Công việc biên soạn từ điển địa danh địa phương

 

1.Hiện nay, chúng ta đã có sách lý luận về địa danh học[1], vài cuốn từ điển địa danh về các tỉnh, thành[2] trong cả nước. Với mấy cuốn từ điển trên 63 tỉnh thành toàn quốc, rõ ràng còn một khoảng trống rất lớn. Như vậy, muốn có một cuốn Từ điển địa danh Việt Nam với ý nghĩa đầy đủ của nó, chúng ta cần đẩy mạnh việc biên soạn từ điển địa danh các địa phương.

2.Để có các công trình này, chúng ta phải thực hiện các công việc sau đây:

2.1.Nhiệm vụ, mục tiêu, dung lượng:

Nhiệm vụ chủ yếu của công việc này là phải giới thiệu tương đối đầy đủ số lượng địa danh tiêu biểu của mỗi tỉnh, thành hoặc một vùng rộng lớn (như Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ). Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy rằng mỗi tỉnh, thành ở Việt Nam hiện có từ 2.000 đến 5.000 địa danh. Vậy mỗi cuốn từ điển một tỉnh, thành có độ 3.500 mục từ là vừa đủ. Làm thế nào để những mục từ đó phản ánh rõ đặc trưng ngôn ngữ và văn hóa của các tỉnh, thành hoặc các vùng đất vừa nêu ấy.

2.2.Tiêu chuẩn chọn mục từ:

Chúng tôi đã chia địa danh Việt Nam làm 4 loại: 1. Loại chỉ địa hình thiên nhiên (tên sông, núi, đầm, gò,…); 2.Loại chỉ đơn vị hành chính (tên xã, phường, quận, huyện,…); 3. Loại chỉ các vùng lãnh thổ (tên các khu, vùng); 4. Loại chỉ các công trình xây dựng (tên cầu, đường, chợ,…).

2.2.1.Đối với địa danh chỉ địa hình thiên nhiên:

Khi chọn địa danh loại này, ta phải đặc biệt chú ý tới những từ chỉ loại hình mang tính địa phương, như ở Nam Bộ, ta phải chọn các địa danh mang các từ búng, bưng, bùng binh, rạch, vàm,…và các từ chỉ đặc sản ở đây như cây sộp, cây cám, củ chi, cá tra, cá vồ, cá sửu…

b)Đối với đơn vị hành chính:

Chúng ta có thể đưa vào từ điển tỉnh / thành tên các đơn vị cấp thôn ấp, xã phường, vì số lượng này ở mỗi đơn vị không quá 800. Nếu phạm vi được mở rộng (như Từ điển địa danh Nam Bộ - gồm 19 tỉnh, thành), ta có thể bỏ tên các đơn vị thôn, ấp vì số lượng quá lớn. Riêng các địa danh đã xuất hiện trong quá khứ và nay không còn dùng, ta nên đưa những địa danh từ cấp xã trở lên. Trong loại địa danh này, ta đặc biệt chú ý đến các địa danh mang các từ chỉ các đơn vị hành chính cũ vì nó có giá trị về lịch sử, như trấn, lộ, châu, phủ, huyện, tổng,…

c)Đối với địa danh chỉ công trình xây dựng:

Hiện nay, tên các công trình xây dựng nào là địa danh và tên các công trình xây dựng nào không phải là địa danh, là vấn đề còn làm phân vân nhiều người.

Trong một cuốn sách của Liên Xô viết về địa danh trước đây mà chúng tôi đã đọc và rất tiếc đã quên ghi tên tác phẩm, có nêu một thí dụ để phân biệt tên đối tượng nào là địa danh và tên đối tượng nào không phải địa danh, như sau: Một nhà máy có tên Công Nhân, tên đó không phải là địa danh. Nhưng trạm xe buýt trước nhà máy ấy có tên là Công Nhân thì tên này là địa danh. Sách không giải thích gì thêm. Chúng tôi suy ra: Trạm xe buýt chỉ có mặt bằng, tức không gian hai chiều (dài và rộng) nên tên trạm là địa danh; còn nhà máy có không gian ba chiều (chiều thứ ba là vách tường) nên không phải địa danh. Và chúng tôi gọi các đối tượng có không gian ba chiều như đình, chùa, tháp, cơ quan, trường học,… là hiệu danh.Bên cạnh tên những công trình xây dựng phổ biến cả nước (như tên các chợ, cầu, đường,..), chúng ta phải dành ưu tiên cho những địa danh mang tính lịch sử, như xóm Nhà Việc (“nơi làm việc của các viên chức xã ấp dưới thời phong kiến”), chợ Xã Tây (Tòa đô chính của tỉnh Chợ Lớn dưới thời Pháp thuộc).

d)Đối với các địa danh chỉ vùng:

Cũng như các địa danh chỉ vùng trong toàn quốc, chúng ta có thể đưa vào từ điển những địa danh nào đứng sau một trong các từ: khu, vùng, địa điểm, miệt, miền, xứ, xóm (ở Nam Bộ, xóm không phải là đơn vị hành chính như ở một số vùng Bắc Bộ và Trung Bộ).

2.3. Cấu trúc mục từ:

Cũng như trong các từ điển địa danh khác, mỗi mục từ ở đây gồm 7 nội dung như sau:

2.3.1.Tên mục từ:

Chúng ta không đưa yếu tố chung chỉ tiểu loại địa danh vào. Ví dụ: Đối với rạch Cát, cầu Bông (tp. Hồ Chí Minh), chúng ta không đưa các từ rạch, cầu vào tên mục từ mà chỉ nêu các yếu tố riêng vào đây: Tra, Bông. Ở đây có bốn vấn đề cần giải quyết.

 Thứ nhất, chỉ khi nào yếu tố chung đó trở thành một thành tố của địa danh theo phương thức chuyển hoá (tên rạch biến thành tên đường, tên cầu biến thành tên rạch, chợ, phường…) thì chúng ta mới đưa vào. Ví dụ: đường Rạch Cát, rạch Cầu Bông thì tên mục từ sẽ là Rạch Cát, Cầu Bông.

Thứ hai, đối với các địa danh bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số, yếu tố chung thường không được rõ nghĩa và thường được dùng gắn chặt với yếu tố riêng, vì thế chúng ta nên đưa các yếu tố chung này vào tên mục từ; thí dụ Bù Đốp (“làng vọc” - Bình Phước), Vàm Láng (“ngã ba Láng Lộc” – Tiền Giang)…

Thứ ba, nếu địa danh là tên người thì ta không được đưa danh từ chung chỉ tiểu loại địa danh vào mà chỉ nêu tên người, vì nhân danh lúc này đã trở thành địa danh. Thí dụ: đường Nguyễn Huệ, thành phố Hồ Chí Minh, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau)… thì chỉ nêu: Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh, Trần Văn Thời,…

Thứ tư, nếu địa danh là số từ, ta không nêu danh từ chung mà chỉ nêu số từ, được viết bằng số hoặc bằng chữ. Thí dụ: phường 5, quận 3 thì chỉ nêu: 5 /Năm, 3 / Ba hay Năm/5, Ba /3,…

2.3.2. Tiểu loại địa danh:

Yếu tố chung chỉ tiểu loại địa danh là các từ: sông, rạch, núi, hồ… (địa danh chỉ địa hình thiên nhiên); ấp, xã, huyện, tỉnh… (địa danh hành chính); vùng, xóm, khu, miền… (địa danh vùng); cầu, đường, công viên, sân vận động… (địa danh chỉ công trình xây dựng).

Giữa mục 1 và mục 2, tuyệt đối không được có sự trùng lặp. Vì không tôn trọng qui tắc này, các tác giả Sổ tay địa danh Việt Nam (của Nguyễn Dược – Trung Hải) đã mắc phải:

Sông Hương: sông chảy qua thành phố Huế.

Cũng thế, nếu xem cả từ tổ thành phố Hồ Chí Minh, huyện Dương Minh Châu là địa danh, ta cũng vi phạm ngay:

Thành phố Hồ Chí Minh: thành phố ở Nam Bộ…

Huyện Dương Minh Châu: huyện của tỉnh Tây Ninh…

2.3.3. Vị trí của đối tượng:

Ta phải nói rõ đối tượng của địa danh nằm trên địa bàn của đơn vị hành chính nào, tiếp giáp với những đối tượng nào khác. Nếu đối tượng là sông rạch, thì ta phải nói rõ sông rạch đó chảy từ đâu đến đâu,…Thí dụ: cầu Rạch Chiếc ở giữa hai quận 2 và 9, tp. Hồ Chí Minh.

2.3.4. Các chi tiết liên hệ đến đối tượng:

Các chi tiết liên hệ đến đối tượng rất đa dạng. Nếu đó là núi đồi, ta phải nói đến độ cao. Nếu đó là công viên, quảng trường, ta phải nói đến diện tích. Đối với cầu cống, phải nói rõ chiều dài, chiều rộng (và có thể cả tải trọng). Đối với đường phố, cần nói rõ chiều dài và lộ giới. Nếu đó là sông rạch, nên nói rõ về độ dài, chiều rộng, độ sâu. Đối với các đơn vị hành chính thì phải nói đến diện tích, dân số, số lượng và tên các đơn vị nhỏ ở trong đơn vị đang đề cập, hoặc thuộc về đơn vị lớn nào…

2.3.5. Thời điểm ra đời của địa danh:

Nếu biết chắc chắn, ta phải đưa vào. Chẳng hạn, phủ Gia Định được lập năm 1698; cầu Chữ Y (ở tp.HCM) được xây dựng trong các năm 1938-1941; thành phố Hồ Chí Minh được chính thức gọi vào ngày 2-7-1976. Nếu ta không biết chính xác ngày, tháng, năm, ta có thể nêu khoảng thời gian. Chẳng hạn, địa danh Thị Nghè (tp. HCM) ra đời trong khoảng thời gian 1725-1750. Nếu không biết rõ thời điểm thì có thể phỏng đoán nhưng phải có căn cứ.

2.3.6. Nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của địa danh:

Đây là vấn đề trọng tâm mà người làm từ điển phải lưu ý. Nội dung này rất thú vị đối với người đọc. Thế nhưng điều này cũng cực kì khó. Vì vậy, hầu hết các tác giả của những cuốn từ điển đã xuất bản đều phớt lờ vì phải tốn nhiều thời gian và công sức mới có thể hi vọng phát hiện hoặc hoàn toàn vô vọng.

Dù sao, người biên soạn từ điển cũng phải cố gắng tối đa. Đối với những địa danh mà ta đã tìm được nguồn gốc và ý nghĩa, ta phải trình bày theo những cách sau đây:

Nếu địa danh vốn là tên người (như Ông Tạ ở tp. HCM), ta phải nói rõ tiểu sử và sự nghiệp của nhân vật ấy.

Nếu địa danh vốn là tên cây (như Củ Chi, tp. HCM), ta phải miêu tả chi tiết hình dáng, màu sắc, đặc điểm về thân, lá, rễ, trái… của cây ấy.

Đối với địa danh vốn là tên một địa hình (như rạch Bùng Binh), ta cần phải mô tả hình dáng của địa hình ấy.

Nếu địa danh vốn là tên một con vật chỉ có ở địa phương (như rạch Cá Tra), chúng ta phải miêu tả hình dáng của con vật đó.

Đối với các địa danh vốn là từ cổ (như sông Bảy Háp ở Cà Mau), từ lịch sử (như chợ Hương Điểm ở Bến Tre), từ địa phương (như rạch Thai Thai ở tp. HCM) hoặc từ mượn của một ngôn ngữ khác (như Vàm Láng), ta cần miêu tả các nét nghĩa và nói rõ từ đó được mượn của ngôn ngữ nào…

Tuy không phải là cuốn từ điển từ nguyên địa danh nhưng việc giải thích nguồn gốc và ý nghĩa của các địa danh cũng rất cần thiết vì đây là nhiệm vụ hàng đầu của địa danh học.

2.3.7. Sự chuyển biến của địa danh và đối tượng:

Nhiều địa danh, sau một thời gian hành chức đã có những biến đổi vỏ ngữ âm. Những nguyên nhân này có thể nội tại hay ngoại lai. Ta phải trình bày đầy đủ âm gốc và âm biến. Ảnh hưởng bởi ngữ âm địa phương, Hàng Sanh, Gò Vắp… (tp. HCM) chuyển thành Hàng Xanh, Gò Vấp… Dưới tác động của luật dị hoá vần, Bàu Bèo, Bàu Hói, Bàu Môn, … biến thành Bà Bèo, Bà Hói, Bà Môn, … Ảnh hưởng bởi sự in ấn, Thạnh Đa, Lôi Giáng… (tp. HCM) chuyển thành Thanh Đa, Lôi Giang… Các địa danh Đa Kao, Kì Hoà (tp. HCM) là kết quả do ảnh hưởng của người Pháp và tiếng Pháp…

Nhiều đối tượng của địa danh – nhất là các đơn vị hành chính và đường phố – có thể thu hẹp hoặc mở rộng. Gia Định (tp. HCM) ban đầu là tên phủ, sau chuyển thành tên tỉnh rồi bị bãi bỏ, với diện tích và dân số thay đổi theo đơn vị hành chính. Hai huyện Bến LứcThủ Thừa (tỉnh Long An) có một thời gian nhập làm một thành huyện Bến Thủ (từ 11-3-1977 đến 14-1-1983), sau đó lại tách ra thành hai huyện và mang tên cũ. Tương tự như vậy, trước năm 2000, đường Cách Mạng Tháng Tám ở tp. Hồ Chí Minh dài hơn 12.000m. Đến ngày 7-4-2000, đường được cắt làm hai đường mang tên Cách Mạng Tháng Tám Trường Chinh. Đường Trương Định hiện nay, trước ngày 14-8-1975, là hai đường Trương Định Đoàn Thị Điểm

3.Ngành địa danh học ở nước ta còn quá non trẻ, tư liệu về các địa danh không nhiều, sự hiểu biết của cá nhân có hạn, đối tượng lại khá phức tạp,…nên chắc chắn sự nhầm lẫn và sai sót trong từ điển khó tránh khỏi. Vì vậy, chúng tôi hoan nghênh những góp ý chân thành và xác thực của độc giả để ngành địa danh học ở nước ta ngày càng hoàn chỉnh hơn, trưởng thành hơn.

 

                                                TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Bùi Đức Tịnh, Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ, tp.HCM, Nxb Văn nghệ, 1999.

2.Lê Trung Hoa (cb), Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh, tp. HCM, Nxb Trẻ, 2003, Nxb Thời đại tái bản 2011.

3.Thạch Phương – Lê Trung Hoa, Từ điển Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2001, tái bản 2008.

 

       “Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã  số VII2.2-2011.06”.

 

TÓM TẮT

Công việc biên soạn từ điển địa danh địa phương

Bài báo trình bày công việc biên soạn Từ điển địa danh địa phương. Trước hết, phải xác định nhiệm vụ, mục tiêu, dung lượng của từ điển. Kế đến, nói rõ tiêu chuẩn chọn các mục từ cho 4 loại địa danh. Sau cùng nói về cấu trúc của mỗi mục từ (gồm 7 nội dung).

 

ABSTRACT
Compiling the dictionary of toponyms

This paper presents the compilation of the dictionary of toponyms. First of all, it is necessary to define the tasks, objectives and capacity of the dictionary. Next, it is obligatory to specify criteria for selecting the entries from the four types of toponyms. Finally, it is mandatory to mention the structure of each entry (including 7 contents).

 

 

(Bài này đăng trên tạp chí Từ điển học và Bach khoa thư , số 1-2014, tr. 104-107)



[1] Nguyễn Văn Âu, Một số vấn đề về địa danh học Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2000.

   Lê Trung Hoa, Địa danh học Việt Nam, HN, Nxb KHXH, 2006, tái bản 2010, 2011.

[2] Bùi Thiết, Từ điển Hà Nội: Địa danh, HN, Nxb Văn hóa - Thông tin, 1993.

   Ngô Đăng Lợi (cb), Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, 1998.

   Trần Thanh Tâm, Huỳnh Đình Kết, Địa danh thành phố Huế, HN, Nxb Văn hóa dân tộc, 2001.

   Lê Trung Hoa (cb), Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh, tp. HCM, Nxb Trẻ, 2003, Nxb Thời đại tái bản 2011,…

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website