19042024Fri
Last updateThu, 18 Apr 2024 12am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Tên cầm thú đi vào địa danh Nam Bộ

1.Nam Bộ vốn là vùng đất hoang vu một thời gian dài, được khẩn hoang trở lại trong năm ba trăm năm trở lại đây. Vì vậy, có hàng trăm địa danh mang tên các cầm thú ở vùng đất mới này. Trong bài viết sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số địa danh mang tên các động vật tương đối ít phổ biến hoặc nay không còn ở đây nữa.

2. Địa danh mang tên cầm thú có nhiều loại.

Ba Khía là đường phố ở tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ba Khía là “loại còng vỏ tím, nhỏ con, càng ngoe dẹp có cạnh” [4].

Bãi Vọp là địa điểm ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bãi Vọp là “khoảng đất bồi ven biển có nhiều vọp – động vật thân mềm hình dạng giống như ngao”[7].

Bồng Bồng là mương ở  huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Bồng Bồng là chim cùng loại với vịt trời nhưng lớn hơn.

Bù Mắt là rạch nhánh của sông Bảy Háp, tỉnh Cà Mau. Cách tỉnh lị An Xuyên khoảng 55 km theo đường thủy và xa mũi Ba Quan 5 km. Cũng gọi Mang Dỗ. Bù Mắt vì có rất nhiều bù mắt,“một loại côn trùng hút máu như muỗi”.

Bưng Trích là địa điểm ở tỉnh Sóc Trăng. Bưng Trích gốc Khmer Bâng Trích, nghĩa là “bưng chim trích” – một loại chim sống nơi đất bưng, nay có thể không còn [6].

Cá Lăng là đường ở hai xã Phú Hòa và Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, tp. HCM, dài 3.825m, được đặt ngày 7-4-2000. Cá lăng là “tên giống cá không vảy, giống cá tra cá vồ, ở nước ngọt” [4].

Cá Lóc là rạch ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Cá Lóc là thứ cá nước ngọt mà miền Bắc gọi là cá chuối, cá quả; miền Trung gọi là cá tràu.

Cá Ngát là rạch ở tỉnh Vĩnh Long. Cá Ngát là “loại cá cùng họ với cá lăng nhưng lớn con hơn” [4].

Cá Tra là rạch ở huyện Nhà Bè, tp. HCM. Cá Tra nửa thuần Việt nửa gốc Khmer Pra [3], là “loại cá nước ngọt, không vảy, lưng đen, bụng trắng, mình có lớp mỡ dày”.

Cá Vồ là rạch ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, tp. HCM và rạch ở tỉnh Vĩnh Long. Cá Vồ là “thứ cá lớn đầu, cùng loại với cá tra, nên cũng gọi là cá tra vồ”.Giồng Cá Vồ  là khu vực thuộc ấp Hoà Hiệp, xã Long Hoà, huyện Cần Giờ, tp. HCM. Nơi đây ngành khảo cổ học đã phát hiện 10 mộ đất, 301 mộ chum với 283 mộ còn di cốt người. Phần lớn di cốt trong chum được người cổ mai táng theo tư thế ngồi bó gối. Ngoài ra còn tìm được 6 giáo sắt, 4 lao sắt, 3 dao sắt, 4 đục sắt, nhiều lưỡi câu sắt, 2 rìu đồng, 1 giáo đồng, nồi đồng, bình bát, 37 tượng có 2-4 đầu chim, 2.916 hạt chuỗi, 476 vòng đeo tay, 263 khuyên tai... Niên đại cách đây độ 2.500 năm [3].

Cái Bông là rạch ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Cái Bông là “rạch cá bông” – loại cá lóc lớn con hơn và mình có hoa” [7].

Cái Côn là rạch ở tỉnh Sóc Trăng và là cầu ở các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng. Cái Côn là “rạch cá côn-một loại cá lớn con ở biển” [4].

Cái Lóc là rạch ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Cái Lóc là “rạch cá lóc”- loại cá mà miền Bắc gọi là cá quả, cá chuối, miền Trung gọi là cá tràu.

Càng Long     là huyện của  tỉnh Trà Vinh, diện tích 283,2km2, dân số 156.600 người (2006), gồm thị trấn Càng Long và 13 xã. Cũng viết Càn Long [11].  Càng Long gốc Khmer An Loong, nghĩa là “con ong bầu” [5]. Ở đây có lẽ do ngữ âm gần giống nhau nên người ta đã mượn Càng Long  thay An Loong [3].

Đường Phèn là kênh ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đường Phèn là “đường nước có nhiều cá phèn”- ở Nam Bộ có hai loại cá phèn: cá phèn vàng, với vây ngực màu đen, tua ngắn và cá phèn trắng, tua dài gấp hai lần thân của nó [5].

Sáo Sậu là rạch ở phường Thạnh Lộc, quận 12, tp. HCM.

Sáo sậu vốn là giống chim sáo mỏ đen, có khoang trắng ở cổ.

Cầu Sấu là rạch ở đầu đường Hàm Nghi, quận 1, tp. HCM, có từ đầu nhà Nguyễn, từ khu ao đầm phía trong chảy ra rạch Bến Nghé. Năm 1892, rạch này bị lấp. Gọi là Cầu Sấu vì ở ngay vàm rạch, bãi sông Sài Gòn, có vòng rào dự trữ cá sấu để bán và có cầu ra bắt cá sấu [8].

Cầu Vạc là suối ở xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Cầu Vạc  là chiếc cầu mà ngày xưa vạc đi ăn đêm thường đậu nơi đây [10].

Cao Cát là đảo trong quần đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, rộng 80ha, cao 34m. Cao Cát là loại hồng hoàng nhỏ con [2].

Chàng Bè là đảo ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Cũng gọi Thằng Bè, tên một “loại chim lớn hay thả trên mặt nước” [2].

Chốt  là rạch ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Cá Chốt là chợ ở xã Vĩnh Hựu,  huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Chốt là loại cá nhỏ, sọ giẹp và to, có hai ngạnh bén và râu đâm ngang [4].

Cồng Cộc là rạch ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cồng Cộc là loại “chim có lông màu đen, to bằng chim le le, hay lặn xuống nước để bắt cá” [5].

Thằng Cộc là cù lao ở làng An Thạnh Nhì, tổng Định Mỹ, tỉnh Sóc Trăng. Người Khmer gọi là Koh Kaàt Thom [9], nghĩa là “cù lao con cồng cộc lớn” và Koh Kaàt Toc “cù lao cồng cộc nhỏ” [11]. Thằng Cộc là gọi chệch tên chim Cồng Cộc.

Cúm là rạch ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cúm, còn gọi là cúm núm, là “loại chim sống ở nước cùng họ với cuốc, có lông màu xám” [4].

Ngọn Dừa là rạch ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ngọn Dừa là “dòng nước nhỏ ở đầu sông có nhiều cá dừa – một loại cá giống cá soát nhưng lớn xác và ít ăn tạp hơn” [4].

Ốc Len là rạch ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, tp. HCM, dài độ 1.000m. Ốc Len là thứ ốc ở rừng sác, to bằng ngón tay cái, vỏ dài và thon, ruột xanh, đen và vàng, thường bám theo các cây đước, vẹt, bần hoặc trên các tảng đá khi nước lên [3].

Vược rạch ở tỉnh Vĩnh Long và là rạch nhỏ ở Hà Tiên, chảy qua phía đông núi Tô Châu và thị xã Hà Tiên vào Đông Hồ. Tên chữ là Lư Khê.Vược là tên một loại cá biển to con, thịt mềm ngon [4].

Cần Đước là huyện của tỉnh Long An, diện tích 218,1km2, dân số 161.900 người (2006), gồm thị trấn Cần Đước và 16 xã. Cần Đước gốc Khmer Andơk [8], nghĩa là “con rùa” [9]. Cần Đước không những là đd mà còn là từ chỉ con vật: con cần đước.

Cần Thay là sông bắt nguồn từ sông Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cần Thay gốc Khmer Banlê Ansay [9]. Ansay là tên một giống rùa quí, dành cho vua [2].

Cần Thơ trước hết con rạch chảy ra sông Hậu ở phía hữu ngạn, ở phía đông thành phố Cần Thơ, rộng 4 trượng (19,48m), sâu 2,5 trượng (12,175m). Tiếp theo, Cần Thơ là tỉnh ở Nam Bộ, được thành lập ngày 20-12-1899, đến ngày 22-10-1956 đổi thành tỉnh lỵ của tỉnh Phong Dinh. Kế đến, Cầ Thơ  là thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 11-2003. Diện tích 1389,59km2, dân số 1.112.121 người (2006). Thành phố gồm 4 quận: Bình Thuỷ, Cái Răng, Ninh Kiều, Ô Môn và 4 huyện: Cờ Đỏ, Phong Điền, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh. Sau cùng, Cần Thơ là tên cầu trên quốc lộ 1A, bắc qua sông Hậu, nối tỉnh Vĩnh Long với thành phố Cần Thơ, khởi công xây dựng tháng 9-2004, khánh thành ngày 24-4-2010. Cầu có tổng chiều dài 15.850m, trong đó cầu chính dài 2.750m, rộng 24,8m cho bốn làn xe và hai lề bộ hành, đường dẫn phía tỉnh Vĩnh Long dài 5.410m, đường dẫn phía thành phố Cần Thơ dài 7.600m.

Cần Thơ gốc Khmer Kìn Tho, nghĩa là “cá sặt rằn”[1], cũng gọi là “cá lò tho”, vì trong lòng rạch có nhiều cá này. Các giả thuyết do Cầm Thi (giang), Cần Thơm nói chệch là không có cơ sở khoa học.

 

Cổ Lịch là rạch và cầu ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Cổ Lịch là (dòng nước) nhỏ và cong giống cổ con lịch [2]. Lịch là loại cá mình dẹp, mềm mại, da đen, trơn láng, răng sắc nhọn, rất hung dữ.

Mỏ Ó là bãi biển ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, nổi tiếng về vẻ đẹp. Mò Ó có lẽ là ó biển, một loài ó lớn, hay ở biển, có tài bắt cá.

       Mỏ Nhát là sông ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Mỏ Nhát là “thứ chim ruộng nhỏ con và dài mỏ” [2].

Tri Tôn là huyện của tỉnh An Giang, diện tích 598,1km2, dân số 112.000 người (2006), gồm 2 thị trấn Tri Tôn, Ba Chúc và 13 xã. Địa danh này được HV  hoá năm 1956.

Tri Tôn gốc Khmer, nguyên dạng Sva Téanh hay Sva Tôn, nghĩa là “khỉ níu kéo” vì ngày xưa đây là vùng hoang dã, khỉ thường quấy rối khách qua đường 9. Sở dĩ Xà Tón bị nói chệch thành Tri Tôn vì trong tiếng Việt đã có sẵn từ tổ Tri Tôn (x. Tri Tôn ở mục từ trên) giống như các địa danh Kế Sách, Phó Bảng, Rù Rì [3]. Tri Tôn là “biết tôn trọng”.

3.Trong các tên thú nêu trên, một số cũng có ở Bắc Bộ và Trung Bộ nhưng mang những tên khác; còn một số chỉ có ở Nam Bộ. Chính những địa danh mang các tên thú này tạo cho địa danh Nam Bộ có một đặc trưng mà địa danh ở các vùng khác không có.

           TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Bùi Đức Tịnh, Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ, tp.HCM, Nxb Văn nghệ, 1999.

2.Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị, SG, 1895-1896.

3.Lê Trung Hoa (chủ biên), Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gònthành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2003.

4.Lê Văn Đức, Việt Nam từ điển, SG, Khai trí, 1970.

5.Nguyễn Tấn Anh, Những đặc điểm chính của địa danh ở Vĩnh Long, Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường ĐHKHXH – NV, tp.HCM, 2008.

6.Nguyễn Thanh Bình, Nguồn gốc địa danh hành chính tỉnh Sóc Trăng, trong “Tài liệu hội thảo khoa học: Lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Sóc Trăng trước 1945”, bản đánh máy, 2000.

7.Nguyễn Thị Kim Phượng, Nghiên cứu địa danh ở tỉnh Bến Tre, Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường ĐHSP, tp.HCM, 2009.

8.Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang Nam Bộ, Nxb Văn nghệ, tp. HCM, 1994.

9.Trương Vĩnh Ký, x. Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264. Thái Văn Chải dịch các địa danh gốc Khmer trong sách này.

10.Võ Nữ Hạnh Trang, Văn hoá qua địa danh Việt ở tỉnh Đồng Nai, Luận văn thạc sĩ Văn hoá học, Trường ĐHKHXH-NV, tp. HCM, 2006.

11.Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, HN, Nxb Văn hoá, 1993.

 

(Bài này đã đăng trên tạp san Kiến thức ngày nay số 850, ngày 20-3-2014)