Đêm lạnh và những chiếc chăn…

                                                                     Viết nhân chuyến thực tập thực tế ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông...

 

 Đêm ở Đắk Song, Đắk Nông.

             Cái nắng chang chang ban ngày đối nghịch với cái lạnh căm căm ban đêm ở vùng đồi núi Đắk Song - Đắk Nông. Đoàn thực tập của chúng tôi “trú ngụ” ở địa bàn cao gần nhất tỉnh. Đêm, cái lạnh như cắt da cắt thịt!

            Cái lạnh nơi đây làm tôi nhớ lại cách đây 2 năm, khi chúng tôi đến thực tập ở Đạ Tẻh – Lâm Đồng. Chủ quan, tôi đã không chuẩn bị chăn mền vì nghĩ mình sẽ “xài ké” (có thỏa thuận). Chính điều đó đã đem đến một đêm đầu tiên “lạnh không thể chợp mắt”, “lạnh quay cuồng”. Cái lạnh thấm vào da thịt, vào tận chân tóc, chân tay co ro, răng va vào nhau lập cập, chúng tôi kéo qua kéo lại chiếc chăn mỏng. Để rồi, sáng hôm sau, bằng mọi cách tôi quyết mua bằng được cái chăn (do địa bàn thực tập cách xa chợ huyện gần 25 cây số). May thay, những đêm lạnh bớt dần. Càng về sau đợt thực tập, thời tiết ấm hẳn lên. Đêm, vì thế cũng bớt dài…

            Năm nay, Đắk Nông chào đón chúng tôi với ngày nắng và đêm thì cực lạnh. Cái lạnh cứ tăng dần từng ngày, cho đến cuối đợt thực tập. Mặc dù được “cảnh báo” và toàn đoàn ai cũng có chăn mền nhưng cái lạnh vẫn “chiến thắng”. Tôi tự hào là người mang chăn dày nhất, to nhất, rốt cuộc…giấc ngủ vẫn chập chờn, “lạnh cuồng quay”!!! Những chiếc chăn, trong dịp này trở thành bạn đường vô cùng cần thiết. Chúng tôi, những cán bộ hướng dẫn, được bố trí ở nhà đồng bào, cũng phải mượn nhờ mấy cái chăn (chăn bông đúng nghĩa: rộng và rất dày). Thật sự cảm kích và bớt sợ…lạnh! Rồi có cán bộ phải mượn chăn cho sinh viên mình đắp thêm để bớt lạnh. Các nhóm sinh viên, chăn mang theo có, chăn mượn nhà đồng bào cũng có, nhưng giấc ngủ vẫn không tròn. Có bạn tâm sự, “Cô ơi, đêm lạnh quá. Tụi em chưa quen được!”; rồi: “Tụi em 4 giờ sáng đã dậy. Rồi nhóm lửa, đứa thì lướt điện thoại, đứa đọc truyện, mấy đứa khác chơi bài”;… Tất cả chỉ để “giải lạnh”. Cũng đúng, Sài Gòn nơi mọi người sống và học tập luôn nắng ấm. Đêm lành lạnh chỉ vào dịp Noel và cuối năm.

            Sợ đêm lạnh nhưng cũng nhờ nó mà tôi biết thêm về những chiếc chăn của đồng bào M’Nông. Người M’Nông vốn có nghề dệt vải, là nghề truyền thống. Chiếc chăn là một trong những sản phẩm được phụ nữ M’Nông chăm chút, tỉ mẩn. Tấm chăn đẹp mắt, chắc chắn và giá trị không hề rẻ (trên 1 triệu đồng một chiếc). Một gia đình người M’Nông thường có một đến hai chiếc chăn “quý” và họ chỉ để cho khách ngủ lại nhà sử dụng. Những người khách được đắp chiếc chăn này được coi là khách quý. Có thể chúng không dày, không ấm bằng những chiếc chăn bông “đời mới”. Nhưng biết được câu chuyện bên trong đó chắc hẳn người đắp sẽ thấy ấm lòng, càng trân trọng hơn tình cảm của chủ nhà. Đoàn chúng tôi hình như chưa ai được đắp chiếc chăn truyền thống, có lẽ do quá đông người, có lẽ do sức chịu lạnh kém nên chúng tôi được đắp những chiếc chăn bông dày và mềm mới. Với tôi, đó là trải nghiệm nhỏ nhưng để lại dấu ấn không hề nhỏ!

            Trở về với nắng ấm Sài Gòn, thi thoảng chúng tôi vẫn rùng mình khi nhớ về cái lạnh ở Đắk Song – Đắk Nông. Với người nhát lạnh, đó là những ngày khó khăn. Nhưng chính nó làm cho tôi yêu hơn những sớm mai nắng hồng và những buổi chiều nắng chói nơi đây. Năm sau, nếu được trở lại vùng đất này, hành trang của chúng tôi sẽ đầy đủ hơn, “cồng kềnh” hơn để có những đêm ấm áp, ngon giấc; để  “ngạo nghễ” trước cái lạnh của núi rừng./.

 

Thông tin truy cập

60834775
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8497
9068
60834775

Thành viên trực tuyến

Đang có 310 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website