Giới thiệu tác phẩm Như Tây ký của Ngụy Khắc Đản

Nguyễn Kim Oanh

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

       Tác phẩm Như Tây ký   西   là một công trình khảo cứu của Ngụy Khắc Đản trong thời gian đi sứ sang Pháp và Tây Ban Nha tháng 6 năm 1863. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày đôi nét về tác giả và giá trị của tác phẩm.

       1. Sơ lược về tác giả:

       Ngụy Khắc Đản sinh năm Đinh Sửu niên hiệu Gia Long 16 (1817), tự là Thân Chi, người làng Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh trưởng trong một gia đình thuộc dòng dõi thi thư, chú ruột ông là Nguỵ Khắc Tuần - đỗ Tiến sĩ năm Minh Mệnh 7 (1826), làm quan tới chức Thượng thư Bộ Hộ, nên ông chịu nhiều ảnh hưởng về truyền thống hiếu học của gia đình. Cho đến nay chúng ta chưa biết nhiều về thời niên thiếu của Nguỵ Khắc Đản; Chỉ biết năm Tự Đức 9 (1856) ông đỗ Thám hoa, năm ấy ông đã bốn mươi tuổi. Sau khi thi đỗ ông được bổ làm quan, từng giữ các chức Án sát Quảng Nam, Bố chánh sứ Nghệ An, Thượng thư bộ Binh, Thượng thư Bộ Công. Năm 1863 ông được cử làm bồi sứ trong đoàn sứ bộ do Phan Thanh Giản làm chánh sứ và Phạm Phú Thứ làm phó sứ sang Pháp và Tây Ban Nha. Với khả năng quan sát, ông đã ghi lại những điều thu nhận được trong chuyến đi sứ, để lại cho đời công trình khảo cứu về một nước Pháp ngay từ thế kỷ 19. Ông mất năm 62 tuổi.

 

Chân dung Ngụy Khắc Đản 

       2. Những giá trị chủ yếu của tác phẩm Như Tây ký:

       2.1 Về văn bản Như Tây ký:

       Theo Các nhà khoa bảng Việt Nam(1) cho biết: Ngụy Khắc Đản có hai tác phẩm là Tây phù nhật kýNhư Tây ký. Văn bản Tây phù nhật ký là tập nhật ký chung của phái đoàn Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản đi sứ sang Pháp và Tây Ban Nha(2) Theo sự khảo cứu của chúng tôi thì văn bản Tây phù nhật ký có nội dung trùng lặp với tác phẩm Giá Viên biệt lục của Phạm Phú Thứ(3). Như vậy Ngụy Khắc Đản chỉ còn có riêng một tác phẩm Như Tây ký – văn bản mang ký hiệu A. 764 hiện đang được lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

       Như Tây ký là văn bản viết tay trên giấy bản thường, dài 180 trang, khổ sách 29 x 30 cm, có chữ Nôm, mỗi trang có 11 dòng, mỗi dòng có khoảng 19 chữ (chính văn viết chữ to, còn chú thích viết chữ nhỏ). Trang đầu tiên, trang thứ 49, trang thứ 97 có dấu của trường Viễn Đông bác cổ. Một số tên đất, tên người của Pháp được phiên bằng chữ Nôm. Chữ viết chân phương, có một số chữ viết theo dạng giản thể. Văn bản đã được chấm câu, tên người, tên đất trước sau có chỗ phiên âm không thống nhất.

       Chúng tôi đã tiến hành điều tra nhưng chưa tìm thấy một di bản nào. Rất có thể văn bản Như Tây ký mang ký hiệu A.764 lưu giữ tại Thư viện Viện Hán Nôm là độc bản.

       2.2 Về nội dung của tác phẩm Như Tây ký:

       2.2.1 Những giá trị chủ yếu của tác phẩm:

       Nếu như tác phẩm Giá Viên biệt lục của Phạm Phú Thứ ghi chép về toàn bộ những vùng đất mà sứ bộ ta có dịp đặt chân tới như Singapore, Ai Cập, Pháp, Tây Ban Nha... Thì trái lại, Như Tây ký của Ngụy Khắc Đản chỉ tập chung vào việc khảo cứu các vấn đề về nước Pháp. Qua Giá Viên biệt lục, chúng ta được biết nguồn tư liệu chính mà Ngụy Khắc Đản sử dụng để viết nên Như Tây ký là dựa vào lời kể của A – tô - mang, một sĩ quan Hải quân Pháp thạo tiếng Việt có nhiệm vụ hộ tống sứ bộ trong thời gian ở Pháp, cộng với sự quan sát trực tiếp của chính bản thân tác giả. Với một thái độ làm việc nghiêm túc và khoa học, Ngụy Khắc Đản đã trình bày khá đầy đủ, chính xác về các mặt văn hoá, chính trị, kinh tế của nước này vào thời kỳ ấy.

       a. Văn hoá:

       - Trước hết, Nguỵ Khắc Đản đi sâu khảo cứu về lịch sử hình thành nước Pháp, ông cho biết những sự kiện lịch sử chủ yếu của Pháp và điểm qua một số nhân vật lịch sử Pháp như vua Charlesmagne, Napoléon, Joan D’Arc... Ông đã để tâm ghi chép mọi mặt đời sống xã hội Pháp như tục lệ ma chay, cưới hỏi của người Pháp, cách ăn mặc ngày thường và ngày lễ của họ, màu sắc quần áo của họ; Cho đến cả cách làm nhà, xếp đặt đồ đạc trong nhà, những sở thích về ăn uống... Ngụy Khắc Đản trình bày khá kỹ về tôn giáo và tín ngưỡng của người Pháp. Ông nhận thức khá tinh tế rằng sự tồn tại và phát triển của nước Pháp gắn liền với sự phát triển của đạo Thiên chúa.

       - Một vấn đề mà Ngụy Khắc Đản bỏ nhiều công sức để tìm hiểu, đó là nền giáo dục của Pháp. Ông nhận thức được những ưu điểm của hệ thống giáo dục này. Người Pháp rất chú trọng đến việc phổ cập giáo dục: “Phàm trẻ con từ năm tuổi trở lên, đều bắt buộc phải đi học...” “... cái dạy cái học của họ, đều gắn liền với thực tiễn...” [tr. 109]. Nhờ hệ thống giáo dục này mà: “Cái khéo của họ ngày càng xuất hiện nhiều, cái mới ngày càng tăng thêm, mà trí tuệ ngày càng linh hoạt, máy móc ngày càng đầy đủ.” [tr. 110].

       b. Chính trị:

       - Luận pháp của nước Pháp cũng là điều thu hút sự chú ý của Nguỵ Khắc Đản. Ông đã dành nhiều trang ghi chép về thể chế quân chủ lập hiến của nước Pháp thời ấy. Về cơ cấu hành chính của nước này: Trên là vua, quốc hội và chính phủ. Quốc hội do dân bầu, mọi công dân Pháp là nam giới đến 21 tuổi đều có quyền bầu cử, tự do bỏ phiếu cho người mình ủng hộ... Chính phủ có mười bộ, thời đó gọi là mười vệ Mi - nít(4), điều hành công việc của chính phủ. Có một điều đáng chú ý là ở Pháp, vua là người đứng đầu đất nước và quân đội, nhưng khi quyết định công việc lớn của đất nước đều phải thông qua quốc hội, hội đồng dân biểu là những cơ quan do dân bầu ra.

       - Về địa giới hành chính, Ngụy Khắc Đản ghi rõ cả nước Pháp có 89 tỉnh chia thành 373 huyện, 2938 tổng và 37510 xã. Không những thế ông còn ghi lại tên của từng phủ một, tổng số dân của nước Pháp lúc ấy, cũng như lịch sử kiến thiết thủ đô Paris.

       - Về lĩnh vực quân sự, Ngụy Khắc Đản ghi chép rất tỉ mỉ về cách thức tuyển quân, cơ cấu quân đội bao gồm các binh chủng: hải quân, lục quân, pháo binh, kỵ binh..., các hạng mục sĩ quan và binh lính, kể cả chế độ đãi ngộ, lương thưởng của các cấp binh lính Pháp.

       c. Về kinh tế:

       - Ngụy Khắc Đản cũng rất chú ý tới nền sản xuất của phương Tây. Ông đã ghi lại một cách trung thực nhiều cái hay và hiệu quả của nền sản xuất này, qua việc miêu tả các sản phẩm lao động của họ như máy móc, tơ lụa, đồ gốm sứ. Có một điều đáng chú ý, những sản phẩm trí tuệ như các phát minh, sáng chế ở Pháp thời đó đã được bảo hộ, người có phát minh, sáng chế được đãi ngộ thoả đáng. Ông viết: “Cách thức họ dệt thế nào chưa rõ, chỉ nghe nói gần đây mới có người sáng chế. Quốc trưởng nước này nhìn thấy, liền thưởng cho hai vạn đồng bạc...” [tr, 166]. Song việc nhìn nhận đánh giá phương thức sản xuất tiên tiến này, đã có nhiều ý kiến khác nhau. Đối với Ngụy Khắc Đản, ông đã đánh giá theo sở kiến của mình. Và mặc dù thừa nhận năng suất của máy móc, nhưng ông cũng tỏ ra không đồng tình với nền sản xuất tiên tiến. Ông viết: “Việc dệt may cũng dùng máy móc... Nếu máy này được sử dụng thì sản phẩm làm ra nhiều và nhanh, phụ nữ nhà nghèo, kim chỉ không có chỗ dùng, người đói rét rất đông... Có người từng nói: máy dệt không kiên nhẫn bằng nhân công.” [tr. 167]. Tuy nhiên Nguỵ Khắc Đản không quá khích như một số nhà nho khác, như Vũ Phạm Khải đã phủ nhận văn minh công nghệ phương Tây: “Muốn giết Hạng Vũ, người ta không cần gươm của Hạng Vũ. Muốn bắn Hậu Nghệ, muốn phá Hung Nô, không cần ngựa tốt và tên độc của chúng, mà cần có binh pháp tốt và tướng Hán giỏi(5); Như Nguyễn Xuân Ôn, từ chối kỹ thuật của Pháp: “Trần Lê tự cổ hưng bình quốc, tằng hướng Dương nhân học kỹ phầu? = Các triều đại Trần Lê từ xưa xây dựng đất nước hưng thịnh yên ổn, đâu có cần học kỹ thuật của người phương Tây(6), nhưng quan điểm của ông ở chỗ này chưa được thức thời, canh tân như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ... là những người cùng thời với ông.

       2.2.2 Cách phiên âm các từ phương Tây:

       Tác phẩm Như Tây ký có một vấn đề rất đáng chú ý, đó là cách phiên âm các từ phương Tây ra tiếng Việt. Ngụy Khắc Đản nhận xét rằng tiếng Pháp là ngôn ngữ ghi âm [tr.1]. Do vậy ông dùng chữ Nôm trong mọi trường hợp để phiên âm thẳng từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, cố gắng đem lại cho người đọc một ấn tượng trung thực và chính xác về mặt ngôn ngữ. Nguyên tắc này, được tác giả dùng nhiều để phiên âm địa danh, nhân danh, các chức vụ hành chính, tên các tôn giáo nước ngoài: Ví dụ: Paris là Pha – ri , Louis là Lô - uy  鑪威, Sénateur là Xê - na – ti  蚩那絲. Để giúp người đọc dễ dàng nắm bắt và hình dung được cách đọc từ tiếng Pháp, ông đã sử dụng phép phiên thiết của Trung Quốc, ví dụ: “xê, xa đê thiết”, “gio, giang đo thiết”, “thôn, thường côn thiết”... Nếu như Phạm Phú Thứ vẫn còn sử dụng âm Hán Việt để ghi từ tiếng Pháp như Café là “đậu trà 豆茶”, thì Nguỵ Khắc Đản đã dùng luôn cách phiên âm tiếng Nôm để ghi lại: “gia – phi 茄批” cho người xem trước hết nắm bắt được âm đọc của từ này, rồi sau đó giải thích nghĩa của từ trong đoạn văn tiếp theo: “Gia phe là một loại đậu vậy, vị của nó đắng, cũng không phải là thổ sản ở đây, nhưng từ các nước Tây vực và Á - mỹ giá, vùng giữa A phi lợi gia mang sang bán, rang lên xong xay ra chắt lấy nước hoà với đường uống”. [tr. 156]. Cách ghi chép như vậy giúp người xem không chỉ đọc hiểu được Gia – phi là cái gì, mà còn có thể nghe hiểu được từ này. Có thể thấy rằng cách phiên âm tiếng Pháp của Ngụy Khắc Đản đã hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của lối phiên âm Hán Việt, gần gũi với cách phiên âm hiện đại, và giúp người đọc có được sự tiếp nhận ngôn ngữ dễ dàng và trực tiếp hơn.

       Tác phẩm Như Tây ký là công trình khảo cứu chuyên sâu về nước Pháp đầu tiên của một người Việt Nam, đánh dấu sự quan tâm của người Việt Nam đối với một đất nước cách xa hàng vạn dặm mà có nhiều quan hệ với Việt Nam. Điều này không chỉ thể hiện nhu cầu tìm hiểu về nước Pháp, mà còn là nhu cầu bức thiết của xã hội và thời đại lúc bấy giờ.

Chú thích:

(1) Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb. KHXH.H. 1993, tr. 849.

(2) Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH. H. 1993, T. III, tr. 98.

(3) Xem luận văn Thạc sĩ: “Giới thiệu tác phẩm Giá Viên biệt lục của Phạm Phú Thứ”, Chương II – Vấn đề văn bản của tác phẩm Giá Viên biệt lục.

(4)Mini stère, tức cơ quan Bộ

(5) Xem Đông Dương thi văn tuyển, Biện di luận. Nxb. KHXH.H. 1991.

(6) Nho sĩ Việt Nam trước cuộc xâm lược Pháp, tạp chí Xưa & Nay số 44, tr. 24.

*Các trích dẫn số trang trong “...” ở sách Như Tây ký, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.764.

Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.427-433

 

Danh mục website