24042024Wed
Last updateTue, 23 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Ánh trăng đành là quý. Ánh mặt trời quý hơn

 

(GS. Nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ , nguồn: http://vanvn.net)

           Dạo ấy vào mùa đông năm 1968. Lớp Văn 1 khóa 13 (1968-1972) mới đầu quân vào Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, sơ tán về xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Lán trại sinh viên cư ngụ và giảng đường đều lợp tranh tre nứa lá. Tường xung quanh trát đất bùn trộn rơm. Quần thể kiến trúc này dựa lưng và chạy dọc theo một dãy núi đất có tên gọi Tràng Dương. Những con đường dốc màu nâu nhạt ngoằn ngoèo bò lên đỉnh để sang phía bên kia núi. Sinh viên mới nhập học thường theo nó vào rừng kiếm cây, cành về tự làm giường nằm cho mình. Lắm khi sơ sài theo kiểu nếm mật nằm gai. Sau đó thì đi kiếm củi cho bếp lửa nhà ăn tập thể. Họ được truyền tai nhau khi vào rừng nhìn thấy cây nào thẳng tắp, thường nhỏ hơn bắp chân, trông rất đẹp. Nhưng không dùng vào được bất cứ việc gì. Kể cả làm củi bếp. Bởi vì cây đó xốp, ở giữa lõi rỗng lại ri rỉ nước tia tía đỏ. Dân địa phương gọi là Láng dù. Từ xa  Ký Phú, phía bên kia thung lũng nhìn lại, con đường ấy cứ hình dung có nhiều bước chân người ẩn hiện đâu đó ở hai bên rìa đầy những khóm cây sim, mua lúp xúp hoang dại để nó âm ỉ ngày một rộng thêm ra. Trước mặt là mương nước nhỏ trong vắt lặng lẽ chảy. Kế đến là thung lũng Đại Từ rộng mênh mông bởi lúa chạy hai mùa tới những rặng núi xanh vây quanh bốn phía. Mùa vàng ở thung lũng đẹp thanh bình đến nỗi tưởng như chiến tranh chưa bao giờ bén mảng đến đây.

           Sinh viên đang tuổi ăn tuổi lớn được chiêu đãi thường xuyên…cơm độn ngô ở bếp ăn tập thể. Lắm bữa cơm chiều chỉ độc món ngô răng trâu ninh của bác anh nuôi già người miền Nam vẫn được các cô sinh viên thân mến gọi là bố Súc. Thỉnh thoảng ngày chủ nhật, quân ta rủ nhau cuốc bộ 10 cây số đường núi ra chợ Đại Từ mua bánh rán làm bằng bột sắn ở quán bà Ca. Có đêm rét mướt, bụng đói ngồi trong lán học bài nghe tiếng mỡ xéo xèo rán bột mì của mấy anh cán bộ đi học bên kia vách nứa. Thèm như xém vào da thịt. Những hôm trời mưa lấy nứa khô đốt đuốc ra bờ ruộng bắt ếch. Ếch chẳng có thì bắt nhái. Lột da lấy hai cái đùi đem xào muối với cà chua xanh tự trồng bên cạnh lán trại. Tanh lắm nhưng mà ăn vẫn ngon. Chẳng thấy ai kêu khổ hoặc là “phai nhạt lý tưởng”…Gặp thầy gặp bạn chỉ bàn chuyện văn chương.

           Có những buổi sáng, trên bờ con mương trước lán ở, thường thấy một thầy giáo dáng vẻ già hơn tuổi. Ăn mặc xềnh xoàng. Đi trên một chiếc xe đạp cũ kỹ. Thỉnh thoảng dắt bộ. Dường như xe không có mác. Cả hai bánh xe đều không chắn bùn. Ghi đông treo túi đựng sách. Thi thoảng còn khoác thêm một cái bị cói. Trông rất lạ. Trong lớp hỏi nhau người ấy là ai thì được Văn 3, Văn 4  khóa trước cho biết đấy là thầy Lê Đình Kỵ. Sau rồi được biết thêm, thầy từng có bằng tú tài triết học. Tham gia cách mạng tháng 8/1945 ở miền Trung, từng là sỹ quan quân đội. Sau làm thầy giáo ở khu 5. Rồi tập kết ra Bắc tiếp tục theo đuổi nghề dạy học.

           Bẵng đi chừng hai năm, mới được nghe thầy Lê Đình Kỵ giảng bài. Giọng xứ Quảng trầm trầm nhỏ nhẹ. Nghe như ông tâm sự một mình với các nhân vật văn chương. Trong 4 năm học ở khoa Văn, thầy lên lớp với bộ cánh giáo sư thời chiến tuềnh toàng. Chỉ thấy một lần duy nhất thầy diện. Đó là hôm toàn bộ giáo viên sinh viên khoa Văn tổng hợp Hà Nội từ Mễ Trì vào hội trường Tỉnh ủy Hà Tây, ở đầu cầu thị xã Hà Đông. Nghe nhà thơ Việt Phương nói chuyện Thơ. Khoảng mùa đông năm 1970. Bữa đó, thầy Kỵ mặc bộ comple màu nâu nhạt. Anh em chúng tôi ngồi hàng ghế dưới. Thầy ngồi hàng ghế thứ ba chăm chú lắng nghe và ghi chép. Cảm thấy thầy đang xoay xỏa khó khăn trong bộ comple cũ kỹ. Nó rất lạ với thầy. Đã chật lại có vẻ chủ nhân ít khi dùng tới. Thời buổi đó diện bộ comple không cần biết mới cũ thế nào đã là sang lắm rồi. Đó là lần duy nhất. Sau đó không bao giờ thấy thầy mặc lại bộ lễ phục ấy nữa.

           Thấm thoắt đã gần nửa thế kỷ rồi. Thầy đã trở thành người thiên cổ và lặng lẽ ra đi vào lúc 9h40 sáng ngày 24 tháng 10 năm 2009 tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm ấy thầy 76 tuổi. Đã lâu thầy không nói được nữa.

           Trong số sinh viên văn khoa khóa 13, tôi được làm việc với thầy hai lần. Hai lần ấy cũng là dấu mốc quan trọng của đời sinh viên. Lúc viết khóa luận kết thúc năm thứ 3 với đề tài Thơ Chế Lan Viên trước và sau cách mạng và khi viết luận văn tốt nghiệp năm thứ 4 - Những tìm tòi nghệ thuật của thi ca Việt Nam hiện đại.

           Thời đó tất cả sinh viên đều chưa có đủ điều kiện đánh máy tài liệu. Luận văn hay khóa luận đều phải viết tay. Dài hàng trăm trang. Thầy ghi nhận xét bằng bút bi với lối chữ nghiêng và rất nhỏ. Loại bút bi này được gọi là bút nguyên tử. Vì rất hiếm. Thơ Chế Lan Viên lúc này rất nổi tiếng, được nhiều người yêu thích. Trong Đường vào Thơ có hai bài phê bình về Ánh sáng và phù saHoa ngày thường chim báo bão. Nhà thơ Chế Lan Viên khi còn sống trong một lần nói chuyện với sinh viên ở Hội trường C - Mễ Trì hồi cuối hè năm 1971  tỏ ý khen ngợi phong cách phê bình Lê Đình Kỵ và cho rằng họ là những người bạn tri âm. Hai ông cùng chia sẻ quan điểm về sáng tạo thi ca trong lần giáo sư Lê Đình Kỵ đánh giá tập Ánh sáng và phù sa, Ánh trăng đành là quý nhưng ánh mặt trời quý hơn.

           Những năm cuối 1960 và đầu 1970, sách báo tài liệu tham khảo ít lắm. Vớ được mấy quyển dịch từ tiếng Nga : Nguyên lý lý luận văn học của L.Timophiep, Lao động nhà văn của A. Xaytlin, Bàn về văn học của M. Gorky... như vớ được vàng. Sinh viên nhìn mấy ông thầy nhiều ngoại ngữ Đinh Gia Khánh, Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc, Lê Đình Kỵ… mà thán phục như thấy người …ngoài hành tinh.

           Trong lĩnh vực văn chương, Giáo sư Lê Đình Kỵ có nhiều công trình với số lượng hàng nghìn trang. Đó là những tác phẩm nghiên cứu lý luận văn học và phê bình thi ca. Giới sinh viên những năm 70 xem hai tác phẩm Đường vào ThơTruyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du là hai bộ sách xuất sắc nhất trong sự nghiệp phê bình và nghiên cứu của thầy, trên tư cách là một nhà văn.

           Đường vào Thơ tập hợp 14 bài nghiên cứu phê bình thơ. Khoảng chừng trên 200 trang sách, vốn dĩ có tên gọi là Đường Thơ. Khi gửi bản thảo đến nhà xuất bản, người ta sợ nhầm với Đường Thi nên thêm một chữ vào thành Đường vào Thơ - Tác phẩm phê bình thơ hiếm thấy ở cảm xúc tinh tế, ở nhận xét mang tính bác học, ở đa dạng trong phong cách thể hiện. Không chỉ trong đánh giá các phong trào và giai đoạn thơ ca mà quan tâm tới nhiều thế hệ các nhà thơ Việt Nam hiện đại. Cách vào đề của từng bài phê bình thật độc đáo. Ví như với Huy Cận và Đất nở hoa, mở đầu ông viết : Huy Cận có một tâm hồn lắng nghe, một sự cảm thụ khá nhạy bén, một năng lực thông cảm luôn luôn hiện diện, một nguồn thơ rộng mở hiền hòa. Hoặc như Tế Hanh: Với Tiếng sóng, Tế Hanh trở lại viết về vùng biển thì cũng là trở lại với những mến thương lịch lãm của mình. Hay như Thái Giang: Người ta trách Gió từ cánh rừng của Thái Giang còn kỹ thuật, kỹ xảo nhiều quá. Sự thật thì những bài thơ tương đối yếu của Tập thơ - Tôi nghĩ đến những đoạn trích dẫn trường ca Lửa sáng rừng - Cũng là những bài kỹ thuật còn chập chững nhất v.v… Phong cách phê bình thơ Lê Đình Kỵ không đi theo quan điểm của một số nhà văn nghệ có thế lực thời đó dùng roi da quất ngựa mà ông như một người nghệ sỹ nhập hồn mình vào thế giới thi ca, cùng chia sẻ niềm vui và nỗi đau với người sáng tác để nhẹ nhàng chỉ ra vẻ đẹp của những giá trị và đặc điểm riêng biệt, kể cả những hạn chế của nhiều nhà thơ tiêu biểu từ cổ điển đến hiện đại, góp phần cho bức tranh văn học sử của thi ca Việt nam có những cung bậc mới.

           Khi vào viếng thầy hôm 24/10/2009 tôi hỏi gia đình về cuốn sách này. Được cho biết đã đưa cho một nhà xuất bản và ở đó người ta làm thất lạc bản thảo cuối cùng. Hiện đang được tìm kiếm. Một thời gian sau, gia đình đã tìm thấy và gửi ra Hà Nội Đường vào thơ in năm 1969 có bút ghi sửa chữa của thầy cho một dự định tái bản cuốn sách. Nhìn những dòng chữ ghi trên bàn photo mà gia đình gửi cho tôi về Hà Nội lại thấy bâng khuâng những dòng chữ quen thuộc của thầy 40 năm trước đã ghi trong luận án như ghi vào mơ ước của một thời sinh viên.  

           Suốt những năm dài giảng dạy đại học của Giáo sư Lê Đình Kỵ, ông đã gắn bó và coi trọng việc trồng người cùng với việc không mệt mỏi truyền dẫn  ngọn lửa tình yêu về vẻ đẹp vĩnh cửu của thi ca cũng là khát vọng thiết tha của con người trên con đường gian nan đi tìm hạnh phúc và lẽ phải. Tôi nghĩ đó là vinh dự lớn nhất mà cuộc đời đã ban tặng cho ông. Ngoài Đường vào thơ còn nhiều công trình có giá trị khác. Thơ với Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, 1988. Thơ Mới những bước thăng trầm,1988. Thơ Tố Hữu, 1979… Đọc lại Đường vào thơ, càng cảm thấy cần thiết biết bao những nhà phê bình tài năng và tâm huyết như Giáo sư Lê Đình Kỵ cho thi ca Việt Nam ở thời buổi hôm nay, khi mà mỗi năm có hàng nghìn tập thơ được xuất bản. Đâu là thơ đâu không phải là thơ đây? Và điều trước tiên có phải mỗi người cầm bút phải biết tự xấu hổ với mình?

           Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du đã đưa ra một hướng nghiên cứu mới đối với các tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam. Bằng cách vận dụng hệ thống lý luận về phương pháp sáng tác để đánh giá toàn bộ tác phẩm với phong cách tư duy uyên bác. Nhiều đoạn văn của công trình này cuốn hút người đọc bởi cảm xúc trong sáng và tinh tế như những tiếng gọi thiết tha từ thế giới nội tâm của không gian sống truyện Kiều; nhất là đoạn Giáo sư Lê Đình Kỵ viết về thi hứng của Nguyễn Du trước sự thôi thúc của thời gian khiến bao thế hệ người đọc xao xuyến bởi văn chương. Truyện Kiều dưới ngòi bút bình luận của ông, khiến cho cách hiểu về nhịp sống trong truyện Kiều, trong văn chương cổ điển Việt Nam theo một hướng mới cũng mãnh liệt chẳng khác gì thời hiện đại. Chưa bao giờ một tác phẩm văn học Việt Nam thời phong kiến mà lại có cái nhịp sống gấp rút khẩn trương như trong truyện Kiều. Truyện Kiều không có chỗ nào lê thê triền miên, không chỉ vì tài nghệ văn chương của Nguyễn Du, mà trước hết vì con người trong truyện Kiều có nhịp đập rất gấp của trái tim. Chưa bao giờ cái bước đi của thời gian lại hiện ra một cách không phương cứu chữa, nhói vào tim người như thế, vừa thúc giục, vừa hối hả, vừa tiếc rẻ mênh mông. Trông ra ác đã ngậm gương non đoài. Nay hoàng hôn, đã lại mai hôn hoàng. Sân ngô cành bích đã chen lá vàng. Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san…Đã! Đã! Đã… Nguyễn Du như kêu lên với chúng ta: Cuộc sống trôi qua! Không phải chuyện quan âm thấm thoát, chuyện ngựa chạy qua cửa sổ mà là cái bước đi như sờ như mó được của thời gian, cái dấu vết của nó đã hằn lên trên những hy vọng, chờ mong, đau thương khổ nhục của con người và bàng bạc khắp nơi, khắp chốn… Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du rõ ràng là một công trình nghiên cứu lý luận 100% với 4 phần được sắp đặt theo hệ thống lý thuyết. Phần 1 - Cơ sở tư tưởng, thẩm mỹ. Phần 2 - Con người và xã hội. Phần 3 - Điển hình hóa. Phần 4 - Phương diện cụ thể-lịch sử của thi pháp. Nhưng điểm khác biệt với nhiều nhà nghiên cứu khác ở chỗ, giáo sư Lê Đình Kỵ không chỉ viết bằng tư duy lý luận sắc sảo mà ông còn viết bằng cảm xúc giàu hình tượng của một thi nhân. Văn chương lý luận của ông không khô cứng mà chan chứa biểu cảm của tâm hồn nghệ sỹ. Nhiều trang viết của cuốn sách này uyển chuyển đến mức bay lượn trên đôi cánh của cảm xúc, đặc biệt là chương luận bàn về những con người trong truyện Kiều mà ta hay gọi là những nhân vật. Có cảm tưởng giáo sư Lê Đình Kỵ nhập hồn mình vào Nguyễn Du và Thúy Kiều để bày tỏ những nỗi cảm thông, những tiếng lòng nức nở của thân phận hay những tiếng reo ca lặng lẽ mà thanh thoát của cảnh sắc thiên nhiên xa vắng đầy hoài niệm. Giáo sư Lê Đình Kỵ đã chỉ ra một cách sâu sắc và đầy thi vị sự gắn bó không thể chia cắt giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo trong văn chương và thế giới tinh thần của Nguyễn Du. Sự gắn bó ấy cũng là truyền thống lâu bền, thế kỷ này tiếp nối thế kỷ khác của văn chương Việt nam. Phải chăng đó là phong cách phê bình, nghiên cứu văn học mang tên gọi Lê Đình Kỵ mà những người viết hôm nay cần trăn trở.  

           Sự nghiệp nghiên cứu văn học của giáo sư Lê Đình Kỵ được đồng nghiệp và các học giả đương thời đánh giá cao ở những thời điểm còn nhiều ràng buộc trong sinh hoạt học thuật, ông đã dũng cảm vượt qua được cách nghĩ quan phương để bày tỏ rõ ràng, rành mạch về sự liên hệ bất tử giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo, về tính toàn nhân loại của sáng tạo văn học. Với ông, văn học trước hết là một cách trả lời bởi tư duy hư cấu nghệ thuật cho khát vọng cháy bỏng của con người trên con đường đi tìm chân thiện mỹ vì con người, cho con người. Bằng cách đó, giáo sư Lê Đình Kỵ góp một tiếng nói     thầm giản dị cho không gian sáng tạo, tầm vóc và sự vươn tới của các nhà văn Việt nam từ bình nguyên trầm tích phù sa văn hóa Việt. Cũng bằng cách làm đó, ông đã lựa chọn không phải ánh trăng thanh bình an phận mà là ánh mặt trời rực rỡ để cả đời ông đi qua cánh đồng đầy trắc ẩn của sự nghiệp nghiên cứu văn chương

           Tôi có sự gắn bó với chiếc xe đạp cũ của thầy Lê Đình Kỵ như một kỷ niệm riêng. Chiếc xe hai bánh không có chắn bùn đã nhìn thấy ở Đại Từ, Thái Nguyên trong bạt ngàn gió thổi hồi cuối năm 1968. Cùng với những đêm thung lũng tưởng chừng rộng thêm ra bởi ánh sáng le lói của đốm lửa đèn dầu bé xíu tỏa màu vàng bình dị nhạt nhòa ký ức đời sinh viên những năm chiến tranh. Cuối năm 1972. Có lần đến thăm thầy ở ký túc xá Mễ Trì. Xe điện tuyến Hà Đông - Bờ Hồ chạy đến ga Thanh Xuân thì dừng lại vì mất điện. Chờ không biết đến bao giờ. Thầy Kỵ đã dùng chính chiếc xe đạp ấy lai tôi từ Thanh Xuân đến ngã tư Giám - Nguyễn Thái Học. Giữa chiều hôm đó, sát đường tàu điện gần gốc cây gạo to chi chít những chân hương màu đỏ quanh năm người thập phương đến nhang khói cho mọi sự may mắn trên đời. Thầy lẳng lặng rút ví lấy ra ba đồng bạc đưa cho. Ba đồng thời đó mua được ba lần vé xe Hà Nội - Sơn Tây. Tiền có lẽ không phải là tiền ở những trường hợp như thế này chăng?

           Cuộc sống xô đẩy những người học trò đến nhiều lĩnh vực, công việc khác nhau, không gắn bó gì trực tiếp với văn chương. Trên đường đời xa xăm đã 40 năm, nhiều lúc trong cuộc mưu sinh, đứng giữa những thách thức to lớn về nhân cách làm người, cuộc tranh đấu khốc liệt giữa cái thiện và cái ác… Những lúc biết nhận phần thiệt thòi về mình để được làm người lương thiện, hình ảnh giáo sư Lê Đình Kỵ lại hiện ra. Một con người tài hoa nhưng ẩn giấu trong dáng vẻ bình thường và giản dị. Lớp hậu sinh cảm thấy nợ thầy nhiều quá. Năm 2008, trở lại thăm thầy từ buổi chia tay ở ngã tư Giám. Bốn mươi năm về trước. Nhà thầy ở E8, đường Ba Vì cư xá Bắc Hải, quận 10 thành phố Hồ Chí Minh. Những năm cuối đời, thầy ốm triền miên. Bây giờ không còn thấy chiếc xe đạp cũ ngày xưa nữa. Thầy ngồi yên lặng trên chiếc xe đẩy cũng có hai bánh trong căn gác xép nghèo. Một tủ sách nhỏ không có ô kính đặt trên bàn đứng dựa lưng vào tường như thường thấy ở những nhà dân nghèo thành thị có vẻ cũng ít được dùng và chăm sóc trong những năm gần nhất.Thầy vẫn nhìn tôi với đôi mắt hiền hậu và đượm vẻ buồn xa xăm.

           Nghe tin thầy qua đời, tôi vội thu xếp công việc ở cơ quan, từ Hà Nội bay vào thành phố Hồ Chí Minh kịp dự lễ viếng tại nhà tang lễ 25 Lê Quý Đôn, chiều ngày 24/10/2009. Chiếc quan tài to bằng gỗ nằm ở trên bục cao. Kín. Không nhìn thấy gì được nữa. Trên tường treo bức ảnh lớn bán thân với áo comple sang trọng đậm màu mà khi thầy còn sống tôi chưa một lần nhìn thấy ông mặc bao giờ. Khuôn mặt bình thản. Chỉ riêng đôi mắt trầm buồn như có hồn người tỏa xuống. Trời mùa này ở phương Nam nắng chang chang. Phòng tang lễ thì gió quá nhiều. Khói hương không bay lên cao mà lan tỏa xung quanh như tâm trạng người đã khuất còn bịn rịn trước khi bước vào một cuộc hành trình  vô tận. Lại nhớ vị giáo sư già dắt chiếc xe đạp cũ bên bờ nước hiền hòa ở thung lũng Đại Từ xa xôi những buổi sáng đẹp trời năm ấy. Mặc ai khanh tướng công hầu. Cuộc đời này có mấy ai đã được thảnh thơi ?

           Giáo sư Lê Đình Kỵ giản dị đến xuyềnh xoàng trong cuộc đời, sâu sắc đến tinh tế trong văn chương. Nối liền hai khoảng trời ấy là tấm lòng nhân hậu, là ngọn lửa nóng của ý tưởng sống. Ánh trăng đành là quý nhưng ánh mặt trời thì quý hơn soi tỏ sự nghiệp của ông. Phải chăng đó cũng là một quan niệm của một con người đã từng sống chết vì sáng tạo thi ca, không phải chỉ cho những ngày tháng qua, cũng không phải chỉ cho thiếp tử ngộ biến đến giờ của Nguyễn Du nữa mà cho cả vận hội đường vào thơ phía trước.

 
Bái lễ thầy, nhân sắp đến ngày giỗ thứ 5, năm 2014