Tranh ngựa của Hàn Cán

 (Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, SỐ 15 (69), THÁNG 1 NĂM 2014)

TÓM TẮT

Trong hội họa cổ điển Trung Quốc, ngoài những đề tài quen thuộc như sơn thủy, hoa điểu, nhân vật, thì đề tài ngựa cũng là một đề tài được các họa sĩ chú ý. Tuy số lượng tranh vẽ đề tài ngựa là không nhiều, nhất là khi đặt trong tương quan với các đề tài lớn khác, nhưng tranh vẽ về ngựa cũng đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt. Họa sĩ Hàn Cán đời Đường đã thực sự tạo nên phong cách riêng của mình với quan niệm độc đáo “ngựa là thầy ta”.

Trong văn hóa Trung Hoa, ngựa mang một ý nghĩa khá đặc biệt. Đó là một loài động vật hoang dã được thuần dưỡng và ở bên cạnh con người trong chiến trận cũng như trong đời sống lao động với những phẩm chất được ngợi ca như trung thành, dũng mãnh, tự do,... Phần nào đó, ngựa được xem như là bạn quý của con người chứ không phải là một loài súc vật được nuôi dưỡng và sử dụng. Hình ảnh ngựa thường hướng người ta đến những phẩm tính tốt đẹp như thành công, nỗ lực, can trường. Những câu thành ngữ như “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, “Mã đáo thành công”, “Mã phạ kỵ, nhân phạ bức” (Ngựa sợ bị cưỡi, người sợ bị bức hiếp), “Mã phạo liễu, vĩ ba lạp bất trú” (Ngựa đã chạy, kéo đuôi chẳng lại),... đều là thể hiện sự tự do, phóng khoáng, tung hoành ấy. Đặc biệt hơn so với những loài vật được thuần hóa và nuôi dưỡng khác, ngựa đường hoàng bước vào hội họa một cách sống động và ngạo nghễ. Hàn Cán là một trong những danh họa khởi đầu cho việc vẽ tranh về đề tài ngựa như vậy.

1. Hàn Cán – họa sư chuyên vẽ ngựa

Hàn Cán là một họa sĩ thời nhà Đường ở Trung Quốc. Mọi chi tiết tiểu sử của ông đều là phỏng đoán, người ta không thực sự biết chính xác ông quê ở đâu, sinh ra trong thời gian nào, chỉ biết ông đảm nhận vai trò họa sĩ cung đình vào thời Huyền Tông. Từ xuất thân nghèo hèn, tài năng của Hàn Cán được danh họa Vương Duy nhận ra, được họa sĩ Tào Bá hướng dẫn và rồi trở thành một họa sĩ trong cung đình nhà Đường thời thịnh thế. Hàn Cán được cho là đã vẽ rất nhiều tranh tường với đề tài Phật giáo và Đạo giáo, nhưng đến ngày nay ông đã thực sự lưu danh với tài năng vẽ ngựa.

Tương truyền Hàn Cán có hàng trăm bức tranh vẽ ngựa, nhưng tác phẩm của ông còn lại đến ngày nay không nhiều. Tuy vậy, vẫn đủ để ghi dấu phong cách riêng của một tài năng. Những bức tranh như Chiêu Dạ bạch đồ, Mục mã đồ, Viên mã đồ,... đã để lại một cái nhìn rất riêng về ngựa của họa sĩ Hàn Cán.

Người ta tin rằng những tranh vẽ ngựa của Hàn Cán mang lại sức sống cho con vật trong tranh. Đến mức, đã có huyền thoại nói rằng, khi có một vị tướng quân thách thức, Hàn Cán đã vẽ một con chiến mã, và từ trong tranh, con chiến mã ấy phi thẳng ra chiến trường, không cần nước, không cần cỏ, không cần ngủ, chiến mã chiến đấu cho đến khi khuất phục được tướng địch thì quay trở về trong tranh trên vách nhà Hàn Cán. Cũng có chuyện kể rằng, vì ý thức phản đối chiến tranh, con chiến mã từ bỏ chiến trường nhiễu loạn để trở về với không gian hai chiều trên bức họa của Hàn Cán. Câu chuyện ấy có phần giống với huyền thoại về tài năng của họa sĩ Mã Siêu và huyền thoại tất nhiên khác xa sự thật. Nhưng huyền thoại ấy có thể xem như một khẳng định cho tài năng nắm bắt và diễn tả được cái thần của ngựa trong tranh Hàn Cán.

Thời Đường là thời đại văn hóa và xã hội Trung Quốc rất phát triển, các phương diện khác nhau của văn hóa nghệ thuật có điều kiện để phát triển mạnh. Cho tới thời Thịnh Đường, ngoài các đề tài quen thuộc như sơn thủy, hoa điểu, nhân vật, hội họa bắt đầu chú tâm vào các đề tài chuyên biệt và cụ thể hơn. Ngựa là một trong những đề tài như vậy. Tuy là so với các đề tài lớn khác, số lượng tranh vẽ ngựa không phải là nhiều và cũng không nhiều lắm các họa sĩ chuyên chú với đề tài vẽ ngựa thì cũng có thể kể ra được nhiều cái tên tiêu biểu. Trước Hàn Cán có Tào Bá, chính là sư phụ của ông, cũng là một họa sĩ thành công với đề tài vẽ ngựa. Sau Hàn Cán còn có thể kể thêm một số cái tên khác, đều là những nhân vật kiệt xuất như Triệu Mạnh Phủ (đời Nguyên), Lương Thế Ninh (đời Thanh) và Từ Bi Hồng ở thế kỷ XX.

Tại sao ngựa lại trở thành một đề tài đặc biệt được chú ý trong hội họa Trung Hoa? Thực sự khó trả lời. Tuy nhiên, có thể thấy, cho đến ngày nay, ngựa mang những ý nghĩa may mắn nên tranh về ngựa cũng được ưa chuộng. Những đề tài như “mã đáo thành công”, “kỵ mã du xuân”,... trở thành những đề tài quen thuộc. Ở góc độ nào đó, có thể thấy rằng, ngựa ở bên cạnh con người, vừa giữ những phẩm chất mạnh mẽ, phóng khoáng của một loài thú hoang dã, vừa trung thành, tận tụy như là chiến hữu và bè bạn.

2. Các bức tranh vẽ ngựa của Hàn Cán

Tranh vẽ ngựa của Hàn Cán, có màu sắc cung đình rõ nét, cao sang, quý phái, phần nào đó cũng xuất phát từ sự thịnh trị của nhà Đường thời Huyền Tông. Tương truyền Huyền Tông mê ngựa và có tàu ngựa rất quý. Vẽ vì sở thích của quân vương, nhưng để lại cái thần tài của mình trong đó thì lại là yếu tố thuộc về tài năng của người nghệ sĩ.

Bức vẽ có lẽ là nổi tiếng nhất của Hàn Cán về ngựa chính là Chiếu Dạ bạch đồ, bức vẽ vẽ con ngựa chiến quý giá của Đường Huyền Tông. Bức tranh này ngày nay là một bức tranh cuộn dài khoảng 5m, ở bảo tàng Nghệ thuật (Metropolitan Museum of Art) ở New York, ngoại trừ phần thủ bút và con dấu thêm vào do nhiều đời chủ nhân đã sở hữu bức tranh quý thì phần tranh vẽ ngựa của Hán Cán có diện tích 30,8 x34 cm.

                                                                 Hình 1: Chiếu Dạ bạch đồ

Bức tranh vẽ con chiến mã Chiếu Dạ của Huyền Tông, tương truyền là con vật được Huyền Tông yêu quý nhất trong bầy ngựa của mình. Thực sự, nếu đặt tranh Hàn Cán bên cạnh tranh về ngựa của Từ Bi Hồng sau này chẳng hạn, người ta sẽ dễ dàng nghĩ rằng Hàn Cán không hề vẽ ngựa chiến, không vẽ sự mạnh mẽ từ gân cốt, cơ bắp, cử động cương mãnh của con vật. Nhưng thử ngắm kỹ bức tranh con ngựa này để tìm xem cái thần thái, hồn cốt của ngựa chiến mà Hàn Cán đã thể hiện. Hàn Cán không theo trường phải tả thực, không sử dụng công bút để vẽ một cách tỉ mỉ, chân thực mà dường như toàn bộ thần thái dũng mãnh của ngựa chiến đã được ông thể hiện qua con mắt của nó. Con ngựa đang bị buộc lại. Vóc dáng nó có vẻ gì đó gọn gàng, con ngựa không tung vó, hất bờm, vươn cổ ngạo nghễ để làm người ta nghĩ tới hình ảnh ngựa trên thảo nguyên bát ngát hay trên chiến trường hùng tráng. Nhưng con mắt của nó thì chứa chất tất cả mọi khao khát tự do, chứa chất tất cả sự dũng mãnh, can trường cần có.

Con ngựa chiến thời Thịnh Đường đang thu mình trong một nét mực rất mỏng manh, tròn trịa. Cái tài của Hàn Cán là làm cho người ta tưởng như chỉ cần tháo dây buộc, con ngựa này sẽ hóa thành một chiến mã sung sức sẵn sàng xung trận. Sức lực của nó dồn chứa đầy ắp trong hình dáng gọn gàng đó, tựa như tham vọng của hoàng đế đang chất chứa và sẽ đợi lúc bùng nổ. Cái tính hoang dã của con ngựa chiến đã được thuần phục dường như sẽ phát tác khi cần thiết.

Con ngựa có tên là Chiếu Dạ - dường như là ca ngợi cái sắc trắng ngời sáng của nó, có thể thấu chiếu được trong đêm đen. Phải chăng Hàn Cán cũng đặt dưới lớp da tròn căng vẽ phát bằng một nét bút mềm mại những sức bật, sức vươn của con ngựa chiến sẵn sàng tung vó. Con ngựa của Hàn Cán thể hiện sức mạnh của mình ở hàm khỏe, ngực chắc, bờm dựng tua tủa, mũi hất lên, bốn vó khinh khoát và đôi mắt sáng ngời.

 

 

                                                                                    Hình 2: Mục mã đồ

Một bức tranh khác cũng thường hay được nhắc đến của Hán Cán là bức Mục mã đồ. Bức tranh có diện tích 27.5 x 34.1 cm này đang được lưu giữ tại bảo tàng Quốc gia (National Palace Museum) ở Đài Bắc. Bức tranh miêu tả một người để râu đang đĩnh đạc cưỡi trên con ngựa trắng đồng thời đang ghìm giữ con ngựa ô không người cưỡi bên cạnh. Rõ ràng, trong những bức tranh vẽ ngựa của Hàn Cán, người ta nhận thấy ông không chỉ miêu tả hình dáng con ngựa mà còn là tinh thần của nó – tinh thần của một con ngựa thời Đường, mạnh mẽ và sung sức. Chọn một khoảnh khắc để miêu tả khá đơn giản, Hàn Cán như chứa chất vào trong bức Mục mã đồ của mình tinh thần của một thời đại giàu có và thịnh trị. Đôi ngựa với hình dáng mạnh mẽ, cơ thể to lớn, cổ ngắn và đầy, yên trải gấm vóc như chúng vốn được chăm sóc đầy đủ. Mặc dù tác giả không chú ý đến độ sâu, độ sáng tối (như hội họa đương thời vốn thế) nhưng hình ảnh đôi ngựa không có vẻ gì như đang bị dán, bị đè lên một mặt phẳng hai chiều mà cách vẽ đôi ngựa song song nhau, với màu sắc tương phản, nét mực đều đặn, hài hòa, các vó ngựa song hành với nhau rất ăn khớp, đuôi ngựa tự nhiên đã tạo ra vẻ nhịp nhàng trong hành động của người giữ ngựa, và vì thế tạo ra cái thần kỳ sống động của bức tranh. Hành động của người cưỡi ngựa là vừa đủ, không thiếu cũng không thừa để tạo sự cân bằng cho bức tranh này.

Ở bên góc trái của bức tranh có đề bốn chữ “Hàn Cán Chân Tích” được cho là do hoàng đế Triệu Cát thời Bắc Tống viết để đánh dấu khi đưa bức tranh vào bộ sưu tập của mình. Vị vua thứ tám của triều Bắc Tống này vốn nổi tiếng yêu chuộng và thích sưu tầm các tác phẩm thư họa từ các triều đại trước. Bốn chữ đề ấy khẳng định tác phẩm và kiểu cách riêng của Hàn Cán khi vẽ ngựa đã được vị hoàng đế mê nghệ thuật thời Tống ghi nhận.

3. “Ngựa là thầy tôi”

Nhiều giai thoại kể rằng, khi được vua Huyền Tông hỏi vì sao có thể vẽ được ngựa thần tình như vậy. Hàn Cán trả lời rằng ông không học ở đâu cả mà chính những con ngựa trong chuồng của hoàng đế là thầy của ông. Có thể thấy rằng, Hàn Cán ý thức rất rõ việc phải quan sát sự vật từ thực tế để đưa vào trong tranh của mình sao cho thật sống động. Giai thoại này được nhà thơ Tô Thức cũng là một danh họa đời Tống kể lại trong bài thơ Thứ vận Tử Do thư Lý Bá Thời sở tạng Hàn Cán mã của mình. Tô Thức có viết:

Cán duy họa nhục bất họa cốt,

Nhi huống thất thực không dư bì...

Quân bất kiến Hàn sinh tự ngôn vô sở học,

Cứu mã vạn thất giai ngô sư.” [1,290]

(Hàn Cán (vẽ ngựa) chỉ vẽ thịt không vẽ xương

Mà so ra là bỏ qua tất cả chẳng vẽ gì ngoại trừ da (ngựa)...

Anh chẳng thấy Hàn sinh nói rằng chẳng học ở đâu cả

Chuồng ngựa vạn con kia đều là thầy tôi)

Hai câu “Cán chỉ vẽ thịt chẳng vẽ xương/ Mà so ra là bỏ qua mọi thứ chẳng vẽ gì ngoài da ngựa” là một lời nhận xét rất phù hợp với tinh thần các bức họa về ngựa của Hàn Cán. Một lời nhận xét rất sâu sắc và thần tình. Chính là họa sĩ chỉ bằng nét vẽ đơn giản mảnh mai để vẽ nên toàn bộ mình mẩy, cơ thể, vóc dáng của con ngựa, toàn bộ bị bao phủ dưới làn da của chính nó. Việc chỉ vẽ da không vẽ cốt (xương) mà lại có thể bộc lộ được thần thái, sức mạnh, sự sống của con vật không phải là đơn giản. Cái triết lý vẽ ngựa của Hàn Cán là nhờ không chú trọng tiểu tiết, không chú trọng vẽ tỉ mỉ những cơ bắp, xương khớp, hay là vẽ tỉ mỉ từng sợi lông ngựa, không vẽ tất cả mọi thứ đó để bức họa trở nên trống rỗng, không có gì cả để ở đó chỉ có màu da ngựa trải ra trước mắt người xem, làm nổi bật lên hình thể của con vật. Nó như hiện hữu, như sống động để sẵn sàng có thể bung vó, cất mình ra khỏi bức tranh mà họa sĩ đã đặt nó vào.

Bản thân Tô Thức cũng là một họa sĩ, ông đang nhìn ngắm, đánh giá tranh của Hàn Cán bằng cái nhìn của một nhà họa sĩ. Đó là cái nhìn của một người nghệ sĩ, cái nhìn thấu thị, xuyên thấu mọi sự vật để nắm bắt được cái thần chứa đựng trong sự vật đó. Sự đồng điệu về nghệ thuật giữa Hàn Cán và Tô Thức chính là dựa vào cái đơn giản, sơ khởi để chất chứa vào trong đó toàn bộ tinh thần, sức mạnh của đối tượng mình miêu tả. Và Tô Thức cũng hoàn toàn hiểu rõ giá trị từ bài học vẽ ngựa mà Hán Càn đã từng dùng để trả lời Huyền Tông. Đó là lời khen vẽ đẹp của đàn ngựa vạn con của Huyền Tông để làm hài lòng quân vương. Nhưng đó cũng là lời thú nhận chân thực của một nghệ sĩ với đôi mắt biết nhìn vào hiện thực, vào sức sống vốn đang tự sinh ra trong đời sống để nắm bắt lấy cái thần thái tinh hoa của nó. Bậc thầy lớn nhất của người nghệ sĩ chính là thế giới vạn vật đang mở ra trước mắt anh ta.

Cách vẽ ngựa thể hiện thần thái và hồn cốt của con vật không dựa vào chi tiết tỉ mỉ của cơ bắp hay khớp xương và cử động mà dựa vào sự ẩn giấu sức mạnh bên trong của hình thể, dưới làn da đầy sức sống và biểu thị của ánh mắt mà Hàn Cán thể hiện trong tranh của mình thể hiện tinh thần của Đạo gia một cách sâu sắc. Trong tranh vẽ của ông, cái được biểu hiện là rất hài hòa và đầy sức gợi. Qua đó, người xem thấy được vẻ giàu mạnh, sung túc của một thời đại được xem là thịnh trị nổi lên trên bức tranh vẽ loài vật. Nhưng trên hết, qua đó, người xem có thể nhận ra được phong cách riêng và cái nhìn rất riêng của ông về nghệ thuật. Mọi thứ thực sự đầy đặn và sống động.

 

Tài liệu tham khảo

1.      Ronald C.Egan (1994), Word, Image, and Deed in the Life of Su Shi, Harvard Univ.Press, US

2.      Michael Sulliva (1999), The Arts of China, University of  California Press, London, UK

3.      王朝闻 , 阵绶祥(住编)(2000), 中国美术史 (隋唐卷), 明天出版社

 

 

HAN GAN’S HORSE-PAINTING

 

Abstract

         Classical Chinese painting has many familiar topics such as shan-shui (mountain-water), huaniao (flower and bird), renwu (people), ect. Horse-painting  is also a special subject appealing to many artists. Despite its incompetence in number compared to other important topics, horse-painting still makes a remarkable point in the world of painting. Han Gan – a master painter of horses in the Tang Dynasty - created his own stamp with a unique concept: “The myriad horses of the imperial stables are all my teachers”.

 

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website