I don’t want to sleep alone, những đối cực trong một thế giới cô đơn vô cực

                           (Hồ Khánh Vân, Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, SỐ 14, THÁNG 11 NĂM 2013)

 TÓM TẮT

Với 9 tác phẩm điện ảnh được cho ra đời trong vòng 17 năm (từ 1992 đến 2009), Thái Minh Lượng (Tsai Ming Liang) đã tạo nên một thành tựu mà bất cứ đạo diễn nào tâm huyết với nghề cũng đều mơ ước: một dòng phim tác giả mang tên Thái Minh Lượng. Tác phẩm Tôi không muốn ngủ một mình (I don’t Want to Sleep Alone) ra đời năm 2006 là một trong những sáng tạo độc đáo của nhà đạo diễn châu Á này. Một trong những nét đặc sắc của bộ phim là nghệ thuật sử dụng thủ pháp đối lập tuyệt đối giữa động và tĩnh trong hình ảnh, giữa thế giới câm lặng không thoại của nhân vật và thế giới âm thanh ồn ĩ, hỗn tạp của đời sống đô thị hiện đại để tái hiện cảm thức cô đơn đặc quánh, rợn ngợp và đầy ám ảnh vốn là chủ đề lặp đi lặp lại trong các tác phẩm của ông.

***

Trong khoảng thời gian 17 năm (từ năm 1992 đến năm 2009), với 9 tác phẩm phim tự sự mang đậm tính nghệ thuật, gây sự chú ý lớn trên thế giới, tham gia tranh cử và đoạt giải ở nhiều liên hoan phim quốc tế, Thái Minh Lượng (Tsai Ming Liang) đã thực sự là người đánh dấu sự hình thành làn sóng phát triển thứ hai (The second new wave) của điện ảnh Đài Loan, nối tiếp bước chân của Hầu Hiếu Hiền (Hou Hsiao Hsien), Dương Đức Xương (Edward Yang).

Hầu như chỉ xoáy sâu vào một chủ đề duy nhất: nỗi cô đơn của con người, những tác phẩm của Thái Minh Lượng lần lượt trở thành các biến thể chuyên biệt của nhau trên cùng một hành trình soi ngắm và tái hiện hình tượng con người đơn độc, cô lẻ đến tột cùng giữa thế giới hiện đại. Cùng với chiếc camera, đạo diễn Thái Minh Lượng đã tận hiến toàn bộ sức sáng tạo và khát khao nghệ thuật của mình vào cuộc đại phẫu trạng thái cô đơn từ nhiều giác độ, khía cạnh, mảng mặt khác nhau. Tôi không muốn ngủ một mình (I don’t Want to Sleep Alone), ấn phẩm điện ảnh được ra đời vào năm 2006 cũng là những thước phim đầu tiên Thái Minh Lượng thực hiện trên chính mảnh đất Malaysia, nơi ông đã được sinh ra và sống 20 năm đầu đời. Thế nhưng, bối cảnh khu chung cư hoang tàn, dang dở, những ngôi nhà lụp xụp, tăm tối, nghèo nàn và xộc xệch cùng với những thân phận người khốn khổ, bi thương hiện lên trong bộ phim đã chạm phải phản ứng gay gắt từ phía chính phủ Malaysia vì những lý do về văn hoá, đạo đức và sắc tộc. Thái Minh Lượng và Tôi không muốn ngủ một mình bị cấm cửa ngay trên chính quê hương của mình.

So với những tác phẩm cũng tạo nên nhiều tiếng vang trước đây, đứa con này của Thái Minh Lượng dường như khép mình khiêm tốn hơn trong các cuộc tranh cử giải thưởng quốc tế và mang một số phận thăng trầm đặc biệt. Tuy vậy, với công chúng và những người đam mê điện ảnh, những người đã dõi theo bước chân của nhà đạo diễn tài năng và sâu sắc này suốt 17 năm qua, Tôi không muốn ngủ một mình là một sự thay đổi lớn trong tư duy và cách thức thể hiện nghệ thuật của ông. Giản dị, gần gũi hơn nhưng cũng đầy ám ảnh, day dứt hơn, những khuôn hình trong bộ phim xuyên chuỗi với nhau trong 115 phút, vượt trên những hiện tượng bề ngoài của một bối cảnh đời sống nghèo nàn, u ám, tồi tàn để xoáy sâu vào nỗi nhức nhối luôn bám chặt bản thể tồn tại của nhân loại qua muôn đời, đặc biệt là trong thời hiện đại: sự hiện tồn và bản chất của nỗi cô đơn giữa những con người cô đơn.

Thái Minh Lượng không kể một câu chuyện của con người nên tác phẩm của ông hầu như không có cốt truyện. Cả bộ phim chỉ là chuỗi hình ảnh về hai tuyến sự việc song song: một bên là một cô gái giúp việc trong quán cà phê phải chăm sóc đứa con trai bị bại liệt toàn thân của bà chủ; một bên là một chàng trai đồng tính có tên là Rawang cứu giúp và chăm sóc một người lao động lang thang trên đường phố. Sau nhiều cuộc gặp mặt, cô gái giúp việc và kẻ lang thang không nhà làm tình với nhau trong không khí đặc quánh hơi độc của một thành phố chìm ngập giữa đám khói lan ra từ nạn cháy rừng. Nhân vật chính trong Tôi không muốn ngủ một mình là nỗi cô đơn. Cô đơn hiện lên không phải chỉ như là một ý nghĩa ẩn đằng sau con người, sau các nhân vật đang đi lại, đang đối thoại, đang hành động, không chỉ là một điều được suy ra từ trạng thái của con người mà chính bản thân nỗi cô đơn là đối tượng trực tiếp mà ống kính của Thái Minh Lượng hướng đến. Chính vì vậy, ông phơi bày, tái hiện đối tượng này như một nguyên thể phi ẩn dụ, phi biểu tượng. Người đạo diễn căng trải, phóng chiếu nỗi cô đơn ra trước khán giả bằng ngôn ngữ điện ảnh độc đáo, sáng tạo và đầy phong cách của chính mình. Đó là một nỗi cô đơn ở trạng thái tột cùng, đỉnh điểm, choán lấy và chiếm lĩnh toàn bộ các thước phim, một nỗi cô đơn đến vô cực. Và ngôn ngữ điện ảnh chứa đựng các yếu tố đối cực của hình ảnh, âm thanh, hệ thống nhân vật trong trạng thái đối lập mạnh mẽ, đồng thời, rất khác biệt với ngôn ngữ điện ảnh của các đạo diễn khác chính là một trong những phương thức để Thái Minh Lượng chuyển tải một cách trọn vẹn mục đích nghệ thuật của mình trên tấm màn bạc.

 1.      Đối cực hình ảnh: động và tĩnh

Có thể nói Tôi không muốn ngủ một mình là một tác phẩm nghệ thuật của sự tiếp nhận thị giác. Ngay từ khuôn hình đầu tiên, sự quan sát của khán giả trước hình ảnh đã được đánh thức một cách mạnh mẽ, đầy ngỡ ngàng và sững sờ. Hình ảnh người con trai bị bại liệt nằm bất động trên giường được giữ nguyên và kéo dài trong hơn hai phút ba mươi giây tạo nên tình trạng bất động của hình ảnh. Người xem chỉ có thể nhận ra sự chuyển động của các thước phim, của bối cảnh bằng sự chuyển đổi thoáng qua, cực nhẹ của sắc độ ánh sáng tạo ra bằng ánh nắng mặt trời chiếu từ khung cửa sổ và chuyển động nhẹ nhàng của tấm màn trắng mỏng mảnh. Giữa không gian căn phòng tĩnh tại chứa đựng hình tượng nhân vật bất động, sự chuyển dịch chỉ diễn ra ở một bộ phận cực nhỏ của không gian ấy. 

Nghệ thuật lấy cảnh quay này được lặp đi lặp lại liên tục trong suốt bộ phim và gần như tạo thành một dạng thức thi pháp quay phim của Thái Minh Lượng. Những cảnh quay người đàn ông ngồi yên lặng bên hồ nước trong khu chung cư bỏ dở, cảnh quay cận gương mặt kẻ bại liệt với đôi mắt mở trâng trâng, cảnh kẻ lang thang nằm quay lưng… khiến các thước phim như ngưng lại và người xem bị cuốn hút toàn bộ thị giác vào khuôn tình tĩnh trước mặt. Có người đã từng phác hoạ lại động tác quay phim của Thái Minh Lượng rằng: “Ông chọn bối cảnh phù hợp với kịch bản, ngắm vị trí đặt máy đẹp nhất, bật máy rồi vứt đó, ra ngoài hút thuốc, mặc các diễn viên muốn làm gì thì làm, sau đó, cắt và chuyển sang cảnh khác”. Góc máy cố định với các cảnh quay dài, những khuôn hình ít thay đổi đã tạo nên tính chi tiết chiều sâu trong tác phẩm của Thái Minh Lượng. Trong khuôn hình của đạo diễn này, hình ảnh không chỉ có tính chất thông báo mà buộc đôi mắt người xem phải xoáy sâu vào để cảm và nghĩ về trạng thái của hình ảnh, của các nhân vật ở từng chuyển động và ở cả sự không chuyển động của họ. Những chi tiết gần như thừa với hành trình kể chuyện thì lại trở nên thú vị, hấp dẫn và đầy ý nghĩa trong thế giới của Thái Minh Lượng. 

Nếu các trường đoạn vốn được tạo nên từ những cảnh liên tiếp nhau thì Thái Minh Lượng lại hầu như tạo ra một đơn vị tính mới, một ngữ pháp mới cho ngôn ngữ điện ảnh: một cảnh quay được giữ nguyên và kéo dài như một trường đoạn. Bên cạnh đó, ông cũng như người đi ngược hành trình phát triển của điện ảnh, không sử dụng sự chuyển đổi liên tục giữa các kỹ thuật quay từ toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh, kỹ thuật zoom… mà giữ cố định góc máy, cố định tiêu cự, cố định khuôn hình trong cảnh quay. Trong đó, cảnh quay toàn chiếm số lượng lớn trong các thước phim. Những khuôn hình toàn cảnh chứa đựng các yếu tố động tĩnh đối cực rõ rệt. Cảnh quay lấy từ xa luôn làm hiện lên toàn bộ bối cảnh xung quanh và đấy luôn là những bối cảnh ít chuyển động, nếu không muốn nói là không chuyển động: một khu phố, một đại lộ vắng với những bức tường lớn, một ngõ hẻm dài, một khu chung cư bỏ hoang… Nhân vật được đặt vào bối cảnh như một chấm nhỏ tạo ra các chuyển dịch nhỏ bé, yếu ớt trong mối tương quan với bối cảnh. Nhiều khi, máy quay đón trước đường chuyển động của nhân vật và được cắm cố định, thu vào khuôn hình toàn bộ chiều sâu của bối cảnh. Ở đoạn gã đàn ông lang thang và bà chủ quán cà phê quan hệ tình dục với nhau ở con hẻm tối, máy quay chờ sẵn ở đích đến. Từng nhân vật xuất hiện trong bóng tối và dịch chuyển từ phía sau đến gần khuôn hình. Sự im lặng, sâu hoắm và tối tăm của ngõ hẻm như nuốt trọn các nhân vật, đồng thời, cũng như đồng lõa với hành vi dục vọng đầy bản năng, đầy khao khát của họ.

Có thể thấy rằng Thái Minh Lượng đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau để tạo ra độ chênh giữa động và tĩnh trong bố cục khuôn hình. Ông có thể đặt các nhân vật tĩnh bên cạnh những nhân vật động vào cùng một bối cảnh nhưng tạo điểm nhấn ở các nhân vật tĩnh, chẳng hạn như cảnh cô gái giúp việc và gã đàn ông lang thang đứng bất động trước người đầu bếp đang nấu ăn với cái chảo. Người đầu bếp hoạt động liên tục với những động tác nhanh, mạnh, gấp gáp còn hai kẻ đứng nhìn thì giữ nguyên tư thế đứng uể oải, khốn khổ và kẻ lang thang lộ rõ sự thèm khát trước món ăn xa xỉ đối với mình. Camera được đặt từ phía sau lưng người đầu bếp và lấy cận cảnh chiếc lưng to, choán lấy một phần khuôn hình. Người đầu bếp chuyển động, nhưng chiếc lưng to bản lại gần như giữ cho phần khuôn hình này ít thay đổi và toàn bộ khuôn hình được nhấn vào điểm tĩnh tạo nên từ hai nhân vật đứng đối diện máy quay. Cũng tương tự như vậy, cảnh cô gái chăm sóc cho kẻ bại liệt, cảnh Rawang lau chùi cho gã đàn ông lang thang hoặc được quay từ phía sau lưng của nhân vật chuyển động, hoặc chỉ để xuất hiện một phần hình ảnh của nhân vật chuyển động trên màn hình và trọng tâm khuôn hình vẫn đặt vào nhân vật bất động. Cánh bướm mỏng manh, nhỏ nhoi chuyển động dập dờn quanh người đàn ông ngồi im phắc, giữa khu chung cư bỏ hoang và trước một mặt nước phẳng lì cũng khiến thị giác người xem bị lấp đầy bởi sự tĩnh lặng, vắng vẻ đến vô cùng.

Ở cảnh quay những người đàn ông ở chung nhà với Rawang, Thái Minh Lượng còn tạo ra một hình ảnh kỳ lạ và thú vị đối với thị giác người xem. Ông không quay trực tiếp mà đưa lên màn ảnh hình ảnh phản chiếu trong gương. Hình ảnh thực bị phân đôi: một phần trong hiện thực, một phần trên tấm gương. Thị giác của khán giả phải hoạt động để ráp nối hai nửa hình ảnh này lại, đồng thời, trừ bớt những phần trùng lặp để có bức tranh nguyên vẹn về tập hợp đám người. Hình ảnh thực được nhân đôi về lượng bằng hình ảnh trong tấm gương càng tạo ra sự mất cân bằng với khuôn hình kế tiếp chỉ chứa đựng một mình Rawang ngồi bên bậc cửa, dưới chân chiếc cầu thang sâu hút cùng đĩa thức ăn trên tay. Đồng thời, khuôn hình những người ngồi xem truyền hình trong căn phòng là hình ảnh được tái hiện qua điểm nhìn của chính Rawang, điểm nhìn của một kẻ đứng từ bên ngoài căn phòng và tách biệt với đám đông. Cảnh quay đám người ngồi trò chuyện, lắc lư trong âm nhạc chỉ kéo dài trong 15 giây trong khi máy quay lại thu khuôn hình Rawang ngồi một mình nơi bậc cửa suốt thời lượng 60 giây. Hình tượng con người tách biệt tĩnh lặng càng trở nên cô đơn, bé nhỏ nhưng tạo nên dấu ấn sâu đậm trong thế giới hình ảnh mất cân bằng giữa hình ảnh động và tĩnh về cả không gian và thời lượng trên những thước phim.

2. Đối cực âm thanh: hữu thanh và vô thanh

Tôi không muốn ngủ một mình là một tác phẩm của thị giác không chỉ vì những cách tân sáng tạo gây ấn tượng mạnh về mặt hình ảnh mà còn vì sự tinh lược đến tuyệt đối về mặt âm thanh. Các nhân vật chính của bộ phim này đều là những nhân vật không thoại, những nhân vật “câm”. Họ mang tình trạng bại liệt ngôn ngữ như đứa con trai bất hạnh của bà chủ quán cà phê. Không một câu thoại nào được tạo ra và thế giới nhân vật ấy giao tiếp với nhau chỉ thuần bằng hành vi, cử chỉ, động tác. Với nghệ thuật xây dựng nhân vật không thoại này, Thái Minh Lượng đã tước đi năng lực giao tiếp quan trọng và chủ đạo của con người. Các nhân vật trở thành những thực thể khép kín, đóng khung trong chính họ và chỉ giao tiếp với nhau ở mức độ tối thiểu nhất. Giữa họ không có sự giao thoa về cảm xúc, ý nghĩ và nhân vật cũng không bộc bạch trước khán giả thế giới bên trong của họ. Đây là một sự khép kín ở mức tuyệt đối.

Trong bộ phim nổi tiếng Persona, đạo diễn người Thụy Điển Ingmar Bergman cũng đã xây dựng nhân vật không thoại, chỉ thốt lên một câu duy nhất trong suốt bộ phim: “Không gì cả” (Nothing). Chính vì vậy, nhân vật này trở thành một thế giới im phắc bị phong kín và đẩy chính mình cũng như nhân vật cô y tá nhiều thoại vào trạng thái con người cô đơn ở mức khủng hoảng. Ở tác phẩm này, Thái Minh Lượng đi thêm một bước nữa để tạo ra các nhân vật không thoại tuyệt đối. Mỗi nhân vật là một thế giới bị thu rút vào bên trong, một thế giới câm lặng, im lìm. Và chính vì vậy, nỗi cô đơn hiện hữu một cách mạnh mẽ, dữ dội. Cô đơn âm ỉ trong từng nhân vật, kéo mỗi con người về một phía và giữ chặt lấy họ trong những bối cảnh không giao tiếp.

Ở phía ngược lại, Thái Minh Lượng lại xây dựng thoại cho nhân vật đám đông và các nhân vật phụ. Những lời thoại này hầu như không tham gia vào cốt truyện, nhưng có tác dụng tạo nên thế giới âm thanh của những con người đang tương tác với nhau, đối lập với thế giới vô thanh của các nhân vật chính. Đặc biệt, ở nhiều cảnh, kênh âm thanh dày được tạo nên bởi nhiều nhân vật cùng phát ra lời thoại trong một lúc (đoạn những người thanh niên sống chung nhà với Rawang cùng đi vác tấm nệm về nhà và đoạn họ chăm sóc cho gã đàn ông lang thang bị bất tỉnh) hoặc lời thoại xen lẫn với âm nhạc (tiếng cười nói của con người trên đường phố và tiếng đàn hát của đôi vợ chồng)… Trên nền âm thanh ấy, các nhân vật chính giữ nguyên sự câm lặng tuyệt đối của mình (chẳng hạn ở đoạn cô gái giúp việc và gã lang thang gặp nhau ở bàn ăn, họ chỉ im lặng nhìn nhau trong tiếng cười nói rộn rã của đám đông). Sự đối lập này càng tô đậm thêm tình trạng cô đơn biệt lập của những cá thể con người trong thế giới nghệ thuật của Thái Minh Lượng.

Bên cạnh đó, âm thanh từ các sản phẩm của đời sống công nghiệp lại xuất hiện khá nhiều trong các cảnh phim, đặc biệt gắn liền với bối cảnh trong ngôi nhà của bà chủ quán cà phê. Tiếng nhạc, tiếng trò chuyện phát ra từ chiếc radio, từ máy vô tuyến đem lại một thế giới âm thanh lúc nào cũng rộn rã, tươi tắn, thể hiện đời sống sung túc về vật chất và đời sống tinh thần tràn ngập sự quan tâm, yêu thương của con người đối với con người. Thế giới trên radio, trên vô tuyến là thế giới đối lập với hiện thực cuộc sống khô khốc, thô nhám. Con người trên truyền thông là con người được quan tâm, còn trong thế giới thực, con người lại bị bỏ mặc. Những bài hát, những giai điệu về tình yêu luôn tương phản với đời sống cô đơn tột cùng của các nhân vật. Cảnh phim có âm thanh cuộc phỏng vấn trên radio để tư vấn về cách sử dụng nệm đối lập với cảnh phim kế tiếp thể hiện nỗi khốn khổ trong đêm của Rawang và gã lang thang khi họ không ngủ được vì chiếc nệm cũ nát mang về từ bãi rác. Ở trường đoạn cuối cùng, giữa không khí đặc hơi khói độc, trong khi trên radio nhiều người đang nói về những mặt nạ chống hơi gas, về khăn tay, về việc họ ở trong nhà để tránh tình trạng nhiễm độc thì trên khuôn hình, người xem chứng kiến những người lao động nghèo phải đeo những chiếc bát nhựa và bao nilon để thở một cách nhếch nhác, thảm hại. Âm thanh trong các phương tiện truyền thông của thế giới công nghiệp hiện đại là âm thanh của một đời sống gần như ảo ảnh, xa vời đối với những con người trong khu phố tồi tàn, khốn khó này.

Một điểm độc đáo khác trong nghệ thuật sử dụng âm thanh của Tôi không muốn ngủ một mình chính là sự xuất hiện dày đặc của âm thanh hiện trường pha lẫn nhiều tạp âm. Thái Minh Lượng để cuộc sống hiện lên như chính nó vốn có. Tiếng máy bơm nước trên nền không gian tĩnh lặng trong khu chung cư bỏ hoang nơi Rawang ngồi bất động một mình, tiếng sột soạt khi cô gái giúp việc lau chùi cho kẻ bại liệt, tiếng chà quần áo, tiếng xe cộ trên đường… Những âm thanh hiện thực nổi rõ giữa những nhân vật không thoại càng nhấn mạnh thêm sự câm lặng của các nhân vật, vây bọc họ trong thế giới cô đơn im lìm. Những bài hát trong phim chủ yếu phát ra từ radio và vô tuyến. chính vì vậy, đấy cũng là những âm thanh hiện trường, nằm trong ranh giới truyện kể. Thái Minh Lượng chỉ sử dụng âm nhạc ở cảnh cuối cùng của bộ phim với hình ảnh kẻ lang thang, cô gái giúp việc và Rawang nằm trên tấm nệm đang trôi dần đi giữa mặt nước tĩnh lặng. Những thao tác phụ gia về kỹ thuật âm thanh được ông giản lược gần như ở mức tuyệt đối và để cho hiện thực hiện lên một cách chân xác, đậm nét.

Những nhân vật vô thanh tuyệt đối đặt trên nền âm thanh hiện trường, pha lẫn tạp âm đã tạo ra một chiều sâu vô tận vào thế giới cô đơn im lặng của nhân vật. Thông qua việc tiếp nhận hình ảnh, khán giả buộc phải tự mình khám phá thế giới ấy bằng sự thâm nhập vào chính đời sống mà các nhân vật đang hít thở. Theo cấu trúc song song của bộ phim, người xem có thể so sánh hình ảnh và âm thanh để nhận diện thế giới bên trong của nhân vật. Những cảnh cô gái chăm sóc cho kẻ bại liệt và Rawang chăm sóc cho kẻ lang thang được quay song song xen kẽ với nhau, thậm chí tương đồng với nhau (Cô gái và Rawang cùng lau chùi cho người bệnh, cô gái làm vệ sinh răng miệng cho kẻ bại liệt và Rawang chăm từng thìa thức ăn cho kẻ lang thang…). Ở những cảnh quay cô gái giúp việc chăm sóc cho con trai bà chủ, hình ảnh cô gái luôn bị mất đi một phần và người xem chỉ thấy cận cảnh bàn tay cô cử động trên khuôn mặt của người bệnh. Những động tác nhanh, mạnh tạo ra âm thanh sột soạt liên tục cho thấy cô gái thực hiện công việc như một sự bắt buộc để mưu sinh và không có tình cảm, cảm xúc. Trong khi đó, những cảnh quay Rawang chăm sóc cho kẻ lang thang lại đặt cả hai nhân vật vào khuôn hình. Các động tác được thực hiện chậm rãi, từ tốn và chỉ có âm thanh tiếng vắt nước vang lên thể hiện sự yêu thương chu đáo của Rawang dành cho người mình đang chăm lo. Và từ đấy có thể thấy rằng âm thanh hiện thực chính là một trong những kênh dẫn vào không gian mà Thái Minh Lượng đã tạo dựng bằng nhiều chi tiết cũng như thủ pháp nghệ thuật độc đáo, mới mẻ.

3. Một thế giới cô đơn vô cực

Động là sự tô đậm cho tĩnh, hữu thanh là sự nhấn mạnh cho vô thanh. Chính vì vậy, cái tĩnh, cái vô thanh luôn chiếm một dung lượng, thời lượng lớn trên các khuôn hình và tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ, dữ dội, cuốn hút toàn bộ thính giác và thị giác của người xem xoáy sâu vào nó. Hợp thể của các yếu tố nghệ thuật này đều hướng đến sự tái hiện nỗi cô đơn của con người một cách chi tiết nhất, giàu sức biểu hiện nhất. Cái cô đơn rợn ngợp xâm lấn từng nhân vật, trở thành một ẩn ức, một khao khát tột cùng và thôi thúc họ tìm kiếm đến nhau. Theo tiếng Trung Quốc, bộ phim này có tên là “Hei yan quan”, nghĩa là những quầng đen ở mắt. Đây là một hình tượng biểu trưng cho những kẻ thức trắng đêm, những đôi mắt không thể ngủ yên. Trong tiếng Anh, sự cô đơn bộc lộ hẳn ngay từ tựa đề phim I don’t Want to Sleep Alone: Tôi không muốn ngủ một mình. Chính vì vậy, Thái Minh Lượng xây dựng rất nhiều hình ảnh liên quan đến giấc ngủ của các nhân vật và nối kết chúng lại với nhau. Chiếc nệm cũ bị bỏ ở bãi rác, căn gác xép chật chội của cô gái giúp việc, chiếc giường của kẻ bại liệt. Trong cô lẻ, các nhân vật bao giờ cũng thao thức, trăn trở. Trong giấc ngủ một mình, cô gái giúp việc đau đớn với những dòng nước mắt tuôn chảy. Khi kẻ lang thang và cô gái mang tấm nệm từ khu chung cư về căn gác xép, Rawang ghen tuông và khổ sở đến mức muốn giết chết người đàn ông mình yêu. Và cuối cùng, trên tấm nệm ấy, ba nhân vật đã tìm thấy giấc ngủ bình yên khi nằm kề cận bên nhau. Những con người khao khát con người đến tột độ luôn mang niềm bất hạnh có tên là cô đơn. Họ tìm đến nhau trong tính dục không phải chỉ đơn thuần vì những động cơ giới tính, vì dục vọng, vì vấn đề đồng tính mà trước hết và trên hết, là vì tình người. Điều mà các nhân vật cần đến quay quắt là tình yêu thương, sự gần gũi với con người. Vì vậy, họ đến với nhau, nằm cạnh bên nhau và tìm thấy sự an ủi, tìm thấy điểm tựa ấm áp để đi đến giấc ngủ yên bình.

Đồng thời, nỗi cô đơn không chỉ chuyển dịch các nhân vật đến gần nhau mà còn chuyển hoá họ vào trong nhau. Chính vì vậy, Tôi không muốn ngủ một mình còn chứa đựng sự đối cực giữa cái ảo và cái thực. Cả hai nhân vật: gã lang thang không nhà và kẻ bị bại liệt đều do cùng một diễn viên Lee Kang Shens vào vai. Gã lang thang không nhà và cuộc làm tình với người mẹ - bà chủ quán cà phê, cuộc va chạm xác thịt với cô gái giúp việc, tình yêu thương với chàng trai đồng tính Rawang có thể chính là giấc mơ được cử động, được yêu đương, được tiếp xúc với con người của kẻ bại liệt nằm bất động. Kẻ lang thang không nhà là giấc mơ ảo hoá của kẻ bại liệt. Cũng như hình tượng cánh bướm được sử dụng trong bộ phim chính là biểu tượng cho giấc mơ, cho sự chuyển hoá. Cánh bướm bay quẩn quanh và đậu trên vai kẻ không nhà có mối liên kết sâu xa với một điển tích lớn lao của văn học Trung Quốc: Trang Chu nằm mơ thấy mình hoá bướm và trải qua một kiếp sống khác. Như vậy, một diễn viên vào vai hai nhân vật không phải vì lý do đơn giản của việc tiết kiệm chi phí làm phim (nhất là với một đạo diễn có tiếng tăm đối với nền điện ảnh thế giới như Thái Minh Lượng) mà có lẽ, còn vì một nguyên nhân cao hơn: nhằm tạo ra giá trị nghệ thuật cho hình tượng. Trong tác phẩm Tên độc tài, Chales Chaplin cũng đã diễn xuất cả hai vai: người Do Thái và tên độc tài, nhằm tạo ra sự đối sánh phân đôi giữa cái thiện và cái ác, giữa con người và quỷ dữ, giữa yêu thương và bạo tàn trong cùng một lốt người, một hình dáng. Giấc mơ chuyển hoá khiến các nhân vật trong Tôi không muốn ngủ một mình quan sát nhau một cách thường trực và thể hiện khát vọng của mình từ sự quan sát ấy. Kẻ lang thang quan sát cô gái giúp việc từ cửa quán cà phê, cô gái quan sát bà mẹ và đứa con bại liệt qua khe hở từ trên gác xép, kẻ lang thang và Rawang quan sát nhau trong giấc ngủ, và chính kẻ bại liệt, trong trạng thái bất động với đôi mắt mở trâng trâng đã quan sát ba con người nằm cạnh nhau cũng qua khe hở. Những chiều đối nghịch của sự quan sát thông mở một kênh giao tiếp thị giác câm lặng nhưng sục sôi khát vọng chạm vào con người, chạm vào người khác của các nhân vật.

Yếu tố ảo và và yếu tố thực luôn đang xen, kết quyện lẫn nhau. Trong nhiều cảnh quay, camera rời thế giới thực và thu hình thế giới được phản chiếu trong tấm gương mà ở đó, hình ảnh thực bị phân mảnh, bị cắt rời, mất khúc. Người xem phải nối ghép các hình ảnh trên màn hình để tìm hình ảnh thực nguyên vẹn (hình ảnh bà chủ buộc cô gái giúp việc thoa dầu và thủ dâm cho đứa con bại liệt, hình ảnh đám người trong nhà Rawang ngồi xem vô tuyến). Chiếc gương xuất hiện nhiều lần, trong nhiều không gian khác nhau. Và trong khuôn hình cuối cùng, Thái Minh Lượng cũng đã đặt tấm nệm, chiếc đèn dạ quang cùng ba con người có thực trôi chầm chậm trên mặt nước tĩnh lặng để tạo ra hiệu ứng của cái ảo. Giấc ngủ yên bình của ba con người cô đơn ấy phải chăng cũng chỉ là một giấc mơ, một khát vọng?

Trừ Rawang, các nhân vật chính trong phim đều không có tên. Trong khi đó, như một nghịch lý, một số nhân vật phụ lại có tên: Shiva, Hassan. Họ xuất hiện trong nguyên thể chính mình, không tên gọi, không danh phận và là con người trong dạng thức tồn tại nguyên sơ nhất. Không ai gọi tên họ và các nhân vật không gọi tên nhau. Chính vì vậy, con người càng bộc lộ hết toàn bộ sự cô đơn, sự đứt lìa các mối quan hệ, giao tiếp với thế giới xung quanh. Đồng thời, sự vô danh ấy cũng để nói lên một ý nghĩa khác: bất cứ ai cũng có thể là một kẻ cô đơn và cả nhân loại cùng cô đơn. Những con người không tên, không được cụ thể hoá lại có giá trị khái quát hoá. Họ là hình tượng điển hình cho con người cô đơn, thế giới cô đơn.

115 phút chỉ với 5 nhân vật không lời thoại, với một câu chuyện phi cốt truyện, nhưng Thái Minh Lượng đã thao tác một cách miệt mài, sáng tạo trên từng chi tiết hình ảnh và âm thanh để dẫn dụ khán giả vào thế giới sâu thẳm của Tôi không muốn ngủ một mình. Và cả 115 phút ấy là cả một cuộc ám ảnh day dứt, ám ảnh trên từng khuôn hình, từng âm thanh, ám ảnh về nỗi cô đơn rợn ngợp của kiếp người và ám ảnh về nỗi đau đớn, xót xa của thân phận con người.  Và dường như, chiếc camera đứng tĩnh của Thái Minh Lượng vừa đưa hình ảnh của Tôi không muốn ngủ một mình lên màn ảnh, vừa đặt người xem ra trước hình ảnh của chính mình. Đi cùng với từng thước phim này, mỗi con người trong chúng ta lại tự phẫu thuật nỗi cô đơn trong chính bản thể nội tại. Đóng kín thế giới bên trong của nhân vật trên màn bạc, nghệ thuật của Thái Minh Lượng lại lộn trái toàn bộ thế giới của mỗi một con người chúng ta đang sống ở thời bây giờ: thế giới của nỗi cô đơn.

 

 

I  don’t want to sleep alone

Đạo diễn và biên kịch: Thái Minh Lượng

Diễn viên: Lee Kang Shens, Chen Shiang Chyi, Noman Tun, Pearlly Chua.

Ngày phát hành: 4/9/2006

Thời lượng; 115 phút

Nước sản xuất: Malaysia – Đài Loan

Giải thưởng: Giải Điện ảnh vì hoà bình – Liên hoan phim Venice – Năm 2006

 

 

 

 

Tài liệu tham khảo

1.                  Timothy Corrigan (Đặng Nam Thắng dịch) (2010), Hướng dẫn viết về phim, Nxb Tri thức, Hà Nội.

2.                  Peter Ettedgui (Lưu Hoàng Linh dịch) (2011), Khung hình tự sự, Nxb Tổng hợp, Tp.HCM.

3.                  Tập thể tác giả dịch (2008), Nghệ thuật điện ảnh, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4.                  Tập thể tác giả dịch (2008), Lịch sử điện ảnh thế giới, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5.                  Minh Tùng, Phương Lan (biên soạn) (2007), Từ vựng điện ảnh Anh – Pháp – Việt, Nxb Văn hóa Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh.

6.                  David Bordwell and Kristin Thompson (2004), Film Art: An introduction, The McGraw – Hill companies.

7.                  Chris Berry (edited) (2003), Chinese Film in Focus, Bfi Publishing,.

8.                  Shohini Chaudhuri (2005), Contemporary World Cinema, Edinburgh University Press.

9.                  Jared Rapfogel, Tsai Ming Liang: Cinematic Painter, http://archive.sensesofcinema.com/contents/02/20/tsai_painter.htmlhttp://archive.sensesofcinema.com/contents /02/20/tsai_painter.html.

10.              Mark Peranson, Interview: Cities and Loneliness; Tsai Ming-Liang’s “What time is it there?” http://www.indiewire.com/article/interview_cities_and_loneliness_tsai_ming-liangs_what_time_is_it_there/, 22/1/2002.

 

I DON’T WANT TO SLEEP ALONE: CONTRAST IN NOTHINGNESS

Abstract

Tsai Ming Liang, one of the most famous Asian film directors all over the world, has released 9 films during 17 years (from 1992 to 2009) and won numerous repute awards in several international film festivals. I Don’t Want to Sleep Alone, the first film of Tsai shoted in his homeland, Malaysia, represented the haunting loneliness of human condition in modern life. In this film, he used the contrast between the moving and the silence in sight and sound impressively, uniquely to reveal the desire of lonely man’s soul in uncultivated urban.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website