20042024Sat
Last updateFri, 19 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Về đặc trưng truyền bá tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc ở Đông Á – lấy Nhị độ mai, Hảo cầu truyện làm đối tượng khảo sát chính yếu

    (Isobe Yuko 磯部佑子(*), Nguyễn Văn Hoài dịch, Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, SỐ 14, THÁNG 11 NĂM 2013)

TÓM TẮT

 

Văn hóa chữ Hán có ảnh hưởng rất nhiều đến Việt Nam, bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Trước khi văn hóa phương Tây xâm nhập vào Đông Á sự ảnh hưởng này đặc biệt mãnh mẽ, và việc hấp thu văn hóa Hán đối với khu vực này cũng hết sức cấp thiết. Bài viết này lấy hai tác phẩm tiểu thuyết tài tử giai nhân của Trung Quốc là Nhị độ maiHảo cầu truyện làm ví dụ để khảo sát cụ thể sự ảnh hưởng của văn hóa chữ Hán đối với các nước nói trên, và sự ảnh hưởng này lại do sự khác nhau về địa vực (bối cảnh văn hóa) mà có những biểu hiện khác biệt.

***

I. MỞ ĐẦU

Khu vực văn hóa chữ Hán là ngoài Trung Quốc ra còn chỉ Việt Nam, bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Những nước này chí ít trước khi văn hóa Tây Âu truyền vào đã mang trong lòng những ước vọng về văn hóa Trung Quốc, cố gắng đưa nó vào quốc gia của mình. Tự nhiên, sự quan tâm chú ý đối với thư tịch của nền văn hóa này cũng hết sức mãnh liệt. Việt Nam, bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản đều mua sách vở của Trung Quốc.

Trung Quốc từ cuối đời Minh đến đời Thanh, vì hoạt động thương nghiệp phát triển mạnh mẽ và sự biến đổi cơ cấu nông thôn nên đã xuất hiện rộng rãi tầng lớp biết chữ, khiến cho một lượng lớn sách giá rẻ được tung ra thị trường. Đương nhiên, Việt Nam, bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản đều hi vọng mua được những sách vở này. Ví dụ như, theo Giang Hộ thời đại Đường thuyền trì độ thư đích nghiên cứu (Nghiên cứu việc tàu thuyền Trung Quốc đưa sách vở sang Nhật Bản thời Edo) [1], trong số rất nhiều hàng hóa được các thương nhân Edo mua thì sách tiểu thuyết chiếm một lượng rất lớn.

Vốn dĩ mục đích của việc mua sách là vì học vấn, là muốn thông qua sách vở để học hỏi văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, mặc dù mua những tiểu thuyết thông tục này, nhưng vì số người có thể đọc được những sách vở viết theo lối khẩu ngữ(1) có hạn, nên về mặt truyền nhập và tiếp thu những tiểu thuyết thông tục này, có thể thấy được tình hình khác biệt so với việc tiếp thu sách vở học vấn của Nho gia. Đặc biệt là khi khảo sát những tiểu thuyết hết sức thông tục có tính tiêu biểu của Trung Quốc như Tam quốc diễn nghĩa, Tây du kí, có thể thấy rõ nét đặc thù và sự khác nhau trong việc tiếp thu văn hóa Trung Quốc đối với các nước thuộc khu vực văn hóa chữ Hán như Việt Nam, bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

Bài viết này lấy hai tác phẩm Nhị độ maiHảo cầu truyện làm ví dụ để khảo sát tình hình tiếp nhận văn hóa chữ Hán của Việt Nam, bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, đồng thời đi vào phân tích bối cảnh của chúng.

II. TÌNH HÌNH TIẾP NHẬN NHỊ ĐỘ MAI

1. Việc xuất bản Nhị độ mai

Nhị độ mai là tiểu thuyết tài tử giai nhân đời Thanh. Tình tiết câu chuyện của nó như sau: Mai Bích, con trai của Mai Khôi Tri huyện Lịch Thành, phủ Tế Nam, Sơn Đông thời Đường Túc Tông là nhân vật chính của tác phẩm. Nhân vật Mai Khôi là một vị quan thanh liêm nổi tiếng, sau đó được thăng chức làm Lại bộ Đô hội sự. Mai Khôi để vợ và con trai là Mai Bích trở về quê cũ ở Thường Châu, một mình đi nhậm chức. Lúc bấy giờ, quan Tể tướng Lư Kỉ và Lại bộ Hoàng Tung là hai kẻ gian nịnh, thao túng quốc sự, âm mưu hãm hại Mai Khôi. Lư Kỉ bày mưu, muốn đặt Mai Khôi dưới trướng của mình, Mai Khôi cho đó là nhục, không chịu nghe theo. Lư Kỉ lại muốn ám sát Mai Khôi, vu hại Mai Khôi là ngầm thông đồng với Thát Đát phản lại triều đình. Triều đình mù quáng tin theo lời sàm tấu, xử Mai Khôi tội chết.

Lư Kỉ lại giả truyền thánh chỉ phái người đến Thường Châu bắt cả họ nhà Mai Khôi. Mẹ con Mai Bích biết được tin báo từ bạn bè, định đến nhà họ hàng thân thích lẩn trốn. Vì sự việc xảy ra quá đột ngột, nên Mai Bích hoán đổi thân phận của mình với Hỉ đồng đến gặp thân thích. Kết cục Hỉ đồng đóng vai Mai Bích bị bắt, trên đường bị áp giải về kinh thành đã tự vẫn mất mạng. Còn Mai Bích thì thoát chết bỏ chạy đến Dương Châu, khi đến chùa Thọ Am định tự sát, nhưng được sư Hương Trì cứu sống đổi tên thành Vương Hỉ Cánh. Sư Hương Trì từng làm đến chức Binh bộ thượng thư, nhưng sau khi Lư Kỉ được trọng dụng, ông đã từ quan xuống tóc xuất gia.

Mấy tháng sau, Trần thượng thư (tức Trần Đông Sơ) quay về quê, tìm đến chùa này, Hương Trì lại ra làm quan, Mai Bích cùng theo ông, và nhận lão bộc Vương Chính làm cha nuôi. Trần thượng thư có con gái là Hạnh Nguyên và con trai là Xuân Sinh. Sau khi Mai Khôi chết tròn một năm hoa mai nở rộ, Trần thượng thư điếu tế vong linh của Mai Khôi, cầu cho Mai Bích con của ông sau này sẽ vượt trội hơn người. Nhưng vì nửa đêm có mưa to khiến cho hoa mai nghiêng ngã điêu tàn. Trần thượng thư trong lòng dấy mối cảm thương và có ý xuất gia làm sư. Hạnh Nguyên trăm phương ngàn kế khuyên ngăn nhưng ông chẳng hề để ý, chỉ cầu nguyện cho hoa mai nở rộ thêm lần nữa. Mai Bích cũng cầu nguyện như vậy. Quả nhiên hoa mai nở lần hai. Mai Bích vô cùng vui mừng viết một bài thơ báo cho Trần thượng thư. Trần thượng thư đọc bài thơ, mới biết Hỉ Cánh chính là Mai Bích, con trai của Mai Khôi.

Lư Kỉ vốn bất hòa với Trần thượng thư, ra lệnh bắt Hạnh Nguyên xuất giá sang Phiên Nô. Mai Bích và Xuân Sinh tiễn Hạnh Nguyên đến Nhạn Môn quan, Hạnh Nguyên lấy ngọc giải và kim thoa tặng cho Mai Bích làm quà chia tay. Bên dòng Hắc Thủy, sau khi lễ bái miếu Chiêu Quân, Hạnh Nguyên gieo mình xuống sông tự vẫn. Nhưng nàng được anh linh của Chiêu Quân cứu, đưa đến nhà Trâu ngự sử ở Hà Nam. Binh sĩ Phiên Nô không còn cách nào, đành lấy a hoàn Thúy Hoàn thay Hạnh Nguyên đưa sang Phiên Nô.

Trâu ngự sử tên Tái, nhận lệnh lên kinh nhậm chức. Vợ chồng ông có cô con gái tên là Vân Anh, hai mẹ con vẫn ở nhà. Gặp Hạnh Nguyên đáng thương nhận làm con nuôi. Hạnh Nguyên đổi tên thành Nguyệt Anh, xưng chị em với Vân Anh.

Lư Kỉ vu cáo Trần thượng thư, khiến ông bị tội vào tù. Ngoài ra còn ra lệnh bắt con trai và cháu trai của Trần thượng thư. Đại học sĩ Đảng Tiến âm thầm giúp đỡ Xuân Sinh và Mai Bích thoát chết. Trên đường Mai Bích gặp phải cường đạo cướp hết của cải, sau đó bị quan binh bắt rồi làm người dưới trướng của Đô sát viện Phùng Thiên Lạc, đổi tên thành Mục Vinh, trở thành binh lính của Trâu ngự sử.

Không chốn dung thân, Xuân Sinh định tìm đến cái chết nhưng được một cô gái làng chài cứu mạng. Cô gái ấy tên là Ngọc Thư, hai người dần nảy sinh tình cảm. Nhưng, Ngọc Thư lại bị con trai của Giang tri phủ để ý, bắt đưa đến phủ ép làm vợ hắn. Xuân Sinh đệ đơn kiện đến Khâu Quân Môn. Khâu Quân Môn quát mắng con trai của Giang tri phủ. Khâu Quân Môn chính là cậu của Mai Bích. Lúc ấy Mai phu nhân cũng có trong phủ, Phùng thị - phu nhân của Khâu Quân Môn - chính là em gái của Đô sát viện Phùng Thiên Lạc, có một cô con gái là Vân Tiên hãy chưa gả cho ai. Sau đó biết được Xuân Sinh là nghĩa đệ của Mai Bích. Xuân Sinh kể hết những trắc trở đã trải qua cho Mai phu nhân. Khâu Quân Môn nhận Xuân Sinh là con nuôi và đổi tên là Khâu Khôi, hiệu là Xuân Sinh. Ngọc Thư và mẹ cùng được vời đến phủ đệ để Xuân Sinh yên tâm đèn sách.

Mai Bích ở chỗ Trâu ngự sử giữ chức Thư kí, được Ngự sử vô cùng tín nhiệm, muốn gả Vân Anh cho chàng. Trâu ngự sử phụng mệnh vua lên kinh, Trâu phu nhân để Mai Bích đi đưa tin. Như vậy, Mai Bích sẽ thường xuyên ở lại Trâu phủ, có cơ hội tìm hiểu Hạnh Nguyên. Sau khi Trâu ngự sử được thăng chức Binh bộ thị lang, quay về nhà gả Hạnh Nguyên và Vân Anh cho Mai Bích. Không lâu sau, Mai Bích lấy tên là Mục Vinh đến Đại Danh phủ tham gia thi cử. Đến kì Hội thí chàng gặp lại Xuân Sinh. Mai Bích đỗ đầu, Xuân Sinh đỗ thứ hai. Đến kì Điện thí, Mai Bích đỗ Trạng nguyên, Xuân Sinh đỗ Thám hoa. Lư Kỉ thấy Xuân Sinh tuổi trẻ mà đỗ cao muốn gả con gái cho chàng, nhưng bị chàng cương quyết từ chối. Lư Kỉ tức giận định gán tội cho chàng. Xuân Sinh từ quan bỏ trốn. Nghe được việc này, nhiều Tiến sĩ, Cử nhân vô cùng bất bình dâng tấu lên trên. Vua biết được, cho bắt Lư Kỉ và Hoàng Tung giam vào ngục chịu hình. Trần thượng thư được phục chức, Mục Vinh và Xuân Sinh được khôi phục danh tánh, Mai Khôi được rửa sạch oan tình. Mai Bích đến trước mộ cha bẩm báo lại sự việc. Sau khi triều chính đổi thay trừ ác dương thiện, lập bia viết truyện cho Hỉ Cánh. Về sau, Mai Bích về kinh cưới Hạnh Nguyên và Vân Anh, Xuân Sinh cùng Vân Tiên và Ngọc Thư kết duyên.

Bộ tiểu thuyết này không thoát khỏi khuôn mẫu thông thường của tiểu thuyết tài tử giai nhân. Nhưng, câu chuyện kể về việc nếm trải những khó khăn gian khổ có sức lay động mạnh đối với độc giả, đến mức có rất nhiều văn bản được lưu truyền đến nay. Những văn bản này đại thể có thể phân thành nhóm phồn bản - bản đầy đủ (như bản khắc in của Đạm Nhã Đường, tàng bản của Hữu Văn Đường, bản khắc in của Phúc Văn Đường,…) và nhóm giản bản - bản giản lược (như bản khắc in của Văn Phú Đường, Văn Ngọc Trai, Hữu Vu Đường). Nhìn từ góc độ niên đại xuất bản thư tịch từ khi tác phẩm lưu truyền đến nay, thì từ năm Gia Khánh thứ nhất đến Dân Quốc việc xuất bản bộ tiểu thuyết này chưa từng bị gián đoạn. Địa điểm xuất bản là các thành thị chủ yếu ở Trung Quốc, như Kinh Đô Văn Thành Đường, Cô Tô Lục Thận Đường, Dương Thành Đơn Quế Đường, Vũ Xương Tụ Anh Đường, Thượng Hải Tảo Diệp Sơn Phòng,…

2. Tình hình tiếp nhận ở Nhật Bản

Theo công trình Giang Hộ thời đại Đường thuyền trì độ thư đích nghiên cứu thì niên đại Nhị độ mai truyền đến Nhật Bản trễ nhất cũng không muộn hơn đầu thể kỉ 18. Kyokutei Bakin 曲亭馬琴 (1767-1848), tiểu thuyết gia nổi tiếng thời Edo, trong thư viết cho Tonomura 殿村vào ngày 28 tháng 4 năm Thiên Bảo thứ 3, có ghi chép lời luận bình về Nhị độ mai như sau: “Đã mua 1 bộ Nhị độ mai. Cảm ơn đã chiếu cố. Dù chỉ có 6 quyển, nhưng sách này vô cùng kì diệu. Đối với tôi nó thật hết sức hữu ích”. Kyokutei Bakin đã đánh giá cao bộ tiểu thuyết này, ông dành cho nó lời khen “vô cùng kì diệu”. Nhưng Kyokutei Bakin cảm thấy bộ tiểu thuyết này đối với tầng lớp bình dân hơi đắt đỏ, thế là 8 năm sau đó viết thư nhờ người bán nó đi. “Nhị độ mai là 1 bộ sách gồm 6 quyển khắc khổ nhỏ, mua vào giá 3 châu(2), nếu 2 châu thì có thể bán. Thủy hử truyện toàn truyện 4 tập gồm 24 quyển, giá 2 lạng 1 phân, mua từ một người ngoài nghề đến từ Nagasaki 長崎. Mong có thể bán nó với giá khoảng 2 lạng” [2].

Kì thực, Nhị độ mai có ảnh hưởng rất lớn đến tiểu thuyết Giấc mộng Nam Kha của Sanshô và Hanshichi 三七全傳南柯夢 (còn gọi Tam Thất tiết tháo toàn truyện Nam Kha mộng三七節操全傳南柯夢) của Kyokutei Bakin [3]. Sự ảnh hưởng này có thể căn cứ trên hai phương diện cấu trúc tác phẩm và tên sách để tiến hành khảo sát. Ở phương diện cấu trúc tác phẩm, từ việc “đôi trai gái gặp gỡ nhau – hứa hẹn kết duyên – chia li – chàng trai kết hôn cùng cô gái khác và tiết tháo của người con trai – trùng phùng – sự đoàn viên của bộ ba một chồng hai vợ”, cho thấy hai tác phẩm có cùng một mô thức. Ngoài ra, các từ “trung hiếu tiết nghĩa”, “toàn truyện” trong tên sách Trung hiếu tiết nghĩa Nhị độ mai toàn truyện cũng có ảnh hưởng lớn đến các từ “tiết tháo” và “toàn truyện” trong tên tác phẩm Tam Thất tiết tháo toàn truyện Nam Kha mộng. Trong công trình Ảnh hưởng của tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung quốc – Luận về Bakin [4], người viết từng định nghĩa tiểu thuyết tài tử giai nhân là: (1) Câu chuyện về tài tử và giai nhân; (2) Những thử thách mà đôi nam nữ phải trải qua là do số trời đã định trước, sau khi khắc phục được thì vui kết duyên lành; (3) Không có những tác phẩm theo mô thức miêu tả tính dục một cách cực đoan. Theo ý nghĩa này thì Nhị độ mai vẫn chưa thoát khỏi khuôn mẫu thông thường. Nhưng, vì ở Nhị độ mai có thêm vào luồng tư tưởng trung tâm là “tiết tháo nam nhi” vô cùng mãnh liệt, mới khiến cho Tam Thất tiết tháo toàn truyện Nam Kha mộng trở thành tác phẩm lấy việc tuẫn tình một cách thuần túy làm đặc trưng. Kyokutei Bakin đã tìm được điểm đặc biệt và mới lạ này ở Nhị độ mai.

Tuy nhiên, ngoài Kyokutei Bakin đem “tiết tháo nam nhi” của tiểu thuyết Trung Quốc đưa vào tác phẩm của mình ra, ở Nhật Bản không có mấy những biểu hiện quan tâm đến Nhị độ mai. Phần lớn cho rằng đây chỉ là một bộ tiểu thuyết bình thường. Ví dụ, Kimura Mokurô木村墨老 - bạn của Kyokutei Bakin luận bình rằng: “Những bộ như Ngọc Kiều Lê, Nhị độ mai, Liệu đố truyện 疗妒传 (3) là những tác phẩm chỉ khoảng 4 - 5 quyển miêu tả tài tử và giai nhân kì ngộ. Chúng là những thứ của các hàng sách ở Đường Sơn, viết theo lối bịa đặt dài dòng vì mục đích mua bán” (Quốc tự tiểu thuyết thông) [5]. Ở đây nói đến việc “Chúng là những thứ của các hàng sách ở Đường Sơn, viết theo lối bịa đặt dài dòng vì mục đích mua bán” nhằm cho thấy rằng tiểu thuyết tài tử giai nhân chẳng qua chỉ là những sản phẩm trong hoạt động của các hàng sách vì mục đích kinh doanh, đồng thời cũng nói rằng đây là một bộ tiểu thuyết không đáng để bàn đến.

Những tiểu thuyết kiểu “(1) Câu chuyện về tài tử và giai nhân; (2) Những thử thách mà đôi nam nữ phải trải qua là do số trời đã định trước, sau khi khắc phục được thì vui kết duyên lành; (3) Không có những tác phẩm theo mô thức miêu tả tính dục một cách cực đoan”, ở Nhật Bản lúc bấy giờ khả năng được dịch hoặc cải biên rất thấp, nhưng vì trong Nhị độ mai có chủ đề về “tiết tháo nam nhân” gây hứng thú với người đọc, nên mới được Kyokutei Bakin đưa vào tác phẩm của mình. Vì lúc bấy giờ ở Nhật Bản ngành xuất bản phát triển mạnh nên có lẽ cần những tác phẩm khiến người đọc thêm phần hứng thú.

3. Tình hình tiếp nhận ở Việt Nam

Tình hình tiếp nhận Nhị độ mai ở Việt Nam lại có khác khác biệt lớn. Ở Việt Nam do từ năm 1905 chịu sự thống trị của Pháp đến khi bị Nhật xâm lược năm 1940, có rất nhiều sách được phiên dịch ra chữ Quốc ngữ mẫu tự La-tinh. Được biết số lượng loại sách này có 1000 đến 2000 quyển(4). Chúng chủ yếu được sử dụng cho việc học chữ Quốc ngữ. Lúc bấy giờ không chỉ có Tam quốc diễn nghĩa mà còn xuất bản những tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết tài tử giai nhân khác nữa. Liên quan đến tình hình lúc đó, Phan Kế Bính (1875 – 1921), kí giả của báo Đông Dương tạp chí và cũng là dịch giả bản tiếng Việt mẫu tự La-tinh Tam quốc diễn nghĩa được xuất bản ở Hà Nội, đã đưa ra lời bình luận như sau: “Người An Nam chúng ta hiện nay đã có rất nhiều người học chữ quốc ngữ, thật là một việc đáng mừng! Trước kia đàn ông nước ta phải trải qua cố gắng gian khổ nhiều năm, tốn kém nhiều tiền của cha mẹ mới có thể đạt đến chỗ tay cầm sách ngâm ngợi bổng trầm mà thực ra chưa hẳn đã lĩnh hội được tinh thần sách. Nhưng hiện nay, chẳng kể nam giới, ngay cả nữ giới, thậm chí các cô gái và những đứa trẻ ngây thơ đều có thể cầm sách đọc, mà đọc một chữ hiểu một chữ, đọc một câu có thể hiểu ý vị trong đó, có thể nói là lĩnh hội được tinh thần của sách… Song đáng tiếc là chữ thì dễ đọc, người người đều hiểu nhưng tìm sách ở đâu mà đọc? Đọc hết Cung oán ngâm khúc lại đọc Truyện Kiều, tất cả cộng lại cũng không quá mấy chục loại, người đọc nhanh chỉ ba ngày là hết sạch... Vì những nguyên nhân trên, chúng tôi mới quyết định xuất bản những tập sách này, gọi là sách nước ngoài dịch nôm, mỗi tuần ra một tập” [6].

Chính vì thế một lượng sách lớn đã được xuất bản, không chỉ Tam quốc diễn nghĩa mà những tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết tài tử giai nhân khác cũng được mọi người nồng nhiệt đón nhận. Không những tác phẩm viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, mà ngay cả được viết bằng chữ Quốc ngữ kí âm La-tinh cũng tiếp nhận tiểu thuyết Trung Quốc. Điều này cho thấy trong xã hội truyền thống đã có một lượng lớn tiểu thuyết Trung Quốc được tiếp nhận.

Trong công trình Ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc đối với Việt Nam của Nhan Bảo, có dẫn ra trong khoảng thời gian từ năm 1906 đến năm 1960, sách được Việt Nam phiên dịch có 316 loại. Trong đó các tiểu thuyết diễn nghĩa như Tam quốc diễn nghĩa, Phản Đường diễn nghĩa, Phong thần diễn nghĩa,…chiếm một tỉ lệ rất lớn. Liên quan đến Nhị độ mai có những đầu sách sau:

Mai Lương Ngọc diễn nghĩa, Nguyễn An Khương dịch, Sài Gòn, xuất bản năm 1909.

Mai Lương Ngọc diễn nghĩa, Phạm Văn Cường dịch, Sài Gòn, xuất bản năm 1927.

Nhị độ mai, Nguyễn Văn Bân dịch, Hà Nội, xuất bản năm 1929.

Ngoài ra, căn cứ vào điều tra của giáo sư Vương Tiểu Thuẫn ở trường Đại học Thanh Hoa và đồng sự, Thư viện của Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội có lưu giữ thư tịch liên quan đến Nhị độ mai, tra cứu Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu thì thấy có có khoảng 7 loại [7].

Nguyên nhân Nhị độ mai được nhiều độc giả Việt Nam yêu thích, thứ nhất, có thể nói là do câu chuyện miêu tả Hạnh Nguyên bị ép gả đến nơi biên cương xa xôi từ Hồi 17 “Tuyển mĩ nữ bách tính kinh hoàng; Nhận huynh đệ gia đình thống khốc” đến Hồi 21 “Chân dung đầu lạc Phi Nhai hạ; Giả bán quý nhân hòa Phiên bang”. Câu chuyện bị ép gả sang nước khác trong lịch sử Việt Nam rõ ràng đã xảy ra không ít. Chuyện một cô gái cô thân đau khổ bơ vơ, cương quyết cự tuyệt bức hôn, tự vẫn để giữ tròn danh tiết, đã tạo nên sự đồng cảm, hình thành một tầng lớp độc giả; Thứ hai, trong tác phẩm xuất hiện hình tượng cô gái làng chài Ngọc Thư. Từ hồi 24 “Lộ bàng vô nại Xuân Sinh đầu thủy; Ngư nhân hữu duyên Ngọc Thư liên nhân” đến Hồi 29 “Chu ngư bà mẫu nữ đắc phú quý; Mục tướng công Trâu phủ tống gia thư”, miêu tả gia đình thuyền chài cứu Xuân Sinh, còn cho Xuân Sinh chỗ học hành trên thuyền. Ngược lại Xuân Sinh giúp cô bán cá. Không lâu sau Xuân Sinh tìm được vẻ đẹp “Quốc sắc thiên hương há do trang phục; quần bô áo bố hơn cả nghê thường; Nếu đeo chuỗi ngọc đứng trước gió; ngỡ là Thường Nga xuống cõi trần” ở Ngọc Thư, sau đó thậm chí cảm nhận được một “phong thái đại gia” trong bản thân nàng. Thế là hai người cùng nhau sinh sống trên thuyền, mãi cho đến khi Xuân Sinh thành tựu hơn người. Hình tượng một Ngọc Thư bình dân như thế (đặc biệt là người Việt vùng ven biển), đối với việc tiếp nhận tác phẩm có ý nghĩa vô cùng to lớn.

3. Tình hình tiếp nhận ở bán đảo Triều Tiên

Những ghi chép về Nhị độ mai ở bán đảo Triều Tiên chỉ thấy có Nhị độ mai gồm 6 quyển trong Tập Ngọc Trai thư mục (Hàn Quốc sở kiến Trung Quốc tiểu thuyết hí kịch thư mục tư liệu tập) [8], so với văn bản Bình Sơn Lãnh YếnNgọc Kiều Lê…thì có những bất đồng khá lớn. Bình Sơn Lãnh Yến ở Kyu Jang Gac 奎章閣có 2 loại, ở Seong Kyun Kwan 成均館có 3 loại, ở Đại học Đông Á東亞大có 1 loại, ở Park Jae Yeon 朴在淵 có 1 loại, ở Viện Nghiên cứu văn hóa tinh thần có 1 loại, ở Thư viện Trung ương có 1 loại,… Ngoài ra, Bình Sơn Lãnh YếnNgọc Kiều Lê cũng có bản tiếng Triều Tiên. Bình Sơn Lãnh Yến là điển hình của loại tiểu thuyết tài tử giai nhân, có lẽ là do nó tiếp thu phong vị “loạn mà không dâm”. Vì dùng làm giáo trình học tiếng Triều Tiên cho người Nhật mà Ngọc Kiều Lê được phiên dịch.

Nhị độ mai được lưu truyền ở Trung Quốc, tình hình tiếp nhận nó ở bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam không giống nhau. Nguyên nhân khiến tác phẩm này không được tiếp nhận có lẽ là do nó bị xem như một tác phẩm văn học thô thiển tầm thường.

III. TÌNH HÌNH TIẾP NHẬN HẢO CẦU TRUYỆN

1. Hảo cầu truyện

Tuy tới nay vẫn chưa xác định được chính xác thời gian sáng tác Hảo cầu truyện, nhưng có thể khẳng định đầu thế kỉ 18 tác phẩm này đã ra đời. Tình tiết câu chuyện đại lược là: Tú tài đời Minh Thiết Trung Ngọc là một nhân vật anh tuấn hào hiệp. Cha chàng là Ngự sử Thiết Anh, tính tình cương trực, không a dua nên sa vào vòng tù tội. Thiết Trung Ngọc mưu trí, dũng cảm xả thân cứu cha. Khi Thiết Trung Ngọc du học ở Sơn Đông, đã từng cứu con gái của Binh bộ thị Lang Thủy Cư Nhất. Nguyên do là con trai của Đại học sĩ là Quá Kì Tổ ép Thủy Băng Tâm - con gái của Thủy Cư Nhất - kết hôn với mình. Băng Tâm vì cảm ơn cứu giúp đó, nên khi Trung Ngọc bị bệnh nàng đã đưa chàng về nhà để tiện bề chăm sóc. Thế nhưng, trái tim của hai người tuy cùng nhịp đập, nhưng hành động, ứng xử lại hết sức nghiêm cẩn. Quá Kì Tổ không ngừng ép Băng Tâm kết hôn nhưng rốt cuộc vẫn thất bại, nên bày chuyện vu cáo nàng. Thiết Trung Ngọc đã dốc toàn lực trợ giúp cha con Thủy Băng Tâm.

Sau đó Thủy Cư Nhất được thăng chức Thượng thư, có ý muốn gả Băng Tâm cho Trung Ngọc, nhưng hai người lấy lí do là khi Trung Ngọc mắc bệnh Băng Tâm vì chăm sóc cho chàng nên có phần không hợp lễ để từ chối. Sau khi Thiết Trung Ngọc đậu Tiến sĩ, giữ chức Hàn lâm, tuy đã kết phu thê với Thủy Băng Tâm nhưng hai người vẫn không chung chăn gối. Khi ấy Quá Kì Tổ vẫn ôm hận trong lòng, bèn đem việc Trung Ngọc và Băng Tâm trước khi kết hôn đã từng chăm sóc cho nhau làm cớ bêu xấu hai người đã làm những chuyện thương phong bại tục. Hoàng thượng bèn hạ lệnh điều tra việc ấy, kết quả Băng Tâm vẫn là một trinh nữ. Vì chuyện ấy mà hai người được ca ngợi là “cặp đôi tiêu biểu nhất trong các lứa đôi tốt đẹp”, được rửa oan và chính thức kết nghĩa vợ chồng.

Như đã tóm lược ở trên, Thiết Trung Ngọc và Thủy Băng Tâm trong Hảo cầu truyện thuộc về tài tử và tài nữ. Tuy chưa thoát khỏi mô hình thông thường của tiểu thuyết tài tử giai nhân, dùng hình thức thơ phú để trao tâm tỏ ý, nhưng tác phẩm đã mô tả Trung Ngọc và Băng Tâm là hai nhân vật cực kì nghiêm cẩn, họ là một đôi nhân vật chân chính phù hợp với lễ giáo. Tác phẩm sắp đặt tình tiết đan xen quanh co phức tạp, ngôn từ thì trau chuốt tinh mĩ, người đời sau khen ngợi hết lời, được cải biên thành các vở truyền kì như Tiểu Hà châu小河洲của Lý Ấm Giai 李蔭佳(5), Hảo cầu truyện好逑傳của Trần Tồn Mai 陳存梅, Uyên ương hiệp鴛鴦俠của Ngô Nghiệp Phổ 吳業溥. Tác phẩm không những hoàn toàn không miêu tả những điều dâm tục, mà còn khiến người đọc cảm nhận một tinh thần phê phán thói dâm tục.

2. Tình hình tiếp nhận ở bán đảo Triều Tiên

Tại Hàn Quốc, trong Tiểu thuyết kinh lãm giả thư mục của Yun Deok Hee 尹德熙 (1762) [9] và Trung Quốc tiểu thuyết hội mô bản của Wan San Lee 完山李 (1762) [10] đều có thể thấy được tên của tác phẩm này. Về văn bản, ở Seong Kyun Kwan còn lưu giữ 2 loại, ở Viện Nghiên cứu văn hóa tinh thần có 1 loại, ở Kyu Jang Gac có 2 loại, ở Đại học nữ sinh I-Hwa梨花女大 có 1 loại,… Về văn bản phiên dịch ra tiếng Triều Tiên, trong Cảnh ấn hiệu chú - Hàn Quốc cổ đại tiểu thuyết tùng thư IV có tác phẩm Hảo cầu truyện thục nữ tri kỉ, do Đại học nữ sinh I-Hwa xuất bản năm 1975. Bản dịch này căn cứ vào bản Hảo cầu truyện 18 quyển 4 sách (bản sao) của Kyu Jang Gac. Tuy nhiên niên đại vẫn khó xác định(6), ước khoảng thế kỉ 18 đến thế kỉ 19. Liên quan tới bản tiếng Triều Tiên này, trong Hảo cầu truyện nghiên cứu [11] Lee Hye Soon 李慧淳 đã chỉ ra: (1) Văn bản chuyển dịch cơ bản trung thực, nhưng những vấn đề không ảnh hưởng tới nội dung thì biểu hiện tương đối giản lược. Có chỗ tỉnh lược thơ từ và có chỗ dùng từ thay thế cho thơ. (2) Vì ngôn từ cô đọng, nên việc miêu tả trang sức và mô tả cảm giác bị giản lược, đôi chỗ có phần khô khan nhàm chán. (3) Trong quá trình chuyển dịch và bổ sung thêm câu cú, có nhấn mạnh nội dung bổ sung ít nhiều, còn có ví dụ minh họa rõ ràng. (4) Có sửa qua nội dung và dịch giả chuyển dịch không sát với nguyên tác v.v…

Liên quan tới mục (1), phần thơ từ đưa vào tiểu thuyết nói chung là có tính khái quát nội dung chính của câu chuyện, ngầm chỉ và nói rõ quan điểm của tác giả, nhưng chúng dễ khiến cho tác phẩm có tính chủ quan, thiếu cảm giác chân thực. Sự tỉnh lược thơ từ trong trong bản tiếng Hàn, ngoài nguyên nhân phiên dịch còn có nguyên nhân bán đảo Triều Tiên vốn không có truyền thống đưa thơ từ vào tiểu thuyết để bình luận. Về niên đại phiên dịch tác phẩm, theo niên đại bản xuất bản ở Trung Quốc thì bản tiếng Hàn có lẽ xuất hiện khá sớm. Thời kì này, ở Hàn Quốc tiểu thuyết giảng nghĩa đời Minh đã được phiên dịch, nhưng việc phiên dịch các tác phẩm tiểu thuyết tài tử giai nhân vẫn còn chưa được triển khai(7). Có lẽ dịch giả muốn nhấn mạnh tư tưởng lễ giáo nên mới dịch tác phẩm này. Cản trở sự kết hợp giữa tài tử và giai nhân không phải đơn thuần là người thứ 3, mà là quan điểm luân lí tự thân của họ. Nhân vật trong tác phẩm dựa vào ý thức của bản thân mà đạt được sự công nhận của xã hội, đều là vì muốn giữ vẹn lời hẹn ước thưở ban đầu. Những mong muốn trong bối cảnh tư tưởng của bán đảo Triều Tiên mang tính luân lí quan nghiêm cẩn như vậy, chính là nguyên do sinh thành bản dịch tiếng Triều Tiên tác phẩm Hảo cầu truyện.

3. Tình hình tiếp nhận ở Nhật Bản

Trong Thương thuyền tải lai thư mục (lưu giữ tại Thư viện Quốc lập quốc hội) [1] có ghi rằng, “Hảo cầu truyện 1 bộ 4 bản, năm Tân Hợi niên hiệu Hưởng Bảo享保thứ 16 (1731)”. Vậy vào đầu thế kỉ 18 tác phẩm này đã được truyền đến Nhật Bản. Sau đó, trong bộ tiểu thuyết Khai quyển kinh kì hiệp khách truyện開卷驚奇俠客傳 [12] Kyokutei Bakin có bổ sung thêm cấu tứ từ Hảo cầu truyện. Ngày 26 tháng 3 năm Thiên Bảo thứ nhất, trong bức thư viết cho Tonomura Shosai 殿村筱齋, Kyokutei Bakin có viết: “Dù Hảo cầu truyện này không có chỗ nào có thể tiếp thu, nhưng nam nữ nhân vật đều rất hào sảng nghĩa hiệp, có lớp lang mạch lạc, vô cùng thú vị. Tuy có một vài chỗ thiếu sót, nhưng nếu tu bổ thêm thì có thể dùng được. Có thể đem nó bổ sung vào truyện hiệp khách kém cỏi của tôi, hoặc có thể làm mới mẻ ý tưởng trong tác phẩm trên của tôi”. Ở đây, Kyokutei Bakin cho rằng Hảo cầu truyện tuy “không có chỗ nào có thể tiếp thu”, nhưng tính “hiệp nghĩa” của nó có thể đưa vào làm cho tác phẩm mới mẻ, vì vậy khi sáng tác Khai quyển kinh kì hiệp khách truyện ông đã đưa nó vào trong tác phẩm. Kiểu nhập dụng như thế, khi cầm bút sáng tác Kyokutei Bakin đã có ý đồ. Điều này có thể tiến hành suy xét từ Hảo cầu truyện cước sắc sao好逑傳腳色抄 trong Tích tự tạp tiên lục sách惜字雜箋六冊 của bộ Khúc Đình tùng thư曲亭叢書.

Khai quyển kinh kì hiệp khách truyện vốn là một bộ truyện lấy Nữ tiên ngoại truyện女仙外傳, Bình yêu truyện平妖傳, Hảo cầu truyện好逑傳 làm bản gốc. Tác phẩm mô tả câu chuyện mạo hiểm của tàn đảng Nam Triều được các trung thần ủng hộ, quyết chí khôi phục Nam Triều. Nhưng do Kyokutei Bakin bất hòa với nhà xuất bản nên chỉ viết được 4 tập thì gác bút. Tập thứ 5 do Nirazono shujin 蒜園主人, tức Ogiwara Hiromichi 荻原廣道 viết. Trong Khai quyển kinh kì hiệp khách truyện có sử dụng Hảo cầu truyện từ hồi 1 tới hồi 3, miêu tả sự cương trực, hào hiệp của cha con Thiết công tử và câu chuyện cơ mưu về tờ bát tự niên canh của nàng Thủy Băng Tâm. Nội dung chủ yếu miêu tả “cốt cách nghĩa hiệp” của Thiết công tử, và từ đó có thể thấy được tác giả rất hứng thú với “tinh thần hiệp nghĩa”. Trong Thư hàn tập翰集 của Kimura Mokurô木村默老 [13], một người bạn của Kyokutei Bakin, cũng có một số ghi chép về Hảo cầu truyện. Trong lá thư viết cho Tonomura Shosai, Kyokutei Bakin viết: “Văn tài của nhi nữ trong Bình Sơn Lãnh Yến áp đảo cả Hàn lâm học sĩ, tài tử giai nhân trong Hảo cầu truyện có tính hiệp nghĩa lại thoát li sắc tình, có thể gọi là mới lạ vậy”. Lại một lần nữa Kyokutei Bakin đưa ra phán đoán “có tính hiệp nghĩa lại thoát li sắc tình, có thể gọi là mới lạ vậy”. Dưới sự đánh giá ấy, Hảo cầu truyện cũng như Nhị độ mai, đã đem đến cho tiểu thuyết Nhật Bản những nguyên liệu làm cho các tác phẩm mới mẻ và được tiếp nhận.

Phía trên có đề cập tới chuyện Ogiwara Hiromichi chấp bút viết tập 5 của tác phẩm Khai quyển kinh kì hiệp khách truyện, sau đó ông ấy lại lấy tên tác phẩm là Thông tục Hảo cầu truyện và phiên dịch nó tới hồi thứ 5, hiện còn lưu giữ tại Đại học Tenri  天理.

Trong quyển tiểu thuyết Mệnh vận命運của tác giả Kôda Rohan 幸田露伴 (1867 – 1947) thời Minh Trị, cũng có đề cập “Hiệp khách truyện là thoát thai hoán cốt từ Nữ tiên ngoại truyện mà thành. Trong tác phẩm tuy có những chỗ vay mượn từ Hảo cầu truyện, nhưng xem xét toàn bộ thì có thể thấy bóng dáng của Nữ tiên ngoại truyện”. Có thể thấy việc Khai quyển kinh kì hiệp khách truyện lấy Hảo cầu truyện làm bản gốc là chuyện mà mọi người đều biết.

Mãi cho tới niên hiệu Chiêu Hòa 昭和, Nhật Bản mới chịu ảnh hưởng từ bản dịch Hảo cầu truyện của phương Tây, rồi đem tác phẩm này dịch sang tiếng Nhật. Tiểu thuyết gia kiêm thi nhân Sato Haruo 佐藤春夫 (1892 – 1964) đã cho xuất bản bản dịch Hảo cầu truyện [14]. Ở Lời nói đầu, Sato Haruo có viết: Văn hào Goethe đọc văn bản Hảo cầu truyện từ bản dịch tiếng Pháp, và vì ông ca ngợi nó là một bộ tiểu thuyết Trung Quốc nổi tiếng dung chứa luân lí và vẻ đẹp thi ca tạo thành một thể thức, cho nên nó trở thành tác phẩm nổi tiếng ở Châu Âu. Tác phẩm này còn có tên khác là Hiệp nghĩa phong nguyệt truyện, được gọi là Đệ nhị tài tử thư, đó là nguyên do khiến nó rất được trọng thị. Chính vì như vậy nó mới có thể trở thành tác phẩm khiến Goethe vừa đọc đã dịch ngay. Nhưng thời cận đại người ta đánh giá nó có vẻ không được cao cho lắm.

Đương nhiên tiểu thuyết Trung Quốc là tiểu thuyết đại chúng, về điểm này không cần phải nói thêm. Dùng cách nhìn như vậy để đọc thì sẽ thấy được chỗ vượt trội của nó. Không chỉ ở chương đầu, mà có thể nói nửa đầu tác phẩm hoàn toàn lấy Thiết Trung Ngọc làm chủ những tình tiết khẩn cấp, bức thiết. Qua đó có thể thấy được tài xây dựng truyện của tác giả. Về mặt triển khai và biến hóa của tình tiết đã có sự cân nhắc kĩ lưỡng không kém phần thú vị. Hoạt động nội tâm của nhân vật căn bản không được miêu tả, chỉ là từ bên ngoài cố cưỡng gán vào những điều thuyết giáo. Đó là nguyên nhân chủ yếu khiến bộ tiểu thuyết này không thành công.

Như trên đã nói, mặc dầu chịu ảnh hưởng từ bản dịch của Goethe, nhưng tác phẩm vẫn thiếu đi phần miêu tả nội tâm nhân vật, hay đúng hơn là thiếu mất những cảm xúc thẳng thắn trong việc miêu tả sự si mê tình ái của con người.

Từ đó có thể thấy, động cơ phiên dịch của Sato Haruo là xuất phát từ ước vọng đối với Tây Âu. Nhưng ngoài trường hợp này ra, Nhật Bản tiếp cận Hảo cầu truyện chủ yếu là từ mong muốn vay mượn nguồn nguyên liệu mới lạ từ tiểu thuyết Trung Quốc. Không chỉ có Hảo cầu truyệnNhị độ mai là như vậy, nói chung Nhật Bản tiếp nhận văn hóa Trung Quốc phần lớn đều có đặc điểm là muốn du nhập không ngừng những thứ có tính mới lạ.

3. Tình hình tiếp nhận ở Việt Nam

Về việc tiếp nhận Hảo cầu truyện ở Việt Nam, trong Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu có ghi: Hảo cầu tân truyện diễn âm (Vũ Chi Đình biên soạn, hiện lưu giữ 2 bản chữ Nôm chép tay). Hảo cầu truyện không được coi là một tác phẩm văn học bình dân truyền miệng được ghi chép lưu hành rộng rãi ở phía Nam Trung Quốc. Nói chung đấy là một trong những nguyên nhân khiến cho Hảo cầu truyện không được tiếp nhận ở Việt Nam. Căn cứ vào những tư liệu hiện nay, ngoài Nhị độ mai đã nói ở trên, được coi là tác phẩm văn học truyền miệng rộng rãi và được đưa vào văn học Việt Nam còn có Kim Vân Kiều truyện, Hoa tiên kí.

Ngoài ra, tính nghiêm túc của tài tử giai nhân trong Hảo cầu truyện có lẽ sẽ khó được mảnh đất văn học Việt Nam tiếp nhận. Truyện thơ diễn ca lục bát thể được xem là thể tài văn học có tính đại biểu của văn học Việt Nam, nó dễ dàng thể hiện những câu chuyện miêu tả sự lưu li thống khổ như Kim Vân Kiều truyệnNhị độ mai, hơn nữa mọi người cũng thích nghe đọc những truyện như vậy. Về phương diện này, những nhân vật chính trong Hảo cầu truyện do vượt qua được những đau buồn lưu li thất sở, tính nghiêm túc của lễ giáo lại nổi bật, nên không được văn học Việt Nam tích cực tiếp nhận.

IV. KẾT NGỮ

Ở trên, bài viết thông qua Nhị độ maiHảo cầu truyện đã tiến hành khảo sát những khác biệt về tình hình tiếp nhận chúng ở bán đảo Triều Tiên, Việt Nam và Nhật Bản, những quốc gia cùng thuộc khu vực văn hóa chữ Hán, cùng có những ước vọng hướng về nền văn hóa Trung Quốc, tìm kiếm tác phẩm và đã tiếp nhận chúng, nhưng tình hình tiếp nhận ở mỗi nước không giống nhau. Cụ thể là bán đảo Triều Tiên tiếp thu những tiểu thuyết có nội dung nghiêm túc, trọng lễ giáo; ở Nhật Bản thì để sáng tác ra những tác phẩm mới mà truy tìm tiểu thuyết Trung Quốc có tính mới lạ để đọc; ở Việt Nam đồng thời với việc chịu ảnh hưởng của văn học truyền miệng phía Nam Trung Quốc, là khát vọng về những tác phẩm được thăng hoa từ nỗi đau buồn về sự thống khổ lưu li của con người.

Những khác biệt về tình hình tiếp nhận đó, không chỉ là sự khác biệt về tình hình tiếp nhận những bộ tiểu thuyết trên, mà đồng thời còn phản ánh sự khác biệt về cách nhìn văn học ở mỗi nước.

Người dịch: Nguyễn Văn Hoài

(ThS, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH và NV TP. HCM)

Nguồn:  矶部佑子 : 关于中国才子佳人小说在东亚传播的特征——以《二度梅,好逑传》为主要考察对象.上海师范大学学报(哲学社会科学版)  2005年 第01期 .  

 

Chú thích:

(1) Tức bạch thoại – Chú thích của người dịch (N.D).

(2) Châu: đơn vị tiền tệ – N.D.

(3) Liệu đố truyện 疗妒传: Chúng tôi không tra cứu được tác phẩm này. Phải chăng là một tên gọi khác của Liệu đố duyên 疗妒缘 ? – N.D.

(4) Chúng tôi nghĩ con số tác giả dẫn ra ở đây không phải là tác phẩm mà là số bản in của một tác phẩm nào đó. Có thể tác giả đã hiểu nhầm con số mà Nhan Bảo dẫn ra trong công trình Ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc đối với Việt Nam – N.D.

(5) Ấm Giai 李蔭佳: Theo Trung Quốc cổ điển tiểu thuyết đại từ điển thì tác giả của Tiểu Hà châu là Lí Manh Quế 李萌桂. Nhưng chúng tôi thấy cũng có tài liệu ghi là Ứng Quế , Ấm Quế . Có lẽ có sự nhầm lẫn về tự dạng giữa “Manh” với “Ấm” “Quế” với “Giai” – N.D.

(6) Chắc tác giả muốn chỉ niên đại ra đời của bản dịch nói trên – N.D.

(7) Trong công trình Trung Quốc cổ điển tiểu thuyết tại Hàn Quốc chi truyền bá中國古典小說在韓國之傳播 (Học Lâm xuất bản xã學林出版社, 1998) Min Kwan Dong 閔寬東đã dẫn ra 52 loại “tiểu thuyết phiên dịch” ở Hàn Quốc mà mình tìm thấy. Trong đó, những tác phẩm thuộc về tiểu thuyết tài tử giai nhân có: Bình Sơn Lãnh Yến 10 quyển 10 sách, tổng cộng 486 trang (lưu ở Thư viện Trung ương); Hảo cầu truyện 10 quyển 4 sách (lưu ở Kyu Jang Gac Đại học nữ sinh I-Hwa); Ngọc Kiều Lê truyện 1 sách (bản Man Song 晚松, lưu ở Đại học Koryo高麗大  – Chú thích của tác giả.

 

Thư mục tham khảo:

 [l] 大庭修:  江户时代唐船持渡书的研究 [M].  大阪:关西大学东西学术研究所研究丛刊,1967.

[2] 天保11年2月9日殿村篠齋宛書简.  大澤美夫  柴田光彦  高木元  编,日本大学捻合图书馆藏.  马琴书翰集 [Z].  八木書店,平成4年.

[3] 德田武:《三七全传南柯梦》和《二度梅全传》、《琵琶记》[M].  日本书志学大系51《日本近世小说与中国小说》所收,青裳堂书店,平成4年.

[4] 矶部佑子:  中国才子佳人小说的影响——论马琴 [J].  高冈短期大学纪要(第18卷),2003.

[5] 木村默翁:  国字小说通 [A].  续燕石十种(第一卷)[C].  中央公论社刊,1980.

[6] 颜保: 中国小说对越南的影响 [A].  克劳婷  苏尔梦 编、颜保 译.  中国传统小说在亚洲 [C].  国际文化,1989.

[7] 刘春银、王小盾、陈义:  越南汉喃文献目录提要 [Z].  中央研究院中国文哲研究所图书文献专刊,2002.

[8] 朴在渊 编:  韩国所见中国小说戏曲书目资料集 [Z].  鲜文大学校.  中韩翻译文献研究所,2002.

[9] 小说经览者书目(1762)[A].  韩国所见中国小说戏曲书目资料集 [C].

[10] 完山李氏序,金德成外画:  中国小说绘模本(1762)[M].  江原大学校出版部,1993.

[11] 李慧淳:  好逑传研究 [J].  梨花论丛(第30编),1977.

[12] 开卷惊奇侠客传 [M].  天保三年(1832).  参看新日本古典文学大系本开卷惊奇侠客传 [M].  岩波书店,1998.

[13] 木村默老书牍集 [A].  木村三四吾.  泷泽马琴——人与书翰 [C].  八木书店,1999.

[14] 奥川书房 [M].  昭和17年10月发行.  参看定本佐藤春夫全集第32卷 [M].   川书店,1999.

--------------

 

 

THE SPREAD OF CHINESE SCHOLAR-BEAUTY ROMANCES IN EAST ASIA: THE CASE STUDY OF ER DU MEI AND HAO QIU ZHUAN

Abstract

Vietnam, Korea and Japan have long been under the Sino-cultural influence, which was extremely profound and naturally necessary before the arrival of the Western culture on East Asia. To study this influence, this article analyses the spread of two Chinese scholar-beauty romances, Er Du Mei (Plums Blooming Twice) and Hao Qiu Zhuan (The Story of a Good Match), in the countries mentioned above, and pointing out the differences among spread versions due to geographical and cultural differences among the countries.