Hình tượng Bụt trong tục ngữ- ca dao Việt Nam

 

 

Trong tục ngữ, ca dao hình tượng Bụt xuất hiện với nhiều ý nghĩa phong phú trong một phạm vi rộng. Ông Bụt không chỉ là hình tượng biểu trưng tôn giáo hay tín ngưỡng dân gian mà đã đi vào đời sống hàng ngày của người bình dân để chuyển hoá thành nhiều ý nghĩa khác nhau. Sự chuyển hoá đó thể hiện rõ nhất là trong thể loại tục ngữ, có lẽ là do tính chất đặc trưng gồm hai nghĩa (nghĩa đen và nghĩa bóng) của thể loại này. Hình tượng Bụt trong tục ngữ dù được thể hiện dưới góc độ nào đi nữa cũng bao gồm những ý nghĩa sâu xa hơn những gì nó thể hiện trên văn bản....

 

1. Nguồn gốc từ Bụt trong dân gian:

 

Đạo Phật đến nước ta vào đầu Tây lịch khi nhân dân Việt Nam đang sống  những tháng ngày nô lệ Bắc thuộc. Người dân Việt Nam lúc bấy giờ chỉ cầu mong một cuộc sống tự do, thanh bình, giải thoát khỏi những gông kiềm ngoại quốc. Trong hoàn cảnh đó Phật giáo đã xuất hiện và mau chóng trở thành chỗ dựa tinh thần cho một dân tộc đang bị mất nước. “Phật giáo lấy lý tính làm chủ đạo, lấy sự giác ngộ để giải thoát, giải cứu”(1) vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi Phật giáo hoà nhập vào tín ngưỡng dân gian, trở thành nơi gởi gắm niềm tin của nhân dân lao động.

 

“Phật – tiếng Phạn là Buddha (âm Hán Việt là Phật Đà, gọi tắt là Phật) nghĩa là bậc giác ngộ viên mãn. Từ tiếng Phạn Buddha, người Việt Nam ngày xưa đọc là Bụt”(2)

 

“Chúng ta thấy cái tên đức Chúa hay đức Mẹ truyền vào Việt Nam từ thế kỷ XVI kể đến nay đã hơn 400 năm mà vẫn chưa thể nào quen với tâm lý dân tộc. Trái lại cái tên Bụt, Tiên cũng là mượn của những thứ tôn giáo ngoại lai nhưng đã trở thành truyền thống, vì từ rất xưa, những tôn giáo này đã từng hoá thân vào đời sống dân tộc, chấp nhận những thứ thanh lọc gay gắt, trở thành tôn giáo chung chi phối tâm linh của cộng đồng”(3)

 

2. Sự chuyển nghĩa từ đức Phật tôn giáo đến ông Bụt dân gian:

 

Từ khi hòa nhập vào tín ngưỡng dân gian và được dân gian hóa thì hình tượng Bụt trong dân gian không còn nguyên vẹn ý nghĩa là bậc giác ngộ như trong giáo lý đạo Phật. Bụt không còn là một đấng Thích Ca uy nghiêm trầm mặc ngự trên toà sen cao chín bệ ở trong các ngôi chùa nữa. Mà Phật bây giờ đã trở thành Bụt – một ông Phật của dân gian, một vị thần của dân gian, một ông Bụt hiền, Bụt lành đầy quyền năng phép màu nhưng không cao siêu huyền bí mà gần gũi cạnh bên. Bụt trong tâm thức của dân gian là một ông thần Thiện có quyền năng tuyệt đối, có thể nghe thấu được mọi ước vọng, mọi lời cầu xin của người bất hạnh, nghèo khổ. Ông Bụt luôn luôn xuất hiện bên cạnh những người chân thật hiền lành, yếu đuối khi họ bị các thế lực mạnh hơn ức hiếp. Ông Bụt còn là vị quan toà đứng ra giải quyết mọi bất công trong xã hội dân gian xa xưa, trừng trị kẻ ác đem lại thanh bình yên vui cho người nghèo khổ, hiền lành.

 

 Từ một con người của tôn giáo, đức Phật trở thành một con người của dân gian, được dân gian âu yếm gọi bằng một cái tên thân thương, bình dân là  “Bụt”. Ông Bụt ấy không mặc áo cà sa, không xuống tóc, không ngồi xếp bằng dưới bóng cây bồ đề mà lại xuất hiện trong hình dáng của một ông già râu tóc bạc phơ giống một ông Tiên hơn là một đức Phật.

 

“Các nhân vật vốn là biểu tượng của tôn giáo như Bụt, Tiên, Ngọc Hoàng … đều đã được cái nhìn thực tiễn của dân gian – dân tộc nhân cách hoá để trở thành lực lượng cứu tinh đối với mọi người dân cùng khổ..”(4)

 

Việt Nam là một đất nước đa tôn giáo nhưng qua  nhiều biến động lịch sử và qua sự thanh lọc gay gắt của thời gian, của tâm lý dân tộc thì những tôn giáo còn tồn tại trong tín ngưỡng dân gian không nhiều. Qua lịch sử văn học dân gian ta có thể thấy được Phật giáo chính là tôn giáo phù hợp nhất với tâm lý của nhân dân lao động Việt nam và đã chiếm lĩnh hoàn toàn đời sống tinh thần của họ. Dù được chuyển hoá dưới hình thức nào đi nữa như là một ông Tiên hay một ông Thần thì ta vẫn biết đó chính là đức Phật Thích Ca được nhìn qua con mắt của người dân lao động.

 

Từ biểu trưng tôn giáo, hình tượng Bụt đi vào dân gian và được thể hiện bằng nhiều hình ảnh đặc sắc trong văn học. Đặc biệt trong tục ngữ, ca dao hình tượng Bụt đã được chuyển hóa với nhiều hàm nghiã phong phú. Tùy theo tính chất đặc trưng cuả từng thể loại, ý nghĩa của hình tượng Bụt được thể hiện khác nhau trong tục ngữ, ca dao.

 

3. Những xu hướng chung quy định sự hình thành các hàm nghĩa của hình tượng Bụt trong tục ngữ và ca dao:

 

a. Hình tượng Bụt trong tục ngữ:

 

Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, có ý nghĩa hàm súc do nhân dân lao động sáng tạo nên và lưu truyền qua nhiều thế kỷ. Mỗi câu tục ngữ thường có hai nghĩa,  nghĩa đen và nghĩa bóng (nghĩa đen là nghĩa gốc chỉ ý nghĩa trực tiếp, ý nghĩa ban đầu khi mới hình thành câu tục ngữ. Còn nghĩa bóng là ý nghĩa được lan tỏa, mở rộng qua quá trình lưu truyền trong không gian và thời gian)

 

Lối nói bằng tục ngữ thường là một lối nói ẩn dụ, hình thức thể hiện súc tích, giàu hình ảnh, do đó có tác dụng truyền cảm và thuyết phục mạnh mẽ, để nói lên những tư tưởng thâm trầm, những khái quát rộng rãi.

 

Tục ngữ là tấm gương phản ánh, qua lời nói hàng ngày, mọi biểu tượng của đời sống dân tộc và quan niệm của nhân dân về lao động, về các hiện tượng lịch sử xã hội, về đạo đức, về tôn giáo.(5)

 

 Hình tượng Bụt trong tục ngữ thường được thể hiện dưới nhiều lớp nghĩa phong phú, nghĩa đen thường là để chỉ việc thờ cúng Bụt trong tín ngưỡng dân gian, các cúng phẩm như  hương, xôi, oản, lộc Bụt… cũng được nhắc đến nhiều lần. Đồng thời cũng có không ít các câu tục ngữ nhắc đến các cơ sở vật chất có liên quan đến tôn giáo như chùa chiền, bệ thờ,  đất nặn Bụt, phong cảnh Bụt, áo cà sa, tiền Bụt…. Qua đó nhân dân lao đã thể hiện thái độ tôn kính, sùng bái hay thân mật, gần gũi của mình đối với ông Bụt – đức Phật Thích Ca trong tâm thức dân gian.

 

 Nghĩa bóng của những câu tục ngữ có hình tượng Bụt đa số là dùng để nói đến các phạm trù đạo đức, lối sống, cách cư xử hàng ngày của người dân lao động. Qua hình tựơng Bụt nhân dân thường có ẩn ý khen ngợi những con người hiền lành, sống có nghĩa, có nhân trong xã hội. Đồng thời cũng qua đó mà ám chỉ phê phán những kẻ giả danh tôn giáo làm điều xằng bậy. Sâu xa hơn trong ýnghĩa của những câu tục ngữ này là lời khuyên răn chân thành của cha ông đối với con cháu, hãy nghe theo lời Phật mà làm lành tránh dữ, siêng năng thờ cúng để được đấng thiêng liêng phù hộ độ trì.

 

b. Hình tượng Bụt trong ca dao :

 

 Ca dao vốn là một thuật ngữ Hán Việt. Theo cách hiểu thông thường thì ca dao là lời của các bài hát dân ca dã tước bỏ đi những tiếng đệm, tiếng láy….hoặc ngược lại, là những câu thơ có thể “bẻ” thành những làn điệu dân ca. Ca dao – dân ca dù được biểu hiện dưới hình thức nào đi nữa cũng đều tập trung phản ánh một cái tôi trữ tình tập thể: tâm hồn nhân dân lao động, tâm hồn dân tộc Việt Nam(6)

 

 Hình tượng ông Bụt trong ca dao không được thể hiện tập trung như là trong tục ngữ. Đa số nội dung của các câu ca dao thường là mượn hình tượng Bụt hoặc những vấn đề có liên quan đến Bụt để nói đến một nội dung, ý nghĩa khác nhiều khi chẳng ăn nhập gì với hình tượng Bụt đã dùng trong câu mở đầu. Hình tượng Bụt đôi khi chỉ là một cái cớ để dân gian triển khai một ý đồ khác.

 

 Cũng như vậy, ở một số bài ca dao hay đồng dao có dung lượng cỡ từ 10 câu trở lên dù có nhắc đến hình tượng Bụt cũng không chứa đựng một ý nghĩa đặc biệt gì về Bụt mà chỉ là “nhân tiện” nhắc đến Bụt cùng với các sự vật khác. Vì thế ở những câu ca dao này hoàn toàn không còn mang ý nghĩa tôn giáo mà cũng chẳng phải là thể hiện ý nghĩa của tín ngưỡng dân gian .

 

 Ở những câu ca dao tập trung vào hình tượng Bụt thì thường gắn liền với các hình thức thờ cúng, nhắc đến ngày rằm hàng tháng hay các ngày lễ lớn hàng năm của đạo Phật. Có nhiều câu miêu tả kiến trúc chùa chiền, các đạo cụ dùng trong nghi lễ như mõ, chuông .. và tất nhiên cũng không quên nhắc đến những người tu hành theo đạo Phật như sư, vãi…

 

 Một đều đáng lưu ý hơn nữa là có một bộ phận các câu ca dao sử dụng lại tục ngữ có hình tượng Bụt trong nội dung của mình. Vì thế khi đi vào phân tích ý nghĩa của các câu ca dao này ta lại dễ dàng bắt gặp ý nghĩa của những câu tục ngữ đã được phân tích ở trên

 

4. Các hàm nghĩa của hình tượng bụt trong ca dao, tục ngữ:

 

           a. Hình tượng biểu trưng tôn giáo – tín ngưỡng dân gian:

 

Ở trong lớp nghĩa này Bụt chính là đối tượng thờ phụng thiêng liêng của nhân dân lao động. Hình tượng Bụt xuất hiện trong ca dao, tục ngữ bên cạnh các cơ sở vật chất và các hoạt động nghi lễ đặc trưng của đạo Phật. Bụt ở đây vẫn còn giữ được tính chất thiêng liêng của đạo Phật chỉ khác ở chỗ tên gọi. Thay vì gọi Phật, dân gian gọi là Bụt – cách diễn đạt nôm na theo âm Hán Việt Budha.

 

 Tuy nhiên vì qua cách nhìn và cách diễn đạt của dân gian nên hình tượng Phật không được thể hiện trên phạm vi rộng toàn thế giới như trong lịch sử tôn giáo của nó. Đạo Phật ở đây được thu hẹp lại, các hình thức lễ nghi, cúng bái diễn ra trong từng ngôi làng và đức Phật cũng được hiểu như là một vị thần Thành Hoàng – vị thần tối cao cai quản một ngôi làng và được toàn thể dân trong làng thờ phụng. Ngôi chùa làng cũng như cây đa, giếng nước, mái đình …là những cơ sở vật chất thuộc quyền sở hữu chung của toàn thể dân làng. Trong tâm lý của người bình dân thì chùa làng là một nơi rất thân thương quen thuộc, là nơi mà ai cũng có thể đến đó lễ Phật cầu an và là nơi mà ai cũng có nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ. Cũng như ngôi chùa, ông Bụt là đức Phật chung của tất cả mọi người dù đã quy y hay không quy y Phật, người trong làng ai cũng có quyền thờ cúng và cầu xin Bụt chở che những khi gặp ốm đau, hoạn nạn. Vì thế mà trong tục ngữ mới có cách nói ví von “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”.

 

 Ngoài ra chùa làng còn là nơi mà toàn thể dân làng gặp gỡ nhau trong các ngày lễ lớn hàng năm, vào những ngày đó người ta rủ nhau đi chùa như đi hội:

 

- Chùa làng một điện, năm gian

 

Hàng năm giỗ Bụt, cả làng dâng quy

 

- Chùa làng có tự cổ sơ

 

Lớn lên đã thấy Bụt thờ ba ông

 

- Chùa làng hai mõ, bốn chuông

 

Có ba tượng Bụt, có ông thần già

 

“Ba tượng Bụt” là cách gọi của người bình dân khi muốn nhắc đến ba tượng Phật đặt ở ba vị trí quan trọng nhất trong chánh điện. Cũng như khi muốn nói đến ngày đức Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn thì dân gian gọi đó là ngày “giỗ Bụt”.

 

 Đức phật trong tôn giáo đã trở thành ông Bụt trong dân gian thì trong một ngôi làng ông Bụt ấy cũng có vị trí như một vị thần Thành Hoàng của riêng ngôi làng ấy. Dân trong làng ai ai cũng tôn kính trang nghiêm khi nhắc đến Bụt, cũng giống như khi nhắc đến  vị thần Thành Hoàng của họ:

 

Chùa nát còn có Bụt vàng

 

Tuy rằng miếu đổ, Thần Hoàng còn thiêng

 

Câu ca dao đã cho ta thấy mức độ tin tưởng tuyệt đối của người dân lao động vào ông Bụt – vị thần tối cao của ngôi làng mà họ cư ngụ dù cho nơi thờ cúng vị thần ấy có vì một lý do gì đó mà đổ nát như thế nào đi nữa

 

 Khi xuất hiện dưới lớp nghĩa là một biểu trưng tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, hình tượng Bụt còn gắn liền với các nghi thức cúng bái và những ngày lễ lớn của đạo Phật. Dân gian vẫn thường xuyên nhắc nhở nhau đừng quên cúng Bụt vào những ngày rằm tháng tư, tháng bảy:

 

- Bé ơi, mẹ bảo bé nghe

 

Tháng tư giỗ Bụt cúng chè đậu xanh

 

- Con ơi, con hãy nhớ ghi

 

Tháng tư giỗ Bụt thì đi lễ chùa

 

- Con ơi, ráng học kẻo thua

 

Vu lan lên chùa lạy Bụt, Bụt thương

 

Cho dù có hay không có là tín đồ của đạo Phật thì người dân lao động vẫn rất coi trọng hai ngày lễ lớn của đạo Phật đó là rằm tháng tư tức ngày Phật đản và rằm tháng bảy là ngày vu lan báo hiếu. Nếu không lên chùa lễ Bụt được thường xuyên thì nhất định trong hai ngày đó phải chuẩn bị xôi chè hay trái cây cúng Bụt. Trong tục ngữ cũng có câu có ý nghĩa tương tự: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”.

 

  Những vật phẩm dùng để cúng Bụt trong các ngày lễ được thể hiện trong tục ngữ cũng rất phong phú tuy rằng ở thể loại này hình tượng những vật phẩm ấy cũng đã có sự chuyển nghĩa:

 

- Hương Bụt thắp thờ Bụt

 

- Đếm Bụt mà đóng oản

 

- An của Bụt thắp hương thờ Bụt

 

 

 

-  Oản chùa cúng Bụt, đất ruộng đắp bờ

 

       b. Các hình thức chuyển nghĩa của hình tượng Bụt:

 

Từ ý nghĩa biểu trưng tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, hình tượng Bụt đi vào đời sống hằng ngày của người dân lao động rồi dần dần được dân gian hóa theo nhiều ý nghĩa khác nhau.

 

 Thứ nhất đó là ông Bụt lành, ông Bụt hiền, ít nói và chẳng hại đến ai. Câu tục ngữ “Im như Bụt” khiến ta liên tưởng đến danh hiệu của đức Phật trong tôn giáo “Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật”. Mâu Ni có nghĩa là im lặng, Mâu Ni Phật là đức Phật im lặng, có lẽ vì thế mà có câu tục ngữ này chăng? Dân gian vẫn thường dùng câu tục ngữ “Hiền như cục đất” để chỉ những người hiền lành chất phác. Và có lẽ trong tâm thức dân gian ông Bụt cũng hiền lành như  thế nên lại có câu tục ngữ “Cục đất cất nên ông Bụt”

 

 Ông Bụt dân gian không những hiền lành ít nói mà còn thật thà, chất phác, có sao nói vậy không biết quanh co, dối trá vì thế mà để chứng minh cho tấm lòng chân thật của mình, một chàng  trai dân gian đã ví lòng mình với Bụt:

 

-Lòng anh như Bụt đứng trong chùa

 

Sao em cứ nói chuyện hơn thua rứa hè?

 

 Ông Bụt trong dân gian còn là một con người thân thương, gần gũi. Cho dù đó có là một vị thần đầy quyền năng, tài phép thì đối với nhân dân lao động ông thần ấy cũng chẳng đáng sợ chút nào. Dân gian chẳng bao giờ đặt câu hỏi tại sao trong chùa có Bụt? Và cũng không bao giờ quan tâm tìm hiểu gốc tích của Bụt từ đâu mà có? Với họ chuyện một ngôi chùa có một ông Bụt cũng giản dị, bình thường như những điều hiển nhiên trong cuộc sống hằng ngày xung quanh họ:

 

…….

 

Cây Bưởi có hoa

 

Cây cà có trái

 

Con gái có chồng

 

Đàn ông có vợ

 

Kẻ chợ có Vua

 

Trên chùa có Bụt

 

….

 

 Ông Bụt trong dân gian chính là một hiện thân của sự mầu nhiệm trong cuộc sống tối tăm gian khổ. Bụt giúp đỡ người ngèo khổ hiền lành, trừng trị kẻ giàu có mà độc ác gian tham. Với ông Bụt này, nhân dân lao động xin gì ông cũng cho, thậm chí dân gian còn coi Bụt như cha mẹ của mình, làm gì cũng hỏi xin ý kiến và hoàn toàn tin tưởng Bụt, kể cả việc dựng vợ, gả chồng:

 

Còn trời, còn nước, còn non

 

Còn sư gõ mõ, anh còn thắp nhan

 

Chùa thiêng anh khấn Bụt vàng

 

Trai không (trai chưa vợ) đi cưới cô nàng được không?

 

 Trong thế giới của trẻ thơ ông Bụt cũng hiện ra như một đứa bé lên ba, cũng ngây thơ hồn nhiên như chúng. Trong những trò chơi quen thuộc của tuổi thơ, trẻ em cũng không quên nhắc đến ông Bụt của riêng chúng. Một ông Bụt không có maí tóc bạc phơ hay chòm râu quắc thước mà là một ông Bụt bé con ngồi khóc hu hu…

 

Nu na nu nống

 

Cái Bống nằm trong

 

Con ong nằm ngoài

 

Củ khoai chấm mật

 

Bụt ngồi, Bụt khóc

 

Con cóc nhảy ra

 

Con gà ú ụ

 

 Có lẽ vì thân mật và gần gũi như thế nên dân gian đâm ra “dễ ngươi”, không nể sợ Bụt, gọi Bụt chỉ bằng cái tên “Bụt” cụt ngủn hay thậm chí còn trêu chọc Bụt, đùa giỡn với tượng của Bụt và gọi Bụt bằng “anh”:

 

- Gần chùa gọi Bụt bằng anh

 

Trông thấy Bụt lành, cõng Bụt đi chơi

 

- Gần chùa gọi Bụt bằng anh

 

Trông thấy Bụt lành hạ xuống đất chơi

 

 Không chỉ gọi Bụt bằng anh và chơi đùa với tượng của Bụt, phụ nữ bình dân thậm chí còn so sánh Bụt với …chồng của mình và cho phép mình …độ lượng với sự “không thiêng” của Bụt cũng như với sự “không khôn” của chồng mình. Có lẽ trong ý nghĩa của người bình dân Bụt hay chồng thì cũng đều là …người nhà cả:

 

Không thiêng cũng thể Bụt nhà

 

Dầu khôn dầu dại cũng là chồng em

 

 Rồi ngay cả chuyện tương tư trai gái hay chuyện trai gái nhớ nhau cũng đem chuyện sư nhớ Bụt ra mà ví von:

 

Nhớ chàng ra ngẩn vào ngây

 

Sư ông nhớ Bụt, mõ rày  nhớ chuông

 

 Tuy nhiên dù Bụt có gần gũi và thân thương đến mấy, dân gian cũng không chỉ dùng hình tượng Bụt để chỉ những người hiền lành hay nói đến những việc làm tốt, những hành động tích cực. Thông qua hình tượng Bụt, dân gian còn phê phán chỉ trích những kẻ xấu xa trong xã hội, những kẻ giả danh tu hành để làm bậy. Dân gian đã không ngại ngần vạch trần tính tham lam của những tên sư sãi giả mạo, những kẻ lười biếng lao động đội lốt tu hành để nhận công quả của thập phương. Thậm chí trong lớp áo thầy tu chúng còn được biết bao người tin Phật cúi mình bái lạy.

 

   Của Bụt mất một đền mười

 

   Bụt hãy còn cười Bụt chả lấy cho

 

 

 

c. Quan hệ giữa hình tượng tôn giáo với các hình thức chuyển nghĩa:

 

 Từ kết quả khảo sát các hàm nghĩa trên của hình tượng Bụt trong tục ngữ và ca dao, chúng tôi rút ra được hai đặc điểm của tư tưởng dân gian mà từ đó đã phát sinh ra mối liên hệ giữa hình tượng Bụt trong tôn giáo với các hình thức chuyển nghĩa vừa nêu

 

+  Người việt không có xu hướng coi trọng ý nghĩa triết học, siêu hình của tôn giáo

 

Đức Phật Thích Ca trong tâm thức dân gian – một ông Bụt hiền lành, một vị thần quyền năng cứu độ nhân thế, một ánh sáng nhân từ xuất hiện trong cuộc sống tối tăm đầy rẫy bất công. Đó chính là kết quả đặc sắc của quá trình giáo lý Phật giáo hòa nhập vào nền văn hoá dân gian Việt Nam.

 

 Từ một đức Phật trong tôn giáo chuyển thành một ông Bụt trong dân gian rồi từ ông Bụt đó chuyển thành ông Tiên, ông Thần, người bạn, người hàng xóm, cha mẹ… thậm chí còn là ông Thần Thiện trong chính bản thân của mỗi con người. Câu tục ngữ “Bụt là lòng” đã nói lên quan niệm của dân gian về một ông Bụt tồn tại bên trong thiện tâm của mỗi con người.

 

 Tuy nhiên dù được chuyển hóa dưới hình thức nào đi nữa, hình tượng Bụt vẫn không đi xa hẳn với ý nghĩa thiêng liêng của một đấng giác ngộ, giác tha trong đạo Phật. Đức Phật dân gian dù hiện thân dưới bất kỳ hình thức nào đi nữa thì cũng vẫn là biểu tượng của lòng từ bi, bác ái, nơi mà người dân lao động luôn luôn vọng về cầu xin sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Tâm thức của người Việt Nam không thích hướng về những cái siêu nhiên vô hình nên họ đã “biến hoá” để một đức Phật tôn kính uy nghiêm nhưng xa cách trong tôn giáo thành một ông Bụt bình dân , gần gũi, thân thương trong tín ngưỡng dân gian.

 

- Gần chùa gọi Bụt bằng anh

 

trông thấy Bụt lành cõng Bụt đi chơi

 

- Con ơi ráng học kẻo thua

 

Vu lan lên chùa lạy Bụt, Bụt thương

 

- Không thiêng cũng thể Bụt nhà

 

Dầu khôn, dầu dại cũng là chồng em

 

+ Nhân tố đạo đức trong tôn giáo được người Việt khai thác chủ yếu theo hướng gắn liền với đời sống thực tiễn

 

 Cũng từ hình tượng Bụt trong văn học dân gian mà người dân lao động đã nói lên biết bao quan niệm của mình về các phạm trù luân lý đạo đức trong xã hội. Phải tin tưởng và quen thuộc với giáo lý của đạo Phật lắm thì dân gian mới dám gởi gắm vào trong hình tượng ông Bụt linh thiêng những quan niệm, suy tư của mình về nhân sinh, về đời, về đạo…cũng như những ước mơ về một cuộc sống tự do bác ái, người và người đối xử với nhau bằng tấm lòng nhân từ của Phật.

 

 Hình tượng Bụt trong tục ngữ, ca dao còn là sự đúc kết những quan niệm triết lý của dân gian, những bài học đạo đức mà dân gian muốn gởi gắm cho con cháu của mình ở các thế hệ sau:

 

- No nên Bụt, đói ra ma

 

-     Bụt trên toà sao gà mổ mắt?

 

 -     Hà tiện cùng Bụt thì phải cúng ma

 

- Ai ơi chớ có ăn lời

 

Bụt kia có mắt, ông trời có tai

 

- Đất Bụt mà ném chim trời

 

Chim trời bay mất đất rơi vào chùa

 

Không chỉ khuyên răn con cháu sống làm sao cho hợp đạo, hợp đời mà ngay cả lối giao tiếp, ứng xử hàng ngày cũng được dân gian thông qua hình tượng Bụt mà răn dạy con cháu đời sau

 

Khi thì khuyên phải biết tri ân những người đã từng cưu mang mình:

 

An của Bụt, thắp hương thờ Bụt

 

Khi thì khuyên ứng xử làm sao cho hợp với từng đối tượng giao tiếp:

 

                         -    Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy

 

                         -   Lành với Bụt chớ  ai lành với ma

 

Khi thì phê phán thái độ tự tin, vọng ngoại:

 

                                  - Muốn tu chùa ngói, Bụt vàng

 

                             Chùa tranh, Bụt đất ở làng thiếu chi

 

                                -  Bụt chùa nhà không thiêng

 

                                           - Bụt chùa nhà không thờ, đi thờ Thích ca ngoài đường

 

Khi thì phê phán thái độ đài các, kén chọn, từ chối điều mà mình xưa nay vẫn thèm muốn:

 

Bụt Nam Sang lại từ oản chiêm?

 

Không những thế mà bằng vào kinh nghiệm sống cuả mình dân gian còn răn dạy con cháu không nên trông chờ vào sự cưu mang, giúp đỡ của người khác vì những gì không do sức lao động của mình làm ra thì chẳng bao giờ bền:

 

                                 -      Của Bụt trả Bụt

 

                                  -     Của Bụt lại thiêu cho Bụt

 

                                  -      Tiền vua là tiền nước lụt, tiền Bụt là tiền nước lũ

 

Và ngược lại nếu ta biết cần cù, chăm chỉ lao động thì trước sau gì cũng được hưởng thành quả do chính sức lao động của mình làm ra:

 

-  Giữ Bụt mà ăn oản

 

-  Làm quan ăn lộc vua, ở chùa ăn lộc Bụt

 

 Trong tục ngữ, ca dao hình tượng Bụt xuất hiện với nhiều ý nghĩa phong phú  trong một phạm vi rộng. Ông Bụt không chỉ là hình tượng biểu trưng tôn giáo hay tín ngưỡng dân gian mà đã đi vào đời sống hàng ngày của người bình dân để chuyển hoá thành nhiều ý nghĩa khác nhau. Sự chuyển hoá đó thể hiện rõ nhất là trong thể loại tục ngữ, có lẽ là do tính chất đặc trưng gồm hai nghĩa (nghĩa đen và nghĩa bóng) của thể loại này. Hình tượng Bụt trong tục ngữ dù được thể hiện dưới góc độ nào đi nữa cũng bao gồm những ý nghĩa sâu xa hơn những gì nó thể hiện trên văn bản. Dân gian đã mượn hình tượng Bụt để nói đến biết bao vấn đề  xung quanh cuộc sống của họ. Trong lớp nghĩa bóng của tục ngữ cũng có những câu có ý nghĩa hoàn toàn liên quan đến tôn giáo nhưng đa số chỉ nhân một vấn đề nào đó thuộc về tín ngưỡng tôn giáo mà dân gian bày tỏ thái độ của mình về các hành vi ứng xử vẫn diễn ra hàng ngày xung quanh mình. Đề cao người tốt, chê trách kẻ xấu, khen ngợi người hiền lành, giễu cợt kẻ gian tham…..Qua hình tượng Bụt dân gian khuyên bảo nhau phải sống sao cho trọn đạo làm người, phải biết trên biết dưới, đừng bao giờ quên ơn những người đã cưu mang giúp đỡ mình. Đồng thời dân gian còn phê phán thái độ vọng ngoại, coi thường những gì gần gũi quen thuộc (Bụt chùa nhà không thờ đi thờ Thích ca ngoài đường) chê trách lối sống lười biếng, ỷ lại, không chịu lao động chỉ chờ mong vào sự cưu mang của người khác….Nhìn chung dù chỉ qua hình thức ngắn gọn của thể loại tục ngữ, dân gian cũng đã nói được nhiều điều.

 

 Sự xuất hiện của hình tượng Bụt trong ca dao kém phong phú hơn trong tục ngữ cả về số lượng lẫn nội dung, ý nghĩa. Những câu, những bài ca dao hoàn toàn tập trung vào hình tượng Bụt để nói đến các vấn đề thuộc về tôn giáo – tín ngưỡng dân gian không nhiều. Có những câu ca dao dù có  nhắc đến hình tượng Bụt thì cũng nhân tiện mà nhắc đến cùng với các sự vật khác chứ không đưa hình tượng Bụt lên thành nội dung chính (Đất Bụt mà ném chim trời – chim trời bay mất bụi rơi xuống đầu). Có một số câu ca dao sử dụng tục ngữ trong hình thức thể hiện như câu tục ngữ “chùa nát, Bụt vàng” được nhắc lại trong câu ca dao “Chùa nát còn có Bụt vàng, tuy rằng miếu đổ thần Hoàng còn thiêng”.

 

 Tóm lại Bụt trong ca dao tục ngữ là một biểu tượng tôn giáo đã được dân tộc hoá – dân gian hoá với nhiều hình thức chuyển nghĩa phong phú cho phù hợp với tâm lý của nhân dân lao động Việt Nam từ bao nhiêu thế kỷ qua.

 

 

 

Chú thích :

 

(1) Quang Kiên – Đức Phật dân gian và vấn đề thế tục hóa Phật giáo trong truyện cổ tích dân gian người Việt – Nguyệt san Giác ngộ (Phụ trương nguyên cứu của báo Giác Ngộ),  Số 84 (03/2003) Trang 29

 

(2) Huệ Thiện – Đức Phật qua thành ngữ và tục ngữ Việt Nam – Nguyệt san Giác ngộ (Phụ trương nguyên cứu của báo Giác Ngộ), Số 84 (03/2003) Trang 36

 

(3) Nguyễn Đổng Chi – Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập I, Trang 50, NXBGD, 2000

 

(4) Nguyễn Đổng Chi – Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập I, Trang 1635, NXBGD, 2000

 

(5) Đinh gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn – Văn học dân gian Việt Nam, trang 244 -245, NXBGD

 

(6) Đinh gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn – Văn học dân gian Việt Nam, trang 436, NXBGD

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website