Cảm thức hiện sinh trong tập thơ “Hoa giấu mặt” của Mai Văn Phấn

                             (Nguyễn Thị Bích Phụng,Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, SỐ 13 (67), THÁNG 9 NĂM 2013)

TÓM TẮT

Mai Văn Phấn xuất hiện vào đầu giai đoạn Đổi mới, là nhà thơ thuộc dòng thơ cách tân sau 1975. Cho đến nay Mai Văn Phấn có 11 tập thơ đã xuất bản. Ngay từ hai tập thơ đầu: Nghi lễ nhận tên Người cùng thời, xuất bản năm 1999, cảm thức“vong thân” đã manh nha xuất hiện trong thơ ông. Cảm thức hiện sinh được biểu hiện rõ nét nhất trong tập thơ “Hoa giấu mặt” (Nxb. Hội Nhà văn, 2013) mà chúng tôi tập trung tìm hiểu trong bài này.

*

Lời mở

Tác giả Mai Văn Phấn xuất hiện vào đầu giai đoạn Đổi mới, cùng thế hệ với một số nhà thơ như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Inrasara, Trần Quang Quý, Nguyễn Bình Phương,… tạo nên dòng thơ cách tân sau 1975. Mỗi tác giả đều có cách bứt phá riêng. Với Mai Văn Phấn, ông đã ra đi từ truyền thống, tiếp thu có chọn lọc khi “qua các sa mạc khuynh hướng” (Mai Văn Phấn) để cách tân, tìm về cội nguồn thơ Việt trong tâm thế và cách biểu hiện tự nhiên thuần Việt hiện đại như hiện nay. Theo lộ trình thơ Mai Văn Phấn, với 11 tập thơ đã xuất bản (2013), chúng tôi cho rằng, hai tập thơ đầu tay (Nghi lễ nhận tênNgười cùng thời), xuất bản năm 1999 đã đánh dấu quá trình đổi mới, giai đoạn khởi đầu “vong thân” của ông. Từ thời điểm đó, cảm thức hiện sinh (cả ý thức và vô thức) đã xuất hiện trong thơ Mai Văn Phấn, và được biểu hiện rõ nét nhất trong tập thơ “Hoa giấu mặt” (Nxb. Hội Nhà văn, 2013).

Thuyết hiện sinh được khởi nguồn từ Đức, sau du nhập vào Pháp và ảnh hưởng khắp châu Âu từ cuối thế kỷ 19, với các triết gia tiêu biểu: Friedrich Nietzsche (1844-1900), Soren Kierkeggard (1813-1855), Martin Heidegger (1889-1976), Karl Jasper (1883-1969), Maurice Merleau-Ponty (1908-1961)… Nó ảnh hưởng lớn, trực tiếp vào đời sống văn học, làm hình thành hai trường phái văn chương; phái hữu thần gồm hai nhà văn tiêu biểu: Gabriel Marcel và Jacques Maritain; phái vô thần: Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Simone de Beauvoir… Dù theo vô thần hay hữu thần, chủ nghĩa hiện sinh luôn “nhấn mạnh rằng, đời sống nhân loại chỉ có thể hiểu được thông qua sự hiện sinh của cá nhân, tức là thông qua kinh nghiệm riêng biệt của anh ta về cuộc đời” (Gordon E. Bigelow). Nó “phá vỡ tính logic của sự kiện thời gian - con người hoàn toàn mù lẫn trong thời gian, hoàn toàn mất phương hướng, lạc loài, vô vọng cả không gian và thời gian, trật tự tuyến tính của tất cả các sự kiện không chỉ bị đảo lộn mà còn hoàn toàn bị phá vỡ”[6]; Và, qua các tác phẩm văn học cho thấy, mỗi nhà văn đều có cách biểu hiện riêng về chủ nghĩa hiện sinh và những thuyết giải về nó.

Về trường hợp Mai Văn Phấn, những dấu ấn về hiện sinh thể hiện đậm nét trong những tác phẩm của ông thời kỳ đổi mới cũng như giai đoạn gần đây. Nhìn bên ngoài, con người chỉ là một sinh linh như mọi sinh linh khác; nhưng nhìn từ bên trong, anh ta là cả một vũ trụ, là trung tâm của cái vô cùng; lý trí luôn bất lực khi đề cập đến chiều sâu của đời sống con người. Thơ Mai Văn Phấn thường mang nội hàm những xung đột/ xung khắc giữa cá thể với những điều kiện hiện tồn, cả ký ức và những linh giác, những tâm trạng âu lo trong mọi chuyển động của vạn hữu, mơ hồ, hư vô và bất định… để vươn tới khát vọng tự do, vươn tới lý tưởng thi ca mà ông theo đuổi. Những cảm thức hiện sinh này đã được Mai Văn Phấn thể hiện rõ nét trong tập thơ “Hoa giấu mặt”. Qua đó cho thấy, tâm thức hiện sinh là một phạm trù giàu có tiềm lực để nhà thơ có thể ẩn dật cái tôi cá nhân, cái tôi tiểu vũ trụ để tung hoành sáng tạo mà không lực cản nào có thể cưỡng lại được. Cảm thức hiện sinh là những cảm giác mang tính trực cảm có ý thức và vô thức trước sự vật, hiện tượng, trước quy luật tạo hóa tự nhiên, trước muôn màu biến ảo của cõi ta bà, và, cả những bất cập, lệch chuẩn của giá trị đạo đức trong hiện thực đời sống.

Thơ 3 câu trong “Hoa giấu mặt” của Mai Văn Phấn có hình thức gần với thơ haiku của Nhật, nhưng mang nội hàm, hồn cốt thuần phác thơ Việt và đã tạo những cảm thức hiện sinh đậm nét. Mỗi bài thơ 3 câu của ông là ánh chớp trong đêm tối, vừa đủ lóe sáng cho người đi nhận biết đoạn đường phía trước mà dấn bước; hoặc như vài ba đồ vật xếp lại gần nhau để gợi những liên tưởng về nhân sinh, nhân thế, về thiên nhiên, vũ trụ...

1.Cảm thức không gian thơ, thế giới sáng tạo của nhà thơ

Mai Văn Phấn từng cho rằng: “Điều quan trọng trước hết trong sáng tạo là thiết lập không gian, không phải cho một bài thơ cụ thể, mà dành cho cả giai đoạn sáng tạo nhà thơ vươn tới; nó giống như việc phải chuẩn bị mặt bằng rộng, không gian lớn, cảnh quan đẹp cho một quần thể kiến trúc quy mô, đồ sộ. Không gian ấy hàm chứa những vấn đề lớn tạo nên từ trường ảnh hưởng cho những bài thơ cụ thể sau này. Đó là những ám ảnh cốt lõi về thời đại, thời cuộc, những quan chiếu, hệ lụy trong xã hội, thái độ sống, thái độ chính trị của thi sỹ;  một cõi riêng của cảm giác hay linh giác mà người ngoài không thể dụng ý chạm tới, và cả những vấn đề muôn thuở của văn chương, như khuynh hướng, giọng điệu, thể loại, tính nhân bản .v.v.”[9 ]. Quan niệm đó cho thấy, con người là một thực thể quan trọng khi sáng tạo, ở đó xuất hiện và kéo theo nhiều hệ quả khác như quan niệm về bản thể, đạo đức, nhân sinh, thế sự…, về thế giới tự nhiên, môi trường sống của anh ta.v.v... Điều đó đã tạo nên không gian thơ, làm nên một không gian riêng biệt độc lập và đầy cá tính sáng tạo của nhà thơ, một “mô hình thế giới độc lập có tính chủ quan và mang ý nghĩa tượng trưng của tác giả” [2,tr.116] hay gọi đó là thế giới sáng tạo của nhà thơ. Mai Văn Phấn là người đã làm nên một mô hình thế giới không gian độc lập bằng những khoảnh khắc bất chợt và sự khắc khoải của cảm thức hiện sinh có trong “Hoa giấu mặt”.

Nếu như Nguyễn Quang Thiều chìm đắm vào thế giới không gian thâm u trầm tịch của tâm thức cội nguồn thì Mai Văn Phấn lại dẫn ta lẩn khuất vào thế giới hiện sinh cô độc, đa tạp trong “Hoa giấu mặt”. Chúng ta dường như cảm nhận được đâu đây một làn hương thoảng, một hơi thở nhẹ, một bước chân người đẹp với hài đỏ lướt qua, một gợn mây mềm biết “giữ hai ta lại”, một cuống rễ bé nhỏ biết “đẩy quả” lên trời, một chiếc gai thu mình bên gọt sương, một lưỡi câu buông vào ánh trăng, một con cá và tiếng gõ phàng... Tất cả những thi ảnh dân dã, tưởng như vụn vặt ấy đã gợi ra một không gian làng quê Việt thanh sạch, tĩnh tại; một không gian Thiền giản dị, tao nhã và huyền tịch.

Không gian của đêm trăng là không gian được nhắc nhiều trong thơ ông. Có 12 bài nhắc đến trăng với nhiều cung bậc, nhiều góc nhìn, nhiều cách cảm khác nhau: trăng mỏng tang (Đêm trăng, 18 - Con mắt nghiêng), trăng huyễn hoặc (Bóng trăng), trăng rụng xuống (Bào mòn)  Đó là một dạng không gian tĩnh, tơ vương đến mơ hồ, khiến ta lặng đi, như phải nín thở mới có thể cảm nhận hết được. Một trạng thái cảm thức sự rỗng không, chỉ có nụ hôn tự tình xoắn riết, chỉ có hơi hướng của dục tình thánh thiện chiếm lĩnh, lan tỏa:

Anh là đám cỏ lan ra lối đi/Em đi hài đỏ/ Giẫm lên anh phải không? (Kiếp trước).

Hoặc:

Hôn em/ Hồi tù và song đôi/ Bay đi rất chậm (54 - Con mắt nghiêng)

Không gian và thời gian lúc này như dừng lại, đan xen, nhẹ hẫng để “bay đi rất chậm”. Khác với những nụ hôn tan loãng, bén lửa, dìu nhau, sinh ra… (của Mai Văn Phấn) trong những bài thơ khác, hình ảnh Hồi tù và song đôi như  được rúc lên trầm vang, như hai con đại bàng sóng đôi bay sát mặt đất. 11 chữ mở ra nhiều liên tưởng, nhiều miền không gian khác nữa, chồng chất lên nhau: không gian của hiện tại (Hôn em), không gian của quá khứ (không gian quen và yêu nhau), không gian tương lai (bay đi rất chậm). Đâu biết rằng, nụ hôn đê mê ấy sẽ đưa họ đi đến đâu, những miền không gian còn bỏ ngỏ ở phía trước.

Một dạng không gian tĩnh nữa được phát hiện ở mức có thể cảm thức được những dự cảm lo âu muộn phiền từ cuộc sống phồn tạp, ẩn mật trong “Hoa giấu mặt”: Nước ròng, Đời đầy hiểm họa, Lưỡi câu vô hình, 48, 53, 56 - Con mắt nghiêng.

            Với những dạng thức riêng lẻ và cá biệt đến thảng thốt, không gian trong “Hoa giấu mặt” tĩnh lặng và trong suốt, làm người đọc có thể cảm thức được mọi điều. Nó dung chứa và hứng đựng, trì níu và chứng nhân cho mọi sự vật biến chuyển để hướng tới tự do, tới miền vị lai trong tâm thức.

2. Cảm thức thời gian đa chiều, phi tuyến tính

Thời gian nghệ thuật có thể kéo dài vô tận hay dừng lại trong một khoảnh khắc để chúng ta chiêm nghiệm được sự hữu hạn, mong manh của đời người. Theo J.P. Sartre nhận xét “Phần đông các nhà văn hiện đại - Proust, Joyce, … mỗi người đều hủy hoại thời gian theo cách riêng. Có người cắt bỏ quá khứ và tương lai, rút gọn thời gian vào khoảng khắc trực giác, có người lại biến thời gian thành một ký ức hạn chế và máy móc” [5, tr.209]. Với Mai Văn Phấn, thời gian trong “Hoa giấu mặt” chuyển động đa chiều, phi tuyến tính. Thời gian ở đây bị ông đảo nguợc, rút ngắn, hay kéo dãn, thậm chí đan lồng vào nhau làm nên sự hoán chuyển, hoán vị (đời người – (Thanh minh),  mùa – (Hai mùa), năm – (Trồng cây nêu trước nhà)). Có khi ông tính thời gian bằng một sát-na (đơn vị đo lường của nhà Phật), khoảnh khắc của Hoàng hôn, khoảnh khắc của sự Ngăn cách. Những thi ảnh mỏng manh, dịu nhẹ được phát hiện trong mỗi khoảnh khắc đốn ngộ ấy đều là sự tương giao của ánh sáng, âm thanh, đường nét.

Nắng/ Lơ lửng chờ/ Bông cúc khép cánh trắng (Hoàng hôn)

Xuân /Ngấm đất /Đào xuống gặp toàn năm cũ (Trồng cây nêu trước nhà)

Chưa kịp cất lời kinh/ Con chim sâu/ Vội chuyền cành (Sát-na)

Thời gian đôi khi được mặc định bằng mùa. Mỗi mùa với những ngắt quãng vô ngôn bằng trường liên tưởng khá xa của sự việc này với sự việc kia: mùa xuân (tiếng chim ríu rít, khói hương, và lá non - Giờ tụng niệm), mùa hạ (gió, hương sen - Đỉnh núi cao), mùa thu (trái hồng vừa chín, tiếng chuông- Thu đầy), mùa đông (đắp chăn, đám lá run rẩy ngoài cửa sổ - Trời rét).

Tôi đứng giữa/Tiếng ve /Bông cúc (Hai mùa), nhắc đến thời gian “mùa” trong ba câu thơ, với 7 chữ tinh chắt, bài thơ cho chúng ta một cảm thức thời gian vừa hữu hạn vừa vô tận. Đó là thứ thời gian được phân định giữa lằn ranh của tiếng vebông cúc, một ranh giới/ đường biên của mùa mà con người có thể cảm nhận được bằng trực giác.

Nhiều lúc Mai Văn Phấn thể hiện sự lo âu đến nỗi cái khoảnh khắc ấy có thể hi hữu vận vào mình như sự mắc câu (Ai đang câu tôi - Lưỡi câu vô hình). Dớ dẩn và ngu muội có lẽ bắt đầu bằng sự có ý thức nào đó hay sự đốn ngộ và vong thân vô thức, để có thể cảm thức được khoảnh khắc thời gian không đếm được, không phân định được cả thì hiện tại, quá khứ và tương lai; đó là lúc thời gian sự sống và cái chết kề cận giao tiếp với nhau, giành giật nhau từng tích tắc:

Bà nội rất muốn gặp tôi/ Nhưng những người chết/ Ngăn lại (Thanh minh)

Thời gian và không gian nghệ thuật trong “Hoa giấu mặt” là tiểu vũ trụ biệt lập mang trạng thái tĩnh tại của Thiền, mong manh đến từng sát-na làm nên những cảm thức hiện sinh. Những cảm thức tự do buông rơi, tự do đi- về từ trực giác của nhà thơ để đi tìm cái đẹp hiện tồn.

3. Cảm thức cái đẹp hiển ngôn và vô ngôn

Cái đẹp hiển ngôn và vô ngôn thường xuất hiện trong “Hoa giấu mặt” như những linh hồn, thoắt ẩn thoắt hiện, có lúc bạn đọc ngỡ như nắm bắt được, rồi bất chợt tan biến, như một vưu vật cụ thể vừa rời khỏi tay rơi vào vùng mơ hồ của cảm thức- nhận thức. Cái đẹp được biến ảo, quang phổ từ một hình ảnh, thanh âm, chớp lóe, hay bóng dáng ảo mờ một nhân ảnh nào đó: trong “Hoa giấu mặt” có 3 lần nhắc đến quả chuông, 30 lần tiếng chuông, 13 lần hình ảnh , trăng 12 lần, hoa 35 lần, hương nhắc đến 8 lần, song, cái đẹp hiện tồn trong mỗi khoảnh khắc đều khác nhau, sắc diện cũng rất phong phú, đa dạng. Khái niệm cái đẹp thường mang tính hoàn hảo, toàn mỹ, song với Mai Văn Phấn và thơ ba câu, cái đẹp dường như được tích tụ dồn nén và chưng cất từ những thời khắc linh thiêng nhất (Tạ ơn, tr.31), tổn thương nhất (Tìm hoa, tr.20, Phân vân, tr.44), và vô tình nhất (Vô tình, tr.30)... Cụ thể như vậy để nói rằng, sáng tạo nghệ thuật thi ca trong cái nhìn của Mai Văn Phấn vừa xuất phát từ ý thức và vô thức, vừa hiển ngôn và vô ngôn, nhưng đều tạo hiệu ứng tích cực, khơi gợi quá trình đồng sáng tạo cho người đọc. Nó có thể được trình bày ở đâu đó, hay thoát thai từ phương cách vô ngôn và tinh thần Thiền tông; hay là những khoảng lặng trắng liên tưởng đa chiều mong manh dễ vỡ nhất, dễ sinh ra và cũng dễ đánh mất nhất mà con người thi nhân luôn muốn níu giữ:

Bông cúc ấy sắp tàn/Nhớ lấy màu hoa /Đan áo (Dặn em)

Hoa có lẽ là hình ảnh hiển ngôn được tác giả nhắc đến nhiều trong tập thơ (sen, cúc, mẫu đơn, huệ, hoa đại, hoa đào, hoa táo, hoa bưởi, cẩm quỳ, phượng vĩ, trạng nguyên, hoàng yến…). Chúng mang những đặc tính, trạng thái khác nhau (hoa nở, đơm hoa, trổ hoa, vầng hoa, nửa cánh hoa, nhụy hoa, nụ hoa, màu hoa, hoa chảy máu, hoa không còn hương)… để làm nên cái đẹp ảo huyền, thấm đẫm nhân văn. Lấy vật để nói người, ngụ ý và tả tình, hàm ngôn và ẩn ngôn, Mai Văn Phấn là người đi nhặt và trao những triết lý từ trải nghiệm của mình, những cảm thức của mình cho cái đẹp đến vong thân…

 Trú dưới hoa đại trắng/ Mưa/ Sạch bụi trần (52 - Con mắt nghiêng)

Vẻ đẹp của hoa được nhà thơ biểu hiện tối giản, dồn nén trong ngôn ngữ, chính là nét đẹp của người con gái mà thơ ba câu vô ngôn muốn nói. Những loài hoa xuất hiện cùng bóng dáng “Em” như một quan niệm thẩm mỹ về người đẹp được tác giả thể hiện tương xứng trong thơ (hoa cẩm quỳ, hoàng yến, yến thảo, hoa trạng nguyên)...

4. Cảm thức tự do có ý thức và vô thức sinh ra từ trực giác

Trực giác vốn giúp ta nhận chân được cảm thức. Trực giác mạnh sẽ nảy sinh cảm thức lớn và tạo ấn tượng. Luồng trực giác xuất hiện cùng cảm xúc mạnh trong “Hoa giấu mặt” được truyền tới bạn đọc như cái rùng mình, lắc lư, cái chao nghiêng của một sinh thể  trong trạng thái bất ổn… Cảm thức ấy được sinh ra mang tinh thần tự do, biên độ của nó không giới hạn, thể tài không hạn định, trải nghiệm và triết luận không hạn hẹp, cảm thức về cá thể và vũ trụ, về chung và riêng từ những mặc nhiên của ý thức và vô thức.

Những hình ảnh chủ đạo trong “Hoa giấu mặt”, như bình minh nham nhở, mây đen trùm đầu, nỗi cô đơn hình lục giác, con nhặng đột nhiên cất tiếng, thanh kiếm gỉ, giấc mơ con nhện, tiếng ngân mồ hôi người, bông hoa chảy máu… được sinh ra từ cảm thức tự do có ý thức và vô thức. Miền cảm thức mong manh dự báo những bất thường, những trạng huống âu lo, hoang mang dường như được sinh ra từ “Hoa giấu mặt”:

Tiếng khàn đục như mắc cạn/ Cầm cây nến nhỏ/ Soi vào đêm (Chim kêu trên cao).

Đâu đó, tiếng khàn đục rơi vô tình rồi mắc cạn trong đêm tối. Bài thơ là nỗi lo âu từ vô thức. Nó là căn bệnh trầm kha của con người hay là tất nhiên của quy luật sinh –diệt trong đời sống, mà đời người đến một lúc nào đó phải lãnh chịu.

Khát vọng tự do đôi khi lại có ý thức để đặt câu hỏi cật vấn cuộc đời như tiếng kêu thảng thốt (Con diệc /Non/Mẹ đâu? - Đời đầy hiểm hoạ), đánh động vào không gian vốn yên tĩnh, trầm lắng và có phần vô cảm của con người. Sự tự do cật vấn không dành cho một cá thể mà dành cho cả một thế hệ sống, thời đại hiện tồn. Những mảnh vỡ tự do của cảm thức về giá trị nhân bản, nhân văn về cái đẹp, cuộc sống, lương tri và cả những gồ ghề chai sạn nhất của hiện thực. Nó như “tiếng hú” động vọng, những biến thiên, chìm nổi giữa dòng chảy xiết và hung dữ của đời sống đương đại mà Mai Văn Phấn đã bằng ý thức và cả vô thức tri nhận được.

Trong “Hoa giấu mặt”, bên cạnh thành tựu, những nỗ lực đổi mới, theo tôi, tác giả vẫn còn để lại những tì vết. Điều này có thể ví như những hạt cát sót lại chưa đến độ hóa thân chăng? Trong một số bài thơ, tôi có cảm giác tên bài và câu đầu tiên của bài khi đọc lên, ngỡ như một câu thơ được ngắt ra làm hai nhịp, như các bài Tôi (tr.20), Thế đấy, Thầy cúng (tr.38), Đi câu (tr.39), Nhiều người nhìn thấy (tr.40). Cũng không loại trừ đây là ý đồ của tác giả! Hay, trong một vài bài khác, như Bất lực (tr.21), Tự do (tr.48), nhà thơ đã quá nhanh nhạy chạy theo dụng ý triết lý mà làm giảm bớt quá trình liên tưởng, rút ngắn sự lắng đọng cần thiết làm bạn đọc không đủ thời gian cảm nhận, chiêm nghiệm. Có lẽ Mai Văn Phấn đã mải đuổi theo trực giác dự báo, những linh cảm về thế sự, thời sự mà xa rời không gian thơ vốn được mở ra từ đầu bài thơ. Lộ trình sáng tạo “hậu” tập thơ “Hoa giấu mặt” của Mai Văn Phấn, theo tôi, đang bày đặt ngổn ngang trước mắt nhà thơ với nhiều lối rẽ. Nhà thơ có còn xoải những bước thong dong với thơ ba câu, mặc tình với những triết lý sâu xa, phổ quát tình yêu cho tất cả các thể tài mà độc giả chờ đợi?

Lời kết

            Tập thơ “Hoa giấu mặt” đánh dấu một giai đoạn đổi mới trong lộ trình thơ Mai Văn Phấn, là cách ông tìm về nguồn cội tinh thần thơ Việt, nhưng được biểu hiện tối giản, hồn nhiên và tự nhiên. Thơ ngắn vốn ít xuất hiện trong thơ Mai Văn Phấn ở giai đoạn trước, ông vốn sở trường về thơ tự do và thơ-văn-xuôi. Phải chăng, đây là cách nhà thơ luyện “đoản đao” để mạnh mẽ và sắc bén hơn khi trở lại “trường đao”?

Những gương mặt nào được ẩn giấu trong “Hoa giấu mặt”? Nhiều người đã đi tìm và phân định nó: là cuộc đối thoại vô ngôn (Lê Vũ), là đóa vô thường trong tim (Nguyễn Thanh Tâm), là hương sắc từ những nụ… (Lương Kim Phương), và cả  Đồng sáng tạo để giải mã văn bản thơ “hoa giấu mặt” (Hoàng Kim Ngọc)… Với chúng tôi, “Hoa giấu mặt” là tiểu vũ trụ thứ hai được sinh ra từ cảm thức hiện sinh mà tác giả là người thiết kế và tạo lập.

Trong “Hoa giấu mặt”, nhà thơ như hiện thân thành “con chim sơn ca ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để làm vui cho sự cô độc của chính mình”? (B. Shelly). Sự êm dịu và tĩnh lặng đến cô độc ấy đã làm nên những miền cảm thức mang màu sắc hiện sinh. Đâu đó, một yên lặng vô ngôn, một mờ tỏ bản chất hiện sinh với đủ cung bậc, tâm trạng, dạng thức, bóng vía và hồn cốt… Mai Văn Phấn trở về tĩnh tại với thơ ba câu, chợt nhòa chợt hiện trong “Hoa giấu mặt”. Và, nhiều điều tác giả còn ẩn giấu trong tập thơ này, đúng như một nhà thơ Pháp đã nói: “Tôi viết một nửa, nửa còn lại tôi dành cho mọi người”. Văn bản thơ “Hoa giấu mặt” là một tác phẩm mở (Eco), một cửa ải cho những ai muốn bước qua ngưỡng của chân trời chờ đợi

 

Tài liệu tham khảo

1.      Nguyễn Việt Chiến (2012), Mai Văn Phấn với 3 tập thơ hậu hiện đại, http://.baomoi.com/mai-van-phan-voi-3-tap-tho-hau-hien-dai/152/6256430.epi.

2.      Nguyễn Đăng Điệp (1998), Dẫn luận thi pháp học, Trần Đình Sử tuyển tập (Tập 2), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3.      Nguyễn Đăng Điệp (2003), Vọng từ con chữ, Nxb Văn học, Hà Nội.

4.      Trần Đình Sử (1993), Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5.      Đỗ Ngọc Thạch (2011), Biện luận Sartre và văn học 1, http://newvietart.com/index.

6.      Mai Văn Phấn (2012), Hoa giấu mặt, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

7.      Mai Văn Phấn (1992), Giọt nắng (thơ), Hội Liên hiệp VHNT TP. Hải Phòng.

  1. Mai Văn Phấn (1999), Nghi lễ nhận tên, Nxb. Hải Phòng.
  2. Mai Văn Phấn (2011), Thơ tuyển Mai Văn Phấn (thơ cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
  3.  Mai Văn Phấn (2012), Firmament without roof cover (Bầu trời không mái che), thơ, Nxb. Page Addie Press của Anh quốc.
  4.  Mai Văn Phấn (2011), Không gian thơ, Tài liệu do tác giả cung cấp.

12.   Huỳnh Như Phương (2011), Chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam Việt Nam 1945-1975 http://www.aai.uni-hamburgde/euroviet/Huynh%20Nhu%20Phuong.

13.   Nguyễn Thành Thi (2010), Ám ảnh hiện sinh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nghiên cứu Văn học, số 5 (459).

  1.  Nguyễn Thành Thi (2012), “Không chỉ là gió và đêm…” (đọc “Đêm dịu dàng thế kia, và gió…” của Nguyễn Miên Nhiên), Nxb Trẻ TP. Hồ Chí Minh, Đăng lại trên Niên giám Bình luận văn học, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh - Trường Đại học Sài Gòn.

 

EXISTENTIAL FEELINGS IN THE POETRY COLLECTION

HIDDEN-FACE FLOWERS BY MAI VAN PHAN

Abstract

Appeared in the literary world in the earlier part of the Innovation Period, Mai Van Phan followed the Innovation Movement in poetry after 1975. He has published 11 collections. His two first collections, The Name Ceremony and The Contemporary People, published in 1999, demonstrate his changing process with the noticeable trait of “loosing self”. The shades of existentialism are presented clearly in the poetry collection Hidden-face Flowers (published by Author Association Publisher in 2013), about which we study in this article.

Danh mục website