24042024Wed
Last updateTue, 23 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Tìm hiểu một số truyền thuyết về Tổ Bưng Đỉa

1. Đặt vấn đề

            Cho đến nay, ở Nam bộ nói chung và Đông Nam bộ nói riêng vẫn còn lưu truyền một số truyền thuyết về Tổ Bưng Đỉa (Tổ Đỉa). Các truyền thuyết này không chỉ lan rộng trong phạm vi cộng đồng Phật giáo mà còn được dân gian nơi đây nhắc đến khá nhiều. Do vậy, việc tìm hiểu một số truyền thuyết về nhân vật này rất có ý nghĩa, góp phần vào việc nghiên cứu văn hóa dân gian vùng Đông Nam bộ, nhất là ở Bình Dương. Ngoài ra, nội dung của truyền thuyết rất có giá trị, ý nghĩa trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu văn hóa dân gian ở vùng Đông Nam bộ và  giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

2. Nội  dung của một số truyền thuyết về Tồ Bưng Đỉa

            Trước tiên, một câu hỏi đặt ra: Tổ Bưng Đỉa là ai? Tổ Bưng Đỉa, hay còn gọi là Tổ Đỉa, chính là Thiền sư Đạo Trung-Thiện Hiếu. Sách Sơ thảo Phật giáo Bình Dương cho biết: Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu sinh năm Quí Hợi (1743). Ngài đến vùng Bưng (Cầu Định) vào khoảng năm 1768 được dân làng dựng am nhỏ cho Sư tá túc, thiền định. Đến năm 1794 (Giáp Dần), đạo đức của Sư được lan rộng khắp vùng, dân chúng phát tâm xin Tổ cho trùng tu lại chùa để làm nơi thờ phượng được khang trang hơn. Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu có công truyền bá chánh pháp nơi đây. Hiện nay, chưa biết rõ tên tục và nguyên quán của Sư. Chỉ biết Sư là bậc long tượng của thiền môn, là vị đã khai sơn và trùng tu của nhiều ngôi chùa: Chùa Linh Sơn trên núi Bà Đen (Tây Ninh), chùa Long Hưng (xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), chùa Hội Hưng và chùa Hội Lâm -Bà Tang (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh),…[1] Ngài cũng từng đến hành đạo tại các chùa: Hội Khánh (Thủ Dầu Một), Long Thọ (Thủ Dầu Một), Hội Sơn (Thủ Đức) và  Bửu An (Bến Gỗ – Biên Hoà). Như vậy, thiền sư Đạo Trung -Thiện Hiếu là nhà sư có đạo hạnh, gắn bó với người dân và có công trong việc truyền bá Phật giáo đến vùng đất Đông Nam bộ trong buổi đầu khẩn hoang. Ở Bình Dương, mỗi khi nhắc đến Thiền sư Đạo Trung-Thiện Hiếu thì không thể không nhắc đến ngôi chùa cổ Long Hưng hiện tọa lạc tại xã Tân Định, huyện Bến Cát. Đây là ngôi chùa do Sư thành lập và tu hành, viên tịch tại đây. Căn cứ theo bài kệ truyền thừa của dòng Liễu Quán, phái Lâm Tế cho biết Sư thuộc đời thứ tư của dòng này. Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang có nhắc đến chi tiết: Thiền sư Đạo Trung là đệ tử của Thiền sư Đại Cơ, thuộc đời thứ tư của môn phái Liễu Quán. Sư Đại Cơ là đệ tử của ngài Tế Giác và Tế Giác là đệ tử trực tiếp của Tổ Liễu Quán. Nhà sư Đạo Trung, sau 30 năm trụ trì tại Linh Sơn, giao sơn môn này cho đệ tử là Tính Thiên và về khai sơn chùa Long Hưng. Đó là vào năm 1794[2]. Còn theo bài viết Chùa Long Hưng-dấu ấn của Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu trên báo Giác Ngộ cho biết thêm: Sau một thời gian hành đạo ở chùa Long Hưng, Tổ Đạo Trung thâu thần thị tịch vào ngày 20 tháng 12 năm Kỷ Mùi (1800). Nhưng có lẽ Ngài không có đệ tử  truyền thừa, nên sau khi viên tịch, vị kế thế trụ trì là Hoà Thượng Tiên Đề – Chơn Phẩm thuộc thế hệ thứ 37 theo dòng Đạo Bổn Nguyên. Qua nhiều thăng trầm của thời gian, hiện chùa này còn lưu lại bảo tháp Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu và một pho tượng của Sư bằng gỗ mít có niên đại thế kỉ XIX. Ngoài ra, để tưởng niệm ân đức của Ngài, một số chùa ở Bình Dương đã lập long vị để thờ như: Chùa Long Thọ, chùa Hội Khánh. Riêng chùa Thiên Bửu (Bình Nhâm) có lập tháp vọng để thờ Tổ Đạo Trung[3]. Như vậy, tư liệu văn bản về Tổ Bưng Đỉa hiện còn chưa nhiều nên chưa có thể phác họa được rõ nét chân dung cùng với hành trạng của Sư. Tuy nhiên, trong dân gian ở Bình Dương nói riêng và Đông Nam bộ nói chung thì còn lưu truyền một số truyền thuyết về Tổ. Thông qua đó, thế hệ sau có thể hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời cũng như đạo hạnh của vị thiền sư này.

            Tại sao thiền sư Đạo Trung- Thiện Hiếu còn có tên gọi khác là Tổ Bưng Đỉa? Truyền thuyết sau đã giải thích rõ ràng:

        Sự tích Tổ Bưng Đỉa

Tương truyền rằng, Thiền sư Đạo Trung-Thiện Hiếu là vị cao tăng thuộc thế hệ thứ 38 của thiền phái Lâm Tế. Ngài từ chùa Hội Sơn ở Thủ Đức đi hoằng hóa đạo pháp ở nhiều nơi. Ngài có công khai lập chùa Linh Sơn ở núi Điện Bà Tây Ninh. Lúc này, Bà thường hiện ra thành các cô gái đẹp  trêu chọc, quyến rũ nhiều vị thiền sư đến đây tu hành. Khi Tổ đến đây, như thường lệ, Bà hiện ra trêu chọc nhưng được Tổ cảm hóa, nguyện qui y theo Phật pháp và sẽ không quấy phá các bậc tu hành  nữa. Từ chùa Linh Sơn, Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu lần bước về vùng Thới Hòa-Bến Cát. Thấy cảnh thanh tịnh, đồng ruộng thoáng mát nên Ngài đã dừng chân tới nghĩ ở dưới gốc cây trâm ven bưng. Vùng này tuy đất đai phì nhiêu nhưng rất nhiều đĩa khiến người dân không thể trồng trọt gì được, đồng ruộng bỏ hoang. Thấy có một vị thiền sư vân du đến, dân làng mến mộ lập am tranh cho Sư tá túc và cầu mong nhà sư chú nguyện đem đến sự bình an cho cuộc sống. Vì thấy đỉa quá nhiều khiến cho cuộc sống người dân khốn đốn, Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu bèn phát nguyện:”Nếu các loài đỉa đói do nghiệp chướng chưa được vãng sanh thì bây giờ sớm giác ngộ vãng sanh và nếu cần, ta nguyện hiến xác thân này cho loài đỉa ở đây và chỉ mong cho dân chúng được bình yên cày cấy”. Nói rồi, Sư bèn trầm mình xuống bưng. Khi Ngài ngồi dưới bưng chú nguyện thì có rất nhiều đỉa quay quanh. Bỗng nhiên có con đỉa thật to màu trắng bò thẳng lên đầu, nhưng Sư vẫn an nhiên thiền định. Lát sau, con đỉa này và tất cả các đỉa khác ngã lăn ra chết. Từ đây, vùng này không còn các loài đỉa. Dân chúng dễ dàng cày cấy, trồng trọt hơn trước, đời sống được sung túc. Vì vậy, người dân còn gọi Tổ Đạo Trung- Thiện Hiếu là Tổ Bưng Đỉa.[4].

Truyền thuyết này không chỉ đã giải thích danh xưng Tổ Bưng Đỉa mà còn cho biết khá nhiều vấn đề về đạo hạnh, nhân cách của Sư Đạo Trung-Thiện Hiếu cũng như quá trình phát triển Phật giáo ở Đông Nam bộ ngày trước. Thuở xưa, vùng đất Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng là nơi hoang vu, khắc nghiệt, thú dữ hoành hành, bệnh tật tràn lan. Do vậy, Phật giáo muốn gắn bó với lưu dân khẩn hoang thì bắt buộc phải nhập thế hành đạo, cùng chia sẻ những khó khăn, hoạn nạn với họ. Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu đã thấy được điều đó, nên Sư mới phát nguyện sẵn sàng xả thân phụng sự chúng sanh. Điều này đã góp phần cho thấy mối quan hệ sâu sắc, bền chặt giữa Phật giáo với người dân ở đây ngay từ buổi ban đầu khẩn hoang lập ấp. Ngoài ra, sự tích này còn cho thấy tấm lòng ngưỡng mộ, cảm mến ân đức của dân làng Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đối với nhà sư có tấm lòng từ bi, can đảm, không màng đến thân mình để hiến cho loài đĩa đói, chỉ mong sao cho người dân đi bớt khổ cực. Theo quan niệm của đạo Phật, hành động của Sư là noi theo gương Phật, Bồ tát mà phát đại nguyện vì lợi ích chúng sinh. Đó là Bồ tát hạnh.  Ai muốn có hạnh Bồ tát thì phải thực hiện bố thí ba la mật. Trong kinh Đại Bồ tát tạng ghi: “Vì chứng đắc vô thượng bồ đề, Bồ tát thực hành bố thí ba la mật, nên được mười điều lợi ích đáng khen ngợi[5]. Đặc biệt, trong mười điều lợi ích đó thì có: “Nhờ bố thí máu thịt, Bồ tát được đầy đủ tất cả thân mạng bền vững, bảo hộ, nuôi dưỡng thiện căn chân thật cho tất cả chúng sinh[6].Cho nên, việc làm của Ngài có ý nghĩa gieo duyên, tạo niềm tin, lòng hướng thiện và sự mầu nhiệm của đạo Phật vào lòng người dân. Truyền thuyết cũng cho thấy, sự xuất hiện một thiền sư từ phương xa đến là một vinh dự lớn của dân làng, thông qua việc dựng am tranh cho Sư làm nơi tu hành và tin rằng Ngài sẽ mang đến sự an lành cho họ. Trong bối cảnh khẩn hoang còn nhiều thách thức và trở ngại, nhu cầu tâm linh của lưu dân là rất lớn, đặc biệt rất cần sự hiện diện của các nhà sư. Tương tự, Trần Hồng Liên cho biết: “Trong bối cảnh xã hội của buổi đầu đi khai hoang, nhà ở còn tạm bợ, cuộc sống lại đầy bất trắc, khí hậu phong thổ chưa phù hợp, bệnh tật và cái chết luôn đe dọa cư dân…Được nghe thuyết giảng về một ít giáo lý nhà Phật, được nghe tiêng kinh đọc tụng, họ cảm thấy ấm áp và an tâm hơn[7]. Ngoài hình ảnh nhà sư Đạo Trung-Thiện Hiếu ở Bình Dương, ở vùng đất Nam bộ, trong buổi đầu khẩn hoang với bao trắc trở, còn nhiều tấm gương của các nhà sư sẵn sàng xả thân cứu dân như: Tăng Ân và Trí Năng (Gia Định), Viên Ngộ (Cần Giuộc, Long An), Long Thiền (Châu Thành, Bến Tre),… Như vậy, thông qua hành động của các thiền sư này cho thấy Phật giáo đã nhập thế “hết mình” với tinh thần đồng cam cộng khổ, giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống ở vùng đồng bằng Nam bộ khi xưa. Đồng thời, đây là nguyên nhân quan trọng góp phần giải thích tại sao đạo Phật lại bén rễ sâu và có ảnh hưởng lớn đến văn hóa, xã hội của người dân ở đây. Không dừng lại ở đó, Sự tích Tổ Bưng Đĩa còn phản ánh mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Ở Việt Nam, do văn hóa mang tính dung hợp, Phật giáo và các hình thức tín ngưỡng dân gian thâm nhập qua lại, nhưng Phật giáo luôn ở vị trí cao hơn tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo. Câu chuyện Phật Bà Quan Âm hòa giải cuộc chiến ở Sòng Sơn giữa các đạo sĩ của phái Nội đạo và Mẫu Liễu Hạnh, rồi sau đó còn qui y cho Mẫu Liễu đã thể hiện điều đó. Việc Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu đã cảm hóa và qui y Linh Sơn Thánh Mẫu cũng có ý nghĩa ‎như trên. Ngoài ra, thông qua truyện này cho biết con đường truyền đạo của sư đi từ vùng Thủ Đức lên Tây Ninh rồi xuống Bình Dương. Điều này góp phần cho việc hình dung con đường truyền bá Phật giáo ở vùng Đông Nam bộ trước đây và con đường đó không mấy dễ dàng đối với các vị thiền sư khi trước.

            Cho đến nay, dân gian còn nhắc đến Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu là bậc chân tu, có đạo hạnh cao thâm, viên thành đạo quả. Điều này đã góp phần củng cố niềm tin của người dân vào Phật giáo. Truyền thuyết Xá lợi của Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu cho biết điều đó:

Xá lợi của Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu

            “Sau một thời gian hành đạo ở chùa Long Hưng, Tổ Đạo Trung an nhiên thị tịch. Trước khi thị tịch, hàng đệ tử tôn xưng Ngài là Tổ, nhưng Ngài không đồng ý liền. Để tạo niềm tin về Phật pháp cho hậu thế, Ngài bảo với các đệ tử của mình: “Sau khi thị tịch, môn đồ sẽ thiêu xác ta, nếu còn lại bàn tay làm vật chứng thì mới được gọi là Tổ”. Qua đúng như lời Ngài nói, sau khi đồ chúng hỏa thiêu thân xác Tổ thành tro thì còn lại một bàn tay. Từ đó, Ngài được tôn xưng vào hàng tổ. Môn đồ xây tháp Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu phía sau chùa Long Hưng để tôn thờ. Vì lẽ đó cũng như công đức trong việc truyền bá Phật pháp, một số ngôi chùa mà ngài từng đến hành đạo như chùa Long Thọ, chùa Hội Khánh đều có long vị để thờ. Riêng chùa Thiên Bửu đã lập tháp vọng thờ Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu[8]

Trong đạo Phật, xá lợi là phần kết tinh còn lại của đức Phật, các vị đệ tử và cao tăng sau khi làm lễ trà tỳ-tức hỏa thiêu. Phật nhập niết bàn rồi, Ngài Ma ha Ca Diếp và đại chúng rước kim quan của Phật tới giàn thiêu để làm lễ trà tỳ (jhàpeta, hỏa táng), làm lễ xong thì xá lợi (sarina) được chia làm nhiều phần cho các nước để xây tháp cúng dường. Tập tục tín ngưỡng xá lợi cũng được bắt nguồn từ đây[9]. Việc Sư Đạo Trung-Thiện Hiếu để lại xá lợi cho môn đồ pháp quyến, làm cơ sở để các đệ tử xác nhận làm tổ sư là minh chứng quan trọng về sự thành tựu đạo hạnh của Ngài. Đồng thời, trong Sự tích Tổ Bưng Đĩa có chi tiết ngài đã vượt qua những cám dỗ của Bà Đen rồi độ luôn vị thần này qui y Phật pháp. Đạo Phật quan niệm, trong các loại cám dỗ đối với người xuất gia, cám dỗ nhan sắc của phụ nữ là khó vượt qua nhất, ai vượt được thì người đó có thể thành đạo. Luận Đại Trí độ ghi:”Bồ tát quán sát các dục thấy tất cả đều bất tịnh, trong tất cả các tai hại thì sự tai hại từ người nữ là nguy hiểm nhất. Các thứ như: Lửa, dao, sấm sét, kẻ thù, rắn độc còn có thể tạm gần gũi, nhưng tuyệt đối không nên gần gũi người nữ[10].  Như thế, cùng với Sự tích Tổ Bưng Đĩa, truyền thuyết này tiếp tục khẳng định Đạo Trung-Thiện Hiếu là nhà sư chân chính, quyết chí tu hành và đã viên thành đạo quả. Nhưng hơn hết, sự đắc đạo của thiền sư đã làm cho hàng đệ tử, tín đồ nói riêng và người dân nói chung có lòng tin vững chắc vào Phật pháp. Do đó, họ có thể tiếp tục gắn bó, tin tưởng, đồng thời góp phần hoằng dương đạo Phật. Sâu xa hơn nữa, truyền thuyết này đã chứng minh được hai yếu tố thiêng và trần tục luôn luôn song hành với nhau trong đời sống tôn giáo. Yếu tố trần tục giúp cho tôn giáo hòa nhập nhanh vào đời sống xã hội con người, còn yếu tố thiêng với các nghi lễ cúng bái, những huyền thoại được lưu truyền, những động tác chữa bệnh, trừ tà…tạo nên một lực hút hấp dẫn đối với tín đồ, là cơ sở quan trọng để tôn giáo tồn tại và phát triển. Phật giáo cũng không ngoại lệ điều đó.

Một truyền thuyết khác đã nhắc đến Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu như một người con đại hiếu:

                                    Người mẹ của Tổ Đạo Trung Thiện Hiếu

            “Tổ Đạo Trung Thiện Hiếu là người con chí hiếu. Khi Ngài rời quê xuất gia tu học, mẹ ngài vì nhớ con đã lặn lội tìm đến chùa. Tổ biết đó là mẹ mình nên nhận vào chùa và cho làm công quả. Nhưng vì sợ mẹ mình biết Ngài là con, bà sẽ có thái độ xem thường tăng chúng trong lúc công quả, nên Tổ không cho biết. Trong thời gian bà ở đây, Tổ thường dặn dò tăng chúng chăm sóc cụ bà khi Ngài có Phật sự đi vắng. Mỗi tối, khi đại chúng tịnh rồi, Ngài âm thầm giặt đồ cho mẹ. Khi cụ lâm chung, Tổ Đạo Trung Thiện Hiếu mới công bố trước đại chúng đây là mẹ của mình. Và khi qua đời, Tổ đứng ra lo an táng chôn cất trong khuôn viên chùa. Ngày nay, mộ cụ được chôn gần tháp của tổ phía sau Chùa Long Hưng[11]

Nội dung của truyền thuyết này có nhiều điều sâu sắc và ý nghĩa. Khi mẹ mình tìm đến chùa, Thiền sư Đạo Trung-Thiện Hiếu đã là một nhà sư nổi tiếng, uyên thâm phật pháp, được mọi người kính nể. Việc Ngài âm thầm bảo người chăm sóc cho bà khi đi xa, tự tay Sư giặt giũ quần áo mỗi tối đã thể hiện được tinh thần hiếu đạo. Theo đạo Phật, hạnh hiếu rất quan trọng và tôn giáo này cho rằng việc tín đồ chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ chính là kính thờ các bậc hiền thánh, chư Phật. Tuy nhiên, đợi đến khi cụ bà lâm chung, Ngài mới loan báo đó là mẹ mình. Tổ Đạo Trung Thiện Hiếu đã làm được tinh thần đại hiếu mà nhà Phật luôn chủ trương. Là một cao tăng được nhiều người trọng vọng, khi biết mẹ mình xin tá túc trong chùa, nếu Ngài vui mừng tiếp đón sẽ làm cho bà chẳng may sanh tâm cao ngạo, ỷ lại, đặc biệt là coi thường tăng chúng. Đạo Phật nhấn mạnh trọng Phật thì phải kính Tăng. Để cụ trong chùa, ngày đêm công quả, một lòng hướng về Phật pháp, tôn kính Tam bảo chính là Sư đã giúp mẹ mình ngày ngày vun bồi thiện nghiệp, tạo được nhân lành, buông xả phiền não và được lợi lạc thân tâm. Khác với người tiểu hiếu đơn thuần chỉ là phụng dưỡng vật chất cho đấng sinh thành, người đại hiếu theo cách hiểu của đạo Phật chính là: “Phật bảo các thầy sa môn: Xem người thế gian không có hiếu thảo, chỉ thế này mới gọi là hiếu: Hãy khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành, thọ tam qui, giữ ngũ giới. Dù cha mẹ sớm mai thọ trì qui giới, chiều có chết, đối với ơn nặng cha mẹ nuôi dưỡng, bú sú vô lượng cũng gọi là tạm đền[12]. Như vậy, không chỉ cố gắng chăm lo cho mẹ mình, Ngài còn khéo léo giúp bà thực hiện nhiều công đức cho bản thân. Ở miền Bắc nước ta, dân gian đã lưu truyền Sư tích Hòa Thượng Cua và có mô típ giống truyền thuyết này[13]. Hòa thượng Cua chính là nhà sư Tông Diễn -Chơn Dung (1640-1711)-một vị cao tăng thời Hậu Lê. Như vậy, cả hai truyền thuyết cùng hướng đến việc ca ngợi, giáo dục tinh thần đại hiếu theo quan điểm nhà Phật.

Qua những truyền thuyết trên, có thể khẳng định rằng ngài Đạo Trung-Thiện Hiếu là bậc danh tăng của đất Bình Dương nói riêng và Nam bộ nói chung. Vị thiền sư này, trong cuộc đời hành đạo của mình, đã để lại cho thế hệ sau khá nhiều những câu chuyện thú vị, thể hiện sâu sắc giáo lý nhà Phật và cùng nhiều yếu tố thiêng được pha trộn vào đó đã chứng minh sư đã viên mãn tu hành, đắc đạo. Ngài là một tấm gương tiêu biểu cùng nhiều vị thiền sư chân tu và có đạo hạnh cao thâm. Nhưng nổi bật hơn hết, đó là tấm lòng từ bi, chẳng tiếc thân mình vì một cuộc sống ấm no, tốt đẹp cho nhân dân của sư. Điều này đã góp phần chứng minh cho tinh thần nhập thế, hành đạo cứu đời-một đặc điểm của Phật giáo dân tộc[14].

3. Giá trị của các truyền thuyết về Tổ Bưng Đỉa

            Các truyền thuyết về Tổ Bưng Đỉa, bên cạnh những nội dung chính được đề cập, còn thể hiện một số giá trị ở phương diện lịch sử, văn hóa và giáo dục. Chắc vì thế mà các truyền thuyết này đã lưu truyền qua nhiều thế hệ người dân ở vùng đất Bình Dương? Các truyền thuyết trên như những  viên ngọc quí không chỉ trong kho tàng văn học Phật giáo Việt Nam mà còn có ý nghĩa cho văn học dân gian vùng Đông Nam bộ. Ở đây, chúng tôi muốn nhắc đến một số giá trị chính của các truyền thuyết trên như sau:

            _Thứ nhất, đó là giá trị lịch sử, nhất là đối với lịch sử tỉnh Bình Dương nói chung và Bến Cát nói riêng. Văn học dân gian là một nguồn tư liệu lịch sử sống động, quí báu như Hà Văn Tấn đã đề cập: “Nguồn sử liệu truyền miệng bao gồm tất cả những thông tin về lịch sử chưa được tập hợp, còn lưu truyền tự nhiên trong dân gian, và có nhiều dị bản khác nhau. Sự tồn tại của các huyền thoại, truyền thuyết, trải qua nhiểu thời kỳ được bao phủ lên một màu sắc kỳ bí, tuy nhiên tất cả đều có cốt lõi lịch sử của nó. Các nhà sử học cần phải biết tận dụng nguồn sử liệu này để nghiên cứu lịch sử”[15]. Cho nên, truyền thuyết Sự tích Tổ Bưng Đỉa chính là một tư liệu góp phần vào việc làm sáng tỏ lịch sử vùng đất Bình Dương ngày trước. Đồng thời, điều này còn góp phần vào việc giải thích địa danh Bưng Đỉa nay thuộc xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

            _Thứ hai, các truyền thuyết về Tổ Bưng Đỉa còn góp phần vào việc nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa dân gian vùng đất Bình Dương nói riêng và Đông Nam bộ nói chung. Nó góp phần bổ sung vào kho tàng văn học dân gian địa phương , tạo nên tính đa dạng trong nội dung của văn học dân gian nơi đây, cho thấy mối quan hệ truyền thống, chặt chẽ giữa Phật giáo với văn hóa dân gian Việt Nam. Ngoài ra, chính các truyền thuyết này là nguồn tư liệu quí giá cho việc đi sâu nghiên cứu Phật giáo Bình Dương cũng như Phật giáo Đông Nam bộ, nhất là lĩnh vực lịch sử và văn hóa Phật giáo. Theo chúng tôi, chính các truyền thuyết này là một lời giải về mối quan hệ giữa Phật giáo với đời sống của người dân Bình Dương xưa cũng như nay, đặc biệt là làm sáng tỏ nhận định: “Phật giáo có mặt trên vùng đất Bình Dương từ thế kỷ XVII. Các thiền sư đã khai lập và phát triển Phật giáo từ những ngày đầu cùng đoàn di dân lập nghiệp. Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng vùng đất mới này, và đã tạo nên một sắc thái đặc thù giữa đạo Phật và dân tộc, một bản sắc văn hóa thuần túy từ văn thơ, hội họa, lễ nghi, kiến trúc, góp phần tạo nên một bức tranh phong phú tươi đẹp cho vùng đất Bình Dương hôm nay[16]

            _ Thứ ba, giá trị giáo dục của các  truyền thuyết này là một vấn đề cần được quan tâm. Bỏ qua những yếu tố huyền bí, linh thiêng, một số truyền thuyết về Tổ Bưng Đỉa-Thiền sư Đạo Trung -Thiện Hiếu đã nhắc nhở thế hệ sau về những gian khổ của cha ông trên bước đường khẩn hoang lập ấp. Ngày nay, người dân Bình Dương  được thừa hưởng sự trù phú chính là kết quả lao động, hi sinh máu xương của bao lớp người đi trước. Mặt khác, hành động chọn lựa sự hi sinh bản thân mình của Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu cho cộng đồng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc là một nhân cách đẹp, cao thượng và quí báu. Điều này rất cần cho việc giáo dục lối sống cho thế hệ trẻ hôm nay. Chúng tôi cho rằng, giá trị đạo đức của Phật giáo có nhiều nét tương đồng với giá trị cũng như văn hóa của con người Việt Nam. Trong dòng chảy liên tục của lịch sử, các giá trị này đã hòa quyện với nhau, tô đậm hơn lối sống nghĩa tình, nhân văn và tính cộng đồng của dân tộc ta.  

 

                                                TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Dương Hoàng Lộc, Tìm hiểu văn học dân gian về Phật giáo Bình Dương, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển-Sở Khoa học công nghệ Thừa Thiên-Huế, số 1 (99)/2013
  2. Hà Văn Tấn, Một số vấn đề lý luận sử học, Hà Nội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007.
  3. Thích Huệ Thông, Sơ Thảo Phật giáo Bình Dương, NXB Mũi Cà Mau  và Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, 2000.
  4. Thích Nguyên Chơn (chủ biên), Thiện ác nghiệp báo chư kinh yếu tập, Tp.HCM, NXB Phương Đông, 2009.
  5. Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Hà Nội, NXB Tôn giáo, 2001.
  6. Thích Thanh Từ, Phật giáo với dân tộc, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, 1992.
  7. Trần Hồng Liên, Góp phần tìm hiểu Phật giáo ở Nam bộ, Hà Nội, NXB. Khoa học Xã hội, 2004.
  8. Nhiều Tác giả, Bình Dương danh lam cổ tự, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương, 2008.

(Nguồn: Tạp chí khoa học Văn hóa và du lịch, số 16, tháng 3/2014)



[1] Thích Huệ Thông, Sơ Thảo Phật giáo Bình Dương, NXB Mũi Cà Mau  và Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, 2000, trang 85-86.

 

[3] Nguồn: https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5BC41

[4] Câu chuyện này do Thượng tọa Thích Huệ Thông-Trụ trì chùa Hội Khánh, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương kể lại.

 

[5] Thích Nguyên Chơn (chủ biên), Thiện ác nghiệp báo chư kinh yếu tập (tập 1), Tp.HCM, NXB Phương Đông, 2009, trang 668.

[6] Thích Nguyên Chơn (chủ biên), Thiện ác nghiệp báo chư kinh yếu tập (tập 1), Tp.HCM, NXB Phương Đông, 2009, trang 668

[7] Trần Hồng Liên, Góp phần tìm hiểu Phật giáo ở Nam bộ, Hà Nội, NXB. Khoa học Xã hội, 2004, trang 15.

[8] Nhiều Tác giả, Bình Dương danh lam cổ tự, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương, 2008, trang 104.

 

[9] Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Hà Nội, NXB Tôn giáo, 2001, trang 42.

[10] Thích Nguyên Chơn (chủ biên), Thiện ác nghiệp báo chư kinh yếu tập (tập 2), Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Phương Đông, 2009, trang 976.

[11] Thích Huệ Thông, Sơ Thảo Phật giáo Bình Dương, NXB Mũi Cà Mau  và Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, 2000, trang 87-88

[12] Dẫn theo Thích Thanh Từ, Phật giáo với dân tộc, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, 1992, trang 186. 

 

[13] Sự tích Hòa Thượng Cua như sau: Ở miền Bắc nước ta có một cậu bé sống với mẹ tại một làng quê nghèo, hẻo lánh. Người mẹ tảo tần buôn bán nuôi con qua ngày. Năm chú bé mười hai tuổi, một hôm trước khi gánh hàng ra chợ, bà bảo con trai giã giỏ cua để nấu canh làm cơm trưa. Khi giã cua, chú bé động lòng thương và đem cả giỏ trút xuống ruộng. Trưa về, khi ăn cơm, bà không thấy món canh cua và hỏi ra nguyên cớ. Vừa đói vừa giận, bà vớ cây đủa bếp đánh con. Đứa bé hớt hãi bỏ chạy và xa mẹ từ đó. Ba mươi năm sau, bà mẹ già nua mỗi ngày vẫn ra chợ. Bỗng nhiên, một ngày nọ, có một vị tăng trạc tuổi trung niên ghé hỏi thăm và mong muốn mang bà về chùa để nuôi dưỡng. Bà cụ nhận lời về ở chùa, làm công quả hằng ngày. Ngày tháng dần qua, biết bà cụ sắp qua đời, vị trù trì-tức vị tăng trung niên đã mang bà về chùa lại bận việc phật sự ở nơi xa. Trước khi đi, Ngài dặn dò nếu bà mất thì nhờ chư tăng tẩn liệm, đừng vội mai táng mà hãy đợi Ngải về. Quả thật, bà lão mất được một hôm thì Ngài về. Đứng trước quan tài, Ngài khấn nguyện rằng theo đúng lời Phật dạy nếu con cái tu đắc đạo thì cha mẹ sẽ được sinh thiên và đúng vậy thì xin cho quan tài bay bỗng lên và vỡ làm 3 mảnh. Sự việc diễn ra đúng như lời khấn của Ngài trước sự kinh ngạc của mọi người. Hòa thượng bèn thuật lại thân thế của mình, chẳng ai khác là cậu bé thả cua dạo nọ, còn bà lão quá cố chính là mẹ mình. Dẫn theo: http://daitangkinhvietnam.org/van-hoc-va-nghe-thuat/phat-dan-va-vu-lan/603-hoa-thng-cua.html

[14] Dương Hoàng Lộc, Tìm hiểu văn học dân gian về Phật giáo Bình Dương, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển-Sở Khoa học công nghệ Thừa Thiên-Huế, số 1 (99)/2013. trang 36.

[15] Hà Văn Tấn, Một số vấn đề lý luận sử học, Hà Nội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, trang 142

[16]Thích Huệ Thông, Sơ Thảo Phật giáo Bình Dương, NXB Mũi Cà Mau  và Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, 2000, trang 11.