Huyền thoại lập quốc của các nước Đông Á

Huyền thoại lập quốc của các nước Đông Á (Trung Quốc-Korea-Nhật Bản-Việt Nam), Phan Thị Thu Hiền (chủ biên), Đoàn Thị Thu Vân, Đoàn Lê Giang, Nguyễn Đình Phức, Trần Thị Bích Phượng,  NXB. Văn hoá văn nghệ, TP.HCM, 2014

Huyền thoại lập quốc là huyền thoại kể về những vị thần, những nhà vua đầu tiên mở nước, hình thành dân tộc. Khái niệm “huyền thoại” ở đây hiểu như phương thức tư duy và thể hiện. Huyền thoại lập quốc có thể vừa mang tính chất của thần thoại (giải thích nguồn gốc vũ trụ, con người và xã hội theo tư duy thần linh của người nguyên thủy) vừa mang tính chất truyền thuyết (liên quan đến những nhân vật, sự kiện lịch sử được chắp thêm đôi cánh thơ và mộng của hư cấu nghệ thuật tự phát) đồng thời bao gồm cả một số yếu tố của cổ tích thần kì...

Hầu như tất cả các nước đều có huyền thoại lập quốc của mình.

Qua huyền thoại lập quốc có thể hiểu nhiều điều có ý nghĩa về lịch sử, văn hoá của một đất nước. Huyền thoại lập quốc không chỉ tiết lộ không gian văn hoá, chủ thể văn hoá, thời gian văn hoá khởi nguồn một quốc gia mà còn cho thấy chân dung tinh thần dân tộc, sự tự ý thức của dân tộc.

Cuốn sách này giới thiệu những huyền thoại lập quốc nổi tiếng của bốn nước Đông Á, bao gồm Trung Quốc, Korea, Nhật Bản, Việt Nam.

Truyện của Trung Quốc thuộc hình thái cổ xưa nhất. Với type truyện “vũ trụ sinh từ các bộ phận cơ thể”, với Bàn Cổ như vị thần “mở mang trời đất” hơn là “tạo dựng quốc gia”, “thủy tổ loài người” hơn là “tổ tiên dân tộc”, truyện nghiêng về huyền thoại khai thiên lập địa hơn là huyền thoại lập quốc theo nghĩa chặt chẽ. 

 Các truyện của Korea và Việt Nam thể hiện đề tài huyền thoại lập quốc rõ nét hơn. Nếu dựa vào khái quát khá chính xác của các học giả Kim Byung-Mo [Kim Byung-Mo (ed.) 1982] và Kim Gwang-Eon [2001: 15] về sự phân biệt hai vùng huyền thoại lập quốc cơ bản:

(1) kiểu huyền thoại Thiên tử (nhà vua lập quốc là con của Trời) phổ biến ở các cư dân Altai vùng Bắc Á

(2) kiểu huyền thoại Noãn sinh (nhà vua lập quốc được sinh từ trứng) phổ biến ở cư dân Đông Nam Á[1]

có thể thấy Truyện Họ Hồng Bàng của Việt Nam điển hình cho loại hình Noãn sinh. Trong khi đó, Truyện Dangun và các huyền thoại lập quốc của Korea thể hiện hành trình mở nước trên bán đảo Hàn từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông: kiểu huyền thoại Thiên tử xuất hiện sớm hơn và thống lĩnh ở phía Bắc bán đảo còn kiểu huyền thoại Noãn sinh xuất hiện muộn hơn và thống lĩnh ở phía Nam bán đảo.

Điểm tương đồng đáng chú ý giữa Truyện Dangun của Korea và Truyện Họ Hồng Bàng của Việt Nam là ở chỗ những huyền thoại lập quốc này về sau được các nho sĩ, Thiền sư ghi chép lại trong những tác phẩm văn học đồng thời là tác phẩm lịch sử quan trọng thời trung đại với ý thức đề cao bản sắc riêng của dân tộc, đối sánh với Trung Quốc, thể hiện dấu ấn của quá trình “Hán hóa” đồng thời “giải Hán hóa” mạnh mẽ.  

 

Các truyện liên quan đề tài lập quốc của Nhật Bản, có phần phong phú và đa dạng hơn cả. Ở đây, type truyện về bộ phận cơ thể tạo nên vũ trụ vẫn còn dấu vết trong khi type truyện kết đôi thần cha – thần mẹ sinh ra dân tộc đã trở nên thống lĩnh. Thần thoại hòa trộn cùng thơ ca và cả những yếu tố sân khấu, thể hiện một phả hệ thần linh đồ sộ, giàu ý nghĩa vũ trụ quan và cả nhân sinh quan, vừa nghiêm trang, linh thánh vừa trẻ trung, hóm hỉnh.   

Đặt bên cạnh nhau, những huyền thoại lập quốc nổi tiếng này có thể cho thấy những điểm chung căn bản trong ý thức văn hóa – lịch sử của bốn nước Đông Á đồng thời cũng phần nào làm nổi bật nét bản sắc riêng của từng dân tộc. Truyện Bàn Cổ của Trung Quốc nhấn mạnh tinh thần nỗ lực, cương cường. Truyện Dangun hay truyện Jumong của xứ Hàn luôn tô đậm sự kiên trì, nhẫn nại. Truyện thần Izanagi và thần Izanami cũng như truyện Nữ thần Amaterasu của Nhật Bản chan chứa mỹ cảm. Truyện Họ Hồng Bàng của Việt Nam đằm thắm nghĩa tình.          

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh đã giúp đỡ cho cuốn sách được ra mắt bạn đọc

Mặc dù đã rất cố gắng, công trình của chúng tôi hẳn là khó tránh khỏi những điểm bất toàn, kính mong được quý vị học giả cùng quý bạn đọc chỉ giáo.

 

Tp. Hồ Chí Minh, 3 tháng 3 năm 2014

Thay mặt nhóm nghiên cứu, dịch giả

PHAN THỊ THU HIỀN 

 

 


 



[1] Dẫn lại theo Trần Ngọc Thêm: “Sự phát triển của Đông Á từ góc nhìn hệ thống – loại hình văn hóa (so sánh với Việt Nam)”.  Trong sách Văn hóa học, lý luận và ứng dụng. NXB Văn hóa Văn nghệ 2013, tr. 330. 

Danh mục website