông xe hơi rượt theo tới Lăng Tô rồi xuống tàu, lại khi tới Mỹ Tho tàu không ghé bến mặc lòng nhưng cũng có ghe đưa ra cho rước thêm một mớ là mấy chục người nữa. Thấy tàu chở lúng nặng như thế, có nhiều người khách đã ngỏ ý than phiền, nhưng mà những người ở tín nói rằng tàu lớn, chở bao nhiêu người cũng được, không sao. Những người tỏ ý than phiền đó hình như đã có chỗ lo sợ trước rằng e chuyến tàu này hiểm nghèo không khỏi tai nạn. Quả thiệt, tàu đi khỏi Mỹ Tho một chập, tới chỗ đó là ngã tư Ba Lai gần An Hoá và hồi đó lối 3 giờ rưỡi khuya, thì tàu chìm thiệt. (…) Chú tài công Hoai Lợi không rành nghề hay buồn ngủ không biết, đêm bữa đó sông không có mấy sóng, trời không có mây đen lại đưa tàu nhỏ ngay cồn mà đâm thẳng tới. (…) Thảm thay! Tàu chìm giữa chỗ sông rộng trời khuya, mà lại chìm trong nháy mắt, những người đương thức có thể liều chết nhảy đại xuống đã đành, còn những người đương ngủ nằm trong chỗ kín có lẽ chừng giựt mình dậy không kịp kiếm đường mà chun ra”(3).

Một điều tra riêng của Đuốc nhà Nam với nhân chứng sống sót sau vụ chìm tàu là thầy giáo Lê Văn Dư ở Mỏ Cày đã đưa ra những con số và sự việc cụ thể hơn: “Khi tàu ở bến Sai Gòn nhổ neo ra đi, dưới tàu hàng hoá chất thôi ngổn ngang chật chỗ, còn hành khách có lối 150 người rồi. Đã vậy có lối 20 người đứng trên bờ kêu réo (có các chú nữa). Anh “Xừng chỉ” (cò tàu) bật tiếng các chú, bảo mướn xe qua Lăng Tô thì chở. Bọn này tốc xe lô ca xông theo. Bây giờ dưới tàu đã có 170 hành khách rồi, thuỷ thủ bao nhiêu không biết. Tàu chạy khỏi Lăng Tô ra sông rộng, đã có mấy lần lôi thôi tưởng đâu tàu phải chìm, phần đông lo sợ phập phồng. Xuống tới Mỹ Tho không ai lên bao nhiêu, mà tàu chở thêm cỡ 40 hành khách nữa. Thế là số hành khách trên 200. Tàu ra khỏi Mỹ Tho, anh tài công tên Bảy (một mắt) cầm lái ôm voi, tàu cứ nghiêng lắc hoài, nên tới An Hoá ngừng giữa sông ghe rước hai ba người hành khách rồi chạy luôn từ kinh An Hoá ra sông Ba Lai. Nếu là tài công rành đường thuộc lối thì tưởng cũng không có việc gì nguy biến xảy ra gây nên cái nạn kia đâu”(4).

Sau khi tai nạn xảy ra, điều khiến dư luận bức xúc được báo chí phản ánh là chủ tàu Oai Lợi không tỏ ra lo lắng và không tận tình cứu nạn, các báo bắt đầu vào cuộc điều tra: “Bọn chủ tàu không lo, đi vớt xác cho có chừng, đem tiền mua dụ tang gia (…) Chẳng phải riêng gì chúng tôi đem hết sự thiệt vì sao tàu Oai Lợi chìm ra bày tỏ trên mặt báo mà thôi, hầu hết các báo Tây, Nam ở đây, đại khái đều kỹ thuật nạn ấy như nhau (…) Theo sự thấy biết của chúng tôi thì hình như bọn chủ tàu Oai Lợi (là các chú) không nao núng gì về nạn thảm khốc nầy cả”(5).

Vụ chìm tàu Oai Lợi đã cướp đi nhiều sinh mạng trong những ngày giáp tết đã khơi giợi một mối thương tâm trong lòng dân chúng, độc giả báo chí Nam Kỳ và cả nước. Từ Huế, Phan Bội Châu (1867-1940) có lẽ đã theo dõi khá kỹ sự kiện này, đặc biệt là loạt bài trên nhật báo Đuốc nhà Nam(6) đã kiến ông xúc động viết bài Văn khóc đồng bào bị nạn chìm tàu Oai Lợi ở Nam Kỳ để điếu các vong linh và chia buồn cùng quý quyến của họ. Bài văn tế đăng nơi mục Phụ trương văn chương của báo Đuốc nhà Nam, số 829, ra ngày thứ 2, 20 Février, 1933. Nếu tính từ lúc tàu Oai Lợi lâm nạn (ngày 23 tháng 1 năm 1933) cho đến lúc bài văn tế ra mắt độc giả trên báo chương (ngày 20 tháng 2 năm 1933) thì khoảng gần một tháng. Với tình cảnh và hoàn cảnh của Phan Bội Châu lúc bấy giờ, việc tác phẩm này nhanh chóng đến được với công chúng và còn nguyên tính thời sự cho thấy một sự nhanh nhạy và tấm lòng đối với đồng bào Nam Kỳ của tác giả.

Về văn bản bài văn tế đăng Đuốc nhà Nam, chúng tôi thấy có 3 chỗ bị dập xoá, bỏ trống, tổng cộng 19 dòng của cột báo. Bài Văn tế ngoài việc tỏ lòng xót thương đối với đồng bào lâm nạn còn gián tiếp tuyên truyền tinh thần yêu nước vốn là điểm mạnh nơi ngòi bút của Phan Bội Châu. Xin không xét đến cái nhìn thiên kiến đối với những người “khách trú” (được gọi với danh từ Chệt) chủ tàu, bài văn tế của Phan Bội Châu có thể nói là hết sức cảm động. Sức lay động của tác phẩm này là nhờ sự cộng hưởng với sự kiện và chính tầm ảnh hưởng của cụ Phan đối với quốc dân đồng bào.

Hiện chúng tôi chưa tìm thấy trong các hợp tuyển, tuyển tập, toàn tập (1992) tác phẩm Phan Bội Châu in tác phẩm này. Xin mạn phép chép ra và sơ chú để độc giả lưu tâm về một bài văn tế của cụ gắn với sự kiện chìm tàu Oai Lợi ở Nam Kỳ cách nay 80 năm:

VĂN KHÓC ĐỒNG BÀO BỊ NẠN CHÌM TÀU “OAI LỢI” Ở NAM KỲ

Tiểu dẫn: - Ngày 15 tháng giêng âm lịch, được đọc các báo trong Nam Kỳ thấy có đăng một việc rất thê thảm là đồng bào ta ngót gần 100 người, bị nạn vì tàu Oai Lợi chìm mà chết với tàu đó.

Trời ôi! Cha ôi! Khóc dở, cười dở vậy nên quẹt nước mắt, hoà máu làm mực, viết bài văn như dưới nầy để điếu các vị vong linh và cũng chia buồn với quý quyến các vị đồng bào ta ở trong Nam.

VĂN RẰNG:

Hỡi ôi! Bể khổ mênh mông; thuyền từ hiu quạnh.

Làn sóng bạc há không dưng sôi nổi, tình cờ bình địa ba đào; bạn đầu đen sao cắc cớ tai oan, chốc phút hy sinh tính mạng.

Ba chú khách ghê tham độc quá, vì chữ xu bán hết đồng bào; trăm người mình chẳng tội tình gì, đem vai hoạ gieo đầy một gánh.

Thống duy(7)! Chư vong linh bị nạn chìm thuyền.

Che cọng trời Nam; chở chung đất Việt.

Lục châu quê cũ con nước mẹ in nhau; ngũ tộc đời nay, giống da vàng một hệt.

Có kẻ bạn trai sừng sỏi, đôi vai đương nặng gánh tang bồng; có người bạn gái đầu xanh, ba chữ quyết đền công nghiên viết(8).

Cũng có kẻ trên đường dinh nghiệp, sanh nhai bằng bán bộ buôn tàu; cũng có người trong phái tân thời, hành sắc vẫn giày cừ áo phết(9).

Trỗi nhất là người trong làng báo(10), đương múa cờ dư luận, khua mỏ văn minh; yêu riêng là những bạn bé con, còn vó ngựa yếu mềm, miệng oanh chiu chít.

Đi một lối đường; năm vừa gần tết.

Lần lượt dìu già dắt trẻ, vội vàng cho giáp mặt vua xuân; ai dè khóc quỷ kinh thần, bỗng chốc lại đụng đoàn ma Chệt.

Ngày 27 tháng chạp năm Nhâm Thân, chiếc tàu Oai Lợi từ bến Sài Gòn.

Thuyền ra cửa cờ lên còi hót; khách qua giang gió giục mây dồn.

Giả như thuyền chủ tài công, mười phần cẩn thận; chắc cũng hành nhân quý khách, muôn việc vuông tròn.

Hàng hành trình An Hoá cũng tầm thường, trời lặng sông trong chi quái lạ; mục đích địa Trà Vinh là tuột mực, gió xuôi buồm thuận đáng vui luôn.

Té nảy ra, nhứt đán vô thường, trời đâu ngoảnh mặt; thôi chán quá, chúng sanh đồng kiếp, ta phải hú hồn.

Đau đớn thay! Thuyền chưa tới bến; tàu đụng vấp cồn.

Đêm đen hơn mực; nước xoáy như hòn.

Khách đã đông mà hàng hoá lại nhiều, lúng túng bên nghiêng bên ngửa; chủ vẫn láo mà bạn tàu cũng bướng, tha hồ ai mất ai còn.

Thuyền hủ bại tóm vào tay bạch đoạt(11); kiếp trầm luân xong giữa lúc hoàng hôn.

Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ, đất thấp trời cao, kinh An Hoá té ra vực hẳm; khôn cũng chết, dại cũng chết là vậy, xương chìm thịt nổi, ngã Ba Lai thôi ấy mồ chôn.

Đồng bào ta gần một trăm người, lúc nầy đầu không mũ, chân không giày, lưng không đai, thân không áo; đêm tháng chạp hai mươi bảy đó, tội thiệt vợ mất chồng, em mất chị, bác mất cháu, cha mất con.

Thây lình bình trên mặt nước, muôn mắt nghìn tai, nghe thấy phải gai mình rởn ốc; xác chôn lấp dưới bụng tàu, ba hồn bảy vía, chát chua cho xương bạc máu son.

Nói lại gớm ghê; nghĩ càng tức tối.

Hai ngày nữa là vừa tới tết, nầy bà con, nầy làng họ, ủ ê khi than khóc lại cười khan; Chín chục người may hãy còn hồn, nào bậu bạn, nào anh em, đau đớn nỗi chiêm bao còn mớ hỏi.

Hỡi ôi! Các vị vong linh ta ôi! Rủi gặp hồi đen; uổng trôi máu đỏ.

Chẳng tội gì với lũ Chệt kia (!) mà chết ở trong tay chúng nó (?).

Mới biết câu “vi phú bất nhơn”(12); rồi sẽ thấy “tác oan tự thủ”(13).

Bia ký tội rành rành là chaloupe(14), chắc có ngày trời đất chứng cho; mồ cô hồn thẳm thẳm ấy canal(15), quyết không lẽ thần linh bỏ ngõ.

Đồng Sanh(16) trước lại Đồng Sanh nữa, mui kình miệng sấu, lũ tham tàn khôn tránh trời đày; nhà Nam ta là nhà Nam chung, đốt giấy thiêu hương, lòng từ thiện dám xin Phật hộ!

Viết bài văn nầy, mong chư linh tỏ!!!

PHAN SÀO NAM

*

Câu chuyện đã 80 năm rồi mà ngỡ như như mới hôm qua. Những ngày cuối năm đang đến gần và bắt đầu những chuyến hồi hương, du xuân của hàng triệu người dân Việt trên các chuyến tàu xe xuôi ngược.

 

(Nguồn: Tạp chí Xưa&Nay, số 442-2013)

_____________

(1) Đuốc nhà Nam (1928-1937), Chủ nhiệm: Nguyễn Phan Long; Quản lý: Nguyễn Văn Sâm.

(2) Số 813 và 815 ghi là tàu Oai Lợi, bài văn tế của Phan Bội Châu cũng gọi là Oai Lợi. Sự thay đổi cách gọi từ Hoai Lợi qua Oai Lợi có lẽ bắt nguồn từ phương ngữ Nam Kỳ?.

(3) Nạn chìm tàu Hoai Lợi, Đuốc nhà Nam, số 813, 1 Février, 1933, tr.1.

(4) Cũng nói về tàu “Oai Lợi” chìm, Đuốc nhà Nam, số 814, 2 Février, 1933, tr.1.

(5) Bọn chủ tàu “Oai Lợi” không lo, Đuốc nhà Nam, số 815, 3 Février, 1933, tr.1.

(6) Phan Bội Châu có cộng tác với Đuốc nhà Nam. Có thể kể các bài quan trọng như: Hán học luận đề (số 847; 858); Giáo dục là sanh mạng của quốc dân (số 1093; 1094; 1102; 1107; 1108; 1110; 1111; 1112).

(7) Đau đớn thay.

(8) Tiếng ngoài gọi bút bằng viết (nguyên chú nơi bản đăng báo - PMH).

(9) Giày tốt áo đẹp.

(10) Chỉ nhà báo, nhà văn Trương Lục Kiệt của báo Đuốc nhà Nam gặp nạn trên đường từ Sài Gòn về Trà Vinh. Nhật báo Đuốc nhà Nam đưa tin: “Nạn chìm tàu Hoai Lợi khuya 27 rạng 28 An nam (22, 23 Janvier) ở Ba Lai mới rồi, biết bao nhiêu gia đình mất người thân yêu mà phải than khóc kêu gào, thì Đuốc nhà Nam chúng tôi cũng phải gạt luỵ đau lòng, vì mất một người bạn đồng sự là M. Trương Lục Kiệt” (Ô hô! Trương Lục Kiệt!, số 813 1 Février, 1933, tr.1).

(11) Cướp một cách công khai.

(12) Làm giàu bất nhân.

(13) Mình làm mình chịu.

(14) Thuyền dài.

(15) Kênh rạch.

(16) Chỉ tàu Đồng Sanh từng bị chìm trước tàu Oai Lợi. Báo Đuốc nhà Nam có nhắc lại vụ tai nạn này trong khi tường thuật vụ tai nạn tàu Oai Lợi: “Vừa hồi ngoái tết đầu năm tàu Đồng Sanh chôn ván ở vàm An Hoá, những người mất bà con thân thuộc còn đương khóc lóc chưa thôi, những người nhớ lại chuyện thảm ấy, còn đương giựt mình chưa hết thì ngoảnh đi day lại, đã đến cuối năm trong tết, cũng gần lối cũ, tàu Hoai Lợi bị chìm, số người chết và cảnh thương tâm còn ghê gớm nặng nề hơn chuyến trước nữa. Khúc sông Ba Lai An Hoá là mồ của tàu thuỷ chăng? Oan hồn những người bị nạn Đồng Sanh rủ rê lôi kéo Hoai Lợi xuống đó cho có bạn chăng?” (Nạn chìm tàu Hoai Lợi, số 813, 1 Février, 1933, tr.1).

 


 

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website