Đông Du - một góc nhìn

 Một cuộc cách mạng bằng bạo lực là cần thiết để đánh đuổi ngoại xâm hoặc lật đổ một chính quyền thối nát trong một thời điểm lịch sử cụ thể. Nhưng học tập nhân loại tiến bộ, nâng cao dân trí mới luôn luôn là kế vạn toàn để xây dựng một đất nước có phẩm giá và sự khang kiện.

Đầu xuân, những lời bàn về khai trí hi vọng sẽ mang lại ít nhiều lưu ý thú vị cho những người nhiệt huyết, thật sự xem trọng công cuộc canh tân đất nước trong giai đoạn lịch sử mới mẻ và nhiều biến động này.

 

“Mặc dầu chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng phong trào Đông Du được coi là một trong những phong trào yêu nước mạnh mẽ nhất của nhân dân Việt Nam đầu thế kỷ 20, đặc biệt nhiều thanh niên du học của trào lưu này đã trở thành những hạt nhân của các phong trào cách mạng tiếp theo trong công cuộc giải phóng dân tộc”, đúc kết này trong Từ điển bách khoa Việt Nam cũng tương tự nhiều sách lịch sử phổ thông, có thể xem là cách đánh giá phổ biến trong nhiều chục năm qua về phong trào Đông Du (1905-1908).

Ở đó, người ta chỉ nhấn mạnh tính chất cách mạng theo chiều hướng giải phóng dân tộc bằng đấu tranh bạo lực. Thành - bại - được - mất từ công cuộc đường xa cầu học với mục đích canh tân đất nước mang tên Đông Du cần được nhìn rộng hơn ở những góc độ khác, trong đó gồm nhiều thành phần tham dự vào mục tiêu cải cách xã hội Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20.

Những nhân vật Đông Du theo đuổi học thuật

Do sự thỏa hiệp với Pháp, tháng 9-1908 Chính phủ Nhật ra lệnh giải tán du học sinh Việt Nam. Phong trào Đông Du đến đây coi như chấm dứt, mọi chi viện từ trong nước đối với các thành viên qua danh nghĩa phong trào đều ngưng, cũng có nghĩa là những người chọn cách bám trụ xứ người đều phải tự lực.

Gần 200 du học sinh chỉ khoảng 20 người ở lại, trong Phan Bội Châu niên biểu, cụ Phan nhắc tên 5 người Nam kỳ, 6 người Bắc kỳ và 7 người Trung kỳ. Những người ở lại học tập phần đông đã chọn mục tiêu thu thập kiến thức đấu tranh vũ trang, chia nhau học kỹ thuật chế tạo vũ khí, kỹ thuật quân sự... Một số rất ít theo đuổi tri thức về khoa học xã hội mà bấy giờ được cho là tri thức hiện đại như mục tiêu hồi đầu phong trào đã đề ra.

Vài nhân vật như Trần Văn Thư, Cao Trúc Hải, Nguyễn Kế Chi có thể xem là những trường hợp khá đặc biệt.

Trần Văn Thư (người Vĩnh Long), một trong năm người Nam kỳ, lúc này chỉ độ 10 tuổi, đã cương quyết ở lại Nhật tìm cách vừa làm vừa học. Cụ Phan viết: “Trần Văn Thư về sau tốt nghiệp ở Trường đại học Tảo Đạo Điền của Nhật Bản”.

Tảo Đạo Điền tức Waseda, nếu như thông tin cụ Phan có được lúc an trí ở Huế là chính xác thì Trần Văn Thư có lẽ là người đầu tiên hoàn tất chương trình tại một đại học danh giá mạnh về chính trị học, kinh tế học ở Nhật Bản. Tiếc là với thông tin quá ít ỏi, chúng ta chưa biết thêm về ngành học và hoạt động về sau của người này.

Cao Trúc Hải, người Hà Nội, từng học ở trường y của Pháp, tinh thông Pháp văn, đã dịch quyển Vân Nam du ký của người Pháp viết để đăng trong tạp chí Vân Nam. Người này chọn cách ở lại Nhật để học tập, không có tiền ăn tiền trọ, có lúc phải làm phụ bếp ở quán cơm, chẳng may mất sớm vì bệnh đậu mùa tại Hoành Tân (Yokohama).

Người Việt dịch văn Pháp sang chữ Hán để đăng trên tạp chí ở Trung Hoa, với tài năng và sở trường về ngôn ngữ cỡ này, trở về nước dù chỉ hoạt động tư nhân tài tử, giàu có phong lưu đối với Cao tiên sinh tưởng là chuyện không phải khó.

Hoàng Đình Tuân tức Nguyễn Kế Chi, người Hà Nội, sang Tokyo lúc 14 tuổi, vào học ở Đồng Văn Thư Viện, đứng đầu ban Nhật ngữ. Sau vì muốn ở lại học tiếp trường sư phạm chuyên môn nên nhập quốc tịch Trung Hoa, tốt nghiệp hạng ưu, đến làm giáo viên tại Bắc Kinh, làm biên tập viên báo Đông Á Đồng Văn, thạo tiếng Anh tiếng Nhật, hiểu tiếng Đức, tiếng Pháp.

Cụ Phan viết: “Anh có trình độ học thức cao, lại có tài biện luận, mấy năm tôi ở Bắc Kinh, công việc với giới ngoại giao phần nhiều là do anh giúp”. Người này bị bệnh và mất năm 1924, trước lúc cụ Phan bị bắt (1925).

Những người đến Nhật vào thời điểm cuối của phong trào, những người ngoài tổ chức của phong trào hoặc đến Nhật trong một thời gian ngắn lại là những người có thành tựu học thuật đáng kể nhất. Tuy họ được cụ Phan nhắc đến với thái độ rất dè dặt và không đề cập gì đến thành tựu học thuật, nhưng qua những công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và giáo dục cho thấy họ đã bước đầu tiếp cận được với phương pháp và tác phong nghiên cứu của giới học thuật Nhật Bản.

Phan Châu Trinh năm 1906 đến Nhật chỉ một tuần, đọc được bộ Đại Việt sử ký toàn thư khắc in ở Nhật vào năm Minh Trị thứ 17 (1884). Ông đã bỏ công sao lục toàn văn (Hán văn) các phần quan trọng như lời tựa của Xuyên Điền Cương, lời tựa và phàm lệ của Dẫn Điền Lợi Chương, cùng sao lục toát yếu nội dung sách, tổng cộng 27 trang. Tuy đây chỉ là công việc sao chép, nhưng qua đó thấy được tinh thần tôn trọng văn bản, thói quen này vốn rất hiếm thấy trong hàng ngũ trí thức sử gia đầu thế kỷ 20 trở về trước.

Cần lưu ý rằng Đại Việt sử ký toàn thư nói riêng và sách sử Việt Nam nói chung đã được người Nhật để mắt thu thập và nghiên cứu từ những năm nửa cuối thế kỷ 19. Việc Phan Châu Trinh quan tâm đến cách đánh giá sách này của người Nhật tuy chưa hẳn với ý đồ học thuật nhưng phải được xem là cung cách của người có tư chất học thuật.

Tang Nguyên Chất Tạng (Kuwabara Sunaotoshi) biên soạn Đông Dương sử yếu và xuất bản năm 1908, đây là bộ lịch sử khu vực đầu tiên được biên soạn theo phương pháp hiện đại do học giả Nhật Bản thực hiện. Hoàng Cao Khải khi viết Việt sử yếu (Hán văn - 1914) đã tham khảo cách viết sử mới mẻ từ Đông Dương sử yếu và cũng phản bác luận thuyết về nguồn gốc dân Giao Chỉ của Kuwabara Sunaotoshi. Cho dù đúng sai phải trái thế nào thì đây vẫn là dấu hiệu tương tác học thuật khá sớm và trong đó có sự tham dự ít nhiều hoặc bắt nguồn từ những người Đông du.

Học được cái hay trong nghiên cứu học thuật ở Nhật Bản và ứng dụng sở học này góp phần chung sức với các nhà Tây học vào việc thúc đẩy cho sự thay đổi lối học cũ ở nước Nam là hai học giả Sở Cuồng Lê Dư và Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác. Hai người này thành danh cùng với tạp chí Nam Phong, là trụ cột phụ trách phần Hán văn. Nếu xem thư mục phần chữ Hán trên tạp chí này, với những danh mục dày dạn các bài viết mang tính nghiên cứu của hai ông, tôi nghĩ rằng họ - những nhà nho cựu học - có thể phải được xếp kế Phạm Quỳnh ở phương diện xông vào lĩnh vực học thuật mới.

Trong thời gian ở Nhật, Lê Dư viết cuốn Nhật Bản thải phong ký (ghi chép về phong tục Nhật Bản) với các tiểu mục về lịch sử, văn học, giáo dục, lịch sử quan hệ Việt - Nhật, đặc biệt trong phần phụ lục của mục giáo dục là bảng kê 35 trường đại học và 5 trường cao đẳng ở Tokyo, lại thêm bảng liệt kê và giới thiệu vắn tắt về các phân khoa của Đế Quốc Đại học, trường lớn bậc nhất của Nhật Bản.

Việc làm thiết thực này ngày nay chúng ta gọi là “cẩm nang du học Nhật Bản”, rõ ràng có ý nghĩa khác xa so với những tập ký sự, du ký thông thường chen đầy thi phú ngâm vịnh của những sứ thần trước đó. Ngoài ra, ông còn sao lục 35 văn bản quan trọng liên quan đến lịch sử quan hệ giao thương Việt - Nhật hồi thế kỷ 17 trong nhiều nguồn thư tịch cổ xuất bản ở Nhật...

Nguyễn Bá Trác chịu ảnh hưởng học thuật Nhật Bản nhiều mặt, tiêu biểu là phép làm niên biểu theo phương pháp khoa học. Xưa nay phần đông giới sử gia nước ta hình như kém về toán học hoặc lười tính toán, việc tổ chức sắp xếp đối chiếu chọn lọc năm tháng và sự kiện vào bảng biểu có khuôn mẫu nhất quán mãi cho đến đầu thế kỷ 20 vẫn chưa làm được.

Khác với việc soạn sử biên niên hay chép biên niên sự kiện, việc lập niên biểu cần thêm óc tổ chức, xem Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu (Hán văn, 1925) do Nguyễn Bá Trác và cộng sự ở Bộ Học biên soạn thấy rất giống các niên biểu lịch sử Nhật Bản hồi thế kỷ 18. Sách này ngoài cột chính ghi niên biểu Việt Nam, hai cột phụ là niên biểu Trung Quốc và Nhật Bản, lại phụ thêm các đại sự kiện của các nước khác.

Trong ba món công cụ tối cơ bản của sử học: niên biểu, từ điển địa danh, từ điển nhân danh, coi như cuốn niên biểu soạn từ cuối thời Nguyễn này đến nay vẫn đắc dụng vì tính khoa học của nó, hai món còn lại là món nợ rất lớn và rất đáng thẹn của giới học giả, sử quan, sử gia các loại hiện nay.

 

Những giá trị gợi mở cho học thuật

Vì sao các công trình nghiên cứu quan trọng mang tính bản lề của hai lối học cũ mới như vừa nêu trên lại đều viết bằng Hán văn? Lê Dư từng làm việc ở Bác cổ học viện Hà Nội với người Pháp, giỏi quốc ngữ, Nguyễn Bá Trác cũng giỏi quốc ngữ, sao họ lại không khai dân trí bằng quốc ngữ?

Cho mãi đến năm 1924, Nguyễn Bá Trác còn lấy Annuaire Administratif de I’Indochine (Đông Dương hành chánh niên giám) bản tiếng Pháp in năm 1906 dịch sang chữ Hán và đặt tên sách là An Nam dư địa chí để làm gì?

Tất cả nằm ở chỗ đối tượng khai thị là tầng lớp trí thức quan lại đang điều độ guồng máy xã hội còn quen dùng chữ Hán. Cho nên việc viết bài nghiên cứu bằng Hán văn hay dịch các ngôn ngữ khác sang Hán văn giữa lúc chữ quốc ngữ đã tương đối ổn định không phải là việc làm thiển lậu, đi ngược dòng, càng không phải do tư tưởng còn luyến tiếc nền học cũ.

Nói về hiệu quả, có lẽ đối tượng cần được khai trí, cần bị tác động mà hai ông Lê, Nguyễn chọn không thể kém hơn tầng lớp bình dân.

Những trở ngại nào đó trong lịch sử đã khiến phong trào Đông Du không làm đúng mục tiêu và chức năng căn bản của nó, Phan Châu Trinh nói: “Làm sao lúc đầu thì khuyên du học, sau đó lại vội khuyên làm cách mạng? Há lấy hai ba học sinh xuất dương vài tháng, trí thức mới cao, trình độ mới khá có thể chống lại một nước văn minh bậc nhất hay không?” (Pháp - Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam).

Nếu xem học vấn là một nhu cầu mang tính nền tảng trong việc khai mở dân trí, những người nối dài phong trào Đông Du ít khi được nhắc đến nói trên đã để lại cho chúng ta rất nhiều, ngoài những giá trị trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến sự canh tân đất nước sau này còn ẩn chứa những bài học về nghị lực cầu tìm tri thức và tinh thần học thuật không biên giới, có thể nói còn hơn cả người nay ở giá trị gợi mở, đem đến cho môi trường học thuật luồng gió mới. Nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu.

Nếu có thể phân kỳ cho lịch sử giao thông tri thức hoặc tiến trình tiếp xúc giữa các nền văn minh nhân loại, tôi nghĩ có thể phân làm bốn bước: theo đường bộ, theo đường hàng hải, theo đường hàng không, theo đường truyền Internet. Đông Du thuộc thời kỳ thứ hai, có nghĩa là còn thô sơ chậm chạp lắm. Các vị tiền bối phải vượt sóng gió ngàn trùng, thực địa và thông tin đều phải trả bằng những giá rất đắt.

Chúng ta đang ở thời kỳ thứ tư với đầy đủ các điều kiện giao lưu ẩn tàng trong nhiều hình thức quan hệ, nhưng nhìn tổng quan về lượng và chất trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật, chúng ta cũng vẫn na ná các bậc tiền bối cách nay hơn 100 năm, nghĩa là đối với phạm vi khu vực chúng ta chỉ mới bắt đầu tập tõm, nói một cách không lạc quan là nếu đem tình hình điều kiện tiếp cận tri thức, tinh thần học tập ở hai thời điểm để so sánh, có khi chúng ta còn kém người của trăm năm trước.

PHẠM HOÀNG QUÂN

____________________

Cần thêm  nhiều đốm lửa mới

Hơn một trăm năm trước, Phan Châu Trinh và nhóm Duy Tân chủ trương “khai dân chí, chấn dân khí, hậu dân sinh” để cứu nước. Trong lúc nước nhà trong cảnh nô lệ, nhiều con đường cứu nước được bàn thảo và thử nghiệm, vì sao cụ Phan lại chọn con đường từng bị đánh giá là “cải lương” và không mang lại kết quả thấy ngay được này?

 

Minh họa: Vũ Đình Giang

 

Đọc lại những trước tác của Phan Châu Trinh, ta thấy rằng lý do cụ Phan chọn con đường khai dân trí bởi cụ cho rằng Việt Nam chịu cảnh nô lệ là vì thua kém phương Tây cả một nền văn minh chứ không phải kém về lòng quả cảm.

Nhận định của cụ Phan có nhiều nét tương tự nhận định của Fukuzawa Yukichi trước đó vài chục năm ở xứ Phù Tang, khi ông chủ trương độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân, tức là quốc gia tồn tại thông qua sự trưởng thành và độc lập của cá nhân chứ không phải của chính phủ. Vì thế ông kêu gọi các sĩ phu Nhật Bản làm việc theo phương châm “coi trọng quốc gia, coi nhẹ chính phủ”.

Ông chủ trương từ bỏ cái học từ chương của Nho giáo để học theo khoa học và văn minh phương Tây, hình thành trào lưu “thoát Á nhập Âu” nổi tiếng trong lịch sử.

Trước Phan Châu Trinh và cùng thời với Fukuzawa Yukichi, Nguyễn Trường Tộ sau khi được tiếp xúc với nền Tây học và trực tiếp Tây du, cũng đã có những đề xuất về cải cách để học theo văn minh phương Tây, nhưng không được vua Tự Đức chấp nhận. Sau đó, ông tiếp tục viết soạn mấy chục bản tấu biểu điều trần lên triều đình đề xuất canh tân và cải cách đất nước nhưng vẫn không được đoái hoài.

Đến tận ngày nay, chủ đề này vẫn rất thời sự với nhiều ưu tư, hi vọng và tìm kiếm, nhất là đối với việc học tập mở mang.

Khai tâm

Ngày trước, khi một đứa trẻ bắt đầu sự học, cha mẹ sẽ đưa con đến nhà một ông thầy để được khai tâm. Những ngày đầu học chữ chỉ là chuyện nhỏ, khai tâm mới là chuyện lớn.

Tuy cái học theo Nho giáo sau này bị coi là hư học, nặng về tầm chương trích cú, thiếu vắng tinh thần khoa học, nhưng không thể phủ nhận Nho học đã tạo ra rất nhiều người có phẩm cách. Ngay cả những người không thành danh trong chốn quan trường, phần đông đều giữ được nhân phẩm khi bươn chải ngoài đời. Lượng kiến thức mà họ học cũng không lấy gì làm nhiều, nếu so với hiện giờ thì có lẽ chỉ bằng lượng sách giáo khoa mà các học sinh bậc trung học cơ sở phải hấp thu trong một năm học.

Về kiến thức, xét tổng thể thì quả thật là thiếu hụt rất lớn so với kiến thức của một học sinh trung học cơ sở hiện giờ. Toán và khoa học tự nhiên hoàn toàn vắng bóng. Khoa học thường thức cũng không có. Cái học tập trung chủ yếu vào ứng xử xã hội sao cho đúng lễ nghĩa, có thứ bậc. Ngay cả thơ phú văn chương –phần chính yếu - cũng không thoát khỏi khuôn mẫu này. Vậy mà sản phẩm của nền giáo dục đó vẫn tạo ra những con người có phẩm cách. Vì sao vậy?

Lý do đầu tiên là cả người dạy và người học, khi tham gia quá trình này, đã có một hình dung rất rõ về sản phẩm mà mình vươn đến. Đó là người quân tử biết “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” - hình mẫu của mọi Nho sinh. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, thì hệ thống giáo dục đã có một triết lý giáo dục rất rõ ràng, từ thầy đến trò đều hình dung rất rõ phẩm tính của sản phẩm mà hệ thống giáo dục cần tạo ra. Khoan nói chuyện tốt xấu, nội điều này cũng đáng ghi nhận.

Lý do thứ hai là người thầy ý thức được tầm quan trọng của việc khai mở tâm trí của học trò, nên những buổi học đầu tiên được gọi là khai tâm, chứ không phải là học chữ. Tâm quan trọng hơn trí nên tâm cần được khai mở trước, trí thì có thể bồi đắp qua việc sôi kinh nấu sử sau này.

Khi Tây học phổ biến, người ta nói nhiều hơn đến khai trí, do sức mạnh nền văn minh phương Tây đặt trên cơ sở tri thức và kỹ năng. Quản trị xã hội theo kiểu phương Tây cũng đòi hỏi những quy trình phức tạp. Vì thế để học theo văn minh phương Tây đòi hỏi phải bồi đắp hai thứ này. Muốn vậy phải khai trí. Lúc này trí được đề cao hơn tâm nên cần khai trí trước.

Nhưng di sản về khai tâm không vì thế mà mất đi. Nó chỉ ẩn đi. Có một thời, năm học đầu tiên của đời người được gọi là lớp vỡ lòng thay vì lớp 1 như hiện giờ. Vỡ lòng có lẽ là cách dịch thô của chữ khai tâm mà ra? Nếu đúng thì tiếc thay, cách dịch thô này đã làm chết một điểm sáng của nền giáo dục cổ truyền, bởi chẳng có một nội hàm nào làm cho thầy và trò cảm thấy thiêng liêng, lại chẳng có một truyền thống nào tiếp sức, nên đã bị loại bỏ.

Việc bỏ mất quan niệm về khai tâm khi đi học là một sự đáng tiếc, vì nó làm đứt mạch văn hóa và bỏ qua vấn đề đạo đức làm người ngay từ những buổi đầu đến trường.

Khai trí

Nhìn lại lịch sử gần 70 năm qua, từ ngày giành độc lập thì thấy rằng hơn 90% dân số đã biết đọc biết viết. Theo thống kê của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), số năm đi học trung bình của người Việt Nam trưởng thành là 5,5 năm (báo cáo năm 2011), theo công bố trong nước thì con số này là 7,3 năm. Cũng theo UNDP, mức kỳ vọng đối với người Việt Nam phải ở mức giữa THPT, với số năm đi học trung bình là 10,4 năm.

Những con số trên đây cho thấy trình độ dân trí của Việt Nam vẫn rất thấp, cả so với kỳ vọng và so với một số nước trong khu vực. So với 100 năm về trước, việc khai dân trí của Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận. Nhưng vì sao chúng ta vẫn thấy nhức nhối với khai trí?

Câu trả lời nằm ở một trong các khả năng sau:

• Nhìn nhận sai: cái khai thì không cần, còn cái cần thì không khai. Nguyên nhân xuất phát từ việc nhìn nhận sai về vai trò của tri thức đối với sự phát triển của xã hội, dẫn đến cuộc khai trí bị bỏ bê.

• Cách làm sai: cuộc khai dân trí đã có những kết quả nhất định, nhưng so với hàng xóm thì còn thua sút nhiều. Chiến tranh là một phần của nguyên nhân, từ sau khi thống nhất đến nay đã gần 40 năm mà thành tựu chỉ đạt như vậy, cho thấy cách làm có vấn đề.

• Con người lười biếng: Khả năng tự khai trí, tự học để vươn lên của người Việt kém vì lười biếng, thích chơi hơn học. Những người có khả năng thì không đủ nhiệt tình để tiếp nối cuộc khai trí này.

• Thể chế không phù hợp: Thể chế xã hội, cơ chế vận hành của hệ thống đã không khuyến khích, thậm chí kìm hãm cuộc khai trí của dân ta.

• Kết hợp của cả bốn khả năng trên.

Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện vẫn thấp và bị coi là điểm nghẽn của phát triển. Điều này không chỉ người trong cuộc mới nhìn ra. Ông Lý Quang Diệu khi sang thăm Việt Nam năm 2007 đã nói rằng: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục sẽ thắng trong phát triển kinh tế”. Như vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận lại cuộc khai trí này để đi tiếp những chặng đường còn dang dở.

Những đốm lửa nhỏ

Sau một thế kỷ, sự nghiệp khai trí lại trở thành vấn đề thời sự của Việt Nam. Có lẽ khi hội nhập quốc tế sau thời kỳ mở cửa, Việt Nam đã giật mình vì năng lực của mình trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khốc liệt. Những thuật ngữ thời thượng như kinh tế tri thức, thế giới phẳng, toàn cầu hóa, đổi mới sáng tạo... bắt đầu được nhắc đến thường xuyên. Nhưng để vươn lên trong cuộc hội nhập lớn này bắt buộc phải có nhân lực xuất sắc và một hạ tầng tri thức mạnh.

Trong thời gian qua, chúng ta đã thấy Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh với nhiều hoạt động xiển dương và hỗ trợ tinh thần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Nhà xuất bản Tri Thức với Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới bù đắp phần nào thiếu hụt tri thức về triết học và xã hội học. Trung tâm Khoa học - giáo dục quốc tế và chuỗi hội thảo khoa học Gặp gỡ Việt Nam uy tín do giáo sư Trần Thanh Vân chủ trì. Nhóm Cánh Buồm dưới sự chủ trì của nhà giáo Phạm Toàn với việc biên soạn những bộ sách giáo khoa mới. Nhóm Học Thế Nào, với sự tham gia của GS Ngô Bảo Châu, hoạt động như một diễn đàn giáo dục mới...

Những đốm lửa nhỏ này hoàn toàn tự phát, đa dạng và có thể rất mong manh trước những biến động của thời cuộc, nhưng tinh thần “khai dân trí” của nó rõ ràng là không thể phủ nhận. Điều mong đợi trong năm mới là những đốm lửa nhỏ này sẽ lớn thêm lên, và sẽ có thêm nhiều đốm lửa mới trên hành trình khai trí bền bỉ của dân tộc.

GIÁP VĂN DƯƠNG

______________________

Theo đuổi khai trí

Khai trí là gì trong thời đại này? Và làm thế nào để xây dựng một Việt Nam trí thức hơn?

 

Một trong những điều đầu tiên nhắc tới khi nói về khai trí là giáo dục toàn diện, nhưng khai trí không chỉ là giáo dục. Khai trí còn đòi hỏi một cách tiếp cận thích hợp để hướng tới một xã hội văn minh. Thái độ này có được không phải chỉ thông qua hiểu biết và tích lũy kiến thức.

Quá trình khai trí cũng có thể được đánh giá thông qua sự sẵn sàng xem xét và chấp nhận các kết quả suy luận logic dựa trên một phương pháp khoa học, dù quá trình suy luận đó đi ngược lại với những ý kiến và kiến thức đang tồn tại trong xã hội. Điều này có thể dẫn tới những giá trị và chuẩn mực mới thay thế những giá trị và chuẩn mực cũ.

Như vậy, cũng sẽ cần sự chấp nhận các quan điểm và ý kiến đa dạng. Quá trình khai trí, vì thế, là việc chấp nhận các quan điểm không chính thống trong xã hội bên cạnh các quan điểm chính thống.

Tiếp nhận cái mới

Ngoài việc dựa trên suy luận logic, phong trào khai trí ở châu Âu bắt đầu từ thế kỷ 17 còn là về sự thiêng liêng bất khả xâm phạm của cá nhân. Tuy nhiên, thúc đẩy quá trình này một cách cực đoan có thể dẫn tới nhấn mạnh quá mức tính duy lý so với cảm xúc, điều rất quan trọng để con người yêu thương và cảm nhận. Một xã hội toàn những người có bằng tiến sĩ vẫn có thể sản sinh ra những kẻ ngu dốt duy lý nhưng lại thiếu các giá trị nhân bản. Trong tư tưởng phương Đông, điều này tương ứng với sự đối lập giữa pháp trị và đức trị.

Thêm vào đó, sự khai trí không chỉ là về những ý tưởng mới, hay các xu hướng thời thượng trên thế giới. Vấn đề nằm ở tâm lý tiếp nhận, hướng tới những cách tư duy và thực hành mới. Khai trí không hẳn là sự thích nghi, như kiểu chúng ta học cách dùng điện thoại thông minh ở tuổi 70 mà đụng chạm tới những phần cơ bản của con người: tâm hồn, thay đổi hành vi và lịch sử.

Khai trí cũng không phải là một mục tiêu để đạt tới rồi duy trì cho nhiều thế hệ. Đó là một quá trình tương đối với thời gian và không gian, vì các ý tưởng và hành vi thay đổi qua từng thế hệ. Quá trình khai trí có thể tụt lùi. Những tiến bộ về vật chất và mức sống cũng có thể đạt được mà không cần quá trình khai trí. Nhưng những con người, xã hội và dân tộc sẽ tụt hậu nếu cứ bám lấy cách suy nghĩ cũ mà không cân nhắc sự thích hợp với hiện tại.

Một ví dụ cho điều này là những giải thích mới với các kinh kệ tôn giáo, hay các ý tưởng chính trị do các nhà lãnh đạo độc tài thực thi, những người đóng cửa đất nước và đóng cửa tầm nhìn của người dân do sợ hãi các ý tưởng mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới người dân của họ, và do đó ảnh hưởng tới cấu trúc quyền lực.

Khai trí cũng liên quan tới không gian vì mỗi nơi có các vấn đề và quan điểm văn hóa riêng biệt, và khai trí có nghĩa là một người đủ khôn ngoan để hiểu và chấp nhận những khác biệt đó. Những xã hội nhắm mắt trước các khiếm khuyết của mình và kháng cự các thay đổi tích cực có thể tới nhờ sự dung hợp những ý tưởng mới sẽ tiến bộ chậm chạp trong quá trình khai trí.

Trong các xã hội đóng cửa, sợ thay đổi, quá trình khai trí với từng cá nhân vẫn có thể diễn ra, nhưng một lực lượng khai trí có tính hệ thống cho toàn xã hội sẽ có quy mô nhỏ hơn nhiều so với một xã hội khác chấp nhận quá trình khai trí thông qua giáo dục cũng như dung hợp một quan điểm chấp nhận đối với thay đổi và sáng tạo. Nói cách khác, quá trình khai trí gắn chặt với khả năng cạnh tranh và sự thành công. Điều này đúng với cả các cá nhân lẫn các quốc gia.

Khai trí ở Việt Nam

Không thể nói rằng xã hội Việt Nam, nhất là xã hội đô thị, phản kháng sự thay đổi và các ý tưởng mới từ bên ngoài. Tiến trình lịch sử cho thấy khá rõ ràng là các cuộc cách mạng xã hội chủ yếu do tầng lớp tinh hoa ở đô thị dẫn dắt, và chính ở những vùng đô thị mà các ý tưởng cách mạng từ bên ngoài đâm chồi bén rễ đầu tiên. Xã hội Việt Nam từng rất khôn ngoan trong áp dụng các ý tưởng mới để đạt được những mục đích nhất định.

Phong trào Duy Tân nhắm tới việc cải tạo xã hội thông qua mở mang dân trí và qua đó tới mục đích cao cả hơn, giành độc lập dân tộc. Trong trường hợp này, khai trí được coi là một công cụ hơn là một mục tiêu. Chẳng hạn, việc sử dụng chữ quốc ngữ là một ví dụ tốt về quá trình khai trí, khi một xã hội ủng hộ áp dụng một hệ thống chữ viết mới và từ bỏ hệ thống cũ không chỉ khó học mà còn là sự cản trở với quá trình khai trí của toàn xã hội và độc lập dân tộc.

Sự áp dụng chữ quốc ngữ từng vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ. Nền văn hóa Việt Nam cũng đã dung hòa các tập quán ngoại lai và biến những tập quán này thành của riêng họ sau một hoặc hai thế hệ.

Như thế, bản chất xã hội Việt Nam là pha trộn giữa mới và cũ, một quá trình bán-khai-trí. Việt Nam có khát khao lớn trong phát triển đất nước và tăng tính cạnh tranh, nhưng thường tự cản trở mình tiến lên khi không có tư duy phê phán với những gì họ cần làm để cạnh tranh và phát triển.

Chẳng hạn, trong quan điểm của nhiều bậc cha mẹ và các học sinh, tấm bằng đại học sẽ khiến một thanh niên có khả năng cạnh tranh trong công việc. Thành công trong hầu hết, nếu không nói là tất cả trường hợp, được định nghĩa qua tấm bằng đại học. Nhưng kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy các cá nhân có rất nhiều con đường dẫn tới thành công. Một số doanh nhân, nhà phát minh thành công nhất không hề có tấm bằng đại học.

Thật ra, trong một nền kinh tế thật sự trưởng thành, kỹ sư và thợ lành nghề có thể có thu nhập cao hơn nhiều so với những người tốt nghiệp đại học, nền kinh tế đó cũng cần nhiều kỹ sư và thợ lành nghề hơn. Tình trạng ở Việt Nam hiện giờ rõ ràng là thừa thầy thiếu thợ, đã trở thành vấn đề mang tính cấu trúc với nền kinh tế khi thị trường việc làm không tương ứng với hệ thống giáo dục. Rõ ràng, một quan điểm cân bằng và cởi mở hơn với giáo dục là rất cần lúc này.

Thẳng thắn mà nói, xã hội Việt Nam vẫn gây áp lực lớn và liên tục lên các cá nhân, những hành vi và suy nghĩ không phù hợp với các tiêu chuẩn và tập quán chung thường bị chê trách. Áp lực tâm lý được thể hiện thông qua cả việc phê phán trực tiếp và gián tiếp, buộc thiểu số phải thay đổi hành vi. Trong khi từng cá nhân người Việt có khuynh hướng chấp nhận tư duy và hành vi không theo chuẩn mực chung, họ lại vẫn có khuynh hướng không lên tiếng bảo vệ những người đang chịu áp lực này, ít ra là không công khai.

Ai sẽ thúc đẩy?

Quá trình khai trí sẽ được thúc đẩy nhanh hơn ở Việt Nam nếu những người ở các vị trí cao hơn trong xã hội, những người lãnh đạo, làm gương bằng các hành động cá nhân, lên tiếng bảo vệ quá trình khai trí và những ai chịu áp lực vì quá trình đó.

Sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo đã giúp ích rất nhiều cho các mục tiêu xã hội như hỗ trợ người nhiễm HIV hay sử dụng ma túy, những nhóm dân số thiệt thòi và dễ tổn thương. Tham nhũng không thể tồn tại nếu các nhà lãnh đạo có đạo đức cầm quyền và chống tham nhũng tới cùng. Để có đạo đức cầm quyền, các nhà lãnh đạo phải ngay thẳng trong mọi hành xử của họ.

Tiếp đó, quá trình khai trí phải được “phô diễn” thuận lợi trong môi trường trường học. Giáo viên và những người làm công tác giáo dục, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực này cần làm gương cho học sinh, như những nhà lãnh đạo làm gương cho cả đất nước. Nhưng quan trọng không kém là chương trình đào tạo. Thay vì nhắm tới đào tạo ra những người làm các công việc hiện có (điều vẫn cần thiết), chương trình giáo dục phải có tính chất khai sáng.

Người Việt Nam có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng định nghĩa về “lễ” và việc nhấn mạnh yếu tố này cần xem xét lại. Theo Khổng Nho, “lễ” là thái độ cần thiết mà mọi người cần có trong một xã hội có trật tự, người trẻ phải tôn trọng người già; các mối quan hệ gia đình và xã hội đều có chuẩn mực và cần phải tránh việc xâm hại chuẩn mực đó.

Quan điểm như thế là sự thiên vị rõ ràng cho trật tự bảo thủ đã được thiết lập, nhấn mạnh quá nhiều vào sự tôn trọng và tránh né xung đột, ngay cả khi cái giá phải trả là cần thiết để thúc đẩy tiến trình khai trí.

Sự lãng mạn của tư duy

Cũng đáng đặt ra câu hỏi là có nên theo đuổi tiến trình khai trí bằng mọi giá? Nếu chúng ta tìm hiểu tới gốc rễ của ý tưởng khai trí và việc một xã hội quốc tế đã tiến hóa ra sao kể từ khi theo đuổi ý tưởng đó, chúng ta sẽ được khai trí về việc theo đuổi tiến trình khai trí bằng bất cứ giá nào có thể dẫn tới hi sinh những nhu cầu chung của cộng đồng cho các nhu cầu cá nhân, sử dụng tư duy duy lý như cách giải thích duy nhất cho hành động.

Điều này cũng không đúng. Quá trình khai trí liên tục đứng trước thử thách là cần áp dụng các phương pháp luận khoa học chuẩn xác. Những phương pháp cũ có nguy cơ trở nên lỗi thời nếu không được cập nhật và trong những trường hợp tồi tệ có thể dẫn tới biện minh cho những giá trị phi nhân bản.

Nếu sự duy lý trở nên cực đoan mà không quan tâm tới khía cạnh lãng mạn của tư duy và trải nghiệm con người, cuộc sống con người sẽ khô cứng, vô vị và tẻ nhạt cả về tầm nhìn lẫn sự đa dạng. Nói cách khác, trong bản thân quá trình khai trí đã có những mầm mống của phản khai trí.

Điều cần nhấn mạnh là sự chấp nhận và dung hòa lẫn nhau để có thể học hỏi. Sự chấp nhận là không có giới hạn và như thế quá trình khai trí nên được thiết lập theo một số quy tắc theo đuổi những giá trị nhân bản, những giá trị nền tảng và bền vững với thời gian.

Như vậy, khai trí - với lịch sử đóng góp vào sự phát triển của con người - là một hành trình không có điểm dừng, với sự tập trung vào cá nhân, để mỗi con người ý thức được nhu cầu được thông tin, được hiểu biết và tư duy logic, nhưng đồng thời cũng luôn nhớ tới cảm xúc và sự lãng mạn.

PGS DAVID KOH

Khoa Đông Nam Á (Đại học Quốc gia Singapore) - HẢI MINH chuyển ngữ

___________________

Thái độ khác cho Khai trí

Năm 1993, Đài truyền hình Việt Nam chính thức sử dụng thương hiệu VTV. Năm ấy, có nhiều khán giả chưa chấp nhận được cái mới, viết thư hỏi rằng tại sao lại sử dụng một từ viết tắt tiếng Anh cho cơ quan của nước nhà, có phải là sính ngoại không? Đài trả lời trên sóng: VTV là chữ viết tắt của “Vô tuyến truyền hình Việt Nam”.

 

Minh họa: Viip

 

Có cán bộ kỳ cựu của đài kể lại rằng thời đó vì dư luận, họ đã phải tường trình với cấp trên về cái tên mới này. Bây giờ thì ai cũng biết VTV là Vietnam Television, đài cũng đã sử dụng cụm từ viết tắt ấy một cách công khai.

Cách lý giải cũ bây giờ nghe lại giống một biện pháp tình thế. Bởi vì sau những năm dài hội nhập thì có lẽ ai cũng ý thức được rằng việc sử dụng một thương hiệu súc tích bằng tiếng Anh, thứ ngôn ngữ đại chúng nhất hành tinh, tốt cho việc quảng bá hình ảnh không chỉ của đài mà còn của cả quốc gia.

Đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ để nói rằng những điều mới mẻ sẽ luôn gặp trở lực từ những thói quen tư duy cũ. Người ta phán xét bằng kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm vốn được xây dựng bằng những kiến thức cũ và rất dễ xung đột với cái mới.

Lịch sử đã chứng kiến những giai đoạn mà văn hóa phương Tây - hay là những giá trị mới mẻ nói chung, vấp phải một thái độ cảnh giác mạnh mẽ, một bản nhạc hay một phong cách thời trang cũng có thể khiến người ta bị coi là vong bản, vọng ngoại, là một cái “tội” không bé.

Nhiều phán xét của quá khứ, bây giờ đọc lại nhận ra rằng hóa ra đã có thể có một thái độ tiếp cận khác để tiến lên nhanh hơn trên con đường khai trí. Rất nhiều nghệ sĩ, học giả, hay cả những người dân thường đã không thể “giải trình” thành công lựa chọn của mình như VTV, và phải từ bỏ nó.

Lịch sử đã chỉ ra rằng việc khai trí gắn liền với tự do tư tưởng. A Dục Vương (Ashoka), một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Ấn Độ (trên cờ Ấn Độ bây giờ có họa tiết từ các cột đá do A Dục Vương xây dựng), được ghi nhận là người đầu tiên khái niệm hóa điều đó.

Xây dựng đế quốc trong một thời đại của những cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu, trên một mảnh đất Ấn Độ vốn rất đa dạng về tôn giáo, mang trong mình niềm ham muốn lớn lao về truyền bá Phật giáo, nhưng thay vì sử dụng cường quyền để áp đặt tư tưởng, ông đã viết lên những cột đá huyền thoại của mình: “Mọi tôn giáo đều nên được tồn tại ở bất cứ đâu” và quan trọng hơn: “Mỗi người nên lắng nghe và tôn trọng các học thuyết của người khác”.

Nghĩ đến việc tận hôm nay chiến tranh tôn giáo và việc áp đặt tư tưởng vẫn còn được thực hiện triền miên, mới thấy A Dục Vương sáng suốt.

Từ “tuyên ngôn tự do tư tưởng” khắc trên đá đầu tiên của A Dục Vương, rất nhiều nhà triết học, khoa học và chính trị gia vĩ đại của thế giới sau này đã ra sức bồi đắp và truyền bá sự tự do tư tưởng. Có thể kể ra ở đây Voltaire, Locke, Vinet... Họ ý thức được rằng để khai trí - truyền bá và thúc đẩy tri thức trong mỗi con người - thì sự tự do là quan trọng.

Thời đại chúng ta đang sống là thời đại tri thức bùng nổ tới mức cái đúng và cái sai, cái hợp lý và bất cập đều nhiều tới mức không thể “lọc” chúng bằng những tấm lưới của định kiến. Trong một cuộc lan tỏa tự do, cơ chế tự đào thải sẽ phát huy giá trị của nó.

Không biết có ngây thơ không khi tin rằng khai trí là một quá trình truyền bá và tiếp nhận hết sức tự do, sau đó mỗi cá nhân sẽ tự sàng lọc điều đúng đắn như cách nhân loại đã làm được ngàn đời? Hôm nay người ta có thể tin rằng bộ phim này, cuốn sách kia, phong trào nọ “không phù hợp” theo một quy chuẩn nào đó nhưng rất có thể đó là một phán xét thuần túy cảm tính và nhanh chóng lạc hậu.

Lại kể một ví dụ nhỏ nữa: Một thủ lĩnh phong trào flashmob - nôm na là nhảy tập thể giữa một không gian công cộng - kể rằng những ngày đầu tiên cô đưa thú chơi này về Hà Nội nhiều năm trước thì việc một nhóm thanh niên tụ tập ở công viên khiến các nhà chức trách phản ứng rất dữ dội. Họ giải tán đám đông vì một nỗi lo lắng nào đó. Bây giờ thì flashmob lại được chấp nhận và xuất hiện khắp mọi nơi, được cả trường học hay Đoàn thanh niên tổ chức như một phương pháp cổ vũ và sinh hoạt văn hóa thú vị.

Trí óc con người chỉ có thể được mở ra bằng thái độ niềm nở. Thái độ của chính họ và những người chịu trách nhiệm định hướng cho họ, dù là nhà quản lý hay học giả, nghệ sĩ, là quan trọng. Tiếc rằng vẫn còn quá nhiều người tin rằng cái đúng của họ là duy nhất. Không ai có được thái độ của A Dục Vương, điều về sau được Voltaire diễn đạt rất hay: “Tôi có thể không đồng tình với điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền được nói của anh”.

Vấn đề lớn nhất của khai trí giờ này có lẽ không phải là năng lực, mà là thái độ.

ĐỨC HOÀNG

http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/591749/dong-du%C2%A0-mot-goc-nhin.html

Danh mục website