Cấu tạo motif “Mộng thần hiển linh” trong hệ thống truyền thuyết chống xâm lược phương Bắc của Việt Nam

  (Võ Thạch Anh,Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, SỐ 12 (66), THÁNG 7 NĂM 2013) 

TÓM TẮT

Chủ đề chống xâm lược phương Bắc là một chủ đề khá phổ biến trong nền văn học Việt Nam qua các giai đoạn, đặc biệt đối với văn học dân gian và được biểu hiện đậm nét trong truyền thuyết. Trong sâu xa, hình thức biểu đạt về sức sống bất tử của những người có công đối với cộng đồng được lý giải như là cội nguồn sức mạnh dân tộc qua motif “mộng thần hiển linh” vốn có nguồn gốc trong nhiều hình thức sinh hoạt mang tính tâm linh của nhân dân. Trong bài viết này, chúng tôi tiến hành khảo sát cấu tạo motif “mộng thần hiển linh” trong truyền thuyết chống xâm lược phương Bắc của Việt Nam.

***

1. Chủ đề chống xâm lược phương Bắc là một chủ đề khá phổ biến trong nền văn học Việt Nam qua các giai đoạn, đặc biệt đối với văn học dân gian và được biểu hiện đậm nét trong truyền thuyết. Nó có những đặc điểm về cấu tạo mang tính đặc thù, trong đó sự xuất hiện âm phù của các nhân vật anh hùng sau khi chiến thắng kẻ thù đã “hóa Thánh” (hay còn gọi là “Ngài hóa”) tạo thành sức mạnh vô hình, tiếp tục đánh giặc hoặc phò trợ cho đời sau trở thành motif mang ý nghĩa sâu sắc.

            Trong sâu xa, hình thức biểu đạt về sức sống bất tử của những người có công đối với cộng đồng được lý giải như là cội nguồn sức mạnh dân tộc qua motif “mộng thần hiển linh” vốn có nguồn gốc trong nhiều hình thức sinh hoạt mang tính tâm linh của nhân dân. Cách biểu đạt đó có thể hiểu trên nét chính như sau: đấy là sự linh thiêng của những người đặc biệt như có tài hay thân phận hèn kém, chết trong tình huống không bình thường. Sự sống sau khi đã chết tác động đến đời sau thường được gọi là linh thiêng. Tính chất linh thiêng này còn được phân loại tùy theo tác động tốt hay xấu đến đời sau. Đối với các vị linh thần trong truyền thuyết hay thần tích được dân làng tôn vinh đều là những người anh hùng sinh thời có công với nước, với dân. Sau khi Ngài hóa, dân làng lập đền thờ, trình lên vua để được sắc phong và cho phép ngàn năm hương khói phụng thờ. Thực ra linh thần có khi không hẳn là anh hùng hào kiệt lập chiến công chống giặc ngoại xâm hay có công khai làng lập ấp mà có thể chỉ là những người nghèo khổ, thậm chí có vị lai lịch “bất hảo” như ăn trộm, ăn cướp, hót phân, buôn lợn, thầy bói hay trinh nữ nhưng “chết nhằm giờ thiêng” trở thành Thần Thánh, ban phúc hay giáng họa cho mọi người nên được dân làng quanh năm thờ cúng.

            Tuy nhiên, phần lớn truyền thuyết chủ yếu nói về sự linh thiêng của các vị có công hóa Thánh. Thông thường truyền thuyết hay kể về những chiến công của người anh hùng trong thời đại quá khứ qua công trạng theo cách hình dung, tưởng tượng của dân gian. Trước đây, người ta đã mô tả kiểu truyện này và định danh là truyền thuyết anh hùng. Như vậy, linh thần hay mộng thần hiển linh là những cấu trúc đặc thù có quan hệ chặt chẽ với cấu tạo truyền thuyết anh hùng. Đối với bộ phận truyền thuyết chống xâm lược phương Bắc của Việt Nam, yếu tố tâm linh thông qua motif “mộng thần hiển linh” được xem là chi tiết quan trọng có vai trò chi phối đến kết cấu truyện khá sâu. Nó chủ yếu thể hiện sự hiện hữu của sức mạnh người anh hùng sau khi hiển Thánh để phò đời giúp nước. Vì vậy việc khảo sát các mô thức hiển linh là nhằm khẳng định tư tưởng qua ý đồ nghệ thuật của dân gian trong việc đề cao sức mạnh của dân tộc đồng thời kết nối quá khứ với hiện tại.

2. Để tìm hiểu những vấn đề trên, trước hết xin đi vào một số khái niệm “mộng thần”, “hiển linh”, “linh thần”.

a. Về khái niệm “mộng thần”:

            Khái niệm “mộng thần” là cách dùng của dân gian với nhiều cách gọi, nhiều cách giải thích. Để đảm bảo tính khách quan, chúng tôi đã tiến hành khảo sát các văn bản truyền thuyết nhằm xác định cách sử dụng các thuật ngữ này của dân gian. Sau khi khảo sát 185 truyện, chúng tôi tìm được 34/185 truyện (tỉ lệ : 18.37%) có cấu tạo motif “mộng thần hiển linh” trong hệ thống truyền thuyết chống xâm lược phương Bắc và nhận thấy khái niệm “mộng thần” được dân gian sử dụng khá phổ biến. “Mộng thần” được hiểu như là năng lực siêu phàm của các vị có công trở thành “linh thần” sau khi “hóa Thánh” tiếp tục âm phù cho người đời sau trong công cuộc chống ngoại xâm và bảo vệ đất nước. Có khi cũng hình thức này lại được gọi là “linh thần”. Theo chúng tôi, “linh thần” là khái niệm nặng về định danh, khác với “mộng thần” thiên về sự xuất hiện cụ thể của linh thần. Thực ra cách gọi “mộng thần” hay “linh thần” nhiều chỗ đồng nhất. Do đó cùng một biểu hiện, người ta vẫn gọi là “linh thần” hay “mộng thần”. Vì vậy cách sử dụng khái niệm này không có nghĩa triệt tiêu hay phủ nhận khái niệm kia mà chỉ nhằm bổ sung cho nhau. Trong kết cấu hệ thống truyền thuyết chống xâm lược phương Bắc, “mộng thần” thường xuất hiện ở những tình huống nhất định trong cấu tạo cốt truyện. Hiện tượng tái lặp này khiến cho sự hiển linh của “mộng thần” được xem là motif. Nhìn chung “mộng thần” xuất hiện dưới hình dạng người hoặc không, thông qua hành động hoặc năng lực siêu phàm để giúp đỡ người anh hùng đời sau đánh giặc hay dằn mặt kẻ thù dẫn đến sự thất bại của chúng.

b. Vai trò, chức năng, cấu tạo motif “mộng thần hiển linh” trong cốt truyện truyền thuyết chống xâm lược phương Bắc

             Khái niệm motif ở đây nhằm chỉ một công thức biểu đạt. Có khi công thức này hiện hữu như một tình tiết của truyện và có khi là một kiểu truyện (Type). Cả hai cấp độ này chúng tôi đều sử dụng chung khái niệm motif để dễ theo dõi.

Sau khi khảo sát, chúng tôi tìm được 34 truyện trong số 185 truyền thuyết mang chủ đề chống xâm lược phương Bắc có motif “mộng thần hiển linh”. Như đã nói, motif “mộng thần hiển linh”, chính là cách xuất hiện của linh thần tác động đến đời sau được thể hiện trong cốt truyện. Do đó ở đây chúng tôi chú ý tập trung khảo sát cách xuất hiện và chức năng của các linh thần trong truyền thuyết. Trên cơ bản, motif này có hai kiểu hiển linh:

- “Mộng thần hiển linh” phù giúp người anh hùng trong cuộc chiến chống xâm lược phương Bắc. Kiểu này xuất hiện trong 23/34 truyện (67.64%).

- “Mộng thần hiển linh” thị uy, vạch mặt, dằn mặt, trừng trị kẻ thù trước những âm mưu và thủ đoạn của chúng, chiếm tỉ lệ 11/34 truỵên (32.35%).

Từ thống kê này cho thấy, “mộng thần” bao giờ cũng gắn bó với sự nghiệp đánh giặc của các anh hùng đời sau. Vì vậy việc hiển linh phù giúp người đời sau đánh giặc là mô thức phổ biến hơn hình thức trực tiếp đánh giặc của các linh thần. Mỗi cách biểu hiện có hình thức tổ chức riêng

            Có thể thấy cấu tạo chi tiết hiển linh của motif “mộng thần” trong cốt truyện truyền thuyết chống xâm lược phương Bắc như sau:

Thứ nhất, các năng lực của linh thần vốn tích tụ từ nhiều đời trước được chuyển hóa vào những nhân vật lịch sử hay nhân vật mang tính biểu tượng văn hóa. Chính nhân vật trung gian này trực tiếp thực thi ý định của linh thần qua lời khẩn cầu. Điều đáng lưu ý là sự tái xuất của linh thần trong nhiều truyện được chuyển hóa liên tục qua nhiều thời đại khác nhau. Sự tái tạo năng lực mới khiến cho các linh thần luôn mang không khí thời đại để đáp ứng những nhu cầu cụ thể đặt ra. Trong truyền thuyết Bà Trưng với quê hương Lâm Thao, uy lực này của “mộng thần” được biểu hiện rõ nét: Hai Bà Trưng tiến quân đánh giặc Hán, khi đến ghềnh Lời gặp nước chảy mạnh, thuyền quân không vượt nổi. Bà Trưng khấn xin thần linh phù giúp. Vua Hùng linh ứng phù hộ thuyền Hai Bà “hành quân vượt ghềnh Lời đánh giặc Hán, đền nợ nước, trả thù nhà, nối nghiệp xưa”. Khi quân của Hai Bà tới kẻ Gió, Hai Bà bái yết đền thờ Xuân Dung công chúa thuộc dòng dõi nhà Hùng cầu xin âm phù đánh giặc. Đêm, Bà Trưng nằm mộng thấy Xuân Dung công chúa hiện ra báo cho biết sẽ sai con trai là Đinh Công Tuấn (tướng của Thục An Dương Vương) theo quân Hai Bà để âm phù. Nhờ thế, cuộc khởi nghĩa được thắng lợi. Hay như truyện Truyện hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt cũng kể : Lê Đại Hành kéo quân tới sông Đô Lỗ cự với quân nhà Tống, hai vị thần Trương Hống, Trương Hát hiển linh âm phù vua Lê đánh Tống xâm lược. Rõ ràng vua Hùng như cách kể là một cách phiếm chỉ về anh linh các vị anh hùng thời đại Hùng Vương chứ không phải là một nhân vật lịch sử cụ thể. Đến Đinh Công Tuấn thì lại là nhân vật có thật thuộc bộ tướng của An Dương Vương hay Trương Hống, Trương Hát đều có ở thời Bắc thuộc. Sự liên kết giữa các vị anh hùng ở các thời đại từ trước Công nguyên đến thời Bắc thuộc là một hình thức biểu đạt về sự tích tụ linh khí của nhiều thế hệ anh hùng như đã nói trên.

Thứ hai, mộng thần hiển linh trừng trị kẻ thù trực tiếp mà không qua lời khẩn cầu của nhân vật truyền thuyết. So với tác động của năng lực thần linh ở hình thức thứ nhất, “mộng thần hiển linh” ở dạng này chủ động đối đầu trực tiếp với kẻ thù để tạo nên chung cục thắng lợi. Hình thức này có thể tìm thấy trong truyện Đôi voi đá ở Đền Cao. Thần Đền Cao hiển linh trừng trị bọn giặc phương Bắc phá phách những quả núi mà chúng cho rằng đó là đất phát có vượng khí, đất có long mạch phát đế vương, mà cụ thể trong truyện này là hai đầu voi ở núi Bàn Cung. Kết quả là do báng bổ linh thần nên kẻ thù đánh trận nào thua trận ấy, rồi chết bất đắc kỳ tử.

            Điều đáng lưu ý nữa là hai hình thức âm phù của motif “mộng thần hiển linh” trên thường xuất hiện từ hai tình huống tương ứng :

            Tình huống thứ nhất, “mộng thần” chỉ xuất hiện khi người anh hùng gặp bế tắc trong trận chiến bèn cầu xin sự âm phù trợ giúp của linh thần. Sự xuất hiện này được xem là có điều kiện. Đó là tác động của sự cầu khẩn. Tỷ lệ kiểu này chiếm 12/34 truyện (35.29%). Từ trong bản chất, việc cầu khẩn là một hình thức tương tác giữa thế giới thực tại và thế giới siêu hình có trong thế giới quan của mọi xã hội cổ sơ. Ở đây nó còn nhằm biểu đạt sự liên kết, thống nhất về mặt ý chí, tình cảm giữa các thế hệ, các thời đại và chỉ có thể trở thành năng lực khi có tình huống như đã nêu. Truyền thuyết kể việc Trần Hưng Đạo đánh giặc Nguyên - Mông, bị giặc vây bèn khấn xin thần nhân phù giúp. Sáng hôm sau, những thuyền binh của quân ngài đã thoát khỏi vòng vây, mới biết Thần miếu giúp (Nói về sự tích ông thánh Hưng Đạo).

            Tình huống thứ hai, “mộng thần” tự hiển linh khi “thấy” người anh hùng lâm vào tình huống cần sự âm phù dù không cầu khẩn. Tình huống này chiếm 22/34 truyện, (64.70%). Hình thức này còn cho thấy phẩm chất chủ động của linh thần và khả năng bao quát, đọc được tình thế. So với tình huống thứ nhất, hình thức này tuy không xuất hiện lời cầu khẩn nhưng nó lại nhằm khẳng định sự kết nối liền mạch, nhất quán giữa các hình thức tồn tại của linh thần để thực hiện chức năng phò trợ. Suy cho cùng, với người anh hùng ở thể thác hay sống cũng đều có một chức năng duy nhất: tìm kẻ thù tiêu diệt. Chẳng hạn Lý Thường Kiệt đánh Tống gặp hiểm nguy, linh thần biết được đã hiện lên giúp Ngài trong truyền thuyết Chùa Trấn Quốc hoặc “mộng thần” tự hiển linh để thị uy, vạch mặt, dằn mặt, trừng trị kẻ thù như Thần Long Đỗ - Tô Lịch tự xuất hiện khiến cho Cao Biền nhà Đường khiếp sợ phải bỏ về nước khi hắn có ý định yểm bùa La Thành. Motif này còn xuất hiện trong một loạt truyền thuyết khác như Truyện thần Chính Khí Long Đỗ, Quảng Lợi Thánh hựu Uy tế Phu ứng Đại vương, Nói về sự tích ông thần Long Đỗ, Bạch Mã thần, Sự tích Bạch Mã đại vương, Truyện sông Tô Lịch, Bảo quốc trấn linh định bang quốc đô Thành hoàng đại vương. Sự xuất hiện dày đặc của motif này trong những truyền thuyết trên cho thấy “mộng thần linh ứng” đã gắn kết với kết cấu của truyện nhằm biểu đạt một thế lực vô hình nhưng luôn hiện hữu mọi nơi, mọi thời, có khả năng nắm bắt được các tình huống nguy kịch để ra tay đúng lúc, có hiệu quả trong trận chiến hoặc khiến cho kẻ thù kinh sợ.          

3. Hình thức biểu hiện

            Như đã nói, motif “mộng thần hiển linh” tuy là một dạng linh thần có hoặc không có đời sống, hình hài con người như nhân vật của cốt truyện nhưng được biểu hiện dưới nhiều hình thức:

* Hình thức Mộng thần hiển linh” âm phù người anh hùng đánh giặc phương Bắc qua cách kể và đánh giá của dân gian mà không mô tả hình dạng. Hình thức này chiếm 13/23 truyện - 56.52%). Các tình tiết này có thể thấy trong Phù Đổng Thiên Vương hiển linh âm phù hai vị tướng tài của Hùng Huy Vương đánh giặc Ân (Sự tích Thiên Đá và Đường Lô đánh giặc Ân), Sóc Thiên Vương hiển linh âm phù vua Lê Đại Hành đánh Tống (Sự tích Sóc Thiên Vương, Truyện quốc sư xây đền Sóc Thiên Vương). Các truyền thuyết kể về hiện tượng âm phù dạng này khá mơ hồ, chủ yếu nêu kết cục sau khi được âm phù. Cũng có khi được mô tả bằng hiện tượng thiên nhiên như gió ào ào chứng tỏ linh ứng. Phần lớn dạng thức này xuất hiện trong các truyền thuyết thời Bắc thuộc.

* Hình thức “Mộng thần hiển linh” cứu vua dưới hình hài, âm hồn của nhân vật trung gian. Kiểu này xuất hiện 3/23 truyện, (13.04%). Hầu như motif này chỉ xoay quanh truyện kể về Lê Lợi. Lê Lợi trong lúc chạy trốn quân Minh nhìn thấy xác một cô gái bị giặc bức chết, ngài liền chôn cất và khấn xin hồn cô gái phù giúp, hồn liền biến thành hồ ly cứu Lê Lợi thoát chết (Truyện vua Lê Lợi, Truyện Lê Lợi, Truyện Hồ Ly phu nhân). Tương tự, truyện Lê Thái Tổ cũng kể: “Lại một bữa quân Minh đuổi kíp quá, Lê Lợi phải núp mình vào trong bụi rậm. Quân Minh cầm giáo xỉa vào, bỗng thấy một con cáo chạy ra, giặc mới bỏ đám ấy mà đi, nhân thế vua lại được thoát”. Dạng âm phù này khá nhiều tình tiết ly kỳ thông qua một loạt sự hóa kiếp thành loài vật. Rất có thể đây là sự hòa trộn giữa một số quan niệm tâm linh trong dân gian như sự hóa kiếp, sự linh thiêng của cái chết không bình thường của thường dân qua cái chết của trinh nữ vào hệ thống truyền thuyết này.

* Hình thức “Mộng thần hiển linh” dưới hình hài ông lão giúp vua tìm người tài đánh giặc có 3/ 23 truyện (13.04%). Truyện Đổng Thiên Vương, Truyện Phù Đổng Thiên Vương theo hình thức này được kể như sau: Hùng Vương cầu đảo xin âm phù đánh giặc Ân. Có một cụ già cao lớn chín thước, mặt vàng bụng lớn, mày râu bạc trắng hiển linh mách vua Hùng tìm người tài đánh giặc. Dạng thức này biểu hiện dưới motif tiên ông với vai trò mưu sỹ, xuất hiện nhiều trong truyền thuyết thời Bắc thuộc. Có thể motif này ảnh hưởng từ phong cách đạo thần tiên ở Trung Hoa.

* Hình thức “Mộng thần hiển linh” giúp vua đánh giặc bằng cách trao vật thiêng, chiếm 4/23 truyện (17.39%). Các truyện kể như sau: An Dương Vương xây thành Cổ Loa nhiều lần thất bại, cầu đảo bách thần. Lạc Long Quân hiển linh báo trước sẽ cho sứ Thanh Giang đến giúp. Rùa Vàng hiển linh giúp vua xây thành, tặng vuốt cho vua làm nỏ thần chống giặc Triệu Đà, chỉ vua biết rõ tình thế, rẽ nước dẫn vua xuống biển ở một số truyện như Truyện Rùa Vàng, Mỵ Châu - Trọng Thủy hay là truyện nỏ thần. Còn ở truyện Nói về sự tích vua An Dương Vương với con Rùa Vàng, lại kể việc vua Thục An Dương Vương đắp thành ở quận Vũ Ninh nhiều lần vỡ đổ, cầu đảo bách thần, được rùa vàng hiển linh hiến kế đắp thành đồng thời tặng móng chân làm máy nỏ. Thực chất đây là nhóm truyện biến thể tự sự tích An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Các truyện kể tuy có dị biệt nhưng motif “mộng thần hiển linh” tặng vật thiêng là một kết cấu bền vững, có thể tìm thấy trong nhiều truyện thuộc thể loại cổ tích.

Nó tương đồng với kiểu phò trợ của nhân vật trợ thủ trong cổ tích đối với nhân vật thiện. Đây chính là dấu hiệu giao thoa về mặt thể loại. Nói cách khác, tư duy lịch sử đan cài với tư duy cổ tích tạo nên màu sắc vừa ly kỳ vừa trần tục.

* Hình thức“Mộng thần hiển linh” thị uy, dằn mặt, trừng trị kẻ thù thông qua thái độ, lời nói đối với kẻ thù, chiếm 9/11 truyện (81.81%). Nghĩa là so với các hình thức khác motif hiển linh này không tác động đến kẻ thù thông qua nhân vật truyền thuyết. Kiểu này xuất hiện trong nhóm truyện Truyện thần Chính Khí Long Đỗ, Quảng Lợi Thánh hựu Uy tế Phu ứng Đại vương, Nói về sự tích ông thần Long Đỗ, Bạch Mã thần, Sự tích Bạch Mã đại vương, Truyện sông Tô Lịch, Bảo quốc trấn linh định bang quốc đô Thành hoàng đại vương. Tuy có nhiều dị bản, song các truyện đều cùng kể về “mộng thần” Long Đỗ - Tô Lịch hiển linh thành một cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo kỳ dị, tắm ở giữa sông, cười nói tự nhiên đối đáp với Cao Biền. Lấy tay đập nước bắn tung mù mịt, rồi biến mất khi Cao Biền muốn xây thành Đại La. Lúc có trận gió lớn, sóng nước cuồn cuộn, mây trời mù mịt thì thần hiển linh thành một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng rực rỡ một quãng trời, chập chờn lên xuống trên khoảng không khiến Cao Biền kinh dị, muốn yểm thần. Đêm, Cao Biền mộng thấy thần tới dằn mặt. Sáng ra liền lập đàn niệm chú yểm thần nhưng thất bại. Cao Biền kinh hãi, than thở về điềm rủi sẽ đến. Sau Ý Tông triệu Cao Biền về, Cao Biền bị giết hay Cao Lỗ hiển linh báo mộng cho Cao Biền biết ngài đã âm phù giúp Cao Biền dẹp quân Nam Chiếu ở truyện Truyện tướng quân họ Cao ở Vũ Ninh và chuyện thần Tô Lịch hiển linh đứng giữa sông, cười hớn hở, đối đáp với Cao Biền ở truyện Nói về sự tích sông Tô Lịch. Thực chất khi kể các câu chuyện này nhân dân đã vạch rõ bộ mặt gian trá, điêu ngoa của kẻ thù bằng chính motif hiển linh ấy.

Nhìn chung, hình thức này có xu hướng trở thành biểu tượng về sức mạnh linh khí và lòng căm thù của dân tộc tạo nên nỗi ám ảnh đối với kẻ thù. Có thể đây là mô hình dạng cổ nhất và nằm trong hệ thống truyền thuyết thời Bắc thuộc.

            Từ những khảo sát khách quan về số lượng và cấu tạo trên có thể thấy ngay trong hệ thống thuyền thuyết chống xâm lược phương Bắc, motif “mộng thần hiển linh” có chức năng phò trợ thêm sức mạnh cho nhân vật anh hùng và trấn áp kẻ thù bằng chính oai linh của những vị anh hùng đã khuất. Đấy là cách biểu đạt về sức mạnh dân tộc qua sự kế tiếp của anh hùng các thời đại đúng như Kiều Thu Hoạch đã khái quát: “Sức mạnh của truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam là một sức mạnh thần kỳ, bất khả xâm phạm, đã đập tan mọi âm mưu thâm độc và tham vọng điên cuồng của bọn xâm lược ngoại bang” [2, tr.187]. Sức mạnh này chuyển hóa thành đời sống tâm linh của dân tộc, làm điểm tựa tinh thần cho nhân dân ta trước họa ngoại xâm và những lần đối đầu với kẻ thù trong quá khứ lịch sử. Chính kẻ thù phương Bắc qua nhiều thời đại buộc phải thừa nhận sức mạnh thiêng liêng ấy như là “hạo khí nước Nam” tích tụ trong quá trình hàng ngàn năm khó bề khuất phục được.

            Cách biểu đạt của motif “mộng thần hiển linh” trong truyền thuyết chống xâm lược phương Bắc đã hình thành một cơ chế nhận thức trong tư duy nhằm biểu đạt cách nghĩ, cách hình dung về sức mạnh bất diệt của dân tộc. Đấy là sự bất tử của các thế hệ anh hùng nối kết thành một hệ thống cùng ý chí và chức năng đề kháng trước mọi kẻ thù đe dọa chủ quyền độc lập của dân tộc. Mặt khác, nó còn thực sự tác động ngược lại từ một số quan niệm trong đời sống tâm linh của dân gian. Mỗi thời đại, cách biểu hiện của motif này có khác nhau nhưng vẫn quy về một mối: mộng thần hay linh thần là một sức mạnh siêu phàm có chức năng phò trợ cho anh hùng chiến trận trong những lần đối đầu với giặc phương Bắc và trở thành những biểu tượng văn hóa khá phổ biến của dân tộc.

 

Tài liệu tham khảo

1.    Nguyễn Tấn Đắc (2001), Truyện kể dân gian - Đọc bằng type và motif, NXB Khoa học xã hội.

2.    Kiều Thu Hoạch (2006), Văn học dân gian người Việt, góc nhìn thể loại, NXB Khoa học xã hội.

3.    Hồ Quốc Hùng (2003), Truyền thuyết Việt Nam và vấn đề thể loại, NXB Trẻ - Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM.

4.    Viện khoa học xã hội Việt Nam (2004), Tổng tập văn học dân gian người Việt, Truyền thuyết dân gian người Việt (tập 4, 5), NXB Khoa học xã hội.

5.    Hồ Liên (2002), “Sự hình thành yếu tố thiêng liêng trong văn hóa của người Việt”, Đôi điều về cái thiêng và văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

6.    Nguyễn Minh San (1993), “Tà thần, yêu thần, sự ra đời và bước đi của tục thờ cúng”, Tạp chí Dân tộc học, số 4.

7.    Phan Trần (1967), “Tinh thần dân tộc qua các truyền thuyết lịch sử”, Tạp chí Văn học, số 3, tr. 50.

8.    Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần Người và Đất Việt, Nxb Văn hóa – Thông tin.

9.    Vũ Ngọc Khánh (2001), Tín ngưỡng dân gian Việt Nam, NXB VHDT, Hà Nội.

10.     Trần Quốc Vượng (2003), Văn hóa Việt Nam – tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn học, Hà Nội.

 

“DREAM OF SAINTS”: A MOTIF IN VIETNAMESE LEGENDS ABOUT FIGHTING AGAINST THE NORTH INVADERS

Abstract

            Fighting against the North invaders is a common theme in Vietnamese literature, especially in legends – a genre of folk literature. The immortal spirit of heroes whose feats of arms are significant to the community has always been explained as the source of the country’s power. Those heroes can be worshiped as Saints by the community. Motif “dream of Saints” comes from many spiritual activities of Vietnamese people. This article studies this motif in Vietnamese legends fighting against the North invaders.

 

Danh mục website